Cõi Tịnh độ


altTrong bài « Bụt tại mười phương » trên mạng của thư viện Hoa Sen, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viết :

" Theo nguyên tắc ‘Niệm Phật’ trong thời nguyên thỉ, trước hết hành giả phải nghĩ rằng: ‘Bụt là một thực tại ở ngoài mình. Ngài đang cư trú ở phương trời tây xa lạ. Khi hành giả niệm Phật, tức là hành giả đọc hay nhớ (Niệm) đến tên Phật A Di Ðà, hành giả sẽ được tiếp xúc sự thanh tịnh, vững chãi với chất liệu Từ, Bi, Hỷ, Xả trong người mình. Rồi trong tiến trình thực tập ấy, họ sẽ cảm thấy Bụt là một thực tại ở trong và ở ngoài họ. Rồi sau nữa, nếu thực tập sâu sắc hơn, chỉ còn lại Bụt ở tâm. Các thầy sau này đã nói rằng : Bụt A Di Đà có mặt trong tâm mình và Tịnh Độ cũng có mặt ngay ở trong tâm mình. Đó gọi là "Duy tâm Tịnh Độ".

Vì tất cả đều duy tâm, khi Tịnh Ðộ đã ở tâm, thì Tịnh Ðộ sẽ cùng khắp. Tức là không những ở phương Tây thôi, mà có ở mọi nơi. Vì niệm là nhớ (chủ thể), đối tượng của niệm (sở niệm) là cõi Tịnh độ, cả hai chủ thể lẫn đối tượng bấy giờ là một. Và khi ấy, Tịnh Ðộ tại tâm, hành giả sống trong cõi Tịnh Ðộ cùng khắp.

Trong kinh A Di Ðà do Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch :

"Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc, trong thế giới đó có đức Phật hiệu là A Di Đà hiện nay đương nói pháp. Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc….Cõi đó thường có những giống chim mầu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạc, Khổng-tước... những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã. Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần v.v... Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng!… Cõi của đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì lại có sự thật. Những giống chim đó là do đức Phật A Di Đà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa làm ra đấy thôi... Trong cõi nước của đức Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu và động mành lưới báu, làm vang ra tiếng vi diệu, thí như trăm nghìn thứ nhạc đồng một lúc hòa chung. Người nào nghe tiếng đó tự nhiên đều sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng."



alt
Phật tử chúng ta ngày nay phần nhiều đều phúc mỏng, nghiệp dầy, sinh ra trong thời đại khó khăn này, muốn cầu vãng sanh cõi Cực Lạc. Chúng ta nương vào nguyện lực của mình và bản nguyện của Phật A Di Ðà mà tu tập. Chúng ta học hỏi và thực tập như thế nào để có hạnh phúc, an lạc, vững chãi và thảnh thơi, để Đức A Di Đà và cõi Tịnh Độ có thể có mặt trong đời sống hàng ngày. Do đó, chúng ta ao ước được sống trong khung cảnh an nhiên tự tại như cõi Tịnh Ðộ, để tu tập.

Và vì vậy, các tác giả của những bài thơ mới đây ở mạng Vạn Hạnh đã nói lên những ao ước về khung cảnh đó. Như Dã Hạc :

Sừng sững Tam quan trí đại thừa
Vườn cảnh trang nghiêm miền Tịnh Ðộ


hoặc như Ðồng Duyên :

Lặng lẽ nơi đây một cảnh chùa
Dấu mình ngoảnh mặt cuộc tranh đua
Mái nghiên ấp ủ tình dân Việt
Tam bảo dưỡng nuôi trí đại thừa


hoặc như Không Hồng :

Như ngọn hải đăng một cảnh chùa
Cúi nhìn nhân thế mãi tranh đua
Mái cong vươn cánh hồn chim Việt
Ba cỗng khắc ghi trí đại thừa


Và trong khi niệm, hành giả nghĩ đến Phật A Di Ðà, Ngài đang cư trú ở tu viện Kỳ Viên hay trên núi Thứu.

Thanh tịnh Kỳ viên miền Tịnh Ðộ
Hồi kinh lời đáp mỗi sớm trưa


hoặc như Thân Dũng Xuất :

Mái nghiêng che chở người viễn xứ
Chuông đổ muôn chiều mượn gió đưa
Niêm hoa vi tiếu trao tâm pháp
Niệm Phật vãng sanh trí đại thừa


Một khung cảnh như vậy, nó được tạo ra ở đây đã hơn 20 năm rồi, bởi những người có tâm niệm về cõi Tịnh độ, để mình tự nuôi dưỡng mình, và để mình có thể nuôi dưỡng những người khác... Như chúng ta có diễm phúc, đã thấy, đã sống trong đó. Nó là một cõi có an ninh, có tiện nghi, thanh tịnh, được che chở, được yêu thương, có thầy, có bạn, có điều kiện đi trên con đường thành tựu đạo nghiệp và chuyển hóa đau khổ. Nhưng đó cũng chỉ là một khung cảnh sinh hoạt trong tục đế, mà tất cả những người tham dự đều có bổn phận đóng góp. Nếu mình biết sống an lạc và thảnh thơi như những người đang sống ở Tịnh Độ trong chân đế, có thì giờ lắng nghe tiếng gió trong cây, nghe tiếng chim, đi nhặt hoa cúng dường, ăn cơm và đi kinh hành, tức là mình đã tham dự và đóng góp được vào việc kiến thiết Tịnh Độ rồi.

Cái khung cảnh nói trên giờ đây nó không còn là sản phẩm của những người tạo ra nó. Nó là sản phẩm của những người hiện đang sống với nó. Ðây là môi trường sống của một cộng đồng. Sự thành tựu của môi trường là sự thành tựu của cộng đồng. Và vì vậy, những người đang sống trong đó phải thanh tịnh, phải biết sử dụng ái ngữ, phải biết thương yêu nhau và đùm bọc cho nhau, để giữ Tịnh Ðộ cho môi trường. Như Ðồng Duyên kể:

Người trước đã xây miền Tịnh Ðộ
Người sau nguyện đắp suối nguồn
Lênh đênh bao kiếp vì mê vọng
Nay tỉnh ngộ ra xin dứt chừa.


Khi mà mình đã có được Tịnh Ðộ ở đây, trong khung cảnh này, thì đi đâu mình cũng có Tịnh Ðộ theo mình. Vì mình không thể lấy Tịnh Ðộ ra khỏi mình được. Nó là sản phẩm của tâm. Ðây là trường hợp của những người tu hành lâu năm. Họ có được Phật A Di Ðà ở tâm và ở Pháp thân của họ.

Một số đông trong chúng ta chưa đạt được trình độ nói trên. Chúng ta cần môi trường hay khung cảnh Tịnh Ðộ để tu tập, để có được trình độ đó. Trong kinh A Di Ðà, nói rằng trong cõi Tịnh Ðộ không có mặt ba con đường ác (địa ngục, ngã quỉ, súc sanh). Nhưng nếu chúng ta thiếu thực tập, chúng ta không giữ được niệm. Và khi mất niệm, chúng ta không còn trong Tịnh Ðộ, thì ba cõi ác nói trên sẵn sàng tiếp đón chúng ta. Và như vậy chúng ta đã giả từ cõi Tịnh Ðộ mà đi vào một trong ba cõi đó, còn được gọi là cõi Uế Ðộ. Vì vậy, tác giả Dã Hạc thức tỉnh và nhắc nhở chúng ta :

Vườn cảnh trang nghiêm miền Tịnh Ðộ
Lời kinh chuyển hóa cõi tranh đua
Bao phen trôi ngược chừ dừng lại
Tự hỏi tâm mình đã tỉnh chưa ?


hoặc như Thân Dũng xuất :

Niêm hoa vi tiếu trao tâm pháp
Niệm Phật vãng sanh trí đại thừa
Cánh cửa từ bi luôn rộng mở
Bao giờ khép lại cuộc tranh đua


hoặc như Không Hồng :

Ðường dài gót mõi thôi dừng bước
Tự tâm sáng lại ngọn nến xưa.


hoặc như Caphêhát :

Hãy đến rong chơi miền Tịnh Ðộ
Vô thường không hẹn sớm hay trưa !


Môi trường Tịnh Ðộ hay Uế Ðộ là do nhận thức của những người sống trong đó tạo nên.

Môi trường Uế Ðộ là một môi trường ô nhiễm của sự bận rộn, của tiền bạc, của công ăn việc làm hàng ngày, của ganh tỵ, của sự lo lắng sợ hãi…

Môi trường Tịnh Ðộ là môi trường thanh tịnh, tức là vắng những ô nhiễm kể trên. Vì vậy, trong sự tu tập chúng ta có bổn phận tham gia và gìn giữ nó. Mỗi khi đến với môi trường này, chúng ta hãy buông bỏ những bận rộn hàng ngày. Chúng ta dùng những ái ngữ giao tiếp với đồng hữu, đừng dòm ngó, xoi bói người quanh mình…. Chúng ta lúc nào cũng nên tâm niệm: khung cảnh Tịnh Ðộ chỉ là điều kiện cần trong sự tu tập thôi. Chúng ta còn phải cần có một điều kiện đủ nữa. Vì sự tiến hóa của đạo nghiệp, thầy và đạo hữu là điều kiện này. Chúng ta phải kính trọng các thầy, những người hướng dẫn sự tu tập của chúng ta… Ðạo hữu là những người cùng tu tập với chúng ta. Chúng ta cần nhau mà tinh tấn trong đạo nghiệp.

Ðó là sự tham gia môi trường ở phần tâm linh. Môi trường còn phần vật chất nữa. Phần vật chất cũng cần thiết không kém phần tâm linh. Một nội dung được hiển bày hoàn hảo, khi nó được phô ra trong khung cảnh vật chất thích hợp. Vì vậy, sự đóng góp về vật chất phải bàn và nói đến một cách thiết thực. Xây dựng và kiến thiết Tịnh Độ là hoài bão của tất cả chúng ta. Nhưng ta phải khéo léo lắm mới xây dựng được một Tịnh Độ, nếu không, ta sẽ đánh mất bản thân của chúng ta. Chúng ta xây dựng nó phải có chất liệu an tịnh, ta mới gọi nó là Tịnh Độ được. Khung cảnh mà chúng ta muốn tạo lập ra phải có chất liệu "Tịnh" của nó. Tịnh tức là không có sự ô nhiễm về tâm linh lẫn vật chất.

Ðể tóm tắt về khung trời Tịnh Ðộ, và cũng để mơ ước, chúng ta xem đoạn văn trong bài ‘Gió Chim thuyết pháp’ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh:


alt


"Bụt A Di Đà đang thuyết pháp và những con chim bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, và cọng mạng... cũng đang thuyết pháp và giọng hót của những loài chim đó rất hòa nhã. Những con chim này thay phiên nhau hót, một ngày sáu lần (trú dạ lục thời). Đó là công phu sáu thời. Ngày xưa trong sự tu tập người ta chia một ngày làm sáu phần gọi trú dạ lục thời. Trú là ban ngày, dạ là ban đêm. Chia sáu thời trong một ngày, đó là sự thực tập trong truyền thống. Những con chim này biết rằng dân chúng mỗi ngày đều thực tập sáu thời cho nên bắt đầu mỗi thời là hót lên, và trong khi chim hót lên thì ta nghe được tiếng pháp trong đó. Có thể khi chim hót thì đức A Di Đà ngừng thuyết pháp và khi đức A Di Đà thuyết pháp thì chim ngừng hót. Cũng có nghĩa là Bụt A Di Đà và cả các loài chim, cây và gió, khi mở miệng là chỉ thuyết pháp mà thôi.Chung quanh ta cũng đang có rất nhiều loại chim. Nếu sống trong chánh niệm và tâm có định thì chúng ta cũng có thể nghe trong tiếng gió và tiếng chim có tiếng nói pháp. Tiếng nói pháp này có thể được xem như là tiếng nói pháp của đức Bụt A Di Đà hay là của những con chim ở cõi Cực Lạc. Nếu có niệm và định thì tất cả những gì chúng ta thấy và nghe trong đời sống hàng ngày đều là những bài pháp thoại. Một chiếc lá rụng, một bông hoa nở, một con chim bay ngang hay một tiếng chim hót đều là những bài thuyết pháp và người đang nói pháp là Bụt Tỳ Lô Giá Na, tức là Bụt pháp thân."

 

Trần Chánh Trực