265. TÍCH CHUYỆN VỀ HAI PHÁP: CHỈ VÀ QUÁN
(Trích dẫn: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú, Thiện Nhựt soạn dịch và ghi chú, Quyển II, Tập 4, trang 767-768)
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp, có đề cập đến việc ba mươi Tỳ kheo nhờ nghe hai pháp mà chứng được quả Thánh.(Trích dẫn: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú, Thiện Nhựt soạn dịch và ghi chú, Quyển II, Tập 4, trang 767-768)
Thuở ấy, có một nhóm ba mươi vị Tỳ kheo từ xa đến đảnh lễ Đức Phật. Duyên may, Tôn giả Xá Lợi Phất cũng có mặt tại đó, quán thấy đã đến lúc cho ba mươi vị Tỳ kheo chứng đắc được quả vị Thánh A la hán. Tôn giả liền bạch Phật: "Bạch Thế Tôn, thế nào là hai pháp?" Đức Phật đáp: "Nầy Xá Lợi Phất, hai pháp đó là Chỉ và Quán".
Rồi đức Phật mới nói lên bài Kệ sau đây, nhờ đó mà các vị Tỳ kheo chứng được quả vị A la hán:
- Khi an trú hai pháp: Chỉ, Quán,
Bà la môn đạt tới bỉ ngạn.
Đối với "người thông suốt" nầy,
Mọi kết sử đều đoạn tận.
(Kệ số 384).
- A. Nghĩa Chữ:
- (1) Tu đà huờn, còn sanh lại bảy lần;
(2) Tư đà hàm, còn sanh lại một lần;
(3) A na hàm, chỉ sanh lên cõi Trời, chẳng trở lại cõi trần; ba quả vị nầy thuộc bực Hiền, còn bị tái sanh;
(4) A la hán, chứng vô sanh, dứt cảnh tái sanh, được gọi là bực Thánh. Trái với Thánh hiền là phàm phu, chưa tu.
- Chỉ, Quán: Chỉ = ngưng lại; Quán = xem xét kỹ lưỡng, suy nghĩ sâu xa. Đây là hai Pháp tu về Thiền định. Theo giáo lý Bắc tông, Thiền quán phân ra làm sáu phép tu, gọi là Lục Diệu Pháp Môn:
- (1) Sổ tức, đếm hơi thở,
(2) Tùy tức, theo dõi hơi thở;
(3) Chỉ, ngưng tất cả ý nghĩ, tư tưởng lại;
(4) Quán, dùng tâm quán xét tâm, suy nghĩ sâu xa;
(5) Hoàn, quay trở lại;
(6) Tịnh, làm cho tâm trở nên trong sạch và yên tĩnh.
- Bỉ ngạn: Bỉ = kia; Ngạn = bờ. Bỉ ngạn là bờ bên kia, tức là bờ giác ngộ. Đáo bỉ ngạn là đến bờ giác ngộ bên kia; bờ bên nầy là bờ mê lầm.
- Người thông suốt: người hiểu rõ mọi việc, tức là đã đạt được Trí huệ Bát nhã Ba la mật, cái Trí đưa ta đến bờ giác.
- Kết sử: Kết = ràng-buộc; Sử = sai khiến. Có mười Kết sử ràng buộc tâm trí ta, xúi dục làm quấy, xin kể mấy kết sử chánh: tham, sân, si, mạn, nghi, khát ái, v.v... Dẹp xong các kết sử, chứng A la hán.
- Đoạn tận: Đoạn = cắt đứt; Tận = dứt hết xong.
- B. Nghĩa Ý:
Tích chuyện thuật lại việc ba mươi Tỳ kheo nghe được hai pháp Chỉ và Quán trong phép tu Thiền định mà chứng được quả A la hán. Chẳng phải chỉ đến nghe mà đắc quả ngay, vì còn phải tu tập nữa, tuy Tích chuyện chỉ kể ra vắn tắt như thế.
Ý nghĩa của Tích chuyện là nêu lên hai điểm quan trọng trong khi ngồi Thiền:
- (1) Dừng lại tất cả ý tưởng,
(2) Quán sát thâm sâu tâm mình, theo dõi mọi biến chuyển bên trong, để chấm dứt vọng tưởng.
Bài Kệ nêu rõ công năng của hai pháp Chỉ và Quán, là dẹp tan mọi kết sử, chứng đắc Trí huệ Bát nhã, và được giác ngộ và giải thoát.
Xin phân tách từng câu:
- (1) Khi an trú (trong) hai pháp: Chỉ, Quán: khi đã tu tập thật thuần thục cả hai pháp Chỉ (= ngưng được tất cả tư tưởng) và Quán (=theo dõi thật sát mọi biến chuyển trong tâm, suy nghĩ sâu xa), thì...
(2) Bà la môn đạt tới bỉ ngạn: Chữ Bà La Môn, ở đây, có nghĩa là bực A la hán, bực ấy đã đến bờ giác bên kia, tức là đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát (nhờ an trú trong hai pháp Chỉ và Quán).
(3) Đối với "người thông suốt" nầy, Mọi kết sử đều đoạn tận: Người thông suốt, ở đây, là người đã đạt được Trí huệ Bát nhã Ba la mật, cái trí đưa ta đến bờ giác ngộ và giải thoát, người ấy chẳng còn bị các kết sử ràng buộc được nữa. Đó là nhờ công năng của hai pháp tu Chỉ và Quán, khiến tâm trở nên hoàn toàn thanh tịnh.