Lễ bế mạc Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

LỄ BẾ MẠC HỘI NGHỊ NỮ GIỚI

PHẬT GIÁO THẾ GIỚI LẦN THỨ XI

tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai, được Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cho phép tổ chức tại Nhà Truyền thống Văn hoá Phật giáo Thành phố - chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 28 tháng 12 năm 2009 đến ngày 03 tháng 01 năm 2010.

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao cho Phân Ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương chịu trách nhiệm triển khai tổ chức Hội nghị. Vào lúc 9 giờ ngày 03/01/2010, Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới chính thức cử hành lễ bế mạc.

Đến chứng minh và tham dự lễ bế mạc có HT. Thích Hiển Pháp – Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; HT. Thích Đức Nghiệp – Phó Thư ký Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; HT. Thích Trí Quảng – Phó Chủ tịch, Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế TW, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự; chư Tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban – Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Tỉnh – Thành hội Phật giáo trong cả nước; 2.600 đại biểu Nữ giới Phật giáo của 37 quốc gia, vùng lãnh thổ và Việt Nam.

Lễ bế mạc hân hạnh đón tiếp ông Bùi Hữu Dược – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; bà Nguyễn Thị Hồng – Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh; quý ông, bà đại diện các Ban, ngành Trung ương và Tp. Hồ Chí Minh.

Được biết, sau 7 ngày làm việc, Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với tất cả quý Đại biểu trong và ngoài nước. Đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất và số lượng Đại biểu đông nhất từ trước đến nay. Thông qua Hội nghị, các Đại biểu đến từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ biết thêm rất nhiều về sự đổi mới của Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam – một tổ chức Giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

Ni sư Thích nữ Huệ Từ - Tổng Thư ký Ban Tổ chức báo cáo công tác tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI:

“ I. ĐÔI NÉT VỀ TỔ CHỨC HỘI NGHỊ NỮ GIỚI THẾ GIỚI LẦN THỨ XI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH:

Hội Nghị Nữ giới Phật Giáo thế giới, là hội đoàn của những nữ tu sĩ và nữ cư sĩ Phật Giáo, được thành lập năm 1987, nhằm kêu gọi mọi thành phần Nữ giới trên toàn thế giới, hướng đến sự phát triển của xã hội và Phật giáo nói chung, đặc biệt là sự phát triển của Nữ giới nói riêng. Đây là một cơ hội để chúng ta ngồi lại với nhau như một gia đình, một tăng thân, được tắm mình trong hào quang trí tuệ của Đức Phật. Chúng ta hãy cảm nhận niềm vui trong giây phút đoàn tụ này, và hãy ý thức được rằng, nếu chúng ta biết nuôi dưỡng bằng nguồn tuệ giác, thì chúng ta có thể làm thay đổi xã hội, cải thiện cuộc sống trên hành tinh này. Hội nghị theo thông lệ cứ 2 năm được tổ chức một lần, ở mỗi nước khác nhau và đã trải qua 10 lần hội nghị Quốc tế.

Vào tháng 1/2009, NS Tsomo, chủ tịch Hội Sakyadhita xin phép chư tôn giáo phẩm Hội Đồng Tri Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, để được tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật Giáo Thế Giới lần thứ 11 tại Việt Nam. Chư tôn giáo phẩm Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đã hứa khả và tiến hành thủ tục xin phép nhà nước. Đến ngày 08/4/2009 Thủ tướng chính phủ đồng ý, cho phép Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, đăng cai tổ chức Hội nghị Nữ Giới Phật Giáo Thế Giới lần thứ 11 tại Việt Nam. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam quyết định, giao cho Phân Ban Đặc Trách Nữ Giới Trung Ương chịu trách nhiệm tổ chức Hội nghị này.

II. MỤC ĐÍCH CỦA HỘI NGHỊ:

Mục đích của hội Nghị bao gồm:

- Thiết lập một tổ chức quốc tế của Ni Giới và nữ Phật Tử.

- Nâng cao lợi ích chung của nữ giới Phật Giáo Thế Giới.

- Đẩy mạnh sự hòa hợp và trao đổi giữa các truyền thống Phật Giáo, với các tôn giáo bạn.

- Khuyến khích việc nghiên cứu và xuất bản những chủ đề liên quan, đến nữ giới Phật Giáo.

- Thúc đẩy hoạt động từ thiện xã hội giúp ích cho nhân loại.

III. NHỮNG BƯỚC CHUẨN BỊ TRƯỚC HỘI NGHỊ:

Từ ngày 09/03/2009 đến ngày 26/12/2009: Phân Ban Đặc Trách Ni Giới TW đã có 9 phiên họp, với sự tham dự của chư Tôn Đức Ban Thường Trực HĐTS VP2TW, các vị lãnh đạo chính quyền, chư mạnh thường quân, và trụ trì các Tự Viện, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường, cùng đại diện các Phân Ban ĐTNG của các tỉnh, thành trong nước.

IV. DIỄN TIẾN HỘI NGHỊ:

A. Về mặt tổ chức:

Để điều hành và tổ chức hội nghị một cách trang nghiêm, trọng thể, và thành công tốt đẹp, bên cạnh Ban Chứng Minh, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đề cử một Ban Cố Vấn Nội dung, đại diện Trung Ương Giáo Hội, Nhà nước thành lập Tổ Công Tác Liên Ngành, để sát cánh giúp đỡ hổ trợ Phân Ban Đặc Trách Ni Giới Trung Ương, trong việc tổ chức Hội nghị.

- Danh sách nhân sự Ban tổ chức Hội nghị được từng bước hình thành gồm:

- Ban Chứng Minh: 41 vị

- Ban Cố vấn Nội dung: 19 vị

- Ban Thường Trực của Ban Tổ Chức: 93 vị

- 24 Tiểu ban

Toàn thể nhân sự Ban Tổ Chức hội nghị và 24 Tiểu ban trên 530 vị.

- Đề Án tổng thể nhiều lần được chỉnh sửa để đi đến hoàn chỉnh.

- Số lượng đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị thuộc 37 quốc gia trên 320 vị.

- Số lượng đại biểu trong nước tham dự Hội nghị gồm các thành phần như sau:

* Đại biểu cơ quan tổ chức ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

* Đại biểu Chính phủ, các Ban ngành Trung ương và Thành phố.

* Chư tôn giáo phẩm, Ban Trị Sự các Tỉnh, Thành hội.

* Báo, Đài trong và ngoài nước.

* Đại biểu Ni giới các Tỉnh, Thành.

* Học Viện Phật giáo Việt Nam, 39 trường Cao - Trung cấp PhậthHọc.

* Đại diện Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Trung ương và 55 Tỉnh Thành.

* Nữ cán bộ viên chức, Phật tử.

Tất cả số lượng đại biểu trong nước tham dự Hội nghị trên 2.600 Đại biểu.

B. Nội dung tổ chức:

1/. Chương trình:

- Ngày 28/12/2009: Lễ khai mạc.

- Ngày 29/12/2009 đến ngày 02/1/2010: Nội dung hội nghị, hội thảo, thảo luận nhóm

- Ngày 03/1/2010: Lễ bế mạc.

- Ngày 04/1/2010: Thăm viếng chư Tôn giáo phẩm Lãnh đạo Giáo hội, Cơ quan Nhà nước Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Ngày 05/01/2010 : Thăm các Tự Viện ở Đồng Nai, Vũng Tàu

- Ngày 06/01/2010 : Du lịch Đà Lạt, Huế và Hà Nội (thăm trụ sở TW. GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ)

2/. Các hình thức tổ chức:

* Thuyết giảng, tham luận và thảo luận nhóm: Chủ đề chính của Hội Nghị là “NỮ GIỚI PHẬT GIÁO LỖI LẠC” và nhiều chủ đề thảo luận nhóm. Cụ thể chương trình làm việc của Hội Nghị như sau :

* NGÀY 28/12/2009 :

- SÁNG: Lễ khai mạc Hội Nghị được long trọng tổ chức với sự hiện diện của chư Tôn Giáo Phẩm TW; chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị Sự Tỉnh, Thành hội Phật Giáo; chư Tôn Đức Ni Phân Ban đặc trách Ni giới Trung ương và các Tỉnh, Thành; và Bà Nguyễn Thị Doan - Phó Chủ Tịch Nước CHXHCNVN; ông Phạm Huy Thơ - Phó Ban Tôn giáo Chính phủ; các vị lãnh đạo cơ quan nhà nước; các Phật tử trong cả nước và Thành viên Sakyadhita đến từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ; các nhà tài trợ; các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thanh, truyền hình TW và Tp. Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị có trên 2.600 đại biểu trong và ngoài nước.

* CHIỀU NGÀY 28/12/2009 ĐẾN NGÀY 02/01/2010:

Có tất cả 57 bài tham luận, được đọc tại hội trường chính, trong đó có 46 bài do đại biểu quốc tế trình bày, và 11 bài do đại biểu Việt Nam trình bày, tập trung vào các chủ đề:

- Nữ Giới Phật Giáo Việt Nam.

- Nữ Giới Phật Giáo Thế Giới.

- Nữ giới Phật Giáo và sự lãnh đạo.

- Những người Nữ giới lỗi lạc trong lịch sử Phật Giáo thời sơ khai.

- Nữ giới lỗi lạc trong lý thuyết và thực hành.

- Phụ Nữ viết về Phật Giáo.Thơ Ca và khẩu truyền.

- Sự giao tiếp giữa nữ giới Phật Giáo.

- Sống thiểu dục là bảo vệ môi trường.

- Người Phật giáo lỗi lạc của thế kỷ XX.

- Nữ giới Phật giáo dấn thân vào hoạt động xã hội.

- Giáo dục Phật giáo qua các nền văn hóa.

Ngoài ra còn có các buổi thảo luận nhóm rất sôi động. Mọi đại biểu đều có cơ hội để tiếp xúc với nhau, chia sẻ kiến thức cho nhau và thông cảm nhau nhiều hơn. Và các buổi thuyết giảng do đại biểu quốc tế và Việt Nam phụ trách.

b/. Triển lãm văn hóa Phật giáo và văn nghệ:

Nhằm giới thiệu đến đại biểu thế giới, về nền văn hóa đa dạng phong phú của Phật giáo Việt Nam, và nền văn hóa dân tộc, Ban tổ chức đã kêu gọi Tiểu ban văn hóa Trung Ương, và 19 Tỉnh, Thành đăng cai tổ chức triển lãm với những nét đặc thù văn hóa của địa phương mình. Ngoài ra, còn có các buổi văn nghệ góp vui, làm tăng sự sinh động, màu sắc vui tươi phong phú, giúp không khí hội nghị thêm phần phấn khởi. Tất cả những điều đó, nhằm giúp cho đại biểu quốc tế hiểu nhiều hơn về đất nước Việt Nam, nữ giới Giáo hội Phật Giáo Việt Nam và con người Việt Nam”.

Tiếp theo chương trình, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập và trao kỷ lục Việt Nam “Hội nghị Nữ giới lần đầu tiên tại Việt Nam quy mô nhất và có số lượng Ni giới và nữ Phật tử đông nhất”.

Để tán thán công đức của chư Ni và Nữ Phật tử trong việc tổ chức thành công Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI được tổ chức tại Nhà Truyền thống Văn hoá Phật giáo Thành phố - chùa Phổ Quang, trong lời đạo từ HT. Thích Đức Nghiệp phát biểu:

“Hôm nay, trong khung cảnh hân hoan tràn đầy niềm hỷ lạc của ngày Lễ Bế Mạc Hội nghị Nữ Giới Phật Giáo Thế Giới Lần thứ XI được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh -Việt Nam, thay mặt cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cá nhân, tôi xin gởi đến chư tôn Đức Tăng Ni, quý Đại biểu, quý quan khách và quý Pháp lữ trong và ngoài nước lời chúc sức khỏe và lời chào mừng trân trọng nhất.

Như chúng ta đã biết, thời hậu hiện đại là một minh chứng cho sự phát triển tột đỉnh trong lãnh vực khoa học kỹ thuật, nhưng sự suy thoái về tư cách và đạo đức cũng theo đó len lõi vào. Quan điểm này đã được học giả nổi tiếng P.A. Payutto phát biểu rất thuyết phục rằng sự phát minh khoa học kỹ thuật như những công cụ mưu cầu mục đích khát vọng hơn là sự phát triển nội tâm con người, và rằng con người ở thế kỷ 20 gây ra nhiều hành vi nguy hại làm ảnh hưởng đến bản chất con người của thế kỷ 21. Đó là một di sản của những vấn đề nan giải mà con người của thế kỷ 21 sẽ phải đối phó (Bài tham luận của P. A. Payutto, Buddhist Solutions for the 21st Century (Các Giải Pháp của Phật Giáo đối với Thế Kỷ 21), đọc tại Nghị Viện Tôn giáo Thế Giới ở Chicago, 1994, có giá trị tại trang Web: www.buddhismtoday.com/index/ sociology.htm). Trên thực tế, di sản mà con người đề cập chính là những vấn đề rất nghiêm trọng về sự gia tăng dân số, sự thoái hóa tài nguyên thiên nhiên và sự khủng hoảng môi trường đang đe dọa nền tảng của sự sống trên hành tinh này. Hay nói cách khác, từ sự khủng hoảng đạo đức con người, nó gây ra sự việc trầm trọng như: sự khủng bố và bạo động; chứng bệnh nan y và nguy hiểm của HIV/AIDS; sự hờ hững về nhân quyền và các loài sinh vật; cảnh nghèo nàn; sự lạm dụng trẻ em và sự phân biệt đối xử với phụ nữ, v..v. Đó chính là những vấn đề then chốt hiện nay của xã hội mà tất cả chúng ta đều quan tâm, thảo luận và tìm ra những giải pháp hữu hiệu trong các cuộc Hội thảo Quốc tế ở các nước trên thế giới.

Trên tinh thần này, được sự cho phép của Chính Phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã giao nhiệm vụ tổ chức Hội nghị cho Phân Ban đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương và Hiệp hội Sakyadhita Quốc tế đồng tổ chức Hội nghị Nữ Giới Phật Giáo Thế Giới Lần thứ XI tại Tp.HCM với chủ đề: “Nữ Giới Phật Giáo Lỗi Lạc.” Mục đích Hội nghị lần này không những tìm ra những giải pháp thiết thực và hữu hiệu nhất để giải quyết những vấn nạn và sự khủng hoãng toàn cầu như hiện nay; mà còn đặc biệt tôn vinh những tấm gương tiêu biểu cao quý của giới Ni lưu, tôn vinh những thành tựu đóng góp đáng kể của Nữ giới Phật giáo trong việc phát triển ngôi nhà chung của Phật giáo. Hội nghị này cũng chính là cơ hội tốt cho các nữ giới Phật giáo khắp nơi trên thế giới hội tụ và ngồi lại với nhau trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hoà hợp, cùng nhau trao đổi và giao lưu giữa các truyền thống văn hóa Phật giáo của mỗi nước, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm tu học Phật pháp, đẩy mạnh tinh thần cùng chung sống trong hoà bình, đoàn kết, sự hiểu biết, lòng khoan dung, và sự hợp tác chị em giữa các đệ tử Phật trên khắp thế giới mà Đức Phật đã chỉ dạy trong Kinh Tăng Chi Bộ: “Này các Tỳ kheo, tại hội chúng nào, các Tỳ kheo hòa hợp, hòa kính, không có đấu tranh, hòa hợp như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt từ ái, này các Tỳ kheo, đây gọi là hội chúng hòa hợp.” (Thích Minh Châu (dich), Kinh Tăng Chi Bộ, quyển I, TPHCM: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996, trang 134).

Mặt khác, trong suốt thời gian 07 ngày tổ chức Hội nghị, chúng ta phải ghi nhận và tri ân sự tận tâm hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, các Ban ngành các cấp, sự quan tâm và chỉ đạo của chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đồng tán thán công đức của Ni sư Karma Lekshe Tsomo – Chủ tịch Hội Sakyadhita Quốc tế, tán thán công đức của Ban Tổ chức, Hiệp Hội Sakyadhita Quốc tế, Phân Ban đặc trách Ni Giới Trung ương và các tỉnh/thành, chư Ni và Nữ Phật tử trong và ngoài nước đã cùng nhau phối hợp nhịp nhàng, tận tâm tận sức, tổ chức chu đáo “Hội nghị Nữ Giới Phật Giáo Thế Giới Lần thứ XI” tại Nhà Truyền thống Văn hóa Phật giáo chùa Phổ Quang, TPHCM-Việt Nam được thành công tốt đẹp.

Tôi hy vọng rằng, trên tinh thần Tuyên bố chung của Hội nghị, các đại biểu, thành viên của Hội sau khi trở về địa phương, các quốc gia và vùng lãnh thổ, Quý vị hãy nỗ lực triển khai và biến Tuyên bố chung của Hội nghị trở thành hiện thực qua các sinh hoạt, hoạt động của giới mình, trong cộng đồng xã hội và quốc tế, nhằm góp phần đem lại sự an lạc, hòa bình, hạnh phúc và bình đẳng cho nhân loại trên hành tinh chúng ta.

Trong ngày Lễ Bế Mạc hôm nay, thay mặt cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kính chúc tôn Đức lãnh đạo Giáo hội, quý Tăng Ni, các tham dự viên, quý Đại biểu, quý quan khách trong và ngoài nước dồi dào sức khỏe, luôn sống trong sáng, an lạc và hạnh phúc trong giáo pháp Phật”.

Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện – Phó Chủ tịch Ban Tổ chức thông qua bản Tuyên bố chung của Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam:

“Chúng tôi, toàn thể 2.600 đại biểu Nữ giới Phật giáo của 37 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới Sakyadhita lần thứ XI tại Nhà Truyền thống Văn hóa Phật giáo – chùa Phổ Quang, Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam từ ngày 28 tháng 12 năm 2009 đến ngày 03 tháng 01 năm 2010, xin chân thành tri ân Chính phủ Nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bảo trợ cho Hội nghị và Hội thảo với chủ đề “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc”, đồng thời nhất trí thông qua Nội dung Bản Tuyên bố chung như sau:

1. Kêu gọi các thành viên Hội Sakyadhita tăng cường sự liên minh của Nữ giới Phật giáo và giúp đỡ Nữ giới Phật giáo tại các quốc gia và vùng lãnh thổ để phát triển thế giới hoà bình, đoàn kết hòa hợp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Kêu gọi các thành viên Hội Sakyadhita phát huy tình hữu nghị và đoàn kết, cùng phát triển bền vững, bằng cách đề cao việc đối thoại, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng truyền thống văn hóa của các nước khác trong việc bảo hộ phẩm giá của người nữ tại mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ và các tôn giáo khác dưới ánh sáng từ bi và tuệ giác của Đức Phật.

3. Tăng cường sự hợp tác phát triển giáo dục tôn giáo và thế học trong Nữ giới Phật giáo để nâng cao đạo đức cá nhân, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, phát triển tâm linh con người trên hành tinh nhằm giúp mọi người có cuộc sống tốt đẹp và thịnh vượng.

4. Nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp hữu hiệu, tôn trọng văn hoá truyền thống của các quốc gia, vùng lãnh thổ trong việc thừa nhận Ni đoàn Tỳ kheo Ni.

5. Khẳng định rằng việc buôn bán phụ nữ, xâm hại trẻ em và bạo lực gia đình trên thế giới là những thảm họa của nhân loại, gây thiệt hại đến phẩm giá phụ nữ, do đó cần có những biện pháp cụ thể và cấp bách để giải quyết các vấn nạn này.

6. Nhận diện và đáp ứng các nhu cầu về: đạo đức, tâm linh của từng cá nhân, gia đình và cộng đồng; bình đẳng, công bằng giới tính trong phạm vi Phật giáo.

7. Thừa nhận nhu cầu thường xuyên về việc hiện đại hoá chương trình giáo dục Phật giáo và thế học cho Nữ giới xuất gia và tại gia, giúp họ giải quyết được những khó khăn từ các vấn nạn mà xã hội đang quan tâm tại từng quốc gia, vùng lãnh thổ cũng như toàn cầu.

8. Hỗ trợ giáo dục căn bản và cải thiện giáo dục đối với Nữ giới và các thành phần khó khăn, bất hạnh khác để họ có đầy đủ điều kiện tham gia năng động vào cuộc sống xã hội.

9. Khẳng định sự thay đổi khí hậu và các hình thức phá hoại môi trường và môi sinh; lạm dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nước, gây mất cân bằng sinh thái, làm gia tăng các mối đe dọa và gây thiệt hại đến phúc lợi con người; do đó, cần thực hiện những biện pháp cụ thể và cấp bách để giảm thiểu sự biến đổi khí hậu, đồng thời cam kết đời sống lành mạnh và thịnh vượng trong sự hài hoà với môi trường.

10. Khẳng định rằng sự thành công của Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới Sakyadhita lần thứ XI tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam là tiếp theo những nỗ lực của Nữ giới Phật giáo để hoàn thiện các mục tiêu phát triển lâu dài mà Liên Hợp Quốc đã công nhận vào năm 2.000:

- Nỗ lực xóa sạch sự nghèo đói,

- Hoàn tất đường hướng giáo dục phổ quát,

- Tăng cường sự bình đẳng giới tính và quyền lợi Phụ nữ,

- Làm giảm bớt tỷ lệ tử vong của trẻ em,

- Cải thiện sức khỏe của các bà mẹ,

- Chống lại bệnh truyền nhiễm HIV/AIDS, bệnh sốt rét vàcác bệnh lây nhiễm khác,

- Bảo đảm tính bền vững về môi trường,

- Mở rộng sự cộng tác toàn cầu để phát triển.

11. Kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ và có các biện pháp khẩn cấp giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc DIOXIN (Da cam) cải thiện cuộc sống và giúp đỡ họ quyết tâm đòi lại các quyền lợi thỏa đáng”.

Bày tỏ lòng hân hoan về sự thành công tốt đẹp của Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam, Ni sư Tsomo phát biểu:

“Cá nhân tôi và các thành viên Hội Sakyadhita khi đến Việt Nam đều được đón tiếp trọng thị, được tạo mọi điều kiện tốt nhất để làm việc trong suốt thời gian Hội nghị. Hội nghị lần này được Chính phủ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam bảo trợ nên quy mô tổ chức rất quy mô, số lượng đại biểu đông gấp nhiều lần so với các kỳ Hội nghị trước. Phân Ban đặc trách Ni giới Trung ương làm việc rất chuyên nghiệp trong việc tổ chức. Tôi rất vui khi đội ngũ Ni giới và nữ Phật tử Việt Nam có trình độ cao, thông thạo nhiều ngôn ngữ, do đó tại các hội thảo nhóm đã làm cho các đại biểu nước ngoài rất nễ phục; nhất là các em tình nguyện làm việc rất nhiệt tình và giỏi ngoại ngữ nên đã giúp đỡ rất nhiều cho các đại biểu.

Nhà hàng Việt chay đã cung cấp nhiều món ăn ngon của Việt Nam đã làm tất cả đại biểu đều hoan hỷ. Chương trình văn nghệ, triển lãm đã làm cho đại biểu nước ngài từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về sự phong phú, đa dạng của văn hoá Việt Nam. Việt Nam rất hiếu khách, chúng tôi đến đâu đều được sự đón tiếp nồng hậu, làm cho các đại biểu quên đi mệt mỏi khi các bạn Việt Nam đã làm mọi cách để các đại biểu hài lòng trong suốt thời gian ở Việt Nam.

Một điều đặc biệt nữa là nhiều vấn đề có liên quan đến in ấn, chúng tôi nghĩ là khó thực hiện xong, nhưng các bạn Việt Nam vì lòng nhiệt tình đã giúp chúng tôi thực hiện các bài phát biểu, tham luận một cách tốt đẹp. Điều làm tôi không thể quên là các bạn Việt Nam luôn nói câu “không có vấn đề gì” để giúp đỡ chúng tôi. Có thể nói Việt Nam luôn xứng đáng là điểm đến đáng tin cậy nhất. Tôi hy vọng, các bạn khi về nước luôn nhớ mãi Việt Nam và Nữ giới Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Chư tôn giáo phẩm chứng minh và chủ toạ

Quý đại biểu khách mời

MC. SC Thích Nữ Liên Hoà và MC. Thu Hương điều khiển chương trình

Các đoàn đại biểu cử hành nghi lễ truyền thống Phật giáo

 

NS. Thích Nữ Huệ Từ báo cáo tổng kết hội nghị

HT. Thích Đức Nghiệp ban đạo từ

Nghệ sĩ Kim Cương trao kỷ lục guiness Việt Nam cho Ban tổ chức

Ban Tổ chức Hội nghị tặng quà lưu niệm cho Ban Phật giáo Quốc tế TW

NT. TN Tịnh Nguyện tặng quà lưu niệm cho Ban Thường trực HĐTS GHPGVN

Ban Tổ chức tặng quà lưu niệm cho Ban Trị sự Phật giáo Tp. HCM

Ban Tổ chức tặng quà lưu niệm cho Ban Tôn giáo Chính phủ

Ban Tổ chức tặng quà lưu niệm cho Hội LHPN Tp. HCM

Ban Tổ chức tặng quà lưu niệm cho Ban Tôn giáo - Dân tộc Tp. HCM

Ban Tổ chức tặng quà lưu niệm cho NS. Karma Kekshe Tsomo

Ban tổ chức tặng quà lưu niệm cho nhà tài trợ

NS. Thích Nữ Như Như báo cáo công tác triển lãm

Ban tổ chức tặng bằng tuyên dương công đức cho nhà tài trợ

NT. Thích Nữ Tịnh Nguyện thông qua Tuyên bố chung Họi nghị bằng Việt ngữ

Bà Christie Yuling Chang thông qua Tuyên bố chung Hội nghị bằng Anh ngữ

NS. Karma Kekshe Tsomo phát biểu cảm tưởng

Trao cờ luân lưu cho Singapore

nước tổ chức Hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XII


Lễ bế mạc Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI tại Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam