Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Đức Niệm

...Nhờ túc duyên tiền kiếp, nên mặc dù không ai khích lệ thúc đẩy, Ngài vẫn một mình cố công tìm đường hướng về với đạo lý giác ngộ. Khởi đầu, Ngài xin xuất gia với Hòa thượng Thích Minh Ðạo tại Chùa Long Quang, Phan Rí năm 13 tuổi.

...Năm 1979, đáp lời mời của Hòa thượng Thích Thiên Ân, Viện trưởng Viện Ðại Học Ðông Phương, Ngài rời Ðài Loan đến Los Angeles, Hoa Kỳ, đóng góp cho công cuộc truyền bá đạo pháp và văn hóa truyền thống của dân tộc trên đất mới này. Trong khi còn đi học ở trong nước cũng như sau khi hoàn tất chương trình học vấn ở hải ngoại, đời của Ngài là một chuỗi dài hoạt động không ngừng cho đến khi lâm trọng bệnh không thể nào hoạt động được nữa.

...Tháng 6 năm 1981, Ngài chính thức tạo lập cơ sở Phật Học viện Quốc tế để đào tạo Tăng tài, truyền bá chánh pháp, bảo tồn và phát triển niềm tin vào truyền thống văn hóa dân tộc.

...Xác thân tứ đại của Ngài theo luật vô thường đã không còn nữa, nhưng những xây dựng, đóng góp của Ngài cho Phật giáo Việt Nam tại Hải Ngoại, cho nền văn học Phật giáo Việt Nam khi định cư ở xứ người sẽ tồn tại mãi mãi.

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Đức Niệm (1937 - 2003)

Môn Ðồ Pháp Quyến kính ghi

1. Thân thế

Hòa thượng họ Hồ, húy Ðắc Kế, Pháp danh Nguyên Công, tự Ðức Niệm, bút hiệu Thiền Ðức, thuộc dòng truyền thừa của Phật Giáo Việt Nam, sinh năm Ðinh Sửu (1937) tại làng Thanh Lương, phủ Hòa Ða, tỉnh Bình Thuận, nay là xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Nhờ túc duyên tiền kiếp, nên mặc dù không ai khích lệ thúc đẩy, Ngài vẫn một mình cố công tìm đường hướng về với đạo lý giác ngộ. Khởi đầu, Ngài xin xuất gia với Hòa thượng Thích Minh Ðạo tại Chùa Long Quang, Phan Rí năm 13 tuổi. Sau đó, trên đường tầm sư học đạo, Ngài cầu học với Hòa thượng Trí Thắng Chùa Thiên Hưng và Hòa thượng Viện chủ Chùa Trùng Khánh ở Phan Rang, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa Thượng Trí Quang ở Chùa Ấn Quang, Sài Gòn, và Hòa thượng Trí Thủ ở Phật Học viện Hải Ðức Nha Trang...

Vào năm 1962, Ngài tốt nghiệp Cao đẳng Phật giáo tại Phật học Ðường Nam Việt Chùa Ấn Quang Sài Gòn. Song song với Phật học, Ngài cũng chú tâm đến thế học. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn khoa Ðại Học Vạn Hạnh năm 1966, Ngài được học bổng du học Ðài Loan năm 1969. Tại đây, Ngài đỗ Cao học năm 1972 và Tiến sĩ Quốc gia về Văn Triết Học năm 1978.

Năm 1979, đáp lời mời của Hòa thượng Thích Thiên Ân, Viện trưởng Viện Ðại Học Ðông Phương, Ngài rời Ðài Loan đến Los Angeles, Hoa Kỳ, đóng góp cho công cuộc truyền bá đạo pháp và văn hóa truyền thống của dân tộc trên đất mới này. Trong khi còn đi học ở trong nước cũng như sau khi hoàn tất chương trình học vấn ở hải ngoại, đời của Ngài là một chuỗi dài hoạt động không ngừng cho đến khi lâm trọng bệnh không thể nào hoạt động được nữa.

2. Hoằng pháp lợi sanh

Từ năm 1966 đến 1969 trước khi đi du học, thể theo lời mời của Giáo hội, Ngài đảm nhiệm:

Hiệu trưởng trường Trung học Bồ Ðề quận Chợ Mới tỉnh Long Xuyên;

Chánh Ðại Diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Gia Ðịnh;

Chánh thư ký Phật học Vụ, Giáo hội PGVNTN;

Giám Ðốc Trường Trung học Bồ Ðề tỉnh Bình Dương.

Năm 1978, trong khi còn du học ở Ðài Loan, trước thảm nạn của đồng bào vượt biển, Ngài được đồng bào và sinh viên Việt nam mời đảm nhiệm: Chủ tịch Hội Cứu Trợ Thuyền Nhân Vượt Biển Tỵ Nạn (tại Ðài Loan).

Năm 1979, thể theo lời mời của Hòa thượng Thiên Ân, Ngài sang Hoa Kỳ với chức vụ: Phó Viện Trưởng Viện Ðại Học Ðông Phương kiêm Giám Ðốc Phật Học viện Quốc tế. Tại đây và ngay trong thời gian đầu, Ngài đã xúc tiến thành lập ấn quán Ananda để in Kinh sách Phật giáo, bắt đầu đi thuyết pháp và lập đạo tràng khắp nơi.

Tháng 6 năm 1981, Ngài chính thức tạo lập cơ sở Phật Học viện Quốc tế để đào tạo Tăng tài, truyền bá chánh pháp, bảo tồn và phát triển niềm tin vào truyền thống văn hóa dân tộc.

Năm 1988, đáp ứng với tình hình Phật sự lúc bấy giờ, Ngài đảm nhiệm chức vụ: Chủ tịch Ðiều Hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Hoa Kỳ.

Năm 1992, khâm thừa giáo chỉ Viện Tăng Thống của Giáo hội ở trong nước, Ngài đã cộng tác toàn tâm toàn lực với chư Tôn đức Tăng Ni và cư sĩ để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ và sau đó được cung thỉnh giữ chức vụ: Chánh Văn Phòng Hội Ðồng Ðại Diện

Một cách tổng quát, nhờ được phước duyên nhiều năm thân gần tu học với các bậc cao Tăng thạc đức Việt Nam, Hòa thượng Ðức Niệm lúc nào cũng chú trọng vấn đề tu học, hoằng pháp và đào tạo Tăng tài. Bất cứ ai đến Phật Học viện ít nhiều cũng đều cảm nhận sắc thái đạo phong tu học, lục hòa, thanh tịnh trong chốn Thiền môn.

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, thuở khởi đầu, cảnh trí Phật Học viện thật hoang sơ và xa cách cộng đồng người Việt. Nhiều Phật tử lo ngại tương lai của Viện vì chẳng khác nào "cọp rời rừng, cá bỏ nước.” Nhưng Ngài vẫn thản nhiên trấn an: "Giới luật còn là đạo pháp còn. Giới luật trang nghiêm là hoàn cảnh trang nghiêm. Giới đức có năng lực hoán cải hoàn cảnh " Phật Học viện ngày nay đã khác xưa nhiều.

3. Góp phần bảo tồn nền văn học Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại

Tuy luôn luôn bận rộn với những công tác Phật sự của Giáo hội, giảng dạy đồ chúng và thuyết pháp khắp nơi, Hòa thượng Ðức Niệm vẫn luôn luôn quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc ở xứ người mà chính yếu là nền văn học Phật giáo Việt Nam được chuyên chở qua Kinh điển, sách báo Phật giáo bằng chữ Việt. Do đó, ròng rã suốt hơn 20 năm qua, xuất bản các Tập san định kỳ, dịch thuật và biên soạn Kinh, Luật, Luận. Đặc biệt Ngài đã thực hiện các công trình in ấn Kinh sách, với công trình này ngài đã in ấn hàng vạn quyển Kinh sách phổ biến khắp nơi trên thế giới.

a. Ấn hành Kinh sách: Ðáp ứng với tình trạng thiếu Kinh sách Việt ngữ để tu học một cách nghiêm trọng cho cộng đồng Phật tử khắp nơi ở hải ngoại, đặc biệt trong giai đoạn chưa có sự giao lưu giữa Việt Nam và Thế giới bên ngoài, cơ sở ấn hành Phật Học viện Quốc tế đã kịp thời in và phát hành nhiều Kinh sách Phật giáo. Tính cho đến nay, đã có khoảng 235 Kinh sách đủ loại đã được in và phát hành.

b. Xuất bản các Tập san định kỳ: Nhằm phổ biến tin tức và giáo lý đến các cộng đồng Phật tử Việt Nam sống rải rác khắp nơi trên Thế giới, Hòa thượng Ðức Niệm đã liên tục cho xuất bản các Tập san định kỳ mà danh xưng tùy hoàn cảnh tổ chức của sinh hoạt Giáo hội có khác nhưng nội dung vẫn trước sau như một. Liên tục từ năm 1980 đến năm 2000, đã có những Tập san như sau:

Tập san Phật Học viện Quốc tế (từ năm 1980 đến 1984)

Tập san Phật học (từ năm 1985 đến 1988)

Tập san Phật giáo Thống nhất (từ năm 1988 đến 1993)

Tập san Phật giáo Hải Ngoại (từ năm 1994 đến 2000)

c. Dịch thuật và biên soạn: Ngoài những bài viết được đăng trên các Tập san Phật giáo, Hòa thượng Ðức Niệm còn dịch thuật và biên soạn những Kinh, Luật Luận để Tăng Ni và Phật tử có tài liệu tu học và nghiên cứu, tham khảo như sau:

Phật Pháp Yếu Nghĩa (Biên soạn – 1988)

Câu Xá Luận Cương Yếu (Dịch – 1985)

Kinh Bảo Tích Giảng Giải (Dịch và giải – 1986)

Tại Gia Bồ Tát Giới (Soạn dịch – 1989)

Lược Truyện Tiền Thân Ðức Phật (Soạn dịch – 1988)

Tịnh Ðộ Ðại Thừa Tư Tưởng Luận ( Soạn dịch – 1989 )

Kinh Thắng Man Giảng Giải (Dịch giải – 1990)

Phương Pháp Cải Ðổi Vn Mạng (Soạn dịch – 1991)

Pháp Ngữ Lục (Biên soạn – 1991)

Kinh A Nan Vấn Phật Cát Hung (Dịch giải – 1994)

Kinh Kim Cang Bát Nhã Giảng luận (Dịch – 1997)

Tâm Kinh Yếu Giải (Dịch - 1998)

Thiện Tài Cầu Ðạo (Soạn dịch – 1998)

Người Muôn Thuở (Sáng tác – 1996)

Những Mùa Vu Lan (Sáng tác – 1996)

Cho Trọn Mùa Xuân (Sáng tác – 1996)

Tóm lại, kể từ khi đến Hoa Kỳ, suốt 20 năm qua, bên cạnh những hoạt động để kiện toàn Giáo hội, Hòa thượng Ðức Niệm đã kiên tâm trì chí thực hiện tâm nguyện: ấn hành Kinh sách, xuất bản Tập san, dạy dỗ Tăng chúng, duy trì nếp sống Thiền môn, trước tác dịch thuật, hoằng pháp khắp nơi, tạo dựng đạo tràng, bảo truyền văn hóa dân tộc. Hiện nay, Ngài đã tạo cho Phật Học viện có một thư viện phong phú bao gồm Ðại Tạng Kinh cùng nhiều loại Kinh sách báo chí bằng Anh, Hán và Việt ngữ.

Xác thân tứ đại của Ngài theo luật vô thường đã không còn nữa, nhưng những xây dựng, đóng góp của Ngài cho Phật giáo Việt Nam tại Hải Ngoại, cho nền văn học Phật giáo Việt Nam khi định cư ở xứ người sẽ tồn tại mãi mãi.