Hạnh phúc trong tôi vẫn xanh trong

 

Lá vẫn xanh, trời vẫn trong, và hạnh phúc vẫn có mặt đó mỗi khi tôi nhớ về Lộc Uyển.

Mười năm đi qua mà Lộc Uyển với tôi vẫn mới như ngày nào. Có lẽ vì thời gian tôi ở Lộc Uyển rất ngắn, ngắn nhiều so với các anh chị em khác, ngắn nhiều so với năm năm vừa qua ở Việt Nam, và thời gian ở Làng. Nhưng cái rất ngắn đó lại rất đầy, để mỗi lần bước chân về Lộc Uyển hay nghĩ về Lộc Uyển của một-thời-xưa là trong tim tôi có chút bâng khuâng. Lộc Uyển như trường đời mà lần đầu tiên tôi phải rời Thầy, rời chúng lớn để bước ra … một mình (dù có đi với sư chị Trung Chính nhưng sư chị vững vàng quá, còn tôi thì lơ ngơ như người vừa tập bơi bị thảy xuống sông). Lộc Uyển cho tôi nhiều kỷ niệm và nhiều bài học để hiểu thêm về mình. Có ngọt ngào, có khó khăn, có nụ cười, có nước mắt, có rất nhiều thứ tôi phải học và đi qua. Mỗi ngày tôi lớn hơn một chút. Hạnh phúc cũng rõ nét hơn. Và tôi đụng đầu với những thử thách tiềm ẩn trong tâm mà lâu nay không thấy, thậm chí không biết. Giải quyết mấy thử thách đó cũng u đầu sứt trán, mất hết vài kí lô. Ngày trở lại Làng tôi xin Thầy cho tôi về hưu, vì thấy mình lớn nhanh đến …già hẳn đi. Thầy cười: ‘Thầy còn chưa được về hưu đây, nghèo mà ham’. Tôi cũng cười một mình, tu mà ‘về hưu’ nỗi gì, con đường đi trọn đời hết kiếp còn chưa tới đâu, làm như đi tu là một công việc vậy. Rồi nhân duyên đưa đẩy (đúng là đưa và đẩy, sao mà hai chữ này thấm thía ghê) để tôi về Việt Nam, ở Bát Nhã. Thoáng chốc năm năm trôi qua. Bát Nhã thành huyền thoại. Tôi lại khăn gói về Làng. Cứ như đám mây bay qua nhiều đỉnh núi. Núi cao nên mây dừng chân một thời gian, thu nhặt hạnh phúc và thành mưa tưới xuống ruộng vườn.

Các chị em bảo tôi phải viết về Lộc Uyển những ngày đầu để mừng Lộc Uyển mười tuổi. Ừ, thì hồi Lộc Uyển ‘thôi nôi’, một năm, như con nhà nghèo còn vất vả bận rộn lo toan, quên luôn ngày sinh nhật. Nhớ tới chiếc bánh được các thân hữu đem lên và nụ cười của những người-thuở-ban-đầu. Mười năm đi qua, ngày sinh nhật bây giờ có đặc san, kỷ yếu. Sư chị Trung Chính nhắn nhủ nhớ về thăm Lộc Uyển dịp 10 năm. Tôi dạ mà không dám hứa. Hình như vẫn còn một lời hứa với thầy Giác Thanh chưa kịp làm đã bao năm nay. Tôi nhớ lần chở thầy Giác Thanh và sư chị Trung Chính đi mua thông để trồng trên cái sân ở Vững Chãi. Thông lớn, mua nhiều nên họ chở tới tận nhà. Không biết tính toán sao đó mà thiếu hết một cây, thầy cứ thúc tôi đi mua. Tôi thì cứ hẹn để mua thêm nhiều thứ khác cho họ chở một lần, vì phải trả tiền xe chỉ để chở một cây thông thì không đáng. Rồi thì lu bu chuyện tổ chức chuyến đi cho Sư Ông, chuyện này chuyện kia, thỉnh thoảng thầy nhắc tôi ‘còn nợ thầy một cây thông’, tôi dạ. Rồi về Làng. Và thầy mất. Lúc đó tôi đang ở Việt Nam. Ngày trở về tôi kịp lạy xuống trước quan tài thầy, biết rằng thầy không cần tôi thực hiện lời hứa vì tôi cũng không còn là ‘dân Lộc Uyển’, và có lẽ chúng Lộc Uyển cũng đã làm điều đó rồi. Nhưng tôi không hỏi lại. Chỉ giữ lời hứa đó như một chút gì khi nhớ tới thầy.

hanhphuctrongtoi_02Thầy Giác Thanh đã thành mây trắng thong dong. Và vườn thông mạnh khỏe của Vững Chãi đã bao lần nhận những cơn mưa đổ xuống từ ngày ấy. Không phải chỉ có thông, Lộc Uyển còn in dấu trong tôi hai hàng cây tiêu trên đường lên Yên Tử. Tôi nhớ buổi ban đầu Lộc Uyển khô héo, thiếu màu xanh, thiếu sức sống. Những cây sồi già thì lá xanh đậm gân guốc vì thiếu mưa. Sư Ông dạy trồng tiêu vì giống cây đó thích hợp với vùng đất này, lớn nhanh, lá lại xanh mướt mềm mại mà lại không dễ chết do thiếu nước. Tôi tròn mắt thán phục vì không hiểu sao mới về thăm Lộc Uyển lần đầu mà cái gì Sư Ông cũng rành rẽ. Rồi từ đó tôi học được thêm sự quan sát để lúc nào muốn trồng cây tôi cũng … nghiên cứu hơn, chứ không phải cứ nhìn hoa đẹp hay ưng cây gì là trồng đại cây đó. Mới năm ngoái đây thôi, trong một buổi thiền hành lên Yên Tử, Sư Ông chỉ cho tôi hai cây tiêu trên đỉnh to lớn như hai cây cổ thụ trong khi những cây dọc đường thì nhỏ chỉ bằng nửa. Tôi đã đứng trầm ngâm nghĩ tới những khác biệt dù lúc mới trồng cây nào cũng bằng kích cỡ nhau. Có phải vì cây dọc sườn đồi không giữ được nước nên không đủ sức lớn mạnh như cây ở mặt bằng? Có phải vì thế mà những người tu trẻ được hưởng đầy đủ mưa pháp thì tiến bộ rất nhanh so với người thiếu duyên nghe pháp?

Và Lộc Uyển ơi, Lộc Uyển cũng đã lớn rất nhanh so với dự đoán của tôi. Để năm ngoái khi về giúp khóa tu, tôi nhìn xuống thiền đường Thái Bình Dương đông nghẹt người mà nhớ tới một ngày năm xưa, đi thiền hành tới bãi đất trống chỉ mới trồng cây bồ đề, Thầy bảo Thầy đã thấy thiền đường rồi dù chưa xây dựng. Lộc Uyển đã trở thành địa điểm quen thuộc cho thiền sinh về tu học thường xuyên. Những thầy, cô ở Lộc Uyển cũng ổn định thành một chúng ‘thường trú’ vững mạnh để đi hoằng pháp các nơi. Và các em ‘teenagers’ của vùng Nam Cali có mặt buổi ban đầu ấy bây giờ cũng đã trở thành những giáo thọ tu sĩ trẻ tuổi của Làng đang sinh hoạt tích cực và hướng dẫn người trẻ, các thầy cô trẻ ở Thái Lan. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh các em Huy, Ánh, Christine, Thiên chạy lên chạy xuống giữa hai xóm để làm ‘liên lạc viên’ vì các sư cô quá mỏi chân mà điện thoại lên xóm quý thầy không được. Những ánh mắt trong veo, những nụ cười rộng mở, và sự hồn nhiên của các em tiếp sức cho Lộc Uyển biết bao nhiêu. Rồi có em sẵn sàng bước chân vào con đường đạo, có em ngần ngừ vì cha mẹ gởi gấm, có em đi vì ước muốn của phụ huynh nhưng chưa rõ con đường… Vậy mà bây giờ em nào cũng đã thành giáo thọ, cũng đã thành những sư anh, sư chị giỏi giang cho biết bao nhiêu là sư em trẻ tuổi.

Mười năm, có là bao so với một đời người?

Mười năm, bao nhiêu là vụng về, vấp váp đã đi qua để có ngày nay?

Ngày đưa tiễn thầy Giác Thanh, và sư em Pháp Dung được đề cử làm trụ trì, ai cũng thấy Lộc Uyển còn quá non yếu mà cây cổ thụ đã ngã xuống. Thầy Phước Tịnh đã dạy chúng rằng thiên hạ đi tìm pháp như đi mua món hàng, hàng giả hay thiếu chất lượng thì người không mua.

Sư Ông cũng luôn nhắc nhở rằng mình không thể nào ‘bán hàng giả’ được. Chỉ có sự tu tập hết lòng, chuyển hóa thật sự mới gây niềm tin cho người tới với mình.

Và Lộc Uyển làm được chuyện đó, dù không phải lúc nào cũng dễ.

Mười năm, căn nhà các sư cô ở đã cũ lại càng cũ thêm. Những dãy phòng vá víu cạnh hồ bơi vẫn còn đó, nóng mùa hạ và lạnh mùa đông.

Mười năm, mong ước xây một ni xá để có thể ở chung với nhau tưởng như đã bị chìm vào quên lãng.

Nhưng đã mười năm, sư chị Trung Chính vẫn còn đó, vẫn bàn tay ân cần, vẫn tấm lòng hy sinh, vẫn nụ cười hiền lành, và tình thương cho các sư em. Tôi nghe tin việc xây dựng ni xá rồi cũng được khởi công, trên vùng đất năm xưa Sư Ông đã chọn. Như một điều tất yếu, chỉ chờ đủ nhân duyên.

Như ngày nào mới về Lộc Uyển, tôi không biết bao giờ mình mới đủ sức để trả tiền mua đất, nhưng cứ làm việc-phải-làm, chuyện gì đến sẽ đến. Và những bàn tay, những tấm lòng, những hy sinh, những đóng góp của thân hữu mười phương đã làm được chuyện đó.

Bởi vì, Lộc Uyển nào phải của riêng ai!

Bởi vì, những ân tình lúc nào cũng có!

Nên lá vẫn xanh, trời vẫn trong, và hạnh phúc vẫn có mặt đó mỗi khi tôi nhớ về Lộc Uyển.

 

Xóm Mới , 11/5/2010

Sư cô Chân Thoại Nghiêm 

(langmai.org)