Gia đình tâm linh

Sau nhiều lần đến San Diego tham dự các khóa tu ở Lộc Uyển, tôi đã say mê vùng núi đồi hoang sơ tĩnh lặng và phong cảnh hữu tình này. Vì vậy tôi đã rủ chồng tôi chọn San Diego làm nơi định cư lần thứ hai và Lộc Uyển làm ngôi nhà tâm linh. Từ đó mỗi lần lên Lộc Uyển, lòng tôi vui như những ngày xa xưa cùng với mẹ đi thăm các chùa ở Huế. Khi đến Lộc Uyển, tôi cảm thấy mình được bao phủ, được ôm ấp bởi năng lượng của tình thương, của sự an ủi và vỗ về; cùng với năng lượng thanh bình của đồi núi nơi đây. Tôi như con cá nhỏ vốn từ dòng sông Hương, sóng gió đã đẩy tôi ra đại dương và may mắn thay, nay được bơi lội thong dong trong dòng nước mát của Lộc Uyển, tôi nghe lòng trống vắng nhưng ấm áp ngọt ngào và tĩnh lặng lạ thường.

_DSC0033

Vào một ngày đẹp trời, khi quý vị đến thăm Lộc Uyển, mời quý vị cùng tôi đi một vòng chung quanh để ngắm nhìn phong cảnh hùng vĩ nên thơ và hít thở không khí trong lành nơi đây. Quý vị đừng mang theo gì cho thêm nặng gánh, chỉ cần một nụ cười thật tươi, những bước chân an lạc và nhớ đừng quên chú tâm vào hơi thở để tận hưởng giây phút hiện tại và những gì trước mắt.

Tôi sẽ đưa quý vị đi thăm rừng Sồi với những cây Sồi lâu năm, cành lá đan xen vào nhau thành một mái nhà rộng lớn, làm bóng mát cho vườn cỏ xanh rì và nhiều tảng đá lớn ngồi im bên con suối nhỏ. Rừng Sồi cũng là nơi cắm trại trong các khóa tu, và cũng là “thiền đường lộ thiên”, vì Sư Ông thường ngồi trên “pháp tòa” được dựng nên bằng nhiều tảng đá xếp gần nhau để nói pháp. Đây còn là tổ ấm của nhiều loài chim chóc; chúng ca hát líu lo suốt ngày như để chào mừng khách thập phương và thiền sinh đến tu học. Chúng ta có thể nghỉ chân nơi đây để uống trà, nghe chim hót và để lòng mình lắng dịu trong khung cảnh tịch mịch của núi rừng.

Mời quý vị ghé qua thăm thiền đường Xóm Trong Sáng của quý sư cô. Sư cô Trung Chính là trụ trì và cũng là người đã có mặt cho Lộc Uyển vào lúc sơ khai. Chúng ta vào lễ Phật, thăm vườn hoa lan và vườn rau. Vườn rau các sư cô có đủ các loại rau của quê hương mình; nào là tía tô, kinh giới, rau húng, rau ngò, rau thơm, rau răm, cải lạn, cải xanh, v.v. Trong vườn cây ăn trái thì nào là bưởi Biên Hòa, bưởi đỏ, ổi xá lị, mận, táo, hồng dòn; xen lẫn với nhiều cây kiểng và đặc biệt có cây hoa mộc lan cao vút, mùi thơm tỏa cả một vùng làm tôi có cảm tưởng như đang lạc vào một cảnh chùa cổ kính ở quê nhà.

Cốc của Sư Ông nằm trên một ngọn đồi nho nhỏ trông đơn sơ nhưng rất trang nghiêm và thanh tịnh. Tôi có cảm tưởng như Sư Ông thường xuyên có mặt ở đó và Người đang ngồi yên và mỉm cười. Hồ sen trước cốc vừa được tu bổ thành một nơi uống trà ngắm trăng hoặc thưởng thức hoa sen nở vào mùa hè. Tôi thích nhất là ngồi bên hòn non bộ kế cận, dưới gốc cây sồi già, bên chân tượng Quan Thế Âm; ngài đang lắng nghe nỗi khổ niềm đau của chúng sanh. Đi quanh theo các lối mòn thiền hành, quý vị sẽ rất ngạc nhiên khi đi qua một hồ đầy nước vào mùa mưa và khi màn đêm buông xuống, tiếng ếch nhái gọi nhau nghe inh ỏi liên tục trong sự tịch mịch của núi rừng.

Dọc theo đường lên thiền đường lớn là một khu rừng trước đây rất hoang vu nhưng nhờ bàn tay và công sức đóng góp của nhiều người, bây giờ thành nơi cắm trại cho thiền sinh trong các khóa tu mùa hè; đủ chỗ cho 200 đến 500 người và đôi lúc lên đến 1000 người. Dựa vào mé rừng là một túp lều tranh bé nhỏ đơn sơ, nằm khuất sau cây sồi lớn. Đây là biểu tượng cho nếp sống khiêm cung đơn giản và thanh bạch của thầy Giác Thanh, vị trụ trì đầu tiên của Lộc Uyển đã quá cố. Bên cạnh là tượng Quan Thế Âm lớn bằng đá trắng đang tĩnh tọa dưới tàng cây. Phía trước là vườn rau nhỏ của quý thầy và máy làm compost, để chuyển rác thành phân bón. Chúng ta phải thực tập biết trân quý rác và chuyển hóa rác, vì không có rác làm sao có hoa? Bên kia đường là vườn Chanh có nhiều chanh, lẫn với vài cây ổi, cây lựu, thanh long và mận.

_DSC0039

Đi lên đồi sẽ đến Thiền đường Thái Bình Dương và Tháp Chuông đại hồng. Thiền đường này là tác phẩm kiến trúc của thầy Pháp Dung, trụ trì xóm Vững Chãi. Với một hình dáng độc đáo, trông uy nghi nhưng rất hòa nhã, nằm trên một ngọn đồi cao. Chung quanh thiền đường trồng rất nhiều cây Bồ Đề và hoa phượng tím. Bãi cỏ xanh bao quanh thường dùng làm chỗ ngồi cho gần 1000 thiền sinh vào các khóa tu lớn. Với mái cong màu cam rực rỡ nổi bật giữa một vùng núi xanh rì bát ngát bao la, thiền đường này là biểu tượng cho tu viện Lộc Uyển và cho Đạo Bụt Dấn Thân - đem Thiền xuống núi, đem Đạo vào đời.
Mời quý vị lên xem tháp chuông. Tiếng chuông đại hồng này sớm chiều vang vọng khắp nơi, cảnh tỉnh biết bao nhiêu người và bao loài. Vào những buổi sáng nhiều sương mù, đứng trên tháp chuông nhìn xuống thung lũng, mình tưởng như đang đến một cõi trời xa xăm nào khác…

Theo các bậc thang sẽ lên đến nhà ăn lớn và chúng ta sẽ có một bữa cơm gia đình trong chánh niệm, với những món ăn chay Âu Á, hòa điệu rất đặc biệt và đầy tình thương do quý thầy và quý sư cô đã chuẩn bị chu đáo. Sau đó, chúng ta sẽ vào thiền đường lớn để nghỉ ngơi theo lối thiền buông thư, một cơ hội để thư giãn thân tâm và tạo thêm năng lượng cho thời gian còn lại trong ngày.

Buổi chiều, mời quý vị đi leo núi lớn. Chúng ta đi theo những con đường nhỏ quanh co ven triền núi, nhìn xuống là thung lũng sâu được tô điểm bởi nhiều loại hoa rừng đủ màu, xanh, vàng, tím, đỏ, vẽ thành một bức tranh tuyệt đẹp. Mình sẽ đi thong thả, đi mà không cần tới, chỉ cần tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên và hòa mình với vạn vật. Đây là những giờ phút hạnh phúc nhất; tuy đường dài và dốc cao nhưng mình sẽ đến đỉnh núi hồi nào mà không hay! Chúng ta sẽ ngồi trên các tảng đá khổng lồ mát lạnh hoặc nằm xuống nghỉ lưng và ngắm mặt trời lặn. “Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây”; cuộc sống mầu nhiệm và hạnh phúc không đâu xa, ngay bây giờ và ở đây.

Sau buổi cơm chiều mình lên núi Yên Tử đảnh lễ đức Thế Tôn. Ngài vẫn ngồi đó, dựa lưng vào vách núi cao; nhìn nét mặt nhân từ trầm tĩnh, lòng ta tự nhiên thấy nhẹ và bình an như đang được bảo bọc bởi tâm từ bi vô biên của Ngài. Bước xuống vài bậc thang sẽ đến tháp Thầy Giác Thanh nằm bên sườn núi nhìn xuống xóm Vững Chãi. Thầy đang nhìn chúng ta và thầy sẽ rất vui khi thấy chúng ta biết sống trong chánh niệm, sống hòa hợp và xem Lộc Uyển như một đại gia đình tâm linh, biết nuôi dưỡng tình huynh đệ, đối xử với nhau trong tinh thần hiểu và thương, không phân biệt màu da, tôn giáo, giàu nghèo, sang hèn, xấu tốt, dễ thương dễ ghét, quen hay lạ, mới và cũ, trước và sau… Đuợc như vậy tức là chúng ta đang thương Thầy và đang hiến tặng Thầy một món quà đúng với lòng mong ước và chí nguyện của Thầy. Thầy cũng rất vui khi thấy rất nhiều người Tây phương đến tu học, mừng cho Đạo Bụt đang được lan rộng khắp năm châu. Thầy đã có mặt cho Lộc Uyển từ thuở mới thành lập, đã âm thầm sống và đóng góp hết mình vào công tác xây dựng tu viện rồi mỉm cười lặng lẽ ra đi. Chúng ta hãy ngồi bên tháp Thầy uống trà, vì ngày trước Thầy thường mời khách thập phương vào cốc uống trà làm mọi người thấy lòng ấm áp và gần gũi với Thầy.

Trên đường xuống núi mình sẽ ghé thăm xóm Vững Chãi của quý thầy. Đây là nơi sinh hoạt đầu tiên của Lộc Uyển vào lúc ban đầu, với một thiền đường nhỏ theo truyền thống, có bàn thờ Bụt, thờ tổ và thờ vong. Phía trước là vườn hoa phượng tím, tượng Quán Thế Âm và hòn non bộ có suối nước róc rách chảy ra một hồ sen khá rộng. Mời quý vị ngồi nghỉ chân, ngắm nhìn bầy cá và rùa đang bơi lội và sống rất hòa hợp với nhau. Nhìn thật kỹ sẽ thấy con cá một mắt bơi lội thảnh thơi không chút mặc cảm, hình như nó có niềm tin rất vững vào những khả năng đặc biệt của nó. Bầy cá này sống ở đây rất thảnh thơi và an lạc.
Hôm nay nhằm ngày trăng tròn, chúng ta có thể ráng lại ngồi chơi với trăng, ngắm nhìn chú cuội, cây đa, uống trà và nghe chó rừng thỉnh thoảng gọi nhau - Ôi! Không gian sao mà sâu lắng và hùng vĩ thế này! Có lẽ vầng trăng kia đã xoa dịu và chuyển hóa những ai có duyên may đến đây.
Xin đa tạ Bụt, đa tạ Tổ, Thầy, quý thầy, quý sư cô, các bác và các anh chị đã tạo dựng nên Lộc Uyển, một ngôi nhà tâm linh cho mọi người nương tựa. Công ơn của quý vị được ghi mãi trong lòng người và là một dấu ấn đã khắc sâu vào núi đồi Lộc Uyển. Làm sao quên được bao nhiêu tà áo nâu, bao nhiêu bàn tay, bao nhiêu giọt mồ hôi đã đóng góp và xây dựng nên Lộc Uyển từ thưở sơ khai cho đến bây giờ và mãi mãi? Từ một vùng đất bỏ hoang lâu ngày với vài doanh trại đổ nát, phế thải không ai dám lai vãng, và Lộc Uyển đã thay đổi nhanh chóng nay trở thành một tu viện trang nghiêm thanh tịnh với nhiều hình bóng của Tăng, Ni và thiền sinh đến từ khắp nơi trên thế giới.

Lộc Uyển đã được 10 tuổi! Chúng ta hãy cùng đi như một dòng sông, kết chặt tình huynh đệ, cùng thực tập chánh niệm để nuôi dưỡng và chuyển hóa thân tâm. Mỗi chúng ta là một viên gạch, là một nụ hoa, là bóng mát, đang bồi đắp và tô điểm cho mái nhà tâm linh Lộc Uyển ngày thêm tốt đẹp. Để tạo cơ hội và điều kiện, để làm nơi nương tựa cho biết bao nhiêu người đang hụp lặn trong biển khổ mênh mông.

 

Chân Hỷ Lạc

(langmai.org)