Sen Muôn Cánh


Chua Phat To
Phật tử Mỹ nồng nhiệt nghêng đón Phái đoàn Hoằng Pháp đến từ Âu Châu!

Hàng năm, khi bắt đầu thời điểm tháng tư âm lịch, người con Phật dù ở nơi đâu cũng cảm thấy trái tim mình như nở rộ những đóa sen muôn cánh. Loài hoa tinh khiết mọc từ bùn nhơ đã tiêu biểu cho những gì thực tiễn của kiếp nhân sinh mà Đức Cồ Đàm đã thực chứng dưới cội Bồ Đề hai mươi sáu thế kỷ trước. Những đóa sen hé nở dưới bẩy bước chân đầu tiên của vị Thái Tử con vua Tịnh Phạn là thông điệp cực kỳ mầu nhiệm về một Đạo Cả ra đời, giúp chúng sanh tìm được sự giác ngộ, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Suốt hơn bốn thập niên, Đức Bổn Sư đã đi không ngừng nghỉ, tới mọi nơi có thể tới để miệt mài giảng dạy con đường Trung Đạo. Những lời dạy được trùng tuyên, qua bao thời gian, tùy mọi hoàn cảnh, môi trường mà cô đọng thành Kinh, Luật, Luận.

Đó là gia tài vô giá của người cha để lại cho những-đứa-con-cùng-tử.
Là con Phật, chúng ta đã làm gì khi nhận gia tài đó?

1250 vị tỳ-kheo từng theo Phật thời xưa chính là tăng đoàn đầu tiên đã tuân lời Phật dạy, lấy giáo pháp làm chỗ nương tựa, luôn tạo hoàn cảnh và cơ hội để cùng nhau trau dồi, học hỏi và truyền đạt cho những thế hệ tương lai.

http://www.langmai.info/new/images/stories/hinhanh/LePhatDan2007/LePhatDanSanh4..JPG

Hạnh phúc thay, sau khi Đức Phật diệt độ, tăng đoàn đó vẫn tiếp tục đi, vẫn “ Bình bát cơm ngàn nhà. Thân rong muôn dặm xa. Trên dòng sanh tử đó. Nói Pháp, chỉ đường qua”
Từng thế hệ đã nương nhau qua bờ mê, tới bến giác, thăng trầm, nhục vinh, thành hoại của đời-thường chỉ là hoa nắng dưới bước chân những đoàn sứ-giả-Như-Lai, vì tự tính Tam Bảo nơi mỗi người đã sẵn. Khả năng giác ngộ là Phật, kinh điển để tu học là Pháp và những yếu tố hổ trợ cho sự tu học là Tăng.

Bằng niềm tin vững chãi đó, không thời nào thiếu vắng đoàn tỳ-kheo cùng bước những bước chân vương tượng, cất cao âm thanh của chúa sơn lâm để trùng tuyên những lời Phật dạy. Nên hai mươi sáu thế kỷ qua, Đạo Phật vẫn còn đây, như những mạch nước ngầm luân lưu, nơi đâu biết đào sới, nơi đó có giếng nước trong.

Nhưng làm sao để chúng sanh biết đào sới nếu không tiếp tục có đoàn lữ hành nuôi dưỡng tinh thần của 1250 bước chân xưa, giảng dạy và nhắc nhở lời cha lành?
Sự truyền bá giáo pháp quan trọng như thế nên Đức Phật đã từng an ủi các đệ tử của Ngài trước giờ Ngài nhập Niết Bàn, là Ngài chỉ nhập diệt chứ không biến diệt, vì nếu còn những vị tỳ-kheo tiếp tục học hỏi, tu tập và rao giảng giáo pháp thì quý vị chính là pháp thân Như Lai.

Nhìn vào một tăng đoàn chân chính, là nhìn thấy Như Lai.
Hạnh phúc thay, thế hệ chúng ta vẫn còn được quỳ trước tôn tượng Chư Phật, đảnh lễ những hậu thân của tăng đoàn khi xưa, thầm lặng đi giữa thị phi, tỏa sáng nhân dáng của mười phương Bồ Tát để dòng Suối Từ tiếp tục khơi mạch, từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây.

Đức Phật từng nhìn ngắm hồ sen, thấy có cọng dài, cọng ngắn, có bông hàm tiếu, có bông nở rộ, có trắng, có hồng, có vàng, có đỏ mà Ngài liên tưởng đến căn cơ chúng sanh chẳng đồng đều nên mới bầy ra nhiều pháp môn, phương tiện. Do đó, những đoàn sứ giả Như Lai cũng tùy thuận chúng sanh mà giảng dạy. Mầu áo, pháp môn có thể khác, nhưng diệu dụng thì chỉ là phương tiện, là thuyền bè đưa ta qua sông.

Riêng chùa Phật Tổ tỉnh Long Beach, miền Nam California Hoa Kỳ, Phật tử nơi đây có thuận duyên, hàng năm vào mùa Phật Đản, được cung thỉnh phái đoàn hoằng pháp Âu Châu do Hòa Thượng Thích Như Điển, phương trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc hướng dẫn.

Từ hơn thập niên qua, phái đoàn này đã quy tụ được hàng chư tôn giáo phẩm tại nhiều quốc gia, cùng mang tâm nguyện “Trao truyền pháp giới là cúng dường Như Lai” Các vị đều là những nhà Phật học uyên bác, làu thông kinh điển, đem trí tuệ Bát Nhã soi sáng và chỉ dạy cho những ai cầu học. Lịch trình hoằng pháp dày kín hàng năm được sắp xếp hài hòa với mọi đề tài để mỗi nơi dừng chân, Phật tử được hưởng pháp thực cực kỳ sung mãn.

Phái đoàn hoằng pháp năm nay gồm quý ngài:
Hòa Thượng Thích Như Điển, phương trượng chùa Viên Giác, Đức Quốc.
Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn, trú trì chùa Trúc Lâm, Chicago, Hoa Kỳ.
Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, phó trú trì tu viện Quảng Đức, Úc Đại Lợi.
Thượng Tọa Thích Thông Triết, trú trì thiền viện Chánh Pháp, Oklahoma, Hoa Kỳ.
Đại Đức Thích Thiện Thái, lưu trú Houston, Hoa Kỳ.
Đại Đức Thích Hạnh Đức, Minesota, Hoa Kỳ.
Đại Đức Thích Hạnh Tuệ, San Diego, Hoa Kỳ.
Đại Đức Thích Thiện Đạo, phó trú trì chùa Phật Tổ, Long Beach, Hoa Kỳ.
Ni sư Thích nữ Minh Huệ, đệ tử y chỉ của Hòa Thượng Thích Như Điển.
Có lẽ chặng dừng dài nhất của phái đoàn là chùa Phật Tổ, bắt đầu từ 9:30 sáng thứ năm 13 tháng 5 năm 2010 đến trưa chủ nhật 16 tháng 5 năm 2010.

Khai mạc khóa giảng, Hòa Thượng Thích Như Điển, trưởng phái đoàn, đã hoan hỷ nhận xét rằng, ngày thứ năm mà sao Phật tử cũng tới đông thế? Quý vị không phải đi làm, đi học ư?

Tuy Hòa Thượng hỏi, nhưng chắc ngài cũng chẳng chờ trả lời, vì nhìn bao gương mặt tươi vui, hớn hở đã thấy ngay câu trả lời rồi. Đi làm, đi học, có thể thu xếp nghỉ một, hai ngày, nhưng đi nghe pháp từ một phái đoàn Chư Tôn Đức, một năm mới tới một lần thì không thể bỏ lỡ cơ hội. Phải không, thưa quý Phật tử chùa Phật Tổ?

Thượng Tọa Thích Thiện Long, trú trì chùa Phật Tổ đã nồng nhiệt ngỏ lời chào mừng phái đoàn và cảm niệm hảo ý đã đáp lời thỉnh cầu của bổn tự để Phật tử nơi đây được có cơ hội đảnh lễ Chư Tôn Đức phương xa và được trực tiếp đón nhận pháp nhũ từ quý ngài.
Hòa Thượng trưởng đoàn đáp từ với sự hoan hỷ là nhận thấy sức khỏe của Thượng Tọa trú trì rất khả quan, Phật tử tu học tinh tấn, tự viện khang trang, đẹp đẽ.
Những lời chân tình của nhị vị đã xóa ngay vị thế chủ và khách, chỉ còn là tình huynh đệ thân thương.

Máy vi âm được chuyển đến Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng để thầy giới thiệu từng vị trong phái đoàn. Mỗi vị sẽ nói chuyện cùng đại chúng khoảng hai mươi phút trước khi đi vào đề tài chính của từng vị, trong những ngày kế tiếp.

Trước hết là Hòa Thượng Thích Như Điển, vị thầy trí tuệ với sở học uyên bác, thường giảng dạy bằng năm ngôn ngữ: Đức, Pháp, Nhật, Trung Hoa và Việt Nam. Lần này, Hòa Thượng sẽ giảng đề tài “Lăng Nghiêm trực chỉ.”

Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn, trú trì chùa Trúc Lâm, Chicago sẽ chia sẻ về “Kinh Bát Nhã và triết lý tánh không”
Thượng Tọa Thích Thông Triết, trú trì thiền viện Chánh Pháp, Oklahoma sẽ nói chuyện về “Hành trang về cõi Phật”


Đại Đức Thích Thiện Thái, lưu trú tại Houston sẽ đề cập về “Vòng luân hồi tam giới”, cùng với Đại Đức Thích Hạnh Tuệ sẽ giảng về “Cõi vô thường” và Đại Đức Thích Hạnh Đức chia sẻ đề tài “Giải thoát trong lòng bàn tay”.


Vị tỳ kheo ni duy nhất trong phái đoàn là ni sư thích nữ Minh Huệ sẽ giảng Kinh Trung Bộ. Trọn bộ này gồm 152 kinh nên mới nghe tên kinh thì tưởng là giảng bài cũ nhưng thực ra là ni sư sẽ tiếp tục đi vào chi tiết từng bài, trong 152 bài. Là đệ tử y chỉ của Hòa Thượng Thích Như Điển, ni sư đã đậu bằng cử nhân Phật học ở Việt Nam. Sau đó, ni sư qua Ấn Độ và lấy tiếp bằng tiến sỹ Phật học.


Riêng Đại Đức Thích Thiện Đạo, phó trú trì chùa Phật Tổ thì viện lẽ đã về tới “chùa nhà”, Phật tử nghe nhiều rồi nên xin miễn vào chương trình giảng. Tuy nhiên, Thượng Tọa Thích Thông Triết bật mí rằng, trên đường hoằng pháp, với đề tài “Niệm Phật theo phong cách khoa học” thầy Thiện Đạo đã hướng dẫn đại chúng niệm Phật với cách trình bầy và âm hưởng của tán tụng, rất phong phú khiến nhiều Phật tử sửng sốt thưa rằng “Chúng con chưa từng được nghe niệm Phật mà trầm hùng đến thế!”
Cuối cùng, Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng tự giới thiệu đề tài mà thầy sẽ thuyết giảng. Đó là “Phật Tổ và Phật ngọc.” Đại chúng cảm thấy thật ấm lòng khi thầy nhắc tới cố Hòa Thượng thượng Thiện hạ Thanh, vị khai sơn chùa Phật Tổ, bằng tất cả sự kính trọng và ngưỡng phục. Thầy chia sẻ một chi tiết đặc biệt là năm 1967 khi cố Hòa Thượng Thiện Thanh đặt chân đến Ấn Độ du học cũng là năm thầy Nguyên Tạng mới chào đời. Lời chia sẻ tưởng như ngẫu nhiên này, thực ra đã vô tình hiển lộ bản chất vô ngã rất đáng quý của thầy Nguyên Tạng.


Mỗi giảng sư chỉ dùng hai mươi phút ngắn ngủi để tâm tình với đại chúng và diễn giải tóm lược đề tài sẽ giảng, nhưng bằng tâm nguyện thiết tha trùng tuyên lời Phật dạy, quý vị đã rải xuống không gian đạo tràng Tịnh Độ này một chút Isipatana, một chút Jetavana, một chút Kutagarasala, một chút Venuvana, một chút Grdhrakuta …. những địa danh mà khi xưa Đức Thế Tôn từng thuyết giảng những bài pháp quan trọng.
Chúng con cảm nhận được như thế.


Và chợt liên tưởng tới bài kệ truyền pháp mà ngài A-Nan, đệ nhị Tổ Thiền Tông, đã ấn tâm cho ngài Thương-Na-Hòa-Tu:


“Bổn lai truyền hữu pháp
Truyền liễu vô ngôn pháp
Các các tu tự ngộ
Ngộ liễu vô vô pháp”
Xin tạm dịch:
Xưa nay vốn giảng, nói có pháp
Giảng xong, hiểu ra, nói không pháp
Mỗi mỗi người tu phải tự ngộ
Ngộ rồi, nào có chi là pháp!

Chúng con thành kính tri ân Chư Tôn Đức đã thể hiện pháp thân Như Lai để chúng con được vào nhà Như Lai, học đạo Như Lai và vững tin bước trên đường Như Lai với sự dìu dắt từ bi và tận tụy của quý ngài.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Huệ Trân
(Long Beach, Mùa Phật Đản 2634, Phật lịch 2554)