Tỉ Muội

image

Ngày ấy, trời nắng tốt, có hơi âm u vào lúc xế chiều.  Tiểu ni cô đang tưới hoa chợt dừng lại. Liên muội từ ngoài dắt xe vào, chắp tay vái.

A di đà phật. Ni  cô tưới hoa à?

Vâng. Tiểu ni cười tươi rói. Đạp xe hàng dặm đường, được nhìn thấy nụ cười này cũng khuây khỏa. Liên muội chợt nhớ, có lần bên Trung Tâm Liễu Quán mời dùng cơm hến chay, vừa mới phụ các ni cô bưng lên thì thầy Giám đốc về.“A, thầy về, thầy về”. Có lẽ reo to nhất là tiểu ni. Nụ cười sau chiếc áo thiền môn sao mà hồn nhiên và thanh thóat thế. Không chỉ mình ni cô trẻ tuổi, tánh vốn hay cười như trẻ con, mà các ni cô khác cũng vậy. Thầy giám đốc đi vào, đặt cái túi vải xuống bàn rồi chắp tay mỉm cười chào lại. Không khí Liễu quán những ngày còn là tòa nhà cũ - mang đầy tính cách phương Đông - lúc nào cũng vui, lúc nào cũng có người và hễ có hội họp, nhất là vào dịp Festival, Liên muội không sao quên đươc nụ cười hồn nhiên của các ni cô lúc ấy. Bữa cơm hến chay sao ngon thế, các tiểu ni có vị còn ca Huế rất hay.

- Cô Liên lâu ni có khỏe không?

- Khỏe, còn ni cô thế nào rồi? Sư tỉ có trên phòng không?

- Có. Tiểu ni ngập ngừng định nói gì đó lại thôi.

Leo lên mấy bậc thang lầu, để dép phía ngoài, Liên bước vào gian phòng hướng đông rộng thênh thang. Rồi bất chợt ngừng lại trước tấm bảng đề.“ Không tiếp khách, xin hoan hỉ”!Đã mấy lần rồi sư tỉ treo“ miễn chiến bài ”chứ không phải mới bây giờ. Hơi thất vọng một chút, Liên muội bước xuống lầu, lấy xe đi thẳng ra cổng. Tiểu ni vẫn còn ở trong sân vội đi theo.“ Sư tỉ đau gì thế ”?

- Cô Liên không biết à? Tiểu ni nói một chứng bệnh mà Liên đã đóan biết, vì chồng mình cũng có bệnh thuộc nội tạng, hai quả thận chỉ còn một quả, lại thêm chứng viêm phế quản mạn tính, quanh năm ngồi trên thuốc, so với sư tỉ vẫn nhẹ hơn. Ngập ngừng giây lâu, Liên leo lên xe đạp thẳng không ngoái lại nữa.

Thật ra, Liên muội vẫn chưa làm lễ nhập môn, vẫn chỉ là cư sĩ tại gia. Cái phái quy y chiến tranh lấy mất rồi, hẹn sẽ mang cả nhà lên chùa quy y lại, đến nay vẫn cứ là lời hứa. Công  việc bề bộn đối với một phụ nữ. Sư tỉ nói, đạo tâm người ta lớn. Vốn biết tánh đểnh đoảng của Liên, sư tỉ không nói thêm.

Tiểu ni cô có tánh hay cười, đã cười thì cười hết cách, Liên muội muốn chụp một tấm ảnh, từ đại lễ Phật đản Vesak. Mà trời ơi, tấm ảnh chụp rồi để quên trong ngăn kéo, bao nhiêu lần xuống chùa rồi quên. Lế Vu Lan trời mưa lớn, bạn Đồng Khánh nhắn nhớ sang Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán nhé. Nhớ đến hình dáng đau khổ của sư tỉ, Liên hết mọi hứng thú đi. Hết hứng đi chơi khi nghĩ, sư tỉ ở chùa một mình, tuy ngoài mặt không muốn tiếp ai, bên trong có lẽ cần có mình bên cạnh. Vậy mà mưa lớn qúa, lười đạp xe đi. Nguyên nhân không lạ, có một lần sau lụt, lấy xe đạp xuống chùa mà bị người ta tông bất tỉnh, tỉnh dậy trong bệnh viện, chấn thương não, phải nằm nhà hai tháng mới bình thường lại được. Do đó mà ngại đạp xe đi khi trời mưa lớn. Và từ đó thêm thận trọng đối với bản thân, không dám hành động theo cảm tính nữa. Mọi năm vẫn  lên chùa Đức Sơn chơi với các em nhỏ, sau khi làm lễ gắn hoa hồng với sư bà ở tịnh thất Hoàng Mai.

Ngày đi chùa Kim Tiên với sư tỉ, leo lên hết từng ấy bậc cấp, sư tỉ mặt đỏ lựng, tuy người mập hơn, Liên muội nhỏ con hơn và gầy hơn. Leo xuống sư tỉ dừng lại lấy hơi mấy lần, thở hổn hển. Hai người phụ nữ duy nhất ấy là hai người đi chậm nhất, vả lại sau lụt con đường leo núi khó đi. Lúc ấy Liên không thể và không bao giờ nghĩ ra sư tỉ đang mắc bệnh, mà bệnh không nhẹ. Họ đã đi một ngày đường ra ngoài huỵên xa cứu trợ. Một bữa Liên muội xuống thăm, nhân tiện, sư tỉ bảo, Liên có muốn ở lại chùa không, hãy đến chùa tu. Trước mắt cứ đến dự lễ cúng qua đường đã.“ Sao gọi là cúng qua đường, sư tỉ ”? “ Cứ đến là biết mà ”. Thật sự Liên có dự mấy lần lễ cúng này có điều không hiểu ý nghĩa thôi. Liên muội có gia đình, con cái, bận rộn đủ chuyện, lại thêm  cái nghiệp dạy học. Bây giờ không còn dạy nữa sau khi cậu út vào được trường Đại học, sau đó thì giải phóng luôn chuyện dạy cho khỏe, vậy mà có khỏe đâu. Công việc cứ bộn bề. Mấy lần người chồng thấy vợ bận rộn quá, mới đem vợ con vào quán cơm chay, gọi là tránh bớt chuyện bếp núc vườn tược. Trời ơi, sự yên tĩnh  nào có? Cái quán cơm chay nổi tiếng ngon, Việt kiều rất thích, vậy mà như cái chợ nhất là vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Người vào đông, giới tăng sĩ đã đành, giới trẻ còn vào đông hơn, người trung niên cũng nhiều, do nhu cầu ẩm thực hợp với túi tiền, và khung cảnh nữa. Càng đắt khách càng ồn, người phục vụ, các cô nhỏ mặc áo nâu chạy tới chạy lui, người kêu thực đơn hối thúc, có khi ngồi đợi đến 15 phút mới có người đến hỏi, thế là mau lắm rồi; không biết có còn đúng nghĩa chay tịnh? Hay có Chay mà không Tịnh chút nào!

Phải, trở lại chùa vốn nằm trong mơ ước của Liên, chỉ có điều chưa thuận duyên thôi.

- Lần nào muội đến cũng có quà cho, ta thì chẳng có chi cho muội.

“ Người khác là tấm gương soi cho mình, sao sư tỉ nói thế.” Bụng nghĩ vậy mà Liên không nói ra, sợ sư tỉ đang không vui lại hiểu nhầm. Nội cái việc xuất gia của sư tỉ là chuyện mình không làm được; hay chưa làm được.

- Liên có thuộc kinh không? Sư tỉ hỏi.

- Tạm gọi là thuộc kinh Bát nhã.

Vừa lúc tiểu ni cô thức dậy sau giấc ngủ trưa, bước vào nghe câu nói ấy, bưng miệng cười.

- Có nghe cô Liên nói chi không? Chuyện gì cũng khiến cô cười được hay sao? Sư tỉ trách. Tiểu ni cô không cười nữa. Liên muội cũng cười, vốn thích tánh bộc trực của ni cô, rất hồn nhiên thanh thóat, sao trên đời lại có cái tâm trong sáng từng ấy nhỉ. Một bữa, sư tỉ lại nói:

- Chùa người ta to lớn, đẹp đẽ, chùa mình sao mà trống trải quá!

Điều này thì sư tỉ nói đúng. Ngôi nhà ba gian của một gia đình nào đó cúng dường? chuyện này sư tỉ không nói rõ, phần nhà dưới trống trải và hơi ẩm thấp. Phía sau là nơi Gia đình  phật tử sinh họat cuối tuần, mặt quay về hướng Đông nam nên sáng sủa hơn. Điện thờ Phật phía trên lầu, tuy ít có thì giờ rảnh đến chùa nhưng Liên vẫn thích không khí yên tĩnh gần như tuyệt đối của chùa Kim Tiên, và cái nơi mà sư tỉ cho là trống trải, nói khác là hơi tầm thường này. Ngồi nơi bậc thềm trước chánh điện, trong khỏanh  khoắc yên lặng quý báu ấy mà Liên  muội lắng lòng mình lại, bao nhiêu nỗi lo âu ngày thường nhạt dần đi rồi tắt hẳn.

- Như thế này quả có hơi trống trải thật, nhưng…xây chùa to lớn đẹp đẽ làm cái gì?

Trong phòng yên ắng. Sư tỉ thở dài.

- Đôi khi ta thấy Liên muội  cũng sắc sảo không kém cạnh gì!

Liên áy náy.

- Sở dĩ nói điều đó là vì…hôm ra ngòai cái làng ốc đảo ở huỵên, thấy học trò mà thương quá! Chúng nhỏ bé, ngơ ngác và xanh xao. Chỉ có một hộ năm mươi ngàn và một chai dầu ăn, sao quý thế!

- Quý ta hay qúy họ?

- Qúy dân. Dân làm gốc. Sư tỉ tốt nghiệp khoa Văn học phương Đông ở Trung quốc chắc còn nhớ tư tưởng:” Lấy dân làm gốc ”của Mạnh Tử?

- Ta nhớ nhiều nhất là thơ Đường. Mê văn học cổ Trung hoa mới xin đi học. Thế mà bây giờ…Sư tỉ cười, nụ cười khiến khuôn mặt sáng bừng lên đôi chút.

Liên ra về, về nhà bảo con gái hỏi  vị bác sĩ giỏi chuyên chữa trị căn bệnh này phương thuốc điều trị. Khuyên sư tỉ chỉ nên chữa một thầy thôi. Người bà con của Liên cũng đau chứng bệnh này tưởng mất, không ngờ nhờ tìm đúng thầy mà còn sống cho đến bây giờ. Có lẽ áy náy, tỉ nhờ tiểu ni cô đem lên nhà một cuốn kịch của tác giả người Đức nổi tiếng B. Bretch gọi là đền chút ơn tri ngộ. Bữa đó, tình cờ ra giếng rửa tay, thấy hai chậu hoa tỉ muội để đằng sau nhà, ni cô ngạc nhiên vì nỗi hai chậu hoa tỉ muội trắng đỏ, chậu hoa trắng đẹp hơn nở nhiều hơn chậu hoa đỏ. Có điều cái thì rêu xanh, cái thì vỡ góc, lại còn vứt lăn lóc so với các chậu lan khác được kê ở chỗ trang trọng, coi không xứng chút nào. Ni cô nói.

- Sao cô Liên không mua hai cái chậu men, để cho đẹp?

- Ừ, Liên sẽ mua. Nói vậy, trong bụng nghĩ thầm, lời hứa mua chậu dễ có năm sáu , hay mười năm rồi, mà đâu chỉ có mua hai cái chậu? Giò lan hồ điệp sống sót sau trận lũ 99, côđê đã sứt mẻ mà còn để đó, năm nào cũng trúng hoa dịp tết, có thể nói là giò lan đẹp nhất.

Bẵng đi một dạo, Liên muội không đến chùa. Khi đến thăm, mới hay sư tỉ đã chuyển chỗ ở. Chỉ có tiểu ni cô ở lại.

- Sao ni cô không cho tôi biết?

- À…ừm, sư tỉ không muốn ai biết, hôm đó bệnh trở nặng, tưởng không qua khỏi, mới xin dời chỗ …

- Thôi để tôi đi thăm, bị lâu ni bận quá.

Giữa trưa nắng, Liên cùng chồng ra chùa ở ngoại thành. Ngôi chùa này lớn hơn chùa cũ, nằm sâu trong đường làng, đường vào chùa có rặng tre non xào xạc. Chùa có cảnh, trước mặt là cánh đồng lúa, bên hông là đường làng, trường học, bụi tre, phong cảnh yên tĩnh và đẹp. Trước mặt, cống tam quan chùa có một sân vận động dành cho thanh thiếu nhi. Gia đình phật tử thường sinh họat cắm trại tại đây, cho đến việc thi đá banh. Tuy không thanh tịnh bằng chùa trên núi nhưng cảnh sinh hoạt vui vẻ là điều cần cho người đang bệnh. Cả ba gặp nhau với ít vui mừng. Liên tự trách mình bỏ quên vị sư tỉ lâu quá.

- Tỉ ra đi lặng lẽ thế?

- Có gì mà nói. Liên muội từng bảo ta đừng bận lòng, sao hỏi thế? Bây giờ đang mùa an cư kiết hạ. Đến dự lễ đi.

- Vâng.

- À, nhắc đến thầy Mạnh tử, ta nhớ đến câu: “ Dân vi qúy, xã tắc vi khinh.” Dân là quý nhất, mới đến nước. Làm sao trong một nước, không có cảnh người già phải gánh nặng, mùa hạ có áo mát để mặc, mùa đông có áo rét. Nhắc đến việc học, không thể không nhớ đức Khổng phu Tử.

“ Học nhi thì tập chi?

Bất diệc duyệt hồ?

Hữu bằng tự viễn phương lai

Bất diệt lạc hồ?

Nhân bất tri, nhi bất uất

Bất diệc quân tử hồ” ?

Học thì phải luyện tập, không rành rẽ sao? Có bạn từ xa đến chơi, không vui sao? Người ta không biết đến mình, mình không giận, chẳng phải là người quân tử sao?

Chồng Liên cười.

- Sư tỉ thật là người lịch duyệt lắm.

- Câu ấy dành cho Liên. Liên đúng là…

Sư tỉ không nói hết câu. Họ ngồi chơi xế chiều mới ra về. Liên đọc tụng kinh Pháp Hoa được một buổi; chùa không xa mà đường đi nắng, lại qua một cái cầu hẹp, đạp xe về đến nhà thở hào hển một lúc. Một bữa tỉ nói.

- Chúng mình gặp nhau là cái duyên, thôi đến đây đủ rồi.

Người hay gặp gần như hàng ngày, lại là chính sư phụ của họ. Sư phụ ở trên núi cao rất xa, mỗi lần muốn gặp người, chỉ có thể  gặp qua thơ. Người viết thơ rất nhiều, hàng ngàn câu, hàng triệu chữ…Bất cứ kinh Pháp Hoa, hay kinh gì cũng đều dùng thơ diễn tả.

- Sư tỉ cứ bận lòng về điều ấy sao? Liên chỉ nói vậy rồi từ giã ra về. Một tháng sau trở lại mới biết sư tỉ đã trở về chùa cũ. Liên đạp xe đến gặp lúc có khách đến thăm mang cháo chay cho sư cô. Có cả mẹ của sư tỉ, người cứ vào ra luôn luôn vì bệnh trạng của con. Cả ba chào nhau, sư tỉ trông buồn hẳn. Thấy sư tỉ không muốn ăn cháo, Liên nói.

- Cháo nấu ngon quá, Liên thấy  mà thèm, hay là chúng ta cùng ăn với nhau vậy?

Có lẽ câu nói làm sư tỉ động lòng, nên sau một lúc mới gật đầu đồng ý ăn. Bệnh bắt buộc phải ăn nhạt. Phải cử muối, do vậy mà lâu ngày sư tỉ chán ăn. Chồng Liên khuyên, nếu lượng đạm cứ thóat đi như vậy, tốt hơn là ăn đạm động vật một tuần vài bữa mới có thể bù lại. Sư tỉ dứt khoát, không. Chồng Liên không nói thêm. Tế Điên hòa thượng là một trường hợp khác.

Bắng đi một dạo, Liên ghé chùa mới hay sư tỉ ra quê chưa vào lại. Tiểu ni cô nói.

- Bệnh không tiến triển cũng không lui đi, sư tỉ ngày càng chán đời, không muốn tiếp ai, bảo rằng mọi người đã quên mình. Bệnh tật khiến cho sao nhãng kinh kệ, khi nào cô Liên xuống chơi khuyên bảo sư tỉ gọi là chút trợ duyên!

- Đối với người tu, sống chết đều nằm trong một chữ “ không”, có chi mà chán hay không chán?!Liên đáp. Thật sự công việc nhà, việc riêng tư bổn phận choán gần hết  giờ rồi. Lời nói của tiểu ni khiến Liên khá ngạc nhiên. À. Lâu ni vẫn cứ đánh giá tiểu ni cô chỉ biết cười nói vô tư, té ra không phải. Trước khi ra quê, sư tỉ có in tập sách tặng Liên. Liên đọc hết cuốn, có bài rất thích. Văn của tỉ có bài viết hồn nhiên, trong sáng, thật là đạo tâm của người tu. Có bài rất quắc thước, không khác bậc cân quắc anh hùng là bao, chồng Liên đọc khá ngạc nhiên. So văn ấy, người thế ấy, không phải không thông minh tế nhị, nay đau bệnh nặng, chán đời cũng phải, bởi nếu sống lại tâm lí nhi nữ thường tình, thì không tránh khỏi có lúc so mình với người khác. Người ta đi tới đi lui tự do, tự tại, nay mình đau ốm nặng nằm một chỗ, mấy người nhớ tới?! Vì nghĩ như vậy mà bạn đồng tu đến thăm, có khi cúi mặt không  muốn nói chuyện.

- Phải rồi, trong giới tu hành, bất cứ cái gì cũng gọi là duyên, sắc. Các pháp vốn vô tự tánh, cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không. Thôi chừ tiểu ni đi học, cô Liên về nhé.

- Trước đây tỉ có khuyên tôi nên đi học, chủ nhật nào Liên cũng bận, không đi được.

- Đạo tâm của người ta lớn! Tiểu ni cười rồi quay đi. Liên cũng lên xe đạp đi. Mỗi khi đến chùa là đến với tâm trạng háo hức của đứa con đi xa trở về nhà. Từ ngày sư tỉ bệnh, cảm thấy không khí khác, người tỉ tỉ này ngày càng chán đời, càng khó tánh, có lần còn che mặt không muốn tiếp. Mẹ sư tỉ khổ tâm lắm. Mùa xuân này hai mẹ con ra quê, Liên cầu Phật bà giúp cho sư tỉ hết bệnh. Có lần còn khuyên, sao tỉ không cầu Phật bà Quán Thế Âm? Nói xong mới tự trách mình, người không tu lại khuyên người xuất gia cầu Phật, thật ngược đời!

Tuy lâu nay,  có được bao nhiêu không để dành cho bản thân mà cho con cái, cho người nghèo, năm nào cũng bảo con lọc bớt số áo quần không mặc ra đem lên viện cô nhi cho học trò nghèo, kèm theo chút ít quà bánh; sư cô bảo có chi đem lên cho các cháu ăn với. Mới hôm qua thôi, sau ngày tết, chút ít bánh kẹo hàng năm của học trò biếu thầy cô, Liên để dành cho trẻ mồ côi. Một việt kiều cũng mang lên năm két sữa. Sư cô bảo  mua cho ít nếp, nấu xôi buổi sáng mối đứa mỗi vắt ăn cho mau. Liên nói, bộ não của trẻ nhất là trẻ đang lớn rất cần đường, thành ra hay để dành bánh kẹo cho các em. Cô bảo có khi sữa cũng có sâu vì quá hạn, người mua không để ý, trong mười két hết ba két là qúa hạn. Thật là nghiệp. Mỗi người đều có một cái nghiệp, chỉ do tu nhân tích đức mới bớt đi nghiệp chướng.

Ngồi nói chuyện với hai vị sư cô, cô nói về phật pháp quá hay, dụng ngôn giản dị mà súc tích. Sư Cô nói nhà trường bây giờ không dạy về đạo đức như xưa, Liên hỏi vậy ở viện cô nhi, quý cô dạy như thế nào, nhất là với lứa tuổi đôi mươi, cái tuổi khao khát tình cảm? Sư cô nói, chỉ dạy Phật, vì Phật là đạo của sự thật, chỉ nói cái gì thật. Sư trưởng vốn người khoáng đạt, hành động dứt khoát, mặc kệ thị phi thiên hạ. Mình ăn chay trường là một lẽ, không việc gì bắt các trẻ đang lớn ăn chay nằm đất, kham khổ theo cả. Các em cần có sữa, có mẹ nuôi, có tình yêu thương, và có bác sĩ thường xuyên.

Sư phó, một người cao ốm, bắt tay Liên nói lâu ngày quá, lâu ngày qúa. Nói chuyện về các em, về thực phấm. Liên giải thích về đường là món không thể thiếu cho sự phát triển não bộ, nhất là với trẻ đang lớn. Nhiều vấn đề lắm, với trẻ vị thành niên, chúng cần có sách đọc, mà thuộc loại sách hợp lứa tuổi bởi chúng không và chưa xuất gia. Sư cô đáp, chúng có nghề là tự tách rời được rồi, cái khó là nuôi và dạy. Nuôi dễ, lúc nào cũng có các nhà hảo tâm tài trợ, mà dạy khó. Ví như giáo dục các em đứng vững trước bao thác lọan của cuộc đời, như đua xe, đua đòi, rồi theo chúng bạn rong chơi, có đứa bỏ viện cô nhi đi hai tháng, viện phải nhờ người truy tìm…Rồi cũng phải la mắng, phải phạt, khó lắm cô Liên ơi. Liên bây giờ mới hối hận, lâu nay mình chỉ quan tâm đến học trò có cha mẹ nghèo, chưa nghĩ đến tâm lí học trò của viện cô nhi. Mà trời ơi, đối với các em nữ, rất nhạy cảm và tinh tế, làm sao nói cho các em hiểu đây về việc phải giữ gìn sự trinh trắng cho mình, với các em trai ham chơi không thế chỉ có biện pháp “ trừng trị ”( chữ sư phó dùng ) mà  thôi – thật ra làm thế cũng không hẳn là kế sách hay ho gì, không thế dùng chứ trừng trị ở đây vì trái với lẽ từ bi của nhà Phật. Chúng sẽ bỏ nhà tức viện cô nhi đi cho mau. Đó là chưa nói đến, xuất thân của các em là gì? Đều là các hoang thai do người mẹ người cha vô trách nhiệm mang bỏ trước cổng chùa! Thật tội nghiệp, đúng như lời sư cô viện trưởng nói, Phật dạy thế gian này là cái lò lửa, tuy nhiên cũng có biệt nghiệp nếu mình biết tu.

Mãi trò chuyện thế mà khi hai vợ chồng ra về trời đã hoàng hôn.

Về nhà, Liên tưới các cây cảnh, thấy hai chậu hoa tỉ muội trắng đỏ thì chậu hoa trắng nở nhiều hơn, hoa đỏ chỉ một bông. Hai cái chậu sứt mẻ, ngày thường vẫn vứt lăn lóc gần giếng. Mỗi lần xách nước tưới cây đều cảm thấy lòng rất an tịnh, chợt nhớ đến lời tiểu ni cô nói. Phải, tất cả các pháp đều chỉ là danh, sắc, tất cả là không. Vậy nên không buồn lo cho sư tỉ nữa.

Chỉ cầu xin Phật bà Quán thế âm, sao cho con người trước hết tu để tập yêu thương, sao cho trẻ em được sống trong tình thương yêu. Chỉ có tình thương mới xóa hết mọi hận thù, huống hồ trong một đất nước qua phân mà tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp, chỉ một lỗi nhẹ có khi bị trừng phạt rất nặng, kẻ ác núp bóng chức quyền giết người lại không bị trừng phạt; tỉ như vụ người chăn chó thả chó cắn chết người ở một đồn điền trên tây nguyên,( nguyên nhân chỉ tại nghèo mới đi mót ít cà phê sau khi người chủ đã thu hoạch; không biết người chết có mấy con và có em nhỏ nào còn đi học thì coi như bỏ học rồi ). Kẻ giết người chỉ để thỏa mãn thú tánh, người chủ nuôi bầy chó dữ không biết rằng che chở cho kẻ làm tội ác là gây nghiệp cho y và cho mình nữa. Rồi tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày gần như cơm bữa, chưa  biết cái nào nghiệp nặng hơn cái nào.

Phải tu, để con người thật sự là người.

 

Hương Tâm

1/3/2010