Hạnh khiêm cung của Sa-di-ni

Sa-di-ni là bậc xuất gia thấp nhất trong hàng tăng chúng đệ tử Phật. Mà trong muôn hạnh tu để phát sinh công đức, khiêm cung trụ bậc nhất. Bởi thế oai nghi thiên thứ hai dạy Sa-di-ni phải biết kính trọng bậc đại sa môn vậy.

Cúi thấp cái bản ngã của mình xuống ngang bằng lá cỏ, cỏ biết cong rạp người xuống trong bão giông! Mà ai cũng biết cây cao cành cứng thì gãy đổ bật gốc, còn lá cỏ kia vẫn xanh tươi nảy lộc đâm chồi, bão táp càng làm cho nhựa sống dâng trào thêm mãnh liệt. Loài vô tình còn vậy, loài người há lại chẳng biết lấy đó mà trông ư?

Sa-di-ni dầu bé nhỏ, vẫn là hàng xuất gia. Dẫu phát túc siêu phương đấy, song vẫn chỉ là những cái chồi non bé nhỏ. Bởi thế mà nhất thiết phải lấy hạnh khiêm cung làm đầu.

Bậc đại sa môn là những vị tôn túc tăng ni đã thọ đại giới của Phật, đã sống một đời phạm hạnh, đã tích lũy biết bao công đức, là bậc thầy của trời người! Họ đã thăng trầm đủ vinh hoa và khổ cực và bằng thực tế trải nghiệm, bằng giáo lý được thâm truyền bậc đại sa môn làm hướng đạo sư cho hàng hậu học.

Như thân, cành, lá cứng cáp che chở cho chồi non, hô hấp sinh dưỡng để đem lại sự sống cho chồi non, làm nơi nương tựa để vươn lên sống giữa đời, chẳng có lẽ nào khác được.

Và cũng như chẳng có lẽ nào khác được, việc những mầm tu bé nhỏ, trước phải tôn kính bậc đại sa môn để sau mới hầy mong cầu sự học, cầu giới pháp, cầu giải thoát “Không thầy đố mày làm nên vậy”. Muốn học nên người, nên thân tu chẳng thể nào được phép khinh lờn chê bai bậc đại sa môn, trọng thầy mới được làm thầy. Tất cả các phép oai nghi như: không được nghe hai bộ đại tăng thuyết giới, đi nói lỗi lầm, nói lời xúc não, phỉ báng vô cớ, khiêu khích, nhái giọng nói, tướng đi… hai bộ đại tăng. Phải kính nhường khi tiếp chuyện, đi đường, trong tất cả các hành xử. Tất cả giúp rèn luyện Sa-di-ni một tâm thực sự biết khiêm hạ, thực sự đẹp về tế hạnh, thực sự chuẩn mực của một tu sĩ tu hành chân chính.

Và tất cả các oai nghi tế hạnh ấy thuần thục đó là nơi chỗ phát sinh công đức vô lượng. Thêm nữa, đó là hành vi hộ trì cho trọn vẹn cả thân, khẩu, ý tu nhiếp trọn vẹn sáu căn, tiếp sức cho tâm tỉnh thức và giác ngộ, tăng trưởng vô lượng tâm từ bi, hiền hòa. Bởi khiêm cung bao giờ cũng đi liền với hiền thục, ái hòa. Từ đó, có thể làm được vô lượng điều lợi ích cho đời.

Đó là chu trình tất yếu của nhân - duyên - quả.

Do vậy, Sa-di-ni và cho dù sau này lớn lên, thì luôn luôn lời nói, hành vi, cử chỉ, tâm thức phải biết khéo giữ gìn, đừng để vọng tình theo yêu ghét, tốt, xấu, dở, hay… mà làm mất đi tâm khiêm hạ, cũng làm mất đi cái bồ-đề tâm trong sáng ban sơ của mình, cũng là làm mất đi tánh Phật của chính mình vậy.

Phải biết thu cái trí tuệ sáng suốt, vì vô trí thì chẳng thể nào sanh công đức vô lậu được. Như cọng cỏ kia, biết mình, biết người, tốt sống và tồn tại. Cương cường và ngạo mạn thì sớm muộn cũng bị gió bão quật ngã. Sự tu hành đã chẳng có lợi ích, lắm người đời càng chuốc lấy tai vạ và khổ đau mà thôi.

Cố gắng dừng tâm quan sát và vọng theo ngoại cảnh lại, hãy nhìn vào chính tâm mình đi, thế sẽ tốt hơn nhiều!

Hãy tu tập tâm bao dung, thứ tha, độ lượng, đó là căn bản để trưởng dưỡng lòng từ bi. Hãy cúi xuống để nhìn vào chính tâm ta, để thấy mình còn quá bé nhỏ, cần tu nhiều, nhiều nữa.

Đó là sự tu tập cần thiết của Sa-di-ni.

Như vậy, sự tôn kính hai bộ đại tăng cần được quán chiếu suy xét từ hành vi ngoại tướng đến sự phát triển suy dịch vi tế của tâm. Hình tướng và nội tâm cần phải song hành với nhau. Tích lũy công đức từ những tâm hạnh cung kính bắt đầu dù vô cùng bé nhỏ. Kính tăng thật vô cùng khó, nhưng khó ấy mới là tu, mà Sa-di-ni không thể nào không biết để hành trì mới hầu mong làm lợi lạc cho chính mình, cho đời.■

 

Khánh Bình

Nguồn Tập San Pháp Luân 73

http://phattuvietnam.net/images/albumanh/0607/sen13.jpg