Lễ Tốt nghiệp khóa II, Khai giảng khóa III Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bạc Liêu

BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH BẠC LIÊU TRỌNG THỂ TỔ CHỨC:
- LỄ TỐT NGHIỆP KHÓA II, KHAI GIẢNG KHÓA III TRƯỜNG PHẬT HỌC
- LỄ TIỂU TƯỜNG HT. THÍCH HUỆ HÀ – UV. HĐTS, TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG TRUNG CẤP PHẬT HỌC TỈNH BẠC LIÊU
alt

Vào lúc 8 giờ ngày 18 tháng 5 năm 2010, tại chùa Long Phước, thị xã Bạc Liêu, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu trọng thể tổ chức Lễ Tốt nghiệp khóa II, Khai giảng khóa III Lớp Cao đẳng Phật học; Lễ Tiểu tường HT. Thích Huệ Hà – UV. HĐTS, Trưởng Ban Trị sự, Hiệu trưởng Trường Phật học tỉnh Bạc Liêu.

Đến chứng minh và tham dự có HT. Thích Huệ Thành – Thành viên HĐCM GHPGVN; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; HT. Thích Minh Thông – Phó Ban Giáo dục Tăng Ni TW; HT. Lý Sa Mouth – UV. HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu; TT. Thích Thiện Thống – UV. Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng 2 TW GHPGVN; chư Tôn giáo phẩm Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành hội Phật giáo: Tp. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang; chư Tôn đức Tăng Ni Ban Giám hiệu Trưởng Phật học tỉnh Bạc Liêu; chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các Tự, Viện trong và ngoài tỉnh và hàng ngàn Phật tử tham dự.

Buổi lễ hân hạnh đón tiếp ông Nguyễn Kiên Nhẫn – trưởng Ban Dân vận tỉnh ủy; ông Quảng Trọng Ninh – Chủ tịch UBMTTQ tỉnh; ông Nguyễn Hiền Lương – Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh; ông La Thanh Việt – Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Bạc Liêu; bà Lê Hồng Thu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Bạc Liêu; quý ông, bà đại diện các Sở, ngành tỉnh Bạc Liêu, thị xã Bạc Liêu và địa phương sở tại.

alt

Trong diễn văn khai mạc, Đại đức Tiến sĩ Thích Phước Chí – Hiệu trưởng Trường Phật học tỉnh Bạc Liêu phát biểu:

“Giáo dục là một trong những công tác trọng tâm và mục tiêu hướng tới của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu quyết tâm hoàn thành. Để đào tạo Tăng tài cho Giáo hội, nguồn nhân sự trẻ có năng lực, trình độ để phục vụ các công tác Phật sự tại Bạc Liêu, trong thời gian qua, Ban Trị sự và HT. Thích Huệ Hà, Trưởng Ban Trị sự đã khắc phục mọi khó khăn để thành lập Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bạc Liêu. Sau khi thành lập, Trường Phật học từng bước đi vào nề nếp và phát triển, hàng trăm Tăng Ni được đào tạo. Khóa II chưa mãn khóa, bất ngờ HT. Thích Huệ Hà – Trưởng Ban Trị sự, Hiệu trưởng Trường Phật học Bạc Liêu viên tịch. Đây là một mất mát to lớn của Phật giáo Bạc Liêu và Trường Phật học, tập thể Ban Trị sự và Ban Giám hiệu đã vượt qua nỗi đau để tiếp tục hoàn thành tâm nguyện của HT. Thích Huệ Hà để lại và hôm nay 26 Tăng Ni sinh tốt nghiệp là những đóa hoa tươi thắm dâng lên cúng dường giác linh HT. Thích Huệ Hà, khai giảng khóa III là việc làm thiết thực báo đáp ân đức và tâm nguyện của HT. Thích Huệ Hà.

Tin tưởng với sự hỗ trợ của Trung ương Giáo hội, sự quan tâm giúp đỡ của Cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu, sự chia sẻ kinh nghiệm của Ban Trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là sự đồng tâm hợp lực của tập thể Ban Trị sự, Ban Giám hiệu, Trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu sẽ tiếp tục hoàn thành sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài như ý nguyện của HT. Thích Huệ Hà lúc sinh tiền hằng mong muốn.”

alt

Trong lời đạo từ, HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS phát biểu:

“Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đánh giá rất cao những thành quả đạt được của Ban Trị sự trong thời gian qua, nhất là từ ngày HT. Thích Huệ Hà – Trưởng Ban Trị sự, Hiệu Trưởng Trường Phật học tỉnh Bạc Liêu viên tịch. Sự ra đi của HT. Thích Huệ Hà là một mất mát to lớn đối với Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu, nhưng tập thể thành viên Ban Trị sự, Ban Giám hiệu đã biến đau thương thành hành động để làm cho Ban Trị sự, Trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu tiếp tục và phát triển như lúc HT. Thích Huệ Hà.

Trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu là một trong 30 trường Trung cấp Phật học trong cả nước, góp phần to lớn vào mục tiêu giáo đục đào tạo của Trung ương Giáo hội, Ban Giáo dục Tăng Ni TW đặt ra. Hàng trăm Tăng Ni sinh được đào tạo tại Trường Phật học Bạc Liêu, cơ bản đã cung cấp nguôn nhân sự trẻ có trình độ, năng lực, giỏi Phật học, giỏi thế học phục vụ các công tác Phật sự tại địa phương cũng như tiếp tục đào tạo ở cấp học cao hơn. ”

Sau khi kết thúc lễ tốt nghiệp khóa II và khai giảng khóa III Trường Phật học Bạc Liêu, toàn thể chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, Ban Trị sự các tỉnh, thành hội Phật giáo, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu; chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử cử hành nghi lễ Tiểu tường HT. Thích Huệ Hà – Trưởng Ban Trị sự, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bạc Liêu, Trụ trì chùa Long Phước.

alt

HT. Lý Sa Mouth – UV. HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu cung tuyên Tiểu sử HT. Thích Huệ Hà:

“I.- THÂN THẾ :

Hòa thượng THÍCH HUỆ HÀ, thế danh NGUYỄN GIANG HÀ, sinh năm Bính Tý (1936) tại xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, trong một gia đình làm nông phúc hậu, có truyền thống tín ngưỡng lâu đời, giàu lòng tin Tam bảo. Thân phụ là ông Nguyễn Văn Mộ, thân mẫu là bà Nguyễn Thị Ngọc, xuất gia tu học, thọ giới Tỳ kheo Ni với pháp danh Thích nữ Như chiếu. Song thân Hòa thượng nguyên quán tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

Hòa thượng là con trai thứ trong gia đình có hai anh em. Anh trai của Hòa thượng là ông Nguyễn Văn Mão cũng là tu sĩ xuất gia tại chùa Long Phước. Nhưng sau đó, theo tiếng gọi của non sông, anh trai của Hòa thượng đã lên đường tham gia kháng chiến chống Pháp và hy sinh, được Tổ quốc ghi công Liệt sĩ.

II.- THỜI GIAN XUẤT GIA TU HỌC :

Năm 1942, khi Ngài lên 07 tuổi, thân phụ không may mất sớm do cơn bạo bệnh, và cũng trong thời điểm đó, nước nhà gặp nạn ngoại xâm, toàn dân phải tham gia cứu quốc. Trước cảnh chinh chiến lửa binh, thân mẫu đã đưa hai anh em Ngài vào chùa Long Phước nương náu. Sau đó, anh Ngài là ông Nguyễn Văn Mão lên đường cứu quốc, còn Ngài vì tuổi nhỏ nên ở lại chùa và được Hòa thượng Trụ trì nuôi cho ăn học.

Nhờ có sẵn hạt giống Bồ đề và nhân xuất gia từ thưở trước, nên sau một năm ở chùa, Hòa thượng chính thức xuất gia tu học, khi ấy Ngài vừa tròn 08 tuổi (1943). Cuộc đời và đạo nghiệp của vị chân tu bắt đầu từ đây.

Năm 1951, sau nhiều năm xuất gia học đạo, Hòa thượng được Bổn sư cho nhập khóa Hạ đầu tiên tại chùa Lăng Ca, tỉnh Sóc Trăng.

Năm 1952, Hòa thượng được thọ giới Sa di tại Giới đàn chùa Phước Hòa, tỉnh Sóc Trăng.

Năm 1953, để mở mang tri thức Phật học, Hòa thượng Bổn sư giới thiệu cho theo học Phật học Viện Phước Hòa tỉnh Trà Vinh.

Năm 1957, sau khi học hết chương trình Sở đẳng Phật học tại Phật học Viện Phước Hòa, Hòa thượng được nhà Trường chuyển lên học chương trình Trung đẳng Phật học tại Phật học đường Nam Việt – Chùa Ấn Quang, nhưng việc học bị dở dang do Pháp nạn năm 1963.

Năm 1963, khi Phật giáo gặp Pháp nạn, Hòa thượng tham gia chống chế độ Ngô Đình Diệm và bị bắt, bị giam cầm tại nhà tù Rạch Cát. Sau khi cuộc đấu tranh chống chế độ Ngô Đình Diệm thành công, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập, Viện Hóa đạo thành lập Phật học Viện Huệ Nghiêm. Hòa thượng tiếp tục học chương trình Cao Trung Phật học cho đến ngày mãn khóa năm 1967.

Năm 1966, Phật học Viện Huệ Nghiêm tổ chức Đại Giới đàn Quảng Đức, Hòa thượng đã được đăng đàn thọ Cụ Túc giới.

III.- THỜI GIAN HÓA ĐẠO :

Theo nhân duyên hóa đạo, năm 1966, Hòa thượng được Giáo hội của làm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Quận 5, Sài gòn. Sau ba năm hoạt động Phật sự, Hòa thượng đã xây dựng được nhiều cơ sở tự viện, gây dựng được phong trào tu học cho đồng bào Phật tử tại đây.

Đến năm 1969, theo yêu cầu của Thầy Tổ, Hòa thượng trở về Bạc Liêu nhận nhiệm vụ Trụ trì Tổ đình Long Phước cho đến ngày xả bỏ báo thân.

Kể từ khi trở về Bạc Liêu, với trách nhiệm trụ pháp vương gia, trì Như Lai Tạng và bằng sở học, sở hành của bậc chân tu, đạo hạnh, đạo phong trang nghiêm, Hòa thượng đã được Giáo hội, Tỉnh hội công cử và cung thỉnh vào các chức vụ lãnh đạo Phó Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tỉnh Bạc Liêu.

Đến năm 1975, nước nhà được độc lập, giang sơn nối liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà, Đại hội thống nhất Phật giáo cả nước được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội tháng 11/1981 thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Tỉnh Minh Hải lần thứ I, với đức độ và uy tín sẵn có, nhất là với cương vị hiện tại, Hòa thượng đã được Tăng Ni, Phật tử cử làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Minh Hải kiêm Chánh Đại diện Phật giáo Thị xã Bạc Liêu.

Năm 2001, sau khi tỉnh Minh Hải tách thành 2 tỉnh theo địa giới hành chính mới là tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu, tại Đại hội đại biểu Phật giáo Tỉnh Bạc Liêu lần thứ I, Hòa thượng đã được suy cử vào ngôi vị Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Bạc Liêu cho đến ngày viên tịch.

Năm 2008, Hòa thượng Thích Thiện Từ - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Cà Mau viên tịch, Hòa thượng lại được Tăng Ni, Phật tử tỉnh Cà Mau cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Cà Mau.

Đặc biệt, với công đức, tinh thần và trách nhiệm của hàng lãnh đạo Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Cà Mau đã có nhiều đóng góp cho Giáo hội, tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ V (2002) tại Thủ đô Hà Nội, Hòa thượng được Đại hội suy cử vào Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày an trú Niết bàn.

Bằng Tâm đức và Tuệ đức của bậc xuất gia, là bậc sứ giả Như Lai, với trách nhiệm đào tại Tăng Ni tài đức, thực học, thực tu để phục vụ cho các hoạt động của Giáo hội và Tỉnh hội, Hòa thượng đã cùng chư Tôn đức giáo phẩm thành lập Trường Cao – Trung cấp Phật học tỉnh Bạc Liêu, Hòa thượng được cung thỉnh làm Hiệu trưởng.

Với đức độ trang nghiêm, thanh tịnh, kể từ khi Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Minh Hải được thành lập, cho đến khi Minh Hải chia tách thành tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, trong nhiều nhiệm kỳ liền, trong những Đại giới đàn, Hòa thượng đã từng làm Giới sư để truyền giới cho Tăng Ni Giới tử tu học.

Trong ý nghĩa trang nghiêm Phật cảnh, là trang nghiêm tịnh độ tại thế gian, Hòa thượng đã nỗ lực trùng tu, tôn tạo Tổ đình Long Phước ngày càng trang nghiêm, với nhiều cảnh quan thanh lịch, xứng đáng là cơ sở của Giáo hội Phật giáo tại địa phương; đồng thời để có nơi cho đồng bào Phật tử, bá tánh thập phương có nơi chiêm bái Bồ tát Quán Âm, Hòa thượng đã hoan hỷ đảm nhận công tác Trưởng Ban Quản Trị Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu.

Qua 74 năm hóa đạo, Hòa thượng đã thế độ cho một số lớn đệ tử xuất gia, về sau trở thành Pháp Khí Đại Thừa, hữu ích cho đạo pháp và chúng sinh. Đồng thời, quy y truyền giới cho hàng trăm Phật tử phát tâm lãnh thọ giới pháp và trở thành những Phật tử nhiệt tâm hộ trì Tam bảo.

Với công lao to lớn mà Hòa thượng đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội, vì thế, trong hơn 20 năm liền, Hòa thượng đã được nhân dân và đồng bào Phật tử tỉnh Bạc Liêu tín nhiệm bầu làm Đại biểu Hội đồng Nhân dân Tỉnh và Ủy viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh trong nhiều khóa liên tiếp.

Để ghi nhận những đóng góp cao quý của Hòa thượng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, xã hội phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, Hòa thượng đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bạc Liêu trao tặng Huy chương “Vì Sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc” và nhiều Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh Trao tặng. Đồng thời, Hòa thượng cũng đã được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng Tuyên dương Công đức cho những đóng góp trong việc xây dựng trang nghiêm vững mạnh ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Cà Mau nói riêng.

IV.- THỜI KỲ VIÊN TỊCH :

Cuộc đời hành đạo của Hòa thượng rất bình dị, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng hai con đường Hoằng pháp, Giáo dục và từ thiện xã hội. Hòa thượng là vị Luật sư, Giáo thọ của Tăng Ni, Phật tử, là bậc thạch trụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, là tàng cây đại thọ, là kim chỉ nam định hướng của Phật giáo tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Những tưởng, trên bước đường phụng sự đạo pháp và chúng sinh, Hòa thượng còn thác tích lâu hơn nữa, để làm bóng cây che mát cho Tăng Ni, Phật tử, làm bóng cây đại thụ trong chốn tòng lâm và cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nào ngờ đâu Hòa thượng đã theo định luật vô thường, xả báo an tường, thu thần thị tịch vào lúc 08giờ00, ngày 29 tháng 4 năm 2009, nhằm ngày 05 tháng 4 năm Kỷ Sửu. Trụ thế 74 năm, Hạ lạp 43 năm”.

alt

HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS đọc lời tưởng niệm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu:

“Kể từ ngày giả hạc cao bay, tùng xanh rũ lá, thuyền Bát nhã xuôi dòng bản thể, chốn không môn vắng bóng bậc cao Tăng, Giáo hội địa phương mất người thừa hành Phật sự, tứ chúng mất đi bạc Thầy khả kính. Hôm nay, nhân ngày Lễ Tiểu tường, chúng tôi xin được thay mặt Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu, Cà Mau và Tăng Ni, Phật tử có đôi lời tưởng niệm.

Kính bạch Giác Linh Hòa thượng,

Trong Pháp giới duyên sinh vô tận, bậc chân nhân ngũ uẩn xuất trần, mượn tứ đại làm thân giả hợp, giữa phàm trần chẳng nhiễm hồng trần, đất Thạnh Trị một đời thọ mạng, xứ Bạc Liêu nuôi lớn thiện căn. Hòa thượng vốn sẵn có duyên lành, phát chí xuất trần từ thuở nhỏ. Chùa Long Phước gieo nhân giải thoát, năm 08 tuổi chốn cửa không lánh tục cầu chơn, nêu cao chí cả, được Bổn sư ban Pháp húy Lệ Hồng, hiệu Huệ Hà, nối dòng Pháp đời 42 dòng Lâm Tế Gia Phổ.

Buổi đầu xuất gia học đạo, Hòa thượng đã nỗ lực thường hằng tinh tấn, chuyên cần công phu công quả, vun bồi cội đức, phước huệ trang nghiêm. Rồi đến độ tâm hoa khai phát, trường tuyển Phật bước vào, theo luật Phật định kỳ, Hòa thượng đã đăng đàn thọ giới Tỳ kheo, chính thức dự vào hàng cập đệ, ngôi Tam Bảo tam tôn kế vị, xứng danh bậc sứ giả Như Lai, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh, trau dồi trí đức, phước huệ trang nghiêm.

Bằng thuận duyên đầy đủ, Hòa thượng đã tham học tại Phật học Viện Phước Hòa – Trà Vinh, Phật học đường Nam Việt, Phật học Viện Huệ Nghiêm – Sài gòn… Sau bao năm nghiên tầm giáo điển, tinh sưu nghĩa lý, thấu lẽ huyền vi, trí tuệ khai thông, suối nghĩa dạt dào, diệu dụng vô phương, đèn lòng sáng tỏ, tùy thuận chân như, tâm từ tỏa ngát, Hòa thượng đã thắp sáng đèn Thiền Lâm tế Chánh tông, tục Phật huệ đăng, nối dõi dòng Thánh.

Quả thật:

“Hương thiền gió lộng tỏa ngàn phương

Trăng sáng năm xưa ngập dặm đường

Hương lòng quyện tỏa từ độ ấy

Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

Với hạnh nguyện đại thừa, Hòa thượng đã vào đời bằng tinh thần đại sĩ, quyết chí hy sinh phụng sự cõi trần. Đạo đời hòa quyện, một thể viên dung, Hòa thượng đã tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, truyền trì đạo mạch, phát huy chân lý Đạo nhà một cách trong sáng và tích cực qua các thời kỳ khác nhau của lịch sử. Để từ đó “Hoa đời Hoa đạo đua nhau nở, Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương”.

Trong tinh thần hòa hợp đoàn kết, Hòa thượng đã thể hiện nguyện vọng thống nhất Phật giáo của Tăng Ni, Phật tử cả nước, đã tiếp nối dòng sinh mệnh năm 2000 lịch sử của Phật giáo Việt Nam, xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Tỉnh Minh Hải, Phật giáo Tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Qua đó, Hòa thượng được Đại hội Phật giáo Tỉnh nhà suy cử làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Minh Hải cho đến khi phân chia địa giới hành chánh, tỉnh Minh Hải được chia thành tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, Hòa thượng lại được Tăng Ni, Phật tử tín nhiệm cung thỉnh vào ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Cà Mau và Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu. Ngoài ra, Hòa thượng còn được Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ V (2002), suy cử vào Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.

Trên cương vị lãnh đạo Phật giáo Tỉnh nhà, bằng tinh thần phụng sự Đạo pháp, hơn 40 năm làm bậc long tượng Phật pháp, mô phạm chốn rừng thiền, Hòa thượng là hiện thân của Giới luật, bậc sứ giả của Như Lai, Hòa thượng đã nỗ lực hoằng dương chánh pháp, kế thừa đạo mạch. Vì thế, Hòa thượng đã cùng Chư Tôn đức trong Tỉnh hội mở Trường Phật học, đào tạo Tăng Ni tài đức cho Giáo hội… Qua đó, từng lớp Tăng Ni được đào tạo và trở thành pháp khí Đại thừa, truyền trì mạng mạch Phật pháp, phục vụ Giáo hội và xã hội.

Bằng giới đức trang nghiêm, thanh tịnh, thân giáo, khẩu giáo, ý giáo thâm nghiêm, Hòa thượng đã khai mở Đại giới đàn, đạo tràng tu tập, khai tâm mở trí, khuyến hóa Tăng Ni, Phật tử tiến tu giải thoát, lợi lạc hữu tình, tốt Đạo đẹp Đời, đã tích cực đóng góp cho ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu ngày càng phát triển bền vững trên mọi phương diện, nhất là trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu ngày càng phát triển, vững mạnh trong lòng dân tộc.

Trong tinh thần phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật, bằng hạnh nguyện vô ngã vị tha, Hòa thượng đã nỗ lực tham gia công tác từ thiện xã hội một cách không mệt mỏi, nơi đâu có khó khăn, nơi đấy có hiện thân của Hòa thượng, góp phần phụng sự nhân sinh, phát triển xã hội phồn vinh văn minh hạnh phúc, xây dựng và trang nghiêm Tịnh độ tại thế gian.

Trên ý nghĩa trang nghiêm ngôi Tam bảo là trang nghiêm Tịnh độ tại thế gian, với trách nhiệm của vị trụ trì, Hòa thượng đã kiến tạo trùng tu nhiều ngôi Tam bảo, chùa Huệ Quang Văn phòng Tỉnh hội, Quan Âm Phật Đài. Đặc biệt, đối với ngôi Tổ đình Long Phước, sau 40 năm làm trụ trì, Hòa thượng đã nỗ lực tôn tạo, trùng tu để cơ sở của Giáo hội tại địa phương được trang nghiêm tú lệ, góp phần trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Bạc Liêu nói riêng.

Thế những tưởng, trên bước đường phụng sự Đạo pháp, phục vụ chúng sinh và xã hội, Hòa thượng còn tiếp tục trụ thế lâu hơn nữa, để làm Thiền đăng định hướng và làm bóng cây đại thụ, che mát cho Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Cà Mau, Bạc Liêu nào ngờ đâu, một phút vô thường, âm dương cách biệt, Hòa thượng đã thuận lý vô thường, thu thần thị tịch để lại bao niềm kính tiếc vô biên cho Giáo hội, cho Tăng Ni, Phật tử và Môn đồ Pháp quyến. Quả thật: “Đạo nghiệp một đời ghi đá trắng, Hóa thân muôn thuở ngự sen vàng”. Thế rồi, dù thời gian có đi qua, không gian có biến dịch, nhưng công đức và đạo nghiệp của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, ký ức của Tăng Ni, Phật tử, trong trang sử rạng ngời của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại.

Hôm nay, nhân ngày Lễ Tiểu tường Cố Hòa thượng, trước linh đài khói hương nghi ngút, đèn Bát Nhã lung linh, chúng tôi là những người bạn đồng hành, đồng sự pháp lữ trong chánh pháp, nghĩa Linh Sơn trong sáng đời đời, xin đốt nén tâm hương với lòng thành kính, nước Bát đức trắng trong, hoa giải thoát thơm tho, kính dâng lên cúng dường Giác linh Hòa thượng, để gọi là thể hiện mối tâm giao, tình Pháp lữ muôn đời trong chánh pháp và lòng tưởng niệm chân thành đối với Hòa thượng. Ngưỡng nguyện Giác linh Hòa thượng hãy gia hộ chúng tôi đầy đủ nghị lực, đầy đủ sức gia trì, hòa hợp đoàn kết một lòng, để tiếp tục thực hiện những Phật sự Hòa thượng còn bỏ dỡ và tiếp tục xây dựng, phát triển trang nghiêm vững mạnh ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tỉnh hội Phật giáo Bạc Liêu ngày càng trang nghiêm trong lòng dân tộc”.

Tại lễ tưởng Tiểu tường, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu chính thức bổ nhiệm Đại đức Thích Giác Nghi chính thức đảm nhiệm chức vụ Trụ trì chùa Long Phước, thị xã Bạc Liêu để quản lý và điều hành Phật sự chùa Long Phước sau khi HT. Thích Huệ Hà viên tịch./.

alt

Chư tôn giáo phẩm chứng minh và quý quan khách

alt

alt

alt

alt

alt

SC Thích Nữ Nghiêm Thành báo cáo

alt

Chúc từ của Tăng - Ni sinh

alt

ĐĐ. Thích Minh Lành phát biểu

alt

ĐĐ. Thích Phuớc Chí phát văn bằng tốt nghiệp

alt

alt

alt

alt

ĐĐ. Thích Quảng Thới phát thuởng cho Ni sinh đạt xuất sắc

alt

ĐĐ. Thích Giác Nghi  phát thưởng cho Ni sinh đạt xuất sắc

alt

alt

ĐĐ. Thích Phước Chí trao bằng công đức cho các nhà bảo trợ

alt

alt

HT. LysaMouth cảm tạ

alt

ĐĐ. Thích Quảng Thới đọc quyết định bổ nhiệm trụ trì

alt

ĐĐ. Thích Minh Lành trao quyết định bổ nhiệm trụ trì cho ĐĐ. Thích Giác Nghi

alt

ĐĐ. Thích Giác Nghi phát nguyện nhân nhiệm vụ

alt

ĐĐ. Thích Minh Lành cảm tạ

Tin và ảnh: Cộng tác viên tại Bạc Liêu       

Theo giaohoiphatgiaovietnam.vn