Chư Tăng Thái Lan muốn xiết chặt quản lý các nhà sư người Châu Âu

Trong lúc hàng nghìn Ni trưởng, Ni sư, nữ giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu tham dự Hội nghị Sakyadhita XI đang tập trung thảo luận nhiều vấn đề nóng của nữ giới Phật giáo trên toàn cầu và tìm một phương thức chung để nữ giới Phật giáo thể hiện tốt vai trò, khả năng trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, thì các nhà sư bảo thủ ở Thái Lan đang nỗ lực tìm kiếm phương cách xiết chặt quản lý các nhà sư người Tây nhằm ngăn chặn nữ giới thọ Đại giới và phát huy tiềm năng tu tập vốn có của họ. Các nhà sư Nam tông chùa Nong Pah Pong ở Thái Lan muốn Hội đồng Trưởng lão và Văn phòng Phật giáo Quốc gia áp đặt sự quản lý chặt chẽ lên các nhà sư người Tây nhằm ngăn chặn họ cho phép tu nữ thọ giới Tỳ kheo ni.

Các nhà sư này cũng muốn tài sản của các tự viện ở phương Tây đặt dưới quyền sở hữu của Tăng-già Thái Lan để đảm bảo quản lý chúng toàn diện.

Các nhà sư đang tìm kiếm phương thức thay đổi chung sau khi giới đàn truyền giới Tỳ kheo ni cho 2 tu nữ được tổ chức tại chùa Bodhinyana, chi nhánh của chùa Nong Pah Pong ở thành phố Perth, Australia.

Hội đồng Tăng-già đã phản đối việc truyền Đại giới cho các nữ tu. Tăng chúng chùa Nong Pah Pong đã tẩn xuất pháp sư Phra Brahmavamso, còn được biết đến là sư Ajahn Brahm, vì đỡ đầu việc thọ giới của nữ tu.

 

suthai1.jpg

Tu viện của sư Ajahn Brahm cũng bị tước tư cách là tu viện chi nhánh của chùa Nong Pah Pong. Tăng chúng chùa Nong Pah Pong nói họ muốn đòi lại tu viện. Họ khẳng định rằng tu viện Bodhinyana được xây chủ yếu bằng tiền cúng dường của các đệ tử người Thái của cố Thiền sư Luang Por Chah.

Tăng chúng chùa Nong Pah Pong nói họ không biết cách thức tiến hành viết đơn thư kiến nghị theo hệ thống pháp luật của Australia nên đã đề nghị Văn phòng Phật giáo Quốc gia giúp đỡ.

 

suthai.jpg

Tại cuộc họp báo hôm thứ hai, sư Phra Kru Opaswuthikorn nói quyền sử hữu tu viện là một trong những trở ngại chính đối với việc thực hiện quyền quản lý các nhà sư người Tây bởi vì quyền sở hữu các tự viện thuộc về hội đoàn tư nhân, chứ không thuộc về Tăng-già Thái Lan.

Điều này nên được thay đổi để đảm bảo Hội đồng Tăng-già có quyền quản lý các tu viện Thái cả trong nước và hải ngoại, sư Phra Kru Opaswuthikorn nói.

Sự cay đắng và bực bội trong Tăng chúng chùa Pah Pong đang đẩy việc phản đối sư Ajahn Brahm lên cao và họ đã cáo buộc sư Ajahn Brahm quản lý không tốt các tự viện ở Australia. Họ phàn nàn sư đã thay đổi luật lệ và đã bổ nhiệm những người ủng hộ sư điều hành các tự viện.

Tăng chúng chùa Nong Pah Pong cũng không hài lòng về những bình luận mang tính tiêu cực vô căn cứ mà sư Ajahn Brahm nói về chư Tăng và Phật giáo Thái Lan trong các buổi pháp thoại tại hải ngoại.

Nếu không cương quyết hành động, Hội đồng Tăng-già lo ngại rằng nhiều nữ tu sẽ được thọ Đại giới ở phương Tây.

“Sớm hay muộn, chúng ta sẽ thấy Sư cô ở khắp nơi,” sư Phra Kru Opaswuthikorn than thở và nói thêm rằng sự giới thiệu Ni đoàn Siladhara, hay đoàn thể các tu nữ thọ 10 giới đã được Hòa thượng Ajahn Sumedho thành lập như là sự thay thế cho Tỳ kheo ni ở Thái Lan cũng là vấn đề không thể hình dung, tưởng tượng nổi.

Thật khó cho quần chúng và chư Tăng Thái Lan chấp nhận Ni đoàn Siladhara, bởi vì sự hiện diện của nữ giới tạo ra những vấn đề không cần thiết cho những thệ nguyện thanh tịnh của chư Tăng, sư Phra Kru Opaswuthikorn nói.

Thích Minh Trí dịch (theo The Bangkok Post)