Tu hạnh Quán Thế Âm

Quán Thế Âm tiếng Phạn là “Avalokitesvara”, dịch sang tiếng Hán là Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại,… Danh hiệu Quán Thế Âm, nghĩa là Quán sát tiếng kêu than của chúng sanh trong thế gian để độ cho họ thoát khổ.

Theo kinh Bi Hoa, ở vào đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Thời đó có vua Chuyển Luân Thánh Vương hiệu là Vô Tránh Niệm.

Trong triều có một vị đại thần tên là Bảo Hải, vị đại thần này hết sức lo cho dân cho nước, sống rất nhân từ, là phụ thân của đức Bảo Tạng khi chưa xuất gia. Vua Vô Tránh Niệm đối trước đức Bảo Tạng phát bốn mươi tám lời thệ nguyện và được Phật thọ ký tương lai sẽ làm Phật A-di-đà ở cõi thế giới cực lạc phương Tây. Vua Chuyển Luân có rất nhiều người con. Người con cả là thái tử Bất Tuấn, sau này cũng xin xuất gia theo cha và đối trước đức Bảo Tạng Như Lai phát ra bản nguyện đại bi thương xót, cứu độ tất cả các loài chúng sanh bị khổ não. Vì vậy, đức Bảo Tạng thụ ký cho thái tử thành Bồ-tát hiệu là Quán Thế Âm. Bồ-tát Quán Thế Âm là hiện thân của từ bi, Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt được ngu si.

alt

Từ bi nguyên nghĩa là “Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ”. Từ nghĩa là đem niềm vui đến cho kẻ khác. Bi là hành động cứu khổ, nhổ tận nguồn gốc đau khổ. Nói cách khác: Thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an lạc vui sướng gọi là Từ. Đồng cảm nỗi khổ và thương xót chúng sinh, trừ bỏ nỗi khổ cho họ gọi là Bi.

Thuở xưa, ngài Quán Thế Âm đã thành Phật hiệu là “Chánh Pháp Minh Như Lai”. Vì lòng thương xót sự đau khổ của chúng sanh mãi trầm luân lặn hụp trong sáu nẻo luân hồi, Ngài đã thị hiện làm Bồ-tát đảm đương công tác cứu khổ ban vui cho chúng sanh. Ngài quán thấy Phật và chúng sanh có chung một bản thể, một giác tánh duy nhất, nhưng Phật đã giác ngộ nên không bị khổ đau chi phối, trong khi đó chúng sanh còn mê muội nên phải chịu vô số khổ đau. Tuy khổ đau đó chỉ là huyễn hóa, không thật nhưng vì si mê nên chúng sanh chấp chặt cho là thật có, từ đó bị chúng làm cho vô cùng đau khổ. Chính vì vậy mà Bồ-tát Quán Thế Âm phải ra tay cứu khổ, hầu mong  hướng dẫn chúng sanh quay về với bản tâm an vui thật sự của mình.

Bồ-tát Quán Thế Âm có lòng thương yêu chúng ta như thế, vậy chúng ta phải làm gì để khỏi phụ lòng từ ái của Ngài? Để khỏi phụ tấm lòng cao cả của Ngài, mỗi chúng ta cần phải thường xuyên trì niệm danh hiệu của Ngài và nhất là cần phải tu tập theo công hạnh và tâm nguyện của Quán Âm. Nếu ai thường xuyên trì niệm danh hiệu của Ngài thì sẽ được rất nhiều lợi ích như không bị quỷ dữ làm hại, không bị nước trôi, lửa cháy; không bị tham sân si làm hại, cầu mong điều gì chính đáng đều được thỏa mãn... Những lợi ích đó đã được nói rất rõ trong kinh Phổ Môn.

Mặc dù Ngài luôn luôn giúp đỡ mỗi khi chúng ta gặp khổ ách, nhưng Ngài vẫn luôn mong muốn chúng ta tự vượt qua khổ ách bằng nỗ lực của chính mình. Ngài luôn mong chúng ta cũng tu tập hạnh Quán Âm như Ngài đã từng tu tập, để giúp mình và người không còn khổ đau nữa. Vậy tu tập hạnh Quán Âm là tu như thế nào?

Muốn thành tựu hạnh Quán Âm, trước tiên chúng ta cần trở về với chính mình, “lắng nghe” lại chính bản thân chúng ta. “Nghe” ở đây không phải chỉ là lắng nghe đơn thuần mà chính là sự “Quán sát thân tâm” của chúng ta. Khi thân ta bất an, ta nhận biết thân ta đang bất an, ta nhìn thật sâu để thấy rõ lý do của sự bất an ấy. Chẳng hạn khi ta bị đau bao tử, ta phải quán sát xem vì sao ta lại bị đau bao tử. Hoặc là do ta ăn toàn những thức ăn khó tiêu, hoặc là do ta ăn uống không điều độ, hoặc là do ta hay lo lắng... Sau khi biết được nguyên nhân của khổ đau này, bên cạnh việc chữa trị, chúng ta cần phải loại bỏ nguyên nhân gây ra khổ đau ấy. Có như vậy, nỗi khổ ấy mới không còn trở lại với chúng ta. Khi tâm bất an cũng vậy, ta cần phải quán sát và tìm hiểu vì sao tâm bất an. Có thể do lòng tham quấy nhiễu khiến tâm ta bất an, cũng có thể do tâm sân hận bùng phát nên tâm ta bất an, cũng có thể là tâm ta đang lo lắng sợ hãi một điều gì đó. Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân của sự bất an ấy và tìm cách loại trừ nó. Thông thường, muốn vượt qua sự bất an ấy, chúng ta chỉ cần kiên nhẫn ghi nhận sự bất an ấy một cách bình thản, không khởi tâm ghét bỏ hay xua đuổi nó thì không bao lâu nó sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, có một số sự bất an sau khi ta ghi nhận nó vẫn không chịu tan biến. Trong trường hợp này bắt buộc ta phải tìm cho ra nguyên nhân sâu xa của nó để có cách điều trị thích hợp. Ví dụ như, do ban đêm chúng ta ngủ quá ít nên ban ngày chúng ta có cảm giác lừ đừ, buồn ngủ. Mặc dù chúng ta đã ghi nhận rất rõ ràng, nhưng cảm giác này cũng không chịu tan biến. Cách duy nhất để chấm dứt cảm giác buồn ngủ này là ta phải ngủ cho đủ thời gian mà cơ thể cần.

Người tu hạnh Quán Âm cần phải thấy rõ nhân quả, thấy rõ nguyên nhân của các khổ đau để mà tránh xa các nhân xấu, tránh xa những nhân sẽ đem lại quả báo xấu. Người ấy cần phải giữ gìn giới luật cho thật tinh nghiêm vì phạm giới là nhân dẫn chúng ta đi vào chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chịu khổ vô cùng.

Chẳng những tránh xa các hành động dẫn đến khổ đau, người tu hạnh Quán Âm còn cần phải chế tác hỷ lạc cho mình bằng cách thường xuyên làm những việc lành như phóng sanh, bố thí, tụng kinh, tọa thiền, nghe Pháp, lễ Phật, cúng dường Tam bảo...

Bên cạnh việc lắng nghe lại chính mình, người tu hạnh Quán Âm còn phải tập lắng nghe người khác để nhận ra những đau khổ của họ, thấy rõ nguyên nhân của những đau khổ ấy và giúp họ thoát khổ. Ví dụ như khi thấy một em bé đang khóc, chúng ta phải tìm hiểu xem vì sao nó khóc, có thể là nó đói bụng, cũng có thể là nó bị lạnh, cũng có thể nó bị kiến cắn..., chúng ta phải biết rõ lý do em bé khóc để giúp nó hết đau khổ. Nếu ta phát hiện ra đứa bé khóc vì bị lạnh thì ta chỉ cần mặc thêm áo hay đắp thêm tấm chăn cho nó thì nó sẽ hết khóc. Nếu em bé khóc vì đói bụng thì chỉ cần cho nó ăn nó sẽ hết khóc. Đối với những người lớn cũng vậy. Khi ta phát hiện ra họ đang đau khổ vì tâm bệnh, ta sẽ nói lại cho họ nghe những bài Pháp có tác dụng chữa trị tâm bệnh. Nếu họ đang đau khổ vì thân bệnh, ta phải tìm cách giúp cho họ chữa trị thân bệnh. Chẳng hạn khi ta phát hiện một người nọ đang đau khổ vì người thân của họ vừa qua đời, chúng ta cần nói cho họ nghe về sự vô thường của vạn vật trên thế gian này để họ bớt buồn khổ. Đối với người đang bị nỗi buồn bực, ray rứt cấu xé thì ta chỉ cho họ cách ghi nhận nỗi buồn đó và thực tập chánh niệm để vượt qua nỗi buồn đó. Đối với người đang bị đau khổ vì nhức răng, ta có thể khuyên họ đi nha sĩ để chữa trị; đồng thời chỉ cho họ cách ghi nhận cơn đau nhức với thái độ bình thản, đừng có tâm xua đuổi cơn đau nhức bởi vì càng xua đuổi nó càng bám chặt và chúng ta càng thêm đau khổ. Chỉ khi nào chúng ta bình thản quán sát thì chúng mới lắng dịu dần.

Ngoài ra, ta phải luôn luôn tìm cách thân cận với mọi người để khuyên họ làm lành lánh dữ, ăn chay, niệm Phật, trì trai, giữ giới, phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam bảo, lạy Phật, tụng kinh, tọa thiền,... để giúp cho họ thoát khổ, được vui.

Tóm lại, mỗi chúng ta đều nên thường xuyên trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và thực tập hạnh Quán Âm để đem lại an lạc hạnh phúc cho mọi người cũng như chính bản thân mình.

Chánh Niệm