"Gieo" kinh Phật trên đá

Với ý nguyện gửi cho đời những thông điệp giáo dục, nhất là từ kinh Phật, vị tăng sinh trẻ Thích Giác Thiện tìm được một phương pháp khá độc đáo: khắc thư pháp trên đá.

Sáu năm sau khi tìm thấy con đường hành đạo riêng, đại đức Thích Giác Thiện khắc được 4 bộ kinh và hàng nghìn con chữ trên những khối đá lớn nhỏ được sưu tầm từ khắp Việt Nam. Với kết quả này, vị tăng sinh trẻ được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục “Người khắc kinh Phật bằng thư pháp trên đá nhiều nhất Việt Nam”.

Có chữ, đá hết vô tri

Sinh năm 1979 ở Bình Định, đại đức Thích Giác Thiện đang theo học năm thứ 6, hệ ĐH tại Học viện Phật giáo TP HCM.

Khoảng năm 2.000, khi tu sĩ Thích Giác Thiện còn trụ trì tại chùa Diêu Phong, thị trấn Diêu Trì tỉnh Bình Định, có một vị sư phụ nhờ tìm người viết hai câu liễn đối lớn để trang trí lễ hội. Sau khi đi hết chỗ này đến chỗ khác mà không như ý, vị tu sĩ trẻ tìm đến nhà thư pháp Lê Quốc Phong, và khởi nguồn sự nghiệp thư pháp của mình từ nhân duyên đó.

alt
Thư pháp trên đá đại đức Thích Giác Thiện tại sự kiện Hội ngộ ông đồ Việt Nam ở Ninh Bình, ngày 22/4. Ảnh: Trung Kiên.

Gắn bó lâu hơn với con chữ, nhận ra thư pháp chính là một phương tiện giáo dục thầm lặng, hợp với ý nguyện của mình, đại đức Thích Giác Thiện bắt đầu suy nghĩ về việc làm thế nào để những thông điệp mà mình tâm đắc có thể lưu giữ bền lâu.

Đại đức Giác Thiện kể: “Trong chuyến thăm Ấn Độ năm 2002, tận mắt chứng kiến những dòng chữ vua A Dục khắc trên đá 300 năm trước, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc khắc thư pháp trên đá”. Nhưng phải đến khi sang thăm Thái Lan, thấy nhiều bản kinh được khắc trên những tảng đá lớn bằng tiếng Thái, thì ước ao có những bản kinh Việt được khắc trên đá theo lối thư pháp mới trở nên mãnh liệt trong vị tu sĩ trẻ này.

Tác phẩm đầu tiên trên đá được đại đức Thích Giác Thiện thực hiện ngay tại chùa trụ trì ở Bình Định, đó là hai chữ Thiền - Tâm.

Trong những năm theo học tại Học viện Phật giáo TP.HCM, nhà sư này dành thời gian để tìm hiểu và học hỏi thêm về thư pháp, đặc biệt là thư pháp tiếng Việt, vì ngày nay số người đọc và hiểu được chữ Hán không nhiều.

Cùng với việc học là công cuộc tìm hiểu và sưu tầm đá. Đại đức Thích Giác Thiện chia sẻ: đá tưởng là vô tri nhưng thực ra có đời sống riêng nếu biết đặt vào đó những thông điệp phù hợp. Nhà sư trẻ âm thầm khắc những câu kinh, câu kệ, châm ngôn, tục ngữ trên đá và không ngờ sảm phẩm của mình được đông đảo công chúng đón nhận.

Không có ai khiếm khuyết

Để có một tác phẩm thư pháp trên đá phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ chọn đá phù hợp với chữ sẽ khắc, chọn đế hài hòa với tác phẩm, khắc chữ, tô chữ… Đá được chọn có hai dòng chính, đá cuội và đá bán quý, hầu hết được giữ hình dáng tự nhiên, rất ít phải gia công thêm. Nếu có thì chỉ bào phần phía trên để chế tác chữ, còn phần sau được giữ lại để người chơi có thể cảm nhận được tính nguyên sơ của đá. Tác phẩm thư pháp trên đá vừa là tác phẩm nghệ thuật, vừa truyền tải thông điệp hướng thiện.

Có tâm nguyện giúp các em nhỏ tàn tật tự làm ra tiền để nuôi sống bản thân và đặc biệt giúp các em thiếu may mắn nhận ra giá trị của mình, vị tăng sinh này lập Hội quán Thạch Thiên, ngụ tại 352/2B Lê Hồng Phong, Quận 10, TP HCM, nhằm bảo trợ các em có dị tật tại Trung tâm khuyết tật An Phúc. Đại đức Thích Giác thiện nói: “Tôi muốn qua công việc chọn đá, chế tác chữ, các em tự nhận biết được mình là ai, mình sinh ra không phải là khiếm khuyết của cuộc đời”.

Theo đại đức Thích Giác Thiện, khi mỗi người nhận thức được giá trị bản thân, họ như được sinh ra lần thứ hai, và đó là đạo nghĩa lớn nhất mà vị tu sĩ trẻ này muốn làm.

Thủy Liên