Chùa Huệ Nghiêm đẹp và trồng nhiều hoa mai. Cám ơn Quang Tâm lần nữa. Cây mai trong hình có phải là mai Tứ Quí không? Nhìn thấy lá và hột thì chắc là nó rồi. Cây này trồng dưới đất hay trồng trong chậu? Những cây kiểng Bonsai khác đều có thể trồng trong chậu được, riêng loại mai này thì không chịu. Nó thích mọc tự do trên mặt đất, chứ không chịu sự uốn nắn, gò bó trong chậu chật hẹp. Hồi đó nhà tôi có một cây độc nhất, tôi thử chiết một nhánh đem trồng trong chậu thì nó "làm reo" không chịu sự tù túng, khoảng một tuần là nó héo khô, và chết lịm.
Hột của nó màu đen rụng xuống đất, lấy vô làm giống và khi muốn trồng phải chọn đất cho kỹ rồi xuống mương hốt một đám bùn non bỏ vào lỗ, nhét hột mai Tứ Quí vào đó rồi lấp đất khô lại, không tưới nước. Chừng nào thấy có mầm non nhú lên khỏi mặt đất là nó sống và vươn lên rất mạnh... Kinh nghiệm này do ông kỷ sư dạy cho.
Hồi xưa tại quê tôi, sau ngôi chùa cổ, có một khoảng đất rộng hai công của một ông kỹ sư về hưu, ông trồng toàn là mai vàng và mai Tứ Quí, từ ngoài cổng lối đi vào vườn đến cuối vườn toàn là hoa mai, không trồng hoa nào khác. Ổng đặt tên cho khu này là "Vạn Mai Viên", trong đó có nhiều khu vui chơi giải trí đủ loại, có hồ thiên nga bằng gỗ lội nước tức là dưới hồ có những xuồng nhỏ hình con thiên nga hai chỗ ngồi, có những bàn đạp làm guồng đạp nước đẩy con thiên nga đi tới. Sân trượt Patin vòng tròn bằng xi măng, sân đánh vũ cầu, bàn đánh Ping Pong v.v...
Ngày nghỉ học cuối tuần, học sinh nam nữ đến khu vườn này để giải trí hay là qua bên kia đường vô Hội Phật Học Tỉnh vào thư viện xem kinh sách, tranh ảnh Phật và Bồ tát... Các hội đoàn Gia đình Phật tử cũng thường sinh hoạt trong khu Vạn Mai Viên. Nhất là vào dịp Tết, trong Vạn Mai Viên treo cờ, hoa giấy và lồng đèn đủ màu, giăng vòng quanh hoa viên để mời mọi người đến chùa lạy Phật xong, rồi vào Vạn Mai Viên vui Xuân...