Về những tấm bia còn lại ở thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò tỉnh Nghệ An

Vừa qua, trong đợt đi công tác về tỉnh Nghệ An chúng tôi đã may mắn sưu tầm được một số tư liệu Hán Nôm. Trong đó có hoành phi, câu đối, bia, chuông và khánh đá. Số tư liệu đó tuy là khiêm tốn. Hiện nay trên địa bàn có mười tám phường, xã, của thành phố Vinh,31 xã Thị trấn của huyện Nghi lộc, 6 phường xã của thị xã Cửa Lò thì việc lưu giữ tư liệu Hán Nôm nói chung và bia, chuông khánh đá nói riêng chỉ tập trung ở một số điểm có lẽ chỉ đủ để đếm trên đầu ngón tay.

Về những tấm bia còn lại ở thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò tỉnh Nghệ An

HOÀNG HỒNG CẨM

Tiến sĩ. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Vừa qua, trong đợt đi công tác về tỉnh Nghệ An chúng tôi đã may mắn sưu tầm được một số tư liệu Hán Nôm. Trong đó có hoành phi, câu đối, bia, chuông và khánh đá. Số tư liệu đó tuy là khiêm tốn, nhưng với một địa bàn luôn là điểm nóng không những chỉ của một thời là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì đây lại là vấn đề cần ghi nhận.

Hiện nay trên địa bàn có mười tám phường, xã, của thành phố Vinh,31 xã Thị trấn của huyện Nghi lộc, 6 phường xã của thị xã Cửa Lò thì việc lưu giữ tư liệu Hán Nôm nói chung và bia, chuông khánh đá nói riêng chỉ tập trung ở một số điểm có lẽ chỉ đủ để đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể có thể tìm hiểu theo hướng sau:

I. Về địa điểm và số lượng bia, chuông, khánh đá

A. Thành phố Vinh:

Có 4 điểm di tích còn bia

1. Đền Hồng Sơn: Đền thuộc phường Hồng Sơn, đây là điểm tập trung khá nhiều tư liệu Hán Nôm: ngoài 35 câu đối và 23 bức hoành phi còn có ba tấm bia, một khánh đá và một cái chuông to. Đây là điểm di tích còn lại khá đầy đủ thể loại tư liệu Hán Nôm, nằm ở vị trí gần trung tâm Thành phố, mặc dù về khuôn viên thì tất yếu đã phải thu hẹp nhưng vẫn rộng rãi khang trang.

2. Chùa Diệc: Chùa nằm ở phường Quang Trung. Chùa chỉ còn một mái cổng tam quan, toàn bộ ngôi chùa đã bị bom đạn quân đội Mỹ phá tan tành. Hiện nay, nơi đây đã mọc lên một khánh sạn. Tuy nhiên, vẫn còn may những người quản lý ở đây cùng những người dân đã có ý thức đưa được hai tấm bia còn sót lại về bảo quản dưới cổng chùa cùng một bàn nhỏ để thắp hương ngày tuần tiết... Đấy là tất cả những gì còn lại của một ngôi chùa mà tuổi thơ tôi còn ghi dấu!

3. Chùa Sư Nữ: Chùa nằm trên địa bàn phường Cửa Nam. Đây cũng là một ngôi chùa cổ, số bia còn không đáng kể (ba tấm bia gửi hậu khổ nhỏ) nhưng số hoành phi câu đối thì lại khá phong phú.

4. Nhà thờ họ Nguyễn Sĩ: Ngôi nhà thờ họ này nằm ở xóm Xuân Tiến, phường Hưng Dũng, tuy không to tát nhưng là ngôi nhà cổ của dòng họ Nguyễn Sĩ, một dòng họ của nhà Văn thân yêu nước Nguyễn Sĩ Sách. Riêng nhà thờ này không có bia khánh, nhưng nhờ vào ý thức dòng họ và trách nhiệm của người dân, họ đã đưa về dòng họ mình bảo vệ một khánh đá và một bia đá của đình làng. Họ có một cách lập luận khá thuyết phục: vì đền thờ của làng đã bị bom, hai, tư liệu này lại không những chỉ có tên các vị tiên tổ của họ mà các vị còn là người có công đối với bản từ, bản thôn, nên gia đình đưa về giữ gìn và bảo quản, hầu khi sở tại có đình thì đưa trả lại

B. Huyện Nghi Lộc

Có 5 điểm di tích còn bia:

1. Nhà thờ họ Đinh:ở làng Thu Lũng, nay là xóm 7 xã Nghi Long. Đây là một trong những dòng họ lớn của huyện Nghi Lộc. Giòng họ này vừa có truyền thống khoa cử lại có truyền thống yêu nước: nhiều vị là Tiến sĩ, Hương cống, Tú tài; nhưng cũng chỉ trong vòng 54 năm (Đinh Hồng Phiên 1833 tới Đinh Văn Chắt 1887), Họ đã 2 lần bị triều đình nhà Nguyễn hạ chiếu "Tru di tam tộc" vì lý do tham gia chống cường quyền áp bức, chống lại chính sách đầu hàng thoả hiệp với thực dân Pháp chế độ đương thời.

Tuy vậy, qua bao binh lửa ngày nay ở đây cũng chỉ còn một số câu đối và hoành phi cùng 1 tấm bia và 1 bảng gỗ kỷ niệm.

2. Nhà thờ Nguyễn Thức Tự:ở xóm Đông Chử, xã Nghi Trường. Đây là nhà thờ một ông giáo mà vị đó đã từng là thầy của các sĩ phu yêu nước thế kỷ trước như Nguyễn Sinh Sắc, Phan Bội châu... Hiện nay ở đây còn 1 bảng gỗ to được chạm khắc khá tinh xảo, do các môn đồ làm tặng Thầy nhân khi dựng Sinh từ.

3. Nhà thờ họ Lê Cảnh: ở xóm Xuân Đình nay là xóm 11 xã Nghi Thịnh. Họ này có 2 nhà thờ nằm cạnh nhau của đại tôn và Chi cả. Nhà Đại tôn tuy không cao to nhưng còng khá nhiều đồ thờ bằng đá xanh. Dân trong vùng quen gọi là nhà thờ ông Quan Tham (đây chắc là chức quan Tham tụng hay Tham bồi...). Cả hai bên đều đang quá trình xuống cấp nặng. Tuy vậy ở đây còn khá nhiều câu đối hoành phi và 2 tấm bia còn tương đối rõ.

4. Đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí: đền nằm ở xóm 11 xã Nghi Hợp. Đây là ngôi đền có quy mô và khá khang trang đẹp đẽ. Ở đây ngoài sự hỗ trợ của nhà nước còn có phần đóng góp đáng kể của con cháu trong dòng họ và khách thập phương, cho nên số hoành phi, câu đối khá phong phú, cùng 4 tấm bia đá.

5. Chùa Trung Kiên: ở làng Hoàng Lao nay là xóm Trung Kiên xã Nghi Thiết. Chùa nằm ở sườn núi của xã đảo, giao thông rất khó khăn lại là nơi địa đầu sóng gió phải hứng chịu không biết bao nhiêu bom đạn của cả không quân lẫn thuỷ quân của quân đội Mỹ. Cho nên, quá may mắn vì ở đây vẫn còn 1 tấm bia 4 mặt, lại được bảo vệ cẩn thận trong nhà bia.

C. Thị xã Cửa Lò

Có 4 điểm di tích còn bia:

1. Nhà thờ họ Hoàng: ở xóm Đông Quyền xã Nghi Thu. Nhà thờ này còn đủ cả các câu đối, hoành phi cùng 1 tấm bia to 2 mặt rất đẹp.

2. Nhà thờ họ Chế: ở xóm Hoa Đình xã Nghi Thu. Ngoài những đôi đối và hoành phi cổ còn 1 tấm bia to 2 mặt to đẹp.

3. Chùa Lư Sơn:còn có tên chữ là Phổ Am tự, ở xóm Chùa xã Nghi Tân. Chùa tuy mới được dựng lại nhưng còn 1 tấm bia to chung cho cả đình và chùa.

4. Đền thờ Nguyễn Sư Hồi:đền nằm ở xóm Vạn Xuân xã Nghi Tân, hướng quay ra cửa sông mênh mông 4 mùa lồng lộng sóng gió. Nơi đây còn lưu giữ được 2 tấm bia. Đặc biệt là tấm bia to 4 mặt rất đẹp.

Điểm lại số lượng bia, chuông, khánh còn lại này, chúng tôi thấy cần đi tiếp những vấn đề sau:

II. Vấn đề niên đại:

Có thể nói hầu hết các bia còn lại đều nằm trong khoảng các niên hiệu của đời Nguyễn. Tuy nhiên điều đáng nói hơn ở đây là trong số 20 đơn vị bia, chuông, khánh thì cũng có 5 đơn vị được ghi niên đại vào các niên đại của triều Lê. Tình hình cụ thể như sau:

A. Đời Lê:

Đời vua Lê Thánh Tông:

- Năm thứ 3 niên hiệu Quang Thuận (1462): có 1 bia tiêu đề là Tiên tổ di huấn. Bia kể về lai lịch quê hương của Cương Quốc Công Nguyễn Xí.

- Năm thứ 8 niên hiệu Quang Thuận (1467): có bia mang tiêu đề Thái sư Cương Quốc Công bi ký, nội dung ghi vắn tắt về hành trạng Cương Quốc Công Nguyễn Xí.

Đời vua Lê Hy Tông:

Năm thứ 17 niên hiệu Chính Hoà (1696) có 1 tấm bia 4 mặt ghi việc dựng lại chùa, đào giếng và các luật lệ của làng nghề đóng tàu thuyền. Bia ghi rõ Tống Thần Phu là Ái Châu Tĩnh nông tiên mộc binh khoa cấp sự trung soạn lời văn; Phùng Tuấn Tài là Thị nội thư Tả hộ phiên viết chữ; Lê Văn An là đội trưởng đội khắc đá khắc chữ. Bia còn đủ 4 mặt có chữ - dù mặt bia có bị vết đạn nhưng lượng chữ mất không đáng kể. Bia có chóp cao đẹp nhưng không có hoa văn ở trán và diềm bia (xóm Trung Kiên xã Nghi Thiết).

Đời vua Lê Hiển Tông:

Năm thứ 16 niên hiệu Cảnh Hưng (1755) có 1 tấm bia có tiêu đề Hậu Thần bi ký, do ông Nguyễn Huy Bảo là Mậu Thìn khoa đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh Hoằng Tín Đại phu Thượng bảo Tự khanh Ngạch Đình cư sĩ soạn lời văn; ông Tăng Thọ Nam là Cai thập nội bá Đồng Tri phủ viết chữ. Bia còn 2 mặt chữ khá đầy đủ, có chóp bia cao, nhưng không có hoa văn ở trán và diềm (nhà thờ họ Hoàng xã Nghi Thu).

Đời vua Lê Hy Tông:

Năm đầu niên hiệu Vĩnh Trị (1676) có 1 bia 4 mặt tiêu đề Nguyễn môn huân nghiệp ... còn đủ chữ cả 4 mặt. Bia do ông đỗ đầu khoa thi Bính Thân, đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, xuất thân Quang tiến Thận Lộc đại phu, Hàn lâm viện Hiệu uý soạn. Nay bia được bảo quản cẩn thận ở đền thờ Nguyễn Sư Hồi xóm Vạn Lộc.

Đời vua Lê Dụ Tông:

Năm thứ 6 niên hiệu Vĩnh Thịnh (1770) có 1 tấm bia 2 mặt đã bị vỡ ngang. Điều khá đặc biệt ở đây là hai mặt bia: 1 phục vụ cho đình với tiêu đề Phụng sự hậu Thần bi ký; 1 phục vụ chùa với tiêu đề Phụng sự hậu Phật bi ký. Mặt đá xanh mịn đẹp, nét chữ khắc rất rõ ràng chân phương hơi bé nhưng sắc sảo, có hoa văn đầy đủ (chùa Lô Sơn phường Nghi Tân).

b. Đời Nguyễn

Đời vua Gia Long:

Năm thứ 12 (1813): có một hồng chung được đúc nhân lúc trùng tu văn miếu của Trấn Nghệ An. Trên chuông có bài ký của cựu đốc học Tồn Nghĩa Bá Trấn Nghệ An là Bùi Dương Lịch soạn (chuông này ở đền Hồng Sơn)

Đời vua Minh Mệnh:

Năm thứ 18 (1837): có hai tấm bia dựng nhân việc dựng miếu thờ Quan Phu tử (Đền Hồng Sơn).

Năm thứ 20 (1839): có một khánh đá của một quan võ là Hùng Nhuệ doanh trang vũ vệ,Vệ úy Lê Đoàn cung tiến (đền Hồng Sơn).

Đời vua Tự Đức:

Năm thứ 4 (1851): có tấm bia trùng tu Thượng từ vũ làng Yên Dũng (hiện ở nhà thờ họ Nguyễn Sĩ Sách ở phường Hưng Dũng)

Năm thứ 7 (1854): Một khánh đá cũng của Thượng từ vũ làng Yên Dũng (hiện ở nhà thờ họ Nguyễn Sĩ Sách, phường Hưng Dũng). Khánh này do ông họ Nguyễn vốn làm Huấn đạo ở Nông Cống kính đúc.

Năm thứ 17 (1864): Có một tấm bia với tiêu đề Trung tín hiệu uý Chính ty quan bi ký. Đây là tấm bia đẹp bề thế còn đủ cả trán và bệ bia, chữ khắc kín hết không những chỉ ở 2 mặt bia mà còn hết cả trán bia mặt sau. Hiện nay bia được bảo quản ở nhà bia của nhà thờ họ Chế. Bia cũng ghi về hành trạng của vị thuỷ tổ và sơ lược về lịch sử của họ Chế. Bia do ông Gia Nghị Đại phu làm bố chính tỉnh Thanh Hoá soạn (nay ở xóm Hoa Đình xã Nghi Thu).

Năm thứ 21 (1868): có 1 tấm bia trụ 4 mặt tiêu đề Lê tộc tự điền bi ký. Bia do các con là Lê Trọng Thiện, Lê Lượng Bản cùng cháu đích Lê Cảnh Học làm, nội dung ghi những tục lệ của giòng họ, đặc biệt ghi rõ loại ruộng nào phục vụ cho lễ nào của ai ở đâu...

Năm thứ 23 (1870): có 1 bia 2 mặt chữ bé, với tiêu đề Xuân đình tự điền bi ký, đây cũng là 1 bia của họ Lê Cảnh làm nhân dịp ông được nghỉ phép sau khi là quan Khâm sai về chủ khảo khoa thi Canh Ngọ ở 2 tỉnh Nam Định - Thanh Hoá, mới dựng lại ngôi đình cho nơi thừa tự được khang trang.

Cả 2 bia sau này đều của họ Lê Cảnh, nay ở xóm 12 xã Nghi Thịnh.

Đời vua Thành Thái: có 1 bảng gỗ làm năm Canh Tý (1900) - nhà thờ Nguyễn Thức Tự và 1 bia năm thứ 6 (1904) - nhà thờ họ Đinh.

Đời vua Duy Tân:

Năm thứ 3 (1909): có một tấm bia làm nhân việc trùng tu miếu Quan Phu tử (đền Hồng Sơn).

Năm thứ 7 (1913): có 1 bia nhỏ không tên, nội dung là bia bầu hậu cho vị Thái sư Phạm Đức Dục người bản thôn (là người có công góp hỗ trợ sưu thuế và góp ruộng cúng cho chùa làng). Bia do Phó bảng dự Đốc học Hoàng Văn Cư soạn, Lý trưởng Trần Văn Thiết chép. Nay bia được bảo quản ở đền Vạn lộc Phường Nghi Tân .

Năm thứ 8 (1914): có một tấm bia làm nhân việc trùng tu ngôi chùa Cổ Diệc. (chùa Diệc)

Đời vua Bảo Đại :

Năm thứ 4 (1929): có 1 bia với tiêu đề: Tự điền cận hiệu tịnh miếu vũ quy chế. Nội dung ghi các quy định với lệ cúng tên những người cúng và các thửa ruộng cúng phục vụ cho miếu vũ. Bia đặt ở trong đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí.

Năm Canh Ngọ niên hiệu Hoàng Lịch (1930): Có tấm bia ghi lại lịch sử của chùa, kèm theo một sắc phong ban cho chùa Cổ Diệc. (chùa Diệc)

III. Về trang trí hoa văn trên bia:

A. Những bia có niên hiệu Đời Lê

Đời vua Lê Thánh Tông: Có 1 tấm bia mang niên hiệu Quang Thuận thứ 3. Trực tiếp quan sát trên bia: nét chữ to, rõ đẹp kèm theo là hoa văn rất đơn giản - chỉ có trang trí bằng chữ T, không hoa lá không trán bia - Đây là điều khá lạ đối với những bia của đời Lê thực thụ. Mặt bia lại phẳng, đá xanh mịn... Điều này khiến chúng tôi nghi ngờ rằng đây là một trong những tấm bia đời sau khắc lại, có thể là họ sao lại theo nguyên bản nên vẫn để niên đại cũ. Hoặc giả cũng có khi vì 1 dụng ý nào đó mà người ta để niên hiệu này. So với một số bia còn lại trong đền thì hoa văn của những tấm bia làm thời Bảo Đại cũng có loại hoa văn này. Vậy phải chăng bia này đã được khắc lại vào thời điểm làm các bia thời này.

Ở 1 bia khác niên hiệu Quang Thuận 8 là 1 bản bia đẹp trán có rồng chầu mặt nguyệt, diềm là hoa lá cách điệu, bệ to bề thế có mặt hổ phù. Mặt bia khá mịn, chữ nhỏ đều. Về hoa văn ở trán và bệ bia không mấy băn khoăn, nhưng ở diềm bia kiểu hoa lá hơi mới. cho nên chúng tôi vẫn chưa xem đây là bia của đúng niên đại đó. Nhưng bia được khắc lại vào lúc nào thì còn cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ hơn.

Đời vua Lê Hiển Tông: có 1 bia niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16. Bia do tiến sĩ Nguyễn Huy Bảo khoa Mậu Thìn soạn. Bia này chữ khắc đẹp nhưng không có hoa văn.

Đời vua Lê Dụ Tông: tấm bia niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1770). Đây là tấm bia thể hiện sự giao thoa của tín ngưỡng thần và phật. Bia có hoa văn khá đẹp: trán có rồng chầu mặt nguyệt; phần diềm có hoa cúc cách điệu, chữ nhỏ đều, sắc sảo.

Đời vua Lê Hy Tông: có một bia niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676). Đây là bia đẹp nhất trong số các bia sưu tầm đợt này. Bốn mặt bia hoa văn trang trí rất sắc sảo và sinh động cảnh sắc thiên nhiên nơi cửa sông bến nước. Mặt 1,3 ở trán bia có phượng chầu mặt nguyệt, cạnh có hoa cúc và cành trúc, sen rùa; mặt 2,4 ở trán có khắc tượng hậu, cạnh có hoa trúc, chim muông, tôm, cua, cá, sóc... đường nét tinh xảo mềm mại. Đây là tấm bia ghi công lao của Đề đốc Nguyễn Sư Hồi, được đặt trong khuôn viên Đền thờ ông cùng cảnh quan nơi đây càng tôn thêm vẻ tôn nghiêm và trang trọng.

Những tấm bia mang niên đại các vua Nguyễn:

Những tấm bia đời vua Minh Mệnh :

Hai tấm bia này có kiểu trang trí rất thống nhất, trán bia có hình vân vờn nguyệt, hai cạnh bên là hoa lá cúc cách điệu, chân bia trang trí bằng đường diềm, các đường viền sắt nét, niên đại được đưa lên làm tên bia. Đây là một đặc trưng của bia đời này.

Những tấm bia đời vua Tự Đức:

Những tấm bia này rất có bề thế, trán có rồng chầu mặt nguyệt (rồng ở đây là rồng lá cách điệu, kiểu rồng đặc trưng của đời Nguyễn), bia có hai tai dưới trán, có chân bệ có chân giá, tất cả đều được trang trí bằng hoa lá cúc dày sít và tinh xảo. Đặc biệt là tấm bia họ Chế làm năm thứ 17 (1864 ), trán có mặt hổ phùdiềm và chân hoa lá cách điệu mềm mại, chữ khắc bé nhưng rất sắc nét. Đây có thể coi là những tấm bia đẹp tiêu biểu cho thời đại sinh ra nó và may mắn vẫn còn đến ngày nay.

Những tấm bia đời vua Duy Tân:

Tấm bia ở Chùa Diệc có chép sắc phong của chùa lại có kiểu hoa văn khoáng đạt, trán bia khắc mặt rồng cùng móng vuốt chen kẽ mây vờn, chân trán bia có một đường cánh sen cách điệu nâng đỡ, diềm bia có chen cài giữa hoa lá dương trang trí dít dắc và nghiên bút. Tất cả được khắc họa một cách sắc sảo và khoáng đạt.

Còn tấm bia khắc vào lần trùng tu chùa Cổ Diệc gần đây nhất, có nét khắc tuy vẫn sắc sảo nhưng sự bài trí thì rất giản dị: trán và diềm đều cùng một loại hoa văn bằng lá cúc cách điệu.

Tấm bia làm nhân dịp trùng tu miếu thờ quan Phu Tử, trán bia có rồng (rồng lá) chầu mặt nguyệt ba phía diềm đều hoa cúc, chân là đường diềm trang trí.

Vậy riêng về hoa văn ở đây phần lớn là những đặc điểm cơ bản của đời Nguyễn. Tuy nhiên những nét hoa văn sinh động của tấm bia đền Vạn Xuân lại tiêu biểu cho nét chạm khắc đời hậu Lê.

IV. Tự dạng trên bia

Nhìn chung toàn thể từ bia, chuông, khánh các tự dạng đều được khắc đẹp, nét chữ mềm dù to hay nhỏ đều rõ ràng, mặt bia, chuông, khánh dù có nhiều vết vỡ do bom đạn, tuy nhiên những chữ còn lại vẫn rõ. Điều này cho phép chúng ta khẳng định thêm rằng niên đại của chúng chủ yếu vẫn là của cuối đời Lê đầu đời Nguyễn.

Kết luận

Tóm lạị, với ngót 20 đơn vị bia và niên đại rải rác từ vào các ông vua đời Lê đến các vua của đời Nguyễn cũng kéo dài từ Gia Long - Minh Mạng đến Thành Thái - Duy Tân. Điều này cho phép chúng ta tạm thời có một giả định về niên đại hình thành nên phần lớn các điểm di tích trên, đó là khoảng những năm cuối Lê đầu Nguyễn (cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XX). Tuy nhiên cũng có rải rác 1 số di tích phải có từ thế kỷ XVII như Đền Vạn Lộc. Ngoài ra,nếu nối đến khu Văn miếu của Nghệ An thì chúng ta còn có một cái chuông to có niên đại khá sớm (Gia Long 8 - 1813). Chuông được đúc vào lúc trùng tu văn miếu Trấn Nghệ An. Như vậy chí ít đầu đời Nguyễn ở Nghệ An đã có một Văn Miếu. Văn Miếu này không phải chỉ của một xã, một huyện mà là của một Trấn, trong đó có bài văn trên chuông do cựu đốc học Tồn Nghĩa Bá Bùi Dương Lịch soạn. Hiện nay, Văn Miếu đó không còn, tuy nhiên đây sẽ là tín hiệu cho các nhà nghiên cứu địa phương có thêm một tư liệu về nét văn hóa của quê hương mình.

Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.63-74