Bia đá chuông đồng với lịch sử văn hoa dân tộc

Những năm gần đây, cùng với việc Viện Hán Nôm cho xuất bản bộ sách quý Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tuyển chọn và tóm tắt gồm 2000 bản văn bia và chuông, nhiều tỉnh cũng cho xuất bản tuyển tập văn khắc ở bia đá chuông đồng thuộc địa phương mình. Đó là việc làm vô cùng cần thiết và cấp thiết, thời gian tới cần được triển khai rộng và sâu hơn nữa để thế hệ hôm nay và mai sau đang lao vào học “chữ Tây” có thể hiểu được kho thư tịch đồ sộ viết bằng “chữ Thánh hiền” xưa, từ đó mà đi sâu khai thác vào việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc.

BIA ĐÁ - CHUÔNG ĐỒNG VỚI LỊCH SỬ - VĂN HÓA DÂN TỘC

CHU QUANG TRÚ

Viện Mỹ thuật

Những năm gần đây, cùng với việc Viện Hán Nôm cho xuất bản bộ sách quý Văn khắc Hán Nôm Việt Nam tuyển chọn và tóm tắt gồm 2000 bản văn bia và chuông, nhiều tỉnh cũng cho xuất bản tuyển tập văn khắc ở bia đá chuông đồng thuộc địa phương mình. Đó là việc làm vô cùng cần thiết và cấp thiết, thời gian tới cần được triển khai rộng và sâu hơn nữa để thế hệ hôm nay và mai sau đang lao vào học “chữ Tây” có thể hiểu được kho thư tịch đồ sộ viết bằng “chữ Thánh hiền” xưa, từ đó mà đi sâu khai thác vào việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa dân tộc.

Dù mới chỉ mon men tới di sản ấy, chúng tôi thấy đã có thể và cần phải bàn lại một số cách hiểu chưa chuẩn về lịch sử, cũng cần đính chính một số thông tin không xác đáng, tìm ở đó bài học về việc cha ông bảo vệ di tích, di vật… Nhưng trước khi đi vào những vấn đề trên, cũng nên có vài tiếng kêu cứu để người ngày nay thật sự ứng xử văn hóa với di sản thư tịch xưa.

1. Mươi năm trước thăm chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) mới dựng lại tháp Báo Nghiêm, nhìn cây tháp Bút được nắn thẳng đang đề thơ lên trang giấy nền trời, hình tượng đẹp hoành tráng, thật kỳ vĩ. Nhưng ngay cạnh đấy có nhiều mảnh còn cả chữ của những tấm bia bị đục phá lấy đá đắp vào những chỗ lan can cũ của tháp bị mất, như mấy nụm vài thô vá vào tấm áo gấm hoa, làm hỏng cả hai việc. Anh bạn tôi - nay là giáo sư văn hóa của Học viện chính trị Nguyễn Ái Quốc, thấy thế đã đau buồn nhặt vật chứng về báo cáo những người hữu trách. Rồi dăm năm trước, đi cùng một đoàn cán bộ quản lý văn hóa về thăm nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình), ở thị trấn huyện Kim Sơn, công ty du lịch chặn xe lại bán vé tham quan, nhưng ngay cạnh đó là đền thờ nhà thơ - nhà doanh điền Nguyễn Công Trứ đã khai sáng vùng đất này, chúng tôi giật mình thấy đền thờ được tôn tạo khá khang trang, nhưng nhiều tấm bia lại để chỏng chơ, thậm chí có tấm bia bị đập gẫy bắc qua rãnh nước giáp trạm bán vé du lịch.

Đã tưởng những “ấu trĩ tả khuynh” trên, nay thành chuyện cổ tích, thì vừa rồi báo Hà Nội mới số chủ nhật ngày 6-10-1996 cho biết một số hiện tượng nhức nhối ngay ở thủ đô: Chùa Long Khánh (quận Hai Bà Trưng) có tấm bia quý của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan dựng ở tam quan bị xô lệch thì không được nhòm ngó đến, trong khi dùng kinh phí lớn để ốp gạch men hoa giây lên bệ thờ làm cho ngôi chùa cổ bỗng mới hẳn ra. Thật đau lòng là ngôi chùa cổ, làng Lê Xá (Gia Lâm), sau khi sửa chữa xong đã đem mài nhẵn hai tấm bia thời Cảnh Trị (1663-1671) để khắc lên đó tên những người vừa cúng tiền sửa chữa chùa!

Thật ra trước kia cũng lác đác có chuyện bia của thời trước bị thời sau mài đi khắc bài văn mới. Phần này về mỹ thuật, so sánh hoa văn chạm khắc trang trí với nội dung văn bia, chúng ta có thể nhận biết không mấy khó khăn. Chẳng hạn tấm bia thời Lý ở chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) bị thời Lê Trung hưng mài đi rồi khắc bài văn mới, về trang trí có hình chạm khắc của cả hai thời. Tấm bia thời Tây Sơn ở chùa làng Nghi Tàm (Hà Nội) cũng bị đời Tự Đức mài đi để khắc bài văn mới. Những hiện tượng trên chỉ là cá biệt, một phần do tư tưởng xã hội của hai thời khác nhau, và có cả quan niệm “làm mới cho đẹp”.

Để bù lại, một số bia cũ bị mòn, có nguy cơ bài văn cũ không giữ được lâu nữa, người đương thời đã cho “trùng san” khắc lại nét chữ cũ cho sâu, và do đó thêm vài trăm năm nữa đến nay vẫn rất rõ. Chẳng hạn tấm bia thời Trần ở chùa Như Nguyệt (Bắc Ninh) - nơi tương truyền Lý Thường Liệt cho đọc bài thơ “Nam quốc sơn Nam đế cư” thác lời Trương Hống - Trương Hát, được thời Tây Sơn khắc lại, ghi rõ cả hai niên đại tạo tác và trùng an. Tấm bia ở đình Thọ Lão (Vĩnh Phúc) không ghi niên đại năm dựng nhưng ghi rõ năm khắc lại: “Hoàng triều Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, tuế thứ Quý Mùi hạ quý cốc nhật trùng san”. (1763). Mặt chữ ghi rõ như thế. Ở đây các hình chạm trang trí trên trán và diềm bia, cả về đề tài và nét khắc đều khác xa nghệ thuật thời Cảnh Hưng khuôn thức, cứng nhắc, khô khan… mà lại thuộc phong cách nghệ thuật dân gian nửa sau thế kỷ XVII với sự bình dị, khoát đạt và phóng túng. Tấm bia này được giới thiệu ở số 32 trong bộ Văn khắc Hán Nôm Việt Nam: “Bia đình xã Thọ Lão, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên (nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phú (nay là tổng Vĩnh Phúc - CQT). Phạm Công Trứ, Tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1763) soạn; Đặng Gia Chính và Nguyễn Đăng Viên viết chữ. Tạo năm Cảnh Hưng 24 (1763) nhà Lê. Bia 2 mặt, đều khổ 60x110cm. Chạm rồng, mặt trời, chim thú…” (32 - CUNG PHỤNG CÔNG ĐỨC CHI BI).

Thông tin trên có một số chi tiết không chuẩn, nhân đây xin được nói thêm cho rõ: Năm Cảnh Hưng 24 (1763) không phải là năm tạo bai, mà là năm khắc lại bia. Tên bia được khắc ở cả hai mặt, tên ở mặt trước đã được giới thiệu, còn tên ở mặt sau nữa là THƯỢNG ĐẲNG THẦN PHA ĐIỀN. Tác giả văn bia là Phạm Công Trứ - Tiến sĩ khoa Mậu Thìn được tính tương đương ra dương lịch là năm 1763 thì không đúng: Đã là năm Mậu tận cùng phải là số 8. Sách CÁC NHÀ KHOA BẢNG VIỆT NAM cho biết Phạm Công Trứ sinh năm 1602, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 tức năm 1628, mất năm 1675. Đến đây có thể tin văn bai được soạn vào khoảng giữa hoặc thời gian đầu của nửa sau thế kỷ XVII, phù hợp với phong cách các hình trang trí bia gắn với thời gian dựng bia chúng tôi đã nêu. Và cuối cùng là kích thước bia: Các tác giả sách dựa vào bản rập số 6478-79, có miếu tả cả hoa văn - có nghĩa là đầy đủ cả mặt bia, nhưng do tại chỗ chỉ riêng mặt bia đã cao 127cm, rộng thượng thư hạ thách từ 81cm đến 85cm gần với “tỷ lệ vàng" ”1,618 nên thuận mắt. Xin đóng góp thông tin trên để các tác giả hoàn chỉnh bộ sách quý khi có dịp tái bản.

2. Một điều dễ thấy là trên một số bia đá và chuông đồng có hiện tượng tẩy xóa, có khi là cả một mảng bài văn (như ở chuồng chùa Trấn Quốc - Hà Nội), có khi là một số tên người (như từng thấy trong số bia Tiến sĩ ở Văn miếu Hà Nội) và tên niên hiệu vua. Những bia và chuông bị xóa niên hiệu thường là xảy ra ở thời Nguyễn đối với cả niên hiệu của thời Tây Sơn. Giải thích hiện tượng này, cho đến nay, hầu như mọi người đều cho rằng nhà Nguyễn muốn xóa bỏ mọi dấu ấn về nhà Tây Sơn, nên đã ra lệnh hủy bỏ các thành tựu văn hóa thời Tây Sơn, bắt đục xóa các niên hiệu thuộc nhà Tây Sơn trên mọi văn bản.

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi thấy hiện tượng trên là có thực, song không phổ biến và càng không phải là tất cả. Chúng tôi chưa tìm được tư liệu gốc nào về việc nhà Nguyễn bắt xóa bỏ các niên hiệu của nhà Tây Sơn. Chúng tôi được biết cho đến hôm nay trên địa bàn Hà Nội và vùng phụ cận đã tìm được chừng 200 quả chuông đúc thời Tây Sơn, trong đó số chuông bị đục xóa niên hiệu chưa đến 1/10, trong đó có chuông chỉ xóa 1 chữ, có chuông xóa vẫn để lại một số nét có thể khôi phục được, lại có chuông chữa chữ Cảnh Thịnh ra Cảnh Hưng nhưng vẫn để nguyên năm thứ mấy và tên năm can chi. Rõ ràng việc đục xóa ấy chì là làm chiếu lệ, có thể do địa phương làm tự phát khi biết vua tôi nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn hành hình man rợ.

Bên cạnh rất nhiều chuông Tây Sơn còn giữ nguyên niên hiệu Cảnh Thịnh hoặc Bảo Hưng thì đình, đền và cả một số chùa của hầu hết các làng vẫn còn giữ được nhiều đạo sắc của các nhà Lê - Tây Sơn - Nguyễn phong cho vị Thần của làng mình. Các đạo sắc ấy được để chung trong hòm sắc (hay ống sắc), hang năm vẫn được giở ra cúng tế nên chức dịch đều biết. Và ở thời Nguyễn, ka xin triều đình ban thêm sắc đều phải khai trình, khó giấu được các sắc của nhà Tây Sơn đã ban cấp.

Nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa ở Huế là Phan Thuận An đã tìm thấy ở chùa Trúc Lâm (Huế) một số hiện vật củathời Tây Sơn, trong đó có bảng văn bằng gấm dài 447cm rộng 24,3cm thêu khoảng 700 chữ về bộ Kinh Kim Cương, có cả hình đức Phật và Hộ pháp, ở bài Tựa ghi rõ niên đại “Thời: Hoàng Nguyễn triều, Cảnh Thịnh thất niên, tuế tại Kỷ Mùi, lục nguyệt hoàng đạo nhật, cẩn chí”, cuối bản văn lại ghi thêm niên đại cuối cùng là: “Cảnh Thịnh bát niên, thập nhất nguyệt, sơ nhất nhật ký”, trong đó bài Tựa 1 của vua Quang Trung, bài Tựa 2 của vua Cảnh Thịnh. Bản văn trên vốn của sư nữ Diệu Tâm làm ở chùa Thày (Hà Tây) vào năm 1800, nhưng khi nhà Nguyễn diệt được nhà Tây Sơn đã tịch thu đưa về kinh đô Huế và đem vào thờ tại Phước Thọ am là ngôi chùa trong nội giành cho các bà Hoàng thái hậu. Mãi đến cuối đời Khải Định (1916-1925) bản văn bị lưu lạc ra ngoài - theo bà Từ Cung là mẹ vua Bảo Đại, cuối cùng được sư sử Diệu Không mua lại đưa về chùa Tây Thiên rồi chuyển qua thờ ở chùa Trúc Lâm.

Theo sự lần tìm trên của nhà nghiên cứu Phan Thuận An thì rõ ràng triều đình Huế chẳng những biết rõ và tôn trọng niên hiệu của nhà Tây Sơn, giữ gìn văn bản của các vua nhà Tây Sơn, còn đưa vào thờ trong chùa riêng của mẹ vua.

Trong đạo Sắc đề ngày 23 tháng 9 năm đầu niên hiệu Gia Long (1802), tuy lửa hận thù còn ngùn ngụt, song khi gửi cho con cháu họ Trịnh, Gia Long đã nói về nhà Tây Sơn với sự gián tiếp khẳng định chiến tích của đối phương là vô cùng oanh liệt: “Hiện đó giặc Tây Sơn dấy loạn, Đế tổ nha Lê phải suy đồi, Vương nghiệp nhà Trịnh cũng thiên di”. Sử sách nhà Nguyễn gọi nhà Tây Sơn là “ngụy Tây”, song sách ĐẠI NĂM CHÍNH BIÊN LIỆT TRUYỆN đã tả Nguyễn Huệ thực sự là một anh hùng đầy bản lĩnh: “Tiến nói như chuông to, mắt lập lòe như ánh điện, là người thông minh giảo kiệt, giỏi chiến đấu, người người đều kính sợ… lâm trận thì đi trước quân sĩ, hiệu lịnh nghiêm minh, quân sĩ đều phục tùng”.

Gia Long tuy hành hình rất man rợ vua tôi nhà Nguyễn, nhưng lại lấy Ngọc Bình là em nuôi của Ngọc Hân và là vợ của Quang Toản, sinh được hai hoàng từ. Có nhẽ vì thế Gia Long nể bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền - vợ vua Lê Cảnh Hưng, mẹ để của Ngọc Hân, mẹ nuôi của Ngọc Bình, theo giáo sư Trần Quốc Vượng “hẳn có sự đồng ý của vua Gia Long”, đã để bà Chiêu nghi ngờ người vào Huế mang hài cốt cả ba mẹ con Ngọc Hân về Phù Ninh (Hà Nội) trên chặng đường dài với thời gian cũng dài (2 tháng rưỡi) xây lăng mộ và lập đền thờ, cả Chánh tổng và Tri phù sở tại cũng đồng tình. Sách ĐẠI NAM THỰC LỤC chép chuyện trên vào năm 1842 khi có người đi kiện cáo, vua Thiệu Trị theo “phép nước” đã bắt hủy đền thờ và đào bỏ hài cốt.

Cả việc việc chuông thời Lê ngày nay tìm được rất ít, một số người vẫn nghĩ rằng vua Quang Trung cho phá chuông lấy đồng. Điều này có thể do suy luận vội từ một số chuông đúc lại ở thôn Tây Sơn và thời Nguyễn thường ghi nguyên nhân mất chuông cũ là do “binh biến năm Bính Ngọ” (1786), là do “cơn binh lửa năm Đinh Mùi” (1787), là do “cơn binh lửa năm Đinh Mùi’ (1787) hoặc “nạn binh đao năm Kỷ Dậu” (1789) đều liên quan đến các cuộc hành quân của nhà Tây Sơn ra Bắc diệt chúa Trịnh, đánh Nguyễn Hữu Chỉnh và tấn công đại phá quân Thanh xâm lược. Nhưng chính Quốc sử quán nhà Nguyễn đã hơn một lần viết rõ trong bộ VIỆT SƯ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC rằng năm 1740 “dùng quân đánh dẹp chi phí rất nhiều… (triều đình nhà Lê) bên hạ lệnh: Biên thu lấy chuông khánh các chùa thờ Phật, đem nộp (để đúc tiền))”; rằng năm 1787 “kho tàng rỗng tuếch, không đủ tiếp tế đều đều mọi sự cần dùng cho việc quân… Nguyễn Hữu Chỉnh xin thu vét đồ đồng ở đền chùa các lộ về Kinh đô để đúc tiền Chiêu Thống thông bảo”.

Vậy trách nhiệm phá chuông là thuộc về nhà Lê. Chính nhà Tây Sơn đã tạo điều kiện cho các chùa đúc lại chuông. Nhà nguyễn đã minh oan cho nhà Tây Sơn và thực tế đã ghi công cho nhà Tây Sơn.

Thư tịch Hán Nôm đã được các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa khai thác kỹ, song trong dư luận xã hội cho đến hôm nay vẫn có một số hiểu không chính xác - nhất là trong quan hệ của nhà Nguyễn với nhà Tây Sơn. Chúng tôi dẫn một số tư liệu Hán Nôm từ bia đá, chuông đồng đến chính sử của Quốc sử quán chỉ mong đưa ra một cách hiểu mới trên tình thần khách quan khoa học.

Trước khi kết thúc phần này, chúng tôi muốn đưa thêm một chút tư liệu: Một số sách tính niên biểu các triều đại Việt Nam ghi rõ niên hiệu cuối cùng của nhà Tây Sơn là Bảo Hưng kết thúc ở năm thứ 2 tức Nhâm Tuất vào ngày 29 tháng Tư. Và hôm sau ngày 1 tháng Năm năm Nhâm Tuất chuyển sang niên hiệu Gia Long mở đầu nhà Nguyễn.

Nhưng thực ra tháng Năm năm Nhâm Tuất, vua Bảo Hưng (Quang Toản) vẫn còn quản lý miền Bắc, trong lúc nguy cấp bị Gia Long truy kích gấp vẫn còn làm được một số việc về văn hóa: Đình làng Mai Hiên (Đông Anh - Hà Nội) vẫn còn tờ Sắc được triều Tây Sơn phong cho Thành hoàng làng, đề rõ niên đại: “Bảo Hưng nhị niên, ngũ nguyệt, thập thất nhật”. Chùa làng Mơ Táo (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội vẫn còn quả chuông ghi rõ niên đại đúc và sửa: “Bảo Hưng nhị niên, tuế tại Nhâm Tuất tu tạo, ngũ nguyệt, nhị thập nhất nhật Canh Dần trú thành” do một Phật tử xứ Yên Quảng làm Hiệp trấn tổ chức đúc và khắc nổi chữ to bài văn chữ Phạn được dùng trong lễ tang ma xưa. Như vậy, ít ra ở vùng Thăng Long - Hà Nội, niên hiệu Bảo Hưng vẫn còn giá trị pháp lý trong tháng Năm năm Nhâm Tuất - được Nhà nước dùng và nhân dân thừa nhận. Gia Long lúc đó dù đã lên ngôi - tức xác lập quyền quản lý của mình và phủ nhận hoàn toàn nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn dù có biết các văn vật trên vẫn tôn trọng.

3. Cuối cùng, với tư cách nghiên cứu mỹ thuật dân tộc cổ truyền mà đối tượng là các di tích đình, đền, chùa… chúng tôi muốn nói thêm đến hai loại bia còn ít được chú ý đến là bai HẬU THẦN - HẬU PHẬT và bia TẠO LỆ.

Bia HẬU PHẬT rất phổ biến ở các chùa (đôi khi ở đình gọi là bia HẬU THẦN) nhất là từ thời Mạc về sau và kéo dài mãi cho đến Cách mạng tháng Tám. Nó thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ qua việc chăm sóc linh hồn tổ tiên, nhất là khi không còn người nối dõi để đèn hương cúng giỗ. Họ cúng hậu cho bản thân và cho tổ tiên. Con gái không có anh em trai, đi lấy chồng rồi vẫn lo cúng hậu cho bố mẹ đẻ. Rước linh hồn người thân vào cửa Phật là người sống yên tâm.

Chùa Quang Khánh (Thường Tín - Hà Tây) là chùa nhỏ mà có vài chục tấm bia Hậu Phật thuộc thời Lê và thời Nguyễn. Tấm bia Hậu Phật dựng năm Đồng Khánh 1 (1886) mở đầu: “Người ta làm việc theo đạo Tâm là tạo quả phúc, cho nên để đền đáp ơn sinh thành họ gọi Phật là Từ Phụ (người cha hiền lành), đeo đuổi việc trùng tu mà nó cần tài sản. Còn việc thờ cúng thì lễ nghĩa là ý tứ ngàn đời mà người xưa đã dạy. Chúng tôi cho việc hương hỏa là để bảo vệ, đã góp ruộng và của để trăm ngàn năm quả phúc viên mãn và cũng là lời kỳ nguyện vào mai hậu, là ý lành của chúng tôi. Mong nó sống mãi, vậy xin khắc vào bia.

Xin vào Hậu Phật những vị: Phạm công húy Dinh Hinh hiệu Minh [?], vợ thứ của Phạm nhất lang là bà hiệu Diệu Việt, cùng vợ cả nữa. Cúng cho cha là ông Phạm công húy Thức hiệu Khắc Khoan và mẹ là Nguyễn Tam Nương húy Mùi..”.

Việc mua Hậu Phật là sự thỏa thuận giữa cá nhân với cả cộng đồng, văn bia được xem là bản khế ước mãi mãi có giá trị. Vẫn chùa trên, tấm bia dựng năm Khải Định 2 (1917) của người con gái, ghi: “Toàn xóm lập bia ghi sự việc: Người bản xóm trên là bà Nguyễn Thị Nếp cho rằng nước có nguồn, người có tổ, sau đó mới phân chi phái để dài lâu mãi. Vì thế nhớ công ơn sâu sắc của cha mẹ thì phải hương hỏa muôn đời. Tôi tuy là phận nữ lưu, trên vâng Phật lực, dưới ơn chúng dân, sau đến sinh linh tiên tổ, tôi bỏ tiền nhà 36 nguyên (đồng), ruộng nhà 1 mẫu 1 sào, tôi đã có lời với xóm xin gửi giỗ hai vị và phối hưởng thêm năm người…”.

Bên cạnh giá trị tinh thần làm sáng danh đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bia Hậu Phật còn cho biết một phương thức tôn tạo di tích là tập thể dân làng cùng cá nhân phối hợp kinh phí. Do đó di tích luôn được chăm sóc. Vẫn chùa Quang Khánh, tấm bia Hậu Phật dựng năm Tự Đức 35 (1882) ghi nhận: “Từng nghe! Cổ nhân dạy rằng: Người có công lao thì được thờ cúng, người bỏ tiền của thì cần được ghi nhớ. Xưa nay công đức của những người nhân nghĩa thì để lại muôn đời thơm tho. Nam mô Đài Bi tự là một chốn danh lam cổ tích, vào năm Tân Tỵ (1991) do gió to đã phá hủy. Bản xóm họp nhau đặt ra việc tu bổ, chi phí thì lớn. Nhân đó trong xã có bà Nguyễn Thị Xuyến phát 2 mẫu để trợ phí, với tâm niệm là tấm lòng từ bi ngày một ngọt ngào hơn. Bản xóm thuận bảo hộ cho phụ mẫu bà được gửi giỗ vào hậu Phật tại chùa”.

Vẫn phương thức trên, lần sửa chữa tiếp theo lại được ghi trong tấm bia Hậu Phật dựng năm Thành Thái 7 (1895): “Chùa Đài Bi là một trong những ngôi chùa báu ở Tử Dương, là chốn danh lam từng được quý chuộng. Nhưng năm Quý Tỵ (1893) gặp nạn hồng thủy mênh mông làm đổ nát. Bản xã phải trùng tu. Trong thời gian trùng tu, đã đi khuyên giáo và bổ bình quân vào việc thúc thợ. Cái tinh thần tập phúc ấy lớn nhưng chùa vẫn chưa hoàn thành. Nhân đó có một người trong xóm là ông Nguyễn tình nguyện bỏ ra tiền xanh là 100 quan để trợ phí cho nhu cầu chi tiêu, bỏ ruộng riêng 1 mẫu để gửi giỗ. Nay bản xóm quyết định cho vợ chồng ông bà Nguyễn gửi giỗ cho bản thân vào Phật hậu và cho phối hưởng cả cha, mẹ, anh, em nữa”.

Một giá trị khác là một số bia Hậu Phật còn chạm nổi, có khi chạm rất cao gần như tượng tròn chân dung người gửi Hậu. Ngay chùa Quang Khánh kể trên cũng có nhiều bia chân dung này. Nhờ đó mà con cháu ngày nay thấy lại hình ảnh ông cha xưa. Tất nhiên những chân dung này mang tính tượng trưng hơn là giống thật, nhưng với tình cảm chân thành mà chiêm ngưỡng thì nó lại sống động, mà nghệ thuật cổ Việt Nam là “Sống hơn giống”. Dù sao cũng có một số tượng Hậu rất đẹp, nhất là tượng hậu các và hoàng hậu và công chúa Mạc được tạc ở thời Mạc.

Còn bia TẠO LỆ lại cho biết thêm một phương thức của Nhà nước chăm sóc các di tích lớn là ban cho dân sở tại một số quyền lợi để họ trông nom ngay chính di tích của mình. Di tích của dân tộc trước hết là của địa phương, và dân sở tại là người chủ cụ thể thì di tích sẽ được bảo vệ và chăm sóc tốt nhất.

Ở những di tích lớn ấy thường có sự công đức bằng tiền và ruộng với số lượng lớn của các quý tộc cao cấp trong triều đình. Nhưng triều đình còn ra những Lệnh chỉ được khắc vào bia đá xem như luật nước rất được tôn trọng. Những lệnh chỉ này có khá nhiều ở thế kỷ XVII và XVIII. Trong nhiều chùa chúng ta còn thấy bia khắc Lệnh chỉ của chúa Thanh Đô vương Trịnh Tráng (1623-1657). Chẳng hạn: - Bia Tạo Lệ chùa Thày (Hà Tây) dựng năm 1656 cho biết: Nơi đây vua chúa các đời từng đến du ngoạn đề thơ, triều đình ban cho Sắc cho phép dân làng tôn tạo di tích để phụng thờ Phật Thánh. Mặt sau bia khắc toàn văn các đạo Sắc năm 1620 và 1629.

- Bia Tạo Lệ chùa Côn Sơn (Hải dương) dựng năm 1653 nói rõ chùa này là danh lam cổ tích của nước ta, các vị tổ của thiền phái Trúc Lâm đã đến thuyết pháp, trụ trì. Nay triều đình sức cho dân địa phương cung cấp nhân công thờ phụng Tam Bảo ở chùa Côn Sơn.

- Bia Tạo Lệ chùa Láng (Hà Nội) dựng năm 1656 ghi rõ nội dung tờ Lệnh dụ vừa ban cùng năm: Chuẩn cấp cho xã Yên Lãng, toàn bộ các hạng quan viên, chức sắc, binh dân, số to quan điền trong xã để làm thế nghiệp, các thuế hồ ao, bến đò, và các ngạch thuế các hạng ruộng, toàn số chuẩn cho làm tạo lệ chùa Chiêu Thiền, lưu truyền muôn đời, để tiện giữ việc thờ cúng, dâng hương chúc Thánh, tôn sùng đạo Phật, vận nước dài lâu. Tất cả số tiền thuế đinh hàng năm, cũng như các việc đắp và sửa chữa đê, đường cái, cùng sưu sai tạp dịch thuộc về hộ phần, các nha môn được sai đến phải tuân lệnh này mà miễn trừ, không được quấy rầy, bắt bớ. Vi phạm lệnh này là có tội.

Tuy nhiên trong thực tế cũng có lúc thay đổi, gia giảm các quyền lợi. Bia Tạo lệ chùa Côn Sơn (Hải Dương) dựng năm 1752 có khắc tờ Lệnh chỉ của chúa Trịnh Doanh”: Theo Lệnh cũ (1653) dân được giảm trừ tô, thuế, dung… còn phải nộp tổng cộng 220 quan 8 mạch tiền cổ và 250 bát gạo. Nhưng năm 1738 lại có lệnh cho miễn cả, sau lại bắt dân đóng góp. Vì thế nay ban Lệnh mới chỉ còn phải nộp tô 78 quan 8 mạch, dung 31 quan 2 mạch, gạo nộp 104 bát, nghĩa là đã được miễn giảm một nửa.

Không cần phải dẫn thêm nhiều, qua loạt bia Tạo lệ, rõ ràng với các di tích lịch sủ - văn hóa lớn, Nhà nước xưa đã đặt trong sự bảo trợ của trung ương, nhưng lại thông qua ngay chính quyền lợi và nghĩa vụ của dân địa phương đối với nhà nước, do đó rất thiết thực. Đây lại thêm một phương thức quản lý di tích - nói như ngày nay là: Nhà nước và nhân dân cùng chăm sóc.

Như vậy kết hợp bia Hậu Phật và bia Tạo lệ, chúng ta biết thêm nhiều kinh nghiệm của cha ông xưa, ngày nay vẫn có thể học tập để giữ cho di tích không bị xuống cấp như Nhà nước và nhân dân mong muốn nhưng ngành văn hóa còn lúng túng.

Tư liệu Hán Nôm là rất quý, song chưa phải tất cả đã được coi trọng, ngay những thư tịch còn ít được quan tâm cũng cho chúng ta những luồng sáng để hiểu đầy đủ hơn về lịch sử, những kinh nghiệm thật thiết thực để xây dựng đời sống văn hóa thường nhật. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến những vấn đề trên như một sự gợi ý, hy vọng những cơ quan chức năng có thể tổ chức nghiên cứu, khai thác và phát huy đầy đủ giá trị của nó.

Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.433-446 )