Vài nét về lễ hội đua ghe Ngo ở Sóc Trăng

LỄ ĐUA GHE NGO


* Vài nét về Lễ đua ghe Ngo:


Theo nhiều tài liệu, dân gian tương truyền từ xưa, theo những vị cao niên Khmer ở Sóc Trăng như: ông Kim Cho (71 tuổi) và ông Sơn Nho (86 tuổi) cư ngụ tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng kể lại rằng hội đua ghe ngo Sóc Trăng đã có từ vài trăm năm trước đây, với ảnh hưởng sâu đậm của Bà La Môn giáo và Phật giáo, người Khmer giải thích chiếc ghe Ngo ra đời bằng nhiều truyền thuyết khác nhau, xuất phát từ đặc điểm cuộc sống của cộng đồng cư dân nông nghiệp lúa nước lúc bấy giờ, cho nên khởi đầu họ đã làm nên chiếc ghe độc mộc dùng để làm phương tiện đi lại. Chiếc ghe Ngo cũng được sử dụng làm phương tiện thuyền chiến, rượt đuổi, xung trận đánh giặc và mỗi khi giành được thắng lợi thì mọi người đua nhau trổ tài bơi ghe để ăn mừng chiến thắng. Từ đó, đòi hỏi chiếc ghe phải ngày càng được hoàn hảo hơn, tốc độ hơn và sau này có phải chăng hình thù của chiếc ghe ấy chính là sự sáng chế thành chiếc ghe Ngo ngày nay.


Những cuộc mưu sinh để chống chọi với thiên nhiên và đàn thú dữ thường được tổ chức đi thành từng đoàn, do đó chiếc ghe độc mộc lúc bấy giờ có phần bất tiện, không có khả năng đáp ứng được sức tải nhiều người theo yêu cầu, nên họ phải sáng kiến đóng chiếc ghe dài ra để chở được nhiều người phục vụ cho cuộc sống mưu sinh. Đồng thời chiếc ghe Ngo ra đời còn mang đậm dấu ấn của đời sống văn hoá tâm linh, là vật linh thiêng dùng để tạ ơn thần nước cho mùa màng tốt tươi, đưa nước từ ruộng đồng ra biển, khoảng thời gian này (15 tháng 10 âm lịch) cũng là mùa mưa kết thúc, đánh dấu sự kết thúc của một năm đồng áng.


Chiếc ghe ngo là một dạng thuyền độc mộc, được làm bằng cây sao, thường có chiều dài từ 24 – 30 m hoặc tuỳ theo chiều dài của cây tìm được mà định hình chiều dài của chiếc ghe ngo, chiều ngang thường là 1,2 m, ghe có hình thù tựa như con rắn, mình thon thon về hai đầu, đầu uốn cong và thấp hơn đằng sau lái một chút. Ghe ngo có nhiều cong và có cây cột cặp chặt ở đáy nối dài từ đầu đến lái, người Khmer gọi là cây cần câu, cây này phải là thân cây tràm mới bền và có độ nhúng nhẩy, nhằm giữ ghe được vững và nhảy vọt, trên cong đóng nhiều thanh cây ngang dài độ 1,2 m vừa để cho hai người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song. Ghe ngo thường có từ 52 – 54 chỗ cho người ngồi bơi và chỉ huy, với khoảng 26 – 27 cặp dầm bơi, được chia ra thành 05 phần:


+ Phần thứ nhất: Đầu ghe gồm các tay bơi chính và phụ.
+ Phần thứ hai: Là các tay bơi trong tư thế ngồi bơi thường.
+ Phần thứ ba: Là các tay bơi ngồi quỳ trên đầu gối trong khi bơi (quỳ bơi).
+ Phần thứ tư: Là các tay bơi trong tư thế đứng bơi.
+ Phần thứ năm: Là các tay bơi ở vị trí đuôi ghe giữ lái chính và phụ.


Số lượng tay bơi ở đầu ghe và đuôi ghe là cố định, thân ghe thường sơn màu đen, trên be có sơn một vệt màu trắng, màu vàng hoặc màu đỏ. Hai bên vẽ hoa văn Khmer hoặc vẽ vẫy rồng, rắn, hình sóng nước, đầu ghe vẽ hình con thú biểu trưng hình ảnh và tên gọi của chiếc ghe của mình, tên ghe thường gắn liền với tên các con thú như: Bạch tượng, chim công, cọp, chim sáo, khỉ.v.v…Nhằm thể hiện sức mạnh và cái đẹp của chiếc ghe Ngo.


Chiếc ghe ngo thường là do bà con trong phum sóc đóng góp công sức, tiền của tạo nên và được giữ gìn, bảo quản ở chùa. Hàng năm gần đến ngày đua, người ta làm lễ hạ thuỷ để các tay bơi tập luyện. Người ta để ở đầu mũi ghe lễ vật gọi là Slatho làm bằng quả dừa, trên cắm nhang và đèn cầy, slachôm, bai-srây, vật cúng còn có cả 02 mâm cơm, 01 đầu heo, 01 con gà, 01 con vịt luộc, trái cây và cả nhạc lễ nữa. Trong buổi lễ có đầy đủ các tay bơi được sắp xếp đứng dọc hai bên thành ghe, dầm đặt trên ghe, ông Acha (thầy) đứng ra cầu khẩn thần thánh yêu cầu trời thiêng báo cho tất cả ông tà, thổ địa, bà thuỷ ủng hộ ghe ngo, lạy và mời ông trời, bà thuỷ dùng, lấy đồ cúng mỗi thứ một ít đặt trong mâm theo hướng thiêng và sau đó sư sãi đọc kinh cầu phúc ủng hộ cho ghe đua giành thắng lợi…lễ này còn tổ chức cột chỉ tay cho người ngồi mũi ghe, Sau đó Achar (thầy) nhấn mạnh 03 lần hỏi đội ghe là chiến thắng không? Tất cả đều hô to: chiến thắng, chiến thắng, chiến thắng. ông hỏi tiếp phải chiến thắng không? Câu trả lời là chiến thắng, hỏi có gì làm bằng chứng? câu trả lời là tinh thần đoàn kết, sau đó cả đội đẩy ghe xuống nước.

Dù có tổ chức lễ cúng cầu khẩn thần thánh phù hộ, nhưng họ không lơ là trong việc tập dượt, người được lựa chọn để bơi phải là trai tráng khoẻ mạnh, lực lưỡng quen bơi và bơi có nghệ thuật trong từng phum sóc và tinh thần thượng võ trên sông nước, vì vậy trước mỗi cuộc thi họ đã tập bơi trên cạn cho đều tay và đúng nhịp, sau đó mới tập bơi dưới nước, riêng người được chọn ngồi mũi để chỉ huy thường là người có uy tín trong phum sóc. Trước đây, người này phải giàu có mới có đủ sức đài thọ ăn uống cho các tay bơi, ngày nay các khoản chi phí này thường được chính quyền địa phương, mạnh thường quân và Ban Tổ chức tài trợ. Có thể nói rằng, hội đua ghe ngo diễn ra vừa mang tính tâm linh, tính nghệ thuật và giá trị văn hoá độc đáo của người Khmer khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.


Trước đây, thường có ghe hậu cần đi cặp theo ghe Ngo để chở lương thực phục vụ cho cả đội ghe ngo ăn, những chiếc cà hâu này thường được trang trí, kết đèn hoa rực rỡ, có cả dàn nhạc ngũ âm để để phục vụ lễ hội đua ghe. Tối hôm đó, người ta tổ chức thả đèn nước với sự tham dự của các ghe cà hâu diễu hành qua lại trước khan đài, ghe nào được trang trí đẹp, ánh sáng rực rỡ, dàn nhạc sôi nổi thì được giải. Ngày nay, trong lễ hội Ban Tổ chức có sự tham gia đầy đủ của các ban ngành hữu quan nhằm hướng lễ hội tập trung hơn, xưa kia địa điểm đua được tổ chức ở Dù Tho (Tham Đôn, Mỹ Xuyên), sau đó tổ chức tại sông Nhu Gia và hiện nay hàng năm đều được tổ chức trên sông Maspero Sóc Trăng cho đến nay, tỉnh Sóc Trăng là tỉnh có ghe Ngo đua nhiều nhất và là điểm tập trung tổ chức đua của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài sự tham gia của ghe Ngo Nam còn có các tay bơi của đội ghe Ngo nữ, đây là một nét mới trong hội đua ghe Ngo hiện nay, bên cạnh lễ đua ghe Ngo trong lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ của các đoàn nghệ thuật sân khấu Dù Kê, văn hoá, thể thao và các trò chơi dân gian Khmer tạo không khí vui tươi cho hàng chục ngàn người, cả người Việt, người Hoa cùng chung vui lễ hội cổ truyền của đồng bào Khmer. Có thể nói cuộc đua ghe ngo làm cho ngày lễ hội cúng trăng thêm phần long trọng và tạo điều kiện để thắt chặt thêm mối dây liên kết giữa các cá nhân trong cộng đồng, giữa các dân tộc cùng cộng cư sinh sống và giúp cho con người quên đi những nhọc nhằn, lo âu trong đời sống sau một mùa vụ lao động vất vả.

Trần Quốc Cường

anh 2_resize.JPG