HOẰNG PHÁP THỜI HỘI NHẬP


Ngược dòng thời gian quay về với quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã đặt chân lên xứ sở đất Lạc Việt ngay từ đầu niên kỷ, trải qua các thời đại, giáo lý Phật Đà đã được ăn sâu vào tâm khảm của người dân Việt Nam. Vào những thời kỳ nhà Đinh, Lê, Lý, Trần Phật giáo đã cùng Dân tộc làm rạng rỡ vẻ vang non sông đã đi vào sử ký. Các vị Thiền sư, Tiền Hiền, Tổ đức giúp Vua trong triều chính để dựng nước cứu dân, rồi Phật giáo Việt Nam cũng bị ảnh hưởng hàng ngàn năm đô hộ của chế độ Phong kiến thực dân và các cuộc chiến tranh tàn phá; Phật giáo Việt Nam cũng bị tàn phá về cơ sở vật chất, nhân sự v.v… Đến nay, hoà bình lập lại, Phật giáo Việt Nam đã và đang từ từ khởi sắc vươn lên hoàn thiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức và các thành phần nhân sự từ Giáo hội địa phương đến Giáo hội Trung ương.

Hôm nay, một sự kiện lịch sử lại diễn ra nơi trung tâm văn hoá chính trị ở cuối hình Chữ S của Tổ quốc, đây là lần đầu tiên Ban hoằng pháp Phật giáo tỉnh Kiên Giang kết hợp với Ban hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức khoá bồi dưỡng ngắn hạn cho Tăng Ni sinh và Hoằng pháp viên toàn quốc, Tiểu Ban hoằng pháp Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình thành tâm thắp nén tâm hương, nguyện cầu mười phương Chư Phật gia hộ cho Chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng trị sự, Ban hoằng pháp “Pháp thân thường trụ, trí tuệ viên minh hoằng truyền Chính pháp” làm rạng danh con nhà họ Thích ngàn đời.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam lại bước sang trang ở thế kỷ 21 này, năm 1981 cả ba miền Bắc, Trung, Nam, từ Mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái cùng chung nhịp đập của trái tim Phật Pháp trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thống nhất, kể từ đó đến nay công việc hoằng pháp ngày một phát triển hơn, và nhất là Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI lại một lần nữa trẻ trung hoá đội ngũ lãnh đạo có đủ trí tuệ, đạo hạnh để Hoằng dương Chính pháp, Lợi lạc quần sinh. Nhiệm kỳ VI Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thời kỳ chuyển giao giữa hai thế kỷ 20 và 21. Đất nước ta đang thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Phật giáo Việt Nam cũng chuyển mình theo từng nhịp điệu đó.

Phật giáo Ninh Bình - nơi Cố Đô của nước Đại Cồ Việt đã chứng kiến bao sự thăng trầm của Dân tộc, một đơn vị Phật giáo mới được tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh năm 1992, và cũng năm ấy Ban Trị Sự Phật giáo cũng đã được hình thành và tiến hành Đại hội, cho đến nay đã trải qua bốn kỳ Đại hội, song địa dư đất Ninh Bình có cả vùng cao, núi đồi và đồng bằng chiêm trũng. Số lượng Tăng ni còn quá ít, các tiểu ban của Ban Trị Sự đang được hình thành và hoàn thiện dần dần. Riêng Tiểu Ban hoằng pháp mới có manh nha phát triển khởi sắc gần đây.

Về cơ cấu tổ chức Phật giáo tỉnh Ninh Bình mới củng cố được tám Ban Đại Diện Phật giáo các huyện thị, còn một thị trấn, một huyện có ít Tăng ni tu hành, hơn thế nữa địa dư lại ở vùng sâu vùng xa, đồi núi hiểm trở, lại có đồng bào dân tộc anh em cư trú, ngược lại nhu cầu theo đạo của nhân dân lại đông, chính vì lẽ đó Trường Cơ Bản Phật Học của tỉnh chưa được ra đời, Tăng ni còn đang phải gửi theo học tại trường Cơ bản Hà Nội và Nam Định.

Để đáp ứng nhu cầu học Phật của Tăng ni và Phật tử trong tỉnh, Ban Trị Sự đang tiến hành làm các thủ tục xin phép xây dựng Trường Cơ Bản Phật Học, và kế tiếp đây sau khi đoàn tân giảng sư được đào tạo trở về, chúng tôi sẽ có chương trình luân phiên đi giảng pháp các nơi vùng xa, đồng bào dân tộc tiểu số vào các ngày lễ cổ truyền của các Trụ xứ Phật giáo không có sư trụ trì, đồng thời tuyên truyền chủ trương đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, để người đang theo đạo nắm bắt được chủ trương tôn chỉ mục đích Giáo lý của Đức Phật và Giáo hội.

Vào các ngày lễ lớn như lễ Phật đản, lễ Vu Lan, lễ Phật Thành Đạo và lễ Thượng nguyên, Ban hoằng pháp sẽ triển khai thuyết giảng ở một số Tổ đình lớn, tập chung lễ đài đông người v.v… và có chương trình đi thuyết giảng cho các đơn vị sinh hoạt Gia đình Phật tử, các Đạo tràng thụ Tam quy, Ngũ giới v.v…

Những việc làm trên đây tuy là mới khởi sắc, đã và đang tiến hành, nếu làm được như vậy một phần nào cũng đáp ứng nhu cầu tu học Phật của Tăng ni và Phật tử trong tỉnh.

Vậy nếu để cho Tiểu Ban hoằng pháp tỉnh Ninh Bình chúng tôi thực hiện được xứ mạng mà Đức Như Lai giao phó cho, chúng tôi xin kính trình lên Ban hoằng pháp Trung ương một số điểm sau:

Ban hoằng pháp Trung ương cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để các Giảng sư có đầy đủ thuận duyên phát huy tài năng và đức hạnh của mình.

1. Dành phần ưu tiên nâng đỡ cho các Tăng ni ở những tỉnh mới tách, vùng sâu vùng xa được dự vào các lớp đào tạo chuyên ngành của Giáo hội.

2. Ban hoằng pháp luôn luôn có công văn, chủ trương gửi cho Tiểu Ban hoằng pháp các tỉnh, thành hội được biết đường lối hoạt động của Ban hoằng pháp Trung ương.

3. Ban hoằng pháp Trung ương luôn cung cấp tài liệu và thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng cho Tăng ni giảng sư để có đủ luân lý, cương lĩnh lập trường khế lý, khế cơ để Hoằng pháp tại các địa phương chưa phát triển về Đạo pháp.

4. Ban hoằng pháp có công văn cụ thể hữu hiệu gửi cho các Cơ quan chức năng các tỉnh thành để tạo điều kiện cho các Giảng sư thực hiện cục đích cao cả của mình trên con đường phụng sự Chính pháp mà Giáo hội đã giao phó.

5. Ban hoằng pháp nên có chương trình đi tham vấn các tỉnh, thành hội Phật giáo, các Trường Cơ Bản Phật Học để nghe những ý kiến tâm tư nguyện vọng thao thức của Tăng ni ở thời kỳ đất nước chuyển mình phát triển. Từ đó Ban hoằng pháp Trung ương sẽ có những hoạt động cụ thể để giúp cho các tỉnh, thành hội phía Bắc còn yếu kém về tổ chức và nhân sự./.

 

Thích Đức Lợi

Trưởng Ban Hoằng pháp tỉnh Ninh Bình

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)


Theo giaohoiphatgiaovietnam.vn