1. Khái quát về văn hóa
Cũng như trường hợp tôn giáo, triết học, thẩm mỹ…, thật khó tìm một định nghĩa xác đáng cho văn hóa. Ở đây chúng tôi chỉ nêu một khái quát về ý nghĩa của văn hóa để từ đó nói lên một số nhận định về văn hóa Phật giáo và nêu vài ý kiến về việc bảo tồn, phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Trong ý nghĩa chung, văn hóa là một mẫu thức tập hợp kiến thức, tín ngưỡng và thái độ ứng xử của con người. Như thế, văn hóa bao gồm ngôn ngữ, tư tưởng, niềm tin, tập quán, luật tắc, thể chế, công cụ, kỹ thuật, nghệ thuật, nghi lễ và các thành tố liên hệ khác. Sự phát triển văn hóa tùy thuộc vào khả năng học tập và truyền đạt kiến thức từ thế hệ trước cho thế hệ sau.
Tùy theo từng trường phái tư tưởng, các nhà khoa học xã hội và nhân loại học đã nêu ra một số định nghĩa về văn hóa. Trong tác phẩm Văn hóa Sơ khai (1), nhà nhân loại học người Anh Edward Burnett Tylor đã định nghĩa văn hóa bao gồm tất cả mọi khả năng mà con người như là một thành viên của xã hội thu đạt được. Như vậy, văn hóa mang tính giao tiếp, tâm lý, cộng đồng, nói chung là tính xã hội. Mỗi vùng đất, xã hội thường có một nền văn hóa riêng, thường được gọi là một trong những hệ thống văn hóa xã hội (socio-cultural systems) vốn có ảnh hưởng qua lại với nhau. Mặt khác, mọi cách ứng xử, giá trị, niềm tin, tư tưởng của một cá nhân chịu ảnh hưởng rất lớn từ nền văn hóa nơi mà cá nhân ấy sinh sống cũng như chịu những ảnh hưởng nhất định từ các nền văn hóa ở nơi khác mà cá nhân ấy tiếp xúc thường xuyên.
Từ định nghĩa về văn hóa của Tylor ở thế kỷ 19 cho đến nay, theo UNESCO, có hơn 250 định nghĩa khác nhau, được sắp xếp từ “cách ứng xử có học thức”, đến “những ý niệm trong tâm trí”, “một cơ cấu tâm lý”, “một giả tưởng bằng thống kê”, “một cơ chế bảo vệ tâm lý”… Theo Kroeber và Kluckhohn cũng như nhiều nhà nhân loại học khác, văn hóa là một sự trừu tượng hay chuyên môn hơn, “một sự trừu tượng từ cách cư xử” (An abstraction from behavior). Quan điểm cho rằng văn hóa là một sự trừu tượng như thế gặp phải hai vấn nạn. Thứ nhất, người ta đòi hỏi một thực thể của văn hóa vì đã là trừu tượng thì không thể nhận biết được; thứ hai, phải chối bỏ sự hiện hữu của văn hóa một khi văn hóa ở bên ngòai hiện hữu và không có những sự vật, sự kiện thực sự thuộc thế giới bên ngoài thì nó là phi khoa học. Kroeber và Kluckhohn đã kết luận văn hóa là một sự trừu tượng với lý luận rằng nếu văn hóa là sự cư xử thì nó trở thành chủ đề cho tâm lý học. Từ đó hai ông kết luận rằng văn hóa là “một sự trừu tượng được suy diễn từ cách cư xử cụ thể nhưng chính nó không phải là sự cư xử”. Định nghĩa này xem ra chưa thỏa đáng vì người ta có thể hỏi rằng sự trừu tượng của một nghi lễ cầu siêu hay của một đại hồng chung là gì. Trong khảo luận Khái niệm về văn hóa (2), Leslie A. White đưa ra một cách giải quyết : Vấn đề thực sự không phải văn hóa là thực thể hay trừu tượng, mà vấn đề là bối cảnh của sự diễn dịch mang tính khoa học. Một sự vật hay sự kiện nếu được nhìn trong mối liên hệ với một người, chúng gây nên một phản ứng tâm lý, một thái độ cư xử; còn nếu chúng được nhìn trong mối liên hệ với nhau và với một số sự vật, sự kiện khác, chúng hình thành một ý nghĩa biểu tượng, chúng tạo thành văn hóa. Chuông mõ đối với một người Phật tử có thể là những khí cụ âm nhạc, khiến người ấy ưa thích, muốn sở hữu…, như thế là chúng gây nên một thái độ tâm lý. Nếu chúng được đặt trong mối liên hệ với nhau và liên hệ với chiêng, trống, hương, đèn, với lời kinh và nghi thức lễ lạc thì chúng tạo thành văn hóa. Do vậy, văn hóa là từ được đặt cho một nhóm sự vật hay sự kiện vốn tùy thuộc vào tính biểu tượng được xét trong một loại bối cảnh vượt ngoài sự can dự của con người. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn với tiền đề văn hoá là sản phẩm của con người, của xã hội loài người; nhưng ở đây muốn chỉ rõ rằng một khi một nhóm sự vật, sự kiện đã trở thành văn hóa thì chúng mang tính khách quan, khoa học, sự hiện hữu của chúng là hiển nhiên không thể bị chối bỏ cho đến khi chúng không còn liên hệ với nhau, không mang ý nghĩa hệ thống nữa.
2. Nhận định về văn hóa Phật giáo
Hiển nhiên, Phật giáo với lịch sử hình thành và phát triển trong hơn hai mươi lăm thế kỷ phải có một nền văn hóa với những giá trị mang tính nhân loại. Phật giáo Việt Nam với hơn hai ngàn năm lịch sử hẳn phải có một nền văn hóa với những thành tựu có tầm cỡ. Thật vậy, những thành tố văn hóa dân tộc như ngôn ngữ, tư tưởng, niềm tin, tập quán, văn học, nghệ thuật…, không đâu là không có dấu ấn Phật giáo. Trong suốt hai ngàn năm qua, Phật giáo đã hòa quyện vào lòng dân tộc, dung hợp với tín ngưỡng bản địa cũng như các tư tưởng khác, tham gia vào việc xây dựng và bảo vệ đất nước, từ đó hình thành cho mình một nền văn hóa phong phú, sinh động, đậm đà bản sắc dân tộc, có ảnh hưởng lớn lao đối với dân tộc đến nỗi có thể nói nền văn hóa Phật giáo là nền văn hóa dân tộc.
Phật giáo đến với nhân dân Việt Nam bằng con đường hòa bình, như một liều thuốc xoa dịu khổ đau. Từ khi mới du nhập, với tư tưởng giải thoát khỏi mọi khổ đau, được hiểu như là giải thoát khỏi ách nô lệ áp bức của phương Bắc, Phật giáo mang đến một niềm hy vọng, một ý chí tự chủ tự cường cho nhân dân. Với sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, Phật giáo đã có vị thế vững vàng và có sức lan tỏa mạnh, những công trình văn hóa Phật giáo phát triển không ngừng. Chùa chiền ngay từ buổi đầu không chỉ là những trung tâm sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, mà còn là cơ sở giáo dục, y tế, tư vấn về nhiều mặt trong đời sống xã hội… Nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc Phật giáo như trung tâm Luy Lâu, các tự viện, tượng đài… đã tạo nên những dấu ấn văn hóa sâu đậm trong lòng dân tộc. Các tác phẩm văn học đầu tiên của nước ta trước thế kỷ15 hầu hết đều mang nội dung Phật giáo v.v…
Học giả Đào Duy Anh đã nhận định về tầm quan trọng của Phật giáo trong mười thế kỷ đầu: “Hán học ở Trung Quốc truyền sang nước ta từ đầu thời kỳ Bắc thuộc, thế mà mãi đến thời kỳ Đinh, Lê (thế kỷ thứ 10) trong làng Nho học chưa thấy được người nào xuất sắc, mà chỉ trong Phật học mới thấy xuất hiện được những nhân tài giỏi. Như vậy thì ta có thể nói rằng trong lịch sử học thuật nước ta, thời đại ấy là thời đại Phật học độc thịnh.”(3)
Từ khi du nhập, trải một ngàn năm độc thịnh cho đến đời Đinh, Lê, bốn trăm năm cực thịnh trong đời Lý, Trần và phát triển không ngừng suốt sáu trăm năm cho đến ngày nay, hiển nhiên Phật giáo Việt Nam đã cống hiến cho dân tộc những thành quả văn hóa vô cùng quý báu.
3. Về việc bảo tồn, phát huy văn hóa Phật giáo Việt Nam
Nghiên cứu văn hóa Phật giáo là rất cần thiết trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa nước nhà; thế mà đến nay, kể cả trong giới Phật giáo, chưa có những công trình nghiên cứu một cách toàn diện về văn hóa Phật giáo Việt Nam, ngoài một số tác phẩm nghiên cứu từng phần hoặc trực tiếp hay liên quan, nhưng phần nhiều mang tính tự phát.
Văn hóa là sản phẩm của con người xã hội, mang tính xã hội và việc bảo tồn, phát huy văn hóa chủ yếu là do quần chúng nhân dân thực hiện. Trong thời đại mới, sự tiếp xúc, hội nhập giữa các nền văn minh, văn hóa là tất nhiên; nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để chọn lọc nhằm thâu nhận cái hay cái đẹp phù hợp với tính dân tộc, để có ý thức bảo tồn và phát huy văn hóa nước nhà. Sẽ rất mù mờ khi bảo rằng đưa văn hóa vào đời sống hay xã hội hóa văn hóa một khi văn hóa đã là sản phẩm của người đời, của con người xã hội. Trái lại, người làm công tác nghiên cứu văn hóa nên thâm nhập vào lòng xã hội để tìm cách làm nổi bật cái hay, cái đẹp của văn hóa qua lối sống, cách nhìn, tư duy, tình cảm, cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với xã hội và giữa con người với môi trường thiên nhiên.
Bảo vệ và phát huy văn hóa chính là nhằm xây dựng một nhận thức về một lối sống hiền thiện, về cái hay, cái đẹp của truyền thống và thận trọng với những thị hiếu nhất thời có thể gây nguy hại cho văn hóa dân tộc. Đây là công việc của tất cả mọi người, của các nhà trí thức, nhà đạo đức, tôn giáo, của chính quyền. Riêng trong Phật giáo, để thực hiện công việc này, theo chúng tôi, chúng ta cần lưu tâm đến một số điểm cơ bản sau đây:
- Tăng cường việc phổ biến giáo lý của Đức Phật, đặc biệt là đạo đức học Phật giáo.
- Bảo tồn các cơ sở, tự viện, di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật giáo.
- Khuyến khích việc giữ gìn và phát huy các tập tục tốt đẹp của người Phật tử (đến chùa, tham gia thực hiện các lễ lớn, ăn chay, thờ Phật, bố thí, phóng sinh…)
- Khuyến khích, nêu gương về nếp sống đẹp, các đức tính tốt (hòa thuận, hiếu để, từ bi, hỷ xả…)
Các phương tiện truyền thông đại chúng đều có thể đóng góp hữu hiệu cho việc bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo. Chúng tôi nghĩ, trước mắt các cơ quan thông tin Phật giáo cần nỗ lực chuyển tải những nội dung theo các điểm trên.
Báo chí Phật giáo muốn xã hội hóa, muốn phục vụ đạo pháp và dân tộc thì phải nghĩ đến quần chúng Phật tử và quần chúng nhân dân nói chung, phải đi sâu vào đời sống bình thường, phải được số đông cảm nhận. Ngoài những phần mang đậm nét Phật giáo, báo chí Phật giáo cần có nội dung phản ánh đời sống thường nhật, những rung cảm về cuộc sống đẹp đẽ, hiền thiện,… Ca ngợi cái đẹp tinh thần, các thái độ, hành xử thể hiện tâm hồn trong sáng, hiền thiện chính là góp phần vào việc bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc, đồng thời cũng là bảo tồn, xây dựng và phát huy văn hóa Phật giáo. “Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp”, với tinh thần đó, không phải nghiên cứu giáo lý, đạo đức Phật giáo, thông tin các Phật sự của Giáo hội,… mới gọi là Phật pháp. Được biết tại nhiều nơi trên thế giới và cả ở nước ta, từng xuất hiện những tờ báo của tôn giáo nhưng người đọc khó nhận ra tính chất tôn giáo trong đó, bởi nội dung dù luôn giữ đúng tôn chỉ của tôn giáo nhưng lại được thể hiện bằng những ngôn ngữ, hình ảnh rất đời thường. Do đó, chúng tôi nghĩ, nếu báo chí Phật giáo, nhất là những tờ báo chủ trương góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa Phật giáo thì nên thực hiện theo chiều hướng như vừa trình bày. Đó cũng là con đường mà tạp chí Văn hóa Phật giáo sẽ đi.
Võ Ðình Cường
(1) Primitive Culture, London, 1871.
(2) The concept of culture, 1959.
(3)Việt Nam văn hóa sử cương, NXB Bốn Phương, Sài gòn,1951, tr.234.