Phật Giáo Và Truyền Thống Trí Thức Của Srilanka

phattichlan.jpg...Đạo Phật trong hình thái sơ khai nhất, nghĩa là trước khi nó phát triển thành một Tôn giáo với mọi thể thức, lễ nghi phụ thuộc là một hệ thống đạo đức dựa trên lý trí và là một triết lý nữa. Vậy điều cần nắm vững là nó khác hẳn với lòng tin đơn thuần mù quáng. Không có giáo điều, và cũng không cần phải chấp nhận thiếu suy xét những lời thuyết giảng của một đấng bề trên; cũng không sợ bị trừng phạt vì sự không chấp nhận nó. Nguyên tắc, “đến để thấy” (ehipasiko) được ứng dụng chặt chẽ trong việc nghiên cứu giáo lý đức Phật, và do đó ta có quyền xem xét giá trị những lời dạy ấy qua mọi khía cạnh và phương diện, rồi mỗi người được tự do chấp nhận chúng chỉ khi nào chúng đã trải qua mọi thử thách gay go.

Suốt mấy thế kỷ đầu liên tiếp theo việc du nhập của đạo Phật, Tăng chúng dường như đã theo đúng con đường trí tuệ và tư duy do chính đức Phật đề xướng. Đây là thời kỳ Phật giáo “nguyên thủy”, nghĩa là thời kỳ mà lời dạy của đức Bổn sư được tôn trọng triệt để không bị thay đổi hay thêm thắt gì như các thời sau. Tăng chúng sống trong những hang đá không qúa xa nơi dân chúng cư ngụ để nhận được sự cúng dường, song cũng không quá gần họ để khỏi bị quấy rầy bởi cuộc sống thế tục. Rồi một Tinh xá xuất hiện trong kinh thành Anurdhapura là Mahàvihàra (Đại Tinh xá) và vài thế kỷ sau, hai tu viện nữa mọc lên: Tinh xá Abhayagiri (núi Vô uý) ở phía Bắc kinh thành và Jetavana (Kỳ Đà Lâm) ở phía Nam.

Phật Giáo Và Truyền Thống Trí Thức Của Srilanka

Nguyên Tâm

Hai mươi năm thế kỷ trước đây, khi đạo Phật du nhập vào Srilanka, hòn đảo nhỏ bé này là nơi cư ngụ của các cộng đồng dân tộc đã đạt được một trình độ cao hơn hẳn những điều kiện căn bản của một nền văn minh. Dân tộc này đã có cuộc sống ổn định trong các thị trấn và thôn làng nhỏ trên các đồng bằng. Họ đã biết đến khoa kiến trúc, dụng cụ cày cấy, săn bắn, xây nhà, chiến cụ... Họ cũng kế thừa một nền cai trị từ Trung ương đến địa phương gồm vua chúa, phó vương, và các vị trấn thủ Kinh thành... Họ theo nhiều Tôn giáo và ít nhất thì những thành phần các gia cấp thượng lưu xã hội cũng được giáo dục đúng khuôn phép.

Biểu hiện hiển nhiên về thực trạng này trong hình thức những lời ghi chép và tài liệu văn học đương thời, hoặc di tích kiến trúc, dù ít ỏi đi nữa thì bằng chứng duy nhất có thể tìm được ngày nay là hai bộ sử Dipavamsa (thế kỷ 4 sau công nguyên) và Mahavamsa (thế kỷ 5-6 sau công nguyên) cùng bộ luận Vamstthapakàsini tất cả đều viết bằng tiếng Pàli. Dĩ nhiên những sử sách này chứa đựng những sự kiện đã được lưu lại cho nhiều tác giả và xã hội trong đó chúng phát triển mạnh phần lớn qua lối khẩu truyền các tư tưởng. Tuy thế, không có lý do đặc biệt nào để hoài nghi, tối thiểu là các phần căn bản của các sự kiện chi tiết trên.

Đạo Phật trong hình thái sơ khai nhất, nghĩa là trước khi nó phát triển thành một Tôn giáo với mọi thể thức, lễ nghi phụ thuộc là một hệ thống đạo đức dựa trên lý trí và là một triết lý nữa. Vậy điều cần nắm vững là nó khác hẳn với lòng tin đơn thuần mù quáng. Không có giáo điều, và cũng không cần phải chấp nhận thiếu suy xét những lời thuyết giảng của một đấng bề trên; cũng không sợ bị trừng phạt vì sự không chấp nhận nó. Nguyên tắc, “đến để thấy” (ehipasiko) được ứng dụng chặt chẽ trong việc nghiên cứu giáo lý đức Phật, và do đó ta có quyền xem xét giá trị những lời dạy ấy qua mọi khía cạnh và phương diện, rồi mỗi người được tự do chấp nhận chúng chỉ khi nào chúng đã trải qua mọi thử thách gay go.

Vì thế, điều tối cần cho một người theo đạo Phật là phải có một khả năng trí tuệ sắc bén để có thể vượt lên trên giới hạn của lòng tin mù quáng, và mạnh dạn tìm hiểu sâu vào niềm tin mới này. Đây là Sraddhà (skt) hay Saddhà (Pàli): Lòng tin dựa vào luận lý và tri thức, chứ không phải bhati, lòng tin do sự kính trọng hay sợ hãi thường thấy trong nhiều Tôn giáo khác. Đạo Phật, khác xa các Tôn giáo kia đây là một hệ thống giáo lý phân tích tâm trí, thực tại cuộc sống, sự hiện hữu của vạn vật và tuyên thuyết các chân lý kết hợp với nhau.

Chư Phật xuất hiện ở đời khi con người đã đạt trình độ tiến hoá cao với trí tuệ trưởng thành và phong phú đủ để lãnh hội những lời dạy theo lý trí. Đạo Phật đòi hỏi con người có trí tuệ phát triển, do đó, giả sử như có một đức Phật ra đời trong một thế giới chỉ có trình độ hiều biết sơ đẳng, thì chẳng khác nào một bông hoa sinh ra chỉ để phí bỏ mùi hương dịu dàng trong bầu không khí sau này!

Hoàn cảnh thuận lợi đã diễn ra ở Bắc Ấn Độ khi đức Phật Thích Ca ra đời, cũng như ở Srilanka khi Tôn giả Mahinda đến truyền bá giáo lý từ vương quốc của đấng minh quân Asoka. Người dân Srilanka thời đó đã được tiếng trưởng thành về phương diện trí tuệ để có thể thấu hiểu lời dạy theo lý trí cao cả này. Vì thế Ngài Mahinda đánh bạo làm một cuộc trắc nghiệm trí tuệ với vua Tissa ngay buổi yết kiến đầu tiên. Theo sử, Mahàvamsa, cuộc đối thoại ấy diễn ra như sau:

Hỏi: Tâu đại vương, cây này tên gì?

Đáp: Cây này là cây xoài, thưa Tôn giả,

Hỏi: Còn có cây xoài nào khác ngoài cây xoài này không?

Đáp: Có nhiều cây xoài lắm.

Hỏi: Vậy còn có các cây nào khác ngoài cây xoài này và cây xoài kia không?

Đáp: Thưa Tôn giả, còn có nhiều cây nữa, song chúng không phải là cây xoài.

Hỏi: Thế ngoài những cây xoài kia và các cây không phải là xoài, còn có cây nào khác không?

Đáp: Thưa Tôn giả, có cây xoài này đây.

(Mahàvamsa XVI, XVII, XIX)

Để tìm hiểu khả năng lý luận của nhà vau không còn gì phải hoài nghi nữa, vị hiền nhân lại hỏi thêm nhà vua và nhận được những câu trả lời như sau:

Hỏi: Tâu đại vương, đại vương có họ hàng thân thuộc không?

Đáp: Thưa Tôn giả, có nhiều lắm.

Hỏi: Thưa Đại vương, thế còn có những người không phải là thân thuộc của Đại vương không?

Đáp: Còn có nhiều người khác ngoài thân thuộc của trẫm.

Hỏi: Thế còn ai ngoài thân thuộc của Đại vương và các người khác nữa chăng?

Đáp: Thưa Tôn giả, lại còn có Trẫm đây.

Vị đại sứ giả kia rất hoan hỉ thốt lên: “Lành thay! Tâu chúa thượng, chúa thượng có trí tuệ thật là sắc sảo!”

Tuy nhiên, về phần chúng ta, nếu cho rằng tất cả dân chúng trên đảo đều có đủ tài lý luận như nhà vua này thì thật không hợp lý. Song có lẽ là Ngài Mahinda kết luận từ những lời đối đáp của nhà vua rằng ít nhất giới tri thức dù chỉ là thiểu số trong dân chúng trên đảo, cũng có thể được lợi lạc nhờ việc truyền đạo của Ngài và góp phần xúc tiến công việc truyền bá đó như Ngài hằng mong ước.

Những biến cố tiếp theo sau đó chứng tỏ Ngài không lầm. Ngài thuyết giảng cho nhà vua một bài Kinh quan trọng: Cullaha-tthipadopama-sutta: Tiểu Kinh dụ Dấu chân voi. Bài Kinh này hàm chứa và phác hoạ một đường nét khác của khoa luận lý và đã được đức Phật dạy cho Bà La Môn Janussoni, tóm tắt như sau: Nếu một ngườu thiện xảo về loài voi vào rừng và tháy dấu chân voi to lớn bề dài rộng đến chu vi, người ấy có kết luận đó là dấu chân của một con voi rất lớn để lại chăng? Không, vì có những con voi cái với bàn chân lớn như vậy và đây có thể là dấu chân của chúng. Tiến thêm nữa, người ấy lại thấy những dấu chân như vậy cùng những dấu in trên thân trên cây cách mặt đất chừng bảy hay tám cubit (1 cubit= 45cm) do con voi cọ sát thân vào người ấy cũng không thể kết luận đây là dấu chân do con voi cao lớn để lại, vì có những voi cái cao với đôi bàn chân lớn trong rừng. Tiến xa hơn nữa, người ấy thấy những dấu chân voi cùng những dấu vết trên thân cây, trên cành do ngà voi cọ xát và cũng vậy, người ấy không kết luận đó là vết chân của loài voi cao vì có những voi cái cao lớn đủ để in những vết chân như vậy. Tiến thêm nữa, ngoài các dấu chân này, người ấy còn chính mắt thấy một con voi, khi ấy mới kết luận rằng chính con vật này để lại các dấu chân trên.

Cũng vậy, người ta không thể vội lết luận khi chỉ mới nhìn thấy đức Phật, rằng đức Phật là bậc Chánh Đẳng Giác, pháp được Ngài khéo thuyết giảng (Svàkkhata) và Tăng chúng khéo hành trì...

Điều đáng chú ý là Ngài Mahinda rời Ấn Độ ngay sau Hội đồng kiết tập lần thứ ba tại Pàtaliputra, tại đây, đạo Phật được công nhận là một giáo lý phân tích (vibbhajjavàda) như đã được phản ánh đầy đủ qua bài Kinh được chọn trên đây. Khi chấm dứt bài giảng, vị đại đức đi truyền đạo ấy cũng nêu rõ những điểm chính yếu của giáo lý thích hợp với dịp này.

Hôm sau Ngài vào kinh thành Anuradh-apura và ở lại trong đó 26 ngày liền. Trong các loạt bài thuyết pháp cho các quan trong triều cùng thường dân, Ngài đã nêu ra toàn bộ giáo lý rõ ràng là một số bài giảng đã lôi cuốn được quần chúng. Chính việc giáo hoá này đã hình thành nếp sống đạo cho nhiều thế hệ hậu sinh.

Suốt mấy thế kỷ đầu liên tiếp theo việc du nhập của đạo Phật, Tăng chúng dường như đã theo đúng con đường trí tuệ và tư duy do chính đức Phật đề xướng. Đây là thời kỳ Phật giáo “nguyên thủy”, nghĩa là thời kỳ mà lời dạy của đức Bổn sư được tôn trọng triệt để không bị thay đổi hay thêm thắt gì như các thời sau. Tăng chúng sống trong những hang đá không qúa xa nơi dân chúng cư ngụ để nhận được sự cúng dường, song cũng không quá gần họ để khỏi bị quấy rầy bởi cuộc sống thế tục. Rồi một Tinh xá xuất hiện trong kinh thành Anurdhapura là Mahàvihàra (Đại Tinh xá) và vài thế kỷ sau, hai tu viện nữa mọc lên: Tinh xá Abhayagiri (núi Vô uý) ở phía Bắc kinh thành và Jetavana (Kỳ Đà Lâm) ở phía Nam. Đời sống của Tăng chúng tại đây không thể ví với đời sống của Tăng chúng ở thành thị ngày nay vì chỉ có sự khác biệt giữa các nhà tu ẩn sĩ theo truyền thống cổ với các vị này là chỗ các vị có tham gia vào một số hoạt động thế tục và tiếp xúc với vua chúa, mà các hoạt động đó thuần trí thức các vị ấy nắm giữ vai trò của các Bà La Môn trước đây để giáo dục thế hệ trẻ, vì nhiệm vụ đó mà các Tinh xá này cùng các Tinh xá nhỏ được xây tương tự trở thành các trung tâm học tập, và dần dần việc giáo dục trong các thời kỳ này lại là phận sự được giao cho các chư Tăng.

Việc dạy học chỉ là khẩu truyền (như trong mọi xã hội sơ khai) và việc nghe giảng là phương tiện chính để thu thập kiến thức. Sự kiện này phát sinh ra lối giải thích một người học rộng là Bahasrita hay Bahussuta (đa văn), một từ ngữ vẫn còn thông dụng đến ngày nay. Điều ấy xác định rằng trí nhớ đóng một vai trò trọng yếu trong việc học tập của mỗi người: Dĩ nhiên là phải vậy ở thời kỳ chưa có tài liệu tham khảo và trí nhớ là nơi tích trữ kiến thức làm nguồn tham khảo. Quyển Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) được kiết tập vào thế kỷ V tại Mahàvihàra đề cập nhiều vị Tỳ Kheo đã lập được kỳ công phi thường về trí nhớ: Một số vị có thể đọc thuộc lòng toàn bộ Kinh tạng Nikàya. Những thành tựu trí óc như vậy không những chỉ phản ánh trong tín thành và chuyên tâm đối với việc học tập tinh cần của mỗi vị mà còn chứng tỏ một trạng thái tinh thần lành mạnh mới thực hiện nổi những công trình tăng trưởng trí huệ như vậy. Từ đó xuất danh từ bhànaka (người đọc thuộc lòng theo trí nhớ) và gana (Tăng sĩ có khả năng chuyên môn cao) và thời đó các vị này được xem là những học giả mẫu mực và lừng danh.

Vào khoảng đầu thế kỷ I sau công nguyên, Tinh xá này bị đe doạ trước nguy cơ chia rẽ. Vì trong thời đại vua Vatta Gàmani Abbaya, một vấn đề giới luật đã khiến cho một vị trưởng chúng cùng 500 đệ tử rời Tinh xá Mahàvihara để đi đến Tinh xá mới là Abhay-yagiri, nơi về sau đã tách rời Thượng Toạ Bộ. Chính thống, giáo lý do đức Phật thuyết giảng cho các vị trưởng lão, để trở thành căn cứ Đại thừa giáo của Srilanka, mà dù chỉ vài thế kỷ trước tông phái mới này du nhập vào các xứ phương Bắc (ngày nay được gọi là Bắc Tông Phật giáo). Sự tranh tài giữa hai tu viện này không những chỉ làm phát sinh một truyền thống Phật giáo mới ở Srilanka, mà còn tạo nên nhiều tác phẩm văn học chưa từng được Thượng Toạ Bộ biết đến. Cả hai tu viện ấy hiển nhiên đã đóng góp lớn lao vào Phật giáo ở Srilanka và mặc dù dân chúng đây không theo Đại thừa giáo (Mahàyana) hoặc thực hành những nghi lễ cầu kỳ của phái này, tuy thế những đường lối tư duy đạo lý và những tập tục nguyên thủy chính thống cũng mất dần vẻ “thuần tuý”. Do sự thu nhận một cách ngoài ý thức các đường lối của phái kia.

Trong khi thượng toạ Bộ thông thạo ngôn ngữ bản xứ và tiếng Pàli mà giáo ký nguyên thuỷ đẫ được truyền đến, phái Đại thừa thông thạo tiếng Sanskrit là ngôn ngữ mà giáo lý này được kết tập.

Cuối thế kỷ thứ 3, chứng kiến sự thành lập Tinh xá Jetavana, Tăng chúng ở đây thiên về phái Đại thừa hơn. Song chắc chắn là đã đóng góp lớn lao vào sự nghiệp văn hoá Phật giáo. Vào thế kỷ thứ V, nhà chiêm bái Trung Hoa Pháp Hiển (Fa-Hsien) đến sống 5 năm tại Tinh xá Abhayagiri, đã tán thán Tăng chúng Srilanka là đầy đủ khả năng trí tuệ và đạo đức.

Nếu sự phát triển trí thức của Tinh xá Abhayagiri được các sự kiện trên xác nhận, thì sự phồn thịnh của Tinh xá Mahàvihàra, được các nhà bác học Ấn Độ Buddhaghosa sang chứng kiến. Ngài đã nghe nói đến các tài cao của các vị Tăng sĩ lâu nay từng kiết tập những bộ phận về Kinh tạng Pàli nguyên thuỷ bằng tiếng bản xứ Sihala. Ngài Buddhaghosa, vì muốn đem về xứ Ngài cũng là quê hương của đạo Phật tất cả các tác phẩm văn học về Phật giáo nên đã dịch các bộ luận ấy thành tiếng Pàli. Những sách này cùng với bộ Thanh Tịnh Đạo vĩ đại mà Ngài kiết tập, không chỉ là tài năng cống hiến cho trí tuệ của Ngài mà còn cho Tăng chúng tại Mahàvihàra nữa. Một sự kiện đặc bịêt có ý nghĩa là Ngài ghi nhận sự hiện hữu của các bậc Alahán (những vị thánh đã đạt trình độ trí tuệ tối cao trong Phật giáo) ở ba trú xứ gần Anuradhapura và một ở miền Nam. Như vậy hiển nhiên vào thế hỷ thứ V, giáo lý đức Phật đã được các Tăng sĩ Srilanka khéo lĩnh hội và hành trì.

Như lịch sử ghi lại sự hiện diện của Tăng sĩ Àbhidhammika Gidatta là một Tăng sĩ chuyên về luật tạng trong khi lại là một luật sư Abhidhamma vào thế kỷ I sau công nguyên. Tương truyền vua Agbo I (568-601) thường vấn ý kiến Tăng sĩ Dàthà Siva và suốt thế kỷ XV lừng danh thi sĩ bác học vừa là Tăng sĩ Tetagamuve Sri Rahula, đã tham gia tích cực vào quốc sự.

Trong các vua chúa, cũng có những vị với khuynh hướng chuộng tri thức, để tạo những thành tựu cho bản thân cũng như khuyến khích sự nghiệp ấy trong nước. Tương truyền vua Moggallana II (537-56) đã tưởng thưởng các vị pháp sư, và chính nhà vua là thi sĩ đã làm nhiều bài thơ đạo rồi ngâm cho các đạo hữu nghe. Vua Moggalla III (611-617) cũng tôn trọng giới học giả tri thức. Còn vua Kàsyapa V (908-18) đã kiết tập một bộ luận đầu tiên bằng tiếng Sinhala hiện hành ngày nay. Về quyển Pham-mapadttha Katha, đó là một kiệt tác văn học. Vua Parakràma Bàhu II (1236-70) có lẽ là vị vua vĩ đại nhất, sau khi thoái vị đã đeo đuổi sự nghiệp tri thức. Ngài kiết tập một bộ luận về quyển Visuddhimagga của Buddhaghosa, đó không chỉ là một tác phẩm bình giảng văn học như Ngài dự tính, mà còn là một tiểu từ điển Bách khoa Phật giáo và một công trình văn học vĩ đại. Ngài còn được xem là tác giả “Khúc đại thi” cảm hứng từ chuyện Bổn sanh Kusa. Vua Parakràma Bàhu VI (1412-56) cũng là vị vua bảo trợ ưu ái các hoạt động văn chương.

Cùng với việc xuất hiện dần truyền thống “Tăng chúng ở làng” (gràmavàsì) khác với truyền thống “Tăng chúng sở rừng” (vanavàsì) dường như các hoạt động văn chương, học thuật đã được đề cao. Các Tăng sĩ bắt đầu lừng danh là các văn sĩ, nhà ngôn ngữ học, thi sĩ, văn phạm gia, nhà soạn từ điển, luận sư... và phát huy tài năng kiến thức do địa vị xã hội đòi hỏi các vị ấy tiếp xúc, thành cận với thế tục hơn, một số vị còn hành nghề y sĩ và thiên văn nữa. Điều này không có nghĩa là truyền thống xưa biến mất mà nó trở nên ít thịnh hành hơn so với một số đông Tăng sĩ theo nếp sống phù hợp nhiều nhu cầu xã hội.

Rõ ràng truyền thống tri thức đã được phát huy trong lãnh vực văn chương, một nghệ thuật đã được biết tới ở Srilanka từ thế kỷ thứ III sau công nguyên theo các bằng chứng tìm được như trên. Tuy thế, điều hơi kỳ lạ là gần một thế kỷ rưỡi giáo lý không được viết thành văn.

Chính các Tăng sĩ ở Mahavihàra đã thực hiện việc đó: Các vị ấy chép Tam tạng Kinh điển vào tấm bằng vàng và bảo trì chúng ở Tinh xá Alu (phía Nam thành Anuràdhapura). Đó là văn thể đầu tiên được ghi chép trong lịch sử Srilanka và đó là bước khởi đầu cho truyền thống phong phú mà các Tăng sĩ tham gia rất nhiệt tâm nhiều thể loại văn học ở Srilanka trong 13 thế kỷ đầu tiên của đạo Phật viết bằng 3 ngôn ngữ Pàli, Sinhala (tiếng bảm xứ) và Sanskrit, đã bị mất qua các vụ tranh chấp về giáo lý, do nạn ngoại xâm thiên tai. Song những gì còn tìm được nói lên rất nhiều đặc tính uyên bác của các Tăng sĩ này.

Ta cũng có thể nói nhiều về văn học bằng tiếng Sinhala suốt vài thế kỷ trong lịch sử Srilanka, nhiều sách được viết về các giai phẩm này, dù là biên dịch, sáng tác, giải thích, bình luận, sư phạm chú giải tự điển, thi ca hay khoa học bằng văn xuôi lẫn văn vần. Trong nhóm tinh hoa Tăng sĩ vừa là văn sĩ ấy, số người thế tục rất ít. Điều đáng chú ý là một số Tăng sĩ có biệt danh Sadhàsàparamèsvara (vị tinh thông sáu ngôn ngữ) đã là vinh dự Srilanka trong thế kỷ XV. Giữa các nhân vật này, Thượng toạ Totagmauvè Sri Rahùla là vị lừng danh nhất. Ngài là vị thượng thủ của tu viện Vijayahà Pirivena, bị ngoại xâm Bồ Đào Nha phá huỷ vào thế kỷ XVI.

Trong hơn 200 năm từ đầu thế kỷ XVI, nhiều phương diện văn hoá của Srilanka bị suy tàn do chiến tranh liên tục chống các lực lượng Âu Châu hùng hậu. Vùng đồng bằng hầu như thiếu hẳn giới học thức trí thức còn xót lại di tản đến các thung lũng ở Cao nguyên. Suốt đầu thế kỷ XVIII thật khó tìm được một trường học dù sơ cấp ở xứ này. Thượng toạ Vàlivita Saranankara, nhà đại cải cách xuất hiện từ lớp Tăng chúng đang suy tàn ở vùng cao nguyên trung ương, đã ý thức rõ rệt những bất lợi khủng khiếp của đất nước. Ngài cùng đám người cộng sự nhiệt tình phải mất hai thập niên để tinh thông tiếng Pàli và sử dụng tiếng Sinhala, đưa nó trở lại mức độ thịnh hành như những thời kỳ vàng son kiến thức ở Srilanka. Đó là sức hồi sinh mãnh liệt đã châm lại ngọn lửa truyền thống trí thức hầu như tắt ngấm ở đây và mở đầu cho những thành tựu văn hoá cao hơn ở thế kỷ sau.

Song hoàn cảnh không thật sự thuận lợi cho xứ này khi đế quốc Anh trong thế kỷ trước đã dùng những biện pháp cực kỳ gắt gao để người dân Srilanka chỉ còn giữ được màu da bản xứ mà thôi. Đạo Phật phải chịu đựng đến mức độ chưa từng có trước đây, song chính phần còn lại của truyền thống trí thức trong nước đã có một lần nữa xoay chiều thuận lợi cho tín đồ Phật giáo mãi mãi.

Cuộc chạm trán giữa các lực lượng đối lập diễn ra dưới hình thức những cuộc tranh luận (vàda), nơi đó, các nhà ngoại đạo sư bản xứ gặp các Tăng sĩ để tranh luận công khai. Những cuộc tranh luận này không có tính triết lý cao xa gì, song các Tăng sĩ do Thượng toạ Migettuvattè Gunànanda đại diện lớp học giả Phật giáo bản xứ đã làm cho các đối thủ phải im lặng và từ bỏ đường lối hành động ấy mãi mãi. Chẳng bao lâu lớp học giả Srilanka lại nổi bật lên với Ngài Agàrika DhammaPàli diễn thuyết trước hội đồng Tôn giáo ở Chicago (1983). Trong một bài tham luận đặc sắc, Ngài đã gây ấn tượng sâu xa cho đám thính giả gồm toàn các nhà Tôn giáo lừng danh lỗi lạc khắp thế giới, về tính cách độc đáo của đạo Phật. Được khích lệ bởi tư tưởng và hành động của các vị này cùng những nỗ lực của nhà thần trí học Mỹ H.S. Olcott, Phật giáo SriLanka đã trải qua một cuộc hồi sinh. Nhiều tổ chức và nghiên cứu Phật học được thành lập và nhiều tạp chí bằng tiếng Sinhala ủng hộ đường lối này. Nhiều học giả Phật giáo do các Thượng toạ Vaskaduve S. Subhùti, Alugama S. Silakkhanda, Donaduve S. Piyaratana... Hướng dẫn và khuyến khích việc nghiên cứu theo truyền thống cổ điển. Hai viện cao học Phật giáo Vidyodaya và Vidyalankara Pirivenas ra đời, lôi cuốn các nhà học giả rất nhanh.

Cờ Phật giáo ngày nay được quốc tế công nhận là kết quả của các nỗ lực trên, lần đầu tiên được phác hoạ và trưng bày tại Colombo năm 1890.

Hơn nữa vào giữa thế kỷ XIX, các nhà trí thức phương Tây dần dần ý thức được đặc tính vĩ đại của các ngôn ngữ, triết lý và Tôn giáo Ấn Độ Srilanka như một nơi tàng trữ Phật giáo của Thượng toạ Bộ quý giá nhất thế giới. Quyển Đại Sử Ký Mahàvamsa bảo tồn lịch sử của cộng đồng dân tộc Sinhala từ thời kỳ tiền Phật giáo và liên tục trong gần 2500 năm đã làm say mê các học giả trên là một kiệt tác độc nhất vô nhị thuộc loại này trong toàn thế giới. Ngoài ra một số lớn tác phẩm Phật học bằng tiếng Pàli đủ thể loại văn, thơ, luận, cùng một nền văn học đạo giáo phong phú bằng tiếng bản xứ Sinhala, là kho tàng vô giá của Srilanka, đã thu hút các nhà “Đông phương học” từ giới trí thức Tây phương. Mặt khác Srilanka còn có vô số học giả hiện nay không chỉ thông hiểu và còn phân tích, giải thích nội dung các tác phẩm ấy cho những ai muốn tìm hiểu chúng. Các học giả trên cùng các nhà Valigama Sumangall và Polvatte Buddadatta thời mới đây, vừa am hiểu giáo lý, vừa tinh thông tiếngd Pàli, có giá trị rất lớn đối với các vị Turnour, Rhy Davids, Childers, Chalmers, Cowell và Wood ward của nước Anh, Warren của Mỹ, Fsusholl của Đan Mạch, Geiger Max Muller, Oldenburg và Rost của Đức, Minayev của Liên Xô, đã phiên dịch các tác phẩm Pàli, biên soạn từ điển để truyền bá cho lớp thức giả ở những nơi xa xôi hơn trước nhiều. Hội Pali Text Society (hội văn học Pàli) của Anh đã soi ngọn đèn vô địch dẫn đường trong sự nghiệp truyền bá kiến thức Phật học bằng tiếng Pàli do bà Rhys Davies đề xướng, bà là một bầy tôi của vương quốc Anh, đến Srilanka, học tập với Ngài Hikkaduvè Sumangala tại viện Vìdyo daya.

Với sự quan tâm vào Phật giáo ngày càng tăng, đặc biệt là Tây phương, các nhà truyền giáo càn thiết sử dụng ngôn ngữ Tây phương nhất là tiếng Anh. Mà nơi đâu ngoài Srilanka là nơi có nhiều Tăng sĩ theo truyền thống bác học ngày xưa, lại thông thạo tiếng Anh nữa? Vì thế phái đoàn truyền đạo Phật đầu tiên đã lên đường từ Colombo đi Anh quốc, và nhiều tu viện được thành lập ở tại Berlin, Luân Đôn, Paris, Washington, Los Angeles... Các trung tâm Đại Bồ Đề được xây dựng tại Ấn Độ do các Tăng sĩ Srilanka lãnh đạo. Srilanka vẫn đứng tiền phong trong nhiệm vụ truyền bá Phật giáo khắp thế giới (gồm cả Phi châu và Nam Mỹ châu). Nhiều tu viện đang đào tạo lớp Tăng sĩ trong công tác đi truyền đạo nhất là đảm trách nhiệm vụ đầy khó khăn là thuyết pháp cho xã hội có ý thức khoa học cao ngày nay. Ngài Narada đã dành phần lớn cuộc đời đi truyền bá lời dạy của đức Phật trong nhiều nước, vài nơi đã xây “Tinh xá Srilanka” để tỏ lòng ngưỡng mộ Ngài, và những tác phẩm của Ngài về giáo lý căn bản nổi tiếng khắp thế giới.

Còn truyền thống trong giai đoạn sơ khai của Phật giáo cũng bị xao lãng. Chư Tăng sống ở rừng vẫn ở đó trong những thời kỳ khó khăn nhất và các Ngài còn được ngưỡng mộ hơn mặc dù rất ít tiếp xúc với giới cư sĩ. Các Ngài vẫn sống trong hang đá và các đoàn hành hương thường đi chiêm bái các nhà tu ẩn sĩ này dù ở rừng sâu hay hải đảo.

Như vậy cần nhận xét thật đúng đắn là truyền thống ngày xưa của Srilanka vẫn được nối tiếp cho đến ngày nay và giới Tăng sĩ Srilanka đã đóng góp lớn lao vào sự nghiệp duy trì và truyền bá giáo lý đức Phật. Nhiều vị lãnh tụ Phật giáo, cả xuất gia lẫn cư sĩ vẫn trung thành với truyền thống phong phú này, trong số đó, giáo sư G.P. Malalasekera được giới Phật giáo toàn cầu công nhận là một trong các vị bác học lỗi lạc nhất hiện đại. Và chính nhờ sức cống hiến của Srilanka qua bao thế kỷ vào nguồn Kinh điển còn tìm thấy ngày nay mà xứ này được thừa nhận làm nơi tụ hội để kiết tập từ điển Bách khoa Phật giáo khi dự án vĩ đại ấy được đề ra vào dịp đức Phật đản sinh 2500 (1956), giáo sư Malalasekera được vinh dự giữ chức tổng biên tập. Nhiều học giả quốc tế cộng tác với các vị đồng sự Srilanka trong nỗ lực cao cả này.

Cùng năm ấy Hội Ái Hữu Phật Giáo đứa con tinh thần của giáo sư Malalasekera được thành lập để đưa các cộng đồng Phật giáo thế giới thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau vào chung một đoàn thể. Bấy giờ nó trở thành mọi diễn đàn của mọi vị học giả lỗi lạc trên thế giới Phật giáo hiện đại cùng hòa hợp để xúc tiến việc cảm thông lẫn nhau và thực hiện các nguyện vọng chung.

Tóm lại, truyền thống trí thức của Phật giáo Srilanka là một trong những khuôn mẫu xưa nhất được dân tộc nhỏ bé này nuôi dưỡng và bảo tồn qua bao thế kỷ gặp thử thách dữ dội từ các lực lượng đối lập để góp phần vào sự nghiệp duy trì một đạo giáo vừa là một triết lý cao cả nắm giữ bí quyết đưa đến con đường hòa bình trong thế giới bị chiến tranh tàn phá này.

Mùa An Cư 2533

Lược dịch theo báo Buddhists For Peace số 1/ 1998.

Nguyên bản Giáo sư Vithrana