Kuala Lumpur (Malaysia) : Sứ mệnh hoằng dương Phật pháp tại Phi châu của Thượng tọa Hui Li đang đơm hoa kết trái. Tuy nhiên, trong những ngày đầu của sứ mệnh cao cả ấy, cư dân địa phương, các quan chức chính quyền, và tín đồ các tôn giáo khác gọi Thượng tọa là loài “quỷ sứ” và “cỏ độc”.
Thượng tọa Hui Li nhớ lại rằng “Tôi bị cư dân địa phương, các quan chức chính quyền, và tín đồ các tôn giáo khác lên án, chụp mũ. Họ không biết Phật giáo là gì, và trước đó họ cũng chưa từng thấy bóng dáng một tu sỹ Phật giáo trong chiếc y vàng”.
Thượng tọa phải đối mặt với những phản kháng từ giáo hội và cư dân địa phương qua việc xây dựng ngôi Tam Bảo tọa lạc ở Bronkhorstspruit, gần thành phố Pretoria.
Mặc dù vậy, Thượng tọa vẫn kiên trì thực hiện nhiệm vụ của mình bất chấp những đe dọa rằng ngôi chùa sẽ bị chính quyền tịch thu. Thượng tọa Hui Li chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thư: “Trước khi vượt qua những chướng duyên này, tôi phải giữ vững tâm an tịnh, thực hành nhẫn nhục và yêu thương”.
Để chứng minh mình là nhà tu chân chính và để lôi cuốn mọi người, Thượng tọa Hui Li xúc tiến hoạt động từ thiện để giúp đỡ người nghèo và người bệnh bằng việc chia sẻ quần áo, thực phẩm và thuốc men. Là tu sỹ Phật giáo Phi châu nổi tiếng, Thượng tọa Hui Li phát nguyện dành 5 kiếp để phát triển và hoằng dương Phật pháp tại Phi châu.
Thượng tọa Hui Li sinh năm 1955 trong một gia đình nông dân nghèo ở miền quê Pington, Đài Loan. Từ nhỏ Thượng tọa đã nhận chân cuộc đời là mong manh. Ngôi trường của Thượng tọa nằm cạnh nghĩa trang và những đám tang diễn ra thường xuyên đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm Thượng tọa.
Năm 1987, Thượng tọa phát tâm xuất gia với đại lão Hòa thượng Hsin Yun (Tinh Vân), người sáng lập Hội Phật Quang Sơn Quốc tế. Một năm sau đó, Thượng tọa được thọ giới Tỳ kheo, trở thành sứ giả của đức Như Lai. Năm 1992, để thực hiện tâm nguyện của Hòa thượng Tinh Vân là xây dựng một ngôi chùa trực thuộc Hội Phật Quang Sơn trên mỗi châu lục, Thượng tọa phát tâm đến Nam Phi xây dựng ngôi chùa Phật giáo Đại thừa đầu tiên trên đất Phi châu.
Thượng tọa đến Nam Phi, một miền đất xa lạ. Trong nhiều tuần lễ, Thượng tọa tham quan đó đây và gặp không ít khó khăn để có được một cái nhìn rõ ràng hơn về đất nước Nam Phi. Có giai đoạn, Thượng tọa bị bệnh sốt rét, nhưng kiên quyết không chùn bước trong sứ mệnh phục vụ Phi châu. Thượng tọa bùi ngùi chia sẻ rằng “Nếu không bị bệnh sốt rét, bạn sẽ không có visa để làm việc ở Nam Phi”.
Năm 1994, lễ khánh thành Trường Cao đẳng Phật học Phi châu - trường cao đẳng Phật học đầu tiên ở Phi châu – được tổ chức tại chùa Nan Hua (Nam Hoa Tự) ở Bronkhorstspruit để giảng dạy Phật pháp cho thanh niên với mục đích giúp họ giảm bớt những vấn đề của họ thông qua giáo dục.
Năm 1998, khi đến Malawi tặng xe lăn cho người tàn tật, Thượng tọa Hui Li chợt tỉnh rằng, 40% dân số Nam Phi bị nhiễm HIV dương tính và trên một triệu trẻ em hoặc đã mất cha hay mẹ, hoặc đã mất cả cha lẫn mẹ hiện đang đối diện với căn bệnh thế kỷ - AIDS. Thượng tọa hiểu rằng sẽ có rặt một thế hệ trẻ mồ côi. Những đứa trẻ này, trong giai đoạn chúng đến tuổi trưởng thành, hẳn sẽ không có sự giáo dưỡng đúng cách, hoặc nhận được sự giáo dục rất ít. Vì vậy, Thượng tọa nảy sinh ý niệm thành lập những Trung tâm Giáo dưỡng Phật A-di-đà (Amitofo Care Centres - ACC)
Năm 2001, Thượng tọa Hui Li từ chức viện chủ chùa Nan Hua để dấn thân trong công tác phật sự ở Phi châu. Thượng tọa trở nên nổi tiếng như bác sỹ Albert Schweitzer (*) của Phật giáo đại thừa. Sau những lần vận động thuyết phục cố đệ nhất phu nhân Cộng hòa Malawi là Ethel Mutharika thành công, một lô đất nằm ở ngoại ô thành phố Blantyre, miền nam Malawi, được cúng dường để thực hiện dự án của Thượng tọa.
Dự án xây dựng Trung tâm Giáo dưỡng Phật A-di-đà ở Cộng hòa Malawi được khởi công năm 2003. Các nhà mạnh thường quân, chủ yếu từ Đài Loan, đã ủng hộ tài chính cho công trình này. Qua năm 2005, giai đoạn 1 của dự án đã được hoàn thành và 120 em có độ tuổi từ 3 đến 12 được chuyển đến đây. Qua năm 2008, Trung tâm Giáo dưỡng Malawi đã tiếp nhận giáo dưỡng 300 trẻ mồ côi và những trẻ chỉ còn cha hoặc mẹ.
Hiện tại, một trường tiểu học đang mượn tạm một trong những ký túc xá của trung tâm cho đến khi một ngôi trường dành cho 500 chú nhóc có thể được xây dựng. Bước kế tiếp là xây dựng một trường trung học và trung tâm đào tạo nghề. Một phòng khám chữa bệnh do 2 bảo mẫu, các y tá có đủ tay nghề và các tình nguyện viên nước ngoài đảm trách.
Để rèn luyện và thấm nhuần tính kỷ luật, đức kiên trì, và tinh thần tập trung, một chương trình giao lưu văn hóa bằng môn võ Thiếu Lâm được đưa vào dạy tại Trung tâm Giáo dưỡng Blantyre. Khoảng 100 chú nhóc hiện đang luyện tập võ nghệ do các võ sư nhà sư đến từ chùa Thiếu Lâm, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Mỗi sáng, các em đều tham dự các khóa lễ và học giáo lý nhà Phật.
Trung tâm Giáo dưỡng Phật A-di-đà cũng hỗ trợ các tổ chức trong các cộng đồng khác ở các huyện lân cận. Các tổ chức này hiện đang ủng hộ trên 2000 thiếu nhi và hơn 1500 thanh niên .
Trung tâm Giáo dưỡng Phật A-di-đà (ACC) có các chi nhánh ở Harare (Zimbabwe), Nhlangano (Swaziland), Mafikeng (Lesotho) và Yaound (Cameroon). Kế hoạch tiếp theo là thành lập các trung tâm ở Zambia và Tanzania.
Thượng tọa Hui Li và 30 em của trung tâm sẽ có chuyến tham quan từ thiện ở Malaysia và Brunei với chủ đề Truyền bá Hạt giống Tình thương (Spread The Seeds Of Love) từ ngày 28-11 đến ngày 30-12-2009. Phái đoàn sẽ có chương trình biểu diễn từ thiện tại các thành phố: Ipoh, Penang, Johor, Petaling Jaya, Kuantan, Kuala Lumpur, Kelantan, Muar, Malacca, Kota Kinabalu, Miri, Bintulu, Sibu và Kuching.
Các nhà tổ chức của chuyến tham quan này là Viện Giáo dưỡng Trẻ em Đại từ (Persatuan Anak-anak Yatim Eduwis Selangor), Trung tâm NSS (một tổ chức từ thiện ở Ipoh) và Quỹ tài trợ Hai Tao.
Thích Minh Trí theo The Star
(*) Theo vi.wikipedia.org, Albert Schweitzer (14 tháng 1 năm 1875 - 4 tháng 9 năm 1965) là tiến sỹ, bác sỹ, nhà triết học, nhà thần học người Đức, sau mang quốc tịch Pháp. Ông đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1952 vì đã có công lao to lớn giúp đỡ người châu Phi, bất chấp gian khổ, bệnh tật. Ông đã có khoảng 50 năm chữa bệnh cho người dân Gabon, một đất nước nằm ở miền tây Trung Phi. Khi qua đời, ông được an táng tại đây. (ND)