Như Lai thuyết pháp


 

Một câu nói chắc thật mà trong Kinh Pháp Hoa đã khẳng định: “Tất cả chư Phật xuất hiện ở thế giới này để mở cánh cửa… để chỉ bày… để đạt được… và đi vào cái thấy biết của Phật.”

 

Từ ý nghĩa đó cho thấy, không chỉ riêng đức Phật Thích Ca mà mười phương chư Phật xuất hiện ở đời thuyết pháp độ sanh, cũng chỉ với mục đích là khai thị cho chúng sanh giác ngộ được tánh Phật bình đẳng sáng suốt vĩnh hằng.

Thế nhưng, với đức Phật Thích Ca, vì sao khi mới chứng ngộ chân lý, Ngài đã không trực tiếp truyền trao chánh pháp mà còn do dự, nghĩ suy? Cũng bởi lúc bấy giờ, chúng sanh còn mê muội quá nhiều, Ngài sợ nói ra chân lý cao siêu, nhiệm mầu ấy, thì không ai có thể hiểu những gì Ngài muốn nói. Hơn thế nữa, ở xứ Ấn Độ lúc bấy giờ, thân phận của con người hầu như tuỳ thuộc vào dòng dõi sinh trưởng và lớn lên, xem đó như là định mệnh của đời người và không thể nào thay đổi.

Điều mong mõi duy nhất khi Ngài chứng thành đạo quả là có thể chỉ bày cho chúng sanh thấy rõ một sự thật rằng: “Mọi người đều bình đẳng và có thể trở thành Phật”. Tuy nhiên, Ngài do dự, e rằng trong xã hội phân chia giai cấp nặng nề đó sẽ không ai có thể tin Ngài hay lắng nghe lời Ngài nói.

Thế rồi, quán chiếu căn cơ trình độ của chúng sanh, Như Lai cũng đã tìm ra được con đường giáo hóa thích hợp, Ngài có thể thuyết pháp tùy vào từng đối tượng.

Như Lai tuyên bố, giáo pháp của Ngài như Cỗ xe lớn, trung bình và nhỏ. Với cỗ xe nhỏ, Ngài dành thuyết pháp cho hạng Thanh Văn, nên gọi là Thanh Văn thừa. Ở cấp độ này, Ngài khuyến hóa con người nên vận dụng tự lực để nghe lời Phật dạy và đạt đến chân lý căn bản. Như người học sinh lúc nào cũng cần thầy giáo hướng dẫn cụ thể. Khi họ nắm bắt dần giáo pháp căn bản, Ngài có thể khai mở tiếp cỗ xe trung bình, dành cho hạng Duyên Giác, gọi là Duyên Giác thừa. Đến giai đoạn này, hành giả có thể tự mình chiêm nghiệm, tư duy mà không cần Thầy chỉ dạy, bởi ở giai đoạn đầu hành giả đã nắm bắt được nền tảng của giáo pháp.

Tiến thêm bước nữa, đức Phật khai mở cỗ xe lớn cho hạng Bồ Tát, gọi là Bồ Tát thừa. Ngài chỉ bày cho hai hạng Thanh văn, Duyên Giác thấy rằng nếu chỉ tìm cầu giác ngộ, giải thoát cho riêng mình thì chưa phải là chân lý rốt ráo. Cho nên, cần bước lên cỗ xe lớn, tu hạnh Bồ Tát thừa thì mới đạt tới quả vị Phật, tức là phải đem kinh nghiệm tu học giáo pháp, cứu giúp tha nhân cùng thoát khỏi mọi khổ đau ràng buộc của kiếp người. Ý chỉ này, trong kinh Pháp Hoa cũng nêu rõ: “Tất cả các đức Phật trong quá khứ giảng tuyên nhiều lời dạy khác nhau cho tất cả chúng sanh, bằng vô số phương cách, chỉ vì mục đích hiển bày một cỗ xe Phật (Nhất Phật Thừa) mà thôi”

Qua đó, đức Phật cũng nói rõ “Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật”. Bởi do chúng sanh còn đầy dẫy những ảo tưởng, tham cầu và đầy mê muội, nên vô tình hay hữu ý tạo ra vô số tội ác, gây khổ đau không ít cho bản thân và tha nhân. Vì nguyên nhân đó, đức Phật chỉ khéo léo, đưa ra phương tiện, chia Nhất Phật Thừa ra làm ba thừa, để chúng sanh tùy theo căn cơ, trình độ mà phát tâm tu tập, tiến dần lên đạo quả Nhất thừa.

Câu chuyện kể rằng, một ngày kia, đức Phật hóa độ người đệ tử xuất sắc nhất của Ni-kiền Tử tên Upàli. Sau khi được cảm hóa, Upàli từ bỏ con đường sai lầm, trở về với chánh pháp, ông quyết định đoạn tuyệt giáo phái Ni-kiền Tử. Nhưng dức Thế Tôn khuyên ông hãy tiếp tục ủng hộ Ni-kiền Tử như trước. Cảm động trước cử chỉ cao thượng, vô tư, đầy lòng nhân từ của đức Phật, Upàli đọc kệ tán thán:

 

“Thế Tôn thực là

 

Bậc trí sáng suốt,

 

Ðoạn trừ si ám,

 

Chiến thắng địch quân.

 

Ðau khổ đoạn tuyệt,

 

Nội tâm tịch tĩnh,

 

Giới đức trang nghiêm,

 

Trí tuệ viên mãn,

 

Phiền não gột sạch,

 

Xa trần ly cấu.

 

… Siêu đẳng giải thoát,

 

Tham ái đoạn tận,

 

Ðiều ngự nhiếp phục,

 

Hý luận dứt sạch.

 

Con thực chính là,

 

Ðệ tử Thế Tôn”

 

(Trung Bộ Kinh II, kinh Ưu-ba-ly, tr. 385b-386a).

Chỉ một minh chứng nhỏ về phương thức thuyết giáo của đức Phật, chúng ta cũng thấy được sự khéo léo của một bậc Đại giác ngộ trong quá trình hoằng dương chánh pháp.

Nhìn chung, dù Như Lai thuyết pháp dưới phương thức nào, cuối cùng Ngài cũng hướng chúng sanh về tư tưởng bình đẳng, chỉ cho nhân loại thấy được rằng mọi người đều có thể  trở thành Phật, dù họ ở địa vị khác nhau như Tăng lữ, đẳng cấp quý tộc, thương buôn, nô lệ cho đến những người bị coi là mọi rợ, hạ cấp nhất của loài người.

Như thế cũng đủ cho ta thấy, Như Lai xuất hiện ở đời, thuyết pháp độ sanh dù dưới nhiều hình thức, phương tiện, nhưng mục tiêu duy nhất là để hiển bày cho mọi người thấy khả năng thành Phật của tự thân mỗi người, không phân đẳng cấp, địa vị, giới tính, hay quá khứ, hiện tại. Nương theo bước chân Ngài, chúng ta hãy mạnh dạng phát tâm tu tập, thẩm sâu giáo pháp Phật đà, để mong tìm về với Phật tánh sáng suốt tự tại, thanh thoát của chúng ta bằng lời nguyện:

 

“Một lòng kính lạy Phật đà,

 

Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai,

 

Con nguyền mặc áo Như Lai,

 

Con ngồi pháp tọa Như Lai muôn đời”.

(HT. Thích Trí Thủ)

 

 

HT. Thích Như Niệm