Nghi lễ Phật giáo

Nghi lễ là một vấn đề đã trở thành truyền thống trong sinh hoạt tu học của giới Phật giáo, nhưng nó cũng có tính chất nhạy cảm vid nghi lễ thuộc lĩnh vực yins ngưỡng tâm linh không những của Tăng Ni, Phật tử mà cả những người không theo tín ngưỡng Phật giáo. Nghi lễ là biểu hiện lòng tôn kính, tín ngưỡng của mỗi người trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, qua những thời đại khác nhau, tùy từng địa phương, nghi lễ Phật giáo đã thay đổi hình thức cho phù hợp với nhu cầu của nhân dân ở đó để truyền bá Chánh pháp.

Nhìn lại lịch sử Phật giáo hơn 2.500 năm qua, chúng ta thấy rằng: Ở giai đoạn đầu, khi Đức Phật còn tại thế, vấn đề nghi lễ chưa có, vì Tăng đoàn thời bấy giờ theo sự hướng dẫn trực tiếp của Đức Phật, chỉ chuyên tu giới, định, tuệ để được giải thoát, giác ngộ; giới Cư sĩ tại gia thì tin tưởng và y cứ vào lwoif dạu của Đức Phật mà tu hành, thành tựu các thiện nghiệp và thân, miệng, ys để được an lạc, lợi ích hiện đời cũng như đời sau. Bởi tin tưởng, hiểu biết thực tế về nhân sinh, cuộc sống nên người tu Phật thời bấy giờ không nặng về hình thức lễ nghi, không nương vào tha lực.

Sau khi Phật vào Niết Bàn, Phật giáo truyền bá rộng rãi ra các nước, nhất là các nước phương bắc, vì phương tiện độ sanh, chư Tổ đã tùy theo phong tục, tập quán của mỗi dân tộc mà chế tác ra nghi lễ để dễ bề cảm hóa nhân dân bản xứ. Ở Trung Hoa, là một trong những quốc gia có nềm văn minh lâu đời, lễ nhạc phong phú, Phật giáo muốn nhiếp phục được các nhà tri thức và giới thượng lưu đương nhiên phải làm cho phần nghi lễ trở nên thiêng liêng, huyền bí. Vì vậy, nghi lễ Phật giáo từng bước được định hình. Do chư Tổ Trung Hoa biên soạn nên nghi lễ Bắc tông Phật giáo toàn bằng Hán văn, sau này các bậc Tôn túc đã cố gắng dịch ra Việt văn nhưng chỉ phiên âm chư không dịch nghĩa.

Trong khi đó Phật giáo các nước trên thế giới phần lớn theo hệ thống Phật giáo Nguyên thủy (Theraveda) đều tụng kinh bằng tiếng Pafli, một cổ ngữ mà đa số người Việt Nam chúng ta không thể hiểu được. Trong khi nghi lễ lấy sự tụng kinh làm quan trọng, nhưng chỉ tụng kinh mà không hiểu nghĩa kinh thì kết quả rất giới hạn. Không hiểu đúng đã đành mà lắm khi còn hiểu sai, ví dụ cho rằng tụng kinh là cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho tiêu tội thêm phước, khỏi cần hiểu và thực hành gì nữa nên dễ rơi vào mê tín, tà kiến. Do đó, đã đến lúc Giáo hội chỉ đạo Ban Nghi lễ xúc tiến biên soạn nghi lễ bằng Việt văn cho tất cả Phật tử Việt Nam dễ sử dụng trong các cuộc lễ, từ lễ lớn tới lễ nhỏ.

A. BỐI CẢNH VÀ SỰ HÀNH LỄ

Lễ nghi trong Phật giáo là bảy tỏ lòng thành kính đối với các bậc đáng tôn kính như Tam Bảo, Ông Bà, Cha Mẹ và tất cả những người thân kẻ sở đã qua đời. Hiến dâng lễ vật không cốt để cho ngời chết được hưởng mà chỉ để bày tỏ lòng kính mến, để nhớ ơn và để phát nguyện làm những điều tốt lành mà những người đi trước đã làm. Điều này chỉ là những biểu hiện tùy theo truyền thống và văn hóa của mỗi dân tộc có ảnh hưởng tư tưởng hiếu niệm trong Phật giáo. Như thế hình thức này cần nên đơn giản nhưng phải trang nghiêm thành kính.

Cầu nguyện theo quan niệm Phật giáo là không phải van xin thần thánh hay bất cứ một lực lượng thần linh nào. Cầu nguyện là tâp trung dòng tư tưởng về một mối duy nhất, tập trung năng lực tinh thần chuyển đổi quan niệm mê lầm, xấu ác trở nên trong sáng và lương thiện. Cầu nguyện vì thế chính là phương pháp nhìn lại con người thật của mình, quan sát ý thức và trừ khử mọi khát vọng phàm tình, ích kỷ, ỷ lại, yếu đuối. Cầu nguyện là một cách định tâm, định ý để chuyển hóa lòng mình, lòng người.

Như vậy lễ nghi là lòng khiêm hạ, là bày tỏ sự kính thành. Cầu nguyện là cách thức đãi lọc tâm tánh, là phát khởi những dòng tâm niệm trong sáng, hữu ích, nung nấu ý chí, trau giồi đạo hạnh cho mình và hướng dẫn người khác.

Nghi thức các khóa lễ luôn có bốn phần:

1. Tác bạch: Gồm cả phần niêm hương cúng dường Tam Bảo. Phần tác bạch như một lời trình về duyên sự của buổi lễ (theo nghi thức Nam tông thì có thêm bài thỉnh chư Thiên). Đây là khởi đầu của tất cả buổi lễ.

2. Lễ Tam Bảo: Là phần xưng tán và lễ Tam Bảo. Tất cả các thời khóa đều có phần này dù đầy đủ hay giản lược.

3. Phần kinh văn: Gồm những Phật ngôn hay kệ tụng phù hợp với tinh thần của khóa lễ đã xướng trong lời tác bạch. Phần này có thể linh động. Vị chủ lễ có thể chọn những bài kinh thích hợp với thời giờ, hoàn cảnh và căn cơ của những người tham dự khóa lễ.

4. Phần hoàn kinh: Là phần sau cùng của mỗi khóa lễ với kinh Từ Bi nguyện (nghi thức Nam tông), Bát Nhã tâm kinh (nghi thức Bắc tông), hồi hướng, phục nguyện và tự quy tam tự quy y.

Theo quan điểm của chúng tôi, ở các phần 1, 2, 4 tùy mỗi Hệ phái Phật giáo có thể khác nhau về hình thức lễ nghi, miễn sao được trang nghiêm và không quá rườm rà là được, nhưng phần kinh văn cần nên Việt hóa toàn bộ. Bởi vì, khi tụng niệm kinh Phật thì cốt để người nghe hiểu được nghĩa lý mà thực hành. Bởi những nghi lễ được cử hành không ngoài mục đích nêu lên ý nghĩa như kỷ niệm Phật đản sanh, xuất gia, thành đạo, Niết bàn, những người tham dự lễ sẽ nghe và hiểu được phần nào mục đích sự ứng thân thị hiện của Đức Phật nơi cõi đời. Còn tụng niệm cho Phật tử tại tư gia, nghi lễ cũng phải rõ ràng cho họ hiểu như thế nào là nghiệp lực, thiện ác, nhân quả, siêu đọa để họ tự giác ngộ y theo lời Phật dạy và tu hành theo. Pháp của Đức Phật được định nghĩa là Sanditthiko (thiết thực hiện tại), Akàliko (không có thời gian), Ehipassiko (đến để mà thấy). Trong khi chúng ta hành trì các pháp môn Phật dạy, chúng ta hưởng được ngay quả an lạc hạnh phúc do pháp môn ấy mang đến. Hãy giúp cho những người hành lễ hiểu Đức Phật là bậc đạo sư chớ không phải là vị thần linh. Như vậy mới đúng ý nghĩa nghi lễ của Phật giáo là một trong những phương tiện hoằng pháp lợi sanh.

B. BIÊN SOẠN NGHI LỄ BẰNG TIẾNG VIỆT

Theo đề nghị của Ban Nghi lễ Trung ương thì hãy Việt hóa toàn bộ nghi lễ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong quyển Văn học sử Phật giáo của Giáo sư Cao Hữu Đính nêu rõ “Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đi hành đạo đến địa phương nào thì thuyết pháp bằng tiếng địa phương đó”. Điều này không có gì là lạ, vì một khi ta muốn người khác hiểu được ta, tất nhiên ta phải nói thế nào cho họ nghe và hiểu được. Chúng ta đều biết rằng, nghe để hiểu đúng thì thực hành mới có kết quả, chớ không phải chỉ có tin suông là đủ. Vì vầy cần sử dụng nghi lễ theo ngôn ngữ địa phương để phù hợp cho việc hoằng pháp lợi sanh. Hiện nay, Phật giáo các nước trê thế giới, họ cũng sử dụng nghi lễ bằng tiếng địa phương họ như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Miến Điện … thì tại sao Việt Nam mình lại không thực hiện được.

Trong bối cảnh hiện nay, theo chúng tôi nghĩ là soạn một nghi thức chung cho tất cả các hệ phái là điều không thể thực hiện được trong vòng vài ba chục năm tới, vì có những kinh quan trọng của hệ phái này, nhưng ngược lại của hệ phái khác cũng như không thể tìm được sự nhất trí trong cách đặt trọng tâm vào kinh tạng Nam tông hay kinh tạng Bắc tông. Vì vậy, trước mắt trong khả năng có thể thực hiện được, chúng ta nên soạn một nghi thức Lễ Phật đản chung cho các hệ phái. Dù Bắc tông, Nam tông hay Khất sĩ chúng ta đều là Phật tử Việt Nam, tại sao chúng ta lại không thể tụng chung một bài kinh bằng tiếng mẹ đẻ của mình? Bước tiếp theo phải tạo điều kiện cho tất cả những quyển nghi thức đã và đang được soạn ra cùng đi về một hướng, từng bước tiến tới, trong tương lai chỉ còn vài ba quyển nghi thức cho những hệ phái lớn.

Trong việc biên soạn này không gì hơn là hệ thống hóa lại các quyển nghi thức đã có sẵn từ trước bằng tiếng Việt, nếu cần có thể bổ sung thêm cho mỗi nghi thức một số bài kinh trong kinh tạng mà Đức Phật đã giảng dạy. Bài pháp nào Đức Phật dạy phù hợp với mỗi nhu cầu thì trích lời kinh đó đưa vào, chỉ cần sắp xếp lại cho phù hợp câu văn, chớ không nên lấy văn ý của mình mà đưa vào nghi lễ đọc tụng rồi gọi đó là kinh Phật.

C. KẾT LUẬN

Nghi lễ là sự biểu hiện lòng tôn kính và tin tưởng của mọi ngời đối với Tam Bảo một cách có hệ thống, có bài bản. tùy theo tập quán của mỗi địa phương mà hình thành nghi lễ. Đây cũng là một phương tiện không thể thiếu trong việc hoằng pháp lợi sanh và trang nghiêm thêm cho công hạnh tu học, tụng niệm, lễ bái, thờ phụng đúng Chánh pháp. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng: Phương tiện bao giờ cũng giống như con dao hai lưỡi, nó có công dụng tốt, cũng có công dụng không tốt. Nếu chúng ta biết sử dụng nghi lễ để tuyên dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh là phước báo cho chư Thiên và loài người, ngược lại mượn nghi lễ để mưu cầu lợi dưỡng thì tai hại vô cùng. Có sự ý thức về những nguyên lý Phật học thì những hình thức nghi lễ sẽ phục vụ đạo pháp và cho con người một cách tốt đẹp, đem đến sự an lạc. Nhưng vắng mặt tinh thần đạt đạo và không ý thức được những nguyên lý Phật học thì những hình thức sinh hoạt này lập tức biến thành nguy hại, những phương tiện bị chấp chặc và coi như là cứu cánh. Cho nên người Phật tử không thể không thâm nhập kinh tạng, thâm nhập hành trì để nắm bắt những nguyên lý căn bản của nền triết học Phật giáo , từ đó mới có thể buông bỏ những hình thức được mệnh danh là Đạo Phật nhưng kỳ thực tác hại cho Đạo Phật./.

TT. Thích Giác Thường

UV. Ban Nghi lễ TWGHPGVN

Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ