Đặc điểm của Phật giáo Việt nam giai đoạn đầu công nguyên đến thế kỷ X sau công nguyên

http://www.thaiphienphoto.com/images/gallery/160708-7lar.jpgPhật giáo là một trong những tôn giáo lớn và có ảnh hưởng nhất định đối với các vấn đề chính trị xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Phật giáo du nhập vào nước ta trong hoàn cảnh đất nước bị phong kiến phương Bắc đô hộ, cùng với đó là sự tồn tại của truyền thống văn hoá của dân tộc và những tín ngưỡng bản địa đã có từ lâu đời. Giai đoạn đầu công nguyên đến thế kỷ X sau công nguyên là giai đoạn mà Phật giáo du nhập và bước đầu đi vào đời sống của dân tộc Việt và dần trở thành nhân tố góp phần làm nên bản sắc văn hoá Việt Nam. Vì thế, tìm hiểu đặc điểm của Phật giáo Việt Nam giai đoạn này  là việc  làm có ý nghĩa  trong việc giúp hiểu  sâu hơn cội nguồn văn hoá Việt Nam.

MỞ ĐẦU

Phật giáo có nguồn gốc từ Ấn Độ, người sáng lập là Tất Đạt Đa (Siddhartha), họ Gautama, sinh khoảng năm 563 tr.CN ở kinh thành Kapilavastu (chân núi Himalaya về phía nam, nay thuộc miền nam nước Nêpan), là thái tử con vua Tịnh Phạn. Người đời tôn xưng ông là Thích Ca Mâu Ni (Sakymuni). Ông mất năm 483 trước CN, thọ 80 tuổi. Đạo Phật truyền ra ngoài biên giới rất sớm, vào năm 300 tr.CN, hoàng đế A Dục (Asoka) có gửi nhiều phái đoàn truyền giáo ra nước ngoài, trong đó có Đông Nam Á. Về phía nam Phật giáo  truyền đến Srilanca, Mianma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Inđônêxia. Người ta gọi là phật Giáo Nam tông và theo dòng Tiểu thừa. Về phía bắc phật giáo  truyền vào Nê Pan, Trung Quốc, các nước Trung Á, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam. Người ta gọi đó là Phật giáo Bắc tông và theo dòngĐại thừa.

NỘI DUNG

1. Bước đầu du nhập, phát triển của Phật giáo Việt Nam giai đoạn dầu công nguyên đến thế kỷ X sau công nghuyên

Quá  trình  du  nhập  và  phát  triển  của  Phật  giáo  vào Việt Nam  thời  kỳ đầu Công nguyên đến thế kỷ X sau công nguyên gắn liền với bối cảnh đất nước đang phải chịu cảnh đô hộ của phong kiến phương Bắc, từ Nam Việt đến Đường,  trải qua  trên 1000 năm (từ 179 trc.CN đến 938). Chính sách đô hộ của  chính quyền ngoại bang biểu hiện từng thời kỳ có khác nhau nhưng mục đích  thì không  thay đổi. Về chính  trị  thì đó  là âm mưu  tìm cách triệt để thủ tiêu nền độc lập. Về quân sự, đó là quyết tâm đè bẹp mọi sự phản kháng của quần chúng nhân dân. Về kinh tế đó là chính sách vơ vét của cải và tài nguyên của đất

nứơc ta. Về văn hóa, đó là từng bước thực hiện mưu đồ đồng hóa dân tộc.

Chính sách đô hộ của các triều đại phương Bắc hơn một thiên niên kỷ đã kìm hãm nghiêm trọng sự phát triển về mọi mặt của đất nước và dân tộc ta. Song không cam tâm làm nô lệ, nhân dân ta đã liên tục và không ngừng vùng lên đấu tranh để giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc. Tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (vào khoảng năm 40 – 43), cuộc khởi nghĩa Lý Bí thành lập nhà nước Vạn Xuân (542), cuộc khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ giành quyền  tự chủ  (905), cuộc kháng chiến của Dương Đình Nghệ khôi phục quyền tự chủ (931) và chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền (938) chấm dứt nền đô hộ của phong kiến phương Bắc.

Trong giai đoạn từ đầu công nguyên đến thế kỷ X sau công nguyên, mặc dù chính quyền đô hộ ra sức đồng hóa nhằm Hán hóa Việt tộc và nền văn hóa Việt, song trong các xóm  làng người Việt, nhân dân  ta vẫn giữ vững và không ngừng phát  triển nền văn hóa bản địa. Chính quyền đô hộ đã thực thi nhiều chính sách và biện pháp để đồng hóa nhưng không thể hủy diệt tiếng nói của dân tộc.

Nhiều phong  tục  tập quán  tốt đẹp  thời Văn Lang – Âu Lạc vẫn được giữ gìn như tục nhuộm răng, ăn trầu, bơi chải, đấu vật, chọi trâu, đá cầu, đánh đu, đánh phết, ném còn, đề cao các anh hùng dân tộc, người già, phụ nữ. Trong các lễ hội hàng năm như hội làng, hội mùa xuân mặc dù có biến đổi ít nhiều trong các nghi lễ nhưng tính chất cơ bản vốn có từ thời Văn Lang – Âu Lạc vẫn được bảo lưu.

Trong cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp để bảo vệ di sản truyền thống dân tộc, nhân dân ta đã biết tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa ngoại nhập phù hợp với đặc tính, tâm hồn người Việt Nam để làm phong phú thêm nền văn hóa truyền thống. Phật giáo truyền vào Việt Nam, được nhân dân tiếp nhận một cách nhanh chóng, nó ngày càng được phổ biến, phát triển mạnh mẽ và tạo dựng được chỗ đứng trong lòng nhân dân và đồng thời nó cũng tiếp thêm sức mạnh cho dân ta đấu tranh chống Hán hóa, góp phần bảo vệ nền văn hóa cổ truyền.

Năm 273 vua Asoka  lên ngôi ở Ấn Độ, ông đã cử nhiều phái đoàn  ra nước ngoài truyền đạo đến các nước phương Tây, phương Đông cũng như các nước Đông Nam Á. Nó mở đầu cho sự du nhập Phật giáo vào nước ta. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thành Nê Lê nơi có bảo  tháp của Asoka  là nơi  tiếp nhận đầu  tiên. Như vậy Phật giáo vào nước  ta khoảng cuối thế kỉ III đầu thế kỷ II tr.CN.

Phật  giáo du  nhập  vào  nước  ta  bằng  nhiều  con đường  nhưng chủ  yếu  là  bằng đường biển, các nhà sư theo các thuyền buôn sang truyền đạo ở nước ta. Xuất phát từ các hải cảng vùng Nam Ấn rồi qua ngã ba Srilanca, Inđônêxia, Việt Nam những người thương nhân Ấn đã  tới vùng này để buôn bán bằng những con  thuyền buồm. Trong các chuyến viễn dương này, họ  thường thỉnh một hay hai vị tăng để cầu nguyện cho thủy thủ đoàn và các vị tăng này nhờ đó mà truyền bá đạo Phật vào các dân tộc ở Đông Nam Á.

Đến  thế kỷ  II  sau công nguyên  trong ba  trung  tâm Phật giáo đời Hán  là Luy Lâu, Bành Thành, Lạc Dương  thì Luy Lâu  trên đất Giao Chỉ  là được hình  thành sớm nhất và nó cũng là trung tâm Phật Giáo lớn. Đây là nơi nghiên cứu và truyền bá Phật giáo, nó có khoảng 20 ngôi chùa, 500 cao tăng và đã dịch được 15 bộ kinh ra tiếng bản địa. Đến cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III có nhiều nhà sư Ấn Độ đến Việt Nam để truyền đạo như Khâu Đà La, Ma Ha Kỳ Vực. Đầu  thế kỷ III bắt đầu xuất hiện những nhà sư sinh ra và  tu ở Việt Nam  như Khương Tăng Hội -  người được  coi  là ông  tổ  của  phái Thiền Việt Nam. Từ

Trung Quốc  sang  thì  có Mâu Tử  (Mâu Bác)  tu ở Việt Nam. Mâu Tử  cũng đã  viết  tác phẩm Phật giáo đầu  tiên ở Giao Châu là “Lý hoặc  luận”. Đến đời Đường  thế kỷ VII có Vân Kỳ, Chí Hạnh đã đến Ấn Độ học Phật. Từ  thế kỷ VI đến  thế kỷ X Phật giáo Việt Nam còn tiếp nhận thêm những đoàn truyền giáo của Trung Quốc. Trong thời gian này, từ Trung Hoa có ba tông phái được truyền vào Việt Nam, đó là Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông. Thiền Tông  trong  thời kỳ này có hai Thiền phái đó  là dòng Thiền của Tỳ Ny Đa Lưu Chi và dòng Thiền cuả Vô Ngôn Thông.

2. Đặc điểm Phật giáo Việt Nam Giai đoạn đầu công nguyên đến thế kỷ X sau công nguyên

Khi Phật giáo du nhập vào nước ta, đạo Phật đã nhanh chóng thích nghi với lối sống của người Việt. Những quan điểm trong giáo lý, giáo luật,…của Phật giáo gần với đời sống tâm linh của người Việt, với những nét văn hoá Việt. Mặt khác, nếu như Nho giáo đi vào nước ta cùng với quân xâm lược, là một yếu tố để thực hiện chính sách nô dịch, đồng hoá dân tộc ta thì Phật giáo được truyền vào Việt Nam bằng phương thức hoà bình đồng thời nó là tường thành, là động lực giúp người dân Việt chống đồng hoá. Người Việt Nam tiếp nhận Phật giáo như một tín ngưỡng hơn là một lý luận, hệ tư tưởng, nó kết hợp với các tín ngưỡng bản địa như tục thờ mẫu, thờ tổ tiên… Nó dễ đi vào đời sống của người dân cùng với khuynh hướng nhập thế của các nhà sư càng làm cho đạo Phật càng có sức sống mãnh liệt hơn.

Sự kết hợp với tín ngưỡng, văn hoá bản địa đã tạo nên một sắc thái riêng của Phật giáo Việt Nam. Chính vì vậy mà Phật giáo khi đến Việt Nam đã mang những đặc điểm mới khác với Phật giáo nguyên mẫu.

Thứ nhất, Phật  giáo Việt Nam  giai đoạn  này đã  chuyển  từ ảnh  hưởng  của Phật giáo Ấn Độ sang ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc.

Nếu như Phật giáo lúc đầu được truyền trực tiếp từ Ấn Độ sang, mang những dấu ấn của Phật giáo Ấn Độ  thì  trong quá  trình phát  triển Phật giáo Việt Nam đã chuyển  từ ảnh  hưởng  của  Phật  giáo Ấn Độ  sang ảnh  hưởng  Phật  giáo  Trung Quốc. Vấn đề ảnh hưởng Phật giáo  từ Ấn Độ (từ khi du nhập đến khoảng  thế kỷ VI) ở nước  ta  thể hiện rõ nhất qua  truyền  thuyết về Khâu Đà La và Man Nương. Từ  thế kỷ VI đến  thế kỷ X Phật giáo Việt Nam  tiếp nhận  thêm những đoàn  truyền giáo của Trung Quốc. Không bao  lâu sau đó,  Phật  giáo Bắc  phương đã  chiếm ưu  thế  và  thay  chỗ đứng  của  Phật  giáo Nam phương vốn có  từ  trước. Đồng  thời  sự ảnh hưởng đó còn được  thể hiện ở việc ba  tông phái chính của Trung Hoa cũng được truyền vào Việt Nam đó là Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông và qua một số  tập tục như: tập tục đốt vàng mã, tập tục coi ngày giờ,  tập tục cúng sao hạn, xin xăm, bói quẻ,…

Thứ hai, Phật giáo Việt Nam phát triển theo khuynh hướng Thiền.

Trong hoàn cảnh văn hoá giao lưu phức tạp, mâu thuẫn xung đột ở thời kỳ này, vấn đề chi phối tinh thần giới trí thức lãnh đạo là phải tìm cách giải quyết làm sao vượt được lên trên mâu thuẫn xung đột để đạt tới cái điểm nhất trí trong tinh thần, trong tư tưởng. Vì vậy mà Phật giáo Việt Nam ở thời kỳ này cũng phát triển theo khuynh hướng Thiền. Ở hoàn cảnh địa lý, xã hội ấy, Giao Châu ấy Mâu Tử tìm các khuynh hướng mâu thuẫn, xung đột của thời đại để có một hệ thống nhất quán về tư tưởng. Điều đó được thể hiện trong tác phẩm có giá trị lịch sử của ông là “Lý hoặc Luận”. Mâu Tử đã tìm ở Phật giáo Giao Châu lấy cái nguyên lý duy nhất cơ bản khá sâu rộng để có thể tổng hợp nhất quán ba truyền thống chính yếu  trên: xã hội, thiên nhiên và tâm lý như ông đã viết: “Tuy

đọc sách Ngũ Kinh của Nho giáo, ưa thích lấy làm hoà, kìa thành quả nữa. Rồi đến khi tôi coi đến triết lý ở kinh Phật, xem yếu lý của Lão Tử, giữ cái đức tính điềm đạm, nghiệm cái hành động vô vi. Bấy giờ mới ngoảnh lại nhìn sự đời khác nào đứng trên đỉnh trời cao nom xuống ngòi  lạch,  trèo  lên ngọn núi nhìn xuống gò đống vậy. Sách Nho Ngũ Kinh cũng như 5 vị ăn, đạo Phật như 5 thứ gạo thóc. Từ khi tôi được biết đạo Phật đến nay thật như vén mây mù  thấy mặt  trời  sáng,  soi đuốc cháy vào  trong nhà  tối vậy”. Cái tinh thần ấy Mâu Tử đã tìm thấy ở tâm linh thực nghiệm của Phật giáo thích ứng với hoàn cảnh địa lý, xã hội Giao Châu thời Sĩ Nhiếp thực đã mở đường cho Thiền học Việt Nam. Như vậy có thể nói người khởi xướng cho Thiền học Việt Nam đó chính là Mâu Tử.

Nhưng  theo Nguyễn Lang  trong “Việt Nam Phật giáo sử  luận”  lại cho Thiền học Việt Nam khởi đầu bằng Khương Tăng Hội  vào đầu  thế  kỷ  III. Không những Khương Tăng Hội là sáng tổ của Thiền học Việt Nam, ông cũng còn phải được xem là người đầu tiên  đem  Thiền  học  phát  huy  ở  Trung  Hoa  nữa.  Vai  trò  xướng  minh  Thiền  học  của Khương Tăng Hội ăn sâu cả vào trong truyền thuyết.

Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng Thiền ở Việt Nam trở thành tông phái bắt đầu từ Tỳ Ny Đa Lưu Chi. Năm 580 Tỳ Ny Đa Lưu Chi sang Giao Châu trú tại chùa Pháp Vân giảng dạy Phật pháp và dựng nên dòng Thiền thứ nhất. Từ đó dòng Thiền bắt đầu nảy nở ở nước ta. Nó chấm dứt thời kỳ nửa tối nửa sáng, lẫn lộn lung tung giữa các khuynh hướng tín ngưỡng hỗn tạp của Phật giáo thần thông với triết lý Duy Thức, của Bà La Môn giáo với phép tu Yoga, của thần đạo với những Tứ pháp. Nó nâng mục  tiêu của sự  tu hành  lên khỏi cái đích  thực dụng do  tác động của mê tín dị đoan và mở ra một chân trời mới: tu để đến cõi giác, để tự giải thoát mình và tinh thần mình khỏi điều cố chấp để cho tâm linh mình hoàn toàn trong sáng mà nhìn thấy chân lý, cũng như hiểu chân lý và sống cái chân lý ấy.

Thứ ba, với đặc điểm là phần lớn người Việt là mù chữ nên họ không đi vào kinh điển Phật giáo do đó mà Phật giáo Đại thừa phát triển và chiếm ưu thế.

Điều này được thể hiện rõ khi ta xét những quan điểm trong sách “Lý hoặc Luận” của Mâu Tử và trong các kinh  mà Khương Tăng Hội đã dịch. “Trong bài tựa kinh “An ban thủ ý” Tăng Hội có viết: “An ban là đại thừa của chư Phật để tế độ chúng sinh…Ngoài ra ông còn dịch kinh “Tiểu phẩm bát nhã” (Bát thiên tụng bát nhã) là kinh điển căn bản và xuất hiện sớm nhất trong văn hệ Bát Nhã thuộc khuynh hướng Đại thừa.”. Phật giáo Đại thừa chủ trương tất cả chúng sinh đều có sẵn Phật tính, có khả năng giác ngộ, chỉ phải cởi mở che lấp đi là hoàn toàn giải thoát. Cái che lấp đó là tư dục tự nó không có thật, không tự tính, chỉ vì ảo hoá mê vọng mà nhận là có thật. Đến khi giác ngộ nó là ảo hoá mê vọng thì hết mê vọng. Đến Thượng thừa Kim Cương mới lại tiến lên bước nữa mà cho rằng dục vọng tự nó không xấu, vì tự nó không có thật. Nó chỉ xấu vì không biết chân lý đại đầu. Một khi hết chấp vào cái ngã ảo hoá mà giác ngộ bản tính đại đồng thì tha nhân cũng là ngã nhân, sinh tử cũng là Niết bàn. Một số tập tục như cúng rằm, mùng một, lễ chùa và tập tục ăn chay, thờ Phật, phóng sanh và bố thí là ảnh hưởng từ Phật giáo Đại thừa.

Thứ  tư,  Phật  giáo  khi được  truyền  vào Việt Nam đã được  tiếp  xúc  ngay  với  tín ngưỡng bản địa, do vậy đã kết hợp chặt chẽ, hoà mình vào các tín ngưỡng này với tư thế là một luồng văn hoá ngoại lai, có xu hướng bản địa hoá ngày càng rõ rệt.

Qua lăng kính tư tưởng yêu nước, ý thức cộng đồng mà Phật giáo cũng có sự cải biến. Phật ở giai đoạn này cũng phải là người cứu dân ra khỏi lầm than khổ cực bằng cách tham gia chống hạn (Phật Mẫu Man Nương), gạt bỏ những tên quan tham lam tàn bạo (trong tư tưởng của Mâu Tử và Khương Tăng Hội) và lên án bọn phong kiến phương Bắc bằng quan điểm gieo ác thì gặp

ác, gieo gió sẽ gặp bão. Phật giáo ở Giao Châu lúc đầu là ông thần có phép lạ khuyến thiện trừ ác, sau đó trải qua cuộc khủng hoảng ở thế VI qua sáu bức thư, Phật tử ông thần trên mây được đưa vào tâmvới quan điểm Phật không ngoài tâm, ngoài tâm không có Phật. Như vậy là đã thực hiện được một bước chuyển ông Phật với tư cách là một vị thần lơ lửng có phép lạ vào trong tâm của mỗi người. Ở một khía cạnh nào đó có thể nói sự chuyển biến của Phật giáo thời Bắc thuộc là từ Chủ nghĩa duy tâm khách quan đi đến Chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Điều này phản ánh một hiện thực lịch sử là muốn đứng lên giải phóng dân tộc không thể trông chờ một lực lượng siêu nhiên bên ngoài mà phải phát huy nội lực vốn có của dân tộc, của mỗi con người. Đó là sự Việt hoá các nhân vật trong Phật giáo,  là sự dung hoà giữa các  tông phái,…Ví dụ vào Việt Nam, đức Phật

được đồng nhất với những vị thần  trong  tín ngưỡng  truyền  thống có khả năng cứu giúp mọi người dân thoát khỏi mọi tai hoạ, hay là làm nên mây, mưa, sấm, chớp để mùa màng tốt tươi; ban cho người hiếm muộn có con (tục đi chùa cầu tự); ban lộc cho người bình dân để quanh năm làm ăn phát đạt; cứu độ cho người chết và giúp họ siêu thoát…

“Nghiêng vai ngửa vái Phật, Trời

Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân”

(Ca Dao)

Thứ năm, Phật giáo bước đầu đã có sự hỗn dung với Nho giáo và Đạo giáo.

Trong  thời kỳ Việt Nam bị phong kiến phương Bắc  thống  trị này, một mặt do sự cưỡng  bức  văn  hoá, mặt  khác  do  sự  giao  lưu,  tiếp  xúc  văn  hoá  và  do  tác  động  của  tư tưởng dung hoà nên xu hướng tiếp thu, hội nhập các yếu tố văn hoá Hán và Ấn vào nền văn hoá bản địa đã hình thành, Đặc biệt là sự hỗn dung của các tôn giáo, giai đoạn này là mầm mống để nảy nở  tinh  thần Tam giáo đồng nguyên. Nho, Phật, Đạo  từ phương Bắc xuống, Phật giáo  từ Ấn Độ  sang được  tiếp nhận, dung hoà vào nền văn hoá bản địa và nhanh chóng trở thành các thành tố của văn hoá Việt Nam.

Một đặc điểm  trong đời sống  tâm  linh  truyền  thống của Việt Nam  là sự cùng  tồn tại hoà bình trong tinh thần khoan dung giữa những tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Trên nền tảng tín ngưỡng dân gian bản địa mang tính đa thần và phiến thần, ba tôn giáo chính đã du nhập vào Việt Nam là đạo Phật, đạo Lão và đạo Nho. Những tôn giáo này một mặt đã  thay đổi để  thích ứng với  thực  tiễn xã hội –  tâm  linh Việt, một mặt đã đan xen, hỗn dung vào nhau do sự xúc tác của các tín ngưỡng dân gian. Các tôn giáo ở Việt Nam vì thế mà mang tính lai ghép và đã khác nhiều so với nguyên mẫu. Nó nhạt đi nhiều ở phần giáo lý mang tính lý thuyết siêu hình và đậm lên ở phần thực tiễn lễ thức và ứng xử nhân sinh.

Tín ngưỡng dân gian đã tiếp nhận Phật giáo ngay từ đầu công nguyên. Sau đó Phật giáo cùng tín ngưỡng truyền thống tiếp nhận Đạo giáo. Rồi tất cả cùng tiếp nhận Nho giáo để tạo nên Tam giáo đồng nguyên (ba tôn giáo có cùng nguồn gốc) và Tam giáo đồng quy (cả ba tôn giáo có cùng một mục đích). Ba tôn giáo trợ giúp lẫn nhau: Nho giáo lo tổ chức xã hội sao cho quy củ nề nếp; Đạo giáo lo thể xác con người sao cho thư thái, khoẻ mạnh; Phật giáo lo cứu khổ, lo tâm linh, kiếp sau của con người. Bởi vậy mà người dân cần đến cả ba tôn giáo, họ sử dụng kết hợp chúng theo giới tính, theo các giai đoạn trong cuộc đời một cách nhuần nhuyễn. Người Việt Nam, phụ nữ  thiên về Phật, đàn ông  thiên về Nho.

Phật giáo  thiên về xuất  thế,  chủ  trương  sống  từ bi nên  âm  tính hơn; Nho giáo  thiên về nhập  thế chủ  trương  tham gia chính sự nên dương  tính hơn. Cùng một người Việt Nam, khi trẻ trung thì học Nho để ra giúp nước, khi khổ ải trầm luân thì cầu trời khấn Phật phù hộ, khi ốm đau già yếu thì mời đạo sĩ đến trừ tà trị bệnh hoặc tập luyện dưỡng khí an thần.

Thứ sáu, Phật giáo đã tích cực đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống xâm lăng và đồng hoá.

 

 

Phật giáo đến Việt Nam khi Việt Nam mất đi nền độc lập đã được tạo dựng từ ngàn năm và nhân dân đang quằn quại đau thương dưới ách thống trị của tầng lớp cầm quyền Trung Quốc. Ở trong hoàn cảnh đó, những quan niệm của Phật giáo như từ, bi, hỷ, xả hay học thuyết Tứ ân đã góp phần phát huy và nâng cao  tinh  thần yêu nước và  truyền  thống nhân đạo của dân  tộc Việt Nam.

Truyền thống tri ân và báo ân Tổ quốc đã giúp cho nhiều tăng sĩ mạnh dạn “Cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Nhiều thế hệ Thiền sư và Phật tử vừa yêu đạo, vừa yêu nước, kháng cự lại tinh thần sùng ngoại Bắc phương Trung Quốc. Tinh thần Tứ ân của đạo Phật đã tạo ra cao trào tự cường dân tộc, toàn dân yêu nước và đoàn kết vì đại nghĩa quốc gia, nhiều lần đánh bại giặc Tống và giặc Nguyên từ phương Bắc. Nhờ tinh thần tự cường và độc lập của Phật giáo, dân tộc Việt Nam đã tìm ra được hướng đi mới, tách rời khỏi tư tưởng Khổng giáo vốn là đặc điểm nhận thức của chủ nghĩa đô hộ Trung Quốc đối với Việt Nam. Phật giáo Việt Nam đã xoá được mặc cảm bị nô lệ Trung Quốc kéo dài mười thế kỷ, là nhờ vào tinh thần yêu nước và bình đẳng của Phật giáo. Tinh thần bình đẳng của nhà Phật khẳng định rằng nếu Trung Quốc có thiên triều và thiên tử thì Việt Nam cũng có thiên triều và thiên tử là các vị minh quân. Tư tưởng này là các yếu tố

cần thiết giúp dân tộc Việt Nam giải phóng khỏi ách nô lệ Trung Hoa to lớn. Nền chính trị độc lập và tự chủ của thời Lý - Trần, với tinh thần nhập thế của Phật giáo đã mở ra những triều đại độc lập tự chủ đầu tiên của lịch sử Việt Nam làm cho dòng chảy đồng hành với dân tộc của Phật giáo Việt Nam trở thành điểm son của văn hoá, chính trị Việt Nam.

Có thể nói rằng, ngay ở giai đoạn đầu công nguyên đến thế kỷ X sau công nguyên Phật giáo đã thâm nhập vào trong tâm hồn, nếp nghĩ, lối sống của dân tộc Việt Nam và đã trở thành một phần bản sắc dân tộc. Những đặc điểm của Phật giáo càng làm cho nó  trở nên độc đáo và trở  thành một  thành  tố  trong nền văn hoá Việt. Theo dòng chảy của  lịch sử, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng vẫn sẽ đồng hành cùng con người trong quá trình  tồn  tại  và  phát  triển. Trong đó,  Phật  giáo  sẽ  giúp  cho  con  người  không  quên  cội nguồn, đồng thời là dùng từ, bi, hỷ, xả để đối xử với nhau dù cho xã hội có phát triển đến đâu đi nữa. Phật giáo vẫn sẽ gắn bó bền chặt với nền văn hóa, với con người Việt Nam.

Trần Tiến Đạt

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch  sử  tư  tưởng Việt Nam  tập  2, NXB  thành

phố Hồ Chí Minh.

[2] PGS.TS. Nguyễn Hùng Hậu  (2002 - chủ biên), Đại  cương  lịch  sử  tư  tưởng triết học Việt Nam tập 1, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.