VÀI NÉT VỀ THÁP TĂNG Ở HUẾ

...Tháp Tổ hay Tháp Tăng đều thuộc loại mộ Tháp. Bên ngoài có la thành hình chữ nhật gọi là uynh Thánh, bên trong có thành thấp hơn gọi là nữ tường, đây chỉ là những từ ngữ đặc trưng chỉ thành ở lăng mộ.

...Cách trình bày mặt trước ở dưới Tháp gần như có một kiểu thống nhất. Trước hết có một khối hình chữ nhật đắp bằng vôi gạch; nhưng người ta làm kép thành hình cái bàn thấp, có mặt chạy đường gờ, có bốn chân quỳ đứng y dạng cái bàn bằng gỗ gọi là “kỷ hương”, là nơi để thiết bàn thờ khi có lễ “tảo Tháp”, còn thường ở đó chỉ có thiết bát nhang. Kỷ này có thể xây xa chân Tháp như ở Tháp Tổ Liễu Quán, có thể xây sát chân Tháp như vô số Tháp Tăng khác.

VÀI NÉT VỀ THÁP TĂNG Ở HUẾ

Thúy Hồng La Chữ


Nói đến Phật Giáo xứ Huế, có một phạm trù mà từ trước tới nay hầu như ít ai đế ý đến, nếu không muốn nói là quên, đó là Tháp Tăng. Tuy với bề dày lịch sử chưa đầy ba trăm năm nhưng quả tình Tháp Tăng ở Huế rất đa dạng trong phong cách kiến trúc, phong cách trang trí. Cùng với cảnh đẹp thiên nhiên của núi đồi cả một vùng lớn mạn Nam sông Hương, Tháp Tăng ở Huế có thể có nhiều điều lý thú nếu ta nghiên cứu chuyên sâu vào đề tài.

Trong phạm vi một bài chúng tôi làm sao nói hết được những điều cần thiết, chỉ phác nhanh mấy nét sau đây:

1.      Một thoáng nhìn theo viễn cảnh lịch sử.

Xưa nhất là các Tháp Tổ, Tháp Tăng được tạo vào thế kỷ thứ mười tám. Tháp Ngài Khắc Huyền Lão Tổ. Trong sách ghi bia Tháp là: “Đông thượng chính tông, khai sơn Thiền Lâm Viện Khắc Huyền Lão Tổ Hoà thượng chi Tháp.” Chính Hoà thứ 27 ứng với Tây lịch là năm 1706, niên hiệu cuối cùng của vua Huy Tôn nhà Lê. Thực sự, trong lịch sử thì năm 1706 đã thuộc về niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ hai thuộc triều vua Lê Dụ Tông rồi. Ở Thuận Hoá lúc đó do chúa Nguyễn Phước Chu (1671- 1725) làm chúa Nam Hà. Có lẽ đường sá xa xôi, diệu vợi, có nhiều cách trở, nên khi ở Hà Bắc đổi niên hiệu Vua Lê, thì ở Thuận hoá người ta chưa biết, vẫn tính theo niên hiệu cũ.

Thứ đến là Tháp Tổ Giác Phong, tại vườn Chùa Báo Quốc, hiện nay đang còn. Bia Tháp đề: “Viên thọ Tỳ kheo giới, huý Pháp Hàm Giác Công Thiền sư chi Tháp.” Niên đại tạo Tháp đề “Vĩnh Thịnh thập niên, thập nhị nguyệt, thập nhị nhật.” Ngày hai hai tháng chạp âm lịch, năm Vĩnh Thịnh thứ mười, ứng với Tây lịch là ngày 27 tháng giêng năm 1715. Hiện nay, Tháp này còn đang ở vườn Chùa Báo Quốc, nhưng chỉ là Tháp trống. Năm 1952, Giáo hội Tăng Già Trung Việt xây Niết Bàn đại Tháp để quy 19 Tháp cổ ở vườn Chùa Báo Quốc vào đại Tháp. Khi khai thác Tổ Giác Phong, chư Tăng ở Huế đã gặp được bình tro thờ ở tầng trên Tháp. Bình tro được cung thỉnh vào bàn thờ ở bàn thờ Tổ, hiện nay vẫn còn thờ như thế tại Chùa Bảo Quốc. Còn Tháp, rất may mắn cho lịch sử, là giáo hội vẫn để lại như một di tích lịch sử của Phật giáo Thuận Hoá. Tháp cao 3. 30m.

Thứ nữa là Tháp Tổ Liễu Quán, tạo khoảng đầu đời Cảnh Hưng, Tổ viên tịch ngày 22 tháng 11 Âm lịch, năm Nhân Tuất (1742). Bia lớn do nhà sư Tang Liên viết và khắc năm Cảnh Hưng thứ chín (1748). Tháp hình Bát Giác, cao bảy tầng. Bia Tháp đề: “Sắc tứ Chánh Giác Viên Ngộ Liễu Công Hoà thượng chi Tháp.” Ngôi Tháp Tổ Liễu Quán là một kiến trúc lăng Tháp hoành tráng, mỹ lệ nhất của Phật giáo xứ Huế (1). Tháp đã được trùng tu vào mùa Hạ năm Gia Long thứ 14 (1815). Tên chính thức của Tháp là “Vô Lượng Quang Tháp.” Chúng tôi sẽ dành riêng một bài để viết về Tháp Tổ Liễu Quán; cũng như Tháp Tổ Nguyên Thiều sẽ dành riêng một bài khảo cứu cặn kẽ hơn.

Trong thế kỷ thứ mười tám, còn có Tháp của Hoà thượng Bùi Công có 6 tầng, cao 4, 70m, tạo vào năm Cảnh Hưng thứ 14 (1753); Tháp Hoà thượng Trí Hải tạo vào ngày 8 tháng 8, năm Cảnh Hưng thứ 27 (11. 9. 1766) là những Tháp rất xưa, nay đã mất tích vì đã quy vào đại Tháp Niết Bàn.

Đến thế kỷ thứ 19, Tháp Tăng đã rất nhiều, chúng tôi chỉ nói đến Tháp Mật Hoằng Hoà thượng ở vườn Chùa Quốc Ân, niên đại tạo Tháp là năm Bính Tuất, Minh Mạng thứ bảy, 1826. Đây cũng là ngôi Tháp rất đặc sắc trong các Tháp Tăng ở Huế. Kích thước, chiều cao của Tháp, vẽ mỹ diệu của cửa vào Tháp làm theo kiểu long tán dày dặn, với hai bình phong tiền và hậu, chiều dày và chiều cao của hai vòng thành Tháp, thật đáng lưu ý. Bia Tháp ghi: “Sắc tứ Thiên Mụ tự Mật Hoằng Đại lão Hoà thượng chi Tháp.” Tháp cao bốn tầng, bên trên có hoa sen. Tên Tháp là “Tường Quang Minh Tháp.”

Tại vườn Chùa Quốc Ân còn có nhiều Tháp thuộc văn hoá thế kỷ thứ XIX như Tháp Ngài Tế Chánh Bổn Giác, hình bát giác, 4 tầng. Tạo Tháp khoảng 1851.

Tháp Ngài Liễu Kiến Từ Hoà, hình bát giác, 4 tầng. Tạo Tháp khoảng 1863.

Gần cuối thế kỷ XIX, chúng ta còn có Tháp Tổ Minh Hoàng Tử Dung, Khai Sơn Ấn Tôn Tự nay là Chùa Từ Đàm. Lúc đầu, Tháp xây đâu đó trên đoạn đường Điên Biên Phủ chạy từ Chùa Báo Quốc lên đến Chùa Thuyền Lâm hiện nay.

Năm 1897, triều Thành Thái nhà nước mở Nam giao tân lộ, nên chư quan sơn tự phải thuyên về vườn Chùa Báo Quốc cát táng. Tháp chính giữa của 5 nhóm Tháp ở trong một khung thành. Tháp có 5 tầng, cao 4, 10m, hiệu Tháp là “Phổ Âm Tháp.”

Đầu thế kỷ thứ XX, ta có Tháp Ngài Tâm Truyền, vừa Trụ trì Chùa Báo Quốc, vừa Tăng Cang Chùa Diệu Đế. Tạo Tháp vào tháng hai năm Mậu Thân, Duy Tân thứ hai (1908). Tháp này có kiến trúc khác Tháp xưa, chúng tôi sẽ nói sau đây.

2.      Kiến trúc, nghệ thuật trang trí và nhiều yếu tố khác.

2. 1. Kiến trúc: Tháp Tăng, ở dân gian còn gọi là “Lăng Thầy tu”; một từ ngữ bao quát, mơ hồ; vì bất luận là của ai, thuộc hàng giáo phẩm nào, người dân đều gọi một tiếng “Lăng Thầy tu.” Thực sự Tháp Tổ, Tháp Tăng thì chữ Phạn đều gọi là “stupa”, còn chữ Hán âm Việt gọi là “Tháp”, tiếng Pháp lại chỉ có dùng một chữ “tom beau.” Chúng tôi nghĩ nên dùng chữ Tháp Tổ, Tháp Tăng để phân biệt với chữ Tháp Phật là Tháp để thờ Phật như Tháp Phước Duyên ở Chùa Thiên Mụ; Tháp Điều Ngự ở Chùa Thánh Duyên; hoặc để tạng Kinh, Tượng cũ như Tháp Bồ đề ở Chùa Từ Hiếu.

Vậy Tháp Tổ hay Tháp Tăng đều thuộc loại mộ Tháp. Bên ngoài có la thành hình chữ nhật gọi là uynh Thánh, bên trong có thành thấp hơn gọi là nữ tường, đây chỉ là những từ ngữ đặc trưng chỉ thành ở lăng mộ.

Cổng vào thì có loại cổng vòm như Tháp Ngài Huệ Giám Đại sư; cổng kiểu long đình, long tán như Tháp Tổ Liễu Quán. Cửa vào, bên trên ngang bằng, nhưng cách kiến trúc các tầng mái thật đồ sộ, kép công, tựa như cổng phủ vua chúa. Hai bên lại có hai vế đối. Bên trong lại có bình phong tiền, bình phong hậu.

Tháp ở chính giữa, nền hình Tháp thường có sáu cạnh, 8 cạnh. Những Tháp xưa, cạnh nền chỉ đo được 0,45m; riêng Tháp Tổ Liễu Quán thì lớn hơn nhiều; tại Tháp Ngài Tâm Truyền mỗi cạnh nền đo đến một mét, chiều cao của Tháp thường từ 2m đến 5m. Tháp có nhiều tầng.

Có một loại khác, không phải là Tháp; mà gọi là “Bửu châu.” Bửu châu có ba loại khác nhau: Loại thứ nhất chỉ có một hình tròn như chân một cây nấm, gọi là hình liên hoa hay hình búp sen. Loại thứ hai có hình tám cạnh, mặt trước có bia, trên có một khoảng cách ngắn rồi mới đến cái lá sen chụp lại. Loại thứ ba có tám cánh, một tầng thấp, mặt trước có bia lõm vào, bên trên có hình lá sen, nhưng độ xuôi trảng, thành hình mái tám mặt bẹt ra. Ở giữa mỗi mặt hơi lõm xuống để nước mưa chảy, và tám sống lá nổi gờ lên. Chính giữa không có búp sen mà chỉ có vành như chỗ lá sen giáp với cọng lá.

2.2.            Nghệ thuật trình bày

Tháp thường có nhiều tầng. Theo phong tục thì một tầng chưa gọi là Tháp, mà chỉ gọi là Bửu châu. Thế nhưng, một Tháp rất xưa đề là “Từ Lâm Tế Chánh Tông tam thập lục thế trước công Đại sư chi Tháp” thì chỉ có một tầng. Bên trên có một tầng mái nhỏ, không có búp sen. Thế nhưng so ra thì Tháp này và hình các Bửu châu đã phân loại ở trên, nhất là loại hai và loại ba thì cách kiến trúc khác hẳn. Bửu châu không có khoảng cách ở trên, chỉ có hình mái lá sen chụp lại. Ở đây bên trên có dạng muốn lên một tầng rõ ràng. Cho nên Tháp Tăng có thể có từ một tầng cho đến bảy tầng thường là 4, 5 tầng. Theo thuyết truyền trong nhân gian thì vào thời các vua chúa nhà Nguyễn có định lệ cho các vị Tăng Cang, trụ trì thì mới được xây Tháp có 7 tầng cao, còn các vị Đại sư chỉ được xây ba tầng.

Tháp Tăng vào cuối thế kỷ thứ 18 thường còn bị ảnh hưởng Trung Hoa, các tầng Tháp nhỏ, xây sít nhau, đứng xa nhìn hình Tháp như đầu vót nhọn của cây bút chì, như Tháp Ngài Giác Phong; Tháp Tổ Liễu Quán đều có dạng này. Về sau, tầng Tháp cách nhau cao lên, khoảng hở giữa hai tầng mái rõ ràng, như Tháp Ngài Mật Hoằng, Ngài Nguyên Cát, Ngài Bổn Giác ở vườn Chùa Quốc Ân; Tháp Ngài Minh Hoằng Tử Dung ở vườn Chùa Báo Quốc. Các mái Tháp lúc đầu chỉ xây trơn, các góc không có trang trí uốn lên. Riêng Tháp Ngài Mật Hoằng ở Chùa Quốc Ân thì các góc cù giao Tháp đã có trang trí.

Bên trên một Tháp Tăng Phật giáo thường có một tầng hình tròn như cái chuông mặc dầu ở dưới Tháp có sáu cạnh hoặc tám cạnh, do một ngọn lá sen kiểu thức hoá theo dạng úp lại, trên chóp Tháp là hình một búp sen. Phong cách cấu trúc này chỉ có Phật giáo mới có, riêng Phật giáo Huế lại rất rõ.

2.3.            Các yếu tố khác

Cách trình bày mặt trước ở dưới Tháp gần như có một kiểu thống nhất. Trước hết có một khối hình chữ nhật đắp bằng vôi gạch; nhưng người ta làm kép thành hình cái bàn thấp, có mặt chạy đường gờ, có bốn chân quỳ đứng y dạng cái bàn bằng gỗ gọi là “kỷ hương”, là nơi để thiết bàn thờ khi có lễ “tảo Tháp”, còn thường ở đó chỉ có thiết bát nhang. Kỷ này có thể xây xa chân Tháp như ở Tháp Tổ Liễu Quán, có thể xây sát chân Tháp như vô số Tháp Tăng khác.

Mặt Tháp xây lõm vào, kể cả Bửu châu cũng vậy, bên trong có chạy đường viền thấp hơn mặt Tháp để nhận bia. Bên trên thường đắp bức hoành hình chữ nhật chạy cong cong theo nghệ thuật Huế; ở giữa đắp tên Tháp hai bên có hai vế đối. Chẳng hạn ở Tháp Tổ Liễu Quán thì ở bức hoành đề “Vô Lượng Quang Tháp”, vế đối bên phải là: “Bỗng hát chân phong gia kế thuật”, vế bên trái: “Tân hương mỹ hoá quốc bao vinh.” Ở Tháp Tổ Minh Hoằng Tử Dung hoành đề: “Phổ Ấm Tháp”, vế đối: “khứ lai như thị trú, không sắc cổ kim đồng.”

Bia Tháp thường dùng đá màu gan gà; thường khắc kiểu chữ “lệ” dẹp. Đọc các bia Tháp này tuy ngắn nhưng nó có thể giúp người nghiên cứu dò tìm lần manh mối để hiểu biết về tông phái thuộc về Chùa nào. Ở Huế, thấy chỉ có hai tông: Tào Động và Lâm Tế. Tông Tào Động, trên bia thường khắc: “Động thượng chính tông…” Tông Lâm Tế trên bia thường khắc: “Từ Lâm Tế chính tông…”, có bia khắc: “Tế thượng chính tông….” Lại còn biết được cách xưng khác nhau trong sơn môn như: “Đai sư; Lão Đại sư; Thiền Sư; Lão Thiền Sư; Đại Lão Thiền Sư; Hoà thượng; Lão Hoà thượng; Đại Lão Hoà thượng; Tỳ kheo; viên thọ Tỳ kheo giới; Lão Tổ….”

Nhất là ở các Tháp Tăng thế kỷ thứ XVIII, bia còn kỵ huý như bên Nho giáo, hoặc mang sắc thái văn hoá dân gian; người ta đã thay chữ “công” như Ngài Giác Phong được khắc là “Giác Công Thiền sư”, Ngài Liễu Quán được khắc là “Liễu Công Hoà thượng.” Vì thế có nhiều Ngài bây giờ không biết thường gọi tên thế nào, như Ngài “Bùi Công”, Ngài “Trước Công”…còn nhiều bia Tháp khác cũng gọi như thế.

Nếu không thay chữ “Công” thì người ta lại bỏ bớt một chữ thành ra phải đọc có ba chữ như: “Tịnh Hành Nguyệt Thiền Sư”, hoặc như “Viên Tịnh Bửu Lão Hòa thượng”; theo nghĩa phải đọc “Tịnh Hành Nguyệt (Công) Thiền sư; Viên Tịnh Bùi (Công) Lão hoà thượng.” v. v…trường hợp này cũng nhiều.

2. 4. Vài nét về nghệ thuật trang trí.

Thường Tháp Tổ hoặc Tháp Tăng đều giản dị, ít có hoa văn trang trí. Trụ xây thấp ở tường thành thường có hai loại, hoặc xây đầu trụ như bình thường; hoăc có búp sen ở trên. Trên chóp Tháp thường có lá sen, búp sen, nhưng trên Bửu châu chỉ có lá sen úp lại, lá sen trên Bửu châu lại có nhiều kiểu, chụp như cái mũ ở kiểu Bửu châu búp sen, biến hoá thành tám mái hoặc hình chuông ở kiểu Bửu châu một tầng.

Ở bia Tháp thì có trường hợp trình bày hoa sen kiểu thức hoá chen giữa hoa văn dây lá rất đăng đối như ở bia “sắc tứ Thanh Thận Chiêu Quả Đại Thiền Sư chi Tháp.” Dây lá ở đây to bậm và uốn xoắn rất rườm. Nhưng bia ở Bửu châu búp sen, cũng trình bày hình hoa sen kiểu thức hoá hai lớp cánh lên xuống và hoa văn dây lá, nhưng đơn giản hơn nhiều. Hình hoa sen và búp sen ở cổng vào Tháp của Liễu Thông Huệ Giám Đại sư lại to bậm mà rườm rà hơn nhiều. Đặc biệt ở Tháp vị Đại sư này có hai hình trang trí ở hai bình phong dường như không thuộc phạm trù tư tưởng Phật giáo. Bình phong tiền có hình “long mã phụ đồ”, hình ở bình phong hậu là “cá gáy hoá rồng.” Cách trình bày cuốn xếp ở hai bên bình phong cũng vậy.

Ngoài ra, ở Tháp Ngài Tâm Truyền tại vườn Chùa Báo Quốc lại còn có thêm màu sắc. Các mặt Tháp sơn nền vàng, chữ phù màu xanh lại con khẳm mảnh sành, mảnh sứ lấp lánh khác hẳn thời trước, biểu thị nghệ thuật kiến trúc Tháp Tăng vào đầu thế kỷ này vậy.

Huế tháng 8 năm Mậu Dần (9/1998)

(Trích Tập văn Phật đản PL.2543 – 1999)