TÌM HIỂU VỀ GIỚI LUẬT (SÌLA) TRONG PHẬT GIÁO

Theo quan điểm Phật Giáo, trong tất cả loại hữu tình chúng sanh, con người luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển tâm linh (tu tập); vì thế, mục đích của Phật Giáo là nhắm vào đối tượng con người để hướng dẫn họ có một cuộc sống hoàn toàn chơn thiện mỹ, và trở thành người có nhân cách đạo đức hoàn thiện. Đồng thời, Phật Giáo luôn dạy cho họ phương cách làm thế nào để sửa đổi từ một con người có đức tánh xấu thành một con người có đức tánh tốt, từ đối tượng vô minh trở thành một đối tượng trí thức, từ một con người có tư tưởng tiêu cực-bi quan-thụ động-và xấu xa...trở thành con người có tư tưởng tích cực-lạc quan-năng động-và tốt đẹp.

Đạo đức Phật Giáo là lối sống luôn mang lại an lạc và hạnh phúc cho con người. Nó nêu bật vị trí quan trọng cao tột của con người và chứng minh rằng con người có khả năng đạt được chơn giá trị đạo đức tối thượng (giải thoát) nếu như vị ấy có đủ ý chí vàsự nổ lực tự thân . Đặc biệt, Đạo đức Phật Giáo là lối sống cao thượng dạy con người:

"Tránh làm các điều ác, tu tập các việc lành, giữ tâm ý trong sạch. Đó là lời dạy của chư Phật."
(To eschew all evils, to perform good actions, and to purify one’s mind. That is the teaching of the Buddhas) (1)

Sống đạo đức có nghĩa là sống phù hợp với việc làm thiện qua Thân-Khẩu-Ý (Tam nghiệp), sự tuân thủ giới luật (Sìla) là một trong những phương pháp đạo đức Phật giáo huấn luyện 3 nghiệp của con người loại trừ các phiền não nhiễm ô ở đời, và đạt được sự thanh tịnh về thân-khẩu-ý của chính mình:

" Người luôn thận trọng lời nói, khéo phòng hộ tâm, không phạm điều ác về thân, và giữ các phương pháp tu tập này thanh tịnh; sẽ chứng được đạo của Thánh nhân dạy."
(He who guards his speech, restrains his mind, commits no wrong by his body, and thus keeps these roads of action clean, will achieve the way taught by the wise) (2)

Bằng cách thực hành đúng đắn về giới được đức Phật thiết lập, hàng giả diệt trừ tất cả những phiền não lậu hoặc: Tham-Sân-Si, bẻ gãy những lạc thú trần tục, giải thoát tất cả mọi khổ đau, và đạt đến sự thanh tịnh 3 nghiệp (thân-khẩu-ý) cùng với tâm và tuệ giải thoát. Về phương diện thế gian, bất cứ xã hội hay một tổ chức đoàn thể nào (như: trường học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy...) muốn ổn định trật tự xã hội và hoạt động các công việc của đoàn thể một cách có hiệu qủa cao, xã hội hay đoàn thể đó phải tự ấn định cho riêng nó những quy tắc hay điều luật đối với kỷ luật tập thể. Mặt khác, muốn thực hiện cuộc cách mạng đạo đức xã hội và môi trường sống của con người, điều trước tiên là phải cải tạo tư tưởng đạo đức cá nhân qua phương pháp tu tập và sự thực hành giới. Điều này có nghĩa là nếu con người muốn cải cách lại nền đạo đức xã hội ngày càng trở nên tốt đẹp mà không có sự chuyển hóa đạo đức cá nhân bằng sự thạnh lọc thân-khẩu-ý trở nên thanh tịnh, cuộc cải cách đó chỉ là sự cải tạo hình thức bề ngoài mà thôi.

Theo lời dạy cơ bản của đức Phật, sự tu tập giới là một sự biểu lộ tình thương và lòng từ mẫn vô hạn đối với tất cả chúng sanh. Lòng từ bi của Phật giáo được biểu lộ không chỉ riêng đối với tất cả nhân loại mà còn được biểu hiện qua thái độ Bất Hại (Ahimsà) đối với tất cả loài thú vật và thảo mộc. Với từ ngữ " Bất hại" (Ahimsà) không có nghĩa là "không va chạm". Nó có nghĩa là " không tàn phá" và "không hủy diệt" . Đó là một thái độ truyền thống của đạo Phật được bắt nguồn từ lời dạy của đức Phật cách đây hơn 25 thế kỷ. Thái độ này được biểu hiện qua các nước Phật giáo bằng những phương pháp đặc biệt như là: trồng cây để che bóng mát ở hai bên đường, trồng các loại dược thảo khác nhau để chữa bệnh, xây dựng các bệnh viện dành cho người bệnh cũng như các trạm thú y dành cho thú vật,...dưới triều đại của vua A Dục vào khoảng 300 trước công nguyên (planting trees for shade on two road-sides, planting various kinds of medicinal trees for curing, and building hospitals for the humans as well as clinics for animals, ect..., under the reign of King Asoka - 300 BC) (3)

Đối với Phật giáo, con người thuộc về tự nhiên, vũ trụ được hình thành do các yếu tố nhân và duyên. Do đó, con người được bao gồm trong thiên nhiên và ngược lại. Nếu con người cố ý hủy hoại tự nhiên, điều đó có nghĩa là con người tự phá hủy chính mình. Vì con người và tự nhiên luôn ảnh hưởng qua lại và mối liên hệ lẫn nhau. Để chứng minh ý nghĩa này, nhà sinh thái học người Anh, ông A. MacFadyen đã phát biểu rằng: "Sinh thái học tự nó liên quan đến mối quan hệ qua lại giữa sinh vật sống, thảo mộc, hoặc loài động vật, và môi trường của chúng..." (Ecology concerns itself with the interrelationship of living organism, plants, or animals; and their environment...) (4)

Mặt khác, theo quan điểm Phật Giáo, sự đòi hỏi của con người tiếp xúc với thiên nhiên giống như những chú ong tiếp xúc với hoa; dù hút mật hoa, ong không bao giờ làm tổn hại hương sắc của hoa: "Như ong hút mật hoa , ra đi không làm hại hương và sắc, cũng vậy bậc Thánh đi vào làng" (As the bee collects honey from flowers and departs without doing any harm to their scent, so let a sage dwell in the village) (5) . Đó là nguyên tắc sống đạo đức đối với các hàng đệ tử Phật được biểu lộ bằng sự tuân thủ giới luật (Sìla).

http://farm4.static.flickr.com/3511/3465016182_4de8055780.jpg

Trước khi thực hành giới luật Phật Giáo, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu và nghiên cứu về giới luật (Sìla) trong Phật Giáo. Đó là đề tài mà người viết muốn giới thiệu đến với quý đọc giả.

I . NGUYÊN TỪ CỦA SÌLA (Etymology of Sìla) :

1. Định nghĩa về "Sìla":

Từ "Sìla" không có nghĩa là những điều luật, quy luật, hay những quy tắc... buộc con người phải tuân thủ như : trong nhà trường, cơ quan, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, hay ở các tôn giáo khác. Một vài học giả đã giải thích Sìla với ý nghĩa khác qua nhiều phương diện khác nhau như: Về phương diện quy tắc và lòng từ, "Sìla" có nghiã là: sự hướng dẫn về tư cách đạo đức (guide for behavior) (6); hoặc phép tắc để hành xử (rule for action) (7); hay có nghĩa khác là lời dạy, mệnh lệnh, sự ngăn cấm, quy luật,...v..v.. (precept, command, prohibition, dicipline, ect.) (8). Về phương diện đạo đức, "Sìla" có nghĩa là: giới hạnh (Virtue), như tác giả luận sư Buddhaghosa đã định nghĩa:

"Giới hạnh là gì? Đó là những trạng thái bắt đầu bằng sự hiện diện củ Tư tâm sở trong một con người xa lánh việc Sát Sanh (không giết hại chúng sanh), v.v...; hoặc trong con người thực hành viên mãn các học giới "
(What is Virtue? It is the states beginning with volition present in one who abstain from killing living-beings, etc., or in one who fulfils the practice of the duties) (9)
.

Đặc biệt, về phương diện tu tập, "Sìla" là từ ngữ của Pàli được hiểu theo nhiều nghĩa như: "việc thực hành đạo đức, đức tính tốt, đạo đức Phật giáo, và điều lệ về đạo đức" (moral practice, good character, Buddhist ethics, and code of morality) (10). Trong Từ Điển Sanskrit-Anh, nó được định nghĩa như sau:

"Theo từ ngữ Phật học Sanskrit, Sìla được giải thích là phong cách cư xử theo đạo đức, là một trong 6 hoặc 10 pháp Ba-la-mật; hoặc được giải thích là giới điều về đạo đức. Theo Phật giáo, có 5 giới hay còn gọi là 5 phép tắc cơ bản về phong cách đạo đức"
(According to Sanskrit word of Buddhist "
Sìla", it is explained as ‘Moral Conduct’, is one of the six or ten perfection or Pàramitàs ; or ‘Moral Precept’. With Buddhism, there are five fundamental precepts or rules of moral conduct) (11).

Theo quan điểm người viết, mặc dù từ "Sìla" thuộc Pàli và từ "Sìla" thuộc Sanskrit có phần khác nhau một chút về hình thức dấu, chúng có cùng một nghĩa tương đồng và luôn nhấn mạnh về phương cách thực hành và ứng dụng về Sìla trong cuộc sống con người, hầu mang đến cho họ một lối sống hoàn toàn chơn thiện mỹ với niềm vô biên an lạc và hạnh phúc tối thượng. Theo quan điểm Phật giáo, Sìla bao gồm 2 nghĩa: giới điều về đạo đức (theo phương diện đạo đức), và phong cách cư xử về đạo đức (theo phương diện tu tập). Với nghĩa đầu tiên, nó được xuất phát từ lời dạy của đức Phật khuyên con người: tránh ác làm lành, tu tập thân-khẩu-ý thanh tịnh, diệt trừ tất cả những phiền não tham-sân-si đưa đến sự an lạc giải thoát cho chính mình. Với nghĩa thứ hai, không những nó khuyên con người qúy mến nhau, thương yêu nhau, thông cảm cho nhau, đoàn kết và giúp đở nhau; mà còn hướng dẫn con người làm thế nào để tu tập Sìla (Giới) thích nghi với mọi tình huống xã hội hầu mang lại lợi ích, an vui và hạnh phúc thật sự cho mình và người. Đây chính là ý nghĩa Sìla tích cực và năng động trong giới Phật giáo. Ý nghĩa Sìla như thế mới có thể đóng góp vai trò quan trọng của nó về phương diện đạo đức trong cuộc sống con người và cộng đồng xã hội ngày nay.

2. Những điều luật của Sìla:

Như chúng ta biết rằng, cuộc sống của các hàng đệ tử phật trong 5 chúng, như là: Tỳ-kheo (Bhikkhus), Tỳ-kheo-ni (Bhikkhunìs), Sa-di (Sràmaneras), Phật tử Nam (Upàsakas), Phật tử Nữ (Upàsikas), được tuân thủ những giới điều của Phật giáo. Nền tảng cội nguồn của những quy điều này truyền đến thế hệ chúng ta từ một hình thức rất sớm với tên gọi là Ba-la-đề-mộc-xoa (Pàtimokkha), và được tập hợp lại từ những quy điều tự viện khác nhau được bao gồm trong Luật Tạng (Vinaya Pitaka).

Ba-la-đề-mộc-xoa có 2 phần : một dành cho Tỳ-kheo bao gồm 227 giới (12), và một dành cho Tỳ-kheo-ni bao gồm 311 giới (13). Mặt khác, Ba-la-đề-mộc-xoa được phân chia thành 8 loại tội lớn nhỏ khác nhau dành cho Tỳ kheo, và 7 loại tội cho Tỳ-kheo-ni (vì không có 2 pháp Bất Định -Aniyatà) được trình bày tóm tắt như sau:

Số tt

Các loại giới

Tỳ-kheo

Tỳ-kheo-ni

1

Ba-la-di (Pàràjika: Defeat Rules)

4

8

2

Tăng Tàn (Sanghàdisesa: Formal MeetingRules)

13

17

3

Bất Định (Aniyatà: Undetermined Rules)

2

-

4

Xã đọa (Nissaggiyà Pàcittiya: Forfeiture Rules)

30

30

5

Tội Đọa (Pàcittiya: Expiation Rules)

92

166

6

Hướng Bỉ Hối (Pàtidesaniyà: Confession Rules)

4

8

7

Chúng Học (Sekhiya: Training Rules)

75

75

8

Diệt Tránh (Adhikarana Samatha: Legal Question Rules)

7

7

 

Tổng Cộng

227

311

Đó là phần giới Pàtimokkha dành cho Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Tiếp theo là phần 10 giới dành cho vị Sa-di (Sàmanera), đó là tránh xa :

1. Việc sát sanh (Destroying life)
2. Việc trộm cắp (Stealing)
3. Việc tà dâm (Impurity)
4. Việc nói dối (Lying)
5. Việc uống các chất say và rượu mạnh (Arrack and strong drink and intoxicating liquors)
6. Việc ăn phi thời (Eating at forbidden times)
7. Việc ca múa hát xướng và xem nghe (Dancing, singing music and seeing spectacles)
8. Việc đeo tràng hoa thơm và thoa phấn sáp (Garlands, scent, unguents, ornaments, and finery)
9. Việc xử dụng giường cao và rộng lớn (The use of the high or broad beds)
10. Việc cầm giữ vàng bạc (Accepting gold and silver) (14).

Trong sự liên hệ về 10 giới này, tác giả H. Kern đã đề cập về Sìla trong cách diễn đạt khác. Ông viết: "Tất cả 10 giới này buộc các thành viên trong Tăng đoàn tuân thủ, 5 giới đầu dành cho Phật tử là tránh xa: (1) việc sát sanh, (2) trộm cắp, (3) tà dâm, (4) nói dối, (5) dùng các chất say; 5 giới sau tránh xa: (6) ăn phi thời, (7) tham gia vào các trò chơi giải trí ở đời, (8) dùng phấn sáp và hương thơm, (9) nằm giường trang sức và rộng lớn, (10) giữ tiền bạc." (15)

Về phương diện khác, một số sách đã được các tác giả đề cập về 10 giới theo một trật tự khác, ví dụ như: trong quyển "Đạo Đức Phật Giáo" của tác giả H. Saddhàtissa, ông ta đã đổi lại vị trí của giới thứ 8 sang vị trí của giới thứ 9 và ngược lại (16). Hay trong sách giáo khoa "A Study of the Sphutàrthà Srighanacarasangraha Tika" của Giáo sư Sanghasen Singh, ông ấy đã sắp xếp vị trí của giới thứ 6 sang vị trí của giới thứ 9 và ngược lại. (17)

Chúng ta thấy rằng, tùy theo căn cơ cao thấp của con người mà đức Phật thiết lập ra các giới điều theo mỗi mức độ khác nhau, nhằm giúp con người dễ dàng tu tập tâm thanh tịnh trên con đường tu tập phát triển tâm linh. Mặc khác, dù giới luật (Sìla) có phân chia thành nhiều loại khác nhau, 5 giới đầu và 10 giới đầu vẫn là những giới căn bản và chủ yếu cho tất cả mọi người khi tu tập đạo đức tâm linh; những giới khác được hệ thống hóa một cách chi tiết từ những 10 giới căn bản này. Đăc biệt, 5 giới đầu là nền tảng cơ bản đạo đức chủ yếu trong sự tu tập không những cho tất cả qúy vị Phật tử, mà còn cho tất cả mọi người trong xã hội nếu họ muốn tìm một cuộc sống an lạc và hạnh phúc thực sự, muốn thiết lập một xã hội có trật tự, và muốn xây dựng một thế giới hòa bình. Đó là nền đạo đức luân lý cơ bản được đức Phật thiết lập và hướng dẫn cho con người tu tập đạo đức tâm linh với mục đích vì an lạc và hạnh phúc cho mọi người trong cuộc sống hiện tại cũng như ở tương lai.

II. KHÁI NIỆM VÀ HIỆU LỰC CỦA SÌLA (Concept and Effect of Sìla)

1. Khái niệm về Sìla:

Khi đề cập đến Sìla, đầu tiên chúng ta cần nhận thức đúng đắn về khái niệm của Sìla. Như được đề cập về Sìla trong phần đầu giới thiệu, Sìla không có nghĩa là những điều lệ hay những quy tắc như ở: trường lớp, cơ quan, xã hội, hay các tổ chức đoàn thể..., nó cũng không có nghĩa là: chấm dứt, hay ngăn cấm các hành vi bất thiện như cắt đứt cây cỏ thảo mộc... Sự tuân thủ Sìla trong đạo Phật nhằm vào ý thức đạo đức cá nhân hầu giúp con người giải thoát tất cả những phiền não ô nhiễm và khổ đau ở đời, mang lại cho họ một cuộc sống hoàn toàn chơn thiện mỹ.

Đức Phật, Ngài nhận rõ hoàn toàn sự đau khổ con người bắt nguồn từ cội gốc phiền não Tham-Sân-Si; vì thế, Ngài đã dùng phương tiện khéo léo bằng cách thiết lập các giới điều về đạo đức cho con người tu tập ý thức cá nhân, và mang lại cho họ sự an vui, hạnh phúc và giải thoát tâm. Từ quan điểm này, chúng ta nhận thấy Sìla trong Phật giáo được bắt nguồn từ sự đau khổ của con người, nó chỉ là phương tiện cho con người nương theo để tu tập thoát khỏi mọi khổ đau khi con người vẫn còn đau khổ. Vì vậy, đứng trên phương diện giải thoát mà nói, sự tuân thủ giới không là cái gì cả, nó chỉ là phương tiện tạm thời để gíup con người thoát khỏi mọi khổ đau. Từ đây, ta có thể nói rằng: Giới (Sìla) là cội gốc của sự Giác ngộ, là nền tảng của Niết bàn, là chiếc bè đưa người qua bể khổ, là chiếc cầu nối liền với bờ Giải thoát.

Mặt khác, sự thực hành Giới (Sìla) có nghĩa là dạy con người làm thế nào để tu tập đạo đức cá nhân, làm thế nào để nhận rõ và thông cảm nổi khổ của con người như của chính mình. Hiểu được khái niệm này, hành giả không những tu tập đạo đức chính mình mà còn không gây đau khổ cho mình và người khác trong cuộc sống cộng đồng xã hội.

Từ sự giải thích ở trên về khái niệm giới, chúng ta hiểu được rằng: Giới trong Phật giáo là nhằm vào sự giải thoát phiền não và sự tu tập đạo đức cá nhân của con người; do đó, sự tuân thủ giới luật (Sìla) trong Phật giáo mang lối thực hành mới mẽ, năng động và tích cực đối với mọi người, mọi xã hội, và mọi thời gian vì tính chất giải thoát của nó. Đó là khái niệm đúng đắn về Giới (Sìla) trong Phật giáo được trình bày như trên.

2. Hiệu lực của Sìla:

Khi nghiên cứu về Phật pháp, chúng ta nhận thấy lời dạy của đức Phật luôn khuyên con người: tu tập đạo đức cánhân, cư xử với nhau bằng tấm lòng nhân ái và vị tha, sống với sự bình đẳng-bác ái-độ lượng-và khoan dung, không làm đau khổ cho mình và người, xa lánh những phiền não và lạc thú ở đời bằng sự tu tập Giới hầu giải thoát khổ đau và đạt được chơn hạnh phúc tối thượng. Hơn nữa, sự tuân thủ giới luật trợ giúp con người phát huy lốisống mẫu mực, thành tựu ý thức đạo đức cá nhân, và đưa con người đến sự an lạc hạnh phúc và giải thoát giác ngộ. Đặc biệt, giới Phật giáo dạy con người nhận thức đúng đắng về phong cách cư xử đạo đức trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy và trò, giữa chồng và vợ, giữa chủ và tôi tớ, và giữa tình bạn với nhau như :

a. Giữa cha mẹ và con cái (18)

Đức Phật đã xác định và nhấn mạnh về mối liên hệ của gia đình bằng cách khuyến khích tất cả mọi người nên duy trì mối quan hệ ràng buột gia đình với nhau , sống với nhau bằng sự tôn trọng nhân cách và được thể hiện qua trách nhiệm và bổn phận của mình trong gia đình. Ngài đã đưa ra 5 điều giới mà người con cần phải tuân thủ:

* Cấp dưỡng cho cha mẹ (Supporting his parets now).
* Thực hiện trách nhiệm và bổn phận của mình đối với cha mẹ (Performing duties incumbent on them).
* Duy trì nòi giống và truyền thống của gia đình (Keeping up the lineage and tradition of the family).
* Làm tròn công việc ma chay đối với người đã khuất (Making gifts in due course to the dead).

Ngược lại, cha mẹ phải đối xử với con cái theo 5 điều:

* Ngăn cản con cái làm những hành động bất chính (Restraining him from evil action).
* Khuyến khích con cái làm những việc có đạo đức (Exhorting him to virtue).
* Hướng dẫn cho con cái có nghề nghiệp ổn định (Training him to a profession).
* Sắp xếp việc cưới hỏi thích hợp cho con cái (Arranging a suitable marriage for him).
* Trao cho con di sản thừa kế đúng lúc (In due time, handing over his inheritance)

b. Giữa Thầy và trò (19)

Mối quan hệ giữa thầy và trò được đánh giá rất cao trong Phật giáo. Đức Phật dạy 5 cách được ứng dụng cho học trò đối với Thầy:

* Đứng dậy chào Thầy (Rising from his seat in salutation).
* Hầu Thầy (Waiting upon the teacher).
* Ham học (Desiring to learn).
* Chăm sóc thầy chu đáo (Rendering him personal service).
* Chú tâm mỗi khi nghe lời dạy của Thầy (Paying attention when receiving the teacher’s teachings).

Ngược lại 5 cách này, Thầy giáo phải có 5 bổn phận đối với học trò:

* Dạy học trò những điều mà Thầy đã được huấn luyện (Training the pupil in that wherein the teacher has been trained).
* Làm cho học trò nắm chắc những điều đã được học (Making the pupil hold fast that, which is well held).
* Dạy bảo học trò hết lòng bằng kiến thức khéo léo của mình (Thoroughly instructing the pupil in the lore of every art).
* Nói tốt cho học trò giữa những người bạn và đồng nghiệp (Speaking well of the pupil among his friends and companies).
* Bảo vệ sự an toàn cho học trò trong mỗi phương diện (Providing for his safety in every quarter).

c. Bổn phận chồng đối với vợ

Để giữ được cuộc sống hạnh phúc gia đình giữa chồng và vợ được lâu dài, Đức Phật dạy 5 bổn phận của người chồng đối với vợ:

* Tôn trọng nhau (Respect).
* Lịch sự nhã nhặn với nhau (Courtesy).
* Trung thành (Faithfulness).
* Tôn trọng quyền làm vợ (Hand over authority to her).
* Cung cấp cho vợ những vật trang sức cần thiết (Providing her with necessary adornment).

Ngược lại, vợ cũng phải biểu hiện 5 bổn phận của mình đối với chồng:

* Thể hiện tốt trách nhiệm của mình đối với chồng (Well performing her duties).
* Biểu hiện lòng mến khách đối với dòng dõi giữa 2 gia đình (Showing her hospitality to the kin of both families).
* Trung thành (Faithfulness).
* Giữ gìn kỷ lưỡng tài sản của chồng (Well watching over the husband’s wealth)
* Khéo léo và linh động thực hiện các việc kinh doanh. (Skill and industry in discharging all her bussiness).

d. Bạn bè với nhau (21)

Trong phần này, đức Phật đãđưa ra 5 phương pháp để cư xử trong tình bạn. Vị ấy phải tự mình làm tròn trách nhiệm của mình đối với bạn theo 5 điều:

* Rộng lượng với bạn (Generosity).
* Nhã nhặn với bạn của mình (Courtesy).
* Có lòng nhân từ (Benevolence).
* Cư xử với bạn giống như cư xử với chính mình (Treating them as he treats himself).
* Nói lời tốt đẹp (Being as good as his word).

Ngược lại, người bạn của vị ấy cũng đáp lại cho vị ấy theo 5 cách:

* Bảo vệ bạn khi bạn không kịp đề phòng (Protecting him when he is off his guard).
* Giữ gìn của cải cho bạn (Guarding his property).
* Là nơi nương tựa cho bạn trong lúc nguy hiểm (Becoming a refuge in danger).
* Không từ bỏ bạn trong lúc khó khăn (Not forsaking him in his family).
* Quan tâm đến gia đình của bạn (Showing consideration for his family).

e. Bổn phận giữa chủ đối với đầy tớ (22)

Đức Phật dạy người chủ phải cư xử với người đầy tớ của mình theo 5 cách:

* Phân công việc phải tùy theo sức khẻo và khả năng của đầy tớ (Assigning their work according to their strength and capabilities).
* Cung cấp đầy đủ thức ăn và lương bổng cho họ (Supplying them with food and wages).
* Chăm sóc họ khi bệnh hoạn (Looking after them in sickness).
* Thỉnh thoảng chia sẽ cho họ những món ăn ngon (Sharing withthem occasional delicacies).
* Cho phép họ nghỉ ngơi đúng lúc (Granting leave at time).

Ngược lại, người tớ phải thể hiện 5 bổn phận trách nhiệm của mìng đối với chủ như:

* Thức dậy trước người chủ của mình (Rising before the owner).
* Đi ngủ sau chủ của mình (Going to rest after the owner).
* Bằng lòng với công việc được giao (Contenting themselves with what is given to them).
* Làm việc hết lòng (Well working).
* Làm tốt thanh danh của chủ (Establishing a good reputation for the owner).

Đặc biệt đối với Tăng-ni, bằng sự tuân thủ giới tiểu-trung và giới đại , vị ấy thận trọng những hành vi thiện trong lời nói và việc làm của mình. Sống trong sạch, phẩm hạnh tốt, phòng hộ các căn, vị ấy chánh niệm tĩnh giác. Vị ấy đạt được sự thanh tịnh về thân-khẩu-ý (By the observance of Sìla with the Culla Sìla (Minor Precepts, Majjhima Sìla (Medium Precepts), and Maha Sìla (Major Precepts), one encompasses himself with good deeds in act and word. Pure are his means of livelihood, good is his conduct, guarded the door of his senses, he is mindful and seft-possessed. He attains the purification of body-speech-and mind) (23). Với sự hòan hảo giới hạnh, vị ấy tẩy trừ tâm tham ái, ác ý, yếu ớt và biếng nhác, trạo cử và hối tiếc, và tâm nghi ngờ (with fulfilment of moral conduct, he purifies his mind of lusts, of malevolence, of weakness and of sloth, of flurry and reget, and of doubt) (24). Khi 5 phiền não đã được tẩy trừ, tâm vị ấy an tịnh chứng và trú vào Tứ thiền. Sau đó, tâm vị ấy hướng đến Thắng trí, và chứng đắc Tam minh và Lục thông. Đây là kết quả dị thục của đời sống Sa môn trong cuộc đời.

Từ vấn đề được đề cập ở trên, chúng ta có thể nói rằng: sự tuân thủ giới là nhằm vào sự tẩy trừ những hành vi bất thiện, xây dựng một con người đạo đức và gương mẫu trong xã hội, hình thành một xã hội hòa bình và hạnh phúc cho con người. Đây là nguyên tắc đạo đức cơ bản được đức Phật thiết lập vì an lạc hạnh phúc và giải thoát cho mình và người trong cuộc sống hiện tại cũng như trong tương lai.

3. Sự tu tập Giới (Sìla):

Trước khi đề cập về sự tu tập giới, chúng ta không quên đề cập đến công năng và nhiệm vụ của nó. Nhiệm vụ của giới gồm có 2 nghĩa: hành động để chấm dứt tà hạnh và thành tựu đức không lỗi nơi người có giới. Bởi thế khi gọi là Giới, cần hiểu rằng nó có nhiệm vụ chặn đứng các tà hạnh là nhiệm vụ của nó theo nghĩa hành động, và bản chất không lỗi kể như nhiệm vụ của nó trong nghĩa thành tựu. Vì ở đây, chính hành động hoặc sự thành tựu được gọi là nhiệm vụ. Còn công năng và lợi ích của việc trì giới là "phòng phi chỉ ác" (tức là ngăn chặn những việc làm sai trái và đình chỉ các việc ác). Chính nhờ hành trì đúng đắn các giới điều đức Phật chế ra, hành giả đạt được sự thanh tịnh về thân-khẩu-ý và đạt được sự vô uý.

Theo quan điểm của đạo Phật, Giới được đặt trên nền tảng tình yêu thương rộng lớn và lòng thương xót đối với tất cả chúng sanh. Vì thế, muốn thành tựu giới trọn vẹn, chúng ta cần phải sống với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt. Nhờ vậy, 3 nghiệp được thanh tịnh:

"Thân khẩu ý thanh tịnh, thị danh Phật xuất thế
Thân khẩu ý bất tịnh, thị danh Phật diệt độ"

Thân khẩu ý thanh tịnh tức là: thân tránh xa những điều xấu ác như sát sanh-trộm cắp-tà dâm...; miệng không nói dối, nói 2 lưỡi, nói lời độc ác...; ý không móng khởi lên tham-sân-si và tà kiến. Trong khi thực hành giới , chúng ta cần nhất phải giữ gìn thân và miệng bề ngoài cho đúng với giới luật thì tâm trí bên trong mới được trong sạch. Trong và ngoài đều trong sạch, tức nhiên dung nhiếp nhau từ chỗ mê đến chỗ ngộ. Muốn đạt đến chỗ ngộ , hành giả cần phải hướng về những giới điều như : nhiếp luật giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới (Tam Tụ Tịnh Giới) ... Nếu thực hành đúng Giới học như trên, tức nhiên thân tâm giải thoát được mọi sự ràng buộc và không sanh khởi những hành vi bất thiện. Nhờ có sức mạnh của việc trì giới, chúng ta có thể vượt lên sư chi phối của ngoại cảnh, của nội tâm; hầu tìm đến sự an tịnh cho chính mình ngay trong cuộc đời.

Trong thời đại hiện nay, người đệ tử Phật (nói chung) và Tăng - Ni trẻ (nói riêng) cần phải tu tập giới như thế nào để hoà hợp với cuộc đời khi chúng ta thực hiện nhiệm vụ "Truyền trì đạo mạch" của đức Thế Tôn?

Trong kinh Kim cang, có câu:

"Nhất thiết hữu vi pháp, Như mộng , huyễn, bào ảnh,
Như lộ diệc như điển, Ưng tác như thị quán".

Thật vậy, vạn vật trên cuộc đời này đều do các duyên hoà hợp mà sinh khởi và hoại diệt khi duyên tan rã. Các pháp đều không trường tồn, luôn sanh diệt diệt sanh, sanh sanh diệt diệt, sanh để rồi diệt, diệt để rồi sanh ... cứ như thế luôn đổi thay biến hoá từ tình trạng này sang tình trạng khác. Chúng như chiêm bao, như huyễn hoá, như bọ bào, như bóng nắng, sương mai, như điện chớp ... nên gọi là vô thường, giả tạm, không thật có ... Người học cần phải biết phân biệt như vậy mà quán sát rằng : con người do Thất đại (Địa, Thủy, Hoả, Phong, Không, Kiến, Thức) giả hợp mà thành. Hay nói khác, do duyên của 5 Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức) giả hợp mà thành một con người, mọi sự vật trên cuộc đời đều do Tứ Đại (Đất, Nước, Gió, Lửa) giả tác thành mà hiện hữu. Tất cả luôn bị sức búa của thời gian tàn phá, tiêu diệt và hủy hoại theo quy luật tất yếu của cuộc sống. Dòng đời luôn vận chuyển theo thời gian mà thay đổi, sanh diệt và không bao giờ đứng yên một chổ. Mọi thứ trên cuộc đời đều phải vận động để tiến hoá, đấu tranh để sinh tồn. Vì vậy Đức Phật đã từng nói : "Tất cả những lời dạy của Ngài như ngón tay chỉ mặt trăng". Chúng ta chớ lầm tưởng ngón tay là cứu cánh, nó chỉ là "phương tiện" để chỉ cho mọi người hướng đến mặt trăng mà thôi! Mọi giáo điều của Ngài chỉ là phương tiện để giúp cho con người nương theo đó vượt thoát mọi khổ đau, hầu hướng đến sự an lạc giải thoát cho chính mình. Cũng vậy, giáo điều của Phật chỉ tạm chế ra khi có người trong Tăng đoàn phạm lỗi , nếu không ai có lỗi thì Ngài không chế. Do đó, giới điều của Phật chỉ là phương tiện làm cho con người thuần thục về tư tưởng, về lối sống và ứng xử với nhau một cách tốt đẹp. Nếu con người vốn thuần thục trong giới, họ trở thành những người mẫu mực, chân chánh, thân tâm luôn thanh tịnh thì cần gì phải giữ gìn giới điều. Khi cây chưa bén rễ, chúng ta cần phải có hàng rào (giới) để ngăn cản loài chó, gà không bươi phá. Khi nó bén rễ, phát triển cao lớn, cành lá sum xuê thì dù cho không có hàng rào chăng nữa, gà chó cũng chẳng làm tổn ại gì đến cây.

Trong tạng kinh Phật giáo đức Phật có đề cập đến 5 sự lợi ích cho người trì giới và sống đúng giới luật:

a. Tiền của dồi dào qua công việc làm đứng đắn (Acquirement of great wealth through his industry and of strong rectitude).

b. Tiếng lành đồn xa (Good report of him are spread aboard).

c. Khi vào trong bất kỳ hội chúng nào, hoặc xã hội, hoặc giới thượng lưu, hoặc giới Bà la môn, hoặc gia chủ, hoặc những thành viên trong cộng đồng tôn giáo (Sa môn) ... tâm vị ấy không sợ hãi và bối rối. (His entering into whatever society, Nobles, Brahmins, Householders, or members of a religious order,etc., with his confident and self-possessed mind.).

d. Chết không sợ hãi (Death without anxiety).

e. Sau khi chết, vị ấy được thác sanh vào cõi thiên giới (Rebirth into some happy state in heaven after death). (25)

Và ngược lại, đức Phật cũng đề cập 5 sự hãm hại và mối nguy hiểm đến với những ai không tuân thủ giới :

a. Tài sản bị hao hụt (Falling from great property through sloth and devoid of rectitude).

b. Tiếng ác đồn xa (His evil repute gets noised abroad).

c.Khi vào trong bất kỳ hội chúng nào, hoặc xã hội, hoặc giới thượng lưu, hoặc giới Bà la môn, hoặc gia chủ, hoặc những thành viên trong cộng đồng tôn giáo (Sa môn) ... tâm vị ấy luôn sợ hãi và bối rối. (His entering into whatever society, Nobles, Brahmins, Householders, or men of a religious order,etc., with shy and confused mind).

d. Chết với tâm đầy sợ hãi (Death with full anxiety).

e. Sau khi chết, vị ấy bị thác sanh vào cõi ác thú (Rebirth into some unhappy state of suffering or woe after death). (26)

Nói tóm lại, người Tăng Ni trẻ chúng ta sống trong một thời đại văn minh tiến bộ, cần phải hiểu biết thâm sâu về sự tu tập giới. Chúng ta không nên đóng kín những giới điều của Phật trong một khuôn mẫu nhất định mà phải dùng trí quán sát "Tuỳ Duyên Bất Biến" trong khi tu tập. Dẫu biết rằng giới là nền tảng của trí tuệ, là thềm thang của sự giải thoát, là cửa ngõ của Niết Bàn; song chúng ta phải biết thực hành giới trong từng hoàn cảnh, tình huống khác nhau khi tu tập; miễn là tâm hồn định tĩnh, không tham đắm với ngoại cảnh xung quanh. Giống như cây to lớn phải nảy cành thay lá nhưng không bao giờ rời gốc của nó. Chúng ta cũng vậy, luôn uyển chuyển về sự tu tập giới trong từng hoàn cảnh thích hợp với mình không nên quá khắc khe hoặc phóng khoáng trong việc tu tập giới. Chủ yếu là làm sao thân tâm chúng ta được an tịnh, tướng mạo đoan trang trong một thái độ thoải mái, lịch lãm. Có như vậy, ta mới hoà nhập vào lối sống cuộc đời một cách dễ dàng khi hoá độ. Tinh thần này đã được các vị thiền sư, tổ sư vận dụng nó làm "kim chỉ nam" trong qúa trình hành đạo, cũng như ngài Tùng Thẩm Pháp sư vì muốn khai ngộ cho đệ tử mà tự tay mình bóp chết con mèo trước mặt các hàng đệ tử với một tâm trạng lắng đọng vô tư; như vậy đối với ngài có sát sanh chăng? Ngài Thiền Lão Thiền sư làm cố vấn, ngài Thảo Đường làm quốc sư, ngài Đỗ Thuận Thiền sư được vua Lê Đại Hành mời vào cung bàn luận việc chính trị ngoại giao của nước nhà ... Như vậy, các ngài đã tham đắm danh lợi, hoặc mất tính chất một tu sĩ, hay phá giới chăng?

Là đời hậu tấn, chúng ta phải noi theo tinh thần của các vị tiền bối, luôn "phóng khoáng" trong một "trật tự nề nếp" khi tu học giới mà không chấp chặt ở một giới điều nào cả. Điều quan trọng nhất là luôn duy trì và giữ vững thân tâm mình được thanh tịnh, an lạc; chánh niệm tĩnh giác trong khi đi-đứng-nằm-ngồi-nói năng-cư xử ... một cách lịch thiệp, ôn hoà và nhã nhặn. Như vậy, ta đã biết tực hành giới một cách trọn vẹn. Chúng ta đừng qua niệm rằng: giữ giới tức là mắt thấy sắc không nhìn, tai không dám nghe tiếng, mũi không dám ngửi mùi hương, lưỡi không chịu nếm hương vị, thân không dám va chạm, ý không dám suy nghĩ; đó là những người giữ giới theo sự cố chấp trong từng giới điều. Là con người, lẽ dĩ nhiên chúng ta luôn cần những món ăn vật chất để nuôi cơ thể và những cuộc vui giải trí hầu làm thoải mãn tinh thần của con người khi mệt mỏi. Song, là một tu sĩ Phật giáo, chúng ta phải ăn uống như thế nào để khỏi bị bội thực; tiếp xúc với ngoại cảnh như thế nào hầu không bị ô nhiễm, tham đắm và đừng để mọi người chê bai. Đó mới là người biết sống, biết tu trì giới luật trọn vẹn của Phật. Đạo Phật chúng ta luôn luôn hoà mình vào cuộc đời, mãi mãi là bông sen mang hương thơm đến cho đời và mọi người mà không bị tổn hại đến hương sen. Vì vậy, hoa sen là một hình ảnh tượng trưng cho tinh thần nhập thế của Đạo Phật, tượng trưng một lối sống "tuỳ duyên bất biến" của người tu sĩ trong thời hiện đại với sứ mạng :

* "Truyền trì đạo mạch, tục diệm truyền đăng, xiển dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh, báo Phật ân đức" trên tinh thần "Đạo pháp - Dân tộc".

* "Hương Chiên đàn Già la - Hương Sen và Vũ quý,
Ngần ấy loại hương vị - Không sánh bằng Giới hương"

(Sandalwood or Tagara, a lotus flower or a vasiki,
Among these kinds of perfume, the perfume of virtue is unsurpassed) (27)

Hay:

* "Ít giá trị hương này - Hương già-la, chiên đàn,
Chỉ hương người đức hạnh - Tối thượng toả thiên giới"

(Scanty is the scent that comes from Tagara and sandalwood
but the perfume of those who possess virtue rises up to the gods as the highest.) (28)

III. KẾT LUẬN (Conclusion):

Đề tài : "Tìm hiểu về Giới Luật (SìLa) trong Phật giáo" là một phần nhỏ trong phạm vi Tạng luật Phật giáo, vì thế theo phạm vi của đề tài, người viết không thể diễn đạt toàn bộ Tạng luật một cách chi tiết, mà chỉ đề cập một phần nhỏ trong phần luật mà thôi. Đó là sự nghiên cứu về nguyên từ Sìla (định nghĩa và giới thiệu các giới điều của Sìla), cũng như đề cập đến khái niệm và hiệu lực của Sìla trong sự tu tập .

Như trên đã đề cập, Sìla của Phật giáo luôn dựa trên đạo đức (morality) và lòng từ (compassion). Sự tuân thủ giới luật (Sìla) là nhằm vào sự tu tập ý thức đạo đức cá nhân hầu làm cho con người thoát khỏi mọi khổ đau ở đời. Vì thế, đức Phật đã sử dụng nhiều phương tiện thiện xảo bằng cách tạm thiết lập các giới điều cho các đệ tử tuân hành hầu mang lại sự an lạc và hạnh phúc cho con người.

Mặt khác, Sìla của Phật giáo được bắt nguồn từ nỗi đau khổ của con người. Có nghĩa là sự tuân thủ giới luật (Sìla) không là gì cả; nó chỉ là những phương tiện tạm thời hầu giải thoát con người từ những phiền não vô minh và tham ái, đạt được sự thanh tịnh thân và tâm (giác ngộ giải thoát) .

Sống trong thời đại văn minh tiến bộ, chúng ta cần phải hiểu và thực hành giới (sìla) một cách chính xác trong khi tu tập. Có nghĩa là chúng ta không nên cố chấp vào những giới điều của Phật như là một khuôn khổ ấn định không bao giờ thay đổi, mà hãy quan sát nó bằng trí tuệ sâu xa của chính mình trong khi tu tập giới. Mặc dù Sìla là nền tảng của trí tuệ, là thềm thang của sự giải thoát, là cách cửa của sự Niết bàn, chúng ta phải nhận thức như thế nào khi tu tập giới trong nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau với tâm an tịnh của chính mình. Hay nói cách khác vị ấy nên uyển chuyển để tu tập giới trong những tình huống thích hợp với chính mình và không nên giữ một thái độ quá khắc khe hoặc quá lỏng lẻo trong khi tu tập giới. Dĩ nhiên, là một con người, chúng ta cần phải thưởng thức những món ăn ở đời để giữ gìn thân thể và vui chơi nhiều trò chơi giải trí để thoải mái tinh thần; Nhưng điều quan trọng là chúng ta ăn uống như thế nào để không bị bội thực, và làm thế nào để thưởng thức những thú vui ở đời mà vẫn luôn giữ tâm an tịnh và giải thoát. Đó làngười biết tuân thủ giới luật một cách đúng đắn và hợp lý.

"Hương các loài hoa thơm - Không bay ngược chiều gió,
Nhưng hương người đức hạnh - Ngược gió khắp tung bay,
Chỉ có bậc Chân nhân - Toả khắp mọi phương trời"

(The scent of flowers does not travel against the wind,
nor that of Sandalwood, or of Tangara and Malika flowers.
But the fragance of good people travels even against the wind,
a good man pervades every quarter) (29)

Đặc biệt chúng ta nhận thấy rằng: Bất kỳ xã hội nào muốn phát triển và tồn tại lâu dài trong cuộc đời cần phải có những con người xã hội đứng đắn. Con người xã hội đứng đắn là con người hoàn hảo về ý thức đạo đức cá nhân với sự vắng mặt của tham sân si ở nội tâm. Sự tuân thủ giới luật không phải là một cái gông cùm áp đặt con người làm điều này không làm điều kia, nó chỉ giúp cho con người quay về với ý thức đạo đức cá nhân của chính họ và diệt tận mọi phiền não khổ đau. Con người sống trong sự thực hành giới có nghĩa là sống trong ý thức đạo đức của chính mình vì thế, mục đích của giới trong Phật giáo là giáo dục con người trở thành người xã hội gương mẫu, người lý tưởng, và người hoàn hảo trong xã hội .

Vai trò của giới Phật giáo là làm cho con người giải thoát tất cả mọi ràng buộc ở đời cũng như cải tạo những hành vi bất thiện mà con người gây ra trong xã hội. Khi con người sống trong giới (Sìla) và thân tâm trở nên an tịnh không còn phiền não tham sân si, xã hội trở nên an bình, không còn những vấn đề sát sanh, trọm cắp, v.v.; hoặc xung đột, thù oán cũng như những vấn đề xuống cấp đạo đức cá nhân. Về quan điểm môi trường sinh thái, con người xã hội không những giữ gìn môi trường, cây cối, thảo mộc, đường xá sạch và xanh ; mà còn bảo vệ và chăm sóc chúng bằng ý thức đạo đức của chính mình. Kết quả là xã hội và môi trường sinh thái ngày càng phát triển và tồn tại lâu dài từ trong ánh mắt và trái tim của chúng ta. Đối với giáo dục, giới Phật giáo có một nền giáo dục tâm lý vượt hẳn trên nền giáo dục ở đời vì tính siêu việt của nó. Điều này có nghĩa là giới Phật giáo có một phương pháp giáo dục tuyệt vời diệt tận mọi phiền não hầu mang lại an lạc hạnh phúc tối thượng cho con người. Từ quan điểm này, vai trò của giới Phật giáo có sự đóng góp to lớn đói với sự phát triển xã hội hiện nay trong nhiều phương diện khác nhau.

Bên cạnh , vì tầm quan trọng về vai trò của giới (Sìla) trong giai đoạn hiện nay, người viết chỉ hy vọng rằng chúng ta nên có những công trình nghiên cứu rõ ràng về giới của Phật giáo qua hai quan điểm Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo, hoặc nên có sự nghiên cứu nghiêm túc về Sìla dựa theo lời dạy nguyên thủy của đức Phật mà không dựa theo tư tưởng của các trường phái khi các nhà học giả Phật giáo muốn thực hiện công trình của mình. Tại sao? Vì mỗi trường phái đều có những khái niệm về Sìla riêng biệt và khác nhau; do đó, nguyên từ của Sìla ngay càng xa rời với ý nghĩa nguồn gốc của nó, cũng như mất đi vai trò quan trọng của nó trong cuộc sống con người hiện nay.

Ta có thể nói: với tính uyển chuyển năng động và tích cực của việc thực hành Sìla, giới Phật giáo luôn thích nghi với mọi tình huống hoàn cảnh xã hội, và luôn hiện hữu trong cuộc đời như là một sự cần thiết của xã hội ngày nay. Có như vậy đạo Phật mới đứng vững và hiện hữu được lâu dài ở mọi thời gian và không bao giờ bị mai một, như lời phát biểu của cựu thủ tướng Srilanka Bandaranaike đã nhấn mạnh:

"Phật giáo sẽ trường tồn như mặt trời, mặt trăng và loài người hiện hữu trên mặt đất; vì Phật giáo là tôn giáo của con người, của nhân loại nói chung" (Buddhism will last as long as the sun and moon last and the human race exists upon the earth, for it is the religion of man, of humanity as a whole) (30)


Delhi, ngày 20/02/2001

Thích Quang Thạnh


-ooOoo-

Bibliography

I. PRIMARY SOURCES:

1. Rhys Davids, T.W. (trans), Sacred Books of the Buddhists: Dialogues of the Buddha, and F.Max Muller (ed), vol. II, part I, the fifth edition reprinted, Oxford: P.T.S., 1992.

2. Rhys Davids, T.W and C.A.F. (trans), Sacred Books of the Buddhists: Dialogues of the Buddha, vol. III-IV, part II-III, the fourth edition reprinted, Oxford: P.T.S., 1989.

3. Horner, I.B. (trans), The Book of the Discipline - Vinaya Pitaka, vol. III, Oxford: PTS, 1993.

4. Rhys Davids, T.W., and Hermann Oldenberg (trans), The Sacred Books of the East: Vinaya Texts, and F. Max Muller (ed), vol. 13, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., 1996.

5. Buddhaghosa, B. The Path of Purification, trans. by Nànamoli, the 4th edition, Sri lanka : Buddhist Publication Society, 1979.

II. SECONDARY SOURCES:

1. Vincent A. Smith, The Edicts of Asoka, Delhi: Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., 1992.

2. Edward J. Kormondy, The Concept of Ecology, 3rd edition, Delhi: Prentice - Hall of India Pvt. Ltd., 1994.

3. Kern, H., Manual of Indian Buddhism, Delhi: Motilal Banarsidass, 1989.

4. Prof. Sanghasen Singh, A Study of the Sphutàrthà Srighanaca-rasangraha Tika, Delhi: Buddhist Text Society, 1975.

5. Saddhàtissa, H., Buddhist Ethics: Essence of Buddhism, London: George Allen and Unwin Ltd., 1970.

6. Nikunja Vihari Banerjee (trans), The Dhammapada, Delhi: Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., 1989.

III. DICTIONARIES:

1. Rhys Davids, T.W., and William Stede, Pali-English Dictionary, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., 1997.

2. Monier-William, M. Sanskrit-English Dictionary, Delhi: Motilal Banarsidass Publishers Pvt. Ltd., 1999.

3. Cowie, A.P. (chief-editor), Oxford Advanced Learner’s Encyclopaedic Dictionary, London: Oxford University Press, Oxford, 1992.

4. Paul Procter (chief-editor), Cambridge International Dictionary of English, London: Cambridge University Press, Cambridge, 1995.

5. William Edward Soothill and Lewis Hodous (compilator), A Dictionary of Chinese Buddhist Terms, Delhi: Motilal Banarsidass, 1997.

Chú thích:

(1) N. V. Banerjee (trans), The Dhammapàda, verse 183, p.103. (Pháp Cú, kệ 183, trang 103).

(2) Ibid., verse 281, p. 109. (Như trên, kệ 281, trang 109).

(3) Vincent A. Smith, The Edicts of Asoka, pp. 6 - 8. (Những Sắc Dụ của vua A Dục, từ trang 6-8).

(4) Edward J. Kormondy, Concept of Ecology, Preface xiv. (Khái niệm về Môi Trường, Lời nói đầu, xiv)

(5) N.V.Banerjee (trans), op.cit.,verse 49, p.126. (như trên, kệ 49,trang 126)

(6) A. P. Cowie (ed) , Oxford Advanced Learner’s Dictionary, p.704. (Từ Điển Oxford nâng cao, trang 704).

(7) Paul Proctor (ed) , Cambridge International Dictionary of English, p. 1109. (Từ Điển Anh Văn quốc tế Cambridge, trang 1109).

(8) William Edward Soothill and Lewis Hodous (compilers) , A Dictionary of Chineses BuddhistTerms, p.239. (Từ Điển Thuật Ngữ Phật Học Trung Quốc, trang 239).

(9) B. Buddhaghosa, The Path of Purification, p.7. (Thanh Tịnh Đạo, trang 7)

(10) T. W. Rhys Davids and W. Stede, Pàli-English Dictionary, p.712. (Từ Điển Pàli-Anh, trang 712).

(11) M. Monier-William, Sanskrit-English Dictionary, p. 1079. (Từ Điển Sanskrit-Anh, trang 1079).

(12) T. W. Rhys Davids and H. Oldenberg (trans), The Sacred Book of the East, vol. 13, pp. 3-68 (Thánh Điển Phương Đông, tập 13, từ trang 3 đến trang 68)

(13) I. B. Horner (trans), The Book of Discpline: Vinaya Pitaka, vol.III, pp. 156-176. (Luật Tạng, tập III, từ trang 156 đến trang 176.)

(14) T. W. Rhys Davids and H. Oldenberg, op. cit., p.211. (như trên, trang 211)

(15) H. Kern, Manual of Indian Buddhism, p.70. (Sách Giáo Khoa về Phật Giáo Ấn Độ, trang 70.)

(16) H. Saddhàtissa, Buddhist Ethics: Essence of Buddhism, pp. 87-112. (Đạo Đức Phật Giáo: Nền Tảng của Phật Giáo, từ trang 87 đến trang 112).

(17) Prof. Sanghasen Singh, A Study of the Sphutarthà Srighanacarasangraha Tika, p. 14.

(18) T. W. and C. A. F. Rhys Davids (trans), Sacred Book of the Buddhists: Dialogues of the Buddha, vol. IV, part III, pp. 180-181. (Thánh Kinh Phật Giáo: Trường Bộ kinh, chương IV, phần III, trang 180đến trang 181).

(19) Ibid., p. 181. (Như trên, trang 181).

(20) Ibid., pp. 181-182. (Như trên, từ trang 181 đến trang 182)

(21) Ibid., p. 182. (Như trên, trang 182).

(22) Ibid., pp.182-183. (Như trên, từ trang 182 đến trang 183).

(23) T. W. Rhys Davids (trans), op. cit., vol. II, part I, p. 79. (Như trên, chương II, phần I, trang 79).

(24) Ibid., p. 82. (Như trên, trang 82).

(25) Ibid.,vol III, part II,p.91. (như trên, chương III, phần II, trang 91.)

(26) Ibid, pp.90-91. (như trên,, từ trang 90 đến trang 91)

(27) N. V. Banerjee (trans), op.cit.,verse 55, p.127. (như trên, kệ 55, trang 127).

(28) Ibid.,verse 56, p.127. (như trên, kệ 56, trang 127).

(29) Ibid.,verse 54, p.127. (như trên, kệ 54, trang 127).

(30) Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức, tr. 56, Thích Tâm Quang dịch.

 

Theo paliviet.info