ĐÔI DÒNG VỚI TĂNG NI SINH LỚP ĐÀO TẠO CAO CẤP GIẢNG SƯ

 
alt 
Tuổi trẻ là tuổi của mùa Xuân, là mùa của muôn hoa đua nở và khoe sắc dưới ánh bình minh của vầng hồng vừa ló dạng, là mùa của sự đâm chồi nãy lộc và sinh sôi nảy nở của hàng vạn sự sống đang đua nhau phát triển, và cũng là mùa chào đón cho sự khởi đầu tốt đẹp của nhân loại.
Vì vậy, khi đề cập đến tuổi trẻ, hình ảnh của mùa Xuân thường được dùng ẩn dụ để minh hoạ về những đặc tính đầy nhiệt huyết, mạnh mẽ, phát triển, năng động và sáng tạo của giới trẻ hiện nay. Để lưu lại những kỷ niệm tốt đẹp giữa tình Thầy trò dưới mái trường Cao Cấp Giảng Sư vào những trang kỷ yếu của Tăng Ni giảng sinh khoá IV trước khi ra trường, tôi có đôi dòng chia sẻ với qúy Tăng Ni sinh trước khi rời khỏi mái trường thân yêu sau ba năm miệt mài với đèn sách.
Thưa các huynh đệ!
Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua như dòng sông êm đềm xuôi chảy về quá khứ, thấm thoát đã ba năm trôi qua, những gương mặt thân thương và trìu mến ngày nào khi mới chập chững bước vào ngưỡng cửa Cao Cấp Giảng Sư, quý huynh đệ giờ đây đã trở thành những người tu sĩ trí thức với đầy đủ tài đức song toàn; đó là một thành quả vô cùng cao quý và đáng trân trọng. Sau khi tốt nghiệp ra trường, mang trên mình với trọng trách: truyền trì đạo mạch, tục diệm truyền đăng, xiển dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh, báo Phật ân đức;quý huynh đệ càng cố gắng nhiệt tâm hơn nữa khi tu học, tinh cần hơn nữa khi làm Phật sự và tỉnh giác hơn nữa khi hoà nhập cuộc đời; bởi vì đứng trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới, một niên kỷ đầy sự thách thức và canh tân, người tu sĩ cần phải khéo léo trong sự tu tập Giới-Định-Tuệ và thiện xảo trong phương tiện hoằng pháp, chúng ta không nên cố chấp và khắt khe cũng không nên quá buông thả và phóng túng trong khi tu học và hành đạo; đó chính là đôi chân vững chắc cho quý huynh đệ trước khi dấn thân vào con đường“hoằng truyền Phật pháp, lợi ích chúng sanh” hầu đóng góp cho sự phát triển xã hội, Phật giáo và Tăng đoàn trong hiện tại cũng như tương lai. Quan điểm này chúng ta sẽ thấy rõ hơn qua lời nhận định rất thuyết phục và năng động của thiền sư  D.T. Suzuki  rằng:
Trong những ngày nay, chùa chiền Phật giáo là những trường học, bệnh viện, phòng khám bệnh, trại mồ côi, nơi nương tựa của những người già; và những vị tu sĩ là những vị giáo viên, y tá, bác sĩ, kỹ sư, người quản lý nhà trọ miễn phí, những người trồng trọt, những nhà thám hiểm ở vùng hoang dã… Khi cộng đồng đang trong giai đoạn tiến triển ban sơ, những người đệ tử Phật là những nhà lãnh đạo trong mỗi chiều hướng, và chính quyền tự nhiên khuyến khích về hoạt động của họ.
Thêm vào đó, Ngài Ajahn Tiradhammo Thera đã tô điểm thêm một đoạn phát biểu rất lập luận trong lời nói đầu của ngài:
Một người đệ tử Phật, đối với tôi không chỉ là người nào đó đơn thuần nằm lòng những thể thức đúng đắn hoặc phải mặc đồng phục cần phải có, mà còn là người sống một đời sống hành thiện trên tinh thần đúng với lẽ phải. Đây là toàn bộ mục đích tối thượng về lời dạy của đức Phật. Một nhà hoạt động xã hội khi ấy là người luôn sống với trí tuệ và lòng từ trong khung cảnh xã hội; học tập để chia sẻ kho tàng tâm linh vị tha với tất cả chúng sanh.
Hy vọng rằng: hai quan điểm trên sẽ giúp quý huynh đệ khẳng định cho chính mình một hướng đi chuẩn mực với vai trò tích cực và khéo léo của người tu sĩ Phật giáo ngày nay trên lộ trình tu học và hoằng truyền Phật pháp. Nhân dịp chào đón Xuân Kỷ Sửu 2009 và chuẩn bị cho buổi Lễ Tốt Nghiệp Khoá IV sắp tới, tôi thân chúc quý huynh đệ luôn khoẻ mạnh, vui vẻ và thành tựu mọi sở nguyện trên con đường tu học
giải thoát giác ngộ.

ĐĐ. Thích Quang Thạnh

(KỶ YẾU LỚP CCGS KHÓA IV - PHẦN 1: VANG MÃI LỜI THẦY)