Tĩnh lặng - Tài sản vô hình của những ngôi chùa

 

Thật khó mà thẩm định giá trị của sự tĩnh lặng, đặc biệt là sự tĩnh lặng trong không gian chùa Việt.

Vì vậy, nên có việc tài sản vô hình hết sức quý giá này bị lãng quên, có khi vứt bỏ một cách không thương tiếc.

Ngày nay, với các thiết bị điện tử kỹ thuật số, việc phát thanh liên tục là điều rất dễ thực hiện và hầu như không tốn kém. Đến một số chùa, thậm chí chùa trên núi cao, chùa ở thôn quê, đôi khi chúng ta bắt gặp hiện tượng tiếng niệm Phật được phát ra liên tục từ loa phóng thanh. Âm thanh được tạo từ những máy niệm Phật, qua hệ thống khuếch đại, phát đến nhiều loa đặt từ sân chùa cho đến nhà trù, bàn vong…

Có khi, hiện đại hơn, tiếng niệm Phật bằng máy được thay bằng những bài niệm Phật nhạc, thoạt đầu nghe thấy rất hay. Âm thanh không phải từ máy niệm Phật mà phát từ dĩa CD ở chế độ auto repeat, có thể phát 24/24.

Được nghe tiếng niệm Phật liên tục như vậy, trong chùa, chúng ta thấy có dáng dấp của cõi tịnh độ, nơi mà như Kinh A Di Đà miêu tả, các loài chim thay vì hót, thì lại có thể phát ra tiếng niệm Phật, thuyết pháp.

Nhà chùa có được tiếng niệm Phật, hay niệm Phật có nhạc liên tục từ sáng đến tối, nhưng lại mất đi sự tĩnh lặng độc đáo của nhà chùa. Đây là cái mà chúng ta cần cân nhắc.

Hầu như tất cả các tôn giáo, với yếu tố cầu nguyện, đều thiên về hướng tĩnh lặng.

Tuy nhiên, có lẽ Phật giáo là tôn giáo tĩnh lặng hơn cả, bởi trong khi hầu hết các tôn giáo đều xây dựng cơ sở của mình nơi đông dân cư (chợ, đường phố chính, quảng trường…) thì chùa Phật giáo lại được xây dựng một phần lớn cách xa khu dân cư, nhiều chùa nằm trên núi cao.

Vì vậy, cái tĩnh lặng đặc thù ở các cơ sở tôn giáo, ở chùa Phật giáo, lại được tăng lên nhiều lần. Không gian Phật giáo là không gian thoát tục, xa lánh cuộc đời lao xao, náo động, nên tĩnh lặng vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện để cấu thành không gian Phật giáo.

Cho nên, tĩnh lặng vừa là đặc thù, cũng vừa là nhu cầu của trụ xứ người tu Phật.

Người đời ý thức được điều đó và hướng về cửa chùa như là một nơi để tìm sự tĩnh lặng của nhà chùa, là món quà lớn ban tặng cho người đời. Rất nhiều người đến chùa để bước vào không gian tĩnh mịch, trầm lắng, an tịnh, yên bình.

Trong cái không gian chùa yên ắng đó, trong hẻm sâu hay trên núi cao, người khách tục nghe được tiếng lá rơi, tiếng gió luồn qua khóm trúc, tiếng khép nhẹ cửa chùa như chúng ta vẫn đọc thấy qua vần thơ đời Lý, đời Trần.

Cái yên tĩnh độc đáo đó là di sản truyền thừa qua nhiều thế hệ của các tự viện Phật giáo. Di sản yên tĩnh đó có từ thời Đức Phật, với giai thoại một vị vua đi từ nghi ngờ đến ngạc nhiên, rồi kinh sợ, khi trong tinh xá, nơi đức Phật và hàng mấy ngàn nhà sư thiền tọa, lại yên lặng tuyệt đối, không có một tiếng động nào.

Yên tĩnh của cảnh chùa là sự đóng lại thính giác bằng hoàn cảnh khách quan của không gian. Chùa Bắc tông cũng vậy và chùa Nam tông cũng vậy. Một vườn cây bao quanh, với trong nhiều chức năng, có chức năng tạo sự yên tĩnh.

Cái không gian yên tĩnh truyền thống và cái không gian đầy tiếng niệm Phật bằng phương tiện điện tử hiện đại, mỗi kiểu đều có một vị đạo riêng.

Là một người làm việc trong lĩnh vực truyền thông điện tử, khởi đầu, người viết rất thú vị với không gian nhà chùa đầy tiếng niệm Phật từ máy móc điện tử.

Tuy nhiên, ngồi trong sân chùa với những tiếng niệm Phật dù là rất hay trên nền nhạc, ghi âm trên dĩa CD, phát bằng hệ thống ampli và loa chuyên nghiệp đắt tiền, cho âm thanh chất lượng cao, chúng tôi đôi khi băn khoăn nhớ về không gian chùa tĩnh lặng ngày nào.

Suy nghĩ kỹ, không gian chùa yên tĩnh hay vang vọng tiếng niệm Phật không ngơi nghỉ đều phù hợp với tinh thần nhà Phật.

Có lẽ chọn trạng huống nào thì tùy duyên, tùy suy nghĩ riêng của mỗi nơi, mỗi người, và ở mỗi người thì cũng tùy lúc, tùy thời.

Tuy nhiên, dẫu sao, cũng nên có một lựa chọn trung dung, giữ lại một tỷ lệ thời gian yên tĩnh cho không gian chùa một cách thích hợp.

Minh Thạnh

Theo banhoangphaptw.com