Chữ hiếu của người xuất gia

 

Cứ mỗi độ thu về, mỗi người chúng ta dù là một Phật tử hay đơn thuần chỉ là tín đồ của một tôn giáo nào đi nữa, không ai lại không nhớ đến một ngày thiêng liêng và trọng đại, đó chính là ngày lễ Vu-lan – Rằm tháng bảy.

Thật vậy, ngày Vu-lan không chỉ là ngày lễ hội văn hóa truyền thống đặc thù của dân tộc Việt Nam, mà nó còn thể hiện truyền thống đạo đức của người con dân Việt Nam đối với cha mẹ của mình.

Nói đến Vu-lan người ta thầm liên tưởng đến ngày hiếu, ngày mà mỗi người con chúng ta gởi gắm vào đấy tất cả tâm tư và nỗi nhớ về công ơn sanh thành dưỡng dục.

Lâu nay đã có bao bài viết, bao tác phẩm, bao kiệt tác bất hủ nói lên công ơn hai đấng sanh thành, cũng như bổn phận của người con hiếu đối với cha mẹ. Nhưng những phần được đề cập ấy, đa số chỉ nói đến bổn phận của người Phật tử tại gia. Chính vì lẽ đó, đã không ít người xuất gia cho rằng, chữ Hiếu chỉ dành riêng cho người Phật tử taïi gia, còn chúng ta, những người xuất gia là những bậc xuất trần, đã cắt ái từ thân, không còn bổn phận với cha mẹ nữa. Nhưng thật ra, nói như vậy là đã quên nghĩ đến việc thân này từ đâu mà có. Phải chăng nhờ vào sự cưu mang và nuôi dưỡng của cha mẹ ?

Cũng vậy, quả vị Vô thượng Bồ-đề mà Ðức Phật chứng đạt, một phần là nhờ có những duyên lành này mà được thành tựu. Vì vậy, Ngài dạy rằng: “Hiếu thuận như một nguyên tắc đạo đức, nó trở thành mọi giới điều buộc mọi người phải tuân giưõ”. Trong đó, cha mẹ là nhân duyên đầu tiên và trước hết.

Ðiều ở đây muốn nói, chính là vấn đề hàng xuất gia báo hiếu không phải bằng vật chất, hay những món ngon vật lạ dâng cúng cho cha mẹ như quan niệm thường tình ở thế gian. Bổn phận chính đáng của chúng ta ngoài những việc ấy là đem lại cho cha mẹ chánh kiến và chánh tín đối với ngôi Tam bảo, hướng dẫn cha mẹ vào con đường giải thoát, xa lìa sanh tử khổ đau. Cách báo hiếu ấy, đối với người xuất gia là một việc làm thiết thực đúng theo lời Phật dạy và có nhiều thuận duyên hơn cả. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Ðức Phật đã dạy: “Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải, vật chất, tiền bạc,... thời không bao giờ đủ trả ơn cho cha mẹ. Nhưng này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin thì khuyến khích cho cha mẹ an trú vào lòng tin. Ðoái với cha mẹ theo ác giới thì khuyến khích hướng dẫn cha mẹ an trú vào thiện giới... Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, tức là làm đủ và trả ơn đủ cho cha và mẹ.

Thật vậy, trong xã hội ngày nay, không ít những bậc cha mẹ đang sống trong giàu sang, tiện nghi đầy đủ do con cái mang lại. Thế nhưng hàng ngày hàng giờ họ phải sống trong tâm trạng khổ đau bởi sự ràng buộc của tiền tài vật chất và dường như sự ràng buộc ấy dần đã trở thành một phần cuộc sống của họ từ bao giờ.

Người xuất gia tuy không có đầy đủ phương tiện vật chất như những người thế tục, nhưng chúng ta luôn sống trong niềm vui của tỉnh thức, vì đã đổi những vật chất bình thường để nhận lấy những gì cao quý hơn, đó là sự giải thoát và an lạc, để rồi cùng hướng dẫn cha mẹ trở về an trú trong niềm an lạc vô biên của hiện tại và tương lai.

Ngược dòng thời gian của lịch sử, chúng ta sẽ thấy một hình ảnh vô cùng cao đẹp của Ðức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni, khi còn là một Thái tử ở vương triều. Dầu đang sống trong cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, bên sự thương yêu chìu chuộng của bậc song thân khả kính, nhưng Ngài đã từ bỏ tất cả để đổi lấy một cuộc sống bình thường giản dị, hầu tìm ra con đường giải thoát và giác ngộ. Với quan niệm thường tình, có lẽ một số người sẽ vội cho rằng Ngài thật bất hiếu vô tâm, vì đã ra đi để lại sau lưng hai đấng sanh thành đang mỏi mòn thất vọng. Nhưng nhìn sâu xét kỹ chúùng ta mới thấy được ý nghĩa sâu sắc về việc làm của Ngài, một người con chí hiếu, mà trên cuộc đời này khó tìm được người thứ hai.

Sau ngày thành đạo, Ðức Phaät đã hóa thân lên cung trời Ðao Lợi thuyết pháp độ mẹ. Trở về Ca-tỳ-la-vệ, Ngài thuyết pháp độ cho Vua cha tỏ ngộ, chứng quả Tu-đà-hoàn. Ðích thân Ngài đã chăm sóc Vua cha từ những ngày lâm bệnh cho đến khi quá vãng vaø Ngài đã dùng đôi vai của chính mình để nâng đỡ nhục thân Phụ hoàng đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Bằng những việc làm thiết thực đó, Ðức Phật đã thể hiện rõ tinh thần hiếu đạo của một bậc xuất trần và cũng là tấm gương sáng cho các hàng đệ tử soi chung. Nối theo gót Ngài, đã có biết bao tấm gương hiếu tuyệt vời, điển hình là Tôn giả Mục Kiền Liên, thật đáng để cho chúng ta kính lễ.

Gần gũi với chúng ta nhất, là lòng hiếu thảo của Thiền sư Nhất Ðịnh. Mặc cho mọi người gièm pha, đàm tiếu, Ngài trở về quê chăm sóc mẹ già bên mái tranh đơn sơ, giản dị. Về sau, để tỏ lòng tôn kính một vị Cao tăng hiếu thảo, am tranh ấy đã được vua Tự Ðức cho xây dựng laïi thành một ngôi chùa và sắc tứ là “Từ Hiếu Tự”, để ghi lại cho người đời sau dấu tích của một vị Thiền sư đại hiếu.

Ngoài ra, mỗi khi ghé về thăm Hà Nội, không ai lại không biết đến ngôi chùa Hòe Nhai. Nơi đó cũng đã lưu lại hình ảnh hiếu thuận của một vị Thiền sư mà ngày nay người bình dân Việt Nam ta thường gọi là “Hòa thượng Cáy”, tức là Thiền sư Tông Diễn.

Những tấm gương đại hiếu của các bậc xuất gia đã minh chứng rõ một tinh thần hiếu đạo cao cả. Sự báo hiếu ấy không dừng lại nơi việc cung dưỡng đầy đủ vật chất mà còn đem đến cho cha mẹ những pháp tu tập, hầu mang lại sự an lạc giải thoát ở hiện tại cũng như tương lai.

Thế mới thấy được tinh thần hiếu kính cao cả của người xuất gia. Cho nên, bậc Cổ đức có dạy: “Nhất nhân thành đạo, cửu huyền siêu thăng”. Nghĩa là: Trong gia đình nếu có người xuất gia đạt thành Chánh quả, thì cả gia đình giòng tộc ấy đều được nương nhờ ân đức.

Thời gian quá khứ dần khép lại, để rồi mỗi Tăng, Ni trẻ chúng ta sẽ cùng kết lên những đóa hoa hiếu hạnh kính dâng lên hai đấng sanh thành dưỡng dục với tất cả lòng chí thành hiếu kính nhân mùa VU LAN – RẰM THÁNG BẢY.  

 

Nhuận Ân

 

HỌC VIỆN PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI TP. HCM

TĂNG NI SINH KHÓA V

Số 1. Ðặc san kỷ niệm Mùa Vu Lan PL.2546


alt