Khoảng 10 năm trở lại đây, Rằm tháng Bảy không chỉ là ngày xá tội vong nhân cho người cõi âm, mà còn là ngày thể hiện chữ hiếu của người cõi dương.
Hiện nay, người dân đón lễ Vu Lan theo nhiều cách khác nhau. Có người đi lễ chùa, có người tổ chức làm lễ cầu siêu ở nhà, có người chỉ thành tâm sống tốt như một cách báo hiếu với cha mẹ. Vậy nguồn gốc của đại lễ Vu Lan ở Việt Nam là gì, thưa Đại Đức?
- Đại lễ Vu Lan bắt nguồn khi Đức Phật Bản sư - người đã dạy đạo hiếu và giúp cho Bồ tát Mục Kiền Liên giải thoát mẹ khỏi cảnh ngạ quỷ- đi hành hoá (giáo hoá). Trên đường đi hành hóa, thấy một đống xương khô bên đường, Đức Phật liền đảnh lễ (lạy xuống). Các đệ tử thấy vậy liền hỏi, Ngài là thầy của trời và người sao phải đảnh lễ? Đức Phật trả lời các đệ tử của mình: Đống xương này có thể là tổ tiên, ông bà cha mẹ của mình.
Câu chuyện này nói lên rằng, ngài là Phật nhưng hiếu đạo của người làm con bao giờ cũng phải đặt lên trên hết. Đó là cách mà ngài truyền dạy hiếu đạo làm con cho các đệ tử.
Các đệ tử phân loại đống xương thành hai phần. Nếu xương đen mà nhẹ là phụ nữ; còn xương trắng mà nặng là đàn ông. Sở dĩ xương phụ nữ đen, nhẹ là vì có nhiều hao tổn khi mang nặng, đẻ đau, bú mớm cho đứa con của mình. Bởi vậy, việc đền đáp của con cái đối với cha mẹ là không bao giờ hết được. Kể cả khi cha mẹ đói khát, con cái róc thịt của mình cho cha mẹ ăn thì cũng không bao giờ đủ. Ngày đại lễ Vu Lan ra đời là xuất phát từ ý nghĩa này.
Bởi vậy, đạo Phật không bao giờ tách rời chữ hiếu, mà coi đạo hiếu làm con là trên hết. “Phụ mẫu tại tiền như Phật tại thế”, nghĩa là cha mẹ còn như Phật còn. Ở phương Tây có ngày Mother day, Father day, người Việt tự hào có mùa Vu Lan- mùa báo hiếu.
Như vậy Vu Lan không chỉ là báo hiếu cho cha mẹ, ông bà tổ tiên những người đã khuất, mà còn có ý nghĩa sâu sắc về giáo dục đạo hiếu cho mỗi con người?
- Thực ra, việc con cái báo hiếu cho cha mẹ là không kể thời gian, ngày giờ và không kể là còn sống hay đã chết. Đó là việc làm thường xuyên, hàng ngày hàng giờ của mỗi một người có cha có mẹ, có ông có bà, có tổ có tiên. Tuy nhiên, nhiều người khi cha mẹ đang sống, có thể do làm ăn, do bận bịu... nên đã quên lãng trách nhiệm làm con của mình. Bởi vậy, Vu Lan là ngày nhắc nhở những người con quên lãng bố mẹ trong những ngày tháng qua nhớ lại “chữ hiếu” của mình.
Trong đời sống, nhiều khi là vô tình, con đã khiến cho cha mẹ phải khóc vì mình. Đó có phải là sự bất hiếu không thưa Đại Đức?
- Theo quan điểm của đạo Phật, đó là một sự bất hiếu. Nhiều người nhầm tưởng rằng, cứ mua cho cha mẹ quần áo, một cái nhà thật to, hay đưa về cho cha mẹ một nắm tiền... mà chẳng cần biết là cha mẹ có vui lòng hay không là báo hiếu. Vì họ cho cha mẹ họ nhiều tiền của nhưng lại làm những việc tày trời, những việc mà xã hội không chấp nhận khiến cho cha mẹ họ đau lòng. Khi cha mẹ phải đau lòng, phải buồn khổ, phải tủi hận nhục nhã vì con... đó là bất hiếu.
Vậy để “giữ tròn chữ hiếu”, con cái nên sống thế nào, thưa Đại Đức?
- Bản chất sự hiếu đạo của con cái là bất di bất dịch, kể cả khi cha mẹ còn sống hay đã mất. Việc dâng cho cha mẹ cái này cái khác... cũng đều xuất phát từ cái tâm báo hiếu (tâm hiếu là tâm Phật). Nhưng như tôi đã nói ở trên, nếu cho cha mẹ nhiều của cải mà không biết cha mẹ có vui lòng hay không thì đó không phải là cách báo hiếu.
- Xin cảm ơn Đại Đức!
Lâm Vũ (thực hiện)