Nhiều di tích bị xâm hại

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM, một số chùa chiền là di tích lịch sử - văn hóa đang bị xuống cấp trầm trọng do không được tu bổ và do con người lấn chiếm làm nơi buôn bán

Chùa Giác Lâm, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở TPHCM (đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình). Ngôi chùa này đã có đến 265 tuổi, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin chứng nhận là di tích lịch sử - văn hóa ngày 16-11-1988.

Có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến một thanh niên mặc quần đùi, phanh áo, vô tư ngủ ngay trong khuôn viên chùa. Không chỉ có vậy, anh ta còn móc quần áo lên hàng rào lăng mộ.

Chùa Giác Viên (quận 11) bị xâm lấn Còn đâu chốn trang nghiêm!

Những bảo tháp tại chùa Giác Lâm được sơn lại rất đẹp nhưng xung quanh lại tràn lan gạch ngói vỡ và chằng chịt dây phơi quần áo. Bên ngoài cổng chùa mặc dù có biển báo “Nơi tôn nghiêm xin đừng đậu xe, buôn bán” nhưng hàng rong vẫn tấp nập, tiếng chèo kéo khách í ới.

Cùng chung cảnh ngộ là chùa Giác Viên tọa lạc trên địa bàn phường 3, quận 11. Chùa Giác Viên được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1993. 

Ngoài cổng chùa chỉ còn trơ trụ xi măng, không có bảng tên chùa. Khu vực bảo tháp là một quần thể tháp kiến trúc khá đẹp nhưng lại hoang tàn vì bị người dân xung quanh dùng làm nơi tập kết rác thải, phơi quần áo.

Khuôn viên trước mặt chùa không hề có rào chắn nên bị nhà của người dân lấn chiếm dần. Sân chùa đầy rác và cỏ mọc um tùm.

Những ngày đầu năm nay, trong khi hầu hết các ngôi chùa đều tấp nập khách đi lễ thì chùa Giác Viên lại vắng lạnh. Bà Phùng Nguyệt, một người hành hương ngụ quận 11, cho biết: “Đến chùa để thắp nhang nhân ngày đầu năm nhưng thấy chùa lạnh lẽo quá, xung quanh trông hoang tàn, mất vệ sinh. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương sớm có biện pháp tu bổ nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.

Chèo kéo khách viếng chùa

Tại một số nơi khác, tình trạng chèo kéo gây khó chịu cho khách hành hương xảy ra ở nhiều chùa như: Việt Nam Quốc tự (quận 10), chùa Phổ Quang (Tân Bình), chùa Ông (quận 5)...

Khi khách hành hương vừa đến cổng di tích, ngay lập tức những cánh hàng rong, bán vé số, ăn xin bủa vây, thậm chí họ còn quay lại chửi nhau vì giành khách. Tình trạng bát nháo này vừa gây mất trật tư an ninh vừa phá hoại sự tôn nghiêm nơi chùa chiền.
Tại di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) có 4 tuyến đường bao quanh thì cả 4 đoạn đường này đều bị người dân vây quanh buôn bán và xả rác. Khu vực trước cổng lăng là đường Vũ Tùng bị người dân lấn chiếm thành chợ chồm hổm. Rác và nước thải chảy tràn trên mặt đường.

Phía đường Trịnh Hoài Đức, trước cổng bị người dân chiếm dụng làm bãi giữ xe, đồng thời là điểm tập kết rác của chợ Bà Chiểu bốc mùi hôi thối, mất vệ sinh.

Một di tích lịch sử văn hóa khác cũng bị xâm hại là chùa Phụng Sơn (còn gọi là chùa Gò, tọa lạc trên đường 3 Tháng 2, phường 2, quận 11). Xung quanh chùa nhiều hộ dân đang xây dựng lấn chiếm, cư ngụ bất hợp pháp trên khuôn viên của di tích. Ngoài ra, khu di tích còn bị  những xe tải, xe lu bao vây biến thành ga-ra đậu xe.

Phía trước cổng chùa lại biến thành khu buôn bán, chăm sóc cây cảnh, người dân dựng lều bạt sát cổng chùa.

Để bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, ngoài những khó khăn về kinh phí, phục dựng di tích, vấn đề đáng quan tâm là trách nhiệm của ngành văn hóa và chính quyền địa phương để khơi dậy ý thức giữ gìn, bảo vệ di tích của người dân.


Một thanh niên nằm ngủ vô tư bên hàng rào chùa Giác Lâm (quận Tân Bình-TPHCM);
trên hàng rào, áo quần treo nhếch nhác. Ảnh: T.Tuyến

Luật Di sản văn hóa đã có quy định nghiêm cấm chiếm đoạt, làm sai lệch, hủy hoại, gây nguy cơ hủy hoại, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bài và ảnh: Thanh Tuyền
Theo nguoilaodong