Tích chuyện đức Phật thành đạo (Kinh Pháp Cú)

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
battinh
Điều Hành Viên
Bài viết: 6106
Ngày: 14/11/11 07:58
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia
Đến từ: Tứ Đại
Được cảm ơn: 3 time

Tích chuyện đức Phật thành đạo (Kinh Pháp Cú)

Bài viết chưa xem gửi bởi battinh »

125. TÍCH CHUYỆN ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO
(Trích: Tìm Hiểu & Học Tập Kinh Pháp Cú, Thiện Nhựt phiên dịch và ghi chú, trang 385-395)
Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, trong một kỳ giảng pháp theo lời thỉnh cầu của Tôn giả A Nan, có đề cập đến sự tích Thành đạo của đức Phật Thích Ca.

Thái tử Tất Đạt Ta, họ Cồ Đàm, là con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Gia, trị vì tại thành Ca Tỳ La Vệ. Đến năm hai mươi chín tuổi, Thái tử rời cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con khôn, xuất gia đi tu thành một người ẩn sĩ khổ hạnh, dạo khắp châu thổ sông Hằng, tìm thầy học Đạo. Các vị thầy đều dạy Thiền, nhưng giáo lý của họ chẳng làm thỏa mãn lòng tìm kiếm chơn lý của Thái tử Tất Đạt Ta, nên Ngài quyết tâm theo con đường riêng của mình. Ngài sống khổ hạnh trong sáu năm nơi rừng sâu, ép mình theo một kỷ luật khắc khổ. Cho đến khi bị ngất xỉu và được thôn nữ Thiện Sanh dâng bát sữa, Ngài tỉnh ngộ, bỏ lối tu khắc khổ, chọn con đường Trung Đạo, lánh xa hai cực đoan: lợi dưỡng và khổ hạnh. Con đường Trung Đạo chính là Bát chánh đạo gồm có: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định, đưa đến cảnh giới an lạc, vắng lặng của Niết Bàn.

Sau bốn mươi chín ngày đêm ngồi nhập định dưới cội cây Bồ đề, bên bờ sông Ni Liên Thiền, thái tử Tất Đạt Ta chứng đắc được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vào năm ba mươi lăm tuổi. Vào khoảng canh đầu đêm ấy, Thái tử chứng được Túc mạng minh biết rõ được vô số kiếp đã qua. Đến canh giữa, Ngài chứng được Thiên nhãn minh, thấy rõ nguyên nhơn khiến cho chúng sanh phải tái sanh ở cõi nầy, cõi nọ. Vào khoảng canh cuối cùng của đêm, Ngài chứng được Lậu tận minh, dứt mọi lậu hoặc, giải thoát được cảnh sanh tử của luân hồi với lý thuyết Thập Nhị Nhơn Duyên theo hai chiều lưu chuyển và hoàn diệt. Đến khi bình minh ló dạng, Thái tử Tất Đạt Ta chứng được bốn chơn lý nhiệm mầu là Tứ Diệu Đế. Với Trí huệ hoàn toàn sáng suốt Ngài chiếu soi bốn chơn lý: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế, thấy rõ bổn thể của mỗi chơn lý, sự cần thiết phải thực hiện về mỗi chơn lý và sự hoàn tất việc thực hiện về mỗi chơn lý; do đó, Ngài chứng đắc được Trí huệ đại giác của Phật đà, trở thành đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chỉ sau khi bốn chơn lý nhiệm mầu hiện lên thật rõ ràng, trong suốt nơi tâm thanh tịnh của Ngài, với ba lần chuyển và mười hai hành tướng, Ngài mới tuyên bố lên cho tất cả ở cõi Người, cõi Trời và cõi Phạm thiên biết rằng Ngài đã chứng đắc được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Liền sau khi đã giác ngộ và giải thoát hoàn toàn, Ngài thốt lên bài Chứng đạo ca, diễn thành ra hai bài Kệ sau đây:
  • Lang thang qua bao kiếp luân hồi,
    Ta cố tìm nhưng rồi chưa gặp
    Kẻ xây dựng lên ngôi nhà nầy,
    Cứ mãi tái sanh, khổ sở thay!
    (Kệ số 153).

    Ô kià! Anh thợ làm nhà!
    Nay ta bắt gặp, khó mà xây thêm.
    Cây đòn tay bên thềm gẫy đổ,
    Rui mè, kèo cột bỏ ngổn ngang.
    Ta nay chứng đắc Niết Bàn,
    Ái tham, dục vọng, hoàn toàn tiêu vong.
    (Kệ số 154)
TÌM HIỂU

Xin Lưu Ý:

Tích chuyện Thành đạo của Phật Thích Ca vừa được đọc qua vốn được kết tập dựa theo Kinh Chuyển Pháp Luân. Kinh nầy được đức Phật, sau khi chứng đắc quả vị Phật, tuyên giảng cho năm anh em ông Kiều Trần Như nghe, tại vườn Lộc Uyển, thành Ba La Nại.

Vì ý Kinh rất thâm sâu và Tích chuyện lại dùng nhiều danh từ chuyên môn khó hiểu, Thiện Nhựt mạn phép viết lại hai đoạn chót của Tích chuyện theo lời lẽ thông thường, trước khi bắt đầu việc TÌM HIỂU:

" ... Sau bốn mươi chín ngày đêm ngồi thiền dưới cội cây Bồ đề, Thái tử Tất Đạt Ta chứng được quả vị Phật. Vào đêm cuối, Ngài lần lượt chứng được Túc mạng minh, nhớ được các kiếp sống đã qua, Thiên nhãn minh, nhìn thấy chúng sanh phải tái sanh mãi trong cảnh luân hồi và Lậu tận minh, dứt khoát dẹp tan mọi lậu hoặc nơi thân tâm mình...

Khi bình minh vừa ló dạng, Ngài chứng đắc được bốn chơn lý nhiệm mầu là Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, và Đạo đế. Tâm trí thanh tịnh của Ngài lần lượt chiếu soi từng chơn lý, thấy rõ thế nào là Khổ (= Khổ đế) cần được hiểu rõ; nguyên nhơn đã gây ra Khổ (= Tập đế) cần được đoạn tận; đến sự tận diệt của Khổ (= Diệt đế), cần được chứng ngộ và con đường đi đến sự tận diệt Khổ (= Đạo đế), cần được tu tập. Về mỗi chơn lý, tâm trí thanh tịnh của Ngài lần lượt chuyển động qua ba giai đoạn gọi là ba lần chuyển:

  • (1) Thấy rõ,
    (2) Đang hiểu và
    (3) Đã thông đạt chẳng còn chút nghi ngờ;
Ba lần chuyển động như thế cho bốn chơn lý thành ra là mười hai hành tướng.

Bấy giờ, biết chắc mình đã chứng được Trí Huệ Bát nhã Ba la mật, Ngài mới tuyên bố cùng mọi chúng sanh trong ba cõi, rằng Ngài đã đạt được ngôi vị Phật. Sau đó, Ngài thốt lên bài Chứng đạo ca, tức là hai bài Kệ số 153 và 154.

  • A. Nghĩa Chữ:
- Sự tích Thành đạo: những sự việc có thật đã xãy ra khi Thái tử Tất Đạt Ta hoàn thành việc tu tập để chứng đắc ngôi vị Phật.

- Thái tử: Con trai lớn của vua, sẽ nối ngôi vua.

- Tất Đạt Ta: Tên của đức Phật Thích Ca, khi chưa xuất gia; tiếng Pali là Siddhattha.

- Cồ Đàm: Họ của thái tử Tất Đạt Ta; tiếng Pali là Gotama.

- Tịnh Phạn: Tên Vua cha của Thái tử Tất Đạt Ta, tiếng Pali là Suddhodana.

- Ma-Gia: Tên của Hoàng hậu, mẹ của Thái tử Tất Đạt Ta, tiếng Pali là Màyà.

- Ca Tỳ La Vệ: Thủ đô nước Xá Vệ, quê hương của Thái tử, nay thuộc phần đất của vương quốc Nepal; tiếng Pali là Kapilavatthu.

- Vợ đẹp con khôn: Vợ của Thái tử Tất Đạt Ta là công chúa Gia Du Đà La (Yasodharà); con của Thái tử là La Hầu La (Rahula).

- Châu thổ: Châu = cồn, bãi cát đất; Thổ = đất. Châu thổ là khu vực hai bên dọc theo dòng sông.

- Sông Hằng: một con sông lớn ở Ấn độ, tiếng Pali là Gangà.

- Chơn lý: Sự thật. Ở đây, ý muốn nói đến Sự thật thoát được mọi khổ đau trong thân phận của mọi chúng sanh.

- Khổ hạnh: Khổ = khắc khổ; Hạnh = hạnh kiểm; hành động. Khổ hạnh là cuộc sống khắc khổ, thiếu thốn; tương truyền rằng khi tu khổ hạnh, thái tử Tất Đạt Ta chỉ ăn mỗi ngày có mấy hột mè, thân thể gầy yếu, chỉ còn da bọc xương.

- Thiện Sanh: Dịch nghĩa tên của nàng thôn nữ, tiếng Pali là Sujàtà.

- Tỉnh ngộ: Thức tỉnh, nhận biết mình đã lầm.

Trung đạo: Trung = ở giữa; đạo = con đường. Trung đạo là con đường ở giữa, tránh xa cả hai nẻo khắc khổ và hưởng thọ. Trung đạo, tiếng Pali là Majjhinapatipadà.

- Cực đoan: Cực = rất, cùng cực, quá mức; đoan = đầu cùng; mức cuối; Cực đoan là chỗ quá mức; ở đây nói về lối sống, có hai cực đoan: một đầu chỉ lo hưởng thọ vật chất đầy đủ, phủ phê, gọi là lợi dưỡng; còn một đầu nhịn ăn, chịu đói lạnh, ép xác, gọi là khổ hạnh.

- Lợi dưỡng: Hưởng lợi thật đầy đủ về vật chất.

- Chánh kiến: Ý kiến đứng đắn, chơn chánh.

- Chánh tư duy: Suy nghĩ đứng đắn, chơn chánh.

- Chánh ngữ: Lời nói đứng đắn, chơn chánh

- Chánh nghiệp: Việc làm, hành động, sự nghiệp đứng đắn, chơn chánh.

- Chánh mạng: Nghề nghiệp sanh sống đứng đắn, chơn chánh.

- Chánh tịnh tấn: Nỗ lực, cố gắng đứng đắn, chơn chánh.

- Chánh niệm: Ý nghĩ, tư tưởng trong tâm đứng đắn, chơn chánh

- Chánh định: Tâm ý dừng lại, chẳng nghĩ ngợi lang bang, giữ trong sự lặng lẽ đứng đắn, chơn chánh.

- An lạc: An = yên; Lạc = vui; cảnh an lạc là cảnh yên vui, sướng.

- Niết Bàn: Tâm trạng của người đã dứt bỏ hết mọi phiền não, chẳng còn tái sanh nữa. Theo tiếng Phạn Nirvana, có nghĩa là ra khỏi rừng u tối, tức là thoát khỏi mọi phiền não, mê lầm, ngu tối.

- Nhập định: Nhập = vào; Định = ở yên. Nhập định là ngồi Thiền, tâm trí vắng lặng, yên ổn, ý tưởng dừng lại, chẳng xao lãng.

- Bồ đề: chữ Phạn là Bodhi, nghĩa là giác ngộ, hiểu rõ lẽ sống chết của chúng sanh. Nguyên là cây Pippala, thân cao trên 10 thước, cành to, lá hình trái tim, hột to có thể kết thành chuỗi, Thái tử Tất Đạt Ta ngồi Thiền 49 ngày đêm dưới gốc cây nầy, thành Phật, nên gọi là cây Bồ đề.

- Sông Ni Liên Thiền: Sông khá rộng ở Ấn độ, tên tiếng Pali là Neranjarà.

- Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác: Vô thượng = cao nhứt, chẳng có gì cao hơn; Chánh đẳng = ở vào hàng cao quí, chơn chánh nhứt; Chánh giác = giác ngộ chơn chánh nhứt. Quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác dịch nghĩa chữ Phạn Anouttara Samyas Sambodhi, còn gọi là Vô thượng Bồ đề, hay nói gọn hơn nữa là thành Phật.

- Canh đầu, canh giữa, canh cuối: ở Ấn độ, ban đêm chia ra ba canh; khác với Việt Nam, đêm có năm canh, mỗi canh hai giờ.

- Túc mạng minh: Túc = ngày xưa; Mạng = đời, kiếp sống; Minh = biết rõ. Túc mạng minh là khả năng nhớ được các đời sống đã qua; tiếng Pali là Pubbenivàsànussati nàna.

- Thiên nhãn minh: Thiên = Trời; Nhãn = con mắt; Minh = biết rõ. Thiên nhãn minh là khả năng nhìn thấy được các sự vật bị ngăn che; tiếng Pali là Dibbacakkhu nàna.

Lậu tận minh: Lậu = lậu hoặc, các phiền não từ bên trong rỉ chảy lộ ra thành hành động xấu ác; Tận = dứt hết; Minh = biết rõ. Chứng được Lậu tận minh thì dứt hết các phiền não bên trong mà trở nên giải thoát.

- Thuyết Thập nhị Nhơn Duyên: Thuyết = lý thuyết; Thập nhị = mười hai; Nhơn duyên = nguyên cớ. Thuyết nầy được dịch là thuyết Mười hai Nhơn duyên, tiếng Pali là Paticcasamuppàda.

Thuyết nầy có hai chiều:
  • a. Chiều lưu chuyển là:

    (1) Vô minh (= sự ngu tối) duyên Hành (= hành nghiệp, hành động);
    (2) Hành duyên Thức (= sự hiểu biết);
    (3) Thức duyên Danh sắc (= tên hay tâm và vật);
    (4) Danh sắc duyên Lục nhập (= sáu giác quan);
    (5) Lục nhập duyên Xúc (= sự va-chạm);
    (6) Xúc duyên Thọ (= cảm giác);
    (7) Thọ duyên Ái (= yêu thích);
    (8) Ái duyên Thủ (= chấp chặt giữ lấy);
    (9) Thủ duyên Hữu (= đời sống);
    (10) Hữu duyên Sanh (= sự sanh đẻ ra, tái sanh);
    (11) Sanh duyên Tử (= chết);
    (12) Tử duyên Vô minh.
Theo chiều lưu chuyển nầy, thì cứ mãi mãi sanh tử, tử sanh trong vòng luân hồi (Chữ duyên dùng ở đây có nghĩa là: do đó mà sanh ra)
  • b. Chiều hoàn diệt là:

    (1) Hết vô minh thì dứt Hành;
    (2) Hành dứt thì Thức dứt;
    (3) Thức dứt thì Danh sắc dứt;
    (4) Danh sắc dứt thì Lục nhập dứt;
    (5) Lục nhập dứt thì Xúc dứt;
    (6) Xúc dứt thì Thọ dứt;
    (7) Thọ dứt thì Ái dứt;
    (8) Ái dứt thì Thủ dứt;
    (9) Thủ dứt thì Hữu dứt;
    (10) Hữu dứt thì Sanh dứt;
    (11) Sanh dứt thì Tử dứt.
Theo chiều hoàn diệt nầy thì ra khỏi được vòng sanh tử, tử sanh của luân hồi, đắc quả vị Duyên giác.

- Lưu chuyển: Lưu = chảy; Chuyển = chuyển động. Chiều Lưu chuyển của Thuyết mười hai Nhơn duyên cho thấy rõ tại sao chúng sanh phải trôi lăn mãi trong cõi đau khổ của luân hồi. Tiếng Pali gọi chiều lưu chuyển là Anuloma. Về chữ duyên dùng trong chiều lưu chuyển, như nói "Vô minh duyên Hành", có nghĩa là gây nên, tạo ra cơ hội cho việc sau xãy đến; tức là: "Vì đã có Vô minh, nên Hành mới sanh ra, mới có theo."

- Hoàn diệt: Hoàn = trở lại; Diệt = tiêu mất. Theo chiều hoàn diệt thì phá vỡ được vòng lẩn quẩn sanh tử, tử sanh của luân hồi. Hễ phá vỡ được một nguyên nhơn trong mười hai nhơn duyên, là vòng tròn lẩn quẩn bị đứt, nhờ đó mà giải thoát được khỏi luân hồi. Tiếng Pali gọi chiều Hoàn diệt là Patiloma.

- Tứ Diệu Đế: Tứ = bốn; Diệu = nhiệm mầu; Đế = chơn lý.

- Khổ đế: Chơn lý về sự đau khổ của thân phận chúng sanh trong cõi luân hồi. Phật học Bắc tông phân biệt tám sự Khổ, được gọi là Bát Khổ:
  • (1) Sanh là Khổ;
    (2) Lão, già là Khổ;
    (3) Bịnh, đau ốm là Khổ;
    (4) Tử, chết là Khổ;
    (5) Ái biệt ly, thương nhau phải xa nhau là Khổ;
    (6) Oán tăng hội, ghét nhau mà phải gần nhau là Khổ;
    (7) Cầu bất đắc, mong cầu mà chẳng được là Khổ;
    (8) Ngũ ấm xí thạnh, thân năm uẩn phát triển quá mạnh và thiếu thăng bằng, là Khổ. Tiếng Pali gọi Khổ đế là Dukkha Ariya Sacca.
- Tập đế: Chơn lý về nguyên nhơn của Khổ, tức là sự tham ái; còn gọi là khát ái, ái dục. Tiếng Pali gọi Tập đế là Samudaya Ariya Sacca

- Diệt đế: Chơn lý về sự tiêu diệt mọi Khổ đau, tức là chứng đắc được cảnh an lạc của Niết Bàn. Tiếng Pali gọi Diệt đế là Nirodha Ariya Sacca.

- Đạo đế: Chơn lý về con đường đưa đến sự giác ngộ và giải thoát, tức là Bát Chánh Đạo, hay Bát Thánh Đạo, hay con đường Trung Đạo. Con đường nầy có tám ngành, được kể ra trong Tích chuyện. Tiếng Pali gọi Đạo đế là Magga Ariya Sacca.

- Đại giác: Đại = lớn; Giác = biết rõ. Đại-giác là hoàn toàn giác ngộ.

- Phật đà: Phiên âm chữ Phạn Buddha, có nghĩa là Đại giác.

- Mâu Ni: phiên âm chữ Phạn Mouni, có nghĩa là bực nhơn từ, đức hạnh và tịch tĩnh. Trong Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni, chữ Thích Ca là dòng họ, chữ Mâu Ni là tiếng tôn xưng Ngài là bực nhơn từ, tịch tĩnh.

- Ba lần chuyển: ba lần tâm chuyển động; đó là:
  • (1) Biết đang thấy,
    (2) Biết đang hiểu,
    (3) Biết đã hiểu chẳng còn nghi ngờ.
- Mười hai hành tướng: Hành tướng = hình tướng chuyển động của Tâm. Mười hai hành tướng đó là ba lần chuyển cho mỗi chơn lý, nhơn lên cho bốn chơn lý, thành ra mười hai hành tướng của Tâm.

- Chứng đạo ca: Chứng = chứng đắc, biết chắc đã được; Đạo = đường lối tu hành; Ca = bài thơ, bài Kệ, bài hát. Các bực tu hành khi được đắc đạo, thường thốt ra lời cảm xúc nói lên sự chứng đạo của mình.

- Ngôi nhà nầy: Nghĩa bóng, ngôi nhà ở đây là thân tâm.

- Tái sanh: Sanh trở lại cõi đời sướng ít khổ nhiều nầy.

- Cây đòn tay: Xà ngang, khúc gỗ lớn nằm ngang trên sườn nhà.

- Rui, mè, kèo: Những khúc gỗ để dựng lên nóc nhà.

- Ái tham: Ái =yêu, thích; Tham = ham quá.

- Dục vọng: Dục = ham muốn; Vọng = vọng cầu.

- Tiêu vong: Tiêu mất đi hết cả. (Vong = mất).

- Kết tập: Dựa theo lời Phật giảng mà ghi nhớ lại và chép lại thành Kinh, sách, cho người sau đọc.

- Kinh Chuyển Pháp Luân: Chuyển = quay, chuyển động; Pháp = pháp tu; Luân = bánh xe; Chuyển Pháp Luân là quay bánh xe Pháp, tức là đem chánh pháp ra giảng dạy. Kinh nầy là bài pháp đầu tiên của đức Phật Thích Ca, ngay sau khi Thành đạo.

- Kiều Trần Như: tên của vị tu sĩ tu khổ hạnh, vốn là bạn đồng tu với Thái tử Tất Đạt Ta. Sau khi nghe Kinh Chuyển Pháp Luân, ông Kiều Trần Như đắc quả A la hán. Tèn tiếng Pali là Annatàkondanna.
  • B. Nghĩa Ý:
1. Ý nghĩa của Tích chuyện:

Tích chuyện kể lại sự tích có thật của việc thành đạo của đức Phật Thích Ca, vì thế rất quan trọng cho người Phật tử, để có đầy đủ lòng tin vào đức Phật. Tích chuyện mang nhiều ý nghĩa quan trọng sau đây:
  • (1) Sự tích của đức Phật Thích Ca là việc có thật: còn rất nhiều chứng tích chứng thật lịch sử của Đức Phật ở Ấn độ, ở Nepal, như các trụ đá của vua A Dục, tháp Đại giác, Bồ Đề Đạo Tràng, núi Linh Thứu, vuờn Lâm Tỳ Ni, thành Ca Tỳ La Vệ, v.v... Người Phật tử biết vị giáo chủ của mình, trước cũng là người như mình, chớ chẳng phải thần thánh chi, chính nhờ tu tập mà Ngài mới thành Phật.

    (2) Sự tu hành khổ hạnh sáu năm của Thái tử Tất Đạt Ta chẳng phải là vô ích, mặc dù về sau con đường Trung Đạo khuyên nên tránh đi. Tại sao? Vì sự khổ hạnh luyện cho ta biết tuân theo một kỷ luật chặt chẽ để tu hành; tu mà chẳng theo một kỷ luật, vui thì tu, chán thì thôi, làm sao mà thành công được. Ngày nay, ta có tránh là tránh ép xác, vì có hại cho sức khoẻ; nhưng phải biết khép mình vào kỷ luật tu tập hằng ngày.

    (3) Thời gian dài nhập định bốn mươi chín ngày đêm có vẻ khó tin được, vì còn các nhu cầu về thể xác như ăn uống, tiểu tiện. Nhưng khoa học đã chứng minh, khi thân tâm hoàn toàn trong tư thế tĩnh lặng, các bộ máy tiêu hoá, bài tiết bên trong đều chạy chậm lại. Ý nghĩa quan trọng cho người Phật tử là khi ngồi Thiền, phải bền gan chịu đựng sự tê chơn, mỏi lưng, v.v... mới có thể điều phục được tâm ý trong một thời gian lâu mà nhập định.

    (4) Một điểm quan trọng nhứt về Bốn chơn lý nhiệm mầu: Khổ, Tập, Diệt, Đạo: khi quán chiếu rõ ràng và trước khi tuyên bố đã đắc đạo, tâm trí của Đức Phật trải qua ba lần chuyển và mười hai hành tướng.
Điều đó có nghĩa là gì? Mười hai hành tướng là mười hai lần chuyển động của Tâm. Chuyển động như thế nào? Mỗi lần quán chiếu một chơn lý, Tâm ghi nhận:
  • (1) Quán thấy được chơn lý, thấy được bổn thể của nó;
    (2) Soi thấu được sự cần thiết cần phải thực hành về chơn lý đó, tức là đang hiểu rõ về chơn lý đó;
    (3) Chiếu nhận đã hoàn tất việc thực hiện chơn lý đó, tức là đã hiểu rõ và thi hành xong về chơn lý đó, chẳng còn chút nghi ngờ nào cả.
Riêng khi ghi nhận lần thứ nhì, soi thấu sự cần thiết cần phải thực hành về chơn lý đó, thì mỗi chơn lý mỗi khác:
  • - Về Khổ đế, cần phải liễu tri, nghĩa là biết thật rõ ràng;

    - Về Tập đế, cần phải đoạn tận, nghĩa là phải tiêu diệt cho hết nguyên nhơn gây ra đau khổ là sự tham ái.

    - Về Diệt đế, cần phải chứng ngộ, nghĩa là phải tu hành thế nào để đắc cho được cảnh giới Niết Bàn an lạc;

    - Về Đạo đế, cần phải tu tập, nghĩa là phải áp dụng vào đời sống tu hành, cả tám ngành của Bát Chánh Đạo.
Trong mỗi lần Tâm chuyển động, khi quán chiếu Tứ Diệu Đế, Thái tử Tất Đạt ta đều ghi nhận rõ ràng mỗi hành tướng; như thế, tâm trí Ngài hoàn toàn theo dõi và kiểm soát được chính tâm của Ngài; đó chính là tâm chiếu lấy tâm, trong sự thanh tịnh hoàn toàn. Đây là bài học vô cùng quí giá cho những người hành Thiền, nhập Định.

2. Ý nghĩa của hai bài Kệ số 153 và 154:

Hai bài Kệ nầy quan trọng vào bực nhứt, người Phật tử cần học thật kỹ. Các nhà văn trên thế giới xem đấy như là một trong các bài thơ tuyệt tác của nhơn loại. Thiện Nhựt rất lo ngại chẳng biết khi chuyển dịch sang tiếng Việt, có còn giữ được ý vị của bài Kệ nguyên tác hay chăng.

Cả hai bài Kệ, đúng ra chỉ là một bài, bài Chứng Đạo ca của đức Phật Thích ca, nói lên sự cảm xúc vô cùng vui sướng khi đã hoàn toàn giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ được gì? Giác ngộ được rằng thể xác nầy gây đau khổ qua bao kiếp sống luân hồi, và do chính nguyên nhơn Ái tham đã khiến ta phải mang lấy thể xác đó. Giải thoát khỏi được những gì? Giải thoát khỏi mọi phiền não từ bên trong thân nầy gây ra, vì kể từ đây chẳng còn phải tái sanh để mang thân ấy nữa. Tóm lại, sự vui mừng đó, là do chứng được cõi vô sanh của Niết bàn an lạc.

Thử phân tách từng câu:

- "Lang thang qua bao kiếp luân hồi": Tại sao phải lang thang? Vì ở mỗi đời sống bị khổ đau chồng chất, chẳng biết hướng để thoát khổ.

- "Ta cố tìm nhưng rồi chưa gặp": Tại sao tìm chẳng gặp? Vì tâm trí còn bị vô minh (= sự ngu tối) che- lấp nên tìm chẳng thấy được.

- "Kẻ xây dựng lên ngôi nhà nầy": Ngôi nhà nào? Đó là tấm thân mà ta mang lấy để che chở cho ta. Kẻ xây dựng nhà nầy là ai? Đó là sự Ái tham, lý do khiến ta phải mang lấy tấm thân nầy hết đời nầy sang đời khác. Nói khác đi, kẻ xây dựng nên ngôi nhà nầy, chính là sự Ái tham từ bên trong thân tâm nầy, đã khiến ta tái sanh mãi để mang lấy thân xác.

- "Cứ mãi tái sanh, khổ sở thay!": Tại sao mãi tái sanh? Vì quá tham luyến vào thân xác, quá ham sống sợ chết, nên phải tái sanh để có thân xác mà sống. Tại sao lại khổ sở thay? Vì cuộc sống trong cảnh luân hồi sướng ít, khổ nhiều, như đã xét qua về Bát Khổ.

- "Ô kià! Anh thợ làm nhà!": đây là lời vui mừng vì đã tìm thấy ra điều mình đang tìm kiếm suốt nhiều đời kiếp qua mà chưa gặp được. Anh thợ làm nhà nào đó? Đó là kẻ khiến ta có được căn nhà nầy, tức là có tấm thân nầy; kẻ ấy chính là sự Ái tham, sự quyến luyến, tríu mến bám vào thân thể xác để được sống, dầu là sống mãi trong sự đau khổ.

- "Nay ta bắt gặp, khó mà xây thêm": Nhờ đâu mà bắt gặp được? Chính nhờ ở Trí huệ sáng suốt khám phá ra "anh thợ ấy" chẳng ở đâu xa, mà chính ngay bên trong ta, chính là sự Ái tham của ta. Đã ở bên trong ta, do ta tự tạo nên, thì sự ái tham cũng sẽ bị chính ta diệt bỏ đi, bởi thế cho nên "anh thợ làm nhà = Ái tham" đó mới "khó mà xây thêm" Xây thêm làm sao được, vì ta chẳng còn ham muốn căn nhà của anh nữa. Nói khác đi, kể từ nay, ta chẳng còn muốn tái sanh nữa.

- "Cây đòn tay bên thềm gẫy đổ": Cây đòn tay nào? Trên sườn nhà, cây đòn tay chống đỡ cả ngôi nhà, nghĩa bóng ở đây, chính là sự vô minh (= ngu tối); vì vô minh mà phải bị tái sanh; nay hết vô minh thì cũng như cây đòn tay bị gẫy đổ, làm gì mà dựng được căn nhà? Nói khác đi, ta nay đã được Trí huệ, thì vô minh bị vẹt tan, hết vì ngu muội mà tham ái nữa, hết vì mê lầm mà quá tríu mến vào thân xác nầy nữa.

- "Rui, mè, kèo, cột bỏ ngổn ngang": các vật liệu xây cất bị bỏ ngổn ngang chẳng được dùng nữa, thì làm sao mà cất nhà mới nổi? Nghĩa bóng của rui, mè, kèo, cột, ở đây là các lậu hoặc, phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi, v.v.

- "Ta nay chứng đắc Niết Bàn": "Chứng đắc Niết bàn" theo nghĩa dễ hiểu là gì? Đó là kể từ nay, ta chẳng phải còn tái sanh nữa, chứng được cõi vô sanh, sống mãi mãi với pháp thân (= tấm thân đạo lý, vô hình tướng, chẳng sanh mà chẳng diệt, hằng còn) trong cảnh an lạc và tịch-diệt.

- "Ái tham, dục vọng hoàn toàn tiêu vong": Khi ái tham và dục vọng đã mất bặt luôn khỏi tâm thì hành giả đã đắc được tâm thanh tịnh và chứng đắc quả vị A la hán, hoàn toàn giác ngộ và giải thoát.

HỌC TẬP:

1. Đọc thật kỹ Tích chuyện, ghi nhớ các điểm chánh, vì đó là lịch sử của đức Phật. Muốn xứng đáng là Phật tử, phải biết rõ lịch sử của đấng Từ Phụ.

2. Học thuộc lòng hai bài Kệ, vì đây là bài Chứng Đạo Ca của đức Phật Thích Ca; nghĩa lý thâm sâu giúp ta vững tin nơi Phật đạo và tinh tấn tu hành theo Chánh pháp.

3. Tích chuyện và hai bài Kệ là bản tóm tắt sơ lược tất cả giáo lý nhà Phật. Thiện Nhựt rất tiếc mình chẳng đủ sức để TÌM HIỂU gọn gàng và dễ đọc hơn như đã làm. Xin người đọc còn chỗ nào chưa rõ, nên đến thưa hỏi thêm các bực xuất gia cùng các thiện tri thức.


Hình ảnh

Làm, mà không thấy mình làm, tạm gọi tùy duyên mà làm (vô tác, Kinh Kim Cang)
Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.17 khách