SỰ QUÂN BÌNH CỦA ÐỜI SỐNG NỘI TÂM

Chúng ta vừa tâm sự với nhau về niềm tin. Bây giờ anh muốn nói với em về một sự quân bình nội tại, một sự quân bình rất khó có thể được thiết lập một cách lâu dài và bền vững. Nếu thế giới chung quanh ta không ngừng thay đổi theo từng giây, từng phút, thì đời sống nội tâm của chúng ta càng thay đổi nhanh hơn thế nữa. Nghĩa là nó sinh diệt liên hồi, như sự trôi chảy của dòng sông. Con người, có khi tin vào Thượng đế, nhưng cũng có khi thất tín ở Ngài. Có khi chúng ta sống thuần bằng lý trí, nhưng cũng có khi lý trí không đủ sức lý giải các mâu thuẫn của cuộc đời, nên chúng ta đành phải sống với niềm tin.Tin vào một cái gì đó từ trên cao xa, từ đâu không biết, nhưng có khả năng thay đổi cuộc đời của chính mỗi chúng ta. Do đó, trong từng hơi thở của nội tại, cần thiết có một sự quân bình nhất định để ít nhất là kềm giữ một trạng thái bình yên cho tâm thức.

Vậy, làm sao có thể dùng hoặc lý trí, hoặc niềm tin để có sự quân bình này ? Như anh đã nói với em, nếu chúng ta chỉ ghì chặt hoặc niềm tin, hoặc lý trí thì cuộc sống của chúng ta sẽ luôn luôn bị chao đảo. Vì nếu chỉ sống với niềm tin đơn thuần, như tin hoàn toàn vào một đối tượng nào đó, mà không cần biết đối tượng đó là gì và đối tượng đó như thế nào, thì cuộc sống của chúng ta chẳng khác gì lâu đài xây trên bãi cát; chỉ một cơn gió nhẹ của phiền não, đớn đau… cũng đủ làm cho xáo trộn mọi trật tự cho đời sống này. Ngược lại, nếu chỉ sống dựa vào và tuân theo sự dẫn dắt của lý trí, thì đời sống của chúng ta sẽ liên tục đối diện với bao mâu thuẫn của cuộc đời, và có lúc chính mình sẽ rơi vào tuyệt vọng, cô đơn, khắc khoải… bởi lý trí của mình. Vì cuộc sống không bao giờ diễn ra đúng như những gì con người dự định. Chúng ta chỉ có thể dự đoán đúng và đúng một phần biến chuyển của cuộc sống, còn cái toàn phần thì quả thật luôn luôn vượt ngoài tầm nhận thức bởi các điều kiện trung gian xen vào, như sự bị lắp ghép của một thân cây hay một đoá hoa hồng. Vì thế, để tái thiết một sự quân bình thực thụ, em cần phải đi trên chiếc bè chung mà bên này là niềm tin và bên kia là lý trí. Anh không nhớ rõ, một tiền bối nào đó đã từng phát biểu rằng : "Nếu có niềm tin mà không có trí tuệ, đó là người nhân hậu; nhưng có trí tuệ mà không có niềm tin, đó là kẻ duy lý". Và tất nhiên, cả hai đều bấp bênh như nhau. Nghĩa là sống nhân hậu cũng bất bênh, mà sống duy lý cũng bấp bênh. Vì thế, cuộc sống bình an thực thụ chỉ dành cho những ai có một trái tim nhân hậu, có một tâm hồn trong sáng và một ngọn đèn lý trí. Cả ba yếu tố đó hoà quyện vào nhau sẽ trở thành một phương tiện hữu hiệu nhiệm mầu để kiến lập một sự quân bình trong tâm thức của chúng ta. Nhưng, như thế nào là sự hoà quyện ? Anacharsis nói rằng "Người khôn ngoan thì tranh luận về các lý do, trong khi kẻ ngu ngốc thì quyết đoán chúng". Vì lẽ, đối với người ngu, họ không cần biết những gì mình làm hay những gì mình tin theo, họ sẵn sàng làm tất cả miễn là được thoả thích và an tâm với sự chứng giám của một ngôi vị nào đó trên trời cao mà họ không hề biết, và họ tự cho là như thế. Ngược lại, đối với người khôn ngoan, mọi hoạt động, mọi biểu hiện cho đến mọi sự tin tưởng về một đối tượng nào đó, người ta luôn luôn tìm kiếm một lý do, một nguyên nhân. Và khi tìm ra một lý do thích đáng, họ có thể cống hiến trọn cuộc đời cho những lý do đó. Ðây là một trong những điểm ưu việt mà Ðức Phật luôn luôn kêu gọi mọi người "hãy đến và tri nhận" (Ehipassico) ; chứ không phải đến để tin theo. Vì vậy, thể cách hoà quyện giữa niềm tin và lý trí là con đường phát huy trí tuệ, tìm kiếm những lý do thiết thực cho mọi hành động, mọi giá trị, và mọi ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta. Nếu không làm được ít nhất là một phần như thế, thì con người sẽ trở thành những kẻ cuồng si, sống phụng sự cho thú tính của mình thay vì cho hạnh phúc thực thụ của mình. Và như thế, hoá ra cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa, và sẽ không còn có lý do nào thích đáng cho sự hiện hữu của loài người.

 

Khải Thiên

(Nguyệt-san Giác-Ngộ số 61/2001)