VÀI SUY NGHĨ VỀ HÌNH THỨC LỄ PHẬT ĐẢN


alt

Bất cứ ngày lễ hội nào, của đất nước nói chung, cũng như của tôn giáo, nếu thiếu đi hình thức thì sẽ không thể hiện được niềm hân hoan trong lòng của mỗi người. Một ngày lễ mà không treo cờ , không có biểu ngữ, không có đèn hoa, không có những hoạt động văn hoá, văn nghệ v.v. thì thật là tẻ nhạt . Không ai còn bảo đó là ngày lễ . Vì chắc chắn ngày lễ phải có hình thức nào đó thể hiện khác với ngày thường .

Trong từng phạm vi của buổi lễ, đối với nhà nước có những lễ chỉ gói gọn trong phạm vi một xã, huyện hoặc thành phố . Có những lễ mang tính quốc gia chẳng hạn như Quốc Khánh, thì hình thức của buổi lễ phải thật sự tưng bừng náo nhiệt . Có như vậy ngày lễ mới thật sự đi vào lòng người . Ðối với Phật giáo, có những ngày lễ vía chỉ gói gọn trong khuôn viên tự viện . Nhưng cũng có những ngày lễ mang tính quốc tế, như lễ Phật đản, thì hình thức của ngày lễ trở nên long trọng hơn và phổ cập trong quảng đại quần chúng hơn .

Về hình thức buổi lễ của Phật giáo, trước nhất giúp cho người có cùng tín ngưỡng hoặc khác tín ngưỡng nhớ và biết đó là ngày lễ gì . Thứ hai, qua hình thức trang trí như cờ, phướn, biểu ngữ, xe hoa, lễ đài v.vẦtạo được niềm hoan hỷ trong lòng người Phật tử . Thứ ba nhờ có hình thức nên thu hút được quần chúng đến với đạo Phật, tìm hiểu nội dung của buổi lễ . Nhờ vậy, mà ta tạo cho họ có cơ hội gần gũi và hiểu biết về đạo Phật hơn .

Ngày lễ Quốc Khánh, đi ra đường chúng ta thấy cả một rừng cờ treo hai bên đường, những biểu ngữ nói về ý nghĩa ngày lễ, những hoạt động văn hoá văn nghệ thật náo nhiệt, khiến lòng ta cũng cảm thấy hân hoan phấn khởi . Ngày lễ Phật Ðản là ngày lễ lớn của Phật giáo, không chỉ tại Việt Nam tổ chức mà các nước trên thế giới cũng long trọng tổ chức . Thế mà thật không thể tin được khi ra đường chúng ta không thấy gì là biểu hiện của ngày đại lễ cả, có chăng chỉ hạn hẹp trong khuôn viên của chùa . Còn Phật tử thì sao ? Ngay cả những người thờ Phật có người cũng không biết ngày lễ Phật đản, có chăng cũng chỉ là những người Phật tử thuần thành mà thôi .

Là người Phật tử , nếu quên cả ngày Ðức Như Lai ra đời để có Tam bảo hiện hữu hôm nay, thì thật là đáng trách . Ðến ngày Phật Ðản thiết nghĩ mỗi cơ sở Phật giáo không làm được một lễ đài tưởng niệm vì lý do hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng nên bày tỏ lòng thành kính thông qua việc trang hoàng cờ, đèn, biểu ngữ "Kính mừng Phật Ðản" Ðó chính là một việc làm thể hiện tinh thần báo Phật ân đức . Chúng tôi được biết, tại Huế trước đây cũng như hiện nay, ngày lễ Phật Ðản thực sự là ngày hội lớn của người con Phật . Mỗi nhà Phật tử đều có treo cờ Phật giáo ; trên bộ thì có xe hoa, dưới sông thì có thả đèn hoa, và diễu hành thuyền hoa, tạo thành một truyền thống lễ hội văn hoá Phật giáo tưng bừng, đầy ý nghĩa, thu hút được hàng vạn người tham dự, gây được niềm hoan hỷ trong lòng người con Phật .

Năm 1995, Thành hội Phật giáo TP HCM tổ chức diễu hành xe hoa và chấm thi xe hoa nhân ngày lễ Phật Ðản PL. 2539. Không khí của ngày lễ Phật Ðản lần ấy thật hết sức tưng bừng náo nhiệt . Hàng vạn người hân hoan chiêm ngưỡng xe hoa diễu hành trên các đường phố. Họ mong ước mỗi lần lễ Phật Ðản nên có những chiếc xe hoa diễu hành như thế , để nhắc nhở mọi người nhất là con cháu của họ biết đến ngày lễ Phật Ðản, tạo cho không khí của ngày lễ thêm phần khởi sắc, gieo vào lòng người hạt giống Bồ đề, niềm tin vào tính thiện .

Là người con Phật, chúng ta có suy nghĩ gì để tạo cho ngày lễ Phật Ðản hằng năm sắp tới trở thành ngày hội lớn của Phật giáo Việt Nam, một đất nước mà đạo Phật đã có bề dày lịch sử hơn hai ngàn năm ?

Thích Chân Tính