Làm gì trước những phát hiện mới về lịch sử?

Làm gì trước những phát hiện mới về lịch sử?

Những ai từng nghiên cứu lịch sử hẵn đã thấy việc khám phá được một sự kiện lịch sử mới nó khó khăn, quý giá biết chừng nào. Có bao nhiêu nhà sử học đã nghiên cứu, phát hiện được các sự kiện để hiệu đính những sai lầm, giải mã một bí ẩn hay bổ sung một thiếu sót trong lịch sử dân tộc? Ít người có câu trả lời chính xác.

Công việc khó và hiếm hoi như vậy theo tôi có nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất là thiếu tư liệu. Sau chiến tranh, ít có sử gia Việt Nam có đủ điều kiện tiếp cận được các kho tư liệu của các nước đã có mối quan hệ lịch sử với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha..v.v. (Ví dụ tư liệu mới về thời Tây Sơn chỉ có thể tìm được ở Trung Quốc, Tây Ban Nha, Vatican). Không có tư liệu mới để khảo chứng thì không khám phá được những sự kiện mới.

Quan niệm như thế cho nên tôi hết sức trân trọng, cảm phục những phát hiện lịch sử cực kỳ mới mẻ của Thầy Lê Mạnh Thát diễn giải trong bộ Tổng tập Văn học Phật giáoViệt Nam và bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam (NXB Tổng hợp TP.HCM) và nhiều tác phẩm khác của ông. Không cómột sức học uyên bác, không có một kho tư liệu phong phú mới lạ, không có một sức làm việc phi thường thì không thể có được những phát hiện ấy. Tuy nhiên vì không chuyên về cổ sử Việt Nam nên lâu nay tôi chờ ý kiến thẩm định của các chuyên gia cổ sử và các cơ quan chức năng về những tài liệu đã được công bố này. Rất tiếc là mấy năm nay điều tôi mong chờ vẫn im hơi lặng tiếng. May sao 7 số báo Thanh Niên vừa qua đã giúp những phát hiện lịch sử của Thầy Lê Mạnh Thát bật dậy và gâychấn động không ít trong giới sử học.  

Sáng hôm 11.3, sau buổi giao lưu với độc giả về cuốn sách “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” của tôi trong Hội sách lần thứ V tại Công viên Lê Văn Tám, nhiều bạn thanh niên đã vây quanh hỏi ý kiến tôi về “Những phát hiện lịch sử chấn động” của Thầy Thát trên báo Thanh Niên. Tôi đã trả lời và xin ghi lại sau đây để bạn đọc Thanh Niên tham khảo:

1. Đây là những phát hiện lịch sử. Muốn biết những phát hiện của Thầy Lê Mạnh Thát giá trị như thế nào phải kiểm tra nguồn tư liệu mà Thầy đã dùng. Nếu tư liệu đúng, phương pháp nghiên cứu đúng thì phải công nhận kết quả nghiên cứu của Thầy. Một đời cầm bút mà chỉ cần đính chính được bài thơ Xuân nhật tức sự, được Lê Quý Đôn chép trong Kiến Văn Tiểu Lục nói là của thiền sư Huyền Quang thời Trần (1254-1334) mà sự thực là của thiền sư Ảo Đường Trung Nhân (?-1203) thời nhà Tống bên Trung Quốc là đã có công lớn rồi. Xưa nay ai dám động đến Lê Quý Đôn ? Việc kiểm tra đúng sai chuyện nầy bây giờ quá dễ. Chỉ cần đến 750 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận TP.HCM, đề nghị Thầy Lê Mạnh Thát cho sao lại tài liệu Thầy đã dùng và đem đối chiếu với nguồn gốc của nó (cũng được Thầy chỉ rõ) là xong ngay. Nhiều phát hiện khác cũng có thể kiểm tra theo cách này. Tôi không hiểu đã có ai làm việc đó chưa ! Không phản bác được tư liệu đã khảo chứng của Thầy Lê Mạnh Thát thì phải chấp nhận thông tin lịch sử mà Thầy đưa ra. Đây là lịch sử, không thể có ý kiến khi chưa khảo về tư liệu. Mọi ý kiến về nghiên cứu lịch sử mà không căn cứ trên tư liệu thì chỉ nghe chơi thôi.

2. Những phát hiện mới mẻ mà chưa có tài liệu trực tiếp chứng minh như không có sự kiện “An Dương Vương đánh bại vua Hùng Vương thứ 18 rồi lập nên một triều đại như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên đã viết”, “Cổ Loa chẳng qua chỉ là một tên gọi được Ngô Sỹ Liên lấy từ truyền thuyết của Lĩnh Nam Chích Quái để đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư gắn vào An Dương Vương mà thôi” v.v... ta xem như những phát hiện còn phải tiếp tục chứng minh, chứ không loại bỏ. Không nên vì những cái chưa được rõ ràng mà làm ngơ trước những phát hiện đã rõ ràng.

3. Những phát hiện mới của Thầy Lê Mạnh Thát có đầy đủ tư liệu chứng minh rõ ràng thì các ngành chức năng phải tiếp nhận ngay,   không những để tưởng thưởng cho tác giả, khuyến khích các nhà nghiên cứu khác đi tìm cái mới, mà còn liên quan đến việc sửa sách giáo khoa, sách sử dân tộc...

4. Qua tiếp xúc với một số nhà Việt Nam học ở nước ngoài, tôi thấy họ rất quan tâm đến các công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Họ có nhận xét là sự đổi mới về nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam quá chậm so với văn học, báo chí. Đặc biệt họ rất quan tâm đến trách nhiệm của các ngành chức năng đối với các phát hiện mới về lịch sử, đến tâm và trí của các nhà sử học qua các phản biện lịch sử. Giữa thời đại bùng nổ thông tin nầy mà Những phát hiện lịch sử gây chấn động của Thầy Lê Mạnh Thát vẫn rơi vào im lặng được sao ? Vẫn để cho sử gia các nước đối tác với chúng ta xem thường chúng ta được sao?

Nguyễn Đắc Xuân (Nhà nghiên cứu)