Chùa Láng Và Những Bức Hoành Phi Câu Đối

Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền tự và được giải thích trong văn bia tạo dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) hiện còn được bảo quản ở chùa như sau: Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư đại thánh nên gọi là Thiền. Chùa ở cuối phố chùa Láng

Chùa Láng Và Những Bức Hoành Phi Câu Đối

Thế Anh

Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền tự và được giải thích trong văn bia tạo dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) hiện còn được bảo quản ở chùa như sau: Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư đại thánh nên gọi là Thiền (Cái nguyên hữu chiêu hiển gia tường, cố dĩ Chiêu danh. Đĩnh sinh Thiền sư đại thánh, cố dĩ Thiền danh). Chùa ở cuối phố chùa Láng, một đường phố đẹp mới được hoàn thành vào năm 2004 thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Về cảnh đẹp của chùa, bài văn bia đã mô tả: Thật là danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp. Khí tốt Phượng thành bên hữu toả khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp.

Chùa nằm trong một khuôn viên rộng và đẹp, có nhiều cây cổ thụ, có một quần thể kiến trúc nhịp nhàng cân đối hoà quyện với không gian và cảnh quan thiên nhiên. Cổng tam quan dẫn vào sân chùa có đôi câu đối viết theo lối Khải thư rất đẹp ghép bằng những mảnh sứ màu xanh làm tăng thêm vẻ trang nghiêm cổ kính và hoành tráng của ngôi chùa. Giữa sân chùa là một kiến trúc độc đáo - nhà Bát giác, nơi đặt kiệu thánh vào đêm trước ngày khai hội. Mái nhà lợp theo kiểu mái chồng, hai tầng, 16 mái trông rất thanh thoát và hài hòa. Phía sau sân chùa là tiền đường, trung đường, nhà thiêu hương, thượng điện, tả hữu hành lang, nhà tổ, nhà mẫu và vườn tháp. Thượng điện được bố trí theo kiểu “tiền Thánh hậu Phật”, với tượng đức thánh Láng đặt ở phía trước, phía sau là các lớp tượng Phật.

Để có được kiến trúc như hiện nay chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu và chắc chắn cũng có nhiều thay đổi so với ban đầu, nhưng điều quan trọng là những nét cổ kính về di tích và địa điểm của chùa vẫn giữ nguyên như cũ. Tuy nhiên, nay sát cạnh khuôn viên của chùa lại có thêm một công trình mới là, đài tưởng niệm liệt sĩ của Phường mà nhiều người cho là không phù hợp với cảnh quan chung.

Theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam thì Chùa Láng được xây dựng từ đời Lý Thần Tông (1128-1138)(1) để thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Tương truyền Từ Đạo Hạnh quê làng Láng (nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa) tu hành đắc đạo ở đây và hóa kiếp ở chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây) đầu thai làm con Sùng Hiền hầu (em vua Lý Nhân Tông). Câu chuyện về Thiền sư Từ Đạo Hạnh mang nhiều màu sắc truyền kỳ. Theo các nguồn tư liệu còn lại đến hôm nay thì câu chuyện đại khái như sau: Từ Đạo Hạnh có tên là Từ Lộ con ông bà Từ Vinh và Tằng Thị Loan, học giỏi, đỗ đầu khoa Bạch Liên nhưng không ra làm quan, mà tìm đường sang Tây Trúc học đạo để trả thù cho cha. Nguyên Từ Vinh có hiềm khích với Diên Thành hầu, bị Diên Thành hầu nhờ pháp sư Đại Điên giết chết rồi vứt xác xuống sông Tô Lịch. Sau khi đắc đạo và trả thù được cho cha Từ Đạo Hạnh đến trụ trì ở Chùa Phật Tích trên núi Sài Sơn (chùa Thầy). Bấy giờ vua Lý Nhân Tông không có con trai bèn xuống chiếu tìm con cháu tôn thất để nối ngôi. Em vua Lý Nhân Tông là Sùng Hiền hầu gặp Từ Đạo Hạnh nói chuyện cầu tự và Thiền sư hứa sẽ giúp đỡ vợ chồng Sùng Hiền hầu sắp sinh, Từ Đạo Hạnh tắm rửa và vào hang núi hóa thân. Sau đó vợ Sùng Hiền hầu sinh con trai đặt tên là Dương Hoán và được lập làm hoàng thái từ nối ngôi hoàng đế tức là Lý Thần Tông, kiếp sau của Từ Đạo Hạnh.

Hiện nay trong chùa có pho tượng Từ Đạo Hạnh bằng mây đan phủ sơn mặc áo cà sa và tượng Lý Thần Tông bằng gỗ ngồi trên ngai vàng. Dưới mái hành lang còn có hai dãy thập điện và 18 vị La Hán cùng nhiều tượng thờ có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX trải dài từ đời Lê đến triều Nguyễn được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tạo tác rất sinh động mang tính nghệ thuật cao. Theo lời kể của nhiều người ở địa phương thì trước đây trong chùa còn có một quyển kinh bằng đồng lá, tương truyền mỗi lần vua Lý lên chùa vẫn dùng để tụng. Sau này quyển kinh bị thất lạc. Ngoài những hiện vật quí như đồ thờ cổ, sắc phong, bia đá, chuông, án văn chạm rồng thế kỷ thứ XVII, kiệu rước thế kỷ thứ XVIII, trong chùa còn có một số lượng lớn đại tự, hoành phi, câu đối ca ngợi công đức Thiền sư cũng như triết lý của đạo Phật. Chùa đã được chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vào năm 1946 và đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa đợt đầu trong cả nước năm 1962.

Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một số câu đối và hoành phi tiêu biểu để bạn đọc tham khảo. Vì chưa có điều kiện lập sơ đồ để xác định vị trí cụ thể của từng câu đối và hoành phi, chúng tôi sẽ không theo thứ tự bố trí ở từng khu vực trong chùa.

1. “Thiền thiên khải thánh (Trời thiền sinh thánh)

2. “Chiêu Thiền tự” (Chùa Chiêu Thiền)

3. “Tuệ nhật” (Ánh tuệ - Mặt trời trí tuệ)

Trí tuệ Phật có thể chiếu sáng những chỗ tăm tối ở thế gian. Bởi vậy trí tuệ đó như mặt trời.

4. “Từ vân” (Mây lành)

Lòng từ bi quảng đại của đức Phật như đám mây lành che chở cho chúng sinh.

5. “Long Hoa hội” (Hội Long Hoa)

Khi đức Di lặc thành Phật, ngài ngồi ở dưới gốc cây long hoa, cánh hoa như đầu rồng nên gọi là long hoa. Ngày 8 tháng tư các chùa thiết trai lấy nước ngũ hương tắm Phật, tổ chức hội Long Hoa tượng trưng cho việc đức Di lặc hạ sinh.

6. “Nguyệt chi hằng” (Trăng vĩnh cửu - Nguyệt tròn đầy)

7. “Vi chi hiển” (Màu nhiệm rõ ràng)

8. “Kỷ sinh tu đáo” (Mấy kiếp tu nên)

9. “Chí tai khôn nguyên” (Lớn thay đức mẹ)

10. “Tổ ấn trùng quang” (Nếp tổ lại sáng ngời)

11. “Lý triều thánh đế” (Thánh đế Lý triều)

12. “Thánh cung vạn tuế” (Chúc thánh muôn năm)

13. “Hiển đế hóa thân” (Vĩnh hiển làm vua, biến hóa nên thần)

14. “Thánh đức nan tư” (Đức độ của thánh khôn lường)

15. “Thần công mạc trắc” (Công lao của thần khó mà tính được)

16. “Khâm phúc tứ dân” (Ban phúc cho dân)

17. “Túc ung” (Nghiêm túc hài hòa)

18. “Tĩnh khiết” (Tĩnh lặng, trong sạch)

19. “Thiền quynh nhật lệ” (Cửa thiền ngày đẹp)

20. “Phật tức tâm” (Phật là tâm)

21. “Tục lữ tiêu” (An niềm tục lụy)

22. “Không thị sắc” (Không là sắc)

Không và sắc là thuật ngữ của Phật giáo. Không có nghĩa là trống không, không có thật. Tất cả các sự vật trong tam giới đều không phải là thật. Nhận ra điều đó tức là Không. Phật giáo cho hết thảy cái gì có hình có tướng đều gọi là Sắc.

23. “Tĩnh tâm trần” (Lắng bụi lòng)

24. “Thất tịnh hoa” (Bảy hoa sen thanh tịnh)

25. “Khai kim thế giới” (Cõi vàng rộng mở)

26. “Diệu sắc thân” (Diệu sắc (Surùpa) phiên âm theo tiếng Phạn là Tô lâu ba. Sắc tướng báo thân báo độ của Phật tuyệt diệu không thể nghĩ bàn).

27. “Vô dữ đẳng” (Không gì sánh kịp)

28. “Kim ngọc lâu đài” (Lâu đài vàng ngọc)

29. “Diệu giác khế thiền tâm, Lý đại Bạch Liên tiêu đặc tuyển,

Xuân dương khai thắng hội, Sài nham Bích động đối linh quang”

(Diệu giác hợp lòng thiền, triều Lý Bạch Liên ngôi sáng tỏ,

Xuân dương mừng hội lớn, núi Thầy Bích Động ánh linh thiêng).

Diệc giác: Sự giác ngộ kỳ diệu. Thuật ngữ Phật giáo để chỉ tự mình giác ngộ (tự giác) và giác ngộ cho người khác (giác tha).

Xuân dương: chỉ mùa xuân.

30. “Nghĩa đại tiêm cừu, Tô Lịch trường lưu thiên thủy bích,

Cơ thần diệu hóa, Sài nham di tích thạch đài hương.”

(Nghĩa lớn báo thù, Tô Lịch chảy xuôi dòng nước biếc,

Mưu thần kỳ diệu, núi Sài lưu mãi đá rêu hương).

31. “Sài Lĩnh hưởng truyền kim cổ độc,

Tô Giang phái dẫn thủy thiên trường”

(Tiếng vọng núi Thầy xưa nay có một

Nước xuôi sông Tô chảy mãi không cùng).

32. “Tự hữu huy hoàng nghiêm thánh tượng

Phật tiền thí xả độ quần sinh.”

(Trước Phật chúng sinh ơn tế độ

Bên chùa tượng Phật dáng uy nghi).

33. “Sài Sơn thanh hóa, đế trụ tiền thân, Lạc Việt thiên thu tồn hiển tích.

Thiên tự linh quang, thiền môn thắng cảnh, Long Thành vạn cổ thử danh lam”

(Sài Sơn hóa thánh, kiếp trước của vua, Lạc Việt nghìn thu lưu tích cũ;

Chùa trời linh ứng, thắng cảnh thiền môn, Long Thành muôn thuở đất danh lam).

34. “Đống vụ nguy nguy hiển ứng trường chiêu thần diệu thuật,

Môn quynh đăng đãng ngưỡng chiêm như kiến Phật chân kinh.”

(Lầu điện nguy nga, phép diệu thần thông soi tỏ mãi

Cửa thiền lồng lộng ngước nhìn như thấy Phật chân kinh).

35. Không không sắc sắc thiên thu Phật

Hóa hóa sinh sinh thượng đẳng Thần

(Không không sắc sắc ngàn thu Phật

Hóa hóa sinh sinh thượng đẳng Thần.)

36. “Bát diệp sơn hà thanh hạc mộng

Thiên thu phàn tử ấp long môn”

(Tám lá non sông trong mộng hạc

Ngàn thu thôn ấp hướng long môn).

Bát diệp: Chỉ tám đời vua triều Lý.

37. “Sinh hóa hà niên tiên thị đế

Anh linh thử địa thánh nhi thần”

(Sinh hóa năm nào tiên hóa đế

Anh linh cõi ấy thánh bên thần).

38. “Học đạo Tây thiên, Sài Lĩnh thiên thu truyền Phật tích,

An dân Nam địa, Lý triều tái thế hiện Vương thân.”

(Học đạo Tây thiên, Sài lĩnh ngàn thu truyền Phật tích,

An dân đất Việt, Lý triều tái thế hiện Vương thân).

39. “Không không sắc sắc đoàn tuệ quả ư bát đan, An Lãng tự di dung vạn kỷ thanh linh chiêm giả kính,

Hóa hóa sinh sinh thoát nạp y nhi cổn miện, Phật Tích sơn cổ động thiên thu truyền ký ngưỡng di cao.”

(Không không sắc sắc, tròn quả phúc ở bát đan, chùa An Lãng di tích nơi đây, tiếng linh thiêng muôn đời chiêm bái,

Hóa hóa sinh sinh, cởi cà sa thay cổn miện, núi Phật Tích động xưa còn đó, chuyện thần kỳ ngàn thuở lưu danh).

Bát đan: Vật để đỡ lót ở dưới bát đựng thức ăn của các nhà sư.

Nạp y: Áo cà sa.

Cổn miện: Lễ phục nhà vua.

40. “Nhàn thú thị Tiên, bất tất Bồng Lai, Hải đảo,

Tâm thành tức Phật, hà tu Tây Trúc, Thiên Thai.”

(Nhàn thú là tiên, chẳng cứ Bồng Lai, Hải đảo;

Tâm thành tức Phật, cần chi Tây Trúc, Thiên Thai).

41. “Ngũ giới chân truyền khải địch hậu nhân thâm tự hải,

Nhất thành trai bạt kiều chiêm Bắc đẩu trọng như sơn).

(Ngũ giới còn truyền răn bảo người sau sâu tựa biển,

Nhất thành trai bạt ngẩng xem Bắc đẩu nặng nhường non).

Ngũ giới: chỉ năm điều cấm của những người theo đạo Phật: không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói càn, uống rượu.

42. “Khởi thị thuyết hoang đường, thần thánh đản sinh giai thực lục,

Hà tiêu khấu linh dị, quần phương đính đới tức danh lam.”

(Đâu phải chuyện hoang đường, thần thánh sinh ra đều chép thực,

Cần chi tìm linh dị, khắp nơi thờ phụng ấy danh lam).

Linh dị: chuyện linh thiêng khác thường.

T.A

CHÚ THÍCH

(1) Theo Hà nội - di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, Doãn Đoan Trinh chủ biên - Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, H. 2000) thì Lý Anh Tông (1138-1175) cho xây cất chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha là Lý Thần Tông (kiếp sau của Từ Đạo Hạnh).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Từ điển di tích văn hóa Việt Nam , Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb. Văn học, 2003.

- Tuyển tập văn bia Hà Nội. Quyển 1, Nxb. KHXH, H. 1978.

- Hà Nội di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, Trung tâm UNESCO... H. 2000.

- Hà Nội danh lam cổ tự, T1, Nxb. VH - TT, 2003.

- Từ điển Phật học Hán Việt, Nxb. KHXH, 2004.

- Việt điện U linh (bản chữ Hán của miền Nam.

- Một số tư liệu của Ban quản lý di tích chùa Láng.