Tạng Kinh: đại để gồm những bài Pháp có tách cách khuyên dạy mà trong nhiều cơ hội khác nhau, Ðức Phật giảng cho các bậc xuất gia và hàng cư sĩ. Tạng Kinh giống như một quyển sách ghi lại nhiều quy tắc để coi theo mà thực hành, vì đó là các bài Pháp do Ðức Phật thuyết giảng ở nhiều trường hợp khác nhau cho nhiều người có căn cơ, trình độ và hoàn cảnh khác nhau. Ở mỗi trường hợp Ðức Phật có một lối giảng để người thính Pháp có thể lãnh hội dễ dàng. Thoáng nghe qua hình như mâu thuẫn, nhưng phải nhận định đúng Phật ngôn, theo mỗi trường hợp riêng biệt mà Ðức Phật dạy điều ấy. Tỷ như để trả lời môt câu hỏi về cái "Ta", có khi Ðức Phật giữ im lặng, có khi ngài giải thích dong dài. Nếu người vấn đạo chỉ vì tánh tò mò muốn biết thì Ngài làm thinh, không trả lời. Nhưng với người cố tâm tìm hiểu chân lý thì Ngài giảng dạy rành mạch và đầy đủ.
Tạng Luật: được xem là cái neo vững chắc để bảo tồn con thuyền giáo hội trong những cơn phong ba bão táp của lịch sử. Phần lớn Tạng luật đề cập đến giới Luật và nghi lễ trong đời sống xuất gia của các vị Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Ngót hai mươi năm sau khi Thành Ðạo, Ðức Phật không có ban hành giới luật nhất định để kiểm soát và khép chư Tăng vào kỹ cương. Về sau, mỗi khi có trường hợp xảy ra, Ðức Phật đặt ra những điều răn thích hợp. Tạng Luật nêu rõ đầy đủ lý do tại sao và trường hợp nào Ðức Phật ban hành một giới, và mô tả rành mạch các nghi thức hành lễ sám hối (Vinaya) của chư Tăng. Lịch trình phát triển đạo giáo từ thuở ban khai, sơ lược đời sống và chức nhiệm của Ðức Phật, và các chi tiết về ba lần kết tập Tam Tạng là những điểm khác được đề cập đến trong Tạng Luật. Một cách gián tiếp, đây là những tài liệu hữu ích về lịch sử thời thượng cổ, về các cổ tục ở Ấn, về kiến thức và trình độ thẩm mỹ thời bấy giờ.
Tạng Luận: thâm diệu và quan trọng nhất trong toàn thể Giáo Pháp vì đây là phần triết lý cao siêu, so với Tạng Kinh (giản dị hơn). Abhidhamma, Tạng Luận hay Vi Diệu Pháp, là tinh hoa của Phật giáo. Ðối với bậc thiện trí thức muốn tìm chân lý, Tạng Luận là quyển Kinh chỉ đạo tâm yếu, vừa là một tập khải luận vô giá. Ở đây có đủ thức ăn tinh thần cho các học giả muốn mở mang trí tuệ và đời sống lý tưởng của người Phật tử. Vi Diệu Pháp không phải loại sách để đọc thoáng qua cầu vui hay giải trí.GIỚI THIỆU TAM TẠNG KINH ÐIỂN
HÒA THƯỢNG NARADA
Phạm Kimh Khánh dịch Việt
(Trích "Ðức Phật và Phật Pháp", ấn bản 1999)
"Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ có bậc thiện trí mới thấu hiểu." Trung A Hàm
Tam Tạng Kinh điển
Ðức Phật đã nhập diệt, nhưng Giáo Lý cao siêu mà Ngài đã dày công hoằng dương trong bốn mươi lăm năm trường vẫn còn lưu lại đến ngày nay cho nhân loại, trọn vẹn, đầy đủ, và hoàn toàn tinh túy.
Mặc dầu giáo huấn của Ðức Thế Tôn không được ghi chép ngay lúc bấy giờ trên giấy trắng mực đen, các vị đệ tử của Ngài luôn luôn nhuần nhã nằm lòng và truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ba tháng sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn, vào năm thứ tám triều đại Ajatasattu (A Xà Thế), năm trăm vị đại đệ tử A La Hán của Ngài kết tập lần đầu tiên tại Rajagaha (Vương Xá) để nhắc lại những Phật ngôn quý báu. Ðức Ananda (vị đệ tử trung thành đã được diễm phúc luôn luôn ở bên cạnh Ðức Thế Tôn và hân hạnh được nghe tất cả giáo huấn của Ngài) và Ðức Upali, được chọn đứng lên trả lời những câu hỏi. Ðức Ananda, được đề cử trình bày những lời khuyên dạy (Sutta, Kinh); Ðức Upali về những vấn đề có liên quan đến giới luật (Vinaya), và cả hai vị luân phiên trả lời các câu hỏi về phần Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), giáo lý cao siêu. Ðó là lần kết tập đầu tiên, tập trung toàn thể giáo lý của Ðức Phật và sắp xếp rành mạch thành ba tạng (Tam Tạng: Tạng Kinh, Tạng Luật và Tạng Luận).
Vì có những khuynh hướng làm sai lạc Giáo Pháp nên sau đó hai lần [1],
Sau một trăm năm và hai trăm ba mươi sáu năm, các vị A La Hán lại kết tập lần thứ nhì và thứ ba để đọc lại Phật ngôn.
Vào khoảng năm 83 trước D.L, dưới triều vua Vatta Gamani Abhaya [2] xứ Sri Lanka (Tích Lan), các vị A La Hán lại kết tập một lần nữa tại Aluvihara [3] một ấp nhỏ của đảo Sri Lanka (Tích Lan), lối 30 cây số cách Kandy. Tại đây, lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, Tam Tạng Pali (Nam Phạn) được ghi chép trên lá buôn [4] nhờ sự cố gắng liên tục và tầm mắt thấy xa của chư vị Ðại Ðức A La Hán, đến ngày nay, và trong tương lai, không có lý do nào để chỉ trích, và cũng không thể nào các học giả tân tiến làm sai lạc tánh cách trong trắng của giáo lý thuần túy.
Kể về lượng, ba Tạng (Tipitaka), gồm trọn vẹn Giáo Lý của đức Phật, bằng mười một lần quyển Thánh Kinh.
Phạn ngữ Tipitaka (Bắc Phạn: Tripitaka) có nghĩa là ba cái giỏ. Ba cái giỏ ấy là: giỏ đựng Kinh (Sutta Pitaka), giỏ đựng Luật (Vinaya Pitaka), và giỏ đựng Luận (Abhidhamma Pitaka, Vi Diệu Pháp), tức ba Tạng: Kinh, Luật và Luận.
Tạng Kinh (Sutta Pitaka)
Tạng Kinh đại để gồm những bài Pháp có tách cách khuyên dạy mà trong nhiều cơ hội khác nhau, Ðức Phật giảng cho các bậc xuất gia và hàng cư sĩ. Một vài bài giảng của các vị đại đệ tử như các ngài Sariputta (Xá Lợi Phất), Moggallana (Mục Kiền Liên) và Ananda (A Nan Ðà) cũng được ghép vào Tạng Kinh và cũng được tôn trọng như chính lời Ðức Phật vì đã được Ðức Phật chấp nhận. Phần lớn các bài Pháp này nhằm vào lợi ích của Chư Tỳ kheo và đề cập đến đời sống Thánh thiện của các bậc xuất gia. Nhiều bài khác liên quan đến tiến bộ vật chất và tinh thần, đạo đức của người cư sĩ. Kinh Sigalovada [6] chẳng hạn, dạy về bổn phận của người tại gia. Ngoài ra, còn có những bài giảng lý thú dành cho trẻ em.
Tạng Kinh giống như một quyển sách ghi lại nhiều quy tắc để coi theo mà thực hành, vì đó là các bài Pháp do Ðức Phật thuyết giảng ở nhiều trường hợp khác nhau cho nhiều người có căn cơ, trình độ và hoàn cảnh khác nhau. Ở mỗi trường hợp Ðức Phật có một lối giảng để người thính Pháp có thể lãnh hội dễ dàng. Thoáng nghe qua hình như mâu thuẫn, nhưng phải nhận định đúng Phật ngôn, theo mỗi trường hợp riêng biệt mà Ðức Phật dạy điều ấy. Tỷ như để trả lời môt câu hỏi về cái "Ta", có khi Ðức Phật giữ im lặng, có khi ngài giải thích dong dài. Nếu người vấn đạo chỉ vì tánh tò mò muốn biết thì Ngài làm thinh, không trả lời. Nhưng với người cố tâm tìm hiểu chân lý thì Ngài giảng dạy rành mạch và đầy đủ.
Tạng Kinh gồm năm bộ:
1) Digha Nikaya, Trường A Hàm, chép lại những bài Pháp dài.
2) Majjhima Nikaya, Trung A Hàm, những bài Pháp dài bậc trung.
3) Samyutta Nikaya, Tạp A Hàm, những câu Kinh tương tợ nhau.
4) Anguttara Nikaya, Tăng nhứt A Hàm, những bài Pháp sắp xếp theo con số.
5) Khuddaka Nikaya, Tiểu A Hàm, những câu kệ vắn tắt.
Riêng bộ Khuddaka Nikaya (Tiểu A Hàm) chia làm 15 tập:
1) Khuddaka Patha, những bài ngắn.
2) Dhammapada, Kinh Pháp cú, con Ðường Chân lý.
3) Udana, Khúc ca hoan hỷ.
4) Itivuttaka, những bài Kinh bắt đầu bằng cụm từ "Phật dạy như thế này".
5) Sutta Nipata, những bài Kinh sưu tập.
6) ViNama Vatthu, câu chuyện những cảnh trời.
7) Peta Vattthu, câu chuyện cảnh giới ngạ quỷ.
8) Theragatha, Trưởng Lão Tàng Kệ.
9) Therigatha, Trưởng Lão Ni Kệ.
10) Jataka, những câu chuyện tái sinh của Bồ Tát, Túc Sanh Truyện, hay Kinh Bổn Sanh.
11) Niddesa, những bài trần thuật, Nghĩa thích.
12) Patisambhida, quyển sách đề cập đến kiến thức, Phân Giải.
13) Apadana, đời sống của chư vị A La Hán.
14) Buddhavamsa, tiểu sử của Ðức Phật.
15) Cariya Pitaka, những phẩm hạnh.
Tạng Luật (Vinaya Pitaka)
Tạng Luật được xem là cái neo vững chắc để bảo tồn con thuyền giáo hội trong những cơn phong ba bão táp của lịch sử. Phần lớn Tạng luật đề cập đến giới Luật và nghi lễ trong đời sống xuất gia của các vị Tỳ kheo và Tỳ kheo ni. Ngót hai mươi năm sau khi Thành Ðạo, Ðức Phật không có ban hành giới luật nhất định để kiểm soát và khép chư Tăng vào kỹ cương. Về sau, mỗi khi có trường hợp xảy ra, Ðức Phật đặt ra những điều răn thích hợp. Tạng Luật nêu rõ đầy đủ lý do tại sao và trường hợp nào Ðức Phật ban hành một giới, và mô tả rành mạch các nghi thức hành lễ sám hối (Vinaya) của chư Tăng. Lịch trình phát triển đạo giáo từ thuở ban khai, sơ lược đời sống và chức nhiệm của Ðức Phật, và các chi tiết về ba lần kết tập Tam Tạng là những điểm khác được đề cập đến trong Tạng Luật. Một cách gián tiếp, đây là những tài liệu hữu ích về lịch sử thời thượng cổ, về các cổ tục ở Ấn, về kiến thức và trình độ thẩm mỹ thời bấy giờ. Người đọc Tạng Luật không khỏi ngạc nhiên và thán phục tánh cách dân chủ trong phương Pháp thành lập và tổ chức Giáo Hội Tăng Già, việc sử dụng tài sản, mức độ luân lý cao thượng của chư Tăng và khả năng xuất chúng của Ðức Phật trong việc điều hành Giáo Hội.
Ngài Zetland viết:
"Và rất nhiều người lấy làm ngạc nhiên được biết rằng những nguyên tắc sơ đẳng trong quốc hội của chúng ta ngày nay (Anh Quốc) đã có sẵn trong Giáo Hội Phật giáo Ấn Ðộ, từ hơn hai ngàn năm về trước. [5] "
Tạng Luật gồm năm quyển:
Vibhanga:
1) Parajika Pali (Tội nặng)
2) Pacittiya Pali (Tội nhẹ)
Khandaka:
3) Mahavagga Pali (Phần lớn)
4) Cullavagga Pali (Phần nhỏ)
5) Parivara Pali (Giới toát yếu)
Tạng Luận (Abhidhamma Pitaka Vi Diệu Pháp Tạng)
Tạng Luận thâm diệu và quan trọng nhất trong toàn thể Giáo Pháp vì đây là phần triết lý cao siêu, so với Tạng Kinh (giản dị hơn). Abhidhamma, Tạng Luận hay Vi Diệu Pháp, là tinh hoa của Phật giáo.
Ðối với một vài học giả, Vi Diệu Pháp không phải là Ðức Phật giảng mà do các nhà sư uyên bác khởi thảo về sau. Tuy nhiên, đúng theo truyền thống thì chính Ðức Phật đã dạy phần chánh yếu của Tạng này. Những đoạn gọi là Matika hay Nòng Cốt Nguyên Thủy của Giáo Lý cao siêu này, như thiện Pháp (kusala dhamma), bất thiện Pháp (akusala dhamma), và bất định Pháp (abyakata dhamma), trong sáu tập của Tạng Luận (trừ tập Kathavatthu), những điểm tranh luận [7]) đều do chính Ðức Phật dạy. Ngài Sariputta (Xá Lợi Phất) được danh dự lãnh trọng trách giảng rộng và giải thích sâu vào chi tiết. Dầu tác giả, hay các vị tác giả là ai, chắc chắn Tạng Luận là công trình sáng tác của một bộ óc kỹ xảo kỳ tài chỉ có thể so sánh với một vị Phật. Và điểm này càng nổi bật một cách hiển nhiên trong tập Patthana Pakarana, vừa phức tạp vừa tế nhị, diễn tả mối tương quan của luật nhân quả với đầy đủ chi tiết.
Ðối với bậc thiện trí thức muốn tìm chân lý, Tạng Luận là quyển Kinh chỉ đạo tâm yếu, vừa là một tập khải luận vô giá. Ở đây có đủ thức ăn tinh thần cho các học giả muốn mở mang trí tuệ và đời sống lý tưởng của người Phật tử. Vi Diệu Pháp không phải loại sách để đọc thoáng qua cầu vui hay giải trí.
Khoa tâm lý học hiện đại, còn hạn định, vẫn nằm trong phạm vi của Vi Diệu Pháp khi đề cập đến tâm, tư tưởng, tiến trình tư tưởng, các trạng thái tâm. Nhưng Tạng Luận không chấp nhận có một linh hồn, hiểu như một thực thể trường tồn bất biến. Như vậy, Vi Diệu Pháp dạy một thứ tâm lý học trong đó không có linh hồn. Nếu đọc Vi Diệu Pháp như một quyển sách tâm lý học hiện đại thì ắt phải thất vọng, vì ở đây không có ý định giải quyết tất cả những vấn đề mà tâm lý học hiện đại phải đối phó.
Tâm hay tâm vương (Citta) được định nghĩa rõ ràng. Tư tưởng được phân tách và sắp xếp đại để thành từng loại về phương diện luân lý. Tất cả những trạng thái tâm, hay tâm sở (Cetasika), đều được lược kê cẩn thận. Thành phần cấu hợp của mỗi loại tâm được kể ra từng chi tiết. Tư tưởng phát sanh thế nào cũng được mô tả tỉ mỉ. Riêng những chặp tư tưởng bhavanga và javana, chỉ được đề cập đến và giải thích trong Vi Diệu Pháp, thật là đặc biệt hữu ích cho ai muốn khảo cứu về tâm lý học. Những vấn đề không liên quan đến giải thoát đều được gác hẳn qua một bên.
Sắc, tức phần vật chất, cũng được đề cập đến, nhưng không phải như các nhà vật lý học hay các y sĩ mô tả. Ðơn vị căn bản của vật chất, những đặc tánh, nguồn gốc của vật chất, tương quan giữa vật chất và tâm, sắc và danh, đều được giải thích. Vi Diệu Pháp không nhằm tạo lập một hệ thống tư tưởng về tâm và vật chất mà chỉ quan sát hai thành phần cấu tạo cái được gọi là chúng sanh để giúp hiểu biết sự vật theo đúng thực tướng. Dựa trên căn bản ấy, một triết lý đã được xây dựng và dựa trên triết lý này một hệ thống luân lý được phát triển nhằm đưa đến mục tiêu tối hậu.
Bà Rhys Davids viết:
"Vi Diệu Pháp đề cập đến: 1) cái gì ở bên trong ta, 2) cái gì ở chung quanh ta, và 3) cái gì ta khao khát thành đạt."
Tạng Kinh chứa đựng những lời dạy thông thường (vohara desana), còn Tạng Luận gồm Giáo Lý cùng tột (paramattha desana). Hầu hết các học giả Phật giáo đều xác nhận rằng muốn thông hiểu Giáo Huấn của Ðức Phật phải có kiến thức về Tạng Luận vì đó là chìa khoá để mở cửa vào thực tế.
Tạng Luận gồm bảy bộ:
1) Dhammasanghani, phân loại các Pháp, Pháp Tụ.
2) Vibhanga, những tiết mục, Phân Biệt.
3) Dhatukatha, luận giải về các nguyên tố hay giới, Giới Thuyết.
4) Puggala Pannatti, chỉ danh những cá tính, Nhơn Thi Thuyết.
5) Kathavathu, những điểm tranh luận, Thuyết Sự.
6) Yamaka, quyển sách về những cặp đôi, Song Ðối.
7) Patthana, quyển sách đề cập đến nhân quả tương quan, Phát Thú.
Chú thích:
[1] Xem Mahavamsa Translation, trang 14 - 50.
[2] Xem Mahavamsa Translation, trang 19 - 50.
[3] Một ấp nằm vào bên trong đảo Tích Lan, độ 30 cây số cách Kandy. Ngôi Chùa cất trong đá này đến nay vẫn còn là nơi hành hương của chư Phật tử tại Tích Lan.
[4] Trong quyển Buddhaghosuppatti, tiểu sử của nhà chú giải trứ danh Buddhaghosa có ghi: nếu chất lại thành đống, Tam Tạng Kinh chép trên lá buôn sẽ to hơn sáu thớt voi.
[5] Xem Legacy of India, do G.T Garrat xuất bản, trang 10 - 11.
[6] Chú giải về quyển Kinh này, bà Rhys Davids viết: "Hạnh phúc thay, các làng mạc và gia tộc nằm dài theo sông Hằng (Ganges), nơi mà dân chúng đã hấp thụ sâu xa tánh chất ôn hòa của tình huynh đệ và tinh thần công minh chánh trực cao quý, xuyên qua những ngôn từ mộc mạc và giản dị." (Xem "Dialogues of the Buddha", phần III, trang 168).
[7] Tác giả của tập này là Ðức Moggaliputta Tissa dưới thời vua Asoka (A Dục). Chính Ngài Tissa chủ tọa cuộc Kết Tập Tam Tạng lần thứ ba.
(hiệu đính: 20- 04 -2000)
(Luy lâu sửa)