NĂM PHÁP
32. PHẨM THIỆN TỤ
KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay, Ta sẽ nói về tụ thiện, các ngươi hãy suy nghĩ kỹ”.
Các Tỳ-kheo thưa:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”
Các Tỳ-kheo vâng theo lời Phật dạy.
Thế Tôn bảo:
“Sao gọi pháp ấy là tụ thiện? Đó là năm căn. Thế nào là năm căn? Đó là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm căn này. Nếu có Tỳ-kheo nào tu hành năm căn, liền thành Tu-đà-hoàn được pháp bất thối chuyển, ắt thành đạo chí thượng. Tu hành thêm nữa sẽ thành tựu Tư-đà-hàm, tái sinh đời này một lần rồi dứt sạch mé khổ kia. Tiến tới đạo này nữa, sẽ thành tựu A-na-hàm, không còn tái sinh đời này, liền nhập Bát-niết-bàn. Chuyển tiến tu hành, diệt tận hữu lậu, [674a01] thành tựu vô lậu tâm giải thoát, huệ giải thoát, tự thân tác chứng, mà tự an trú, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã xong, không còn tái sinh nữa.”
“Gọi là tụ thiện, chính là năm căn. Vì sao vậy? Vì đây là tụ lớn nhất, là vi diệu trong các tụ. Nếu ai không hành pháp này thì không thành tựu Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật và Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác. Nếu ai đạt được năm căn này liền có bốn quả, đạo ba thừa. Nói về tụ thiện, năm căn này là trên hết.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện học những điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2 [1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay Ta sẽ nói về tu bất thiện, các ngươi hãy suy nghĩ kỹ.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”
Lúc ấy, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Thế Tôn bảo:
“Sao gọi chúng là tụ bất thiện [2]? Đó là năm triền cái. [3] Sao gọi là năm? Là tham dục, sân hận, thụy miên, trạo cử, nghi. Đó gọi là năm triền cái. Ai muốn biết tụ bất thiện, thì đây gọi là năm triền cái. Vì sao vậy? Các Tỳ-kheo nên biết, vì nếu có năm triền cái, liền có phần súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Các pháp bất thiện đều do đây phát sanh. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện diệt trừ các triền cái là tham dục, sân hận, thụy miên, điệu hối, nghi. Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.”
Sau khi, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thừa sự, lạy Phật có năm công đức. Những gì là năm? Một là xinh đẹp, hai là tiếng hay, ba là lắm tiền nhiều của, bốn là sanh nhà trưởng giả, năm là chết sanh lên trời, các cõi lành. Vì sao vậy? Vì Như Lai không ai sánh bằng. Như Lai có tín, có giới, có văn, có tuệ, có sắc thiện thành tựu, cho nên thành tựu năm công đức.
“Lại nữa, vì nhân duyên gì lạy Phật mà được xinh đẹp? Chính do [674b01] vì thấy hình ảnh Phật mà phát tâm hoan hỷ, vì lý do nầy nên được xinh đẹp.
“Lại, vì nhân duyên gì được âm thanh hay? Nhờ thấy hình ảnh Như Lai, đã tự xưng hiệu niệm ba lần, ‘Nam mô Như Lai Chí chơn Đẳng chánh giác.’ Vì lý do này nên được âm thanh hay.
“Lại, vì nhân duyên gì mà được lắm tiền nhiều của? Do thấy Như Lai mà bố thí lớn, rải hoa, đốt đèn và thí những vật khác. Vì nhân duyên này được nhiều của báu.
“Lại, vì nhân duyên gì sanh nhà trưởng giả? Khi thấy thân Như Lai, tâm không đắm nhiễm, gối phải quỳ sát đất, chấp tay chí tâm lạy Phật, do nhân duyên này sanh nhà trưởng giả.
“Lại, vì nhân duyên gì thân họai mạng chung sanh lên trời, cõi lành? Theo thường pháp của chư Phật Thế Tôn, những chúng sanh nào đem năm duyên sự lạy Như Lai liền sanh lên trời, cõi lành.
“Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm nhân duyên này, lạy Phật có năm công đức. Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân nào muốn lạy Phật, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu năm công đức này.
“Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.”
Các Tỳ kheo sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4 [4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Giống như căn nhà có hai cửa đối nhau, có người đứng ở trong, lại có người đứng ở trên quan sát bên dưới, người ra vào, đi lại đều biết thấy tất cả. Cũng như vậy, Ta bằng thiên nhãn nhìn các loại chúng sanh, sanh ra, chết đi, vào cõi lành, cõi ác, sắc lành, sắc ác, hoặc tốt, hoặc xấu, tùy theo hành vi được gieo trồng; thảy đều biết tất cả.
“Lại, nếu có chúng sanh thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, không phỉ báng Hiền Thánh, hành chánh kiến tương ưng với chánh kiến, [5] khi chết sanh lên trời, cõi lành. Đó gọi là chúng sanh làm thiện.
“Lại, nếu có chúng sanh hành pháp thiện này, không làm hành vi ác, khi chết sanh lại trong loài người.
“Lại, nếu có chúng sanh mà thân, miệng, ý làm ác, tạo hành vi bất thiện, sau khi chết sanh trong ngạ quỷ.
“Hoặc lại có chúng sanh mà thân, miệng, ý làm ác, phỉ báng Hiền Thánh, tương ưng với tà kiến, sau khi chết sanh trong súc sanh.
“Hoặc lại có chúng sanh mà thân, miệng, ý làm ác, phỉ báng Hiền [674c01] Thánh, sau khi chết sanh vào địa ngục. Khi ấy, ngục tốt dẫn tội nhân này đến trình Diêm-la vương và nói: ‘Đại vương nên biết, người này đời trước có thân, ý tạo ác, làm các ác hành, đã sanh vào địa ngục này. Đại vương nên xử, nên trị người này về tội gì?’
“Khi ấy Diêm vương liền lần lượt hỏi riêng tội kia của người ấy, bảo người ấy, ‘Thế nào, người nam, đời trước lúc ngươi mang thân người, há không thấy người khi sanh, được làm thân người, lúc ở thai rất là nguy khốn, đau đớn thật khó ở, rồi lớn lên phải nuôi dưỡng, bú mớm, tắm rửa thân thể hay sao?’
“Tội nhân đáp, ‘Thật có thấy, Đại vương.’
“Diêm vương nói, ‘Thế nào, người nam, ngươi không tự biết yếu hành của pháp sinh hay sao? [6] Vậy theo pháp thân, khẩu, ý mà tu các đường lành sao?’
“Tội nhân đáp, ‘Thật vậy, Đại vương, như Đại vương dạy. Tôi chỉ vì ngu si, không phân biệt được hành vi thiện.’
“Diêm vương nói, ‘Như lời ngươi nói, việc này không khác. Ta cũng biết những việc ngươi không làm bởi thân, miệng, ý. Hôm nay sẽ xét ngươi về tội được làm do phóng dật; chẳng phải cha mẹ làm, cũng chẳng phải là những việc làm của vua hay đại thần. Xưa ngươi tự tạo tội, nay tự nhận báo.’
Sau khi hỏi tội kia xong, Diêm vương ra lệnh trị tội.
“Đến lượt thiên sứ thứ hai hỏi [7] người kia, ‘Trước đây, khi ngươi làm người, há không thấy người già, thân thể rất yếu, đi lại khó khổ, áo quần dơ bẩn, tiến dừng run rẩy, hơi thở hào hển, không còn tâm trẻ khỏe?
“Lúc ấy, tội nhân đáp, ‘Thưa vâng, Đại vương, tôi đã từng thấy.’
“Diêm vương bảo, ‘Ngươi đáng lẽ phải tự biết, nay ta cũng có pháp già nua [8] này. Vì chán ghét tuổi già nên phải tu hành vi thiện?’
“Tội nhân đáp, ‘Thật vậy, Đại vương! Nhưng lúc ấy tôi thật không tin.’
“Diêm vương bảo:
“Ta thật biết rõ những việc mà ngươi không làm bởi thân, miệng, ý. Nay sẽ trị tội ngươi để sau này không tái phạm. Những việc ác ngươi đã làm, chẳng phải do cha mẹ làm, cũng chẳng phải do vua, đại thần, nhân dân tạo ra. Nay ngươi tự tạo tội ấy, hãy tự nhận báo.’
“Diêm vương sau khi chỉ ra cho thấy Thiên sứ thứ hai, lại đem Thiên sứ thứ ba ra hỏi người kia, ‘Trước đây, khi ngươi làm thân người, há không thấy có người bệnh nằm trên phân, nước tiểu, không thể tự đứng dậy hay sao?’
“Tội nhân đáp, ‘Thưa vâng, đại vương, tôi thật [675a01] có thấy.’
“Diêm vương hỏi, ‘Thế nào, người nam, ngươi há không tự biết, ta cũng sẽ có bệnh này, sẽ không thoát tai họa này sao?’
“Tội nhân đáp, ‘Thật vậy, thưa Đại vương! Tôi thật sự không thấy.”
“Diêm vương nói, ‘Ta cũng biết, ngươi ngu si không hiểu. Nay ta sẽ trị tội ngươi để sau không còn tái phạm. Tội đã làm này chẳng phải cha, chẳng phải mẹ làm, cũng chẳng phải là những việc tạo tác của quốc vương, đại thần.’
“Diêm-la vương sau khi chỉ ra cho thấy Thiên sứ này rồi, lại hỏi người kia về Thiên sứ thứ tư, ‘Thế nào, người nam, ngươi có thấy thân như cây khô, hơi thở dứt, lửa nóng không còn, tình tưởng không còn, năm thân vây quanh khóc lóc không?’
“Tội nhân đáp, ‘Thưa vâng, Đại vương, tôi đã thấy.’
“Diêm vương nói, ‘Vì sao ngươi không nghĩ rằng, ta cũng sẽ không thoát cái chết này?’
“Tội nhân đáp:
“Thật vậy, Đại vương, tôi thật không tỏ ngộ.’
“Diêm vương nói, ‘Ta cũng tin là ông không tỏ ngộ pháp này. Nay sẽ trị ngươi, để sau này không tái phạm. Tội bất thiện này chẳng phải cha, chẳng phải mẹ tạo, cũng chẳng phải quốc vương, đại thần, nhân dân chỗ tạo ra. Xưa ngươi tự tạo, nay tự chịu tội.’
“Diêm-la vương nói với người kia về Thiên sứ thứ năm, ‘Trước đây, khi làm người, ngươi không thấy có kẻ trộm đào tường, phá nhà, lấy của báu người khác, hoặc dùng lửa đốt, hoặc ẩn phục đường cái. Nếu bị vua bắt được thì bị chặt tay chân, hoặc bị giết, hoặc bị giam vào lao ngục, hoặc trói ngược mang đến chợ, hoặc sai vác cát đá, hoặc bị treo ngược, hoặc dùng tên bắn, hoặc rót nước đồng sôi lên người, hoặc dùng lửa nướng, hoặc lột da rồi bắt ăn, hoặc mổ bụng lấy cỏ nhét vào, hoặc bỏ vào nước sôi nấu, hoặc dùng đao chặt, bánh xe cán đầu, hoặc cho voi chà chết, hoặc treo cổ cho chết, hay không?’
“Tội nhân đáp, ‘Tôi thật có thấy.’
“Diêm vương nói, ‘Vì sao ông ăn trộm đồ người? Trong lòng đã biết có hình phạt ấy, sao còn phạm?’
“Tội nhân đáp, ‘Thưa vâng, Đại vương, tôi thật ngu muội.’
“Diêm vương nói:
“Ta cũng tin lời ông, nay sẽ trị tội ông, để sau không tái phạm. Tội này chẳng phải do cha mẹ tạo, cũng chẳng phải vua quan, nhân dân chỗ tạo mà do tự tạo tội này rồi tự chịu báo.’
“Sau khi hỏi tội xong, Diêm vương liền sai ngục tốt, ‘Mau đem giam người này vào ngục.’
“Khi ấy, ngục tốt vâng [675b01] lệnh của vua, đem tội nhân này giam vào ngục. Bên trái địa ngục, lửa cháy dữ dội. Thành quách bằng sắt, đất cũng bằng sắt. Có bốn cửa thành là nơi cực hôi thối, giống như phân tiểu nhìn thật nhớp nhơ. Núi dao, rừng kiếm, vây quanh bốn phía. Lại có lồng sắt chụp bên trên.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Bốn vách bốn cửa thành,
Dài rộng thật là chắc.
Lồng sắt che phủ kín,
Không cơ hội thoát ra.
Khi ấy trên đất sắt
Lửa cháy thật dữ dội.
Tường vuông trăm do tuần,
Rỗng suốt chỉ một màu.
Chính giữa có bốn trụ;
Trông thật là đáng sợ.
Trên là rừng cây kiếm,
Nơi đậu quạ mỏ sắt.
Chỗ hôi thật khó ngửi;
Trông đến dựng lông tóc.
Đủ khí cụ ghê rợn.
Ngăn thành mười sáu lớp [9].
“Tỳ-kheo nên biết, lúc này ngục tốt dùng đủ mọi thứ khổ đau đánh đập người này. Tội nhân kia khi đặt chân vào ngục, máu thịt văng hết, chỉ còn bộ xương. Khi ấy, ngục tốt đem tội nhân này, dùng búa bén chặt thân nó, đau khổ không kể, muốn chết không được, chỉ đến khi hết tội nó mới thoát được. Những tội mà nó đã tạo ra ở nhân gian, chỉ khi phải trừ sạch, sau đó mới ra được.
“Lúc ấy, ngục tốt kia bắt tội nhân này leo lên, leo xuống rừng đao kiếm. Khi tội nhân ở trên cây, nó bị quạ mỏ sắt mổ ăn; hoặc mổ đầu lấy não ăn. Hoặc lấy tay chân, đập vào xương lấy tủy, mà tội vẫn chưa hết. Khi tội hết, nó mới được thoát ra.
“Lúc ấy, ngục tốt đem tội nhân kia bắt ngồi ôm cột đồng nóng. Do đời trước ưa dâm dật nên đưa đến tội này. Nó bị tội theo đuổi, không thoát được.
“Lúc này, ngục tốt rút gân từ gót chân cho đến cổ, kéo về phía trước, hoặc cho xe chở tới, hoặc lui, không được tự do. Ở đây, chịu khổ không thể nào tính kể. Chỉ khi nào tội hết, sau đó mới được thoát ra.
“Lúc này, ngục tốt bắt tội nhân kia đặt lên núi lửa, xua đuổi chạy lên, chạy xuống, cho đến khi chín nhừ hết, sau đó mới cho ra. [675c01] Lúc bấy giờ, do bởi nhân duyên này, tội nhân muốn chết cũng không chết được. Chỉ khi nào tội hết, sau đó mới được thoát ra.
“Khi ấy, ngục tốt lại bắt tội nhân, rút lưỡi ném ra sau lưng. Ở đây, chịu khổ không thể nào kể xiết, muốn chết không được.
“Lúc này, ngục tốt bắt tội nhân đặt lên núi đao; hoặc chặt chân, hoặc chặt đầu, hoặc chặt tay. Chỉ khi nào tội hết, sau đó mới được thoát ra.
“Lúc này, ngục tốt lại dùng lá sắt nóng lớn phủ lên thân tội nhân như cho mặc áo lúc còn sống. Lúc ấy khổ đau độc hại khó chịu, đều do nhân tham dục nên đưa đến tội này.
“Lúc này, ngục tốt lại bắt tội nhân làm tội năm thứ [10], xua đuổi khiến nằm xuống, rồi lấy đinh sắt đóng vào tay nó, chân nó, lại dùng một cây đinh đóng vào tim. Ở đó, nó chịu khổ đau thật không thể nói. Chỉ khi nào tội hết, sau đó mới được thoát ra.
“Lúc này, ngục tốt lại bắt tội nhân chổng ngược thân, đưa vào trong vạc. Khi ấy, phần dưới thân đều chín rục hết; hoặc trở lên phần trên cũng lại đều chín rục; cho đến bốn bên cũng chín rục hết, đau đớn khổ độc không thể tính hết, nổi cũng rục, không nổi cũng rục. Giống như nồi lớn mà nấu đậu nhỏ, có lớp ở trên hay ở dưới. Tội nhân này cũng lại như vậy, nổi cũng rục, không nổi cũng rục. Ở đó, chịu khổ không thể kể hết. Chỉ khi nào tội hết, sau đó mới được thoát ra.
“Tỳ-kheo nên biết, sau một thời gian dài trải qua nhiều năm trong địa ngục này, cửa đông mới mở. Khi ấy, tội nhân lại chạy đến cửa, cửa tự nhiên đóng. Lúc đó, những người kia đều ngã xuống đất. Ở đó, khổ sở không thể nói hết, chúng oán trách lẫn nhau, ‘Do các ngươi mà ta không được ra cửa.’”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người ngu thường vui thích
Như ở trời Quang âm.
Người trí thường lo nghĩ,
Giống như tù trong ngục.
“Sau khi trải qua trong đại địa ngục trăm ngàn vạn năm, cửa bắc lại mở. Lúc ấy, tội nhân lại chạy về cửa bắc. Cửa liền đóng lại. Chỉ khi nào tội hết, sau đó mới được thoát ra. Tội nhân kia trải qua hàng trăm vạn năm mới lại được thoát. Những tội đã tạo ra trong khi làm người, cốt phải trừ cho hết.
“Lúc này, ngục tốt lại bắt tội nhân, dùng búa sắt chém thân tội nhân, trải qua bao nhiêu [676a01] tội như vậy, khiến cho sửa đổi. Chỉ khi nào tội khổ hết hẳn, sau đó mới được ra.
“Tỳ-kheo nên biết, sau một thời gian, cửa phía đông lại mở một lần nữa. Lúc ấy, những chúng sanh kia chạy đến cửa đông thì cửa tự đóng lại, không ra được. Nếu ra được, bền ngoài có núi lớn mà nó phải chạy đến. Khi nó vào trong núi, bị hai núi ép lại, giống như ép dầu mè. Ở đó, chịu khổ không thể kể hết. Chỉ khi nào hết khổ, sau đó mới được ra.
“Bấy giờ, tội nhân chuyển dịch được tới trước, lại gặp địa ngục Tro nóng, [11] ngang dọc hàng ngàn vạn do tuần. Ở đó, chịu khổ không thể kể hết, cốt phải hoàn tất nguồn tội kia, sau đó mới được ra.
“Kế đến, lại chuyển tới trước nữa, có địa ngục Dao đâm. [12] Khi tội nhân vào trong địa ngục đao kiếm này, chợt có gió mạnh nổi lên phá nát gân cốt thân thể tội nhân. Ở đó, chịu khổ không thể kể hết. Cốt khiến cho hết tội, sau đó mới được ra.
“Lại nữa, có địa ngục Tro nóng lớn. [13] Khi tội nhân vào trong địa ngục tro nóng lớn này, thân thể tan rã, chịu khổ vô cùng. Cốt khiến cho hết tội, sau đó mới được ra.
“Khi tội nhân tuy thoát khỏi địa ngục tro rất nóng này, nhưng lại gặp địa ngục Đao kiếm, [14] ngang dọc hàng ngàn vạn dặm. Khi tội nhân vào trong địa ngục đao kiếm này, ở đó, chịu khổ không thể kể hết. Cốt khiến cho hết tội, sau đó mới được ra.
“Lại nữa, có địa ngục Phân sôi [15] trong đó có trùng nhỏ, ăn vào tận xương tủy người này. Tuy ra được địa ngục này, nhưng lại gặp ngay ngục tốt. Lúc này, ngục tốt hỏi tội nhân, ‘Các ông muốn đến đâu? Từ đâu lại?’ Tội nhân đáp, ‘Chúng tôi không biết từ chỗ nào lại. Cũng lại không biết phải đến chỗ nào. Nhưng hiện nay, chúng tôi đang đói khốn cùng, muốn được ăn.’ Ngục tốt đáp, ‘Chúng tôi sẽ cho ăn.’ Khi ấy, ngục tốt bắt tội nhân nằm ngửa, lấy viên sắt nóng lớn bắt tội nhân nuốt. Thiêu đốt, khiến tội nhân chịu khổ không thể kể hết. Lúc đó, viên sắt nóng từ miệng xuống qua ruột, dạ dày chín hết, chịu khổ khó lường. Cốt khiến cho hết tội, sau đó mới được ra.
“Song những tội nhân này không kham chịu những thống khổ này, nên trở lại các địa ngục Phân nóng, Địa ngục Đao kiếm, địa ngục Tro nóng lớn. Khi chúng trở lại những địa ngục như vậy, lúc bấy giờ những chúng sanh kia không kham chịu nỗi khổ, bèn quay [676b01] đầu lại, đến trong địa ngục Phân nóng. Lúc ấy, ngục tốt bảo những chúng sanh kia, ‘Các ông muốn đi đâu? Từ đâu đến?’ Tội nhân đáp, ‘Chúng tôi không thể biết từ đâu đến. Nay lại cũng không biết phải đi đâu.’ Ngục tốt hỏi, ‘Nay cần gì?’ Tội nhân đáp, ‘Chúng tôi rất khát, muốn cần uống nước.’ Khi ấy, ngục tốt bắt tội nhân nằm ngửa, rót đồng sôi vào miệng khiến cho chảy xuống. Ở đó, chịu tội không thể kể hết, cốt khiến cho hết tội, sau đó mới được ra.
“Bấy giờ, tội nhân kia không chịu nỗi khổ này, nên trở về địa ngục Phân sôi, địa ngục Rừng kiếm, địa ngục Tro nóng rồi trở vào đại địa ngục.
“Tỳ-kheo nên biết, lúc ấy tội nhân thống khổ khó có thể kể hết. Nếu tội nhân kia mắt thấy sắc, tâm không ưa thích. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi biết vị, thân biết mịn nhẵn, ý biết pháp, cũng đều phát sanh sân nhuế. [16] Vì sao vậy? Vì xưa không tạo báo hạnh lành mà thường tạo nghiệp ác, nên đưa đến tội này.
“Lúc ấy, Diêm vương bảo tội nhân kia, ‘Các ngươi không được thiện lợi. Xưa kia ở nhân gian, hưởng phước nhân gian, mà thân, miệng, ý hành không tương ưng, cũng không bố thí, nhân ái, lợi người, đẳng lợi, [17] vì vậy nên nay chịu nỗi khổ này. Hành vi ác này chẳng phải do cha mẹ tạo, cũng không phải quốc vương, đại thần tạo ra. Có các chúng sanh thân, miệng, ý thanh tịnh không có nhiễm ô giống như trời Quang âm. Có các chúng sanh tạo các hạnh ác, giống như trong địa ngục; thân, miệng, ý các ông bất tịnh nên đưa đến tội này.’
“Các Tỳ-kheo nên biết, Diêm-la vương liền nói, ‘Ngày nào tôi sẽ thoát nạn khổ này, được sanh trong loài người, được làm thân người, mong được xuất gia cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo.’
“Diêm-la vương còn nghĩ vậy, huống chi các ngươi, nay được thân người, được làm Sa-môn. Cho nên, này các Tỳ-kheo, thường hãy niệm thực hành thân, miệng, ý hành đừng cho thiếu sót. Hãy trừ năm kết sử, tu hành năm căn. Các Tỳ-kheo, hãy học những điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5 [18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật cùng chúng Tỳ-kheo năm trăm vị, ở trong vườn Lộc Mẫu, khu vườn phía đông, [19] nước Xá-vệ.
Bây giờ, tháng bảy, [676c01] ngày mười lăm, Thế Tôn trải tòa ngồi giữa khoảng đất trống, các Tỳ-kheo trước sau vây quanh. Phật bảo A-nan:
“Nay, nơi đất trống, ngươi mau đánh kiền chùy. Vì sao vậy? Vì ngày rằm tháng bảy là ngày thọ tuế.”
Lúc ấy, Tôn giả A-nan gối phải quỳ sát đất, chấp tay, liền nói kệ này:
Đấng Tịnh Nhãn vô thượng,
Thông suốt tất cả việc;
Trí huệ không đắm nhiễm:
Thọ tuế, nghĩa là gì?
Bấy giờ, Thế Tôn liền dùng kệ đáp A-nan:
Thọ tuế, ba nghiệp tịnh;
Việc làm thân, miệng, ý.
Hai Tỳ-kheo đối nhau,
Tự trình chỗ sai trái.
Lại tự xưng tên chữ”
‘Hôm nay Chúng thọ tuế,
Tôi cũng ý tịnh, thọ.
Cúi xin chỉ lỗi tôi.’
Bấy giờ, A-nan lại dùng kệ hỏi nghĩa này:
Hằng sa Phật quá khứ,
Bích-chi và Thanh văn;
Đây là pháp chư Phật,
Hay chỉ Thích-ca Văn?
Bấy giờ, Phật lại dùng kệ đáp A-nan:
Hằng sa Phật quá khứ,
Đệ tử tâm thanh tịnh.
Đều là pháp chư Phật
Chẳng riêng Thích-ca Văn.
Không tuổi, không đệ tử;
Một mình không bạn bè;
Không nói pháp cho người.
Phật Thế Tôn vị lai,
Hằng sa không thể tính,
Lại cũng thọ tuổi này;
Như pháp Cồ-đàm nay.
Sau khi nghe những lời này rồi, Tôn giả A-nan vui mừng hớn hở, không tự dừng được, liền lên giảng đường, tay cầm kiền chùy nói:
“Hôm nay, tôi đánh trống đưa tin của Như Lai, các chúng đệ tử Như Lai đều phải tập họp hết.”
Tôn giả lại nói kệ này:
Hàng phục sức ma oán;
Trừ sạch kết không còn;
Đất trống, đánh kiền chùy:
Tỳ-kheo nghe hãy họp.
Những người muốn nghe pháp,
Vượt qua biển sanh tử,
Nghe âm vi diệu này,
Hãy tập họp về đây.
[677a01] Sau khi đánh kiền chuỳ xong, Tôn giả A-nan đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một phía, bạch Thế Tôn:
“Đã đến giờ, cúi xin Thế Tôn chỉ dạy những gì?”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
“Ngươi hãy ngồi theo thứ lớp. Như Lai tự biết thời.”
Thế Tôn ngồi xuống đệm cỏ, bảo các Tỳ-kheo:
“Tất cả các ngươi hãy ngồi hết xuống đệm cỏ.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”
Các Tỳ kheo đều ngồi xuống đệm cỏ. Bấy giờ, Thế Tôn im lặng quán sát các Tỳ-kheo, rồi bảo các Tỳ-kheo:
“Ta nay muốn thọ tuế. Đối với mọi người, Ta không có lỗi gì chăng? Thân, miệng, ý cũng không có phạm chăng?”
Như Lai nói những lời này xong, các Tỳ-kheo im lặng không đáp. Bấy giờ, Ngài hỏi các Tỳ-kheo lại lần thứ ba:
“Hôm nay, Ta muốn thọ tuế. Song đối với mọi người, Ta không có lỗi gì chăng?”
Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối, chấp tay bạch Thế Tôn:
“Các chúng Tỳ-kheo quán sát, Như Lai không có lỗi nơi thân, miệng, ý. Vì sao vậy? Thế Tôn đã độ cho người chưa được độ, đã giải thoát cho người chưa giải thoát, khiến Bát Niết-bàn cho người chưa Bát Niết-bàn, đã cứu giúp cho người chưa được cứu giúp, làm con mắt cho người mù, vì người bệnh làm đại y vương, là đấng Độc tôn trong ba cõi, không ai sánh bằng, là đấng Tối tôn thượng, khiến phát đạo tâm cho người chưa phát đạo tâm. Mọi người chưa tỉnh, Thế Tôn khiến lay tỉnh; người chưa nghe, khiến cho nghe; vì người mê mà tạo đường tắt, luôn đưa về Chánh pháp.Vì những duyên sự này, Như Lai không có lỗi đối với mọi người, cũng không có lỗi nơi thân miệng ý.”
Rồi Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn tiếp:
“Nay con hướng về Như Lai, tự phát lồ. Không biết đối với Như Lai cùng Tăng Tỳ-kheo, con có lỗi gì không?”
Thế Tôn bảo:
“Này Xá-lợi-phất, nay những việc làm thân, miệng, ý của ngươi hoàn toàn đúng hạnh. Vì sao vậy? Ngươi có trí huệ không ai sánh kịp, trí huệ biết các chủng loại, trí huệ vô lượng, trí vô biên, trí không gì bằng, trí bén nhạy, trí nhanh nhẹn, trí sâu xa, trí bình đẳng, ít muốn, biết đủ, thích nơi vắng, có nhiều phương tiện, [20] niệm không tán loạn, đạt tam-muội tổng trì, đầy đủ căn nguyên, thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí huệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến huệ, dũng mãnh, hay nhẫn, lời nói không ác, không làm điều phi pháp, tâm tánh điều hòa thứ lớp, không làm sơ suất. Giống như thái tử lớn của Chuyển luân Thánh vương, sẽ nối [677b01] ngôi vua, chuyển vận bánh xe pháp. Xá-lợi-phất cũng vậy, chuyển vận bánh xe pháp vô thượng, mà chư thiên, loài người, rồng, quỷ, ma và thiên ma đều không thể chuyển. Nay lời ngươi nói ra thường như nghĩa pháp, chưa từng trái lý.”
Khi ấy, Xá-lợi-phất bạch với Phật:
“Năm trăm Tỳ-kheo này đều đáng thọ tuế. Năm trăm người này đối với Như Lai đều không có lỗi gì chăng?”
Thế Tôn nói:
“Cũng không có gì phải trách, các hành vi bởi thân, miệng, ý của năm trăm Tỳ-kheo này. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất, đại chúng trong đây rất là thanh tịnh, không có tỳ vết. Nay người thấp nhất trong chúng này, cũng đắc đạo Tu-đà-hoàn, nhất định tiến đến pháp bất thối chuyển. Vì vậy Ta không thể chê trách họ.”
Khi ấy, Đa-kỳ-xa [21] rời khỏi chỗ ngồi đến trước Thế Tôn đảnh lễ sát đất rồi bạch Thế Tôn: “Con có điều muốn nói.”
Thế Tôn bảo: “Muốn nói gì thì hãy nói đi.”
Đa-kỳ-xa liền ca ngợi Phật và chúng Tăng ngay trước mặt đức Phật bằng bài kệ sau:
Vào ngày rằm thanh tịnh,
Họp năm trăm Tỳ-kheo,
Đã giải thoát các kết,
Không ái, không tái sanh.
Vua Chuyển luân Đại Thánh
Được quần thần vây quanh,
Đi khắp các thế giới,
Trên trời và thế gian.
Đại tướng tôn quí nhất,
Đạo sư dẫn dắt người.
Đệ tử vui đi theo,
Đủ ba đạt sáu thông,
Là con Phật chơn chánh,
Không có chút bụi dơ,
Cắt bỏ sạch ái dục:
Nay con xin quy y.
Khi ấy, đức Thế Tôn ấn khả những lời của Đa-kỳ-xa. Đa-kỳ-xa thấy Như Lai ấn khả lời mình nói, nên vui mừng phấn khởi, đứng dậy lễ Phật, rồi trở lại chỗ ngồi.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Đệ tử nói kệ đứng đầu trong hàng Thanh văn chính là Tỳ-kheo Đa-kỳ-xa. Nói lời không có gì đáng nghi ngờ chính là Tỳ-kheo Đa-kỳ-xa.” [22]
Lúc ấy, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại khu Ca-lan-đà, Trúc viên, thành La-duyệt, cùng chúng năm trăm Tỳ-kheo.
Bấy giờ, trên trời Tam thập Tam [677c01] có một thiên tử từ thân hình xuất hiện năm điềm báo hiệu sắp chết. Những gì là năm? Một là vòng hoa trên đầu bị héo. Hai là y phục bụi bẩn. Ba là nách đổ mồ hôi. Bốn là không vui chỗ ngồi của mình. Năm là ngọc nữ phản bội. Thiên tử ấy buồn rầu khổ não, đấm ngực than thở. Nghe vị thiên ấy buồn rầu khổ não, đấm ngực than thở, Thích Đề-hoàn Nhân liền sai một thiên tử đến chỗ ấy xem, âm thanh gì mà từ đó vang đến đây.
Thiên tử ấy trả lời: “Thiên tử nên biết, hôm nay có một thiên tử sắp mạng chung, có năm điềm báo hiệu sắp chết. Một là vòng hoa trên đầu bị héo. Hai là y phục bụi bẩn. Ba là nách đổ mồ hôi. Bốn là không vui chỗ ngồi của mình. Năm là ngọc nữ phản bội.
Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân đến chỗ vị thiên sắp lâm chung, nói với vị ấy rằng:
“Vì sao hôm nay ông buồn rầu khổ não đến như vậy?”
Thiên tử đáp: “Thưa Tôn giả Nhân-đề, làm sao không buồn rầu khổ não được khi tôi sắp chết rồi. Có năm điềm báo hiệu sắp chết. Một là vòng hoa trên đầu bị héo. Hai là y phục bụi bẩn. Ba là nách đổ mồ hôi. Bốn là không vui chỗ ngồi của mình. Năm là ngọc nữ phản bội. Nay cung điện bảy báu này sẽ mất hết. Năm trăm ngọc nữ cũng sẽ tan tác như sao. Món cam lộ mà tôi ăn không còn mùi vị.”
Đề-hoàn Nhân nói với thiên tử ấy:
“Ông há không nghe Như Lai nói kệ sao?
Các hành là vô thường.
Có sinh ắt có chết.
Không sinh thì không chết.
Diệt này là vui nhất.
“Vì sao nay ông buồn lo đến như vậy? Tất cả hành là vật vô thường, muốn cho có thường thì điều này không thể.”
Thiên tử đáp:
“Thế nào, Thiên đế, tôi không sầu ưu sao được? Nay tôi mang thân trời thanh tịnh không vết nhơ, ánh sáng như mặt trời mặt trăng chiếu khắp mọi nơi, mà bỏ thân này rồi, sẽ sanh vào bụng heo trong thành La-duyệt, sống thường ăn phân, chết thì bị dao mổ xẻ.”
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân bảo thiên tử kia:
“Nay ông nên tự quy y Phật, Pháp, chúng Tăng. Có thể khi ấy không đọa vào ba đường dữ.”
Thiên tử đáp:
“Há quy y Tam bảo mà không đọa vào ba đường dữ sao?”
Thích Đề-hoàn Nhân nói:
“Thật vậy, Thiên tử. Ai quy y Tam tôn, không bao giờ rơi vào ba đường dữ.”
Như Lai cũng nói kệ này:
[678a01]Những ai quy y Phật,
Không đọa ba đường dữ.
Lậu tận, nơi trời người,
Rồi sẽ đến Niết bàn.
Thiên tử kia hỏi Thích Đề-hoàn Nhân:
“Nay Như Lai đang ở đâu?”
Thích Đề-hoàn Nhân nói:
“Như Lai hiện đang ở tại Ca-lan-đà, trong Trúc viên, thành La-duyệt, nước Ma-kiệt-đà cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo.”
Thiên tử nói:
“Nay tôi không còn đủ sức đến đó hầu thăm Như Lai nữa.”
Thích Đề-hoàn Nhân bảo:
“Thiên tử nên biết, hãy quỳ gối phải sát đất, chấp tay hướng về phương dưới mà nói rằng: ‘Cúi xin Thế Tôn xem xét đến cho. Nay con sắp cùng đường. Xin thương xót cho. Nay con tự quy y Tam tôn, Như Lai Vô sở trước.’”
Bấy giờ, Thiên tử kia theo lời Thích Đề-hoàn Nhân, quỳ xuống, hướng xuống phương dưới, tự xưng tên họ, tự quy y Phật, Pháp, Tăng, nguyện suốt đời làm người Phật tử chơn chánh, chẳng màng thiên tử. Cho đến ba lần nói những lời này. Như vậy rồi, không còn đọa vào thai heo, mà sẽ sanh vào nhà trưởng giả.
Thiên tử kia sau khi thấy nhân duyên này rồi, quay về Thích Đề-hoàn Nhân mà nói kệ này:
Duyên lành chẳng phải dữ,
Vì pháp chẳng vì của.
Dẫn dắt theo đường chánh
Điều này Thế Tôn khen.
Nhờ Ngài không đọa ác,
Thai heo, nhân thật khó.
Sẽ sanh nhà trưởng giả,
Nhờ đó sẽ gặp Phật.
Khi ấy, Thiên tử tùy theo tuổi thọ ngắn dài, sau đó sinh vào nhà trưởng giả trong thành La-duyệt. Lúc đó, vợ trưởng giả tự biết mình có thai, gần đủ mười tháng, sanh ra một nam nhi, xinh đẹp vô song, hiếm có trên đời. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân khi đã biết cậu bé vừa lên mười tuổi, nhiều lần đến bảo:
“Ngươi hãy nhớ lại nhân duyên đã làm trước kia, tự nói rằng: ‘Tôi sẽ nhờ đó thấy Phật.’ Nay thật đã đúng lúc. Nên gặp Thế Tôn. Nếu không đến, sau tất sẽ hối hận.”
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đến giờ đắp y mang bát vào thành La-duyệt khất thực, dần dần đến nhà trưởng giả kia, đứng yên lặng ngoài cửa.
Khi con trưởng giả thấy Xá-lợi-phất đắp y mang bát dung mạo khác thường, liền đến trước Xá-lợi-phất thưa rằng:
“Ngài là ai? [678b01] Đệ tử của ai? Đang hành pháp gì?”
Xá-lợi-phất nói:
“Thầy ta xuất thân dòng họ Thích, ở trong đó mà xuất gia học đạo. Thầy được gọi là Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác. Ta thường theo vị ấy thọ pháp.”
Khi ấy, cậu bé liền hướng về Xá-lợi-phất mà nói kệ này:
Tôn giả nay đứng im,
Ôm bát, tướng mạo nghiêm;
Nay muốn xin những gì?
Cùng đứng với ai đó?
Xá-lợi-phất dùng kệ đáp lại:
Nay ta không xin của;
Cũng chẳng xin cơm áo.
Vì cậu nên đến đây.
Xét kỹ, nghe ta nói!
Nhớ lời xưa cậu nói,
Lúc phát thệ trên trời:
‘Cõi người sẽ gặp Phật.’
Nên đến báo cùng cậu.
Khó gặp Phật ra đời.
Nghe Pháp thuyết cũng vậy.
Thân người khó thể được;
Giống như hoa ưu đàm.
Cậu hãy đi theo tôi,
Cùng đến hầu Như Lai.
Phật sẽ nói cho cậu
Đường chính đến cõi lành.
Sau khi nghe Xá-lợi-phất nói, cậu liền đi đến chỗ cha mẹ, lạy sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, con trưởng giả bạch cha mẹ rằng:
“Cúi xin cha mẹ cho phép con đến chỗ Thế Tôn thừa sự, đảnh lễ, thăm hỏi sức khỏe.”
Cha mẹ đáp:
“Nay là lúc thích hợp.”
Khi ấy, con trưởng giả sắm sửa hương hoa cùng một tấm giạ trắng tốt, rồi theo Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật, rồi đứng qua một bên.
Lúc ấy, Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn:
“Đây là con trưởng giả đang sống trong thành La-duyệt này, không biết đến Tam bảo. Cúi xin Thế Tôn khéo vì cậu mà thuyết pháp khiến được độ thoát.”
Khi ấy, con trưởng giả thấy Thế Tôn uy dung đoan chánh, các căn tịch tịnh, có ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp hiển hiện ngoài thân, cũng như núi Tu di vương; mặt như mặt trời, mặt trăng, nhìn mãi không chán, liền đến trước lễ sát chân, rồi đứng qua một bên.
Rồi con trưởng giả rải hương hoa lên thân Như Lai, lại đem tấm giạ trắng mới dâng cho Như Lai, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một phía.
Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp cho cậu. Ngài nói các đề tài về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là bất tịnh, là hữu lậu, là tai hoạ lớn, xuất gia là thiết yếu. Khi Thế Tôn biết [678c01] cậu bé đã tâm mở ý thông, như pháp thường mà chư Phật Thế Tôn nói, là khổ, tập, diệt, đạo; bấy giờ, Thế Tôn cũng vì con trưởng giả kia mà nói hết. Lúc đó, ngay trên chỗ ngồi, con trưởng giả dứt sạch trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh, không còn trần cấu.
Bấy giờ, con trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn cho phép con được xuất gia làm Sa-môn.”
Thế Tôn bảo:
“Phàm người làm đạo, chưa từ biệt cha mẹ thì không được làm Sa-môn.”
Lúc ấy, con trưởng giả bạch Thế Tôn:
“Con sẽ xin cha mẹ cho phép.”
Thế Tôn bảo:
“Nay là lúc thích hợp.”
Bấy giờ, con trưởng giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân lui đi. Trở về đến nhà, cậu thưa với cha mẹ rằng:
“Cúi xin cho phép con được làm Sa-môn!”
Cha mẹ đáp:
“Hiện tại chúng ta chỉ có một mình con. Trong nhà sinh nghiệp lại nhiều tiền của. Hành pháp Sa-môn thật là không dễ!”
Con trưởng giả thưa:
“Như Lai xuất thế ức kiếp mới có, thật không thể gặp. Thật lâu mới xuất hiện. Như hoa ưu-đàm-bát, thật lâu mới có; cũng vậy, Như Lai ức kiếp mới xuất hiện.”
Lúc này, cha mẹ của con trưởng giả cùng than thở nhau nói rằng:
“Nay đã đúng lúc, con cứ tùy nghi.”
Lúc ấy, con trưởng giả lạy sát chân, rồi từ biệt ra đi. Đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, con trưởng giả kia bạch Thế Tôn:
“Cha mẹ con đã cho phép. Cúi xin Thế Tôn cho phép con hành đạo.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Xá-lợi-phất:
“Ông hãy độ con trưởng giả này cho làm Sa-môn.”
Xá-lợi-phất đáp:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”
Xá-lợi-phất vâng theo lời Phật dạy, độ cho cậu bé làm Sa-di, hằng ngày dạy dỗ. Sa-di kia ở tại nơi vắng vẻ, tự khắc phục, tu tập, vì mục đích mà thiện gia nam tử xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, tu phạm hạnh vô thượng, là vì muốn được lìa khổ. Lúc ấy, Sa-di thành A-la-hán. Rồi đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, bạch Thế Tôn:
“Nay con đã thấy Phật, nghe pháp, không có nghi ngờ gì nữa.”
Thế Tôn bảo:
“Nay ông như thế nào là thấy Phật, nghe Pháp, không có nghi ngờ gì nữa?”
Sa-di bạch Phật:
“Sắc là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ là vô ngã. Vô ngã tức là không. Không là chẳng phải có, chẳng phải không có, cũng không có ngã. Như vậy là điều được [679a01] người trí giác tri. Thọ*, tưởng, hành, thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ là vô ngã. Vô ngã tức là không. Không là chẳng phải có, chẳng phải không có, cũng không có ngã. Như vậy là điều được người trí giác tri. Năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, không, vô ngã, chẳng phải có, nhiều điều khổ não, không thể chữa trị, thường ở chỗ hôi hám, không thể giữ lâu, tất quán không có ngã. Hôm nay, con quan sát Pháp này, liền thấy Như Lai.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, lành thay Sa-di! Ta tức thì cho phép ông làm Sa-môn đó.”
Sa-di kia sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7 [23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Na-la-đà [24] ở trong vườn trúc của một trưởng giả, [25] nước Ba-la-lê. [26] Bấy giờ, đệ nhất phu phân [27] vua Văn-trà [28] qua đời. Bà rất được vua yêu kính, luôn luôn nhớ tưởng trong lòng. Lúc đó, có một người đến chỗ vua tâu rằng:
“Đại vương nên biết, nay Đệ nhất phu phân đã qua đời.”
Lúc vua nghe phu nhân vô thường, trong lòng sầu ưu, bảo người vừa đến rằng:
“Ngươi mau chóng khiêng tử thi phu phân tẩm trong dầu mè cho ta thấy.”
Lúc đó, người kia vâng lệnh vua, liền đem xác phu nhân tẩm trong dầu mè.
Sau khi nghe phu phân mất, vua trong lòng sầu não cực kỳ, không ăn uống, không trị theo vương pháp, không xử lý việc triều đình. Khi ấy, tả hữu có một người tên Thiện Niệm, [29] thường cầm kiếm hầu đại vương. Ông tâu đại vương:
“Đại vương nên biết, trong nước này có Sa-môn tên là Na-la-đà đã đắc A-la-hán, có thần túc lớn, hiểu rộng, biết nhiều, không việc gì không rành rẽ, biện tài dũng tuệ, nói chuyện thường hàm tiếu. Xin vua hãy đi đến đó nghe vị ấy thuyết Pháp. Nếu vua nghe Pháp, sẽ không còn ưu sầu khổ não nữa.”
Vua đáp:
“Lành thay, lành thay, khanh khéo nói những lời này. Thiện Niệm, nay khanh đến đó báo trước Sa-môn kia. Vì sao vậy? Vì phàm Chuyển luân Thánh vương muốn đến chỗ nào thì phải sai người đi trước. Nếu không sai người báo trước mà đến, điều này không thể.”
Thiện Niệm đáp:
“Tuân lệnh đại vương.”
Rồi ông tuân lệnh của vua, đi vào trong vườn trúc trưởng giả, đến chỗ Na-la-đà. Đến nơi, ông đảnh lễ sát chân ngài, rồi đứng qua một bên.
Bấy giờ, Thiện Niệm bạch Tôn giả Na-la-đà:
“Ngài biết cho, Phu nhân đại vương đã qua đời. Nhân khổ não này, vua không ăn, không uống, cũng lại không trị vương pháp, không xử quốc sự. Nay vua muốn đến hầu thăm [79b01] Tôn nhan. Cúi xin Ngài khéo vì vua mà thuyết pháp, khiến vua không còn sầu khổ.”
Na-la-đà nói:
“Muốn đến thì nay là lúc thích hợp.”
Thiện Niệm nghe dạy rồi, liền đảnh lễ sát chân mà lui đi. Về đến chỗ vua, ông tâu rằng:
“Tôi đã báo cho Sa-môn rồi, xin Vua biết cho.”
Vua liền sai Thiện Niệm:
“Hãy nhanh chuẩn bị xe gắn lông chim*. Nay ta muốn tương kiến cùng Sa-môn.”
Thiện Niệm liền chuẩn bị xe gắn lông chim*. Rồi đến trước tâu vua:
“Xe đã chuẩn bị xong, Vua biết cho, đã đúng giờ.”
Bấy giờ, vua lên xe gắn lông chim* ra khỏi thành, đến chỗ Na-la-đà, đi bộ vào trong vườn trúc trưởng giả. Theo phép Nhân vương, vua phải cởi năm thứ nghi trượng bỏ sang một bên, rồi đến chỗ Na-la-đà, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên.
Lúc ấy, Na-la-đà nói với vua:
“Đại vương nên biết, đừng vì pháp mộng huyễn khởi sầu ưu, đừng vì pháp bọt nổi cùng vốc tuyết mà khởi sầu ưu, lại cũng không thể vì tưởng pháp như hoa mà khởi sầu ưu. Vì sao vậy? Nay có năm việc thật không thể được, đó là những điều Như Lai đã nói. Những gì là năm? Phàm vật phải tận, muốn cho không tận, điều này không thể được. Phàm vật phải diệt, muốn cho không diệt, điều này không thể được. Phàm pháp phải già, muốn cho không già, điều này không thể được. Lại nữa, phàm pháp phải bệnh, muốn cho không bệnh, điều này không thể được. Lại nữa, phàm pháp phải chết, muốn cho không chết, điều này không thể được. Này Đại vương, đó gọi là có năm việc thật không thể được này, đó là những điều Như Lai đã nói.”
Bấy giờ, Na-la-đà liền nói kệ này:
Không phải do sầu lo,
Mà được phước lành này.
Nếu trong lòng sầu ưu,
Bị ngoại cảnh chi phối.
Nếu như người có trí
Quyết không tư duy vậy,
Nên ngoại địch phải sầu,
Vì không chi phối được.
Đủ oai nghi lễ tiết;
Ham thí không tâm tiếc;
Nên cầu phương tiện này,
Khiến được lợi lớn kia.
Giả sử không thể được,
Ta và những người ấy
Không sầu cũng không hoạn:
Hành báo biết thế nào?
“Đại vương nên biết, vật phải bị mất, nó sẽ mất. Khi nó đã mất, khiến cho sầu [679c01] ưu khổ não, đau đớn không thể tả, rằng: ‘Người yêu của ta ngày nay đã mất.’ Đó gọi là cái gì phải bị mất, thì nó mất, ở đó mà khởi sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả. Này Đại vương, đó gọi là gai sầu thứ nhất đâm dính tâm ý. Người phàm phu có pháp này, không biết xuất xứ của sinh, già, bịnh, chết từ đâu đến.
“Lại nữa, đệ tử Hiền thánh có học, đối với vật phải bị mất, khi nó mất, vị ấy không khởi sầu ưu khổ não, mà sẽ học điều này: ‘Nay cái mà ta bị mất, chẳng phải một mình thôi, người khác cũng bị pháp này. Nếu ở đó, ta khởi sầu ưu thì điều này không thích hợp. Hoặc sẽ làm cho thân tộc khởi sầu ưu, oan gia thì vui mừng; ăn không tiêu hóa tức sẽ thành bệnh, thân thể bức rức phiền muộn. Do gốc duyên này, đưa đến mạng chung.’ Bấy giờ, vị ấy trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thoát khỏi sinh, già, bịnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa.
“Lại nữa Đại vương, vật phải bị diệt, nó sẽ diệt. Khi nó đã diệt, liền khiến sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả, rằng: ‘Vật ta yêu hôm nay đã diệt.’ Đó gọi là vật phải bị diệt, thì nó diệt, ở đó mà khởi sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả. Này Đại vương, đó gọi là gai sầu thứ hai đâm dính tâm ý thứ hai. Người phàm phu có pháp này, không biết xuất xứ của sinh, già, bịnh, chết từ đâu đến.
“Lại nữa, đệ tử Hiền thánh có học, đối với vật phải bị diệt, khi nó diệt, vị ấy không khởi sầu ưu khổ não, mà sẽ học điều này: ‘Nay cái mà ta bị diệt, chẳng phải một mình thôi, người khác cũng bị pháp này. Nếu ở đó, ta khởi sầu ưu thì điều này không thích hợp. Hoặc sẽ làm cho thân tộc khởi sầu lo, oan gia thì vui mừng; ăn không tiêu hóa tức sẽ thành bệnh, thân thể bức rức phiền muộn. Do gốc duyên này, liền đưa đến mạng chung.’ Bấy giờ, vị ấy trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thoát khỏi sinh, già, bịnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa.
“Lại nữa Đại vương, vật phải bị già, nó sẽ già. Khi nó đã già, liền khiến sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả, rằng: ‘Vật ta yêu hôm nay đã già.’ Đó gọi là phải bị già, thì nó già, ở đó, khởi sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả. Này Đại vương! Đó gọi là gai sầu thứ ba đâm dính tâm ý. Người phàm phu có pháp này, không biết chỗ đến, xuất xứ của sinh, già, bịnh, chết.
“Lại nữa, đệ tử Hiền thánh có học, đối với vật phải bị già, nó liền già, lúc đó, người kia không khởi sầu ưu khổ não thường học những điều này: ‘Nay cái mà ta [680a01] bị già chẳng phải một mình thôi, người khác cũng bị pháp này. Nếu ở đó, ta khởi sầu ưu thì điều này không thích hợp. Hoặc sẽ làm cho thân tộc khởi sầu lo, oan gia thì vui mừng; ăn không tiêu hóa tức sẽ thành bệnh, thân thể bức rức phiền muộn. Do gốc duyên này, liền đưa đến mạng chung.’ Bấy giờ, vị ấy trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thoát khỏi sinh, già, bịnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa.
“Lại nữa Đại vương, vật phải bị bệnh, nó sẽ bệnh. Khi nó đã bệnh, liền khiến sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả. ‘Vật ta yêu hôm nay đã bệnh.’ Đó gọi là vật phải bị bệnh thì nó bệnh, ở đó, khởi sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả. Này đại vương! Đó gọi là gai sầu thứ hai đâm dính tâm ý. Người phàm phu có pháp này, không biết chỗ đến, xuất xứ của sinh, già, bịnh, chết.
“Lại nữa, đệ tử Hiền thánh có học, đối với vật phải bị bệnh, nó liền bệnh, lúc đó, người kia không khởi sầu ưu khổ não thường học những điều này: ‘Nay cái mà ta bị bệnh chẳng phải một mình thôi, người khác cũng bị pháp này. Nếu ở đó, ta khởi sầu ưu thì điều này không thích hợp. Hoặc sẽ làm cho thân tộc khởi sầu lo, oan gia thì vui mừng; ăn không tiêu hóa tức sẽ thành bệnh, thân thể bức rức phiền muộn. Do gốc duyên này, liền đưa đến mạng chung.’ Bấy giờ, vị ấy trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thoát khỏi sinh, già, bịnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa.
“Lại nữa Đại vương, vật phải bị chết, nó sẽ chết. Khi nó đã chết, liền khiến sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả, rằng: ‘Vật ta yêu hôm nay đã chết.’ Đó gọi là vật phải bị chết, nó liền chết, ở đó, khởi sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả. Này Đại vương! Đó gọi là gai sầu thứ năm tâm ý. Người phàm phu có pháp này, không biết chỗ đến, xuất xứ của sinh, già, bịnh, chết.
“Lại nữa, đệ tử Hiền thánh có học, đối với vật phải bị chết, nó liền chết, lúc đó, người kia không khởi sầu ưu khổ não thường học những điều này: ‘Nay cái mà ta bị chết chẳng phải một mình thôi, người khác cũng bị pháp này. Nếu ở đó, ta khởi sầu ưu thì điều này không thích hợp. Hoặc sẽ làm cho thân tộc khởi sầu lo, oan gia thì vui mừng; ăn không tiêu hóa tức sẽ thành bệnh, thân thể bức rức phiền muộn. Do gốc duyên này, liền đưa đến mạng chung.’ Bấy giờ, vị ấy trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thóat khỏi sinh, già, bịnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa.
Lúc ấy, Đại vương bạch Tôn giả Na-la-đà:
“Đó gọi là pháp gì và nên phụng hành thế nào?”
Na-la-đà nói:
“Kinh này gọi là trừ mối hoạn ưu sầu, nên ghi nhớ phụng hành.”
Thời Đại vương nói:
“Đúng như [680b01] lời Ngài nói, trừ bỏ sầu ưu. Vì sao vậy? Vì sau khi nghe pháp này rồi, những gì là sầu khổ nơi tôi, hôm nay đã được trừ hẳn. Nếu Tôn giả có điều gì chỉ dạy, mong hãy thường vào cung, tôi sẽ cung cấp cho, khiến cho đất nước nhân dân hưởng mãi phước không cùng. Cúi xin Tôn giả diễn rộng pháp này còn mãi mãi ở Thế gian, cho chúng bốn bộ được an ổn lâu dài. Nay, con xin quy y Tôn giả Na-la-đà.”
Na-la-đà nói:
“Đại vương, chớ quy y tôi, hãy quy y nơi Phật.”
Khi ấy vua hỏi:
“Nay Phật ở nơi nào?”
Na-la-đà nói:
“Đại vương nên biết, vua nước Ca-tỳ-la-vệ, xuất xứ từ họ Thích, thuộc dòng Chuyển luân Thánh vương; Vua này có con tên là Tất-đạt, xuất gia học đạo, nay tự thành Phật hiệu Thích-ca Văn. Hãy tự quy y với vị ấy.”
Đại vương lại hỏi:
“Nay Phật ở phương nào?”
Na-la-đà nói:
“Như Lai đã nhập Niết-bàn.”
Đại vương nói:
“Như Lai diệt độ sao nhanh chóng vậy! Nếu Ngài còn tại thế, dù trải qua hàng ngàn vạn do tuần, tôi cũng sẽ đến hầu thăm.”
Rồi vua rời chỗ ngồi đứng dậy, quì gối chấp tay thưa rằng:
“Con tự quy y Như Lai, Pháp, Tăng Tỳ-kheo, trọn đời cho phép con làm ưu-bà-tắc, không sát sanh. Vì việc nước đa đoan, giờ con muốn trở về cung.”
Na-la-đà nói:
“Nay đã đúng lúc”
Vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh ba vòng, rồi ra đi.
Vua Văn-trà sau khi nghe những gì Na-la-đà dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8 [30]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Người bệnh tật mà thành tựu năm pháp thì không lúc nào lành bệnh được, thường nằm liệt giường chiếu. Những gì là năm? Hoặc khi người bệnh không chọn đồ ăn thức uống, không tùy thời ăn, không thân cận y dược, nhiều ưu, ưa sân, không khởi lòng từ đối với người nuôi bệnh. Tỳ-kheo, đó gọi là người bệnh tật thành tựu năm pháp này, không lúc nào lành bệnh được.
“Nếu lại có bệnh nhân nào thành tựu năm pháp thì sẽ được bệnh mau lành. Những gì là năm? Hoặc khi bệnh nhân chọn lựa thức ăn, tùy thời ăn, thân cận y dược, trong lòng không sầu ưu, hằng khởi tâm từ đối với người nuôi bệnh. Tỳ-kheo, đó gọi là bệnh nhân thành tựu năm pháp này liền được lành bệnh.
“Như vậy, Tỳ-kheo, năm pháp trước hãy niệm lìa bỏ. Năm pháp sau nên cùng phụng hành.
[680c01]“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9 [31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu người nào nuôi bệnh thành tựu năm pháp thì bệnh nhân không được chóng khỏi, thường nằm liệt giường. Những gì là năm? Lúc đó, người nuôi bệnh không phân biệt thuốc hay, biếng nhác không tâm dũng mãnh, thường ưa sân hận cũng ham ngủ nghỉ, chỉ tham ăn nên nuôi bệnh nhân không đúng pháp cung dưỡng, không cùng người bệnh chuyện trò trao đổi. Này Tỳ-kheo, đó gọi là người nuôi bệnh nào thành tựu năm pháp này thì bệnh nhân không được chóng khỏi.
“Lại này Tỳ-kheo! Nếu người nuôi bệnh nào thành tựu năm pháp thì bệnh liền mau lành, không nằm liệt giường. Sao gọi là năm? Lúc đó, người nuôi bệnh phân biệt thuốc hay; cũng không biếng nhác, thức trước ngủ sau; thường thích nói chuyện, ít ngủ nghỉ; dùng pháp cung dưỡng, không ham ăn uống; chịu khó vì bệnh Nhân mà nói pháp. Này Tỳ-kheo, đó gọi là người nuôi bệnh thành tựu năm pháp này thì bệnh nhân được chóng khỏi.
“Cho nên, các Tỳ-kheo, lúc nuôi bệnh nhân phải bỏ năm pháp trước, thành tựu năm pháp sau.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Sau khi, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10 [32]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú trong rừng Di-hầu [33] tại Tỳ-xá-ly cùng năm trăm Tỳ-kheo. Bấy giờ, Đại tướng Sư Tử [34] đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, Phật bảo Sư Tử :
“Thế nào, trong nhà ông thường có bố thí không?”
Sư Tử bạch Phật:
“Con thường ở ngoài bốn cửa thành và trong thành phố, tùy thời mà bố thí không cho thiếu sót. Ai cần ăn, cung cấp thức ăn. Y phục, hương hoa, xe ngựa, toạ cụ, tùy theo chỗ cần dùng của họ, con đều khiến cung cấp cho họ.”
Phật bảo Sư Tử :
“Lành thay, lành thay, ông có thể bố thí mà không ôm lòng tưởng tiếc. Đàn-việt thí chủ tuỳ thời bố thí có năm công đức. Những gì là năm? Lúc đó, đàn việt thí chủ được tiếng đồn vang khắp, mọi người khen ngợi rằng: ‘Tại thôn làng kia có đàn-việt thí chủ thường ưa tiếp đón sa-môn, bà-la-môn, tùy theo nhu cầu mà cung cấp, không để thiếu sót. Này Sư Tử, đó gọi là công đức thứ nhất mà đàn-việt thí chủ thu được.
“Lại nữa, này [681a01] Sư Tử, khi đàn-việt thí chủ đến trong chúng sa-môn, sát-lợi, bà-la-môn, trưởng giả, trong ôm lòng hổ thẹn, cũng không có điều sợ hãi. Giống như sư tử, vua loài thú, ở giữa bầy nai, không hề sợ nạn. Này Sư Tử, đó gọi là công đức thứ hai mà đàn-việt thí chủ thu được.
“Lại nữa, này Sư Tử, đàn-việt thí chủ được mọi người kính ngưỡng, người thấy vui mừng như con thấy cha, ngắm nhìn không chán. Này Sư Tử, đó gọi là phước đức thứ ba mà đàn-việt thí chủ thu được.
“Lại nữa, này Sư Tử, đàn-việt thí chủ sau khi mạng chung sẽ sinh hai nơi: Hoặc sinh lên trời, hoặc sinh trong loài người. Ở trời được trời kính trọng; ở người được người tôn quí. Này Sư Tử, đó gọi là phước đức thứ tư mà đàn-việt thí chủ thu được.
“Lại nữa, này Sư Tử, đàn-việt thí chủ, trí huệ xa vời vượt lên mọi người, hiện thân diện tận lậu, không tái sinh đời sau. Này Sư Tử, đó gọi là phước đức thứ năm mà đàn-việt thí chủ thu được.
“Phàm người bố thí có năm đức, thường đi theo bên mình.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Tâm ưa thích bố thí,
Thành công đức đầy đủ;
Trong chúng không nghi nan,
Cũng không hề sợ hãi.
Người trí hãy bố thí,
Tâm đầu không hối tiếc.
Tại trời Tam thập Tam,
Ngọc nữ sẽ vây quanh.
“Vì vậy, Sư Tử nên biết, đàn-việt thí chủ sinh hai chỗ lành, hiện thân hết lậu, đến chỗ vô vi.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Thí là lương đời sau,
Đưa đến chỗ rốt ráo.
Thiện thần thường theo hộ;
Cũng khiến cho hoan hỷ.
“Vì sao vậy? Sư Tử nên biết, vì khi bố thí thường hiện lòng hoan hỷ, thân tâm kiên cố, nên các công đức lành đều đầy đủ, được tam-muội, ý cũng không tán loạn, biết như thật. Thế nào là biết như thật? Đây là khổ, tập, khổ diệt, khổ xuất ly, thảy đều biết như thật. Cho nên, này Sư Tử, hãy tìm cầu phuơng tiện tùy thời bố thí. Nếu muốn đắc đạo Thanh Văn, Bích-chi-phật thì thảy đều như ý. Này Sư Tử, hãy học điều này như vậy.”
Sư Tử sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 11 [35]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. [681b1] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Khi đàn-việt thí chủ huệ thí, được năm sự công đức. [36] Những gì là năm? Một là thí mạng, [37] hai là thí sắc, ba là thí an lạc, bốn là thí sức, năm là thí biện tài [38]. Đó gọi là năm.
“Lại nữa, đàn-việt thí chủ lúc thí mạng là muốn được trường thọ, lúc thí sắc là muốn được xinh đẹp, lúc thí an lạc là muốn được không bệnh, lúc thí sức là muốn không ai hơn, lúc thí biện tài là muốn được biện tài vô thượng chơn chánh.
“Các Tỳ-kheo, nên biết, đó gọi là khi đàn-việt thí chủ bố thí, có năm sự công đức này.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Thí mạng, sắc, và an,
Sức, biện tài, năm thứ;
Đủ năm công đức này,
Sau hưởng phước vô cùng.
Người trí nên bố thí,
Trừ bỏ lòng tham dục;
Thân này có danh dự,
Sinh trời cũng lại vậy.
“Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn được năm công đức này, hãy làm năm việc này.”
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 12 [39]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí đúng thời [40] có năm sự. Những gì là năm? Một là thí cho khách xa đến. Hai là thí cho người đi xa. Ba là thí cho người bệnh. Bốn là thí cho lúc thiếu. Năm là thí lúc mới thu hoạch cây trái, ngũ cốc trước tiên, cúng dường cho người trì giới tinh tấn, sau đó tự dùng. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là thí đúng thời có năm sự này.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người trí thí đúng thời
Tín tâm không dứt mất.
Ở đây chóng hưởng vui;
Sanh thiên đủ các đức.
Tuỳ thời niệm bố thí,
Thọ phước như tiếng vang.
Vĩnh viễn không thiếu thốn,
Nơi sinh thường giàu sang.
Thí là đủ các hành,
Đạt đến vị vô thượng.
Thí nhiều không khởi tưởng,
Hoan hỷ càng tăng trưởng.
Trong tâm sanh niệm này,
Ý loạn tuyệt không còn.
Cảm nhận thân an lạc,
Tâm liền được giải thoát.
Cho nên người có trí,
Không kể nam hay nữ,
Hãy hành năm thí này;
Không mất phương tiện nghi.
“Cho nên, các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo, thiện nam, thiện nữ nào, muốn hành năm sự này thì, nên thí tùy thời.”
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Thiện, bất thiện, lễ Phật,
Thiên sứ, tuế, ngũ đoan,
Văn-trà, thân, nuôi bệnh,
Năm thí, tùy thời thí. [41]
33. PHẨM NĂM VUA
KINH SỐ 1 [42]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vua năm nước lớn, đứng đầu là Ba-tư-nặc, nhóm họp ở trong lạc viên, bàn luận với nhau những điều sau đây. Năm vua gồm những ai? Vua Ba-tư-nặc, [43] vua Tỳ-Sa, [44] vua Ưu-điền, [45] vua Ác Sanh [46] và vua Ưu-đà-diên. [47]
Khi ấy, năm vua nhóm họp lại một chỗ bàn luận những điều này:
“Chư Hiền nên biết, Như Lai nói về năm dục [48] này. Những gì là năm? Sắc được thấy bởi mắt khả ái, khả niệm, được người đời mong muốn. Tiếng được nghe bởi tai, hương được ngửi bởi mũi, vị được nếm bởi lưỡi, mịn láng được xúc chạm bởi thân. Như Lai nói về năm dục này. Trong năm dục này, cái nào tối diệu? Sắc được thấy bởi mắt chăng? Tiếng được nghe bởi tai là tối diệu chăng? Hương được ngửi bởi mũi là tối diệu chăng? Vị được nếm bởi lưỡi là tối diệu chăng? Mịn láng được xúc chạm bởi thân là tối diệu chăng? Năm sự này, cái nào là tối diệu? Trong đó, hoặc có quốc vương nói sắc là tối diệu. Hoặc có vị bàn thanh là tối diệu. Hoặc có vị bàn hương là tối diệu. Hoặc có vị bàn vị là tối diệu. Hoặc có vị bàn mịn trơn là tối diệu.
“Lúc [682a01] ấy, nói sắc tối diệu là thuyết của vua Ưu-đà-diên. Nói thanh tối diệu là luận của vua Ưu-điền. Nói hương tối diệu là luận của vua Ác Sanh. Nói vị tối diệu là luận của vua Ba-tư-nặc. Nói mịn trơn tối diệu là luận của vua Tỳ-sa. Bấy giờ, năm vua nói nhau:
“Chúng ta cùng bàn luận về năm dục này, nhưng lại không biết cái nào là tối diệu.”
Vua Ba-tư-nặc bèn nói với bốn vị vua kia:
“Phật đang ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Chúng ta cùng đến hết chỗ Thế Tôn hỏi nghĩa này. Nếu Thế Tôn có điều chi dạy bảo. chúng ta sẽ cùng phụng hành.”
Các vua sau khi nghe vua Ba-tư-nặc nói vậy, liền cùng dẫn nhau đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, vua Ba-tư-nặc đem những điều cùng bàn về năm dục đầy đủ bạch lên Như Lai.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo năm vị vua:
“Những gì các vua bàn, đúng tùy theo trường hợp. Vì sao vậy? Vì tùy vào tánh hạnh mỗi người. Người đắm nhiễm sắc, nhìn sắc không biết chán. Với người này sắc là tối thượng, không gì vượt qua. Bấy giờ, người đó không đắm nhiễm thanh, hương, vị, mịn trơn. Trong năm dục, sắc là tối diệu.
“Nếu người có tánh hạnh đắm nhiễm âm thanh, khi nghe thanh, lòng rất hoan hỷ, mà không chán. Với người này, thanh là tối diệu tối thượng. Trong năm dục, thanh là tối diệu.
“Nếu người có tánh hạnh đắm nhiễm hương, khi ngửi hương, lòng rất hoan hỷ, mà không chán. Với người này, hương là tối diệu, tối thượng. Trong năm dục, hương là tối diệu.
“Nếu người có tánh hạnh nhiễm đắm vị ngon, khi biết vị rồi, lòng rất hoan hỷ, mà không chán. Với người này, vị là tối diệu tối thượng. Trong năm dục, vị là tối diệu.
“Nếu người có tánh hạnh nhiễm đắm mịn trơn, khi được mịn trơn rồi lòng rất là hoan hỷ, mà không chán. Với người này, mịn trơn là tối diệu, tối thượng. Trong năm dục, mịn trơn là tối diệu.
“Nếu tâm người kia đắm nhiễm sắc, khi ấy người đó sẽ không đắm nhiễm pháp thanh, hương, vị, và mịn trơn.
“Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm thanh, người đó không còn đắm nhiễm pháp sắc, hương, vị, và mịn trơn.
“Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm hương, người đó không còn đắm nhiễm pháp sắc, thanh, vị, và mịn trơn.
“Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm vị, người đó không còn đắm nhiễm pháp sắc, thanh, hương, và mịn trơn.
[682b01] “Nếu người kia có tánh hạnh đắm nhiễm mịn trơn, người đó không còn không đắm nhiễm pháp sắc, thanh, hương, vị.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Khi ý dục bừng cháy,
Cái được muốn phải được.
Được rồi càng hoan hỷ
Sở nguyện không có nghi.
Kia đã được dục này,
Ý tham dục không mở,
Do đây mà hoan hỷ,
Duyên đó cho tối diệu.
Hoặc khi muốn nghe tiếng,
Cái được muốn phải được.
Nghe xong càng hoan hỷ
Sở nguyện không có nghi.
Kia đã được tiếng này,
Tham đó ý không mở,
Do đây mà hoan hỷ;
Duyên đó cho tối diệu.
Hoặc khi lại ngửi hương
Cái được muốn phải được.
Ngửi xong càng hoan hỷ,
Sở nguyện không có nghi.
Kia đã được hương này,
Tham đó ý không mở.
Do đây mà hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
Hoặc khi lại được vị
Cái được muốn phải được.
Được rồi thêm hoan hỷ
Sở dục không có nghi.
Kia đã được vị này,
Tham đó ý không mở.
Do đây mà hoan hỷ,
Duyên đó cho tối diệu.
Nếu khi được mượt láng
Cái được muốn phải được.
Được rồi thêm hoan hỷ,
Sở dục không nghi nan.
Kia đã được mịn trơn,
Tham đó ý không mở.
Do đây ma hoan hỷ
Duyên đó cho tối diệu.
“Cho nên, này Đại vương, nếu nói sắc là diệu, hãy bình đẳng mà luận. Vì sao vậy? Vì nơi sắc có vị ngọt. Nếu sắc không có vị ngọt, chúng sanh hẳn không nhiễm đắm. Do nó có vị nên trong năm dục, sắc là tối diệu. Nhưng sắc cũng có tai hại. Nếu sắc không có tai hại, chúng sanh không nhàm chán. Vì nó có tai hại nên chúng sanh nhàm chán nó. Nhưng sắc có xuất yếu. Nếu sắc không có xuất yếu, ở đây chúng sanh không ra khỏi biển sanh tử được. Vì nó có xuất yếu nên chúng sanh đến được trong thành Niết-bàn vô úy. [682c01] Trong năm dục, sắc là tối diệu.
“Lại nữa, này Đại vương, nếu nói thanh là diệu, hãy bình đẳng mà luận. Vì sao vậy? Vì nơi thanh có vị ngọt. Nếu thanh không có vị ngọt, chúng sanh hẳn không nhiễm đắm. Do nó có vị nên trong năm dục, thanh là tối diệu. Nhưng thanh cũng có tai hại. Nếu thanh không có tai hại, chúng sanh không nhàm chán. Vì nó có tai hại nên chúng sanh nhàm chán nó. Nhưng thanh có xuất yếu. Nếu thanh không có xuất yếu, ở đây chúng sanh không ra khỏi biển sanh tử được. Vì nó có xuất yếu nên chúng sanh đến được trong thành Niết-bàn vô úy. Trong năm dục, thanh là tối diệu.
“Đại vương nên biết, nếu nói hương là diệu, hãy bình đẳng mà bàn. Vì sao vậy? Vì nơi hương có vị ngọt. Nếu hương không có vị ngọt, chúng sanh hẳn không nhiễm đắm. Do nó có vị nên trong năm dục, hương là tối diệu. Nhưng hương cũng có tai hại. Nếu hương không có tai hại, chúng sanh không nhàm chán. Vì nó có tai hại nên chúng sanh nhàm chán nó. Nhưng hương có xuất yếu. Nếu hương không có xuất yếu, ở đây chúng sanh không ra khỏi biển sanh tử được. Vì nó có xuất yếu nên chúng sanh đến được trong thành Niết-bàn vô úy. Trong năm dục, hương là tối diệu.
“Lại nữa, này Đại vương, nếu nói vị là diệu, hãy bình đẳng mà bàn. Vì sao vậy? Vì nơi vị có vị ngọt. Nếu vị không có vị ngọt, chúng sanh hẳn không nhiễm đắm. Do nó có vị nên trong năm dục, vị là tối diệu. Nhưng vị cũng có tai hại. Nếu vị không có tai hại, chúng sanh không nhàm chán. Vì nó có tai hại nên chúng sanh nhàm chán nó. Nhưng vị có xuất yếu. Nếu vị không có xuất yếu, ở đây chúng sanh không ra khỏi biển sanh tử được. Vì nó có xuất yếu nên chúng sanh đến được trong thành Niết-bàn vô úy. Trong năm dục, vị là tối diệu.
“Lại nữa, này Đại vương, nếu nói mịn trơn là diệu, hãy bình đẳng mà bàn. Vì sao vậy? Vì nơi mịn trơn có vị ngọt. Nếu mịn trơn không có vị ngọt, chúng sanh hẳn không nhiễm đắm. Do nó có mịn trơn nên trong năm dục, mịn trơn là tối diệu. Nhưng mịn trơn cũng có tai hại. Nếu mịn trơn không có tai hại, chúng sanh không nhàm chán. Vì nó có tai hại nên chúng sanh nhàm chán nó. [683a01]Nhưng mịn trơn có xuất yếu. Nếu mịn trơn không có xuất yếu, ở đây chúng sanh không ra khỏi biển sanh tử được. Vì nó có xuất yếu nên chúng sanh đến được trong thành Niết-bàn vô úy. Trong năm dục, mịn trơn là tối diệu.”
Năm vua sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có trưởng giả Nguyệt Quang lắm của nhiều tiền, đầy đủ voi ngựa, bảy báu, vàng bạc châu báu không thể tính kể; nhưng trưởng giả Nguyệt Quang không có con cái. Vì không có con cái nên bấy giờ trưởng giả Nguyệt Quang cầu đảo trời, thần, thỉnh cầu mặt trời, mặt trăng, thiên thần, địa thần, quỷ tử mẫu, Tứ thiên vương, hai mươi tám đại thần quỷ vương, Thích Đề-hoàn Nhân và Phạm thiên, thần núi, thần cây, thần ngũ đạo, cây cối, thảo dược; khắp cả mọi nơi, tất cả đều tham lễ, cầu mong ban cho một cậu con trai.
Rồi vợ trưởng giả Nguyệt Quang trải qua trong vòng mấy ngày, liền mang thai, bèn nói với Trưởng giả:
“Tôi tự biết đã có mang.”
Nghe vậy, Trưởng giả vui mừng hớn hở, không tự chế được, liền sắm cho phu nhân giường ghế tốt, ăn uống ngon ngọt, mặc quần áo đẹp.
Trải qua tám chín tháng, phu nhân sinh một cậu bé tướng mạo xinh đẹp, hiếm có trên đời, như màu hoa đào. Bấy giờ, hai tay bé cầm hạt ngọc ma-ni vô giá, ngay đó liền nói kệ này:
Nhà này lắm tài sản,
Báu vật cùng thức ăn;
Nay tôi muốn bố thí,
Để người nghèo không thiếu.
Nếu ở đây không vật,
Của báu và thức ăn;
Nay có ngọc vô giá
Thường dùng bố thí người.
Lúc đó, cha mẹ cùng người trong nhà nghe lời nói này rồi, mọi người đều bỏ chạy, ‘Sao lại sanh loài quỉ mị này?’ Chỉ có cha mẹ vì thương xót con nên không bỏ chạy tán lọan. Người mẹ liền hướng về con nói bài kệ này:
Là trời, càn-thát-bà?
Quỉ mị hay la-sát?
Là ai? Tên họ gì?
Nay ta muốn biết được!
Lúc ấy, cậu bé dùng kệ đáp lại mẹ:
Chẳng trời, càn-thát-bà;
Chẳng quỷ mị, la-sát.
Nay con, cha mẹ sanh;
Là người, không nên nghi.
Khi phu phân nghe những lời, vui mừng hớn hở không tự chế được. Bà đem nhân duyên này nói lại hết cho trưởng giả Nguyệt Quang. Nghe những lời này, trưởng giả nghĩ thầm: ‘Đây là do duyên gì? Nay ta phải đem việc này nói cho Ni-kiền Tử.’ Ông bồng cậu bé này đến chỗ Ni-kiền Tử, đảnh lễ rồi ngồi qua một bên. Rồi trưởng giả Nguyệt Quang đem nhân duyên này nói đầy đủ cho Ni-kiền Tử. Ni-kiền Tử sau khi nghe những lời này, bảo trưởng giả:
“Cậu bé này là người bạc phước, đối với thân không có ích, hãy giết đi. Nếu không giết thì nhà cửa tiêu hao suy sụp, thảy đều chết hết.”
Trưởng giả Nguyệt Quang khi ấy tự suy nghĩ: “Trước đây ta không có con cái, Vì nhân duyên này thỉnh cầu trời đất, không nơi nào không đến; trải qua bao nhiêu năm tháng mới sanh được đứa con này. Nay ta không nở giết đứa bé này. Cần hỏi lại Sa-môn, Bà-la-môn khác để dứt nghi cho ta.”
Bấy giờ, Như Lai thành Phật chưa lâu. Mọi người xưng hiệu là Đại Sa-môn. Trưởng giả Nguyệt Quang nghĩ thầm: “Ta nên đem nhân duyên này thuật với Đại Sa-môn ấy.’
Trưởng giả rời chỗ ngồi đứng dậy, bồng đứa con này đến chỗ Thế Tôn. Giữa đường lại nghĩ thầm: “Nay có bà-la-môn trưởng lão, tuổi đã quá già, trí tuệ thông minh được mọi người kính trọng, ông còn không biết, không thấy; huống chi là Sa-môn Cồ-đàm này, tuổi trẻ, học đạo chưa lâu, há có thể biết việc này sao? Sẽ sợ rằng cũng không giải tỏa được cái nghi của mình. Nay đang giữa đường, ta nên trở về nhà.”
Khi ấy, có một thiên thần xưa là bạn quen biết cũ của trưởng giả, biết được những ý nghĩ trong lòng trưởng giả, ở giữa hư không nói rằng:
“Trưởng giả nên biết, hãy tiến về trước một tí, ắt sẽ được lợi, được quả báo lớn, cũng sẽ đến chỗ cam lộ bất tử. Như Lai ra đời rất là khó gặp. Như Lai mưa cam lồ xuống, thật lâu mới có.
“Lại nữa, này Trưởng giả, có bốn sự tuy rất nhỏ, không thể xem thường. Sao gọi là bốn? Quốc vương tuy nhỏ, không thể xem thường; đóm lửa tuy nhỏ, cũng không thể xem thường; rồng tuy nhỏ, cũng không thể xem thường; người học đạo tuy nhỏ, cũng không thể xem thường. Này Trưởng giả, đó gọi là bốn sự không [683c01] thể xem thường.”
Rồi thiên thần nói kệ này:
Quốc vương tuy còn nhỏ;
Sát hại do pháp này.
Đóm lửa tuy chưa bừng;
Sẽ đốt cỏ, cây, núi.
Rồng thần hiện tuy nhỏ,
Làm mưa khi đến thời.
Người học đạo tuy nhỏ,
Độ người vô số lượng.
Bấy giờ, trưởng giả Nguyệt Quang, tâm ý khai mở, vui mừng hớn hở, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo trưởng giả:
“Hiện cậu bé này rất có phước lớn. Cậu bé này nếu lớn lên, cậu ta sẽ dẫn năm trăm đồ chúng đến chỗ Ta, xuất gia học đạo, đắc A-la-hán. Trong hàng Thanh Văn của Ta, là người có phước đức lớn nhất không ai có thể sánh kịp.”
Lúc ấy, trưởng giả nghe xong, vui mừng hớn hở, không tự kềm chế được, bạch Thế Tôn:
“Đúng như lời Thế Tôn dạy, chẳng phải như Ni-kiền Tử.”
Rồi trưởng giả Nguyệt Quang lại bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn hãy thương đứa bé này mà cùng chúng Tăng nhận lời thọ thỉnh.”
Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh. Sau khi thấy Thế Tôn im lặng nhận lời mời, ông từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi lui đi. Về đến nhà, ông bày biện cỗ bàn các thứ đồ thức uống ngon ngọt, trải toạ cụ tốt. Sáng sớm đích thân đến bạch:
“Đã đến giờ, cúi xin Thế Tôn quang lâm.”
Thế Tôn biết đã đến giờ, dẫn các Tỳ-kheo trước sau vây quanh vào thành Xá-vệ, đến nhà Trưởng giả, tới chỗ ngồi. Trưởng giả thấy Phật và các Tỳ-kheo đã ngồi ổn định rồi, bèn dọn đồ ăn thức uống, tự tay châm chước, hoan hỷ không loạn. Thấy đã ăn xong, dọn dẹp bình bát, dùng nước rửa, rồi ông lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước mặt Như Lai, muốn được nghe pháp vi diệu mà Phật thuyết.
Khi ấy, trưởng giả Nguyệt Quang bạch Thế Tôn:
“Nay con xin đem tất cả nhà cửa, sản nghiệp, ruộng vườn cho đứa bé này, cúi xin Thế Tôn hãy đặt tên cho.”
Thế Tôn bảo:
“Lúc đứa bé này sinh, mọi người đều bỏ chạy tán loạn, gọi là quỷ thi-bà-la [49] nên nay đặt tên là Thi-bà-la [50].”
Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự nói các đề tài vi diệu cho Trưởng giả và vợ trưởng giả; đề tài về bố thí, về trì giới, về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là tai họa lớn, xuất yếu là vi diệu.
[684a01] Thế Tôn thấy tâm ý của Trưởng giả và vợ trưởng giả đã khai mở, không còn hồ nghi nữa. Như pháp thường mà chư Phật Thế Tôn thuyết, là khổ, tập, tận, đạo; bấy giờ, Thế Tôn nói hết cho Trưởng giả, khiến cho phát tâm hoan hỷ. Ngay trên chỗ ngồi, vợ chồng Trưởng giả sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch. Giống như vải trắng mới dễ nhuộm màu, vợ chồng Trưởng giả lúc này cũng như vậy, ở ngay trên chỗ ngồi, được mắt pháp trong sạch. Họ đã thấy pháp, được pháp và, phân biệt các pháp, đã hết do dự, không còn hồ nghi, được không còn sợ hãi, hiểu được Pháp sâu xa của Như Lai, liền thọ năm giới.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Tế tự, lửa trên hết;
Các luận, kệ đứng đầu; [51]
Vua, tôn quý loài người;
Biển là nguồn các sông;
Trăng sáng nhất các sao;
Nguồn sáng mặt trời nhất;
Tám phương và trên dưới,
Muôn phẩm vật sản sinh;
Người muốn cầu phước kia,
Tam-Phật [52] là tối tôn.”
Khi Thế Tôn nói bài kệ này xong, từ chỗ đứng dậy ra về.
Khi ấy, trưởng giả tìm năm trăm đồng tử sai hầu Thi-bà-la. Khi Thi-bà-la vừa tròn hai mươi tuổi, bèn đến chỗ cha mẹ thưa cha mẹ:
“Cúi xin song thân cho phép con xuất gia học đạo.”
Bấy giờ, song thân liền chấp thuận. Vì sao vậy? Vì trước đây Thế Tôn đã thọ ký cho rồi: ‘Cậu sẽ dẫn năm trăm thiếu niên đến chỗ Thế Tôn xin làm Sa-môn.’
Thi-bà-la và năm trăm người, lạy sát chân cha mẹ rồi liền lui đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Thi-bà-la bạch Thế Tôn:
“Cúi xin cho phép con được xếp vào đạo.”
Thế Tôn, liền chấp thuận cho làm Sa-môn. Chưa qua mấy ngày, liền thành A-la-hán, lục thần thông trong suốt, tám giải thoát đầy đủ. Bấy giờ, năm trăm đồng tử đến trước bạch Phật:
“Cúi xin Thế Tôn cho phép chúng con làm Sa-môn.”
Thế Tôn im lặng hứa khả. Xuất gia chưa kinh qua bao nhiêu ngày họ đều thành A-la-hán.
Bấy giờ, Tôn giả Thi-bà-la trở về bang cũ nước Xá-vệ, được mọi người kính ngưỡng, và được cúng dường bốn thứ: y áo, thức ăn, toạ cụ ngoạ cụ, thuốc men trị bệnh. Lúc ấy, Thi-bà-la nghĩ thầm: ‘Nay ta ở tại bang cũ này rất là [84b01] ồn ào. Ta hãy du hoá ở trong nhân gian.’
Bấy giờ, đến giờ khất thực, Tôn giả Thi-bà-la đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, trở về chỗ ở, thu xếp tọa cụ, đắp y mang bát, dẫn theo năm trăm Tỳ-kheo ra khỏi tinh xá Kỳ-hoàn du hoá trong nhân gian. Đến đâu, họ cũng đều được cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, tọa cụ, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh. Lại có chư thiên báo các thôn làng:
“Nay có Tôn giả Thi-bà-la đắc A-la-hán, phước đức đệ nhất, dẫn năm trăm Tỳ-kheo du hoá trong nhân gian, chư Hiền hãy đến cúng dường. Ai nay không làm sau hối hận vô ích.”
Lúc này, Tôn giả Thi-bà-la nghĩ thầm: ‘Nay thật chán đủ sự cúng dường này. Ta nên lánh chỗ nào cho người không biết chỗ ta.’ Rồi Tôn giả bèn đi vào núi sâu. Chư thiên lại báo với mọi người trong thôn làng:
“Hiện Tôn giả Thi-bà-la đang ở trong núi này. Hãy đến cúng dường. Nay ai không làm, sau hối hận vô ích.”
Dân làng sau khi nghe chư thiên nói vậy, liền ghánh đồ ăn thức uống đến chỗ Tôn giả Thi-bà-la thưa:
“Cúi xin Tôn giả hãy vì chúng con mà ở đây.”
Lúc ấy, Thi-bà-la du hoá trong nhân gian đi dần dần đến chỗ Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thành La-duyệt cùng chúng năm trăm đại Tỳ-kheo, cũng được cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, tọa cụ ngọa cụ, thuốc men trị bệnh. Tôn giả Thi-bà-la nghĩ thầm: “Nay ta nên tìm chỗ nào để hạ an cư, cho mọi người không biết chỗ ta.” Rồi lại nghĩ: “Nên đến phía tây núi Quảng phổ [53] ở phía đông núi Kỳ-xà, [54] ở đó hạ an cư.” Tôn giả bèn dẫn năm trăm Tỳ-kheo đến ở trong núi kia mà thọ hạ an cư.
Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân biết được những ý nghĩ trong tâm Thi-bà-la, liền ở trong núi hóa hiện phù-đồ, [55] vườn cây ăn trái, đều đầy đủ; chung quanh có ao tắm, hoá ra năm trăm đài cao, lại hóa năm trăm giường nằm, lại hóa năm trăm giường ngồi, lại hóa năm trăm giường dây và, dùng cam lồ trời mà ăn.
Tôn giả Thi-bà-la nghĩ thầm: “Nay ta đã hạ an cư xong. Lâu quá không gặp Như Lai, nay nên đến hầu cận Thế Tôn.” Tôn giả liền dẫn năm trăm Tỳ-kheo đến thành Xá-vệ. Lúc ấy, trời nóng bức, chúng Tỳ-kheo đều đổ mồ hôi, dơ bẩn thân thể. Tôn giả Thi-bà-la [684c01] nghĩ thầm: “Hôm nay, chúng Tỳ-kheo thân thể nóng nực, nếu được chút mây trên trời cùng tạo cơn mưa nhỏ thì thật là việc tốt, và gặp được ao tắm nhỏ cùng được ít nước uống.” Vừa khởi lên ý nghĩ này, tức thì trên không trung xuất hiện một đám mây lớn tạo thành cơn mưa bụi. Cũng có ao tắm, có bốn phi nhân gánh nước uống ngon ngọt do Tỳ-sa-môn thiên vương sai khiến, đến thưa:
“Cúi xin Tôn giả nhận nước uống ngọt này và cho Tăng Tỳ-kheo.” Tôn giả nhận nước uống này, rồi cho Tăng Tỳ-kheo uống.
Thi-bà-la lại nghĩ: “Nay ta nên nghỉ đêm ở nơi đây.” Lúc đó, Thích Đề-hoàn Nhân biết những ý nghĩ trong tâm Thi-bà-la, liền hoá ra năm trăm phòng xá ở cạnh đường, đầy đủ giường nằm, tọa cụ. Chư thiên dâng lên đồ ăn thức uống. Thi-bà-la ăn xong, rời chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
Bấy giờ, chú của Tôn giả Thi-bà-la đang ở trong thành Xá-vệ, lắm tiền nhiều của, không thiếu thứ gì, nhưng lại tham lam không chịu bố thí, không tin Phật pháp Tăng, không tạo công đức. Những thân tộc nói với người này:
“Trưởng giả dùng của cải này làm gì mà không tạo tư lương cho đời sau?”
Trưởng giả kia sau khi nghe những lời này rồi, trong một ngày, đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho bà-la-môn ngoại đạo chớ không hướng về Tam bảo.
Lúc đó, Tôn giả Thi-bà-la nghe chú mình đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho ngoại đạo mà không cúng dường cho Tam bảo. Tôn giả Thi-bà-la đến tinh xá Kỳ-hoàn, rồi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn vì Thi-bà-la nói pháp vi diệu. Tôn giả Thi-bà-la sau khi nghe pháp từ Như Lai, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, nhiễu quanh bên hữu ba vòng rồi ra đi.
Ngay ngày hôm ấy, Tôn giả Thi-bà-la đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực, dần dần đến nhà người chú. Đến nơi, Tôn giả đứng im lặng ở ngoài cửa. Trưởng giả thấy Tôn giả Thi-bà-la ở ngoài cửa khất thực, liền nói:
“Hôm qua, sao ngươi không lại? Hôm qua, ta đem trăm ngàn lượng vàng bố thí. Giờ ta cho ngươi một tấm vải giạ.”
Thi-bà-la đáp:
“Tôi không dùng vải làm gì. Hôm nay đến đây là để khất thực.”
Trưởng giả đáp:
“Hôm qua ta đã dùng trăm nghìn lượng vàng bố thí, nên không thể bố thí trở lại được.”
[685a01] Tôn giả Thi-bà-la muốn độ trưởng giả, nên liền bay lên không trung, thân tuôn ra nước lửa, ngồi, nằm kinh hành tùy ý tạo. Khi Trưởng giả thấy biến hóa này, bèn tự nói:
“Hãy xuống trở lại mà ngồi đi! Nay ta sẽ bố thí cho.”
Tôn giả Thi-bà-la liền xả thần túc, về lại chỗ ngồi. Khi ấy, Trưởng giả kia đem đồ ăn thức uống tệ dở, thật là thô xấu, cho Tôn giả Thi-bà-la dùng. Tôn giả Thi-bà-la vốn sinh trưởng trong gia đình hào phú, đồ ăn uống dư dã, nhưng vì trưởng giả kia nên nhận thức ăn này mà ăn. Tôn giả Thi-bà-la ăn xong, trở về chỗ ở. Ngay đêm ấy, giữa hư không thiên thần đến nói trưởng giả này:
Thiện thí, thí thật lớn,
Là cho Thi-bà-la,
Vô dục, đã giải thoát,
Đoạn ái, không còn nghi.
Giữa đêm và sáng sớm, hai lần nói kệ này:
Thiện thí, thí thật lớn,
Là cho Thi-bà-la,
Vô dục, đã giải thoát,
Đoạn ái, không còn nghi.
Khi Trưởng giả nghe chư thiên nói, bèn suy nghĩ: “Hôm qua, ta đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho ngoại đạo mà không có cảm ứng này. Hôm nay chỉ dùng thứ ăn tệ dở thí cho Tôn giả Thi-bà-la mà đưa đến cảm ứng này. Lúc nào trời sáng, ta sẽ đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho Tôn giả Thi-bà-la.”
Rồi Trưởng giả ngay ngày ấy, kiểm tính trong nhà có được giá trăm nghìn lạng vàng bố thí Thi-bà-la, bèn đem đến chỗ Tôn giả Thi-bà-la, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Bấy giờ, ông đem trăm nghìn lạng vàng dâng lên Thi-bà-la và nói:
“Cúi xin Ngài nhận trăm nghìn lượng vàng này.”
Tôn giả Thi-bà-la nói:
“Chúc Trưởng giả hưởng phước vô lượng, sống lâu tự nhiên. Nhưng Như Lai lại không cho phép Tỳ-kheo nhận trăm ngàn lượng vàng.”
Lúc ấy, Trưởng giả liền đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Trưởng giả kia bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn cho Tỳ-kheo Thi-bà-la nhận trăm ngàn lượng vàng này, cho con được phước này.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
“Ngươi đi đến chỗ Tỳ-kheo Thi-bà-la nói Ta cho gọi ông ấy.”
Tỳ-kheo đáp:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.” Tỳ kheo vâng lời Phật dạy, tức thì [685b01] đi đến chỗ Thi-bà-la đem những lời Như Lai mà báo.
Tôn giả Thi-bà-la nghe theo lời Tỳ-kheo kia, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thi-bà-la:
“Nay ngươi hãy nhận trăm ngàn lượng vàng của Trưởng giả này, để ông ta được phước này. Đây là nghiệp duyên kiếp trước, nên hưởng báo này.”
Tôn giả Thi-bà-la đáp:
“Kính vâng, bạch Thế Tôn.”
Lúc ấy, Tôn giả Thi-bà-la liền nói bài kệ đạt-sấn [56]:
Cúng y áo các thứ,
Muốn cầu phước đức kia;
Sanh làm trời hay người,
Vui hưởng năm lạc thú.
Từ trời đến cõi người,
Vượt khỏi nghi có không,
Chỗ Niết-bàn vô vi
Nơi chư Phật an lạc.
Người huệ thí dễ dàng,
Mong đây được phước đức.
Hãy phát tâm từ huệ,
Làm phước không mệt mỏi.
Khi ấy, Tôn giả Thi-bà-la bảo trưởng giả:
“Hãy mang trăm ngàn lượng vàng này để trong phòng tôi.”
Trưởng giả vâng theo lời dạy này, mang trăm ngàn lượng vàng để trong phòng Tôn giả Thi-bà-la rồi ra đi.
Thi-bà-la bảo các Tỳ-kheo:
“Các vị, có ai thiếu gì thì đến đây mà lấy; hoặc nếu cần y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm ngọa cụ, thuốc men trị bệnh đều đến lấy; đừng cầu ở nơi khác, hãy lần lượt báo cho nhau biết điều này.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Thi-bà-la xưa kia đã tạo phước gì mà sanh nhà trưởng giả, xinh đẹp vô song như màu hoa đào? Lại tạo phước gì mà hai tay cầm ngọc từ thai mẹ sanh ra? Lại tạo phước gì mà dẫn năm trăm người đến chỗ Như Lai xuất gia, học đạo, được gặp Như Lai ở đời? Lại tạo phước gì mà đến đâu cũng được đầy đủ y phục, đồ ăn thức uống tự nhiên không thiếu thốn, Tỳ-kheo khác không bì kịp?”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Quá khứ lâu xa, chín mươi mốt kiếp, có Phật hiệu Tỳ-bà-thi [57] Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hành túc*, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu*, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời, du hoá tại nước Bàn-đầu cùng với đại chúng gồm sáu mươi vạn tám nghìn người, được cúng dường bốn thứ: y phục, đồ ăn thức uống, tọa ngọa cụ, thuốc men trị bịnh.
“Lúc ấy, có [685c01] bà-la-môn tên Da-nhã-đạt [58] sống ở nơi ấy, nhiều tiền lắm của, vàng bạc, trân báu, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách, không thể đếm hết.
“Bấy giờ, Da-nhã-đạt ra khỏi nước, đi đến chỗ Như Lai Tỳ-bà-thi. Đến nơi, thăm hỏi nhau, rồi ngồi qua một bên. Như Lai Tỳ-bà-thi lần lượt vì ông nói pháp, khiến ông ta sanh tâm hoan hỷ. Bấy giờ, Da-nhã-đạt bạch Như Lai Tỳ-bà-thi, ‘Cúi xin Thế Tôn nhận lời thỉnh của con. Con muốn dâng cơm cúng Phật và Tăng Tỳ-kheo.’
“Khi ấy Như Lai im lặng nhận lời. Bà-la-môn Da-nhã-đạt thấy Thế Tôn im lặng nhận lời mời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi về nhà. Ông chuẩn bị sửa soạn các loại đồ ăn thức uống ngon ngọt.
“Bấy giờ, vào lúc nửa đêm, Da-nhã-đạt suy nghĩ: ‘Nay ta đã chuẩn bị đầy đủ các món đồ ăn thức uống, chỉ còn thiếu lạc [59]. Sáng sớm mai ta sẽ đến trong cửa thành, nơi đó có ai bán lạc sẽ mua hết.’ Sáng sớm, Da-nhã-đạt bày toạ cụ tốt, rồi lại đến trong cửa thành để tìm mua lạc. Vào lúc ấy, có một người chăn bò tên là Thi-bà-la muốn mang lạc đi tế tự. [60] Bà-la-môn Da-nhã-đạt nói với người chăn bò, ‘Nếu ông bán lạc, tôi sẽ mua.’ Thi-bà-la nói, ‘’Nay tôi muốn tế tự.’ Bà-la-môn nói, ‘Ông tế trời là để cầu điều gì? Hãy bán cho tôi, sẽ trả giá tiền cao hơn.’ Người chăn bò đáp, ‘Ông bà-la-môn, nay ông dùng lạc để làm gì?’ bà-la-môn đáp, ‘Nay tôi thỉnh Như Lai Tỳ-bà-thi và Tăng Tỳ-kheo. Nhưng đồ ăn thức uống đã chuẩn bị xong, chỉ còn thiếu lạc.’ Thi-bà-la hỏi bà-la-môn, ‘Như Lai Tỳ-bà-thi tướng mạo thế nào?’ Bà-la-môn đáp, ‘Như Lai không ai sánh bằng, giới thanh tịnh đầy đủ, định và huệ không ai bì kịp. Trên trời dưới đất không ai sánh bằng.’ Khi bà-la-môn Da-nhã-đạt ca ngợi đức của Như Lai, Thi-bà-la nghe xong tâm trí khai mở. Khi ấy, Thi-bà-la bảo bà-la-môn, ‘Nay tôi đích thân đem lạc này đến cúng dường Như Lai, không cần tế trời làm gì nữa.’
“Bà-la-môn Da-nhã-đạt dẫn người chăn bò này về đến nhà, đi đến chỗ Phật, bạch rằng: ‘Đã đúng giờ, nay là lúc thích hợp, xin Thế Tôn hạ cố.’
“Như Lai biết đã đến giờ, đắp y mang bát, dẫn các Tỳ-kheo trước sau vây quanh đến nhà bà-la-môn Da-nhã-đạt, mọi người ngồi theo thứ lớp.
“Khi người chăn bò thấy [686a0] dung mạo Như Lai hiếm có trên đời, các căn tịch tịnh [61], đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân Ngài, mặt như mặt trời mặt trăng, giống như núi Tu-di hơn hẳn đỉnh các núi khác, ánh sáng chiếu khắp, không nơi tối tăm nào mà không thấu. Thấy vậy, vui mừng, ông đến trước chỗ Thế Tôn, nói rằng: ‘Nếu công đức của Như Lai đúng như bà-la-môn đã nói, hãy cho bình lạc này đủ cung cấp cho chúng Tăng.’
“Rồi Thi-bà-la bạch Thế Tôn: ‘Cúi xin nhận lạc này.’
“Như Lai liền đưa bát nhận lạc, cũng lại cho các Tăng Tỳ-kheo nhận lạc đầy đủ. Khi ấy, người chăn bò bạch Thế Tôn: ‘Nay lạc vẫn còn dư.’ Như Lai bảo: ‘Ông đem lạc này cúng thêm cho Phật và các Tỳ-kheo.’ Người chăn bò đáp: ‘Thưa vâng, Thế Tôn!’ Người chăn bò đi chia lạc trở lại, cuối cùng lạc vẫn còn dư. Người chăn bò lại bạch Phật: ‘Số lạc vẫn còn dư!’ Như Lai bảo người này, ‘Ông hãy đem lạc này cúng cho chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-tư khiến được no đủ.’ Số lạc vẫn còn dư. Bấy giờ, Phật bảo người chăn bò: ‘Ông đem lạc này cho chủ nhân đàn-việt.’ Đáp, ‘Thưa vâng.’ Rồi lại tìm cho các thí chủ đàn-việt. Số lạc còn dư, lại đem cho những người ăn xin nghèo thiếu, nhưng lạc vẫn còn dư. Lại bạch Phật, ‘Hiện lạc vẫn còn dư.’ Phật bảo, ‘Nay đem số lạc này đổ nơi đất sạch, hoặc đổ vào trong nước. Vì sao vậy? Ta không thấy có người hay trời nào có thể tiêu hóa lạc này, chỉ trừ Như Lai. Người chăn bò vâng lời dạy Phật, đem lạc này đổ vào trong nước, tức thì ngay trong nước xuất hiện ngọn lửa lớn cao vài mươi nhẫn. Người chăn bò sau khi thấy sự biến hóa quái lạ này, trở lại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, chấp tay mà đứng. Lại tự thệ nguyện, ‘Nay đem lạc này cúng dường cho chúng bốn bộ. Nếu có được phước đức, do phước lành này, con sẽ không đọa vào nơi tám nạn, không sinh vào nhà nghèo thiếu. Sinh ra bất cứ nơi nào, sáu căn hoàn toàn đầy đủ, mặt mày xinh đẹp, thường được xuất gia. Mong đời tương lai cũng gặp được Thánh tôn như vậy.’
“Tỳ-kheo nên biết, ba mươi mốt kiếp về trước, lại có Phật tên Thi-khí [62] Như Lai xuất hiện ở đời. Lúc ấy, Như Lai Thi-khí giáo hoá ở thế giới Dã-mã, [686b01] cùng mười vạn đại Tỳ-kheo.
“Bấy giờ, khi đến giờ, Như Lai Thi-khí đắp y mang bát vào thành khất thực. Trong thành có một khách thương lớn tên Thiện Tài. Từ xa thấy Như Lai Thi-khí có các căn tịch tịnh, dung mạo đoan chánh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân Ngài, mặt như mặt trời mặt trăng; thấy vậy ông phát tâm hoan hỷ, đến trước chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Lúc này, người buôn đem ngọc báu quý rải lên Như Lai, tâm sâu kín của ông được thể hiện qua lời thề, ‘Nguyện đem công đức này, nơi nào con sinh ra cũng lắm của nhiều tiền, không có gì thiếu thốn, trong tay lúc nào cũng có tiền của, cho đến trong bào thai mẹ cũng có.’
“Ở trong kiếp này lại có Như Lai Tỳ-xá-phù [63] Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc [64], Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu [65], Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, xuất hiện ở đời. Bấy giờ, có Trưởng giả tên Thiện Giác lắm của nhiều tiền, lại thỉnh Như Lai Tỳ-xá-phù Chí chơn Đẳng chánh giác và, Tăng Tỳ-kheo. Trưởng giả ấy thiếu người giúp việc, nên lúc này đích thân sắp soạn đồ ăn thức uống ngon ngọt thiết trai cho Như Lai ấy, rồi tự thệ nguyện, ‘Tôi do công đức này, sanh ở nơi nào, thường được gặp Tam bảo, không thiếu thốn thứ gì, thường có nhiều người hầu và trong đời tương lai cũng gặp Phật như ngày nay vậy.’
“Nay trong Hiền kiếp này, lại có Phật tên Câu-lâu-tôn [66] Chí chơn, Đẳng chánh giác, Minh hạnh túc*, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu*, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn, xuất hiện ở đời. Bấy giờ, có Trưởng giả tên Đa Tài lại thỉnh Như Lai Câu-lâu-tôn, trong vòng bảy ngày cúng dường cơm Phật và Tăng Tỳ-kheo, cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh, ‘Nguyện sinh ra nơi nào thường lắm của nhiều tiền, không sinh vào nhà bần tiện; khiến chỗ sinh của con thường được bốn sự cúng dường; làm nơi chúng bốn bộ, quốc vương và Nhân dân trông thấy tôn kính; nơi trời rồng quỷ thần người hay chẳng phải người trong thấy tiếp đãi.’
“Các Tỳ-kheo nên biết, bà-la-môn Da-nhã-đạt bấy giờ há là người nào khác sao? Đừng nghĩ như vậy. Vì sao vậy? Vì nay tự thân chính là trưởng giả Nguyệt Quang. Người chăn bò tên Thi-bà-la đem lạc cúng dường Phật lúc ấy, nay chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Người lái buôn Thiện Tài lúc ấy, há là người nào khác sao? Đừng nghĩ như vậy. Nay chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Trưởng giả Thiện Giác lúc ấy, [686c01] há là người nào khác sao? Đừng nghĩ như vậy. Nay chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Trưởng giả Đa Tài lúc ấy, há là người nào khác sao? Đừng nghĩ như vậy. Ngày nay chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la.
“Các Tỳ-kheo nên biết, Tỳ-kheo Thi-bà-la đã phát thề nguyện này: ‘Mong nơi nào con sinh ra, con thường xinh đẹp vô song, lúc nào cũng sinh vào nhà giàu sang. Mong đời sau được gặp Thế Tôn. Ngài sẽ thuyết pháp cho con nghe, con liền được giải thoát, được xuất gia làm Sa-môn.’ Do công đức này, ngày nay, Tỳ-kheo Thi-bà-la được sanh trong nhà giàu có, xinh đẹp vô song. Nay gặp Ta lập tức thành A-la-hán.
“Song Tỳ-kheo nên biết, lại nhờ công đức rải châu báu lên mình Như Lai nên nay ở trong bào thai tay cầm hai hạt châu mà ra khỏi thai mẹ, giá trị bằng cả Diêm-phù-đề. Ngày vừa sinh ra, liền nói như vậy. Lại thỉnh Như Lai Câu-lâu-tôn để cầu có nhiều người sai khiến, nên nay dẫn năm trăm đồ chúng đến chỗ ta xuất gia học đạo, thành A-la-hán.
“Lại trong vòng bảy ngày cúng dường Như Lai Câu-lâu-tôn để được tứ sự cúng dường, nên ngày nay không thiếu y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc men trị bệnh. Nhờ công đức này, các Tỳ-kheo không bì kịp. Thích Đề-hoàn Nhân đích thân đến cúng dường, cung cấp các thứ cần dùng. Lại nữa, chư thiên chuyền nhau báo xóm làng cho chúng bốn bộ biết có Thi-bà-la. Ý nghĩa của sự việc là vậy. Người phước đức đệ nhất trong đệ tử của Ta chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3 [67]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm hạng trượng phu dũng kiện, [68] có nhiệm vụ chiến đấu, xuất hiện ở đời. Những ai là năm? Ở đây, có người mặc áo giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu đấu, từ xa thấy gió bụi liền sinh lòng sợ hãi. Đó gọi là hạng chiến sĩ thứ nhất.
“Lại nữa, người chiến đấu thứ hai mặc áo giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu; khi thấy gió bụi mà không sinh lòng sợ hãi, nhưng thấy ngọn cờ cao liền sinh lòng sợ hãi, không thể tiến lên chiến đấu. Đó gọi là hạng chiến sĩ thứ hai.
“Lại nữa, người chiến sĩ thứ ba mặc áo giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu, khi thấy gió bụi, hay thấy ngọn cờ cao không sinh lòng sợ hãi, nhưng thấy cung tên liền sinh lòng sợ hãi, không có khả năng chiến đấu. Đó gọi là hạng [687a01] chiến sĩ thứ ba.
“Lại nữa, người chiến sĩ thứ tư mặc áo giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu; nếu thấy gió bụi, thấy ngọn cờ cao, hay thấy cung tên không sinh lòng sợ hãi, nhưng vừa vào trận liền bị địch bắt, hoặc bị giết. Đó gọi là hạng chiến sĩ thứ tư.
“Lại nữa, người chiến sĩ thứ năm mặc áo giáp, cầm gậy đi vào trận chiến đấu; nếu thấy gió bụi, thấy ngọn cờ cao, thấy cung tên hoặc bị bắt, cho đến gần chết, không sinh lòng sợ hãi, có thể phá tan quân địch trong ngoài bờ cõi, mà lãnh đạo nhân dân. Đó gọi là hạng chiến sĩ thứ năm.
“Cũng vậy, Tỳ-kheo, thế gian có năm loại người này, thì nay trong chúng Tỳ-kheo cũng có năm hạng người này xuất hiện ở đời. Những ai là năm? Có Tỳ-kheo sống tại thôn xóm khác, nghe trong thôn này có người nữ xinh đẹp vô song, mặt như màu hoa đào. Nghe rồi, đến giờ, đắp y, cầm bát, vào thôn khất thực; thấy người nữ này nhan sắc vô song, liền sanh dục tưởng, cởi bỏ ba y, hoàn xả cấm giới mà làm cư sĩ. Giống như người chiến đấu kia, thấy chút gió bụi đã sinh lòng sợ hãi; Tỳ-kheo này tựa như vậy.
“Lại nữa, có Tỳ-kheo nghe có người nữ sống ở trong thôn xóm xinh đẹp không ai bằng. Đến giờ, đắp y, cầm bát, vào [687b01] thôn khất thực; khi thấy người nữ mà không khởi dục tưởng, nhưng cùng người nữ kia đùa giỡn, chuyện trò qua lại. Rồi nhân việc đùa giỡn này liền cởi pháp phục, trở lại làm bạch y. Như hạng người thứ hai kia, tuy thấy bụi gió không sợ, nhưng thấy ngọn cờ cao liền sinh lòng sợ hãi. Tỳ-kheo này cũng lại như vậy.
“Lại nữa, có Tỳ-kheo nghe trong thôn có người nữ, dung mạo xinh đẹp, ít có trên đời, như màu hoa đào. Đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực; khi thấy người nữ không khởi dục tưởng. Tuy dù cùng người đùa giỡn nhau, cũng không khởi tưởng dục ý; nhưng cùng người nữ kia nắm tay, hoặc vuốt ve nhau, trong đó liền khởi dục tưởng, cởi ba pháp y, trở lại làm bạch y, tập khởi nghiệp nhà. Như hạng người thứ ba kia khi vào trận, thấy gió bụi, thấy cờ cao không sinh lòng sợ hãi, nhưng thấy cung tên liền sinh lòng sợ hãi.
“Lại nữa, có Tỳ-kheo nghe trong thôn làng có người nữ, mặt mày xinh đẹp ít có trên đời. Đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực; khi thấy người nữ không khởi dục tưởng, hay cùng nói chuyện cũng không khởi dục tưởng. Khi được người nữ kia vuốt ve liền khởi dục tưởng, nhưng không cởi pháp phục mà sống đời tại gia. Như hạng thứ tư kia vào quân trận bị địch bắt, hoặc mất mạng không trở ra được.
“Lại nữa, có Tỳ-kheo nương vào thôn làng mà sống, họ nghe trong thôn có người nữ. Đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực, khi thấy người nữ không khởi dục tưởng, nếu cùng nói cười cũng không khởi dục tưởng, nếu lại được vuốt ve cũng không khởi dục tưởng. Lúc ấy, Tỳ-kheo quán ba mươi sáu vật trong thân này ô uế bất tịnh: ‘Ai đắm vào đây? Do đâu khởi dục? Dục này dừng lại chỗ nào? Là từ đầu chăng? Ra từ thân thể chăng?’ Quán các vật này rõ ràng không có gì cả. Từ đầu đến chân cũng lại như vậy. Những gì thuộc năm tạng không có tưởng tượng, cũng không có chỗ đến. Vị ấy quán nguồn duyên không biết từ nơi nào lại.Vị ấy lại nghĩ: ‘Ta quán dục này từ nhân duyên sanh.’ Tỳ-kheo quan sát điều này rồi, tâm được giải thoát dục lậu, tâm được giải thoát hữu lậu, tâm được giải thoát vô minh lậu. Sau khi đã giải thoát, liền được trí giải thoát, như thật biết rằng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa. Giống như người chiến đấu thứ năm kia sống tự tại không bị nạn địch quân. Do vậy, cho nên nay Ta nói người này đã dứt bỏ ái dục, vào nơi vô uý, đạt đến thành Niết-bàn. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm hạng người này xuất hiện ở đời.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Dục, Ta biết gốc ngươi,
Ý do tư tưởng sinh.
Ta chẳng sinh tư tưởng,
Còn ngươi thì không có.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy quán sát dâm bất tịnh hạnh là ô uế, để trừ bỏ sắc dục.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4 [69]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm hạng chiến đấu xuất hiện ở đời. Sao gọi là năm? Có người mặc áo giáp, cầm gậy vào quân trận [687c01] chiến đấu, khi thấy gió bụi liền sinh lòng sợ hãi không dám vào trong trận lớn kia. Đó gọi là hạng người thứ nhất.
“Lại nữa hạng chiến đấu thứ hai mặc áo giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu, thấy gió bụi không sinh sợ hãi, nhưng nghe tiếng trống đánh liền sinh lòng sợ hãi. Đó gọi là hạng thứ hai.
“Lại nữa hạng thứ ba mặc áo giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu, khi thấy gió bụi không sinh lòng sợ hãi, hoặc nghe tiếng trống, tù và, không sinh sợ hãi, nhưng khi thấy cờ cao liền sinh lòng sợ hãi không dám chiến đấu. Đó gọi là hạng thứ ba.
“Lại nữa hạng thứ tư mặc áo giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu, khi thấy gió bụi không sinh lòng sợ hãi, hoặc nghe tiếng trống, tù và, cũng không sinh lòng sợ hãi, hay thấy cờ cao cũng không sinh lòng sợ hãi, nhưng lại bị địch bắt, hoặc bị giết. Đó gọi là hạng thứ tư.
“Lại nữa, thứ năm có người mặc áo giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu, hoàn toàn có khả năng phá tan quân địch mở rộng bờ cõi. Đó gọi là hạng thứ năm xuất hiện ở đời.
“Tỳ-kheo nên biết, nay Tỳ-kheo cũng có năm hạng người xuất hiện ở thế gian. Sao gọi là năm? Hoặc có Tỳ-kheo sống trong thôn xóm nghe có người nữ xinh đẹp vô song, như màu hoa đào. Đến giờ, Tỳ-kheo kia đắp y mang bát vào thôn khất thực, không hộ trì các căn, không giữ gìn pháp thân, miệng, ý. Khi thấy người nữ, vị ấy khởi dục ý, hoàn xả cấm giới, sống theo pháp bạch y. Như người thứ nhất kia, nghe tiếng bụi nổi lên, không kham chiến đấu, sinh lòng sợ hãi, Do vậy cho nên Ta nói đến người này. [70]
“Lại nữa, Tỳ-kheo sống tại thôn làng, nghe trong thôn có người nữ xinh đẹp không ai bằng, mặt như màu hoa đào, liền xả giới sống theo pháp bạch y. [71] Như hạng chiến đấu thứ hai kia, chỉ nghe tiếng trống, tù và, không kham chiến đấu. Đây cũng như vậy.
“Lại nữa, Tỳ-kheo sống tại thôn làng, nghe có người nữ tại thôn làng kia. Sau khi nghe mà không khởi dục ý; khi thấy người nữ mà không khởi dục tưởng, nhưng chỉ vì cùng người nữ đùa giỡn; do đó liền xả cấm giới, sống theo pháp bạch y. [72] Như người thứ ba kia, từ xa thấy cờ rồi, liền sinh lòng sợ hãi không dám chiến đấu. Vì vậy cho nên nay Ta nói người này. Đó gọi là hạng chiến đấu thư ba.
“Lại nữa, [688a01] Tỳ-kheo sống tại thôn làng. Tỳ-kheo kia nghe trong thôn có người nữ. Khi đắp y mang bát vào thôn khất thực, không giữ gìn thân, miệng, ý. Khi thấy người nữ xinh đẹp vô song, ở đó liền khởi dục ý, hoặc cùng người nữ cùng nhau lôi kéo, hoặc nắm tay nhau, bèn xả cấm giới, trở lại làm bạch y. [73] Như hạng chiến đấu thứ tư kia, ở trong đại quân, bị địch bắt, bị giết. Vì vậy nên nay Ta nói người này.
“Lai nữa, có Tỳ-kheo nghe trong thôn làng có người nữ ít có trên đời. Tuy nghe vậy, mà không khởi dục tưởng. Tỳ-kheo kia đến giờ, đắp y mang bát vào thôn khất thực, giữ gìn thân, miệng, ý; tuy thấy người nữ, không khởi dục tưởng, không có tà niệm; nếu cùng người nữ nói chuyện qua lại cũng không khởi dục tưởng, cũng không tà niệm. Nếu bị người nữ lôi kéo, nắm tay, bấy giờ liền khởi dục tưởng, thân, miệng, ý liền trổi dậy. Khi dục ý đã trổi dậy rồi, trở về lại Tăng viện, đến chỗ Trưởng lão Tỳ-kheo. Đem nhân duyên này nói với Trưởng lão Tỳ-kheo:
“Chư Hiền, nên biết, nay dục ý của tôi nổi dậy, không thể tự chế được. Cúi xin thuyết pháp khiến thoát khỏi bất tịnh ghê tởm của dục.”
Bấy giờ Trưởng lão Tỳ-kheo bảo:
“Nay Thầy nên quán dục này do đâu sinh? Lại do đâu diệt? Như Lai dạy: Phàm người khử dục nên dùng quán bất tịnh để trừ, và tu hành pháp quán bất tịnh.’
“Rồi Tỳ-kheo Trưởng lão liền nói kệ này:
Nếu biết điên đảo ấy
Khiến tâm thêm trổi dậy;
Hãy trừ tâm hừng hực,
Dục ý liền dừng nghỉ.
“Chư Hiền nên biết, dục từ tưởng sinh. Khi khởi niệm tưởng, liền sinh dục ý. Hoặc có thể tự hại, lại hại người khác, gây ra bao nhiêu tai họa biến đổi, ở trong hiện tại chịu khổ hoạn kia; lại ở đời sau chịu khổ vô lường. Dục ý đã trừ, cũng không tự hại, không hại người khác. Ở báo hiện tại, không chịu khổ này. Cho nên, nay phải trừ tưởng niệm. Vì không có tưởng niệm nên liền không có tâm dục, Vì không có tâm dục nên liền không có loạn tưởng.
“Bấy giờ, Tỳ-kheo kia vâng theo những lời dạy bảo như vậy, liền tư duy về tướng bất tịnh. Do tư duy về tưởng bất tịnh nên bấy giờ tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, đến nơi [688b01] vô vi. [74] Như người thứ năm mặc giáp cầm gậy vào trận chiến đấu, thấy địch thủ không sinh lòng sợ hãi. Nếu có người đến hại, tâm cũng không dời đổi, có thể phá giặc ngoài, có thẻ qua địa giới của địch. Vì vậy, cho nên nay Ta nói người này có thể phá được bọn ma. Trừ các lọan tưởng, đến chỗ vô vi. Đó gọi là người thứ năm xuất hiện ở đời.
“Tỳ-kheo nên biết, thế gian có năm hạng người này xuất hiện ở thế gian. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy niệm tu hành, dục là tưởng bất tịnh.
“Các Tỳ-kheo hãy học điều như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Phàm người quét đất có năm trường hợp không được công đức. Những gì là năm? Ở đây, người quét đất không biết gió ngược, không biết gió xuôi, lại không dồn đống, lại không trừ phân, chỗ đất quét lại chẳng sạch sẽ. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người quét đất có năm việc không thành công đức lớn.
“Lại nữa, Tỳ-kheo, người quét đất có năm việc thành tựu công đức. Sao gọi là năm? Ở đây, người quét đất biết lý gió ngược, gió xuôi, cũng biết dồn đống, cũng có thể hốt bỏ không để cho dư sót lại, khiến cho đất thật sạch sẽ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm trường hợp này thành tựu công đức lớn. Cho nên, các Tỳ-kheo phải trừ năm việc trước và, tu năm pháp sau.
“Các Tỳ-kheo, hãy học những điểu này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Phàm người quét tháp có năm trường hợp không được công đức. Sao gọi là năm? Ở đây, có người quét tháp không dùng nước rưới lên đất, không lượm bỏ gạch đá, không san bằng mặt đất, không chú ý khi quét đất, không trừ bỏ rác rưới dơ bẩn. Này Tỳ-kheo, đó gọi là người quét tháp [75] không thành tựu năm công đức.
“Các Tỳ-kheo nên biết, người quét tháp* thành tựu công đức. Sao gọi là năm? Ở đây, người quét tháp dùng nước rưới lên đất, lượm bỏ gạch đá, san bằng mặt đất, giữ chú ý khi quét đất, hốt bỏ rác rưới dơ bẩn. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm việc khiến người được công đức. Cho nên, [688c01] này các Tỳ-kheo, muốn cầu công đức này hãy thực hành năm việc này.
“Các Tỳ-kheo, cần phải học điều như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ: Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Người du hành trường kỳ có năm sự khó. Sao gọi là năm? Ở đây, người thường du hành không tụng giáo pháp; giáo pháp đã tụng thì bị quên mất; không được định ý; tam-muội đã được lại thoái thất; nghe pháp nhưng không thể hành trì. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người du hành nhiều có năm việc khó này.
“Các Tỳ-kheo nên biết, người không du hành nhiều có năm công đức. Sao gọi là năm? Pháp chưa từng đắc sẽ đắc, pháp đã đắc rồi lại không quên mất, nghe nhiều mà ghi nhớ được, có thể đắc định ý, đã đắc tam-muội rồi không bị mất. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người không du hành nhiều có năm công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, không nên du hành nhiều.
“Các Tỳ-kheo, cần phải học điều như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tỳ-kheo thường ở một chỗ, có năm điều phi pháp. Sao gọi là năm? Ở đây, Tỳ-kheo ở một chỗ, ý tham đắm phòng xá, e sợ người đoạt, hoặc ý tham đắm tài sản lại sợ người đoạt, hoặc tích tụ nhiều vật giống như bạch y, hoặc tham luyến người thân quen không muốn cho người khác đến nhà người thân quen, thường cùng bạch y qua lại với nhau. Này Tỳ-kheo, đó gọi là người ở một chỗ có năm việc phi pháp này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện đừng ở một chỗ.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ:
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Người không ở mãi một chỗ, có năm công đức. Những gì là năm? Không tham đắm nhà cửa, không tham đắm đồ đạc, không tích chứa nhiều của cải, không dính mắc với người thân, không qua lại với bạch y. Đó gọi là Tỳ-kheo không ở một chỗ có năm công đức này. Cho nên, [689a01] này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện thực hành năm việc này. Các Tỳ-kheo, hãy học như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10 [76]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở bên bờ hồ Quang minh, nước Ma-kiệt.
Bấy giờ, Thế Tôn cùng với năm trăm Tỳ-kheo du hoá trong nhân gian. Khi ấy, Thế Tôn thấy một cây lớn bị lửa đốt. Thấy thế, Như Lai đến ngồi dưới một bóng cây. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thế nào, Tỳ-kheo, thà đem thân nhảy vào lửa này, hay tốt hơn nên giao du với người nữ xinh đẹp?”
Lúc đó, các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Tốt hơn nên giao du với người nữ, chớ không ném thân vào lửa này. Bởi vì đám lửa này nóng độc không thể tả, sẽ lấy mạng sống của mình, chịu khổ vô cùng.”
Thế Tôn bảo:
“Nay Ta bảo các ngươi, chớ để không phải hạnh Sa-môn mà nói là Sa-môn; không phải người phạm hạnh mà nói là phạm hạnh; không nghe Chánh pháp mà nói là tôi nghe Chánh pháp; không có pháp thanh bạch. Người như vậy, thà nhảy vào lửa này, chứ không cùng người nữ giao du. Vì sao vậy? Vì người ấy thà chịu thống khổ này, chớ không vì tội đó mà vào trong địa ngục chịu khổ vô cùng.
“Thế nào, Tỳ-kheo, tốt hơn nhận người cung kính lễ bái, hay tốt hơn cho người lấy kiếm bén chặt tay chân mình?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Tốt hơn nhận cung kính lễ bái, chứ không cho người dùng kiếm chặt tay chân mình. Vì sao vậy? Vì chặt tay chân mình, đau không thể tả.”
Thế Tôn bảo:
“Nay Ta bảo các ngươi, không phải hạnh Sa-môn mà nói là Sa-môn; không phải người phạm hạnh mà nói là phạm hạnh; không nghe Chánh pháp mà nói là tôi nghe Chánh pháp; không có pháp thanh bạch. Người như vậy, thà đưa thân chịu kiếm bén này, chứ không vì không có giới mà nhận người cung kính. Vì sao vậy? Vì nỗi đau này chỉ trong chốc lát, còn sự thống khổ địa ngục thì không thể tả xiết.
“Thế nào, Tỳ-kheo, tốt hơn nhận y phục của người, hay tốt hơn lấy lá sắt nóng dùng quấn vào thân?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Tốt hơn nhận lấy y phục của người, chớ không nhận nỗi khổ đau này. Vì sao vậy? Vì sự khổ độc này không thể tả xiết.”
Thế Tôn bảo:
“Nay Ta nhắc lại các ngươi, với người phá giới, thà lấy lá sắt nóng [689b01] quấn lên thân mình chớ không nhận y phục của người. Vì sao vậy? Vì nỗi đau này chỉ trong chốc lát, còn nỗi thống khổ địa ngục không thể tả xiết.
“Thế nào, Tỳ-kheo, tốt hơn nhận thức ăn của thí chủ hay thà nuốt viên sắt nóng?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Tốt hơn nhận thức ăn của thí chủ, chớ không nuốt viên sắt nóng, Vì sao vậy? Vì sự đau đớn này không nơi nào chịu nỗi.”
Thế Tôn bảo:
“Nay Ta bảo ngươi, thà nuốt viên sắt nóng, chớ không nên không có giới mà nhận người cúng dường. Vì sao vậy? Vì nuốt viên sắt nóng, đau khổ chỉ trong chốc lát, không nên không có giới mà nhận tín thí của người.
“Thế nào, Tỳ-kheo, tốt hơn nhận giường nằm của người, hay thà nằm trên giường sắt nóng?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Bạch Thế Tôn, chúng con thà nhận giường nằm của người, chớ không nằm trên giường sắt nóng. Vì sao vậy? Vì sự khổ độc này không thể tả xiết.”
Thế Tôn bảo:
“Người ngu si kia không có giới hạnh, chẳng phải Sa-môn nói là Sa-môn, chẳng có phạm hạnh nói tu phạm hạnh, thà nằm trên giường sắt chớ không nên không giới mà nhận tín thí của gười khác. Vì sao vậy? Vì nằm trên giường sắt nóng chỉ đau đớn trong chốc lát, không nên không giới mà nhận tín thí của người khác.
“Tỳ-kheo nên biết, hôm nay như Ta quan sát đích thú hướng đến của người không giới. Giả sử, người kia trong chốc lát thân thể khô héo tiều tuỵ, hộc máu nóng ra khỏi miệng mà qua đời, chứ không cùng người nữ giao du, không thọ nhận đức của người lễ kính, không nhận y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh của người. Vì người không giới kia không quán sát tội đời trước, đời sau, không nhìn lại thân mạng đang chịu thống khổ này. Người không có giới, ý sinh vào ba đường ác. Đó là ác hành đã tạo ra đưa đến.
“Hôm nay, Như Lai quán sát đích thú hướng đến của người thiện hành, ngay dù người ấy bị trúng độc, hay bị đao đả thương mà tự dứt mạng sống. Nhưng đó là do muốn xả thân này để hưởng phước trời, sẽ sanh vào cõi lành. Đó là do quả báo nghiệp lành đời trước đưa đến.
“Cho nên, Tỳ-kheo, hãy niệm tu hành giới thân, định thân, huệ thân, giải thoát thân và giải thoát tri kiến thân. Muốn cho đời nay được qủa báo kia, đắc đạo cam lồ, ngay dù có nhận y phục, đồ ăn thức uống, ngoạ cụ, thuốc men trị bịnh cũng không lầm lỗi, lại làm cho đàn việt hưởng phước vô cùng.
“Các Tỳ-kheo, hãy [689c01] học như vậy.”
Khi nói pháp này, bấy giờ sáu mươi Tỳ-kheo dứt sạch lậu hoặc, ý tỏ ngộ. Sáu mươi Tỳ-kheo khác xả bỏ pháp phục mà làm bạch y.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kệ tóm tắt:
Năm vua và Nguyệt Quang,
Thi bà, hai hạng lính,
Hai quét, hai hành pháp,
Đi đứng có hai loại,
Sau cùng là cây khô. [77]
34. PHẨM ĐẲNG KIẾN [78]
KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng năm trăm Tỳ-kheo ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá Vệ.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo đến chỗ Xá-lợi-phất, thăm hỏi Ngài rồi ngồi qua một bên. Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất:
“Tỳ-kheo giới thành tựu nên tu những pháp gì?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Tỳ-kheo giới thành tựu nên tư duy về năm thủ uẩn là vô thường, là khổ, là não, là đáng sợ nhiều, cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã. Sao gọi là năm? Đó là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.
“Khi Tỳ-kheo giới thành tựu tư duy năm uẩn này liền đắc quả Tu-đà-hoàn.”
Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất:
“Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn phải tư duy những pháp gì?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn cũng nên tư duy về năm thủ uẩn này: là khổ, là não, là đáng sợ nhiều, cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã.
“Các Hiền giả nên biết, nếu Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn tư duy về năm thủ uẩn liền thành quả Tư-đà-hàm.”
Tỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất:
“Tỳ-kheo Tư-đà-hàm phải tư duy những pháp gì?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Tỳ-kheo Tư-đà-hàm cũng nên tư duy về năm thủ uẩn này: là khổ, là não, là đáng sợ nhiều, cũng nên tư duy khổ, [690a01] không, vô ngã.
“Bấy giờ, Tỳ-kheo Tư-đà-hoàn tư duy về năm thủ uẩn này liền chứng quả A-na-hàm.”
CácTỳ-kheo bạch Xá-lợi-phất:
“Tỳ-kheo A-na-hàm phải tư duy những pháp gì?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Tỳ-kheo A-na-hàm cũng nên tư duy về năm thủ uẩn này: là khổ, là não, là đáng sợ nhiều, cũng nên tư duy khổ, không, vô ngã.
“Bấy giờ, Tỳ-kheo A-na-hàm tư duy về năm thủ uẩn này liền chứng quả A-la-hán.”
Các Tỳ-kheo hỏi:
“Tỳ-kheo A-la-hán nên tư duy những pháp gì?”
Xá-lợi-phất đáp:
“Điều các Thầy hỏi đã vượt quá rồi. Tỳ-kheo A-la-hán, việc cần làm đã xong, không còn tạo nghiệp, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, không còn hướng đến năm đường biển sanh tử, lại không còn tái sinh, không còn tạo tác gì nữa. Cho nên, các Hiền giả, Tỳ-kheo trì giới, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hãy tư duy về năm thủ uẩn này.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Xá-lợi-phất dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Lộc uyển, trú xứ Tiên nhân, tại Ba-la-nại.
Bấy giờ, Như Lai thành đạo chưa lâu, người đời gọi Ngài là Đại Sa-môn. Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc mới nối ngôi vua. Vua Ba-tư-nặc nghĩ thầm: “Nay ta mới nối ngôi vua, trước phải cưới con gái dòng họ Thích. Nếu họ gả cho ta mới vừa lòng ta. Nếu không nhận cho, ta sẽ dùng sức đến cưỡng bức.”
Rồi vua Ba-tư-nặc liền bảo một đại thần:
“Ông hãy đến vương cung họ Thích, thành Ca-tỳ-la-vệ, nhân danh ta báo với dòng họ Thích kia rằng: ‘Vua Ba-tư-nặc gởi lời thăm hỏi các ngài, sống nhẹ nhàng thuận lợi mãi mãi chăng. Và nói rằng, ta muốn lấy con gái dòng họ Thích. Nếu thuận cho ta sẽ biết ơn mãi mãi. Còn nếu làm trái lại, ta sẽ dùng sức mạnh cưỡng bức.”
Đại thần nhận lệnh của vua, đến nước Ca-tỳ-la. Lúc ấy, năm trăm người dòng họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ đang tập họp tại một chỗ. Đại thần đến chỗ năm trăm người dòng họ Thích, xưng danh hiệu vua Ba-tư-nặc, gởi lời thăm hỏi mong cuộc sống nhẹ nhàng thuận lợi mãi mãi. Vua bảo rằng, ‘Ta muốn lấy con gái dòng họ Thích. Nếu thuận cho, ta sẽ biết ơn mãi mãi. Còn nếu làm trái lại, ta sẽ dùng sức mạnh cưỡng bức.’
Sau khi nghe những lời này, những người dòng họ Thích hết sức tức giận: “Chúng ta là dòng họ cao quý vì sao phải [690b01] kết thân gia với con của tỳ nữ?” Trong số ấy, có người nói nên gả, có người nói không nên gả. Bấy giờ, trong số người tập họp kia, có người tên Ma-ha-nam, [79] nói với mọi người rằng:
“Các Hiền giả, chớ có tức giận. Vì sao vậy? Vua Ba-tư-nặc là kẻ bạo ác. Nếu chống cự, vua Ba-tư-nặc đến tàn phá nước ta. Nay tôi đích thân đảm đương đến gặp vua Ba-tư-nặc nói về việc này.”
Bấy giờ, trong nhà Ma-ha-nam có tỳ nữ sanh một con gái dung nhan xinh đẹp hiếm có trên đời. Ma-ha-nam bảo tắm gội cô này, cho mặc xiêm y đẹp đẽ, lên xe gắn lông chim* đưa đến cho vua Ba-tư-nặc và nói với vua:
“Đây là con gái tôi. Ngài có thể thành thân cùng nó.”
Khi vua Ba-tư-nặc được cô này, hết sức vui mừng, liền lập cô này làm đệ nhất phu nhân. [80] Qua chưa được vài ngày, cô đã mang thai, lại trải qua tám, chín tháng sinh một nam nhi xinh đẹp vô song, đặc biệt trên đời. Vua Ba-tư-nặc tập họp các thầy tướng để đặt tên cho thái tử. Sau khi các thầy tướng nghe vua nói xong, liền tâu vua:
“Đại vương nên biết, khi cầu phu nhân, mọi người dòng họ Thích cùng nhau tranh, có người nói ‘nên cho’, hoặc có người nói ‘không nên cho’, khiến cho kia đây xa dòng (lưu-ly), nay nên đặt tên là Tỳ-lưu-ly.” [81] Đặt tên xong, các thầy tướng đều rời chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Vua Ba-tư-nặc yêu thương thái tử Lưu-ly, chưa từng rời khỏi mắt. Khi thái tử Lưu-ly lên tám tuổi, vua bảo:
“Nay con đã lớn, hãy đến Ca-tỳ-la-vệ để học nghệ thuật bắn tên.”
Rồi vua Ba-tư-nặc cung cấp những người hầu điều khiển voi lớn đến nhà dòng họ Thích, đến nhà Ma-ha-nam, nói với Ma-ha-nam:
“Vua Ba-tư-nặc bảo con đến đây học cách bắn tên. Cúi xin ông ngoại mọi sự hãy dạy bảo cho.”
Ma-ha-nam bảo:
“Người muốn học nghệ thuật thì phải khéo luyện tập.”
Ma-ha-nam liền tập họp năm trăm thiếu niên họ Thích lại cùng học thuật. Lúc ấy, thái tử Tỳ-lưu-ly cùng học xạ thuật với năm trăm đồng tử.
Bấy giờ, trong thành Ca-tỳ-la-vệ vừa xây một giảng đường. Trời, nhân dân, ma, hoặc ma thiên không được ở trong giảng đường này. Lúc ấy, những người họ Thích nói với nhau:
“Nay giảng đường này vừa được xây cất và trang trí xong, giống như thiên cung không khác tí nào. Trước hết, chúng ta nên thỉnh Như Lai và chúng Tăng cúng dường ở trong đó, để chúng ta được hưởng [690c01] phước vô cùng.”
Bấy giờ, dòng họ Thích ở trên giảng đường trải các loại tọa cụ, treo lụa là, phướn, lọng, rưới nước thơm lên mặt đất, đốt các loại hương thơm, tích chứa nước sạch, đốt các đèn sáng.
Thái tử Lưu-ly dẫn năm trăm đồng tử đến chỗ giảng đường, liền leo lên tòa Sư tử. Khi những người họ Thích thấy vậy, bèn nổi giận, đến nắm tay lôi ra ngoài cửa. Mọi người đều mắng:
“Đây là con đứa tiện tỳ! Chư thiên và người đời chưa ai dám ngồi trong đó. Con đẻ của tiện tỳ này lại dám vào trong đó ngồi.”
Rồi họ xô đẩy thái tử Lưu-ly ngã lăn ra đất. Thái tử Lưu-ly chống đất đứng dậy, thở dài, quay ra sau. Khi ấy, có con bà-la-môn tên Hảo Khổ. Thái tử Lưu-ly nói với con bà-la-môn Hảo Khổ:
“Dòng họ Thích này đã hủy nhục ta đến như vậy. Nếu sau này khi ta lên ngôi vua, ngươi hãy nhắc lại ta việc này.”
Lúc ấy, con bà-la-môn Hảo Khổ đáp:
“Như lời Thái tử dạy”.
Mỗi ngày ba lần, con bà-la-môn kia bạch với thái tử:
“Hãy nhớ nỗi nhục họ Thích. Rồi nói kệ này:
Tất cả sẽ diệt tận.
Quả chín cũng sẽ rơi.
Tập hợp ắt sẽ tan.
Có sinh ắt có tử.
Sau khi sống hết tuổi thọ, bấy giờ vua Ba-tư-nặc băng hà, liền lập thái tử Lưu-ly làm vua. Lúc ấy, bà-la-môn Hảo Khổ [82] đến chỗ vua nói rằng:
“Vua nên nhớ, xưa bị họ Thích hủy nhục.”
Vua Lưu-ly nói:
“Lành thay, lành thay! Khéo nhớ việc xưa.”
Lúc này, Vua Lưu-ly nổi sân giận, bảo các quần thần:
“Nay, ai là vua của nhân dân?”
Quần thần tâu:
“Hiện nay, Đại vương thống lĩnh.”
Vua Lưu-ly nói:
“Các ngươi, hãy mau chuẩn bị tập hợp binh bốn bộ, ta muốn đi chinh phạt họ Thích.”
Quần thần đáp:
“Thưa vâng, Đại vương!”
Quần thần tuân lệnh vua tập hợp binh bốn bộ. Vua Lưu-ly dẫn binh bốn bộ đi đến Ca-tỳ-la-vệ [83].
Khi các Tỳ-kheo nghe tin vua Lưu-ly đi chinh phạt họ Thích, họ đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, rồi đem việc ấy bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Sau khi nghe những lời này xong, Thế Tôn liền đến đón vua Lưu-ly ở dưới gốc một cây khô, [691a01] không có cành lá, ở trong tư thế ngồi kiết già.
Vua Lưu-ly từ xa thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, liền xuống xe, đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, vua Lưu-ly bạch Thế Tôn:
“Còn có cây tốt, cành lá sum suê như cây Ni-câu-lưu chẳng hạn, sao ngồi dưới cây khô này?”
Thế Tôn bảo:
“Bóng mát của thân tộc hơn người ngoài.”
Lúc ấy, vua Lưu-ly liền nghĩ thầm:
“Hôm nay, Thế Tôn vẫn còn vì thân tộc. Vậy hôm nay ta nên quay về bổn quốc, không nên đến chinh phạt Ca-tỳ-la-vệ.”
Vua Lưu-ly liền cáo từ lui binh. Bà-la-môn Hảo Khổ lại tâu vua:
“Vua nên nhớ, xưa kia đã bị họ Thích làm nhục.”
Sau khi nghe những lời này rồi, vua Lưu-ly lại nổi giận, bảo quần thần:
“Các khanh hãy mau chuẩn bị, tập họp binh bốn bộ, ta muốn đi chinh phạt Ca-tỳ-la-vệ.”
Quần thần liền tập họp binh bốn bộ, kéo ra khỏi thành Xá-vệ, đến Ca-tỳ-la-vệ chinh phạt họ Thích.
Các Tỳ-kheo nghe như vậy, đến bạch Thế Tôn:
“Nay vua Lưu-ly đang hưng binh đến chinh phạt họ Thích.”
Nghe những lời này, Thế Tôn liền dùng thần túc đến ngồi dưới gốc cây cạnh đường. Tỳ-lưu-ly từ xa trông thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, liền xuống xe đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, vua Lưu-ly bạch Thế Tôn:
“Còn có cây tốt, sao lại không ngồi ở đó, hôm nay, Thế Tôn cớ gì ngồi dưới cây khô này?”
Lúc ấy, Thế Tôn nói:
“Bóng mát của thân tộc hơn người ngoài.”
Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:
Bóng mát của thân tộc,
Họ Thích xuất hiện Phật;
Đều là cành nhánh Ta;
Nên ngồi dưới cây này.
Lúc ấy, vua Lưu-ly liền nghĩ thầm: “Hiện tại, Thế Tôn xuất thân từ họ Thích. Ta không nên đến chinh phạt. Phải nên quay về bổn quốc.’ Rồi, vua Lưu-ly liền trở về thành Xá-vệ.
Bà-la-môn Hảo Khổ lại tâu với vua:
“Vua nên nhớ, xưa kia đã bị họ Thích làm nhục!”
Vua Lưu-ly nghe những lời này rồi, lại tập hợp binh bốn loại kéo ra khỏi thành Xá-vệ, đến Ca-tỳ-la-vệ. Đại Mục-kiền-liên khi nghe vua Lưu-ly đi chinh phạt dòng họ Thích, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Bấy giờ, [691b01] Mục-kiền-liên bạch Thế Tôn:
“Hôm nay, vua Lưu-ly tập họp binh bốn bộ đến tấn công họ Thích. Nay con có khả năng khiến cho vua Lưu-ly cùng binh bốn bộ bị ném sang thế giới phương khác.”
Thế Tôn nói:
“Ngươi há có thể đem duyên đời trước của họ Thích đặt sang thế giới khác hay sao?”
Mục-liên bạch Phật:
“Con thật sự không thể đem duyên đời trước đặt sang thế giới khác.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Mục-liên:
“Ngươi hãy trở về chỗ ngồi.”
Mục-liên lại bạch Phật:
“Nay con có thể dời thành Ca-tỳ-la-vệ này đặt giữa hư không.”
Thế Tôn bảo:
“Nay ngươi có thể dời duyên đời trước của họ Thích đặt giữa hư không hay không?”
Mục-liên đáp:
“Không, bạch Thế Tôn.”
Phật bảo Mục-liên:
“Vậy ngươi hãy trở về chỗ của mình.”
Lúc ấy, Mục-liên lại bạch Phật:
“Cúi xin cho phép dùng lồng sắt che bên trên thành Ca-tỳ-la-vệ.”
Thế Tôn bảo:
“Thế nào, Mục-liên, ngươi có thể dùng lồng sắt che đậy duyên đời trước không?”
Mục-liên bạch Phật:
“Không, bạch Thế Tôn.”
Phật bảo Mục-liên:
“Nay ngươi trở về chỗ của mình. Hôm nay duyên đời trước của họ Thích đã chín, nay phải chịu báo.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Muốn hư không thành đất,
Đất lại thành hư không.
Bị duyên trước trói buộc;
Duyên này không mục hư.
Bấy giờ, vua Lưu-ly đến Ca-tỳ-la-vệ. Những người dòng họ Thích nghe vua Lưu-ly dẫn binh bốn bộ đến tấn công. Họ liền tập trung chúng bốn bộ trong vòng một do tuần đến đón vua Lưu-ly.
Các Thích tử trong vòng một do tuần, từ xa bắn vua Lưu-ly, hoặc bắn lỗ tai nhưng không tổn thương tai ông, hoặc bắn búi tóc nhưng không tổn thương đầu ông, hoặc bắn gãy cung, hoặc bắn đứt dây cung nhưng không hại người ông, hoặc bắn áo giáp nhưng không hại người ông, hoặc bắn giường ghế nhưng không hại người ông, hoặc bắn phá bánh xe nhưng không hại người ông, hoặc phá cờ xí nhưng không hại người ông. Sau khi thấy sự việc như vậy, vua Lưu-ly liền sinh lòng sợ hãi, bảo quần thần:
“Các ngươi xem những mũi tên này từ đâu đến?”
Quần thần tâu:
“Các Thích tử cách đây trong vòng một do tuần bắn tên đến!”
Vua Lưu-ly nói:
“Nếu họ khởi tâm muốn hại ta thì mọi người đã nhận lấy cái chết hết rồi. Ngay tức khắc hãy quay về Xá-vệ!”
Lúc ấy, bà-la-môn Hảo Khổ đến trước tâu vua:
“Đại vương chớ lo! Các Thích tử này đều giữ giới, [691c01] côn trùng họ còn không hại huống là hại người. Nay nên tiến lên trước ắt tiêu diệt được họ Thích.”
Vua Lưu-ly từ từ tiến lên về phía họ Thích kia. Những người họ Thích lui vào thành. Vua Lưu-ly, ở ngoài thành bảo họ rằng:
“Các ngươi hãy mau mở cửa thành! Nếu không, ta sẽ bắt các ngươi giết hết.”.
Bấy giờ, thành Ca-tỳ-la-vệ có đồng tử họ Thích mới mười lăm tuổi, tên Xa-ma, nghe vua Lưu-ly đang ở bên ngoài cửa, liền mặc giáp, cầm gậy lên trên thành một mình chiến đấu với vua Lưu-ly. Lúc ấy, đồng tử Xa-ma giết hại nhiều binh lính làm họ chạy tán loạn và nói:
“Đây là người nào? Là trời hay là quỷ thần? Từ xa trông giống như một cậu bé!”
Vua Lưu-ly sinh lòng sợ hãi, liền vào trong hầm để tránh.
Khi các Thích tử nghe binh chúng của vua Lưu-ly bị giết hại, các Thích tử liền gọi đồng tử Xa-ma bảo rằng:
“Ngươi tuổi trẻ ấu thơ, sao cố ý làm nhục gia phong chúng ta? Há không biết các Thích tử tu hành pháp lành sao? Chúng ta, đến côn trùng còn không thể hại, huống lại là mạng người ư? Chúng ta có thể phá tan quân lính này, một người địch vạn người, song chúng ta lại nghĩ thầm: ‘Sát hại chúng sanh vô số kể như vậy.’ Thế Tôn đã từng dạy: ‘Phàm người giết mạng người, chết sẽ vào địa ngục. Nếu sinh trong loài người, tuổi thọ rất ngắn.’ Ngươi hãy mau đi đi, không ở đây nữa. Đồng tử Xa-ma liền bỏ nước ra đi, không vào Ca-tỳ-la-vệ nữa.
Lúc ấy, vua Lưu-ly lại đến giữa cửa nói người kia:
“Hãy mau mở cửa thành, đừng để ta đợi lâu!”
Lúc ấy, các Thích tử tự nói với nhau:
“Nên cho mở cửa thành hay không nên?”
Bấy giờ, tệ ma Ba-tuần giả hình làm một Thích tử ở trong chúng họ Thích, nói các Thích tử:
“Các vị hãy mau mở cửa thành. Đừng để hôm nay chúng ta phải cùng chịu khốn.”
Lúc ấy, các Thích tử liền cho mở cửa thành. Bấy giờ, vua Lưu-ly liền bảo quần thần:
“Hiện nhân dân dòng họ Thích này đông, đao kiếm không thể giết hết, hãy bắt hết chôn xuống đất, sau đó cho voi dữ dẫm chết.”
Quần thần vâng theo lệnh của vua, cho voi dẫm chết họ. Đồng thời, vua Lưu-ly bảo quần thần:
“Các ngươi hãy mau tuyển chọn năm trăm người nữ họ Thích, tay chân mặt mày xinh đẹp .”
Các đại thần vâng lệnh vua, tuyển chọn năm trăm người nữ xinh đẹp, dẫn đến chỗ vua.
Khi ấy [692a01] Ma-ha-nam Thích tử đến chỗ vua Lưu-ly nói rằng:
“Hãy cho tôi một ước nguyện”
Vua Lưu-ly nói:
“Ông muốn có ước nguyện gì?”
Ma-ha-nam nói:
“Tôi sẽ lặn xuống đáy nước, theo độ chậm nhanh của tôi, cho những người họ Thích đều được chạy trốn. Nếu tôi ra khỏi mặt nước, thì tùy ý giết họ.”
Vua Lưu-ly nói:
“Việc ấy thật tốt!”
Thích Ma-ha-nam liền xuống đáy nước, lấy tóc đầu buộc vào rễ cây mà qua đời. Bấy giờ, các Thích tử trong thành Ca-tỳ-la-vệ, ra từ cửa đông, lại vào từ cửa nam; ra từ cửa tây, lại vào cửa bắc.
Vua Lưu-ly bảo quần thần:
“Ông ngoại Ma-ha-nam, vì cớ gì ẩn ở dưới nước, đến giờ chưa ra khỏi?”
Bấy giờ, quần thần nghe theo lệnh vua, liền xuống dưới nước kéo Ma-ha-nam lên, nhưng ông đã chết. Khi vua Lưu-ly thấy Ma-ha-nam đã chết, lúc này vua mới sanh tâm hối hận:
“Nay ông ngoại ta đã chết đều do thương thân tộc, ta đã không biết trước, nên để ông mất. Nếu biết trước, dứt khoát không đến công phạt dòng họ Thích này.”
Lúc ấy, vua Lưu-ly đã giết chín nghìn chín trăm chín mươi chín vạn người, máu chảy thành sông và thiêu rụi thành Ca-tỳ-la-vệ. Rồi ông đi đến vườn Ni-câu-lưu.
Lúc ấy, vua Lưu-ly bảo với năm trăm người nữ dòng họ Thích rằng:
“Các khanh yên tâm, chớ sầu lo. Ta là chồng các khanh, các khanh là vợ ta, cốt phải hợp nhau.”
Vua Lưu-ly tiện đưa tay nắm một người nữ họ Thích muốn đùa chơi. Thời người nữ hỏi:
“Đại vương định làm gì?”
Thời vua đáp:
“Muốn giao tình cùng khanh”
Cô đáp vua:
“Vì sao nay ta lại giao tình với loại nô tỳ sinh?”
Vua Lưu-ly nổi cơn tức giận, ra lệnh cho quần thần:
“Mau bắt người nữ này, chặt tay chân nó, ném vào hầm sâu.”
Các đại thần theo lệnh vua, chặt tay chân cô ném vào hầm sâu. Năm trăm người nữ đều mắng nhà vua rằng:
“Ai đem thân này cùng giao thông với loại con đẻ của nô tỳ!”
Vua tức giận, bắt hết năm trăm người nữ, chặt tay chân họ ném vào hầm sâu. Vua Lưu-ly sau khi hủy hoại Ca-tỳ-la-vệ xong, trở về thành Xá-vệ.
Bấy giờ, thái tử Kỳ-đà đang cùng các kỹ nữ vui đùa trong thâm cung. Nghe tiếng ca hát, vua Lưu-ly liền hỏi:
“Đây là âm thanh gì [692b01] mà vang đến nơi đây?”
Quần thần đáp:
“Đó là tiếng đàn hát để tự vui chơi của vương tử Kỳ-đà ở trong thâm cung.”
Vua Lưu-ly liền bảo người hầu:
“Khanh hãy quay voi này đến chỗ vương tử Kỳ-đà.”
Người giữ cửa từ xa thấy vua đến, tâu rằng:
“Xin vua thong thả một chút, vương tử Kỳ-đà hiện đang vui với năm thứ lạc ở trong cung, đừng có gây phiền phức.”
Vua Lưu-ly liền rút kiếm giết người giữ cửa. Lúc ấy, vương tử Kỳ-đà nghe vua Lưu-ly đang đứng ở ngoài cửa, không từ giã các kỹ nữ, liền ra ngoài để gặp vua:
“Vui thay, Đại vương đến! Đại vương hãy vào nghỉ ngơi một lát.”
Vua Lưu-ly nói: “Há ngươi không biết ta với họ Thích đánh nhau sao?”
Kỳ-đà đáp:
“Có nghe!”
Vua Lưu-ly nói:
“Nay vì sao ngươi không giúp ta mà cùng với kỹ nữ đùa giỡn?”
Vương tử Kỳ-đà đáp:
“Ta không thể giết hại mạng chúng sanh!”
Vua Lưu-ly hết sức tức giận liền rút kiếm chém hại vương tử Kỳ-đà. Sau khi mạng chung, vương tử Kỳ-đà sanh lên cõi trời Tam thập tam, vui đùa cùng năm trăm thiên nữ.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhãn quan sát thấy vương tử Kỳ-đà mạng chung, đã sinh lên trời Tam thập tam, liền nói kệ này:
Thọ phước trong trời người,
Đức vương tử Kỳ-đà.
Làm lành, sau hưởng báo;
Đều do hiện báo nên.
Đây lo, kia cũng lo,
Lưu-ly lo hai nơi;
Làm ác sau nhận ác;
Đều do hiện báo nên.
Phải nương vào phước đức,
Trước làm sau cũng vậy.
Hoặc là làm một mình,
Hoặc làm người không biết.
Làm ác, có biết ác;
Trước làm, sau cũng vậy.
Hoặc là làm một mình,
Hoặc làm người không biết.
Hưởng phước trong trời người,
Hai nơi đều hưởng phước;
Làm lành sau hưởng báo,
Đều do hiện báo nên. [84]
Đây lo, kia cũng lo,
Làm ác buồn hai nơi;
Làm ác sau nhận báo,
Đều do hiện báo nên. [85]
[692c01] Lúc ấy, năm trăm thiếu nữ dòng họ Thích quay về kêu gào danh hiệu Như Lai và nói rằng:
“Như Lai sanh ra ở đây và cũng từ chốn này xuất gia học đạo, sau đó thành Phật, vậy mà hôm nay Phật hoàn toàn không thấy, không nghĩ biết chúng ta đang gặp khổ não này, chịu sự đau đớn này. Vì sao Thế Tôn lại không thấy, không nghĩ?”
Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhĩ thông suốt, nghe những người nữ họ Thích oán trách hướng về Phật. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy đến hết đây, cùng đi quán sát Ca-tỳ-la-vệ và để thăm những người thân đang qua đời.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo ra khỏi thành Xá-vệ, đi đến Ca-tỳ-la-vệ. Khi năm trăm người nữ họ Thích từ xa thấy Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đến, đều sinh lòng hổ thẹn.
Thích Đề-hoàn Nhân và Tỳ-sa-môn Thiên vương ở sau Thế Tôn quạt hầu. Thế Tôn quay lại bảo Thích Đề-hoàn Nhân:
“Các người nữ họ Thích đều sinh lòng hổ thẹn.”
Thích Đề-hoàn Nhân đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Thích Đề-hoàn Nhân liền dùng thiên y che lên thân thể năm trăm người nữ này.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-sa-môn Thiên vương:
“Những người nữ này đói khát đã lâu ngày, nên làm điều gì cho thích hợp.”
Tỳ-sa-môn Thiên vương bạch Phật:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Đồng thời, Tỳ-sa-môn Thiên vương bày thức ăn trời tự nhiên cho các thiếu nữ họ Thích đều được đầy đủ. Thế Tôn tuần tự nói pháp vi diệu cho các cô. Thế Tôn dạy:
“Các pháp đều phải ly tan. Có hội ngộ thì có biệt ly. Các cô nên biết, năm thủ uẩn này đều phải chịu các não khổ đau này, rơi trong năm đường. Phàm nhận thân năm uẩn tất phải chịu hành báo này. Đã có hành báo, tất phải thọ thai. Đã thọ thai phần, lại phải chịu báo khổ vui. Nếu ai không có năm thủ uẩn, tất không thọ nhận hình hài nữa. Nếu không thọ nhận hình hài thì không có sinh. Vì không có sinh nên không có già. Vì không có già nên không có bệnh. Vì không có bệnh nên không có chết. Vì không có chết nên không có khổ não của hội ngộ, biệt ly. Cho nên, các cô phải nghĩ đến sự biến đổi thành bại của năm uẩn này. Vì sao vậy? Vì biết năm uẩn là biết năm dục. Biết năm dục là biết pháp ái, biết pháp ái là biết pháp đắm nhiễm. Biết các việc này rồi, không còn thọ thai. Vì không thọ thai, không còn sanh, già, bệnh, chết.”
Bấy giờ, Thế Tôn [693a01] lại tuần tự nói pháp này cho các nữ họ Thích : Ngài luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sinh thiên; dục là tưởng bất tịnh, xuất yếu là an lạc. Khi Thế Tôn thấy tâm ý các cô này đã được khai mở. Như pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, là khổ, tập, tận, đạo; bấy giờ, Thế Tôn cũng vì họ mà thuyết. Bấy giờ, những người nữ, các trần cấu hết sạch, được mắt pháp trong sạch, mọi người từ chỗ họ mà qua đời, đều sinh lên trời.
Rồi Thế Tôn đến cửa thành Đông, thấy trong thành lửa cháy dữ dội, liền nói kệ này:
Tất cả hành vô thường.
Có sinh ắt có tử.
Không sinh thì không tử.
Đã diệt, tối an lạc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi hãy đến hết trong vườn Ni-câu-lưu, theo thứ lớp mà ngồi.”
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Đây là vườn Ni-câu-lưu. Xưa kia ở nơi này Ta vì các Tỳ-kheo rộng nói pháp mầu, nhưng nay trống rỗng không còn một ai. Ngày xưa, hàng nghìn vạn người đắc đạo, được mắt pháp trong sạch ở đây. Từ nay về sau, Như Lai không còn trở lại chốn này.”
Thế Tôn vì các Tỳ-kheo thuyết pháp xong, mọi người từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi, về đến vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nay vua Lưu-ly và các binh chúng ở đời sẽ không còn bao lâu. Sau bảy ngày nữa họ sẽ bị tiêu diệt hết.”
Lúc ấy, vua Lưu-ly nghe Thế Tôn báo hiệu, vua Lưu-ly và binh chúng sau bảy ngày nữa sẽ bị tiêu diệt hết. Nghe vây, vua lo sợ bảo quần thần:
“Nay Như Lai đã báo hiệu, sau bảy ngày nữa vua Lưu-ly và binh chúng sẽ bị tiêu diệt hết. Các ngươi xem, ngoài biên giới có giặc cướp, tai biến nước lửa, đến xâm phạm nước chăng? Bởi vì sao? Vì chư Phật Như Lai không có hai lời. Lời nói quyết không đổi khác.”
Bà-la-môn Hảo Khổ tâu với vua:
“Vua chớ có lo sợ. Nay bên ngoài không có nạn giặc cướp đáng sợ, cũng không tai biến nước lửa. Hôm nay, Đại vương hãy cứ vui chơi thỏa thích.”
Vua Lưu-ly nói:
“Bà-la-môn nên biết, chư Phật Thế Tôn không bao giờ sai lời.”
Vua Lưu-ly cho người đếm ngày, đến đầu ngày thứ bảy, Đại vương vui mừng hớn hở không tự chế được, liền dẫn binh chúng và các thể nữ đến bờ sông A-chi-la [86] mà tự vui chơi và nghỉ đêm ở đó. Vào lúc nửa đêm, bất ngờ mây nổi dậy mưa gió dữ dội. Lúc ấy, vua Lưu-ly và binh chúng cùng bị nước cuốn trôi, đều bị tiêu diệt, thân hoại mạng chung bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Cung điện thành nội lại bị lửa trời thiêu đốt. Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhãn quan sát thấy vua Lưu-ly và binh bốn bộ bị nước cuốn trôi, mạng chung tất cả đều vào địa ngục.
Thế Tôn liền nói kệ này:
Làm việc tối cực ác,
Đều do thân, miệng làm.
Nay thân cũng chịu khổ,
Thọ mạng cũng ngắn ngủi.
Nếu khi ở trong nhà,
Thì bị lửa thiêu đốt.
Đến lúc mạng qua đời,
Tất sinh vào địa ngục.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Sau khi chết, vua Lưu-ly và binh lính sanh nơi nào?”
Thế Tôn bảo:
“Vua Lưu-ly sanh vào địa ngục A-tỳ”
Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Xưa kia các Thích tử đã tạo ra nhân duyên gì mà nay bị vua Lưu-ly làm hại?”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Ngày xưa, trong thành La-duyệt này có một thôn đánh cá. Thời ấy, gặp lúc đói kém, người ăn rễ cây, một thăng vàng đổi một thăng gạo. Trong thôn lúc đó có một hồ nước lớn, lại nhiều cá. Mọi người dân trong thành La-duyệt đến nơi hồ bắt cá ăn. Vào lúc đó, trong hồ có hai giống cá, một gọi là là Câu tỏa, [87] hai gọi là Lưỡng thiệt. [88] Lúc ấy, hai giống cá nói với nhau: ‘Đối với những người này, trước đây chúng ta không có lỗi lầm. Ta là loài thủy tánh, không ở đất khô. Những người dân này đều đến ăn thịt chúng ta. Bao nhiêu phước đức chúng ta có đời trước, nay sẽ dùng để báo oán này.’
“Lúc ấy, trong thôn có một cậu bé mới tám tuổi, không bắt cá, lại cũng không hại chúng, nhưng cá kia ở trên bờ, tất cả đều bị chết, thấy vậy cậu bé rất là vui mừng.
“Tỳ-kheo nên biết, các ngươi chớ nghĩ nhân dân trong thành La-duyệt lúc bấy giờ há là người nào khác, mà nay chính là họ Thích. Cá Câu tỏa bấy giờ, nay là vua Lưu-ly. Cá Lưỡng thiệt bấy giờ, thì nay là bà-la-môn Hảo Khổ. Còn cậu bé thấy cá nằm [693c01] trên bờ mà cười lúc ấy, nay chính là Ta. Bấy giờ, họ Thích ngồi bắt cá ăn. Vì nhân duyên này, nên trong vô số kiếp vào trong địa ngục, nay phải chịu báo này. Lúc ấy, Ta ngồi nhìn mà cười nên nay bị đau đầu giống như bị đá đè, hoặc như đầu đội núi Tu-di. Vì sao vậy? Vì Như Lai vốn không nhận hình hài nữa, đã xả bỏ các hành, vượt qua các ách nạn. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là vì nhân duyên này, nay chịu báo này. Các Tỳ-kheo, hãy giữ thân, miệng, ý hành, hãy niệm cung kính thừa sự người phạm hạnh.
“Các Tỳ-kheo cần phải học những điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nên biết, khi một con dân trời sắp mạng chung, có năm điềm báo ứng hiện ra trước. Năm điềm gì? Một là hoa trên mũ héo, hai là y phục dơ bẩn, ba là thân thể hôi hám, bốn là không thích chỗ ngồi của mình, năm là các thiên nữ tan tác. [89] Đó gọi là năm điềm báo ứng con dân trời sắp mạng chung.”
“Lúc ấy, con dân trời hết sức sầu lo, đấm ngực kêu gào. Bấy giờ, các con dân trời khác lại đến chỗ con dân trời này, nói với vị ấy rằng: ‘Ngài tương lai có thể sinh vào cõi lành. Đã sinh cõi lành, tất được thiện lợi. Đã được thiện lợi hãy niệm an xử thiện nghiệp.’ Chư thiên đã giáo thọ vị ấy như vậy.”
Lúc ấy, có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Trời Tam thập tam được sanh cõi lành là thế nào? Tất được thiện lợi là thế nào? An xử thiện nghiệp là thế nào?”
Thế Tôn bảo:
“Đối với chư thiên, cõi người là cõi lành. Được thiện lợi, là sanh trong nhà chánh kiến, thân cận thiện tri thức, có tín căn trong pháp Như Lai. Đó gọi là tất được thiện lợi. Sao gọi là an xử thiện nghiệp? Có tín căn trong pháp Như Lai, cạo bỏ râu tóc, vì lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Khi học đạo, tánh giới đầy đủ, các căn không thiếu, đồ ăn thức uống biết đủ, thường niệm kinh hành, đạt được tam minh. Đó gọi là an xử thiện nghiệp.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người, nơi lành của trời.
Bạn lành là thiện lợi.
[694a01] Xuất gia là thiện nghiệp;
Diệt lậu, thành vô lậu.
“Tỳ-kheo nên biết, trời Tam thập tam say đắm ngũ dục. Họ coi nhân gian là cõi lành. Ở trong pháp Như Lai được xuất gia là được thiện lợi mà được tam minh. Vì sao vậy? Phật Thế Tôn đều xuất hiện từ cõi người, chẳng phải từ cõi trời mà được. Cho nên, Tỳ-kheo ở đây mạng chung sẽ sinh lên trời.”
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn:
“Thế nào là Tỳ-kheo sẽ sanh đường lành?”
Thế Tôn bảo:
“Niết-bàn chính là đường lành của Tỳ-kheo. Nay Tỳ-kheo, ngươi hãy tìm cầu phương tiện đạt đến Niết-bàn.”
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Sa-môn xuất gia có năm pháp hủy nhục. Sao gọi là năm? Một là tóc trên đầu dài. Hai là móng tay dài. Ba là y áo dơ bẩn. Bốn là không biết thời nghi. Năm là bàn nói nhiều. Vì sao vậy? Bàn nói nhiều, Tỳ-kheo lại có năm việc. Sao gọi là năm? Một là người không tin lời. Hai không chịu nhận lời dạy. Ba là người không thích gặp. Bốn là nói dối. Năm là gây đấu loạn kia đây. Đó là năm việc xảy ra cho người nói chuyện nhiều. Đó gọi là người bàn nói nhiều có năm việc này. Tỳ-kheo, hãy trừ năm việc này, chớ có tà tưởng.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng năm trăm Tỳ-kheo ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá Vệ. Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la [90] bảo các quần thần:
“Hãy chỉnh bị xe gắn lông chim*. Ta đến thành Xá-vệ thăm viếng Thế Tôn.”
Quần thần tuân lệnh vua, chỉnh bị xe gắn lông chim, rồi đến trước tâu vua:
“Đã chuẩn bị xe xong, xin vua biết thời cho.”
Lúc ấy, vua Tần-bà-sa-la lên xe gắn lông chim ra khỏi thành La-duyệt, đi đến thành Xá-vệ, lần hồi đến tinh xá Kỳ-hoàn, rồi đi bộ vào tinh xá Kỳ-hoàn. Phàm theo phép, vua Thủy quán đảnh [91] có năm nghi trượng; vua đều cởi bỏ, để sang một bên, rồi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn lần lượt vì vua mà nói pháp vi diệu. Khi vua nghe pháp xong, bạch [694b01] Thế Tôn:
“Cúi xin Như Lai hãy hạ an cư tại thành La-duyệt. Con sẽ cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc men trị bịnh.”
Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của vua Tần-bà-sa-la. Khi vua thấy Thế Tôn im lặng nhận lời rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh ba vòng, lui đi, trở về thành La-duyệt, vào trong cung.
Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la ở nơi vắng vẻ, nghĩ thầm: “Ta có thể cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo Tăng suốt đời ta, y áo, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men chữa bịnh. Nhưng cũng phải thương xót những người nghèo hèn kia.”
Rồi vua Tần-bà-sa-la bảo quần thần:
“Hôm qua, ta nghĩ thầm như vầy: ‘Ta có thể suốt đời cúng dường Như Lai và Tỳ-kheo Tăng về y áo, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men chữa bịnh. Nhưng cũng phải thương xót những người nghèo hèn. Các khanh hãy đốc suất nhau, theo thứ tự cúng dường Như Lai và các Hiền thì sẽ mãi mãi hưởng phước vô cùng.”
Bấy giờ, vua nước Ma-kiệt cho xây một giảng đường lớn trước cung điện, rồi bày ra những đồ đựng thức ăn.
Bấy giờ, Thế Tôn ra khỏi nước Xá-vệ, dẫn năm trăm Tỳ-kheo, lần hồi du hóa nhân gian, đến chỗ Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thành La-duyệt. Khi vua Tần-bà-sa-la nghe Thế Tôn đi đến trong vườn Trúc Ca-lan-đà, liền lên xe gắn lông chim đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, bạch Thế Tôn:
“Con ở nơi yên tĩnh nghĩ thầm như vầy: ‘Như hôm nay, ta có thể bày biện y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh.’ Nhưng con nghĩ đến những gia đình thấp kém, liền bảo quần thần: ‘Các vị mỗi người hãy bày biện đồ ăn uống để lần lượt cúng dường Phật.’ Thế nào, Thế Tôn, điều này là nên hay không nên?”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, lành thay! Đại vương làm lợi ích cho nhiều người, đã vì trời người mà tạo ruộng phước.”
Vua Tần-bà-sa-la bạch Thế Tôn:
“Cúi xin Thế Tôn ngày mai vào cung thọ thực.”
Khi vua Tần-bà-sa-la thấy Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh rồi, liền đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi lui đi.
Sáng hôm sau, Thế Tôn đắp y, mang bát vào thành, đến trong cung vua, ngồi theo thứ lớp. Lúc ấy, vua cung cấp thức ăn trăm [694c01] vị, tự tay san sớt, vui vẻ không tán loạn. Khi thấy Thế Tôn thọ thực đã xong, đã rửa bát, vua Tần-bà-sa-la lấy một chiếc ghế thấp đến ngồi phía trước Phật.
Thế Tôn tuần tự vì vua nói pháp vi diệu, khiến vua sanh tâm hoan hỷ. Thế Tôn nói pháp vi diệu cho vua và quần thần, nói các đề tài về bố thí, về trì giới, về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, dâm là uế ác, xuất yếu là an lạc.
Khi Thế Tôn đã biết tâm ý các chúng sanh này đã khai mở, không còn hồ nghi nữa, như pháp mà chư Phật thường thuyết, là khổ, tập, tận, đạo; bấy giờ, Thế Tôn cũng vì họ mà nói hết. Hơn sáu mươi người từ trên chỗ ngồi dứt sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch.
Bấy giờ, Thế Tôn vì vua Tần-bà-sa-la cùng các nhân dân mà nói kệ tụng này:
Tế tự [92], lửa trên hết.
Các sách, kệ là nhất.
Vua, tôn quý loài người.
Các sông, biển là nguồn.
Trong sao, trăng sáng nhất.
Ánh sáng, mặt trời nhất.
Trên dưới và bốn phương,
Trong hết thảy vạn vật,
Trời và người thế gian,
Phật là trên tất cả.
Ai muốn cầu phước kia
Hãy nên cúng dường Phật.
Sau khi nói bài kệ này xong, Phật rời chỗ ngồi đứng dậy ra về. Lúc ấy, nhân dân trong thành La-duyệt tùy dòng họ sang hèn, theo nhà ít nhiều mà cúng dường cơm cho Phật và Tăng Tỳ-kheo.
Bấy giờ, Thế Tôn ở khu Ca-lan-đà, trong vườn Trúc; nhân dân trong nước không có ai là không cúng dường. Khi ấy, trong thành La-duyệt, đến lượt các bà-la-môn cúng dường thức ăn. Các bà-la-môn bèn nhóm họp lại một chỗ, bàn luận rằng:
“Chúng ta mỗi người chi ra ba lượng tiền vàng để mua thức ăn cúng dường.”
Khi ấy trong thành La-duyệt có một bà-la-môn tên Kê-đầu, rất là nghèo thiếu, chỉ tự đủ sống còn, không có tiền vàng để góp, liền bị các bà-la-môn đuổi ra khỏi chúng.”
Bà-la-môn Kê-đầu trở về nhà nói với vợ ông:
“Nàng nên biết, hôm nay, ta bị các bà-la-môn trục xuất, không cho ở trong chúng. Vì sao vậy? Vì ta không có tiền vàng.”
[695a01] Người vợ nói:
“Hãy trở vào trong thành năn nỉ người vay nợ, ắt sẽ được. Hẹn với chủ nợ, sau bảy ngày sẽ trả lại, nếu không trả nợ thì chính tôi và vợ sẽ chịu làm tôi tớ.”
Ông bà-la-môn nghe theo lời vợ, liền vào trong thành tìm cầu khắp mọi nơi, vẫn không thể được. Ông trở về nhà nói với vợ:
“Tôi tìm cầu mọi nơi rồi mà không thể được. Nên như thế nào?”
Người vợ nói:
“Phía đông thành La-duyệt có đại Trưởng giả tên là Bất-xa-mật-đa-la, nhiều tiền lắm của, ta có thể đi đến đó mà cầu vay nợ. Xin cho vay ba lượng tiền vàng, sau bảy ngày sẽ trả lại, nếu không trả thì chính tôi và vợ sẽ chịu làm tôi tớ.”
Bà-la-môn theo lời vợ, đến nói với Bất-xa-mật-đa-la vay tiền vàng, không quá bảy ngày tự sẽ trả lại, nếu không trả thì chính ông và vợ sẽ chịu làm tôi tớ. Bất-xa-mật-đa-la liền trao cho tiền vàng.
Bà-la-môn Kê-đầu đem tiền vàng này về đến chỗ vợ, và bảo:
“Đã được tiền vàng. Phải làm gì cho thích hợp?”
Người vợ nói:
“Hãy đem số tiền này nộp cho chúng.”
Bà-la-môn kia liền đem tiền vàng đến nộp cho chúng. Các bà-la-môn nói với bà-la-môn này:
“Chúng tôi đã chuẩn bị xong, hãy đem tiền vàng này về chỗ cũ, không cần ông ở trong chúng này.”
Bà-la-môn kia liền trở về nhà, đem nhân duyên này nói lại cho vợ. Người vợ nói:
“Hai chúng ta cùng đến chỗ Thế Tôn, tự trình bày hết lòng thành.”
Bà-la-môn dẫn vợ mình đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi rồi ngồi qua một bên. Người vợ ông cũng đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Rồi bà-la-môn đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo bà-la-môn:
“Ông hãy vì Như Lai và Tăng Tỳ-kheo mà bày đồ ăn thức uống đầy đủ.”
Bà-la-môn quay lại bàn kỹ càng với vợ ông. Thời người vợ nói:
“Chỉ làm theo lời Phật dạy, chớ có phân vân.”
Bấy giờ, bà-la-môn liền từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước bạch Phật:
“Cúi xin Thế Tôn và Tăng Tỳ-kheo nhận lời thỉnh của con.”
Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh của bà-la-môn.
Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân đang chấp tay hầu sau Thế Tôn. Thế Tôn quay lại bảo Thích Đề-hoàn Nhân:
“Ông hãy giúp bà-la-môn này bày biện thức ăn.”
Thích [695b01] Đề-hoàn Nhân bạch:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Lúc ấy, Tỳ-sa-môn Thiên vương đứng cách Như Lai không xa, dẫn theo các chúng quỷ thần không kể xiết, từ xa quạt Thế Tôn.
Thích Đề-hoàn Nhân nói với Tỳ-sa-môn Thiên vương:
“Ông cũng phải theo giúp bà-la-môn kia bày biện thức ăn này.”
Tỳ-sa-môn Thiên vương đáp:
“Tuân lệnh, thưa Thiên vương!”
Tỳ-sa-môn Thiên vương đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, nhiễu Phật ba vòng, rồi tự biến mất. Ông hóa làm một người, lãnh năm trăm quỷ thần, cùng lo bày biện thức ăn. Tỳ-sa-môn Thiên vương ra lệnh cho các quỷ thần: “Các ngươi hãy gấp vào trong rừng chiên đàn để lấy chiên đàn. Ở trong nhà bếp có năm trăm quỷ thần làm thức ăn.”
Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân bảo thiên tử Tự Tại:
“Hôm nay Tỳ-sa-môn Thiên vương đã dựng nhà bếp làm thức ăn cho Phật và Tăng Tỳ-kheo. Ông hãy hóa ra giảng đường cho Phật và Tăng Tỳ-kheo ở trong đó thọ thực.”
Thiên tử Tự Tại đáp:
“Xin tuân lệnh!”
Rồi thiên tử Tự Tại theo lời Thích Đề-hoàn Nhân, cách thành La-duyệt không xa, hóa làm giảng đường bằng bảy báu. Bảy báu đó là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, mã não, trân châu, xa cừ. Lại hóa làm bốn cầu thang bằng vàng, bạc thủy tinh, lưu ly. Trên cầu thang vàng thì hóa ra cây bạc, trên cầu thang bạc thì hóa ra cây vàng, rễ vàng, thân bạc, cành bạc, lá bạc. Trên cây vàng thì hóa ra lá bạc, cành bạc. Trên cầu thang thủy tinh thì hóa ra cây lưu ly cũng được trang sức bằng đủ thứ không thể nói hết. Lại dùng đủ loại châu báu mà lót bên trong, dùng bảy báu che lên trên, bốn phía đều treo linh vàng, song các linh này đều phát ra tám loại âm thanh. Lại hóa ra giường, ghế tốt, trải nệm tốt, treo phướn, lọng thêu thùa, hiếm có trên đời. Lúc ấy, họ dùng chiên-đàn ngưu-đầu đốt lửa làm thức ăn, khiến mười hai do tuần cạnh thành La-duyệt đều tràn ngập hương thơm ở trong đó. Lúc này, vua nước Ma-kiệt-đà bảo các quần thần:
“Ta lớn lên trong thâm cung từ nhỏ, chưa nghe mùi hương này. Vì cớ gì lại nghe mùi hương thơm này bên cạnh thành La-duyệt?”
Quần thần tâu:
“Đó là ở trong nhà nấu ăn bà-la-môn Kê-đầu. Mà hương chiên-đàn trời là điềm lành ứng hiện.”
Lúc ấy, vua Tần-bà-sa-la bảo các quần thần:
“Hãy mau chuẩn bị xe gắn lông chim. Ta muốn đi đến chỗ Thế Tôn để [695c01] hỏi thăm về việc này.”
Các quần thần tâu:
“Thưa vâng, Đại vương!”
Vua Tần-bà-sa-la liền đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Bấy giờ, vua thấy trong bếp này có năm trăm người đang nấu thức ăn, bèn hỏi:
“Đây là những người nào đang nấu thức ăn vậy?”
Các quỷ thần mang hình người đáp:
“Bà-la-môn Kê-đầu thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường.”
Lúc ấy, nhà vua lại từ xa trông thấy giảng đường cao rộng liền hỏi người hầu:
“Đây là giảng đường do người nào tạo ra? Vì ai tạo ra? xưa nay chưa từng có!”
Quần thần đáp:
“Việc này chúng thần không rõ!”
Lúc ấy, vua Tần-bà-sa-la nghĩ thầm: ‘Nay ta sẽ đi đến chỗ Thế Tôn để hỏi nghĩa này, vì Phật Thế Tôn không việc gì không biết, không việc gì không thấy.’ Lúc này, vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, vua Tần-bà-sa-la bạch Thế Tôn:
“Trước đây không thấy giảng đường cao rộng này, hôm nay lại thấy. Xưa nay không thấy nhà bếp sắt này, hôm nay lại thấy. Làm bằng vật gì, và do ai biến ra.?”
Thế Tôn bảo:
“Đại vương nên biết! Đó là Tỳ-sa-môn Thiên-vương dựng lên nhà bếp và thiên tử Tự Tại dựng lên giảng đường này.”
Lúc ấy, vua nước Ma-kiệt-đà ở trên chỗ ngồi, khóc thương lẫn lộn, không tự chế được. Thế Tôn bảo:
“Sao Đại vương lại thương khóc cho đến như vậy?”
Vua Tần-bà-sa-la bạch Phật:
“Con không dám thương khóc, chỉ nghĩ đến nhân dân đời sau không thấy bậc Thánh xuất hiện, người trong tương lai tham đắm của cải vật chất, không có oai đức, ngay đến tên của báu lạ này còn không nghe huống gì là thấy! Nay nhờ ơn Như Lai mà có sự biến hóa kỳ lạ xuất hiện ở đời cho nên con thương khóc.”
Thế Tôn bảo:
“Đời tương lai, quốc vương và nhân dân, thật sự sẽ không thấy sự biến hóa này!”
Bấy giở, Thế Tôn liền vì quốc vương mà nói pháp, khiến phát tâm hoan hỷ. Sau khi nghe pháp xong, vua rời chỗ ngồi đứng dậy ra về.
Lúc ấy, Tỳ-sa-môn Thiên vương bảo bà-la-môn Kê-đầu:
“Ông hãy xòe bàn tay phải.”
bà-la-môn Kê-đầu liền xòe bàn tay phải ra. Tỳ-sa-môn Thiên vương trao cho một thỏi vàng và bảo:
“Cầm thỏi vàng này đặt lên đất.”
Bà-la-môn liền để nó lên đất. Tức thì nó biến thành trăm ngàn lượng vàng. Tỳ-sa-môn Thiên vương bảo rằng:
“Ông hãy cầm thỏi vàng này vào trong thành mua các loại đồ ăn thức uống mang lại chốn này.”
Theo lời dạy Thiên vương, bà-la-môn liền mang vàng này [696a01] vào thành mua đủ loại đồ ăn thức uống mang về nhà bếp. Lúc ấy, Tỳ-sa-môn Thiên vương tắm gội bà-la-môn, cho mặc các loại y phục đẹp, tay cầm lư hương và dạy rằng: ‘Đã đến giờ, nay đã đúng giờ, xin Thế Tôn chiếu cố.’
Bấy giờ, bà-la-môn liền vâng theo lời dạy kia, tay bưng lư hương mà bạch:
“Đã đến giờ, cúi xin chiếu cố.”
Bấy giờ, Thế Tôn đã biết đến giờ, liền đắp y, mang bát, dẫn các Tỳ-kheo đến giảng đường, rồi ngồi theo thứ lớp. Chúng Tỳ-kheo-ni cũng theo thứ tự ngồi.
Lúc ấy, bà-la-môn Kê-đầu thấy đồ ăn thức uống rất nhiều nhưng chúng Tăng lại ít, đến trước bạch Thế Tôn:
“Hôm nay, đồ ăn thức uống rất nhiều mà chúng Tăng lại ít, không biết phải làm sao?”
Thế Tôn bảo:
“Nay bà-la-môn, ông hãy bưng lư hương này để lên trên đài cao, hướng về các phía Đông, Tây, Nam, Bắc mà khấn rằng:
“Những vị đệ tử của Phật Thích-ca Văn đã được sáu thần thông, A-la-hán lậu tận, xin vân tập hết đến giảng đường này.”
bà-la-môn bạch:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Bấy giờ, bà-la-môn vâng theo lời Phật dạy, liền lên lầu thỉnh các vị A-la-hán lậu tận. Lúc đó, phương Đông có hai mươi mốt ngàn A-la-hán, từ phương Đông đến giảng đường này. Các phương Nam, Tây, Bắc mỗi phương cũng đều có hai mươi mốt ngàn vị A-la-hán đến giảng đường này. Lúc này, trên giảng đường có tám vạn bốn ngàn A-la-hán tập họp ở một chỗ.
Lúc ấy, vua Tần-bà-sa-la dẫn các quần thần đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân và lễ Tăng Tỳ-kheo. Sau khi bà-la-môn Kế-đầu thấy chúng Tăng rồi, vui mừng hớn hở không tự chế được, dọn đồ ăn thức uống cúng dường Phật và Tăng Tỳ-kheo, tự tay san sớt, hoan hỷ không tán loạn. Nhưng thức ăn vẫn còn dư.
Lúc ấy, bà-la-môn Kê-đầu lên trước bạch Phật:
“Hôm nay, con đã cúng dường Phật và Tăng Tỳ-kheo, nhưng thức ăn hiện vẫn còn dư!”
Thế Tôn bảo:
“Nay ông có thể thỉnh Phật và Tăng Tỳ-kheo cúng dường bảy ngày.”
bà-la-môn đáp:
“Thưa vâng, bạch Cù-đàm.”
Lúc ấy, bà-la-môn Kê-đầu liền quỳ trước Thế Tôn bạch:
“Nay con thỉnh Phật và Tăng Tỳ-kheo cúng dường trong bảy ngày. Con sẽ cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh.”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời. Lúc ấy, [696b01] trong đại chúng có Tỳ-kheo-ni tên là Xá-cưu-lợi. [93] Tỳ-kheo-ni bạch Thế Tôn:
“Nay trong tâm con nghĩ thầm: ‘Có vị đệ tử Phật Thích-ca Văn, A-la-hán lậu tận nào chưa vân tập đến đây không?’ Con đã dùng thiên nhãn quan sát bốn phương nhưng không thấy ai không đến. Nay trong đại hội này toàn là A-la-hán tập họp.”
Thế Tôn bảo:
“Thật vậy, Xá-cưu-lợi, như lời cô nói, đại hội này toàn là các vị Chân nhân đông, tây, nam, bắc không ai không vân tập.”
Vì nhân duyên này, bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ngươi có thấy Tỳ-kheo-ni nào thiên nhãn thấy suốt trong hàng Tỳ-kheo-ni như Tỳ-kheo-ni này hay không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Không thấy, bạch Thế Tôn!”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Đệ tử có thiên nhãn bậc nhất trong hàng Thanh văn, chính là Tỳ-kheo-ni Xá-cưu-lợi.”
Lúc này, bà-la-môn Kê-đầu trong bảy ngày cúng dường Thánh chúng y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc men trị bệnh. Lại dùng hương hoa rải lên Như Lai. Khi ấy hoa ấy ở giữa hư không kết thành một cái đài lưới châu [94] bảy báu. bà-la-môn khi thấy đài lưới châu, hết sức vui mừng không tự chế được, đến trước bạch Phật:
“Cúi xin đức Thế Tôn cho phép con được theo đạo làm Sa-môn.”
Bấy giờ, bà-la-môn Kê-đầu liền được hành đạo. Khi đã được hành đạo, các căn tịch tĩnh, tự tu luyện chí mình, trừ bỏ ngủ nghỉ. Nếu mắt thấy sắc cũng không khởi niệm tưởng, nhãn căn ông cũng không tưởng ác hay theo đuổi các niệm, mà hộ trì nhãn căn. Hoặc tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi biết vị, thân biết trơn láng, không khởi tưởng trơn láng, ý biết pháp cũng vậy.
Rồi ông diệt trừ năm cái che lấp tâm người, khiến người không trí huệ. Cũng không ý sát hại, mà tịnh tâm mình, không giết, không niệm giết, không dạy người giết, tay không cầm dao gậy, khởi tâm nhân từ hướng về hết thảy chúng sanh. Trừ bỏ việc không cho mà lấy, không khởi tâm trộm cắp, giữ ý mình sạch, thường có tâm bố thí đối tất cả chúng sanh, khiến cho họ không trộm cắp. Tự mình không dâm dật, cũng lại dạy người khiến không dâm dật, thường tu phạm hạnh, trong sạch không có vết dơ, ở trong phạm hạnh mà thanh tịnh tâm mình. Tự mình không vọng ngữ, cũng không dạy người vọng ngữ, thường nghĩ chí thành, không có dối trá lừa gạt người đời, ở trong đó mà tịnh [696c01] tâm mình. Lại không có nói hai lưỡi, không dạy người khiến nói hai lưỡi, nếu nghe lời hỏi nơi này không truyền đến nơi kia, hoặc nghe lời nơi kia không truyền đến nơi này, ở trong đó mà tịnh ý mình.
Ăn uống biết đủ, không tham đắm mùi vị, không đắm sắc màu tươi tốt, không ham mập trắng, chỉ muốn giữ thân hình khiến toàn tánh mạng, muốn trừ cảm thọ cũ, khiến cảm thọ mới không sinh, tu hành đắc đạo, mãi an trú trong đất vô vi. Giống như có người nam, hay nữ dùng cao mỡ bôi lên mụt ghẻ, chỉ vì muốn trừ khỏi bệnh. Ở đây cũng như vậy, sở dĩ ăn uống biết đủ là muốn cho cảm thọ cũ được trừ, cảm thọ mới không sanh.
Vị ấy sau đó lại hành đạo [95] từ sáng sớm, không mất thời tiết, không mất hành ba mươi bảy đạo phẩm. Khi ngồi, hoặc đi, trừ bỏ thùy miên cái. Đầu đêm, hoặc ngồi hoặc nằm, trừ bỏ thùy miên cái. Nửa đêm, nằm nghiêng hông phải chấm đất, hai chân chồng lên nhau, buộc niệm nơi ánh sáng. Cuối đêm, vị ấy hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành mà tịnh ý mình.
Sau khi ăn uống biết đủ, kinh hành không mất thời gian, trừ bỏ dục, tưởng bất tịnh, không các ác hành, vào sơ thiền [96] có tầm có tứ, có hỷ lạc do viễn ly sanh, chứng và trú sơ thiền. Xả tầm và tứ, nội tâm tĩnh chỉ, có hỷ lạc do đinh sanh, chứng và trú nhị thiền. Ly hỷ, an trú xả, chánh niệm tĩnh giác, thân tự cảm giác lạc, điều mà Thánh nói là xả, niệm, an trú lạc, chứng và trú tam thièn. Diệt khổ lạc, ưu hỷ từ trước đã trừ, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, chứng và trú tứ thiền. [97]
Với tâm tam-muội, [98] thanh tịnh không tỳ vết, cũng đạt được vô sở úy; lại đạt được tam-muội, vị ấy tự nhớ lại việc vô số đời. Vị ấy nhớ lại việc quá khứ hoặc một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, trăm đời, ngàn đời, vạn đời, hàng ngàn vạn đời, thành kiếp bại kiếp, kiếp của thành bại: Ta từng sanh chỗ kia, họ ấy, tên ấy, ăn thức ăn như vậy, hưởng khổ vui như vậy, tuổi thọ dài ngắn, chết ở kia, sanh ở đây; chết ở đây, sanh ở kia, nhân duyên gốc ngọn tất cả đều biết.
Lại với tâm tam-muội thanh tịnh không tỳ vết, đạt được vô sở úy, vị ấy quán sự sống chết của các loại chúng sanh. Vị ấy lại dùng thiên nhãn quán sát các loại chúng sanh, người sinh, người chết, đường lành, đường dữ, sắc lành, sắc dữ, hoặc tốt, hoặc xấu tùy hành nghiệp đã gieo; tất cả đều biết. Hoặc có chúng sanh với thân miệng ý tạo ác, phỉ báng Hiền Thánh, tạo [697a01] gốc nghiệp tà, thân hoại mạng chung sinh vào địa ngục. Hoặc lại có chúng sanh với thân miệng ý hành thiện, không phỉ báng Hiền Thánh, thân hoại mạng chung sinh vào cõi trời, đường lành.
Vị ấy lại dùng thiên nhãn thanh tịnh quán sát các loài chúng sanh hoặc đẹp, hoặc xấu, đường lành, đường dữ, sắc lành, sắc dữ; tất cả đều biết, được vô sở úy.
Lại vận dụng tâm lậu tận, sau đó quán sát khổ này, như thật biết rằng đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, và đây là khổ xuất yếu. Sau khi vị ấy quán sát như vậy rồi, tâm giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Đã được giải thoát, liền được trí giải thoát, như thật biết rằng: Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa, phải biết như thật. Lúc ấy, bà-la-môn Kê-đầu thành A-la-hán.
Tôn giả Kê-đầu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Thế gian có năm sự cực kỳ không thể đạt được. [99] Những gì là năm? Vật phải mất mà muốn cho không mất, đó là không thể được. Pháp diệt tận mà muốn cho không diệt tận, đó là không thể được. Pháp già mà muốn cho không già, đó là không thể được. Pháp bệnh mà muốn cho không bệnh, đó là không thể được. Pháp chết mà muốn cho không chết, đó là không thể được.
“Này các Tỳ-kheo, đó là năm sự cực kỳ không thể đạt được. Dù Như Lai xuất thế hay Như Lai không xuất thế, pháp giới vẫn hằng trụ như vậy, mà những tiếng sanh, già, bệnh, chết, vẫn không có mục nát, không bị diệt mất. Cái gì sinh ra, cái gì chết đi, đều quay về gốc. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có năm sự nảy khó được. Hãy tìm cầu phương tiện tu hành năm căn. Sao gọi là năm? Đó là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, huệ căn. Đó gọi là, Tỳ-kheo, hành năm căn này, thành Tu-đà-hoàn, Gia gia, Nhất chủng, [100] lên nữa thành Tư-đà-hàm, chuyển lên nữa diệt năm kết sử thành A-na-hàm ở trên kia mà nhập Niết-bàn chứ không trở lại đời này nữa, chuyển lên nữa hữu lậu diệt tận thành vô lậu, tâm giải thoát, huệ giải thoát, tự thân tác chứng, tự an trú, biết như thật rằng không còn thọ thai nữa. Hãy tìm cầu phương tiện trừ bỏ năm sự trước, sau đó tu năm căn.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các [697b01] Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm hạng người không thể chữa trị. Sao gọi là năm? Người dua nịnh không thể chữa trị. Người gian tà không thể chữa trị. Người ác khẩu không thể chữa trị. Người ganh ghét không thể chữa trị. Người không báo đáp không thể chữa trị. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm hạng người này không thể chữa trị.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người gian tà, ác khẩu,
Ganh ghét, không báo đáp:
Người này không thể chữa,
Bị người trí bỏ rơi.
“Cho nên, các Tỳ-kheo, thường xuyên hãy học ý chánh, trừ bỏ ganh ghét, tu tập oai nghi, nói năng như pháp, phải biết báo đáp, biết ân nuôi dưỡng kia, ân nhỏ còn không quên huống gì ân lớn. Chớ ôm lòng tham lam bủn xỉn, cũng không tự khen mình, cũng không khinh chê người.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe nhũng gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Xưa kia, Thích Đề-hoàn Nhân bảo các trời Tam thập tam rằng: ‘Khi các vị đánh nhau với A-tu-la, nếu A-tu-la thua, chư thiên thắng, các vị hãy bắt A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la [101] trói năm chỗ rồi dẫn đến đây.’ Trong lúc đó, A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lại bảo với các A-tu-la rằng: ‘Hôm nay, các khanh đánh nhau với chư thiên, nếu thắng, hãy bắt Thích Đề-hoàn Nhân trói lại đưa đến đây.’
“Tỳ-kheo nên biết, lúc ấy hai bên đánh nhau, chư thiên thắng, A-tu-la thua. Bấy giờ, trời Tam thập tam bắt trói vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la đem đến chỗ Thích Đề-hoàn Nhân, đặt ở ngoài trung môn. Khi xem xét mình bị trói năm chỗ, vua A-tu-la nghĩ thầm: ‘Pháp chư thiên là chánh [102]. Hành vi của A-tu-la là phi pháp. Nay ta không thích A-tu-la, mà sẽ ở tại cung chư thiên này.’ Khi ấy, do suy nghĩ rằng: ‘Pháp chư thiên là [697c01] chánh. Hành vi của A-tu-la là phi pháp. Ta muốn ở chốn này.’ Vừa nghĩ như vậy, tức thì vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền cảm thấy thân không còn bị trói, ngũ dục tự vui thích. Nhưng khi vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nghĩ như vầy, rằng: ‘Chư thiên là phi pháp. Pháp A-tu-la là chánh. Ta không cần trời Tam thập tam này. Ta muốn trở về cung A-tu-la.’ Tức thì, thân vua A-tu-la bị trói năm chỗ, ngũ dục vui thích tự nhiên biến mất.
“Tỳ-kheo nên biết, không có sự trói buộc nào chặt hơn đây. Nhưng so đây, sự trói buộc của Ma còn chặt hơn. Nếu khởi kết sử, là bị Ma trói buộc. Dao động, bị Ma trói buộc. Bất động, không bị Ma trói buộc. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện khiến tâm không bị trói buộc, nên vui thích nơi nhàn tĩnh. Vì sao vậy? Vì các kết sử này là cảnh giới của Ma. Nếu có Tỳ-kheo nào ở cảnh giới Ma thì quyết không thể thoát sanh, già, bịnh, chết, không thoát sầu ưu khổ não. Nay Ta nói về sự dứt khổ này. Nếu Tỳ-kheo tâm không dao động, không dính kết sử, liền thoát sanh, già, bệnh, chết, sầu lo, khổ não. Nay Ta nói về sự dứt khổ này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này: không có kết sử, vượt ra khỏi cõi Ma.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vây.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, rồi bạch Thế Tôn:
“Phàm nói là tận thì những pháp gì gọi là tận?”
Thế Tôn bảo:
“A-nan, sắc do nhân duyên vô vi mà có tên này. Vô dục, vô vi, gọi là pháp diệt tận. Pháp ấy bị diệt tận, được gọi là diệt tận. Thọ, tưởng, hành, thức, vô vi, vô tác, đều là pháp diệt tận, vô dục, vô nhiễm ô. Pháp ấy bị diệt tận nên gọi là diệt tận.
“A-nan nên biết, năm thủ uẩn vô dục, vô tác, là pháp diệt tận. Pháp ấy bị diệt tận nên gọi là diệt tận. Năm thủ uẩn này vĩnh viễn đã diệt tận, không sanh trở lại nữa nên gọi là diệt tận.”
Các Tỳ-kheo sau khi A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá Vệ.
[698a01] Bấy giờ, bà-la-môn Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Bà-la-môn Sanh Lậu bạch Đức Thế Tôn:
“Thế nào, thưa Cù-đàm, có nhân duyên gì, có hành vi nào đời trước khiến cho loài người này có tận, có diệt, có giảm thiểu? Xưa là thành quách, hôm nay đã hoại vong. Xưa có người dân, hôm nay bãi hoang?”
Thế Tôn bảo:
“Bà-la-môn, nên biết, do những hành động của nhân dân này phi pháp nên khiến xưa có thành quách hôm nay bị ma diệt, xưa có người dân hôm nay bãi hoang, đều do dân sống xan tham trói buộc, quen hành ái dục đưa đến, khiến cho mưa gió không đúng thời, gieo trồng hạt mầm không phát triển. Lúc đó, nhân dân chết đầy đường.
“Bà-la-môn nên biết, do nhân duyên này nên đất nước bị hủy hoại, nhân dân không đông đúc.
“Lại nữa, bà-la-môn, việc làm của con người là phi pháp gây nên sấm, sét, chớp giật tự nhiên; trời giáng mưa đá phá hoại mùa màng. Bấy giờ, người dân chết khó kể xiết.
“Lại nữa, bà-la-môn, những việc làm của con người phi pháp, đấu tranh lẫn nhau, hoặc dùng nắm tay đấm nhau, hoặc gạch đá ném nhau, mọi người tự táng mạng mình.
“Lại nữa, bà-la-môn, con người ấy đã đánh nhau nên chỗ ở mình không yên, quốc chủ không an ninh. Họ khởi binh chúng công phạt lẫn nhau, dẫn đến nghiều người chết khó tả, hoặc có người bị đao, hoặc có người bị tên bắn chết. Như vậy, này bà-la-môn, do những nhân duyên này, khiến số người giảm bớt, không đông đúc lại được.
“Lại nữa, bà-la-môn, vì những việc làm của con người là phi pháp, nên khiến thần kì không giúp cho được thuận tiện, hoặc gặp khốn ách tật bệnh nằm liệt giường, người trừ khỏi thì ít, người dịch chết thì nhiều. Này bà-la-môn, đó gọi là vì nhân duyên này khiến dân giảm thiểu, không còn đông đảo nữa.
Bấy giờ, bà-la-môn Sanh Lậu bạch Thế Tôn:
“Những gì Cù-đàm nói thật là hay thay, khi nói về ý nghĩa giảm thiểu của con người xưa này. Đúng như lời Như Lai dạy, xưa có thành quách, hôm nay đã ma diệt, xưa có nhân dân, nay là bãi hoang. Vì sao vậy? Vì có phi pháp, liền sanh tham lam, ganh ghét. Vì sanh tham lam, ganh ghét nên sanh nghiệp tà. Vì nghiệp tà nên trời mưa không đúng thời, ngũ cốc không chín, Nhân dân không mạnh, cho nên khiến phi pháp lưu hành, trời giáng tai biến bại hoại mầm sanh. Vì họ hành phi pháp, ham đắm tham lam, ganh ghét. Bấy giờ, quốc chủ [698b01] không an ninh, họ dấy binh chúng công phạt lẫn nhau, người chết không thể kể, nên khiến đất nước hoang tàn, nhân dân ly tán.
“Những gì Thế Tôn nói hôm nay thật là hay thay! Do phi pháp nên đưa đến tai hoạ này. Giả sử bị người khác bắt, và bị giết chết. Đó là do phi pháp nên sanh tâm trộm cắp. Đã sanh trộm cắp, sau đó bị vua giết. Vì sanh tà nghiệp nên bị phi nhân chi phối. Vì nhân duyên này nên mạng chung, nhân dân giảm thiểu, nên khiến không có thành quách để cư trú.
“Thưa Cù-đàm, những gì Ngài nói hôm nay là quá nhiều. Giống như người gù được thẳng, người mù được đôi mắt, trong tối được sáng, người không có mắt làm cho có đôi mắt. Nay, Sa-môn Cù-đàm đã dùng vô số phương tiện để thuyết pháp. Nay con lại xin tự quy y Phật, Pháp, Tăng, xin cho phép làm Ưu-bà-tắc, suốt đời không dám sát sanh nữa. Nếu Sa-môn Cù-đàm găp con cởi voi, cởi ngựa, mà thấy con bày vai hữu, cúi xin Thế Tôn nhận sự lễ bái của con; đó là do sự cung kính của con. Vì sao vậy? Vì con được các vị vua như Ba-tư-nặc, vua Tần-bà-sa-la, vua Ưu-điền, vua Ác Sanh, vua Ưu-đà-diên ban cho phước thọ phạm [103]. Con sợ mất cái đức này. Nếu lúc con đi bộ mà thấy Cù-đàm đến, con sẽ cởi bỏ giày, cúi xin Thế Tôn nhận con lễ bái.”
Bấy giờ, Thế Tôn gật đầu chấp nhận. Bà-la-môn Sanh Lậu vui mừng hớn hở, không tự kềm chế được, đến trước bạch với Phật:
“Nay con lại xin tự quy y Sa-môn Cù-đàm, cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Ưu-bà-tắc.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền vì ông nói pháp, khiến phát tâm hoan hỷ. Bà-la-môn sau khi nghe pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.
bà-la-môn Sanh Lậu sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [104]
35. PHẨM TÀ TỤ
KINH SỐ 1
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nếu có người ở trong tụ tà kiến, người ấy có hình dáng như thế nào? Mặt mũi như thế nào?
Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
“Như Lai là Vua các pháp, là chí tôn các pháp. Lành thay, Thế Tôn, hãy vì các Tỳ-kheo mà nói nghĩa này. Chúng con sau khi nghe xong sẽ phụng hành.”
Thế Tôn bảo:
“Các ngươi hãy suy nghĩ kỹ. Ta sẽ vì các ngươi phân biệt nghĩa này.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy.
Thế Tôn bảo:
“Người ở trong tụ tà cần được nhận biết bằng năm sự. Do thấy năm sự mà biết người này sống trong tụ tà. Sao gọi là năm? Nên cười mà không cười, lúc nên hoan hỷ mà không hoan hỷ, nên khởi lòng từ mà không khởi lòng từ, làm ác mà không hỗ, nghe lời thiện của người mà không để ý. Nên biết người này ắt ở trong nhóm tà. Nếu chúng sanh nào ở trong nhóm tà, người ấy cần được nhận biết bằng năm sự này biết.
“Lại nữa, nếu chúng sanh nào ở trong nhóm chánh, người ấy có tướng mạo như thế nào? Có nhân duyên gì?”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Như Lai là Vua các pháp, là chí tôn các pháp. Cúi xin Thế Tôn hãy vì các Tỳ-kheo mà nói nghĩa này. Chúng con sau khi nghe xong sẽ phụng hành.”
Thế Tôn bảo:
“Các ngươi hãy suy nghĩ cho kỹ. Ta sẽ vì các ngươi phân biệt nghĩa này.”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng theo lời Phật dạy.
Thế Tôn bảo:
“Người ở trong tụ chánh cần được nhận biết bằng năm sự. Do thấy năm sự mà biết người này đang ở trong tụ chánh. Sao gọi là năm? Nên cười thì cười, nên hoan hỷ thì hoan hỷ, nên khởi lòng từ thì khởi lòng từ, đáng hỗ thì hỗ, nghe lời thiện liền chú ý. Nên biết người này đã ở trong tụ chánh. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy nên bỏ tụ tà, ở trong tụ chánh.
[699a01] “Các Tỳ-kheo. hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Như Lai xuất hiện ở đời tất sẽ vì năm việc. Sao gọi là năm? Một sẽ chuyển Pháp luân, hai sẽ độ cha mẹ, ba người không tin kiến lập lòng tin, bốn là người chưa phát ý Bồ-tát khiến phát tâm Bồ-tát, năm sẽ thọ ký cho Phật tương lai. Nếu Như Lai xuất hiện ở đời thì sẽ làm năm việc này. Cho nên, các Tỳ-kheo hãy khởi tâm từ đối với Như Lai.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm sự vật mà huệ thí không được phước kia. Sao gọi là năm? Một lấy đao thí cho người, hai lấy độc thí cho người, ba đem bò hoang thí cho người, bốn dâm nữ thí cho người, năm tạo miếu thờ thần. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có năm sự bố thí này không có phước.
“Các Tỳ-kheo nên biết, lại có năm sự vật mà huệ thí được phước lớn. Sao gọi là năm? Một tạo lập công viên, hai trồng rừng cây, ba bắc cầu đò, bốn tạo làm thuyền lớn, tạo lập dựng nhà cửa, nơi ở cho quá khứ và tương lai. Này các tỳ kheo, đó gọi là có năm sự vật khiến được phước đức kia.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Vườn cảnh, cho mát mẻ;
Và xây dựng cầu đò
Giúp người vượt qua sông;
Còn xây phòng ốc tốt:
Người kia trong đêm ngày
Sẽ thường hưởng phước ấy.
Giới, định đã thành tựu,
Người này ắt sanh thiên.
“Cho nên, các Tỳ-kheo hãy niệm tu hành năm sự huệ thí này.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Người nữ có năm sức mạnh xem thường chồng. Những gì là năm? Một sức mạnh của sắc đẹp, hai sức mạnh của dòng họ, ba sức mạnh của ruộng vườn, bốn sức mạnh của con cái, năm sức mạnh của tiết hạnh. Đó là năm sức mạnh của người nữ.
“Tỳ-kheo nên biết, người nữ dựa vào năm sức mạnh này mà xem thường chồng. Nếu chồng lại có một sức mạnh thì sẽ phủ lấp hết người nữ kia. Một sức mạnh ấy là gì? Đó là sức mạnh của giàu sang. Phàm là người giàu sang thì sức mạnh của sắc không sánh bằng; dòng họ, ruộng vườn, con cái, tiết hạnh cũng không bằng. Do một sức lực mà thắng ngần ấy sức mạnh.
“Nay tệ ma Ba-tuần cũng có năm sức mạnh. Những gì là năm? Đó là sức mạnh sắc, sức mạnh thanh, sức mạnh hương, sức mạnh vị, sức mạnh xúc [105]. Phàm người ngu si đắm các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc nên không thể vượt qua cảnh giới Ma Ba tuần. Thánh đệ tử thành tựu một sức mạnh thì có thể thắng ngần ấy sức mạnh. Một sức mạnh ấy là gì? Đó là sức mạnh không phóng dật. Nếu Hiền Thánh đệ tử thành tựu không phóng dật, không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc câu thúc. Do không bị năm dục trói buộc nên có khả năng phân biệt pháp sanh, già, bệnh, chết, thắng được năm sức mạnh của Ma, không rơi vào cảnh giới Ma, vượt khỏi các nạn sợ hãi, đến chỗ vô vi.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Giới, đường đến cam lồ,
Phóng dật, dẫn lối chết.
Không tham thì không chết
Mất đường là tự mất. [106]
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy niệm tưởng tu hành không phóng dật.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Người nữ có năm tưởng dục. Những gì là năm? Một sanh trong nhà hào quý, hai được gả vào nhà giàu sang, ba chồng của ta làm theo lời, bốn là có nhiều con cái, năm là độc quyền trong nhà do mình. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người nữ có năm sự đáng tưởng muốn này.
“Cũng vậy, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo của Ta cũng có năm sự đáng tưởng muốn. Sao gọi là năm? Đó là cấm giới, đa văn, thành tựu tam-muội, trí huệ, trí huệ giải thoát. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có [699c01] năm sự này là pháp đáng muốn.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Nguyện sanh dòng hào tộc;
Cũng gặp nhà giàu sang;
Có thể sai khiến chồng;
Chẳng phước không khắc được.
Khiến ta nhiều con cái;
Hương hoa tự trang sức;
Tuy có tưởng niệm này,
Chẳng phước không khắc được.
Tín giới mà thành tựu;
Tam-muội không lay động,
Trí huệ cũng thành tựu:
Biếng nhác, không đạt được.
Muốn chứng đắc đạo quả.
Không dạo vực sanh tử;
Mong muốn đến Niết-bàn;
Biếng nhác, không đạt được.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện hành nơi pháp thiện, trừ bỏ pháp bất thiện, dần dần tiến về trước, không có thối ý nữa chừng.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 6
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có năm trường hợp không nên lễ người. Những gì là năm? Người ở trong tháp, không nên lễ. Người ở trong đại chúng, không nên lễ. Người ở giữa đường, không nên lễ. Người đang ốm đau nằm trên giường, không nên lễ. Người đang ăn, không nên lễ. Này Tỳ-kheo, đó gọi là có năm trường hợp này không lễ người.
“Lại có năm trường hợp biết đúng thời nên lễ. Những gì là năm? Đó là không ở trong tháp, không ở trong đại chúng, không ở giữa đường, không đau bịnh, lại chẳng phải đang ăn uống, đây nên hướng về lễ. Cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện đúng thời mà hành.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 7
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng năm trăm Tỳ-kheo ở tại Ca-lan-đà trong vườn Trúc, thành La-duyệt. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ưu-đầu-bàn [107]:
“Ông hãy vào thành La-duyệt xin cho Ta một ít nước nóng. Vì sao vậy? Vì như Ta hôm nay đang trúng gió [108] đau cột sống.”
Ưu-đầu-bàn bạch Phật:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Ưu-đầu-bàn vâng lời Phật dạy, đến giờ khất thực, đắp y, mang bát, vào thành La-duyệt xin nước nóng. Tôn giả Ưu-đầu-bàn [700a01] nghĩ như vầy: ‘Thế Tôn có nhân duyên gì sai ta xin nước nóng? Như Lai đã dứt sạch các kết sử, tập hợp các điều lành, vậy mà Như Lai lại nói rằng: Nay Ta bị trúng gió. Hơn nữa, Thế Tôn lại không cho biết danh tánh nên đến nhà ai.’
Rồi Tôn giả Ưu-đầu-bàn dùng thiên nhãn quán sát các người nam ở thành La-duyệt, thấy tất cả đều đáng được độ. Lúc ấy, thấy trong thành La-duyệt có trưởng giả Tỳ-xá-la [109] trước đây không trồng căn lành, không có giới, không có tín, tà kiến đối với Phật, Pháp, Tăng, và biên kiến cùng tương ưng. Ông thấy như vầy: ‘Không có bố thí, không có cho, không có người nhận, lại cũng không có quả báo thiện ác; không có đời này, không đời sau, không có cha, không có mẹ; đời không có Sa-môn, Bà-la-môn thành tựu, ở đời này, đời sau, tự thân tác chứng, mà tự du hóa.’ Tuổi thọ rất ngắn; sau năm ngày nữa ông sẽ chết. Ông lại đang thờ Ngũ đạo đại thần.
Ưu-đầu-bàn nghĩ thầm: ‘Chắc là Như Lai muốn độ trưởng giả này. Vì sao vậy? Vì trưởng giả này sau khi qua đời sẽ sanh vào trong địa ngục Đề khốc [110].’ Lúc ấy, Ưu-đầu-bàn liền mỉm cười. Ngũ đạo đại thần từ xa nhìn thấy tôn giả mỉm cười, liền ẩn hình mình, hóa ra hình người, đi đến chỗ Ưu-đầu-bàn để Ngài sai khiến. Tôn giả Ưu-đầu-bàn dẫn sứ giả này đến đứng ngoài cửa nhà trưởng giả, đứng im lặng không nói gì cả.
Lúc ấy, trưởng giả từ xa nhìn thấy có đạo nhân đứng ở ngoài cửa, lập tức nói kệ này:
Nay người đứng im lặng,
Cạo đầu đắp cà sa
Vì muốn xin những gì?
Do nhân gì đến đây?
Ưu-đầu-bàn liền nói kệ này đáp:
Như Lai bậc Vô trước,
Hôm nay sanh bệnh phong.
Nếu ngài có nước nóng,
Như Lai muốn tắm rửa. [111]
Khi ấy, trưởng giả im lặng không đáp. Đại thần Ngũ đạo bảo với Tỳ-xá-la:
“Trưởng giả nên đem nước sôi cúng dường, tất sẽ được phước vô lượng, sẽ được báo cam lộ.”
Trưởng giả đáp:
“Ta tự có đại thần Ngũ đạo, cần gì đến Sa-môn này? Ông thêm được việc gì?”
Lúc ấy, đại thần Ngũ đạo liền nói kệ này:
Như Lai đang ở đời
Thiên Đế cũng xuống hầu.
[700b01] Còn ai vượt lên trên?
Ai có thể ngang hàng?
Thần Ngũ đạo làm gì?
Không giúp được gì cả.
Nên cúng dường Thế Tôn,
Để được quả báo lớn.
Lúc ấy, đại thần Ngũ đậi lại nói lần nữa trưởng giả:
“Ông hãy khéo tự thủ hộ các hành vi của thân, miệng, ý hành. Ông không biết oai lực của đại thần Ngũ đạo sao?”
Đại thần Ngũ đạo liền hóa ra hình quỷ thần lớn, tay phải cầm kiếm, nói với trưởng giả:
“Nay ta chính là đại thần Ngũ đạo. Hãy nhanh chóng cho Sa-môn này nước nóng. Chớ có chần chờ.”
Lúc ấy, trưởng giả nghĩ thầm: ‘Thật là kỳ lạ! Đại thần Ngũ đạo còn cúng dường Sa-môn này.’ Lập tức ông đem nước nóng thơm trao cho đạo nhân. Lại lấy mật mía trao cho Sa-môn.
Đại thần Ngũ đạo tự tay cầm nước nóng thơm này, cùng Ưu-đầu-bàn đến chỗ Thế Tôn rồi dâng nước nóng thơm này lên Như Lai. Bấy giờ, Như Lai dùng nước nóng thơm này tắm gội thân thể, bệnh phong lập tức thuyên giảm không còn tăng trưởng nữa.
Ông trưởng giả, sau năm ngày qua đời, sanh lên cõi trời Tứ thiên vương. Khi Tôn giả Ưu-đầu-bàn nghe trưởng giả qua đời, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Ưu-đầu-bàn bạch Như Lai:
“Trưởng giả này chết sanh về chốn nào?”
Thế Tôn bảo:
“Trưởng giả này chết sanh lên trời Tứ thiên vương.”
Ưu-đầu-bàn bạch Phật:
“Trưởng giả này, mạng chung ở đó, sẽ sanh về đâu?”
Thế Tôn đáp:
“Ở đó mạng chung, sẽ sanh cõi trời Tứ thiên vương, trời Tam thập tam, cho đến trời Tha hóa tự tại. Ở đó mạng chung, lại sanh vào cõi trời Tứ thiên vương. Trưởng giả này thân trong sáu mươi kiếp, không đọa vào đường ác, cuối cùng được làm người, cạo bỏ râu tóc, đắp ba pháp y, xuất gia học đạo, thành Bích-chi-phật. Vì sao vậy? Vì nhờ đức cúng dường nước nóng thơm mà phước kia mới như vậy. Cho nên, Ưu-đầu-bàn, hãy thường niệm việc tắm chúng Tăng, nghe thuyết đạo giáo.
“Ưu-đầu-bàn, hãy học điều như vậy.”
Tôn giả Ưu-đầu-bàn sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 8
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có Tỳ-kheo không thích tu phạm hạnh, muốn xả giới cấm, trở về làm bạch y. Khi ấy, Tỳ-kheo kia đến chỗ Thế Tôn, [700c01] đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn:
“Nay con không thích tu hành trong phạm hạnh này. Con muốn xả giới cấm, trở lại làm bạch y.”
Thế Tôn bảo:
“Nay ngươi vì sao ông không thích tu phạm hạnh, muốn xả giới cấm, trở lại làm bạch y?”
Tỳ-kheo đáp:
“Nay tâm ý con hừng hực, trong thân bừng lửa. Nếu khi con thấy người nữ xinh đẹp vô song, bấy giờ con nghĩ thầm: ‘Mong sao người nữ này cùng ta giao hội nhau.’ Rồi con lại nghĩ: ‘Đây chẳng phải Chánh pháp. Nếu ta theo tâm này thì chẳng phải chánh lý.’ Bấy giờ, con lại nghĩ thầm: ‘Đây là mục đích xấu, chẳng phải là mục đích tốt. [112] Đây là pháp ác chẳng phải là pháp thiện.’ Nay con muốn xả giới cấm, trở lại làm bạch y. Giới cấm của Sa-môn thật sự không thể phạm. Ở trong thế tục, con có thể bố thí vật thực [113].”
Thế Tôn bảo:
“Phàm người nữ có năm điều bất thiện. Những gì là năm? Một là bất thiện bởi ô uế, hai là nói hai lưỡi, ba là ganh ghét, bốn là sân nhuế, năm là không biết báo đáp.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Buồn vui vì của cải,
Ngoài thiện trong lòng ác;
Phá nẻo thiện của người;
Chim ưng bỏ đầm nhơ.
“Cho nên, Tỳ-kheo hãy từ bỏ tưởng tịnh, tư duy quán bất tịnh. [114] Sau khi tư duy quán bất tịnh, Tỳ-kheo sẽ đoạn tận dục ái, sắc ái và vô sắc ái; đoạn tận vô minh, kiêu mạn. Nay, Tỳ-kheo, dục của ngươi từ đâu sanh? Từ tóc sanh? Nhưng tóc hiện nhơ không sạch, đều do huyễn hóa, lừa gạt người đời. Móng, răng … thuộc về thân thể đều là không sạch. Cái gì là chân, cái nào là thật? Từ đầu đến chân, thảy đều như vậy. Những vật hữu hình như gan, mật, năm tạng, không một vật đáng ham. Cái gì là chân? Nay, Tỳ-kheo, dục của ngươi từ đâu sanh? Nay ngươi khéo tu phạm hạnh, Chánh pháp của Như Lai, tất sẽ hết khổ. Mạng người rất ngắn, không lâu ở đời. Tuy có rất thọ, không qua trăm tuổi.
“Tỳ-kheo nên biết, Như Lai xuất thế, rất là khó. Được gặp, nghe pháp cũng khó. Thọ nhận thân hình tứ đại cũng lại việc khó được. Các căn đầy đủ cũng lại khó được. Được sanh vào chốn trung ương, cũng lại khó gặp. Gặp gỡ thiện tri thức, cũng lại khó được. Nghe pháp cũng khó, phân biệt nghĩa lý cũng lại khó được. Thành tựu pháp tùy pháp, việc này cũng khó. Nay, Tỳ-kheo, ngươi nếu [701a01] thân cận thiện tri thức, thì có thể phân biệt các pháp, cũng có thể giảng rộng nghĩa này cho người khác. Nếu đã nghe pháp thì có thể phân biệt. Đã phân biệt pháp rồi thì có thể giảng nói nghĩa của nó. Không có tưởng dục, tưởng sân nhuế, tưởng ngu si; đã lìa ba độc nên thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Nay ta đã nói sơ nghĩa ấy.”
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia nhận lãnh lời dạy từ Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi lui ra.
Tỳ-kheo kia ở nơi vắng vẻ, tư duy về pháp này, sở dĩ mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, là muốn tu phạm hạnh vô thượng, cho đến, như thật biết rằng, Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau nữa, biết như thật. Tỳ-kheo kia thành A-la-hán.
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 9
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ở tại Ca-lan-đà, trong vườn Trúc, thành La-duyệt, cùng với đại chúng năm trăm tỳ kheo. Bấy giờ, A-nan và Đa-kỳ-xa, [115] đúng giờ, đắp y, cầm bát, vào thành khất thực. Lúc ấy, Đa-kỳ-xa ở trong một ngõ hẻm, thấy một người nữ hết sức xinh đẹp hiếm có kỳ đặc ở đời. Thấy rồi, tâm ý tán lọan, không còn bình thường. [116]
Lúc ấy, Đa-kỳ-xa liền dùng kệ này nói cho A-nan:
Bị lửa dục thiêu đốt,
Tâm ý thật cháy bừng.
Xin nói nghĩa diệt nó,
Để được nhiều lợi ích.
A-nan liền nói kệ này đáp:
Biết dục, pháp điên đảo;
Tâm ý thật cháy bừng.
Hãy trừ niệm hình tướng,
Ý dục liền tự dừng.
Đa-kỳ-xa lại nói kệ đáp:
Tâm là gốc của thân;
Mắt là nguồn thấy đẹp.
Nằm ngủ thấy đỡ nâng,
Thân như cỏ rối úa.
Tôn giả A-nan liền tiến đến, dùng tay phải xoa đầu Đa-kỳ-xa mà nói kệ này:
Niệm Phật, không tham dục.
Nan-đà vượt dục kia
Thấy trời, hiện địa ngục. [117]
Ngăn ý, lìa năm đường.
[701b01] Đa-kỳ-xa sau khi nghe Tôn giả A-nan nói, liền tự nói:
“Thôi, thôi, A-nan! Hãy cùng khất thực xong trở về chỗ Thế Tôn.”
Khi ấy, người nữ kia từ xa trông thấy Đa-kỳ-xa, cô liền cười. Đa-kỳ-xa khi từ xa thấy người nữ cười, liền phát sanh niệm tưởng này: ‘Cô nay, với hình thể được dựng đứng bởi xương, được quấn chặt bởi da, cũng như cái bình vẽ, bên trong đựng đồ bất tịnh, lừa dối người đời, khiến sinh loạn tưởng.’
Bấy giờ, Tôn giả Đa-kỳ-xa quán sát người nữ kia từ đầu đến chân, trong thân thể này không cái gì đáng ham, ba mươi sáu vật thảy đều bất tịnh. Nay những vật này là từ đâu sinh? Rồi Tôn giả Đa-kỳ-xa lại nghĩ: ‘Nay ta quán sát thân khác, không bằng tự quán sát trong thân mình. Dục này từ đâu sanh? Từ đất sanh chăng? Từ nước, lửa, gió sanh chăng? Nếu từ đất sanh; đất cứng chắc, không thể bị hư hoại. Nếu từ nước sinh, nước rất mềm, không thể bắt giữ. Nếu từ lửa sanh; lửa [118] cũng không thể bị nắm bắt. Nếu từ gió sanh; gió không có hình, không thể nắm bắt.’ Tôn giả lại nghĩ: ‘Tham dục này chỉ có từ tư tưởng sanh.’
Rồi Tôn giả nói kệ này:
Dục, ta biết gốc ngươi:
Ngươi từ tư tưởng sinh.
Nếu ta không tưởng ngươi,
Ngươi sẽ không hiện hữu.
Khi Tôn giả Đa-kỳ-xa nói bài kệ này, như tư duy về tưởng bất tịnh, ngay tại chỗ, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu.
Lúc ấy, A-nan và Đa-kỳ-xa ra khỏi thành La-duyệt, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Đa-kỳ-xa bạch Thế Tôn:
“Nay con đã được lợi thiện, vì có chỗ giác ngộ.”
Thế Tôn hỏi:
“Nay ngươi tự giác thế nào?”
Đa-kỳ-xa bạch Phật:
“Sắc không bền vững, cũng không chắc chắn, không thể trông thấy, huyễn ngụy, không thật; thọ [119] không bền vững, cũng không lõi chắc, cũng như đám bọt trên mặt nước, huyễn ngụy, không thật. Tưởng không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy, không thật, cũng như quáng nắng. Hành không bền vững, cũng không lõi chắc, giống như thân cây chuối, không có thật. Thức không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy, không thật.”
Tôn giả lại bạch Phật thêm:
Năm thủ uẩn này không bền vững, cũng không lõi chắc, huyễn ngụy không thật.”
Bấy giờ Tôn giả Đa-kỳ-xa liền nói kệ này:
[701c01]Sắc như chùm bọt nổi;
Thọ như bong bóng nước;
Tưởng giống như quáng nắng;
Hành như thân cây chuối;
Thức là pháp huyễn hóa:
Đấng Tối Thắng nói vậy.
Tư duy điều này xong,
Quán sát hết các hành,
Thảy trống không, vắng lặng;
Không có gì chân chánh,
Đều là do thân này:
Đức Thiện Thệ dạy vây.
Cần phải diệt ba pháp.
Thấy sắc là bất tịnh,
Thân này là như vậy,
Huyễn ngụy không chân thật,
Đó là pháp hư hại.
Năm uẩn không bền chắc,
Đã biết là không thật,
Trở về đạo tối thượng.
“Như vậy, Thế Tôn, đó là những gì mà con đã tỏ ngộ.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, Đa-kỳ-xa! Ông khéo hay quán sát gốc năm thủ uẩn này. Nay ngươi nên biết, phàm là hành giả thì phải quán sát gốc năm uẩn này đều không chắc thật. Vì sao vậy? Khi Ta đang quán sát năm thủ uẩn này ở dưới bóng cây Bồ-đề mà thành Vô Thượng Đẳng Chánh Giác, cũng như những gì hôm nay ngươi quán.”
Khi Thế Tôn nói bài pháp này, sáu mươi Tỳ-kheo ngay trên chỗ ngồi mà được lậu tận, tâm giải thoát.
Tôn giả Đa-kỳ-xa sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 10
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tăng-ca-ma, [120] con một trưởng giả, đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Rồi con trưởng giả bạch Phật:
“Cúi xin Thế Tôn cho phép con được hành đạo.”
Bấy giờ, con trưởng giả liền được hành đạo, ở nơi vắng vẻ, nỗ lực tu hành thành tựu quả pháp. Sở dĩ thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, là như thật biết rằng, Sinh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh đời sau. Bấy giờ, Tăng-ca-ma thành A-la-hán.
Khi Tôn giả ở nơi nhàn tịnh, suy nghĩ như vầy: ‘Như Lai xuất hiện ở đời, rất là khó gặp. Đa-tát-a-kiệt thật lâu mới xuất hiện, cũng như hoa ưu-đàm thật lâu mới xuất hiện. Ở đây cũng vậy, Như Lai xuất hiện ở đời, thật lâu mới có. Tất cả hành diệt, cũng khó gặp. Xuất yếu cũng khó. Ái tận, vô dục, Niết-bàn, điều này mới là vi diệu [121].
Bấy giờ, mẹ vợ Tăng-ca-ma nghe con rễ mình làm đạo nhân, không còn đắm dục, bỏ phiền lụy gia đình, lại bỏ con gái bà như vất bỏ đám nước dãi. Lúc ấy, người mẹ này đến chỗ con gái, nói với cô:
“Có thật chồng con hành đạo sao?”
[702a01] Con gái bà đáp:
“Con cũng không rõ là có hành đạo hay không.”
Người mẹ bảo:
“Nay con hãy tự trang điểm, mặc quần áo đẹp, ẩm con trai, con gái này, đi đến chỗ Tăng-ca-ma.”
Khi ấy Tôn giả Tăng-ca-ma đang ngồi kiết già dưới bóng một gốc cây, vợ và mẹ vợ, hai người đến đứng im trước mặt.
Trong lúc đó, người mẹ và cô con gái quan sát Tăng-ca-ma từ đầu đến chân, rồi nói với Tăng-ca-ma:
“Vì sao hôm nay anh không nói chuyện với con gái tôi? Đây con cái này do anh sanh. Việc anh đang làm thật là phi lý, không ai chấp nhận.”
Tôn giả Tăng-ca-ma liền nói kệ này:
Đây không gì tốt hơn;
Đây không gì đẹp hơn;
Đây không gì đúng hơn;
Thiện niệm không hơn đây.
Khi ấy, mẹ vợ bảo Tăng-ca-ma:
“Nay con gái tôi có tội gì? Có điều gì phi pháp? Tại sao nay bỏ nó xuất gia học đạo?”
Lúc ấy, Tăng-ca-ma nói kệ này:
Ô uế, bất tịnh hạnh;
Sân hận, thích vọng ngữ;
Tâm ghanh ghét, bất chánh;
Như Lai đã nói vậy.
Lúc ấy, người mẹ nói với Tăng-ca-ma:
“Chẳng phải một mình con gái ta có chuyện này, mà hết thảy người nữ đều như vậy. Nhân dân trong thành Xá-vệ, ai thấy con gái ta thảy đều trở nên loạn tâm ý, muốn cùng giao hội, như khát muốn uống, nhìn không biết chán, thảy đều khởi tưởng đắm đuối. Vì sao nay anh lại bỏ nó học đạo, rồi lại còn chê bai? Nếu ngày hôm nay anh không cần con gái tôi thì thôi, nhưng những đứa con này do anh đã sinh ra nay trả lại anh. Hãy tự mà lo lấy.”
Lúc ấy, Tăng-ca-ma lại nói kệ này:
Tôi không con trai, gái,
Ruộng vườn và của báu;
Cũng không có nô tỳ,
Quyến thuộc và tùy tùng.
Một mình, không bè bạn
Thích ở nơi vắng vẻ,
Thực hành pháp Sa-môn,
Cầu Phật đạo chân chánh.
Ai có con trai, gái,
Là sở hành người ngu
Ta, thân thường vô ngã,
Há có con cái sao?
Lúc ấy, người vợ, mẹ vợ, con cái nghe bài kệ ấy xong, mọi người đều nghĩ: ‘Như ta quán sát hôm nay, theo ý này thì chắc chắn không trở về nhà.’ Họ lại quan sát từ đầu đến chân, ta thán thở dài, rồi quỳ xuống trước Tôn giả mà nói: ‘Nếu thân miệng ý chúng tôi có gây điều gì phi pháp, xin tha thứ tất cả cho.’ Rồi họ nhiễu quanh ba vòng, và ra khỏi chỗ đó.
Lúc bấy giờ, Tôn giả A-nan, đến giờ, đắp y, cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Từ xa trông thấy người mẹ và cô con gái, bèn hỏi:
“Lúc nãy đã gặp Tăng-ca-ma chưa?”
Lão mẫu kia đáp:
“Tuy gặp, nhưng cũng như không gặp.”
A-nan hỏi:
“Có cùng nói chuyện không?”
Lão mẫu đáp:
“Tuy cùng nói chuyện, nhưng không vừa ý tôi.”
Lúc ấy, Tôn giả A-nan liền nói kệ này:
Muốn cho lửa sanh nước;
Lại khiến nước sanh lửa;
Pháp không, muốn thành có;
Vô dục, muốn cho dục.
Sau khi khất thực xong, Tôn giả A-nan trở về vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, đến chỗ Tăng-ca-ma, ngồi qua một bên, nói với Tăng-ca-ma:
“Ngài đã biết pháp như thật rồi phải không?”
Tăng-ca-ma đáp:
“Tôi đã hiểu biết pháp chân thật”
A-nan hỏi:
“Hiểu biết pháp chân thật như thế nào?”
Tăng-ca-ma đáp:
“Sắc là vô thường, nghĩa vô thường này tức là khổ. Khổ tức là vô ngã, vô ngã tức là không. Thọ, tưởng, hành, thức thảy đều vô thường. Nghĩa vô thường này tức khổ. Khổ tức vô ngã, vô ngã tức không. Năm thủ uẩn này là nghĩa vô thường. Nghĩa vô thường tức là khổ. Ta không phải của cái đó. Cái đó không phải của ta.”
Rồi Tăng-ca-ma nói kệ này:
Khổ khổ lại sanh nhau,
Vượt khổ cũng như vậy.
Đạo Hiền thánh tám phẩm,
Dẫn đến nơi diệt khổ.
Không tái sinh sanh nơi này; [122]
Qua lại các cõi trời,
Dứt sạch nguồn gốc khổ. [123]
Tịch tĩnh, không di động;
Tôi thấy đạo tích không, [124]
Như điều Phật đã dạy;
Nay đắc A-la-hán,
Không còn thọ bào thai.
[702c01] Khi ấy Tôn giả A-nan khen ngợi:
“Lành thay, pháp như thật đã được khéo léo quyết trạch.”
Rồi A-nan liền nói kệ này:
Khéo giữ lối phạm hạnh;
Cũng hay khéo tu đạo;
Đoạn trừ các kết sử;
Là chân đệ tử Phật.
A-nan nói kệ này xong, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Lúc ấy, A-nan đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Nói về dục bình đẳng trong các A-la-hán, phải nói chính Tỳ-kheo Tăng-ca-ma. Hay hàng phục Ma, quyến thuộc Ma, cũng là Tỳ-kheo Tăng-ca-ma. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo Tăng-ca-ma đã bảy lần hàng phục ma, [125] nay mới thành đạo. Từ nay về sau cho phép được ra vào đạo bảy lần, quá hạn này thì là phi pháp.”
Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Trong hàng đệ tử Thanh văn của ta, Tỳ-kheo đứng đầu trong việc hàng phục ma, nay mới thành đạo chính là Tỳ-kheo Tăng-ca-ma.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [126]
36. PHẨM THÍNH PHÁP
KINH SỐ 1 [127]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tùy thời nghe pháp có năm công đức, tùy thời vâng lãnh không mất thứ lớp. Sao gọi là năm? Điều chưa từng nghe, nay được nghe; điều đã được nghe, tụng đọc lại; kiến giải không tà lệch; không có hồ nghi; hiểu nghĩa sâu xa. [128] Tùy thời nghe Pháp có năm công đức, cho nên, này các Tỳ-kheo, hãy tìm cầu phương tiện tùy thời nghe Pháp.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì [703a01] Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 2
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Làm nhà tắm có năm công đức. Năm công đức gì? Một trừ gió, hai khỏi bệnh, ba trừ bụi nhơ, bốn thân thể nhẹ nhàng, năm được mập trắng. Này Tỳ-kheo, đó gọi là làm nhà tắm có năm công đức. Cho nên, các Tỳ-kheo, nếu có chúng bốn bộ muốn có năm công đức này, muốn cầu năm công đức này, hãy tìm cầu phương tiện tạo lập nhà tắm.
“Các Tỳ-kheo hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 3 [129]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Thí người tăm xỉa răng [130] có năm công đức. Sao gọi là năm? Một trừ gió, hai trừ nước dãi, ba sanh tạng được tiêu, bốn trong miệng không hôi, năm mắt được trong sạch. Này Tỳ-kheo, đó gọi là thí người tăm xỉa răng có năm công đức. Nếu thiện nam, thiện nữ nào cầu năm công thì hãy nghĩ đến việc dùng tăm xỉa răng bố thí.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 4
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các vị có thấy người mổ bò, do nghiệp tài lợi này, sau đó được cưỡi xe, ngựa, voi lớn không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa không, bạch Thế Tôn.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, Tỳ-kheo, Ta cũng không thấy, không nghe người mổ bò, sát hại bò, rồi được cưỡi xe, ngựa, voi lớn. Vì sao vậy? Ta không thấy người mổ bò được cởi xe, ngựa, voi lớn, vì hẳn không có lý này.
“Thế nào, Tỳ-kheo, các ngươi có thấy người mổ dê, giết heo, săn bắt nai, sau đó được cởi xe, ngựa, voi lớn không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Thưa không, bạch Thế Tôn.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, các Tỳ-kheo, Ta cũng không thấy, không nghe người nào mổ bò, hại chúng sanh rồi mà được cưỡi xe, ngựa, voi lớn. Hoàn toàn không lý này. Tỳ-kheo, các ngươi nếu thấy người giết [703b01] bò nào cưỡi xe, ngựa, voi lớn thì đó là đức đời trước chớ không phải phước đời này, đều là do hành vi được làm đời trước mang lại. Nếu các ngươi thấy người giết dê được cưỡi xe, ngựa, voi lớn thì nên biết người này đã gieo phước trong đời trước. Sở dĩ như vậy là vì do tâm giết hại chưa trừ được. Tại sao vậy? Người gần gũi kẻ ác, ưa thích sát sanh, gieo trồng tội địa ngục, nếu trở lại nhân gian thì tuổi thọ rất ngắn. Người ưa thích trộm cắp, gieo trồng tội địa ngục cũng như người mổ bò kia. Mua rẻ bán đắt, lừa dối người đời, không cầu Chánh pháp, cũng giống như người mổ bò kia do tâm sát sanh nên đưa đến tội lỗi này, không được cưỡi xe, ngựa, voi lớn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy khởi lòng từ đối với hết thảy chúng sanh.
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH SỐ 5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng năm trăm Tỳ-kheo ở trong vườn cây Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá Vệ. Bấy giờ, Thích Đề-hoàn Nhân, trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên. Thích Đề-hoàn Nhân bạch Thế Tôn:
“Như Lai cũng nói, phàm Như Lai xuất thế tất sẽ vì năm việc. Những gì là năm? Chuyển Pháp luân; độ cha mẹ; người không tin dựng lòng tin; chưa phát tâm Bồ-tát khiến phát ý Bồ-tát; thọ ký thành Phật trong khoảng thời gian đó. Như Lai xuất hiện tất sẽ vì năm nhân duyên này. Nay mẹ của Như Lai tại trời Tam thập tam muốn được nghe Pháp. Như Lai đang ở giữa chúng bốn bộ trong cõi Diêm-phù-lý [131], vua và nhân dân đều tập hợp lại. Lành thay, Thế Tôn, mong Ngài đến trời Tam thập tam mà thuyết Pháp cho mẹ.”
Thế Tôn im lặng nhận lời.
Bấy giờ, Long vương Nan-đà Ưu-bàn-nan-đà [132] có ý nghĩ như vầy: ‘Các Sa-môn trọc đầu này bay ở trên ta. Ta phải tìm cách không cho bay qua.’
Rồi Long vương nổi giận phun lửa gió lớn khiến suốt cả Diêm-phù-lý lửa bốc cháy.
A-nan bạch Phật:
“Trong Diêm-phù-đề này, vì sao có khói lửa này?”
Thế Tôn bảo:
“Đây là hai rồng chúa có ý nghĩ nghĩ rằng ‘Các Sa-môn trọc đầu thường bay trên ta, chúng ta [703c01] phải chế ngự, không để cho vượt qua hư không.’ Rồi chúng nổi giận phun khói lửa này. Do nhân duyên này, nên đưa đến biến cố đây.”
Lúc ấy, Tôn giả Ca-diếp từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Thế Tôn:
“Nay con muốn đi chiến đấu với chúng.”
Thế Tôn bảo:
“Hai rồng chúa này rất hung ác, khó có thể giáo hóa. Ông hãy về chỗ ngồi đi.”
Tôn giả A-na-luật từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Thế Tôn:
“Nay muốn đến phục rồng dữ kia.”
Thế Tôn bảo:
“Hai rồng chúa này rất hung ác, khó có thể giáo hóa. Ông hãy về chỗ ngồi đi.”
Các tôn giả Ly-việt, Ca-chiên-diên, Tu-bồ-đề, Ưu-đà-di, Bà-kiệt đều từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Thế Tôn:
“Nay con muốn đến hàng phục rồng ác.”
Thế Tôn bảo:
“Hai rồng chúa này rất hung ác, khó có thể giáo hóa, ông hãy về chỗ ngồi đi.”
Lúc ấy, Tôn giả Đại-mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai phải, quỳ gối chấp tay bạch Phật:
“Con muốn đến đó để hàng phục rồng dữ.”
Thế Tôn đáp:
“Hai rồng chúa này rất hung ác, khó có thể hàng phục giáo hóa. Ông làm thế nào để giáo hóa rồng chúa kia?”
Mục-liên bạch Phật:
“Đến đó, trước tiên con hóa hình rất lớn làm rồng kia sợ khiếp, sau đó lại hóa hình rất là nhỏ và, cuối cùng thì dùng phép thường mà hàng phục nó.”
Thế Tôn bảo:
“Lành thay, Mục-liên! Ông có khả năng để hàng phục rồng dữ. Nhưng nay Mục-liên phải giữ vững tâm ý chớ nổi loạn tưởng. Vì sao vậy? Vì rồng hung ác kia sẵn sàng quấy nhiễu ông.”
Mục-liên liền đảnh lễ sát chân Phật, rồi trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, biến khỏi nơi ấy, đến trên núi Tu-di. Lúc ấy, rồng chúa Nan-đà Ưu-bàn-nan-đà đang quấn quanh núi Tu-di bảy vòng, nổi sân giận tột độ phun ra khói lửa lớn.
Mục-liên tự ẩn thân mình, hóa làm rồng chúa lớn có mười bốn đầu, quấn quanh núi Tu-di mười bốn vòng, phun ra lửa khói lớn dữ dội, ở ngay trên hai rồng chúa.
Rồng chúa Nan-đà Ưu-bàn-nan-đà thấy rồng chúa có mười bốn đầu, liền sinh lòng sợ hãi tự nói với nhau rằng:
“Hôm nay, chúng ta phải thử xem oai lực rồng chúa kia xem có thắng được ta không?
Rồi rồng chúa Nan-đà Ưu-bàn-nan-đà quật đuôi vào biển cả, lấy nước rưới lên đến trời Tam thập tam, nhưng vẫn không chạm thân Mục-liên. Lúc này, Tôn giả Mục-liên [704a01] lại thò đuôi vào trong nước biển, nước trào lên đến trời Phạm-ca-di và lại rưới lên thân hai rồng chúa.”
Khi ấy, hai rồng chúa tự bảo với nhau:
“Chúng ta dùng hết sức lực lấy nước rưới đến trời Tam thập tam, nhưng rồng chúa lớn này lại vượt lên ta quá nhiều. Chúng ta chính có bảy đầu, nay rồng chúa này mười bốn đầu. Chúng ta quấn quanh núi Tu-di bảy vòng, nay rồng chúa này quấn quanh núi Tu-di mười bốn vòng. Nay, hai chúa rồng ta phải hợp sức cùng nhau chiến đấu.”
Rồi hai chúa rồng nổi cơn thịnh nộ, làm sấm chớp, sét đánh, phun lửa ngọn lớn. Lúc ấy, Tôn giả đại Mục-liên suy nghĩ, ‘Phàm rồng mà chiến đấu thì nổi lửa, sấm sét. Nếu ta cũng đấu bằng lửa và sấm sét, nhân dân trong Diêm-phù-lý và, trời Tam thập tam đều sẽ bị hại. Nay ta hóa hình rất nhỏ để đấu.’
Mục-liên liền hóa ra hình rất nhỏ, chun vào miệng rồng, rồi từ trong lỗ mũi ra; hoặc vào từ mũi ra từ tai; hoặc vào trong tai, ra từ mắt; ra từ trong mắt rồi đi lại trên lông mi.
Bấy giờ, hai rồng chúa lòng rất lo sợ, nghĩ thầm: ‘Rồng chúa lớn này rất có oai lực rất lớn mới có thể vào trong miệng rồi ra từ mũi; vào trong mũi, ra từ mắt. Hôm nay chúng ta thật sự thua. Loài rồng chúng ta hiện có bốn chủng loại: sinh trứng, sinh thai, sanh nơi ẩm thấp, hóa sanh; nhưng không ai vượt khỏi chúng ta. Nay rồng chúa này, có oai lực như vậy thì chúng ta không thể đánh lại. Tánh mạng chúng ta chết ngay trong chốc lát. Cả hai lòng sợ hãi, toàn thể lông đều dựng đứng.
Mục-liên khi thấy rồng chúa sợ hãi, liền hiện trở lại nguyên hình và đi trên mi mắt rồng chúa.
Lúc ấy hai rồng chúa trông thấy đại Mục-liên, bèn nói với nhau:
“Đây là Sa-môn Mục-liên chứ chẳng phải rồng chúa. Ông này có oai lực thật là kỳ lạ mới có thể đấu với chúng ta.”
Rồi hai rồng chúa bạch Mục-liên:
“Vì sao tôn giả lại quấy nhiễu chúng tôi đến như vậy? Muốn dạy bảo điều gì phải không?”
Mục-liên đáp:
“Hôm qua các ngươi nghĩ như vầy, ‘Vì sao các Sa-môn trọc đầu lại thường bay ở trên chúng ta, nay phải chế ngự họ.’”
Rồng chúa đáp:
“Thật vậy, Mục-liên!”
Mục-liên nói:
“Rồng chúa nên biết, núi Tu-di này là đường đi của chư thiên, chẳng phải nơi ở của ngươi.”
Rồng chúa đáp:
“Cúi xin tha thứ, không [704b01] trách phạt chúng tôi. Từ đây về sau chúng tôi sẽ không dám xúc nhiễu, khởi loạn tưởng ác. Cúi xin ngài cho phép làm đệ tử.”
Mục-liên đáp:
“Các ông chớ tự quy y thân ta. Các ngươi hãy tự quy y nơi mà ta quy y.”
Rồng chúa bạch Mục-liên:
“Hôm nay chúng con xin tự quy y Như Lai.”
Mục-liên bảo:
“Các ngươi không thể ở tại núi Tu-di này mà tự quy y Thế Tôn. Nay hãy cùng ta đến thành Xá-vệ mới được tự quy y.”
Bấy giờ, Mục-liên dẫn hai rồng chúa, trong khoảnh như co duỗi cánh tay, từ trên núi Tu-di đến thành Xá-vệ. Lúc ấy, Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số chúng. Mục-liên bảo hai rồng chúa:
“Các ngươi nên biết, nay Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số chúng. Các ngươi không thể để nguyên hình mà đến chỗ Thế Tôn.”
Rồng chúa đáp:
“Thật vậy, Mục-liên!”
Rồng chúa bèn hoàn ẩn hình rồng, hóa làm hình người không cao, không thấp, tướng mạo xinh đẹp như màu hoa đào.
Lúc ấy, Mục-liên đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Rồng chúa đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Bấy giờ, Mục-liên bảo rồng chúa:
“Đã đúng lúc, hãy tiến tới trước!”
Rồng chúa nghe Mục-liên nói, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ xuống chấp tay, bạch Thế Tôn:
“Hai dòng họ chúng con một tên là Nan-đà, hai tên là Ưu-bàn-nan-đà xin quy y Như Lai, thọ trì năm giới. Cúi xin Thế Tôn cho phép con làm Ưu-bà-tắc. Nguyện suốt đời không còn sát sanh nữa.”
Thế Tôn liền búng ngón tay chấp nhận. Hai rồng chúa liền trở về chỗ cũ ngồi, muốn được nghe Pháp.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghĩ như vầy: ‘Vì nhân duyên gì khiến trong cõi Diêm-phù-đề này có khói lửa như vậy?’
Rồi vua Ba-tư-nặc đi xe gắn lông chim ra khỏi thành Xá-vệ, đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ, nhân dân từ xa thấy vua đến, mọi người đều đứng dậy nghinh đón: “Kính chào Đại vương! Mời đến ngồi đây!”
Lúc ấy, hai rồng chúa im lặng không đứng dậy. Vua Ba-tư-nặc đảnh lễ sát chân Phật, ngồi qua một bên. Đại vương bạch Thế Tôn:
“Nay con có việc muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn diễn giải từng việc cho.”
Thế Tôn bảo:
“Có điều gì, cứ hỏi. Nay là lúc thích hợp.”
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
“Vì nhân duyên gì trong Diêm-phù-đề này có ánh khói lửa như vậy?”
Thế Tôn bảo:
“Do Rồng chúa Nan-đà và Ưu-bàn-nan-đà gây ra. Nhưng nay Đại vương chớ có [704c01] kinh sợ. Từ nay không còn biến họa khói lửa nữa.”
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc nghĩ thầm: ‘Nay, ta là Đại vương của một nước, nhân dân tôn kính, danh tiếng vang khắp bốn phương. Còn hai người này từ đâu đến, thấy ta đến đây, cũng không đứng dậy nghinh đón? Nếu ở trong nước ta, ta sẽ bắt nhốt. Nếu ở nơi khác đến, sẽ bắt giết chúng nó.’
Rồng chúa biết được những ý nghĩ trong tâm vua, liền nổi giận. Rồng chúa nghĩ như vầy: ‘Chúng ta không có lỗi gì đối với vua này, mà ông trở lại muốn sát hại ta. Ta phải bắt quốc vương này và dân chúng nước Ca-di giết hết.’
Rồng chúa liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi ra đi. Rời khỏi Kỳ-hoàn không xa, chúng liền biến mất.
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc thấy hai người này đi chưa lâu, liền bạch Thế Tôn:
“Việc nước rất bận rộn, con xin trở về cung.”
Thế Tôn bảo:
“Nên biết đúng thời!”
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy lui đi; bảo quần thần:
“Hai người vừa rồi đi đường nào? Mau bắt chúng!”
Theo lệnh vua, các quần thần liền đuổi theo tìm kiếm, mà không biết ở đâu, liền trở về trong cung.
Lúc ấy, rồng chúa Nan-đà và Ưu-bàn-nan-đà đều nghĩ thầm như vầy: ‘Chúng ta không lỗi đối với vua kia mà vừa rồi muốn bắt giết chúng ta. Chúng ta sẽ hại nhân dân của ông ấy, khiến không còn ai sống sót.’ Nhưng rồng chúa lại nghĩ thầm: ‘Nhân dân trong nước có lỗi lầm gì? Chỉ cần bắt nhân dân trong thành Xá-vệ hại hết.’ Lại nghĩ lại: ‘Người nước Xá-vệ có lỗi lầm gì đối chúng ta? Cần bắt quan lại và quyến thuộc trong cung vua giết hết.’
Bấy giờ, Thế Tôn biết được những ý nghĩ trong tâm rồng chúa, liền bảo Mục-liên:
“Ông hãy đi cứu vua Ba-tư-nặc, đừng để vua bị rồng chúa Nan-đà và Ưu-bàn-nan-đà làm hại.”
Mục-liên đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn!”
Mục-liên vâng lời Phật dạy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn lui đi. Ở trên cung vua, Ngài ẩn thân ngồi kiết già. Lúc ấy, hai rồng chúa tạo ra sấm vang, sét đánh, mưa to, gió lớn bên trên cung vua, hoặc mưa gạch đá, hoặc mưa đao kiếm. Chúng chưa kịp rơi xuống đất liền biến thành hoa sen xanh ở giữa hư không. Rồng chúa lúc này lại càng nổi giận, mưa núi cao ở trên cung điện. Mục-liên khi ấy lại biến chúng [705a01] thành các loại đồ ăn thức uống. Rồng chúa lại càng thêm tức giận bừng bừng, mưa các loại đao kiếm. Mục-liên lại biến thành áo quần rất đẹp. Rồng chúa lại càng thêm tức giận, lại mưa cát, sỏi, đá, trên cung vua Ba-tư-nặc, chưa rơi xuống đất đã hóa thành bảy báu. Khi ấy, vua Ba-tư-nặc thấy trong cung điện mưa các thứ bảy báu, vui mừng hớn hở không tự chế được, liền nghĩ: ‘Người có đức trong Diêm-phù-đề này không ai lại hơn ta, chỉ trừ Như Lai. Vì sao vậy? Vì trong nhà ta trồng cứ trên một gốc lúa thu hoạch được một đấu gạo, cơm dùng nước mía nấu, rất là thơm ngon. Nay ở trên cung điện lại có mưa bảy báu. Ta có thể được làm Chuyển luân thánh vương ư?’ Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc dẫn các cung nữ đi nhặt bảy báu. Hai rồng chúa lúc này, nói với nhau:
“Điều này có ý nghĩa gì? Chúng ta đến đây để hại vua Ba-tư-nặc, nhưng sao lại biến hóa đến như thế này? Có bao nhiêu thế lực, hôm nay đã đem ra tận dụng hết, mà vẫn không thể động đến phần mảy may nào vua Ba-tư-nặc!”
Ngay khi ấy, rồng chúa trông thấy Mục-liên ngồi kiết già trên cung điện, chánh thân chánh ý, thân không nghiêng ngã. Thấy vậy, chúng nghĩ thầm: ‘Đây chắc là do Mục-liên làm ra!’ Lúc ấy, hai rồng chúa vì thấy Mục-liên nên liền lui đi.
Khi Mục-liên thấy rồng chúa đã đi, liền xả thần túc, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên.
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc suy nghĩ: ‘Những lọai đồ ăn thức uống này không nên dùng trước. Phải đem dâng Như Lai trước, sau đó tự mình dùng.’ Vua Ba-tư-nặc liền cho xe chở châu báu và các loại đồ ăn uống đến chỗ Thế Tôn, bạch:
“Hôm qua, trời mưa bảy báu và thức ăn uống này. Cúi xin thọ nhận.”
Lúc ấy, đại Mục-liên cách Như Lai không xa. Phật bảo vua:
“Nay Vua hãy đem bảy báu và đồ ăn uống cho đại Mục-liên. Vì sao vậy? Vì nhờ ân của Mục-liên mà Vua được sanh trở lại trên đất Thánh hiền.”
Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
“Vì lý do gì mà nói con sanh trở lại?”
Thế Tôn bảo:
“Sáng hôm qua Vua có đến gặp Ta để nghe pháp phải không? Lúc ấy, có hai người cũng đến nghe pháp. Vua đã nghĩ như vầy: ‘Ta ở đất nước này là hào quí tối tôn, được mọi người kính trọng, nhưng hai [705b01] người này từ đâu đến, thấy ta không đứng dậy nghênh đón?’”
Lúc ấy, vua bạch Phật:
“Thật vậy, Thế Tôn!”
Thế Tôn bảo:
“Đó chẳng phải là người, mà chính là rồng chúa Nan-đà và Ưu-bàn-nan-đà. Biết được ý vua, chúng bảo nhau: ‘Chúng ta không có lỗi đối với ông vua người này, sao ông lại muốn hại chúng ta? Ta phải tiêu diệt đất nước này.’ Ta biết được những ý nghĩ trong tâm của rồng chúa, liền sai Mục-liên: ‘Phải cứu vua Ba-tư-nặc, không để cho rồng chúa làm hại.’ Mục-liên vâng lệnh Ta, ẩn hình bên trên cung điện và tạo ra sự biến hóa này. Rồng chúa lúc ấy, đã nổi giận mưa cát, sỏi, đá, ở trên cung điện; khi chưa rơi xuống đất, lập tức biến thành bảy báu, y phục, đồ ăn uống. Vì nhân duyên này, ngày hôm nay Đại vương được sanh trở lại.”
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc lo sợ đến toàn thân lông đều dựng đứng, liền quỳ gối đi đến trước Như Lai bạch:
“Nhờ ơn sâu dày của Thế Tôn mà con được cứu mạng sống!”
Lại lạy sát chân Mục-liên và nói:
“Nhờ ơn Tôn giả mà con được cứu sống.”
Lúc ấy, quốc vương liền nói kệ này:
Nguyện Thế Tôn sống mãi.
Mãi mãi hộ mạng con;
Độ thoát khổ, khốn cùng;
Nhờ Thế Tôn thoát nạn.
Vua Ba-tư-nặc dùng hương hoa cõi trời rải lên mình Như Lai và nói: “Nay con đem bảy báu này dâng lên ba ngôi báu. Cúi xin nạp thọ. Nói xong, vua đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi lui đi.”
Lúc ấy, Thế Tôn nghĩ: ‘Chúng bốn bộ này, phần lớn lười biếng, không chịu nghe pháp, cũng không tìm cầu phương tiện để tự thân tác chứng, cũng không mong đạt những gì chưa đạt, đắc những gì chưa đắc. Nay Ta làm cho chúng bốn bộ này phải khát ngưỡng giáo pháp .’
Bấy giờ, Thế Tôn không bảo cho chúng bốn bộ, cũng không dẫn theo thị giả; trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay biến khỏi Kỳ-hoàn, lên đến trời Tam thập tam.
Thích Đề-hoàn Nhân trông thấy Thế Tôn đến, liền dẫn thiên chúng ra trước nghinh đón Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, thỉnh Phật ngồi, rồi thưa:
“Cung nghinh Thế Tôn! Xa cách lâu chúng con mới được thăm hầu.”
Lúc ấy, Thế Tôn nghĩ: ‘Nay Ta phải dùng thần túc thông ẩn thân để mọi người không biết ta ở đâu.’
Thế Tôn lại nghĩ: ‘Nay Ta ở trời Tam thập tam, nên hóa thân to lớn.’
Lúc ấy, tại giảng đường [705c01] Thiện pháp ở trên trời có phiến đá vàng vuông vức một do tuần. Thế Tôn ngồi kiết già trên phiến đá, vừa trọn cả mặt đá. [133]
Bấy giờ, thân mẫu của Như Lai là Ma-da dẫn các thiên nữ đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi ngồi qua một bên và bạch:
“Cách biệt lâu lắm mới được phụng hầu! Nay Thế Tôn đến đây thật là đại hạnh. Tôi hằng mong mỏi, nhớ tưởng gặp Phật, hôm nay Thế Tôn mới đến.”
Sau khi Thánh mẫu Ma-da đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên. Thích Đề-hoàn Nhân cũng đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Chư thiên trời Tam thập tam cũng đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Khi chúng chư thiên thấy Như Lai, thì ở đó thiên chúng tăng ích, A-tu-la tổn giảm.
Bấy giờ, Thế Tôn lần lượt thuyết cho chúng chư thiên kia các đề tài vi diệu, là luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sanh thiên; dục là tưởng bất tịnh, dâm là sự nhơ xấu, giải thoát là an lạc. Thế Tôn khi thấy tâm ý chúng chư thiên khai mở; như pháp mà chư Phật Thế Tôn thường thuyết, là khổ, tập, tận, đạo, Ngài cũng khắp vì chư thiên mà nói hết. Mọi người ngay trên chỗ ngồi dứt sạch bụi nhơ, được mắt pháp trong sạch. Lại có mười tám ức thiên nữ thấy được dấu đạo; ba vạn sáu ngàn thiên chúng được mắt pháp trong sạch. Khi ấy, Mẹ Như Lai từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi trở vào trong cung.
Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:
“Nay con phải dùng loại thức ăn gì cúng bữa ăn Như Lai? Là dùng thức ăn cõi người hay thức ăn tự nhiên của cõi trời?”
Thế Tôn bảo:
“Hãy dùng thức ăn cõi người mà dọn bữa cho Như Lai. Vì sao vậy? Vì thân Ta sanh ở nhân gian, lớn lên ở nhân gian, thành Phật ở nhân gian.”
Thích Đề-hoàn Nhân bạch Phật:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Thích Đề-hoàn Nhân lại bạch Phật:
“Theo thời tiết trên trời hay thời tiết nhân gian?”
Thế Tôn bảo:
“Theo thời tiết nhân gian.”
Đáp:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân dùng thức ăn cõi người và lại y theo thời tiết cõi người, dọn bữa ăn cho Như Lai.
Bấy giờ, các trời Tam thập tam nói với nhau:
“Nay chúng ta mới thấy Như Lai ăn cơm suốt cả ngày.”
Lúc ấy, Thế Tôn bèn nghĩ: ‘Nay Ta phải nhập tam-muội như vậy, muốn cho chư thiên tiến thì tiến, muốn cho chư thiên lui thì lui. Rồi Thế Tôn liền nhập tam-muội này khiến chư thiên tiến lui tùy theo thời thích hợp.
Bấy giờ, bốn bộ chúng ở nhân gian, lâu lắm không thấy Như Lai, liền đến chỗ A-nan, bạch [706a01] A-nan:
“Nay Như Lai đang ở đâu? Chúng con mong mỏi muốn được gặp.”
A-nan đáp:
“Chúng tôi lại cũng không biết Như Lai đang ở đâu!”
Lúc ấy, vua Ba-tư-nặc, vua Ưu-điền, cùng đến chỗ A-nan, hỏi A-nan:
“Hôm nay Như Lai đang ở đâu?”
A-nan đáp:
“Đại vương, tôi cũng không biết Như Lai đang ở đâu.”
Hai vua vì nhớ, muốn gặp Như Lai, nên sinh ra bịnh khổ. Bấy giờ quần thần chỗ vua Ưu-điền, tâu vua:
“Đại vương nay mắc bệnh gì?”
Vua bảo:
“Ta vì ưu sầu thành bệnh.”
Quần thần tâu vua:
“Đại vương ưu sầu chuyện gì mà thành bệnh vậy?”
Vua này đáp:
“Vì không thấy Như Lai. Nếu không gặp lại Như Lai, chắc ta chết mất.”
Lúc này, quần thần suy nghĩ:
“Phải tìm phương tiện gì để vua Ưu-điền không chết. Chúng ta nên làm hình tượng Như Lai.”
Bấy giờ, quần thần tâu vua:
“Chúng tôi muốn làm hình tượng Phật, để có thể cung kính, thừa sự, đảnh lễ.”
Khi nghe những lời này xong, vua vui mừng hớn hở, không tự chế được, liền bảo quần thần:
“Lành thay, những lời của các khanh thật tuyệt diệu!”
Quần thần tâu vua:
“Nên dùng báu vật gì để làm hình tượng Như Lai?”
Lúc ấy, vua liền ra lệnh cho các tượng sư kỹ xảo trong đất nước, bảo họ rằng:
“Nay ta muốn làm hình tượng.”
Các tượng sư kỹ xảo khéo đáp:
“Thưa vâng, Đại vương!”
Vua Ưu điền liền dùng gỗ chiên-đàn ngưu-đầu làm hình tượng Như Lai, cao năm thước.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe vua Ưu-điền làm tượng Như Lai cao năm thước để cúng dường. Vua Ba-tư-nặc lại triệu mời các tượng sư khéo trong nước tới và bảo:
“Nay ta muốn tạo hình tượng Như Lai. Các khanh hãy làm cho xong ngay!”
Vua Ba-tư-nặc nghĩ như vầy: ‘Nên dùng báu vật gì để làm hình tượng Như Lai?’ Lát sau lại nghĩ: ‘Thân hình Như Lai có màu vàng như thiên kim. Nay nên dùng vàng để tạo hình tượng Như Lai.’ Vua Ba-tư-nặc liền dùng vàng ròng tử ma làm hình tượng Như Lai, cao năm thước. Bấy giờ, trong Diêm-phù-đề mới có hai hình tượng Như Lai.
Lúc ấy, chúng bốn bộ đến chỗ A-nan, bạch với A-nan:
“Chúng con mong mỏi, nhớ nghĩ đến Như Lai, muốn được trông thấy Ngài. Ngày hôm nay Như Lai đang ở đâu vậy?”
A-nan đáp:
“Chúng tôi cũng lại không biết Như Lai đang ở đâu. Nhưng nay chúng ta hãy đến chỗ A-na-luật để hỏi ý nghĩa này. [706b01] Vì sao vậy? Tôn giả A-na-luật có thiên nhãn bậc nhất, trong sạch không tỳ vết. Ngài dùng thiên nhãn thấy một ngàn cho đến ba ngàn đại thiên thế giới. Ngài có thể thấy biết hết.”
Chúng bốn bộ cùng A-nan đến chỗ A-na-luật, bạch A-na-luật:
“Hôm nay chúng bốn bộ đến gặp tôi hỏi tôi về việc ngày nay Như Lai đang ở đâu. Cúi xin tôn giả, dùng thiên nhãn xem Như Lai đang ở đâu?”
Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật đáp:
“Các vị hãy chờ một lát, nay tôi cũng muốn xem Như Lai đang ở đâu?”
Lúc ấy, A-na-luật ngồi ngay ngắn, giữ niệm trước mặt, dùng thiên nhãn tìm khắp Diêm-phù-đề mà không thấy Như Lai. Lại dùng thiên nhãn quan sát khắp Cù-da-ni, Phất-vu-đãi, Uất-đơn-việt, mà vẫn không thấy. Lại quan sát Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên, Diễm thiên, Đâu-suất thiên, Tha hóa tự tại thiên, cho đến Phạm thiên mà vẫn không thấy. Lại quán sát một ngàn Diêm-phù-đề, một ngàn Cù-da-ni, một ngàn Uất-đơn-việt, một ngàn Phất-vu-đãi, một ngàn Tứ thiên vương, một ngàn Diễm thiên, một ngàn Đâu-suất thiên, một ngàn Tha hóa tự tại thiên, một ngàn Phạm thiên cũng không thấy Như Lai. Lại quán sát ba ngàn đại thiên quốc độ cũng không thấy. Liền từ chỗ ngồi đứng dậy nói với A-nan:
“Tôi đã quán sát khắp ba ngàn đại thiên quốc độ mà vẫn không thấy Thế Tôn.”
Lúc ấy, A-nan và bốn chúng đều ngồi lặng im. A-nan nghĩ: “Như Lai sẽ không nhập Niết-bàn chứ?”
Bầy giờ, trên trời Tam thập tam, chư thiên bảo nhau:
“Chúng ta đã được lợi thiện. Cúi nguyện bảy Phật thường hiện ở đời để trời và người được nhiều lợi ích.”
Có vị thiên nói:
“Nói chi đến bảy Phật, chỉ cần sáu Phật, điều này cũng đã quá tốt lành.”
Hoặc có Thiên tử nói chỉ cần có năm, hoặc bốn Phật, hoặc nói ba, hoặc nói hai Phật xuất hiện ở đời thì cũng nhiều lợi ích.
Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân bảo chư thiên:
“Nói chi bảy Phật, cho đến hai Phật, chỉ duy Phật Thích ca ở đời lâu dài thì đã được nhiều lợi ích.”
Bấy giờ, ý Như Lai muốn chư thiên đến thì chư thiên liền đến, ý muốn chư thiên đi, thì chư thiên liền đi. Lúc ấy, chư thiên trời Tam thập tam nói với nhau:
“Vì sao Như Lai ăn suốt cả ngày vậy?”
Khi ấy, [706c01] Thích Đề-hoàn Nhân nói với chư thiên trời Tam thập tam:
“Hiện tại, Như Lai thọ thực theo thời tiết ở nhân gian, không theo thời tiết trên trời.”
Bấy giờ, Thế Tôn đã trải qua ba tháng ở trên trời. Thế Tôn nghĩ: ‘Chúng bốn bộ người Diêm-phù-đề không gặp Ta đã lâu, rất có lòng tưởng nhớ khát trông. Nay Ta nên xả thần túc cho các Thanh văn biết Như Lai đang ở trời Tam thập tam.”
Rồi Thế Tôn liền xả thần túc.
Lúc ấy, A-nan đến chỗ A-na-luật, bạch với A-na-luật:
“Hôm nay bốn bộ chúng khát trông muốn gặp Như Lai. Nhưng Như Lai nay không diệt độ chăng?”
Lúc ấy, A-na-luật bảo A-nan:
“Hôm qua có vị thiên đến chỗ tôi báo, Như Lai đang ở trong giảng đường Thiện pháp trên trời Tam thập tam. Nay thầy hãy đợi một chút. Tôi muốn quán sát hiện Như Lai đang ở đâu?”
Rồi Tôn giả A-na-luật liền ngồi kiết già, chánh thân chánh ý, tâm không lay động, dùng thiên nhãn quan sát trời Tam thập tam, thấy Thế Tôn đang ngồi trên phiến đá rộng một do tuần. A-na-luật liền xuất định, nói với A-nan:
“Như Lai hiện ở trời Tam thập tam, đang thuyết Pháp cho Mẹ.”
Lúc ấy, A-nan và chúng bốn bộ vui mừng hớn hở không tự chế được. A-nan hỏi chúng bốn bộ:
“Ai có thể đến trời Tam thập tam thăm hỏi Như Lai?”
A-na-luật đáp:
“Tôn giả Mục-liên có thần thông đệ nhất. Mong Tôn giả dùng thần lực đi thăm hỏi Phật.”
Chúng bốn bộ bạch Mục-liên:
“Hôm nay Như Lai ở trời Tam thập tam. Cúi xin Tôn giả đem danh tánh chúng bốn bộ thăm hỏi Như Lai và trình ý nghĩa này lên bạch Như Lai, ‘Thế Tôn đắc đạo trong Diêm-phù-đề, tại thế gian, xin oai thần khuất tất trở về lại thế gian.’”
Mục-liên đáp:
“Tốt lắm, các hiền giả.”
Lúc ấy, Mục-liên nhận lời dạy chúng bốn bộ, trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay, đã bay lên trời Tam thập tam, đến chỗ Thế Tôn.
Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân và chư thiên trời Tam thập tam từ xa thấy Mục-liên đến, mọi người nghĩ như vầy: ‘Đúng là sứ giả Tăng hay sẽ là sứ giả các vua.’ Chư thiên đều đứng dậy nghinh đón và nói:
“Lành thay, Tôn giả!”
Từ xa Mục-liên thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số người, bèn nghĩ thầm: ‘Thế Tôn ở tại cõi trời, cũng vẫn bị quấy rầy.’ Mục-liên đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, [707a01] Mục-liên bạch Phật:
“Thế Tôn, chúng bốn bộ hỏi thăm Như Lai sống có được nhẹ nhàng, đi đứng mạnh khoẻ không, và bạch việc này: ‘Như Lai sanh trưởng trong cõi Diêm-phù-đề, đắc đạo tại thế gian, cúi xin Thế Tôn trở về lại thế gian. Bốn chúng khát trông, muốn được gặp Thế Tôn.”
Thế Tôn bảo:
“Mong cho chúng bốn bộ tiến tu đạo nghiệp không mệt mỏi. Thế nào, Mục-liên, chúng bốn bộ du hóa có cực nhọc không? Không có kiện tụng phải không? Ngoại đạo dị học không xúc nhiễu chăng?”
Mục-liên đáp:
“Chúng bốn bộ hành đạo không có mệt mỏi.”
“Nhưng này Mục-liên, lúc nãy, ông nghĩ rằng: ‘Như Lai ở đây vẫn bị quấy rầy.’ Việc này không phải vậy. Vì sao vậy? Vì thời gian ta thuyết Pháp không kéo dài lâu. Nếu ta nghĩ, muốn chư thiên đến, thì chư thiên liền đến. Ta muốn chư thiên không đến, chư thiên không đến. Mục-liên, ông hãy trở về thế gian. Bảy ngày nữa Như Lai sẽ đến cạnh hồ nước lớn, nước Tăng-ca-thi. [134]
Lúc ấy, trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay, Mục-liên đã trở vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, đến gặp bốn chúng nói với họ:
“Các hiền giả nên biết! Bảy ngày nữa Như Lai sẽ đến cạnh hồ nước lớn, nước Tăng-ca-thi Diêm-phù-đề.”
Sau khi chúng bốn bộ nghe những lời này xong, vui mừng hớn hở, không tự chế được. Vua Ba-tư-nặc, Ưu điền, Ác sanh, Ưu-đà-diên, Tần-bà-sa-la [135] nghe tin bảy ngày nữa Như Lai sẽ đến cạnh hồ nước lớn nước Tăng-ca-thi, vui mừng hớn hở, không tự chế được. Dân chúng Tỳ-xá-ly, dòng họ Thích Ca-tỳ-la-vệ [136], nhân dân Câu-di-la-việt, nghe Như Lai sẽ đến cõi Diêm-phù-đề. Nghe xong vui mừng hớn hở, không tự chế được.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc tập hợp bốn bộ binh đến cạnh hồ nước này để gặp Thế Tôn. Lúc ấy, năm vị vua đều tập họp binh chúng đến chỗ Thế Tôn, muốn được hầu thăm Như Lai. Dân chúng dòng họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ đều đến chỗ Thế Tôn, cùng chúng bốn bộ cũng đều đến chỗ Thế Tôn muốn được gặp Thế Tôn.
Bấy giờ là ngày đầu bảy ngày, Thích Đề-hoàn Nhân bảo thiên tử Tự tại:
“Hôm nay, từ đỉnh núi Tu-di đến hồ nước Tăng-ca-thi, ông hãy làm ba con đường. Ta quan sát Như Lai sẽ không dùng thần túc trở về Diêm-phù-đề.”
Thiên tử Tự tại đáp:
[707b01]“Việc này rất hay. Đúng lúc ấy, tôi sẽ làm xong ngay.”
Thiên tử Tự tại làm ba con đường bằng vàng, bạc và thủy tinh. Con đường vàng ở giữa, đường thủy tinh một bên và, đường bạc một bên. Hai bên, hóa ra cây vàng.
Trong thời gian bảy ngày ấy, các vị chư thiên thần diệu đều đến nghe pháp.
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp cho hàng nghìn vạn chúng trước sau vây quanh; thuyết về khổ của năm thủ uẩn. [137] Sao gọi là năm? đó là sắc, thọ*, tưởng, hành, thức.
“Sao gọi là sắc uẩn? Đó là thân do bốn đại, là sắc được tạo bởi bốn đại. Đó gọi là sắc uẩn.
“Sao gọi là thọ* uẩn? Đó là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ không lạc. Đó gọi là thọ uẩn.
“Sao gọi là tưởng uẩn? Đó là sự tụ hội của ba thời. Đó gọi là tưởng uẩn.
“Sao gọi là hành uẩn? Đó là thân hành, khẩu hành, ý hành. Đó gọi là hành uẩn.
“Sao gọi là thức uẩn? Đó là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý. Đó gọi là thức uẩn.
“Sao gọi là sắc? Sắc bao gồm lạnh cũng là sắc, nóng cũng là sắc, đói cũng là sắc, khát cũng là sắc.
“Sao gọi là thọ? Thọ là giác biết. Giác biết vật gì? Giác biết khổ, giác biết lạc, giác biết không khổ, không lạc. Đó gọi là giác biết.
“Sao gọi là tưởng? Tưởng cũng là biết. Đó là biết xanh, vàng, đỏ, trắng, biết khổ, biết lạc. Đó gọi là biết.
“Sao gọi là hành? Nó tác thành nên gọi nó là hành. Tác thành những gì? Hoặc thành hành vi ác, hoặc thành hành thiện. Cho nên gọi là hành.
“Sao gọi là thức? Thức là phân biệt nhận biết phải hay không phải, cũng nhận biết các vị. Đó gọi là thức.
“Các thiên tử nên biết, có năm thủ uẩn này, là biết có ba đường: ác đạo, thiên đạo và nhân đạo. Năm thủ uẩn này diệt, biết là có đạo Niết-bàn.”
Khi Phật nói pháp này cho các vị trời, có sáu vạn người trên trời được mắt pháp trong sạch.
Sau khi thuyết pháp xong, Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy, đến đỉnh núi Tu-di nói kệ này:
Các ngươi hãy siêng học
Nơi Phật, Pháp,Thánh chúng.
Diệt đường đến tử vong,
Như dùng móc dạy voi.
Những ai không biếng nhác
Ở trong Chánh pháp này;
Người ấy dứt sanh tử,
Không có nguồn gốc khổ.
[707c01] Thế Tôn nói kệ này xong, bèn đi đến con đường giữa. Khi ấy Phạm thiên trên con đường bạc phía bên hữu Như Lai. Thích Đề-hoàn Nhân trên con đường thủy tinh bên trái. Chư thiên chúng ở giữa hư không rải hoa, đốt hương, xướng kỹ nhạc, giúp vui cho Như Lai.
Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc [138] nghe Như Lai hôm nay sẽ đến cạnh hồ trong nước Tăng-ca-thi ở Diêm-phù-đề. Cô suy nghĩ như vầy: “Chúng bốn bộ, quốc vương, đại thần, nhân dân trong nước không ai là không đến. Nếu ta bằng thường pháp đến thì điều này chẳng thích hợp. Nay ta phải hiện thành hình dung Chuyển luân Thánh vương đến gặp Thế Tôn.”
Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc liền ẩn hình, hiện thành Chuyển luân Thánh vương đầy đủ bảy báu, như là bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, điển binh báu, kho tàng báu.
Trong lúc đó, Tôn giả Tu-bồ-đề đang vá y tại một mé núi, trong núi Kỳ-xà-quật nơi thành La-duyệt. Tu-bồ-đề nghe Thế Tôn hôm nay về đến châu Diêm-phù-đề, thầm nghĩ, “Chúng bốn bộ không ai là không đến gặp. Nay ta cũng nên đến thăm hỏi, lễ bái Như Lai.” Tôn giả Tu Bồ Đề liền ngưng việc vá y. Rời chỗ ngồi đứng dậy, chân phải vừa chạm đất, tức thì ngài lại nghĩ: ‘Thân hình Như Lai đó, cái gì là làm Thế Tôn, là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chăng? Người mà ta đến gặp lại là đất, nước, lửa, gió chăng? Hết thảy các pháp đều rỗng không vắng lặng, không tạo, không tác, như những gì Thế Tôn đã nói kệ:
Nếu ai muốn lễ Phật
Và các bậc tối thắng,
Uẩn, xứ, giơi [139] các loại,
Đều phải quán vô thường.
Phật quá khứ xa xưa,
Cho đến Phật tương lai,
Cùng chư Phật hiện tại,
Tất cả đều vô thường.
Nếu ai muốn lễ Phật
Quá khứ và tương lai,
Hoặc ở trong hiện tại,
Phải quán nơi pháp Không.
Nếu ai muốn lễ Phật,
Quá khứ và tương lai,
Hoặc ở trong hiện tại,
Nên xét nơi Vô ngã.
“Trong đây không có ngã, không có mạng, không có con người, không có tạo tác, cũng không hình dung, có dạy, có truyền. Các pháp thảy đều không tịch. Cái gì là ngã? Cái ta là không [708a01] chủ. Nay ta quy mạng tụ chơn pháp.” Rồi Tôn giả Tu-bồ-đề liền ngồi vá y trở lại.
Lúc ấy, Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc hóa thành Chuyển luân Thánh vương, bảy báu dẫn đường, đi đến chỗ Thế Tôn. Năm vua từ xa trông thấy Chuyển luân Thánh vương đến, vui mừng hớn hở, không tự chế được, tự nói với nhau: “Thật là kỳ diệu hiếm có! Thế gian xuất hiện có hai trân bảo, là Như Lai và Chuyển luân Thánh vương.”
Bấy giờ, Thế Tôn dẫn hàng vạn thiên chúng từ trên đỉnh núi Tu-di xuống đến cạnh hồ nước. Thế Tôn đưa chân dẫm lên đất, ngay khia yấ khiên ba ngàn Đại thiên thế giới này chấn động sáu cách. Chuyển luân Thánh vương hóa hiện, từ từ đi đến chỗ Thế Tôn. Vua các nước nhỏ và nhân dân tất cả đều tránh ra. Khi đã đến gần Thế Tôn, Chuyển luân Thánh vương hóa giả liền hiện nguyên hình là Tỳ-kheo-ni và đảnh lễ sát chân. Năm vị vua thấy vậy, đều than thở, bảo nhau: “Hôm nay chúng ta thật có sự mất mát. Chúng ta đáng ra trước được gặp Như Lai, nhưng nay thì Tỳ-kheo-ni này đã gặp trước.”
Tỳ-kheo-ni đến gặp Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi bạch Phật rằng:
“Nay con đảnh lễ đấng Tối thắng! Hôm nay, con được hầu thăm trước tiên. Con là Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc, đệ tử của Như Lai.”
Khi ấy, Thế Tôn nói kệ này:
Nghiệp lành nhờ lễ trước,
Hơn hết, không ai bằng.
Cửa giải thoát Không, Vô [140]
Đó là nghĩa lễ Phật.
Nếu ai muốn lễ Phật,
Tương lai và quá khứ,
Hãy quán pháp Không vô. [141]
Đó là nghĩa lễ Phật.
Khi ấy, năm vua và nhân dân nhiều không thể đếm xuể, đến chỗ Thế Tôn. Mỗi vị đều tự xưng danh hiệu. Con là Ba-tư-nặc vua nước Ca-thi. Con là Ưu-điền vua nước Bạt-sai. Con là Ác Sanh vua của Nhân dân Ngũ đô. [142] Con là Ưu-đà-diên vua nước Nam hải. Con là Tần-bà-sa-la vua nước Ma-kiệt-đà. Lúc ấy, nhân dân trong khoảng mười một na-thuật, [143] cùng chúng bốn bộ và những trưởng giả tối tôn cả thảy là một ngàn hai trăm năm mươi người đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, rồi đứng qua một bên.
Bấy giờ, vua Ưu-điền ôm tượng bằng ngưu-đầu chiên-đàn trong tay và nói kệ với Như Lai:
Con có việc muốn hỏi,
[708b01] Từ bi hộ hết thảy:
Người tạo hình tượng Phật
Được những phước đức gì?
Bấy giờ, Thế Tôn lại dùng kệ đáp:
Đại vương, hãy lắng nghe,
Ta giảng nghĩa ít nhiều.
Người tạo hình tượng Phật,
Nay chỉ nói sơ lược.
Trước nhất, mắt không hư,
Sau có được thiên nhãn.
Phân biệt rõ trắng đen,
Đức tạo hình tượng Phật.
Hình vóc sẽ hoàn hảo
Ý chính, không mê lầm.
Thế lực hơn người thường.
Người tạo hình tượng Phật,
Hẳn không đọa đường ác;
Khi chết sanh lên trời,
Ở đó làm thiên vương:
Phước làm hình tượng Phật.
Phước khác không thể kể.
Phước kia khó nghĩ bàn.
Tiếng tốt vang bốn phương:
Phước tạo hình tượng Phật.
“Lành thay, lành thay! Đại vương làm được nhiều lợi ích cho trời người mông nhờ.”
Lúc ấy, vua Ưu Điền vô cùng sung sướng.
Bấy giờ, Thế Tôn Thế Tôn vì chúng bốn bộ và năm vua nói về diệu luận. Luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sanh thiên; dục là tưởng bất tịnh, là hữu lậu, là tai họa lớn, giải thoát là vi diệu. Khi Thế Tôn đã thấy tâm ý chúng bốn bộ đã được khai mở; như pháp mà chư Phật thế tôn thường thuyết, là khổ, tập, tận, đạo, Ngài cũng vì họ mà nói. Bấy giờ ngay trên chỗ ngồi hơn sáu vạn trời người dân, dứt sạch trần cấu, được mắt pháp trong sạch.
Bấy giờ, năm vua bạch Thế Tôn:
“Nơi này là phước tối diệu, là đất thiêng, nên Như Lai mới từ trời Đâu-suất xuống, thuyết pháp tại đây. Nay chúng con muốn kiến lập nơi này khiến vĩnh viễn không còn bị mục nát.”
Thế Tôn bảo:
“Này năm Vua, các ông hãy xây dựng thần tự ở nơi này, đời đời hưởng phước không bao giờ hư hoại.”
Các vua thưa:
“Phải xây dựng thần tự như thế nào?”
Bấy giờ, Thế Tôn duỗi bàn tay phải, từ trong đất xuất hiện chùa Ca-diếp Như Lai. Nhìn năm Vua mà bảo:
“Muốn tạo thần tự, hãy theo pháp này.”
Lúc ấy, năm vua liền khởi xây đại thần tự ở nơi này.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tùy tùng của các Như Lai hằng sa trong quá khứ nhiều ít cũng như hôm nay không khác. Ngay cả tùy tùng của hằng sa chư Phật trong tương lai nhiều [708c01] ít cũng như hôm nay không khác. Nay Kinh này đặt tên là ‘Du thiên Pháp bổn.’
“Các Tỳ-kheo, hãy học điều này như vậy.”
Chúng bốn bộ và năm vua sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành. [144]
______
[1] Tương đương Pāli, A V 52 Akusalarāsisutta (R. iii. 64).
[2] Bất thiện tụ 不善聚. Pāli: akusalarāsi.
[3] Ngũ cái 五蓋: Tham dục cái 貪欲蓋, sân nhuế cái 瞋恚蓋, thụy miên cái 睡眠蓋, điệu hý cái 調戲蓋, nghi cái 疑蓋. Pāli, ibid., pañca nīvaraṇā: kāmacchandanīvaraṇaṃ, byāpādanīvaraṇaṃ, thinamiddhanīvaraṇaṃ, uddhaccakukkuccanīvaraṇaṃ, vicikicchānīvaraṇaṃ.
[4] Tham chiếu Pāli, M 130 Devadūta (R. iii. 178). Hán, Trung 12, kinh 64 Thiên sứ.
[5] Nguyên Hán: Đẳng kiến.
[6] Pāli, ibid., ahampi khomhi jātidhammo, jātiṃ anatīto, ta chịu quy luật của sự sanh, không vượt qua được sự sanh. Ở đây, Hán dịch có thể nhảy sót. Diêm vương hỏi về Thiên sứ thứ nhất.
[7] Hán dịch có thể nhảy sót. Cf. Pāli, ibid, và Trung 12 kinh 64: Diêm vương hỏi tội nhân, ‘Ngươi có thấy Thiên sứ thứ hai không?’
[8] Hán: Hình lão chi pháp 形老之法. Pāli: jāradhamma, quy luật của tuổi già.
[9] Mỗi ngục lớn có 16 ngục nhỏ chung quanh. Xem Trường 19, kinh Khởi thế, phẩm Địa ngục.
[10] Hán: ngũ chủng tác dịch. Pāli, ibid. pañcavidhabandhanaṃ, ngũ chủng phược, trói năm chỗ: đóng đinh 2 tay, 2 chân, và tim.
[11] Nhiệt hôi địa ngục 熱灰地獄.
[12] Đao thích địa ngục 刀刺地獄.
[13] Đại nhiệt hôi địa ngục 大熱灰地獄.
[14] Đao kiếm địa ngục 刀劍地獄.
[15] Phất thỉ địa ngục 沸屎地獄.
[16] Đoạn này mô tả địa ngục có tên là Sáu Xúc xứ, nhưng bản Hán khong dịch rõ hết ý. Xem Trung, kinh 131 (Hàng ma); Tạp (Việt) kinh 212. Pāli: Chaphassāyatanika (M. i. 337).
[17] Bốn nhiếp sự.
[18] Tham chiếu Pāli, S 8.7 Pavāraṇā (R. i. 190). Hán, Trung 29, kinh 121 Thỉnh thỉnh.
[19] Đông uyển Lộc Mẫu viên 東苑鹿母園. Pāli: một tòa nhà do bà Visakhā dựng gọi là Migāramātupāsāda (Lộc Tử Mẫu giảng đường), ở Pubbārāma, khu vườn phía đông thành Xá-vệ.
[20] Nhiều phương tiện, đây hiểu là nhiều tinh tấn.
[21] Đa-kỳ-xa 多耆奢. Pāli: Vaṇgīsa. Trên kia, kinh 3 phẩm 4, âm là Bằng-kỳ-xá.
[22] Xem kinh 3 phẩm 4 trên.
[23] Tham chiếu Pāli, A V 50 Nāradasutta (R.iii. 57)
[24] Na-la-đà 那羅陀.
[25] Trưởng giả Trúc Lâm 長者竹林. Xem cht. dưới.
[26] Ba-la-lê quốc 波羅梨國. Pāli, trú tại Pāṭaliputta, trong già-lam Kukkutārāma.
[27] PāliVương phi Bhaddā.
[28] Văn-trà vương 文茶王. Pāli, Muṇḍa.
[29] Thiện Niệm 善念. Pāli: Piyaka, quan Thủ khố (Kosārakkha).
[30] Tham chiếu Pāli, A V 123 Upaṭṭhākasutta (R iii. 143).
[31] Tham chiếu Pāli, A V 124 Dutiya-upaṭṭhākasutta (R iii. 144).
[32] Tham chiếu Pāli, A V 34 Sīhasenāpatisutta (R.iii. 38).
[33] Di hầu lâm 獼猴林. Các nơi khác thường nói là Di hầu trì. Xem Trung, kinh 18 (Sư tử).
[34] Sư Tử Đại tướng 師子大將. Pāli: Sīhasenapati. Xem Trung, kinh 18 (Sư Tử); A. VIII. 12. Sīha.
[35] Tham chiếu Pāli, A V 37 Bhojanasutta (R.iii. 41).
[36] Tham chiếu Pāli, ibid., khi thí (dāyaka) cho bữa ăn, là mang đến cho người nhận (paṭiggahaka) năm điều.
[37] Thí mạng 施命. Pāli: Āyuṃ deti, ban cho tuổi thọ.
[38] Thí biện tài. Pāli: paṭibhānaṃ deti, ban cho sự sáng suốt.
[39] Tham chiếu Pāli, A V 36 Kāladānasutta (R. iii. 41).
[40] Ứng thời thí 應時施. Pāli: Kāladāna.
[41] Bản Hán, hết quyển 24.
[42] S 3. 2.2. Pañcarājasutta (R. i. 79).
[43] Ba-tư-nặc , Pāli: Pasenadi 波斯匿, vua nước Kosala (Câu-tát-la).
[44] Tỳ-sa 毘沙, chưa rõ; có lẽ là Bình-sa (Pāli: Bimbisāra). Xem kinh 3, phẩm 6.
[45] Ưu-điền 優填. Pāli: Udena, vua nước Kosambī (Kiều-thưởng-di).
[46] Ác Sanh 惡生; có lẽ Pāli Caṇḍappajjota (nhưng Hán dịch đọc là Caṇḍappajāta), vua nước Ujjenī (ưu-thiền). Nhưng xem kinh 5, phẩm 36, cht. 16.
[47] Ưu-đà-diên và Ưu-điền thường là phiên âm từ cùng một từ (Skt. Udayana; Pāli: Udena). Ở đây không rõ hai nhân vật khác nhau là ai. Tham chiếu kinh Ngũ vương (T14 No 523), trong đó nói vualớn nhất là Phổ An 普安; bốn vua nhỉ không nêu tên.
[48] Ngũ dục 五欲, nói đủ là ngũ dục công đức, năm tố chất của dục. Pāli: Pañca-kāmaguṇa.
[49] Thi-bà-la quỷ 尸婆羅鬼, chưa rõ quỷ gì.
[50] Thi-bà-la 尸婆羅. Có lễ đồng nhất với Sīvalī, Pāli. Nhưng truyện kể ở đây không giống các truyện kể Pāli.
[51] Xem kinh số 4, phẩm 18.
[52] Tam-Phật 三佛, phiêm âm từ Sambuddha, (Phật) Chánh giác.
[53] Quảng Phổ sơn 廣普山. Pāli: Vepulla, một trong năm ngọn núi bao quanh Vương-xá.
[54] Kỳ-xà 耆闍山, tức Kỳ-xà-quật. Pāli: Gijjhakūṭa.
[55] Phù-đồ 浮圖, tức tháp; Skt. stūpa.
[56] Đạt-sẩn 達嚫. Pāli: dakkhinā (Skt. dakṣiṇā), thí tụng, bài kệ chú nguyện thí chủ sau khi nhận cúng dường.
[57] Phật Tỳ-bà-thi, xem Trường 1, kinh Đại bản. Pāli, Vipasī, D. 14 Mahāpadāna.
[58] Da-nhã-đạt 耶若達; tên Pāli thường gặp: Yaññadatta (Skt. Yajñadatta), nhưng không tìm thấy đồng nhất ở đây.
[59] Lạc 酪; Pāli: dadhi, sữa đông, sữa để chua.
[60] Truyện kể gần với sớ giải TheraA. i. 144, nhân duyên Sīvalī, thời Phật Vipassī.
[61] Nguyên hán: Đạm bạc 惔怕.
[62] Phật Thức-cật 式詰. Xem Trương 1, kinh Đại bản, Phật Thi-khí 尸棄. Pāli, Sikhi, cf. D. 14 Mahāpadāna.
[63] Tỳ-xá-la-bà 毘舍羅婆. Xem Trương 1, kinh Đại bản, Tỳ-xá-bà 毘舍婆. Pāli, ibid., Vessabhū.
[64] Nguyên bản: Minh hạnh thành vi.
[65] Nguyên bản: Đạo pháp ngự.
[66] Câu-lũ tôn 拘屢孫. Xem Trương 1, kinh Đại bản, Câu-lâu-tôn 拘樓孫. Pāli, ibid. Kakusandha.
[67] Pāli, A V 75 Paṭhama-Yodhājīvasutta (R. iii. 39).
[68] Pāli: pañcime yodhājīvā, có năm hạng chiến sĩ này.
[69] Pāli, A V 76 Dutiya-Yodhājīvasutta (R. iii. 93).
[70] Tham chiếu Pāli: Tỳ kheo khất thực, gặp người nữ quyến rũ, xả giới hoàn tục ngay.
[71] Hán dịch đoạn này không rõ nghĩa, thiếu mạc lạc so với đoạn trước. Tham chiếu Pāli: Tỳ kheo bị nữ quyến rũ, định về giữa Tăng xin xả giới; nhưng vè chưa kịp về đến nơi mà đã vội đã xả giới.
[72] Hán dịch không rõ theo đoạn mạch. Tham chiếu Pāli: hạng thứ ba, bị nữ quyến rũ, cố gắng về được đến giữa Tăng; các tỳ kheo khyên can nhưng vẫn khong kham, rồi mới xả giới.
[73] Hạng thừ tư, bị quyến rũ, về giữa tăng, được khuyên dạy, nổ lực tinh cần nên không xả giới.
[74] Đây là hạng thứ tư trong bản Pāli tương đương. Hạng thứ năm, tỳ kheo vào thôn, thủ hộ thân, thủ hộ canư, chánh niệm, nên không bị nữ lung lạc quyến rũ.
[75] Để bản: Địa 地; có thể chép nhầm, nên sửa lại.
[76] Tham chiếu Pāli, A VII 68 Aggikkhandhopamasutta (R.iv. 128). Hán, Trung 1, kinh 5 (Mộc tích dụ).
[77] Bản Hán, hết quyển 25.
[78] Đẳng kiến 等見, được hiểu là chánh kiến. Pāli: Sammādiṭṭhi.
[79] Ma-ha-nam 摩呵男. Pāli: Mahānāma, con vua Amitodana (Cam Lộ Phạn vương), anh của Anuruddha (A-na-luật).
[80] Phu nhơn Tát-la-đà sát-lợi chủng 薩羅陀剎利種. T26: Vũ Nhật Cái 雨日蓋. Pāli: Vāsabhā-khattiyā. Xem kinh 3 phẩm 13.
[81] Để bản:Tỳ-lưu-ly 毘流勒. TNM: Tỳ-lưu-ly 毘流離. Có thể đây là giải thích của người chép kinh, phỏng theo nghĩa Hán. Phiên Phạn ngữ 4 (T54n2130, tr. 8c17): Tỳ-lâu-ly vương 毘樓流王, nên nói là Ty-lưu-ly-tha 毘流他, dịch là Tăng Trưởng 增長. Tức nguyên Skt.: Virūḍhaka (Pāli: Viḍūḍabha).
[82] Hảo khổ. Đồng nhất với Pāli: Dīghakārāyaṇa.
[83] Trong bản: Ca-tỳ-la-việt 迦毘羅越. Trên kia, Ca-tỳ-la-vệ.
[84] Cf. Dhp. 18.
[85] Cf. Dhp. 15.
[86] A-chi-la hà. Pāli, Aciravatī, sông chảy ngang qua Xá-vệ. Từ cung điện vua có thể nhìn thấy.
[87] Câu tỏa 拘璅, cá móc câu?
[88] Lưỡng thiệt 兩舌, cá hai lưỡi?
[89] Thiên nữ tinh tán 天女星散; trên kia, kinh số 6, phẩm 32, nói là ngọc nữ vi bạn 玉女違 [17]叛.
[90] Tần-bà-sa-la 頻毘娑羅. Pāli: Bimbisāra. Trên kia âm là Tỳ-sa; xem kinh 3 phẩm 6.
[91] Nguyên Hán: Thủy quán đầu vương 水灌頭王: vua Quán đảnh (Pāli: muddhābhisitta-rājā).
[92] Xem kinh 4 phẩm 18.
[93] Xá-cưu-lợi 舍鳩利. Trên kia, kinh 1 phẩm 5, phiên âm: Xa-câu-lê. Pāli: Sakulā.
[94] Giao lộ đài 交露臺.
[95] Hành đạo 行道; đây nên hiểu là kinh hành. Xem kinh 6 phẩm 21 trên, và đoạn tiếp theo dưới.
[96] Lưu ý để bản chép nhiều đảo cú so với bình thường, dẫn đến ngắt từ nhầm lẫn, do đó lẫn lộn giữa các thiền.
[97] Định cú về bốn thiền, xem kinh 1 phẩm 12 các cht. 42 và tiếp.
[98] Tức với tâm đã định tĩnh như trên.
[99] Tham chiếu Pāli. A V 48 Alabbhanīyaṭhānasutta (R. iii. 54): Pañcimāni alabbhanīyāni ṭhānāni, năm sự kiện không thể đạt được. Xem kinh số 7 phẩm 32.
[100] Các quả vị Thánh thuộc Tu-đà-hoàn, xem kinh số 7 phẩm 28 trên.
[101] Tỳ-ma-chất-đa-la 毘摩質多羅. Pāli: Vepacitti (Skt. Vemacitra, Mahāvyutpatti 172, 3393)
[102] Để bản: Chỉnh 整. TNM: chánh .
[103] Thọ phạm chi phước 受梵之福; dịch nghĩa đen, từ gần Pāli: Brahmadeyya: tặng phẩm của Phạm thiên, chỉ ân tứ hay phong ấp mà vua chúa ban cho.
[104] Bản Hán, hết quyển 26.
[105] Nguyên Hán: tế hoạt
[106] Tham chiếu Pāli, Dhp. 21. appamādo amatapadaṃ pamādo maccuno padaṃ; appamattā na mīyanti, ye pamattā yathā matā., “Không buông lung, con đường dẫn đến bất tử. Buông lung, con đường dẫn đến chỗ chết. Không buông lung, không bị chết. Người buông lung như người đã chết.
[107] Ưu-đầu-bàn 優頭槃. Có thể đồng nhất với Pāli: Upavāṇa, có thời làm thị giả Phật. Truyện xin nước nóng được kể trong ThagA. (R.ii. 56)
[108] Tích hoạn phong thống 脊患風痛. Pāli: vātabādhiko, bịnh bởi gió, được giải thích là: vātakkhobhanimittaṃ ābādhiko jāto, bịnh phát sinh do triệu chứng rối loạn của gió. Không rõ bịnh gì. (ThagA. R. ii. 57).
[109] Tỳ-xá-la 毘舍羅. Pāli, Vedeha. ThagA. R.ii., Upavāṇa đến xin nước nóng nơi nhà Devahita, trong thành Xá-vệ.
[110] Đề khốc địa ngục 啼哭地獄. Trường 19, kinh Thế ký: địa ngục Khiếu hoán 叫喚. Pāli: Jālaroruva (Skt. Raurava).
[111] Bài kệ Pāli tương đương, ThagA. R.ii. 57.
[112] Hán: ác lợi và thiện lợi 惡利善利.
[113] Nguyên Hán: phân-đàn bố thí 分檀布施. (Pāli: piṇḍa-dāyaka). Xem cht. 46, kinh 1 phẩm 29.
[114] Bản Hán: trừ tưởng bất tịnh, quán tịnh.
[115] Xem kinh 5 phẩm 32.
[116] Cf. S. 8. 1 (R.i. 185). Tạp (Việt), kinh 1115.
[117] Xem kinh 7 phẩm 18.
[118] Chú thích trong để bản: đây có thể còn thiếu hai chữ, nhưng chưa rõ.
[119] Nguyên bản: Thống.
[120] Tăng-ca-ma 僧迦摩. Có thể đồng nhất với Saṅgāmaji, Udāna 8.
[121] Để bản: vi yếu 為要. TNM: vi diệu.
[122] Không tái sinh Dục giới.
[123] A-na-hàm nhập niết-bàn trên Tịnh cư thiên.
[124] Không tích 空跡; con đường dẫn đến Không (Pāli: suññatā) tức Niết-bàn. Cf. M. 121 Mahāsuññatasutta (R. iii. 111).
[125] Chỉ bảy lần thọ giới cụ túc.
[126] Bản Hán, hết quyển 27.
[127] Pāli, A V 202 Dhammassavanasutta (R.iii. 247).
[128] Pāli: cittaṃ pasīdati, tâm minh tịnh.
[129] Pāli, A V 208 Dantakaṭṭhasutta (R. iii. 250).
[130] Dương chi 楊枝, nhánh thông, dùng để xỉa răng. Pāli: dantakaṭṭha.
[131] Diêm-phủ-lý 閻浮里: Diêm-phù-đề.
[132] Nan-đà Ưu-bàn-nan-đà 難陀優槃難陀, long vương, truyền thuyết phương Bắc (Divyādāna, Saddharmapuṇḍrīka) xem là hai anh em: Nanda và Upananda. Truyền thuyết Pāli là chỉ một: Nandopananda. Chuyện kể ở đây tương đương với chuyện kể trong Pāli, ThagA. R.iii. 177.
[133] Kim thạch 金石.Truyền thuyết Pāli, Phật ngồi trên ngai Paṇḍukambala-silāsana của Đế Thích.
[134] Tăng-ca-thi quốc 僧迦尸國. Pāli: Saṅkassa, một thị trấn cách Xá-vệ chừng 30 dặm. Thế Tôn thị hiện thần biến tại đây, dưới cây Gaṇḍamba.
[135] Để bản: Tần-tì-sa-la
[136] Để bản: Ca-tỳ-la-việt.
[137] Truyền thuyết Pāli, Phật giảng Abhidhamma trên Tam thập tam thiên. Đoạn này Phật đang giảng nội dung của Abhidhamma.
[138] Ưu-bát-hoa-sắc 優缽華色: Liên Hoa Sắc. Pāli: Pāli: Uppalavaṇṇā, Tỳ-kheo-ni thần thông đệ nhất. Xem kinh 2 phẩm 5.
[139] Ấm, trì, nhập 陰持入: uẩn, giới, xứ. Pāli: khandha, dhātu, āyatana.
[140] Kệ lược bớt chữ trong bản Hán: Không, Vô tướng, Vô nguyện, ba giải thoát môn.
[141] Không vô, hay không tịch. Pāli: suññatā.
[142] Nhân dân Ngũ đô, hay Ngu đô, có lẽ tương đương Pāli: Pañcālajanapada (Pañcālaraṭṭha), được kể 1 trong 16 đậi quốc thời Phật. Theo Pāli, vua bấy giờ là Dummukha.
[143] Na-thuật 那術. Số đếm. Các phiên âm khác: na-do-tha, na-do-đà, tương đương một vạn, nghìn vạn, hay nghìn ức. Skt. nayuta.
[144] Bản Hán, hết quyển 28.