Chánh Niệm Và Trí Tưởng Tượng - Kinh Nghiệm Của Một Nhà Văn


Thế giới Đại Thừa là thế giới toàn khắp, bao trùm và dung thông mọi pháp, không phân biêt tục hay chân, hữu lậu hay vô lậu. Kinh điển Đại Thừa vẽ ra cho chúng ta một thế giới rộng lớn chứa đựng toàn bộ mộng và thực, chân và giả, ô nhiễm và thanh tịnh, luân hồi và Niết bàn… trong cùng một thực tại rỗng không, bao trùm, thông suốt và đầy từ bi.

Dưới đây là kinh nghiệm của nhà văn Anne Donovan về chánh niệm khi cô sống trong thế giới kép giữa giả tưởng và hiện thực, một kinh nghiệm mà ở một góc độ nào đó, chúng ta có thể liên tưởng đến kinh nghiệm của người hành giả Đại Thừa khi tu tập theo kinh điển Đại Thừa. Kinh điển Đại Thừa, với những màn hiển lộ thật giả bất phân đầy kịch tính từ Pháp thân của chư Phật và Bồ tát, dẫn chúng ta bước vào và hòa nhập trong một thế giới toàn thể, bao trùm và kết nối.

Thị Giới.

 

Khi còn là một cô bé, tôi thường ở lại nhà dì tôi. Phần dưới của vách nhà bếp làm bằng một loại thủy tinh đục không nhìn xuyên qua được. Ở đó có một vết nứt và tôi thường quỳ gối trên một chiếc ghế, dán mắt nhìn qua khe hở. Tôi chỉ có thể nhìn thấy một mảnh nhỏ của khu vườn: một phần bụi cây, phần trên của đường ống dẫn nước, một mảnh trời xanh hay xám. Hơi lạnh xuyên qua khe hở làm mắt tôi cay và ướt. Dĩ nhiên lúc đó tôi chưa biết chánh niệm là gì. Nhưng cái nhìn tập trung, sắc nét và không rời đó là điều gần gũi nhất dẫn tôi đến định nghĩa thế nào là ở trong giây phút hiện tại.

Chúng ta thấy gần như hiển nhiên rằng sự dừng lại trong hiện tại là một trạng thái tự nhiên của trẻ con. Nhìn trẻ con đắm mình trong trò chơi chúng ta sẽ thấy chúng bắt kịp mỗi khoảnh khắc của thời gian một cách lạ lùng như thế nào. Ký ức của tôi về những sự việc nhỏ nhặt trong thời thơ ấu mạnh hơn nhiều so với ký ức về những điều có vẻ trọng đại khi tôi trưởng thành.

Khi trưởng thành chúng ta thường có khuynh hướng đánh mất khả năng quí giá cô đọng trong cái khoảnh khắc. Đó là lý do sự tu tập chánh niệm là quan trọng để chúng ta có thể sống một cách trọn vẹn hơn. Chánh niệm thường được định nghĩa là tập trung vào việc đang xảy ra ngay hiện giờ thay vì để tâm trí rong ruỗi trong những mơ mộng, ý tưởng và dự kiến. Khi đứng xếp hàng ở siêu thị, thay vì nghĩ đến việc chúng ta sẽ làm hoặc về một cuốn phim đã xem hôm trước, chúng ta nên tập trung chú tâm vào người kiểm soát, vào những âm thanh, mùi vị xung quanh chúng ta.

Nhưng tôi cũng biết rằng khi còn là một đứa trẻ, ngoài việc để tâm vào những sự việc xảy ra trong hiện tại, tôi cũng trải qua nhiều thời gian mơ mộng và sống trong một thế giới tưởng tượng. Tôi thường bị thúc giục đọc một cuốn sách dưới gầm bàn hay ở những chỗ khuất vào ban đêm, hoặc mơ mộng, trong khi đáng lý ra tôi nên lắng nghe một thứ gì đó.

Bây giờ, là một nhà văn, tôi cũng để rất nhiều thời gian ở trong thế giới tưởng tượng, tưởng tượng những con người, những kịch bản không giống với những thứ tôi đang sống trong đó. Ngay cả lúc tôi rời máy vi tính – như lúc ngồi trên xe buýt – tôi cũng thường tưởng tượng đến những nhân vật của tôi, tôi là họ thay vì là chính tôi.

Vấn đề là có thể nào tôi sống được trong chánh niệm trong khi vẫn sống với những hình ảnh tưởng tượng và những câu chuyện giả tưởng?

Trẻ con thường đan kết tưởng tượng với hiện thực, không phân biệt giữa chúng. Một thanh gỗ lượm được trên lối đi liền trở thành một thanh kiếm và đứa trẻ liền trở thành một hiệp sĩ. Rồi thanh gỗ trở thành một chiếc đũa thần và đứa trẻ liền trở nên có năng lực của một phù thủy. Đối với trẻ con, một con thú đồ chơi hay một con búp bê cũng sống động như một con người. Tôi nhớ một cuộc trao đổi giữa một đứa trẻ và một phụ nữ tôi gặp trên đường. Đứa trẻ đang ôm một con chó đồ chơi.

Phụ nữ: Tên con chó của con là gì?

Đứa trẻ: Lucky

Phụ nữ: Thật dể thương. Chúng tôi cũng có một con chó tên Lucky, một con chó thật.

Đứa trẻ (một chút ngạc nhiên): Nhưng Lucky là một con chó thật!

Giống như đứa trẻ nầy, người lớn chúng ta cũng mang những tưởng tượng đi lang thang với chúng ta. Tuy nhiên, những tưởng tượng của chúng ta bị khóa kín trong đầu. Chúng không rõ ràng như những đồ chơi. Những câu chuyện của chúng ta có sức mạnh, định dạng cái nhìn của chúng ta về thế giới, về chúng ta và về người khác. Và đôi khi, những điều tưởng tượng của chúng ta quá tiêu cực đến nỗi chúng phá hỏng cái hiện tại.

Nhưng nếu tưởng tượng là tiêu cực, phải chăng có nghĩa là chúng hoàn toàn không thể có tác động tích cực? Theo tôi, con người yêu thích những câu chuyện, và chúng ta có thể sử dụng chúng cho sự lợi ích của chúng ta, ngay cả trong việc giúp chúng ta có được những trải nghiệm sáng sủa rõ ràng hơn.

Là một nhà văn, tôi kinh nghiệm sự nghịch lý kỳ lạ về việc hiện diện trong hiện tại, hoàn toàn tỉnh thức, hoàn toàn tràn ngập, trong khi vẫn tiếp cận với những con người và những hoàn cảnh không thật. Trong cuộc sống của tôi, tôi ít khi nào thấy mình có chánh niệm hơn trong lúc ngồi viết. Những giáo lý mà tôi đã đọc hay nghe về chánh niệm không đề cập đến vấn đề nầy. Tôi mạo muội tin rằng điều làm cho việc đó có thể xảy ra là ý thức việc bước vào thế giới đó, chấp nhận nó giống như một người để toàn tâm ý dấng bước vào cơn mưa hay trời nắng mà không có một sự đắn đo nào. Khi tôi ngước lên từ chiếc máy vi tính và nhìn cây cối bên ngoài cửa sổ, tôi biết tôi đang ở trong hai thế giới, một thế giới bên ngoài và một thế giới bên trong. Tôi bước đi giữa hai thế giới đó giống như tôi bước đi giữa đời sống cá nhân của tôi và đời sống của nhân vật. Tôi không mơ mộng để thoát ra ngoài thực tại nhưng là để kinh nghiệm một hình thức khác của thực tại. Để viết những cuốn sách hay nhất mà tôi có thể, tôi cần để cho trí tưởng tượng của tôi mở ra một cách tự do. Nhưng tôi cũng phải làm việc với những mặt tỉnh táo hơn của ý thức để đẽo gọt cách hành văn và trau chuốt ngôn từ.

Tác phẩm cần một số sự thật nền tảng nếu muốn có giá trị. Chẳng phải chỉ người viết đi giữa một thực tại bên ngoài và một thực tại bên trong, là người đọc, chúng ta cũng đi theo cùng con đường. Tưởng tượng là một lãnh vực phức tạp và bí ẩn của tâm thức. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu và điều động trí tưởng tượng theo hướng làm tăng tính rõ ràng và sự hiểu biết của chúng ta, thay vì làm cho chúng ta lãng xa thực tại?

Việc đọc có thể giống với tham thiền. Trong thiền định chúng ta giữ thân và tâm tĩnh lặng để có được chánh niệm; cái “Tôi” quán sát những niệm tưởng hiện hữu độc lập với những niệm tưởng đó. Trong khi đọc, chúng ta bước vào một thế giới khác; cái “Tôi” đang đọc thể nghiệm ngay thế giới đó và hiện hữu độc lập với thế giới đó. Và giống như việc chúng ta có thể có được sự sáng sủa rõ ràng hơn khi quan sát chính chúng ta trong thiền định, khi đọc, thế giới kép có thể đưa chúng ta vào trạng thái minh sát mà chúng ta có thể mang vào trong đời sống.

Giả tưởng – sách hay phim ảnh - đã giúp tôi nhìn thấy sự việc rõ ràng hơn, hiểu bản chất con người sâu sắc hơn, và mong mỏi điều gì đó tốt đẹp hơn. Là người viết và cũng là người đọc, tôi biết rằng những nhân vật giả tưởng là không thật nhưng tôi quan tâm đến họ như thể họ cũng hiện hữu, và tôi cũng bị khích động, đau buồn hay hạnh phúc với những biến cố trong cuộc đời họ. Giống như thông thường người ta hiễu rõ ràng những bản kịch của người khác dễ hơn của chính mình, truyện giả tưởng giúp chúng ta nhìn thấy chúng ta bị những cảm xúc làm đuôi mù như thế nào. Đọc về những nhân vật có thể giải phóng chúng ta ra khỏi những thành kiến thường che khuất cái nhìn của chúng ta về gia đình và bạn bè, và có thể mở ra cho chúng ta cái nhìn bằng nhãn quan của một nền văn hóa khác chúng ta.

Dĩ nhiên truyện giả tưởng cũng có thể vô giá trị và tồi tệ; nó có thể có xu hướng tạo xúc động mạnh và lôi kéo cảm xúc của chúng ta. Tu tập chánh niệm giúp chúng ta chấp nhận và hiểu thay vì phê phán. Tuy nhiên có sự khác nhau giữa tâm phê phán và trí phân biện. Qua sự tu tập về chánh niệm và tỉnh thức, chúng ta nuôi dưỡng khả năng nhìn thấy khi sự việc lệch ra ngoài trật tự. Đó có thể là sự lắng nghe và quan sát những phản ứng của thân thể để chúng ta có thể nâng cao sự tỉnh giác của chúng ta, như về thức ăn, số lượng cần ăn v.v., cũng có thể là lắng nghe và quan sát tác động mà một cuốn sách tạo ra nơi chúng ta. Giống như ăn quá nhiều thực phẩm tạp làm cho chúng ta cảm thấy đầu óc nặng nề, đọc quá nhiều những tài liệu không giúp chúng ta tiến tới trên con đường giác ngộ cũng tương tự như vậy.

Dĩ nhiên một cuốn sách có lợi cho một người không hẳn có lợi cho một người khác. Tôi là giáo sư Anh văn trong nhiều năm, và một trong những niềm vui lớn nhất của tôi là giúp trẻ con làm quen và trau dồi sự yêu thích đọc sách. Có khả năng giới thiệu những cuốn sách thích đáng vào đúng thời điểm cho một đứa trẻ là một đặc ân lớn. Điều đó cũng gần giống như nhìn một cái cây lớn lên và biết đúng lúc nào tưới nước hoặc dời nó đến chỗ có nhiều ánh nắng hơn hay nhiều bóng mát hơn. Là những người trưởng thành, chúng ta cần trau dồi sự nhạy cảm đó của chúng ta và, ở một mức độ nào đó, trở thành người thầy thông thái của chúng ta. Rồi có thể những phút giây bất chợt nhỏ nầy của sự tỉnh thức, khe hở xuyên qua lớp kính, sẽ xảy đến với chúng ta thường xuyên hơn.

 

Anne Donovan

Thị Giới dịch (Shambala Sun)

(Đã đang trên nguyệt san Giác Ngộ)

http://1.bp.blogspot.com/_wMEkjlVUtcA/SBWd7xhmOWI/AAAAAAAABGs/vLuoEWo4LEk/s400/HoaSenHong.jpg