(Trích sách đã dẫn, trang 59-67))
TRỔ TÀI SUÝT BỊ CHỮ "TAI" NÓ MẦN...
Ai đọc chuyện Kiều khi thấy câu: "Chữ tài liền với chữ tai một vần" thì chỉ cho rằng cụ Tiên Điền khéo sắp đặt câu văn cho hứng thú, vả chuyện Kiều rất có giá trị văn chương nhưng tiểu thuyết hóa thành ra một số có quan niệm: Nàng Kiều tài hoa, sắc nước hương trời mà nhiều vất vả, tai nạn nên phải:
- Sắn bìm chút phận cỏn con
Khuôn viên có biết vuông tròn cho chăng?
Rồi đến:
- Bấy chầy gió táp, mưa sa
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn
Còn chi là cái hồng nhan
Đã xong thân thế mà toan nỗi nào?
Cũng chỉ là áng văn chương đặt ra mà thôi.
Nhưng câu chuyện sau đây lại là chuyện thật, một nhà Sư chỉ vì muốn trổ tài mà suýt mắc vòng "tai nạn" nghĩa là tý tỳ tỷ nữa thì phải "phá giới".
Nguyên nhân câu chuyện như sau: Một ngày nọ tại chùa Vè, tục gọi là Ngái Vè thuộc hạt Thái Bình có đám làm chay "Tứ cửu" cho một nữ thiện tín con nhà khoa bảng trong thôn.
Đàn tràng thật linh đình, và suốt ngày có các bậc khoa giáp đến viếng, và chiều ở lại thụ trai để chờ xong tuần
cắt kết nữa là sẽ tán đàn.
Trong khi khách khứa đang thụ trai thì thấy một nhà Sư còn trẻ, lê thê, lếch thếch, áo vá bạc màu, sừng sực đi vào.
Quan khách đều nhìn bằng một con mắt khinh khi chẳng khác gì nhìn mấy người hành khất không hơn không kém. Nhưng Sư Cụ trụ trì vừa nhác trong thấy đã tất tả chạy ra đón tiếp; vừa dắt tay trịnh trọng vừa giới thiệu với các quan viên:
- Thật là quí hóa! Thật là quí hóa! Có lẽ cụ Nhất cũng là có phúc duyên đây, nên mới có một Đại đức giáng lâm, ấy ngài tuy còn trẻ nhưng tinh thông khoa phạm, và nhất là văn chương thì nhất! Nhất như Tăng hàng Tỉnh đấy các Cụ ạ!
Các cụ khoa cử và quan viên hiện diện vốn kính trọng Sư Cụ về phần tuổi tác và đạo đức, chứ còn phần văn chương thì các cụ vẫn tự phụ là hơn.
Một cụ có vẻ ra điều ta biết đây liền nói:
- Sư Ông đó tôi có biết, văn chương cũng khá, nhưng đại khái thông Tam Tự kinh và tụng được kinh Dược Sư, Di Đà, Thủy Sám!
Mọi người đều cười rộ có vẻ khoái chí về câu nói móc khéo léo.
Vị Sư trẻ nhũn nhặn bước vào nhà Tổ, làm lễ xong, đúng theo Thiền môn làm lễ bạch Sư Cụ mọi duyên, vì có việc đi qua xin vào tá túc một đêm.
Sự Cụ hết sức hoan hỷ, mời ngồi ghế trên thụ trai.
Vị Sư trẻ nhất định từ chối và xin được thị giả nơi mâm các bác, nhưng Sư Cụ khăng khăng không chịu, mãi sau đành kéo ghế ngồi xéo một bên để hầu trai Sư Cụ.
Trong tiệc trai, Sư Cụ lại giới thiệu thêm một lần nữa với các bậc khoa cử quan viên và còn thêm là Sư Ông đây xuất khẩu thành chương, nếu cụ Nhất (Trai chủ) thỉnh cầu thì có thể Sư Ông sẽ làm ngay cho một bản điếu văn hay lắm!
Cụ Tú T. nói nửa nhỏ nửa to với cụ Cử P.:
- Văn thơ nhà chùa thì lại mấy câu vè chi gian chứ bộ điếu văn, văn sách, gối hạc thì làm sao nổi?
Vị Sư trẻ nghe tiếng, nhưng cứ lặng yên.
Các cụ hiện diện, nhất là Cụ Nhất có vẻ như hơi bực bội vì lời nói của Sư Cụ nên cũng đứng lên trịnh trọng và bạch:
- Bạch! Được Sư Cụ giới thiệu, xin Sư Ông trổ tài cho! Ở đây, cụ Cử, cụ Tú và các quan viên đây ai cũng đã cho một bài, nhưng chỉ là thơ đường luật, lục bát, lục bát gián thất cả. May có Sư Ông, xin cho một bài điếu văn tôi viếng cháu thì thật vô cùng quí hóa!
Với tính thanh niên, và thấy các quan viên như có vẻ khinh khi với giới nhà chùa, nên vị Sư trẻ nhận lời, và thêm:
- Điếu văn thì phải sao đúng cảnh, hợp tình mới hay, vậy xin cụ Nhất cho biết chi tiết sơ qua, chúng tôi lạm bày ý mọn.
Thế là cụ nhất kể lễ: Nào là con bé trước đây đã lấy chồng, vợ chồng nó về ăn ở nhà tôi, rồi cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, chúng đánh nhau, thằng kia chém con này một nhát phải tù năm năm, giờ đây thằng kia được thả muốn nối lại duyên xưa mà cháu không chịu. Vừa đây có anh nọ đến hỏi, cháu đã bằng lòng thì bỗng dưng lăn ra chết. Tôi nghi là thằng nọ bùa bèn chi đây, nếu cúng cấp để nếu cháu có chi oan khuất thì bảo cho chúng tôi, để rửa oan cho cháu. Kết luận cụ Nhất giao hẹn: "Nhưng trai đàn của cháu chỉ còn tối nay nữa là xong, nếu Sư Ông làm được thì chỉ khoảng tám giờ tối thì phải có, bây giờ đã gần sáu giờ rồi!"
Sư Ông cương quyết vui vẻ nhận lời, xin phép Sư Cụ vào phòng vừa thụ trai vừa làm văn cho được yên tĩnh.
Sau một tiếng đồng hồ, đang lúc các cụ dục nhau sửa soạn tiếp tục trai đàn thì Sư Ông mở cửa ra và nói:
- Thưa các cụ, văn chương chúng tôi còn lỗ mỗ lắm, vả lại gấp quá tất rằng còn nhiều sơ sót, mong rằng cụ Cử, cụ Tú và các cụ quan viên hiện diện phủ chính cho.
Các cụ đều ngạc nhiên với sự làm văn nhanh chóng, nhưng vẫn tin là chẳng qua cũng bài văn vè hay tám câu chi gian, thất luật! Nhưng, Sư Ông đã đọc:
- Hỡi vong hỡi! Nay tuần chung thất
Nhìn cành phan phơ phất trước liên đài
Chúng ta đây khôn xiết ngậm ngùi
Tiếc vì nhớ thương ai sao mệnh bạc!!!
Than ôi!
- Thân liễu hoa tàn hương nhạt
Phận đào bèo dạt mây trôi.
Tưởng dây duyên chấp nối phải lứa vừa đôi, tình khắng khít yên vui đầu bạc.
Song sợi chỉ vụng se mối manh sai lạc, nỗi bi ai mai một tuổi xanh.
Trách Hóa công không khuôn xử cho minh, gieo nạn đói để chúng sanh cơ cực.
Buồn gia cảnh chẳng được bề sung túc, nên thân bần đành ký túc nhạc gia.
- Bữa đói no nghĩ chồng vợ vui hòa
Sự xô xát khiến phu thê có chuyện
Chém một nhát thôi dứt tình quyến luyến
Tù năm năm đành ngậm miệng ái ân.
Trót thác sinh xuống cõi hồng trần, chút nợ thế há nay lần mai lữa.
Nên trở lại về thờ cha mẹ, riêng thân mình chịu phận lẻ duyên loi.
- Chữ nhân duyên tan hợp bởi trời
Mà tình nghĩa pha phôi do mệnh.
Nghĩ cũng tưởng: Muốn lập lại cuộc đời cho hợp chữ: "
tái lai xuân cảnh".
Nhưng buồn thay: Chưa nên chi sự thế đã than câu: "
nhất vãng nan qui".
- Bà ngùi ngùi thương cháu, châu lệ lâm li
Bố đăm đăm mong con, sầu bi thảm đạm
Dì khóc lóc muôn phần ai cảm
Mẹ bâng khuâng ngao ngán nhớ con.
Nào là anh, nào là em đau đớn trăm đường
Đâu là chú, đâu là bác bi thương quá đổi
Hồn nay nếu vấn vương quanh pháp hội
Về nghe kinh sám tội siêu sinh
Trượng chư Tăng tiếp dẫn vong linh
Hồn về trước Phật đình thụ hiến
Sau đây có mấy lời phả khuyến
Hoặc hồn còn oan uổng nỗi chi.
Báo cho bà, cho cha mẹ, em em chú bác cô dì
Để rửa nỗi oan kia cho thanh tịnh.
Hoặc có kẻ chú nguyện khiến cho hồn đoạt mệnh
Hồn cũng nên trần cảnh cho hay
Hỡi hồn ơi! Nhìn quanh đây.
Nào cụ bảy mươi, cụ tám mươi
Trên dưới đều thương khóc tiếc thay:
"Hăm bốn cái xuân xanh nay thành giấc mộng!"
- Than ôi!
Thọ yểu nan đào sanh tử võng
Thế tình bất miễn ái ân ba.
Tiếc thương thay một chiếc kim thoa
Sao sớm khuất để toàn gia ngao ngán
Chúng ta đây: Trước đàn tràng chúc cho hồn "
minh tâm kiến tính"
Hướng về nơi Cực lạc cảnh an khương
Phù hộ cho toàn gia: tuổi thọ vô cương
Mà phúc lộc môn đường thê rạng rỡ.
- Vắn tắt mấy lời
Tỏ tình hồn rõ
Cầu cho hồn hai chữ siêu sinh
Âm dương cộng lạc thanh bình.
Sư Ông vừa đọc xong, cụ Cử P. thốt đứng lên và khen:
- Hay! Hay! Tài! Tài thật, cỡ này thì giá còn chữ Nho thì cứ phải vào hàng khoa bảng chữ rỡn!
Rồi cụ bắt đọc lại lượt nữa.
Cụ Tú cũng yêu cầu đọc lại. Thành thử bài văn điếu là để điếu người chết mà tất cả người sống cứ đua nhau yêu cầu đọc đi, đọc lại, đến nỗi trên chùa chuông trống đã dóng từng hồi mà phía dưới nhà Tổ vẫn nhộn nhịp về chuyện khen ngợi bài văn.
Nhất là cụ Nhất thì sung sướng quá. Cụ còn yêu cầu Sư Ông phải viết thành một bản sớ bằng chữ Nôm cho cụ đích thân đọc và xin lui lại khoa cúng vào mười giờ tối chờ viết cho xong bài điếu văn coi như lá sớ.
Có một tai họa hơn hết suýt thì vị Sư trẻ khốn đốn, đó là khi vừa cúng và đọc sớ xong, thốt nhiên cô con gái út của cụ Nhất bốc đồng và nói bô bô lời cô chị nhập vào, cảm ơn Sư Ông và thỉnh Sư Ông lên để lạy và cũng cho biết là nhờ trai đàn mà được đưa đi thác sinh. Nói xong cô em ngã ra, sùi bọt mép rồi khóc lên rưng rức.
Mọi người đều hoảng vía vực vội cô gái nọ về nhà. Nhưng sáng hôm sau, mới sáng ra cụ Nhất chạy vội ra chùa bạch Sư Cụ là cô gái nọ cứ nhất định đòi "làm bạn" với Sư Ông.
May thay! Vì hôm sau có việc phải đi sớm nên Sư Ông đã đi từ gà gáy.
Mãi hơn năm sau, Sư Ông mới trở lại nghe Sư Cụ kể chuyện mà phát giật mình, nhưng phúc sao cô kia cũng đã lấy chồng!