Văn Tư Tu: 12 Nhân duyên

Cùng nhau học hỏi những bài giáo lý căn bản và kiến thức Phật học phổ thông.
Hình đại diện của người dùng
Luuuuuuuuuuuu
Bài viết: 385
Ngày: 01/03/09 20:21
Giới tính: Nam
Phật tử: Tại gia

Re: Văn Tư Tu: 12 Nhân duyên

Bài viết chưa xem gửi bởi Luuuuuuuuuuuu »

Kính Đạo hữu Thiennhan,
Thien Nhan đã viết:III. Bát-Nhã và Duyên Khởi

Các nhà nghiên cứu Phật học thường cho rằng Bát-nhã là yếu lý của Ðại thừa, là nền tảng của các kinh Bắc tạng. Nó là "Chân không Diệu hữu" mà không phải chỉ là "Chân không" như một số ý kiến phân biệt.

Bát-nhã Tâm Kinh chép: "Thấy năm uẩn là không (Vô ngã) thì liền thoát ly hết khổ ách" (Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thế khổ ách). Ngũ uẩn ấy là con người và pháp giới. Thấy pháp giới vô ngã thì sẽ lìa xa mọi chấp thủ mà đoạn tận khổ đau. Ðây là nội dung của Bát-nhã Tâm Kinh, cũng là nội dung kinh Kim Cương và của tạng Bát-nhã.

Kim Cương chỉ bày trí Bát-nhã rời hẳn tất cả ngã tướng. Chấp thủ các ngã tướng là gốc của vọng tưởng phân biệt, của vô minh; nên rời hẳn các ngã tướng là đoạn diệt vô minh. Ý nghĩa này là hệt với những gì được trình bày ở Duyên khởi.

Phương cách để thể nhập Không tánh (Kim Cang tánh hay Bát-nhã tánh, hoặc Không tướng, cũng thế) là quán sát các pháp hữu vi là mong manh, vô thường, để từ đó tâm ly tham, giải thoát sinh. Trong giải thoát này, một tuệ giác giải thoát khởi lên, biết rằng mình giải thoát, gọi là "giải thoát tri kiến".

Ðây là trí tuệ Bát-nhã mà nội dung chỉ là ái diệt, thủ diệt hay vô minh diệt của Duyên khởi.
tangbong tangbong tangbong

Theo Lu nhận thấy, việc tóm tắt, cô đọng như trên có vẻ không đầy đủ lắm về Kinh, cho nên Lu nhận thấy nên đề cập thêm Hệ thống kinh điển đề cập Bát nhã ba la mật để người đọc có thể tìm hiểu được nhiều hơn. Lu xin liệt kê theo như nội dung của Đại Trí Độ Luận - cuối tập 1 (http://quangduc.com/luan/34daitrido1-20 ... T-NH%C3%83):
KHÁI QUÁT SỰ TRUYỀN DỊCH KINH BÁT-NHÃ
KINH BÁT-NHÃ PHẠN BẢN
(Hiện còn 5 thứ)



1. Satasahasrika Prajnaparamita sutra (Bát-nhã 10 vạn bài tụng). Năm 1902 ông Prata pacandra Glosa tục san tại Gulcutta. Ông Rajendralala Mitra cho bản kinh này do 113.670 bài tụng chia làm 72 phẩm, tạo thành.

2. Astasahasrika Prajnaparamita (Bát-nhã 8.000 bài tụng) lấy bản chữ Phạn truyền ở Népal làm để bản. Ông Mitra xuất bản ở Gulentta (Giáp-cốc) cọng 32 phẩm, tương đương tiểu phẩm Bát-nhã.

3. Vajrashedika Prajnamita (Kim-cang Bát-nhã) tương đương Năng đoạn Kim-cang của Huyền Tráng dịch.

4. Paneavimsatisahasrika Prajnaparamita, hiện có 8 phẩm 28.000 bài tụng. Tương đương Đại phẩm Bát-nhã và Hội thứ hai trong Đại Bát-nhã kinh.

5. Prajnàparamita Brdayasutre (Bát-nhã tâm kinh).

BÁT-NHÃ HÁN DỊCH

(Có 10 thứ)

Kinh Bát-Nhã Hán dịch tổng cọng có 747 cuốn. Trong đó bộ Đại Bát-nhã do ngài Huyền Tráng dịch có 600 cuốn nói ở 4 chỗ gồm 16 Hội, 255 phẩm, 200.000 bài kệ. Bốn chỗ là: 1- Tại Linh-thứu sơn, 6 hội. 2- Thệ-đa-lâm, 8 hội. 3- Ma ni bảo điện ở Tha-hóa-tự-tại thiên, 1 hội. 4- Bên ao Bạch-hạc trong vườn Trúc-lâm, 1 hội.

1. TIỂU PHẨM BÁT-NHÃ

(Có 13 bản Hán Dịch)

1. Đạo hành Bát-Nhã 1 cuốn 1 phẩm. Trúc pháp hộ dịch năm 172 T.L (mất).

2. Bát-Nhã Đạo hành phẩm 10 (8) cuốn 30 phẩm. Chi-lâu-ca-sấm dịch năm 179 TL.

3. Đại Minh Độ Vô cực 6 (4) cuốn 30 phẩm. Chi Khiêm dịch năm223-228.

4. Ngô phẩm 5 cuốn 10 phẩm. Khang-tăng-hội dịch năm 251 (mất).

5. Tiểu phẩm 7 cuốn. Trúc-pháp-hội dịch năm 272 (mất).

6. Ma-ha Bát-Nhã Đạo hành, 2 cuốn. Vệ-sĩ-độ dịch năm 290-306 (mất).

7. Đại Trí Độ 4 cuốn. Kỳ-đà-mật dịch năm 317-420 (mất).

8. Ma-ha Bát-Nhã Ba-la-mật sao, 5 (4) cuốn, 13 phẩm. Đàm-ma-phật-hộ dịch năm 382.

9. Tiểu phẩm Bát-Nhã Ba-la-mật, 10 cuốn, 29 phẩm. Cưu-ma-la-thập dịch năm 408.

10. Đại Minh Độ 4 cuốn. Đạo Cung dịch năm 397-418 (mất).

11. Đại Bát-Nhã đệ tứ hội, 18 cuốn, 29 phẩm. Huyền Tráng dịch năm 660-663.

12. Phật mẫu xuất sanh tam pháp tạng Bát-Nhã Ba-la-mật, 25 cuốn, 32 phẩm. Thi-hộ dịch năm 980-1000.

13. Phật mẫu bảo đức Bát-Nhã Ba-la-mật 3 cuốn, 32 phẩm. Pháp Hiền dịch năm 980-1000.

2. ĐẠI PHẨM BÁT-NHÃ

(Có 4 bản dịch)

1. Phóng quang Bát-Nhã Ba-la-mật, 20 (30) cuốn, 90 phẩm, Vô-la-xoa dịch năm 291 T.L.

2. Quang Tán Bát-Nhã Ba-la-mật, 10 (15) cuốn, 21 (27) phẩm, Trúc-pháp-hộ dịch năm 286.

3. Ma-ha Bát-Nhã Ba-la-mật 27 (30) cuốn, 90 phẩm, Cứu-ma-la-thập dịch năm 403.

4. Đại Bát-Nhã kinh hội thứ hai, 78 cuốn, 85 phẩm. Huyền Tráng dịch năm 660.

3. NHÂN-VƯƠNG BÁT-NHÃ

(Có 2 bản dịch)

1. Nhân vương hộ quốc Bát-Nhã Ba-la-mật, 2 cuốn, 8 phẩm, Cứu-ma-la-thập dịch năm 403.

2. Đại Đường tân dịch Hộ quốc nhân vương Bát-Nhã kinh 2 cuốn 8 phẩm. Bất-không dịch năm 765.

4. KIM-CANG BÁT-NHÃ

(Có 6 bản dịch)

1. Kim-cang Bát-Nhã Ba-la-mật 1 cuốn. Cưu-ma-la-thập dịch.

2. Kim-cang Bát-Nhã Ba-la-mật 1 cuốn. Bồ-đề-lưu-chi dịch.

3. Kim-cang Bát-Nhã Ba-la-mật 1 cuốn. Chân-đế dịch.

4. Kim-cang Năng đoạn Bát-Nhã Ba-la-mật 1 cuốn. Đạt-ma-cấp-đa dịch.

5. Năng đoạn Kim-cang Bát-Nhã Ba-la-mật 1 cuốn. Huyền Trang dịch.

6. Năng đoạn Kim-cang Bát-Nhã Ba-la-mật 1 cuốn. Nghĩa Tịnh dịch năm 703.

5. BÁT-NHÃ TÂM KINH

(Có 11 bản dịch)

1. Ma-ha Bát-Nhã Ba-la-mật đại minh chú 1 cuốn. Cưu-ma-la-thập dịch.

2. Bát-Nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh 1 cuốn. Huyền Trang dịch.

3. Phật thuyết Bát-Nhã Ba-la-mật-đa tâm 1 cuốn. Nghĩa-Tịnh dịch.

4. Bát-Nhã Ba-la-mật-đa 1 cuốn. Bồ-đề-lưu-chi dịch năm 693.

5. Ma-ha Bát-Nhã tùy tâm 1 cuốn. Thật-xoa-nan-đà dịch năm 695.

6. Phổ-thông Trí-độ Bát-Nhã Ba-la-mật đa tâm 1 cuốn. Pháp Nguyệt dịch năm 738.

7. Bát-Nhã Ba-la-mật đa tâm1 cuốn (mất người dịch).

8. Bát-Nhã Ba-la-mật đa tâm,1 cuốn, Bát-nhã Cùng Lợi dịch.

9. Bát-Nhã Ba-la-mật đa tâm1 cuốn. Trí Tuệ luận dịch năm 487-859.

10. Thánh Phật mẫu Bát-Nhã Ba-la-mật-đa 1 cuốn, Thi-hộ dịch năm 980-1000.

11. Bát-Nhã Ba-la-mật đa-tâm 1 cuốn, Pháp Thành dịch.

6. NHU THỦ BÁT-NHÃ

(Có 3 bản dịch)

1. Nhu Thủ Bồ-tát Vô thượng thanh tịnh phân vệ, 2 cuốn. Nghiêm Phật Điều dịch năm 188.

2. Nhu Thủ Bồ-tát Vô thượng thanh tịnh phân vệ, 2 cuốn. Tường Công dịch năm 420 đến 478.

3. Đại Bát-Nhã kinh đệ bát hội, Huyền Trang dịch.

Văn-thù Bát-nhã có 3 bản dịch:

7. VĂN THÙ BÁT-NHÃ

(Có 3 bản dịch)

1. Văn-thù-sư-lợi sở thuyết Bát-Nhã Ba-la-mật, 2 cuốn, Mạn-đà-la dịch năm 506-511.

2. Văn-thù-sư-lợi sở thuyết Bát-Nhã Ba-la-mật, 1 cuốn, Tăng-giàø-la dịch năm 515 đến năm 520.

3. Đại Bát-Nhã kinh đệ thất hội, 2 cuốn, Huyền Trang dịch.

8. THẮNG THIÊN VƯƠNG BÁT-NHÃ

(Có 2 bản dịch)

1. Thắng thiên vương Bát-Nhã Ba-la-mật, 7 đến 16 cuốn, Nguyệt-bà-thủ-na dịch năm 565.

2. Đại Bát-Nhã kinh đệ lục hội, cuốn 3 đến cuốn 17, Huyền Trang dịch.

9. LÝ THỦ BÁT-NHÃ

(Có 5 bản dịch)

1. Đại Bát-Nhã kinh đệ thập hội, 1 cuốn, Huyền Tráng dịch.

2. Thật tướng Bát-Nhã Ba-la-mật, 1 cuốn, Huyền Tráng dịch.

3. Kim-cang-đảnh-Du-già Lý-thủ Bát-Nhã, kinh đệ thất hội, Bồ-đề-lưu-chi dịch.

4. Đại lạc kim-cang bất không chân thật Tam ma-gia kinh Bát-Nhã Ba-la-mật-đa Lý-thủ phẩm, 1 cuốn, Bất-Không dịch năm 720 đến 774.

5. Biến chiếu Ba-la-mật, 1 cuốn, Thi Hộ dịch

10. ĐẠI BÁT-NHÃ KINH

(600 cuốn, 275 phẩm. Huyền Trang dịch)

Trên đây, từ Tiểu phẩm đến Đại phẩm, Hán dịch gồm có 10 thứ. Ngoài ra còn có bản dịch của Tống Thi Hộ như: Phật thuyết liễu nghĩa Bát-Nhã Mật-đa kinh 1 cuốn, Phật thuyết Ngũ thập tụng Thánh Bát-Nhã Ba-la-mật kinh 1 cuốn, Phật thuyết Đế-thích Bát-Nhã Mật-đa Tâm kinh 1 cuốn, Phật thuyết Thánh mẫu Ba-la-mật-đa kinh 1 cuốn.

- Các bản dịch của Thiên Tức Tai như: Phật mẫu tiểu tự Ba-la-mật-đa kinh 1 cuốn, Phật thuyết quán tưởng Phật mẫu Bát-Nhã Ba-la-mật Bồ-tát đa kinh 1 cuốn.

- Bản dịch của Dung Tịnh v.v... như: Phật thuyết Viên giác tự tại Bát-nhã Ba-la-mật-đa kinh 4 cuốn.

- Bản dịch của Đường Bát-nhã Tam tạng như: Đại thừa Lý thú lục Ba-la-mật kinh 10 cuốn.

- Bản dịch của Tống Pháp Hiền như: Phật thuyết Tối thượng căn bản đại lạc Kim-cang Bất không tam muội đại giáo vương kinh 7 cuốn.

Các bản dịch trên, danh mục tuy khác nhau nhiều, nhưng đều thuộc hệ thống Bát-nhã bộ.

Còn có Nhân vương Bát-nhã kinh, mà theo các bản sớ của Thiên Thai, Viên Trắc thì có 3 bản dịch:

1. Nhân vương Bát-nhã kinh 2 cuốn. Trúc Pháp Hộ dịch năm 307-312 TL.

2. Phật thuyết Nhân vương hộ quốc Bát-nhã Ba-la kinh 2 cuốn. Cưu-ma-la-thập dịch năm 402 TL.

3. Nhân vương Bát-nhã kinh 2 cuốn. Chơn Đế dịch năm 525-545 TL.

Ngoài ra, theo Xuất tam tạng ký tập của Lương-tăng-hựu thì Bát-nhã Tâm kinh còn có một bản dịch tên là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật thần chú 1 cuốn, mất tên người dịch.

Hoặc trong Chúng kinh Mục lục được san định thời Châu Võ có ghi câu: “Ngô Chi Khiêm truyền dịch mật chú”.
Còn về câu khẳng định cuối cùng:
Ðây là trí tuệ Bát-nhã mà nội dung chỉ là ái diệt, thủ diệt hay vô minh diệt của Duyên khởi.
Lu nhận thấy cô đọng như vậy là tốt, tuy nhiên vẫn cần nên đề cập thêm những nội dung khác quan trọng không kém! Còn nếu chỉ nêu những tương đồng giữa Tánh không và duyên khởi, thì có thể áp dụng lý giải trong Trung Luận của Bồ Tát Long Thọ:

TRUNG LUẬN
(Madhyamaka Sastra)
Tác giả: Nagaruna
Dịch và chú giải: HT Thích Thiện Siêu
18. Pháp do các duyên sinh, ta nói tức là không, cũng là giả danh, và cũng là nghĩa trung đạo.
Ngoài ra, trong Đại Trí Độ Luận giải thích Bồ Tát (người phát tâm cầu Nhất Thiết Trí) tu tập về trí truệ Tánh không thì gọi là Bát nhã ba la mật. Thanh-văn, Duyên-Giác tuy có tu tập Tánh không nhưng không gọi là Bát nhã ba la mật.
Hỏi: Hết thảy kinh sách thế tục và chín mươi sáu thứ kinh của xuất gia ngoại đạo đều nói có thật tướng các pháp?. Lại trong tam Tạng pháp của Thanh-văn, cũng có nói thật tướng các pháp, sao không gọi đó là Bát-nhã Ba-la-mật, mà chỉ riêng thật tướng các pháp nói ở trong kinh này, được gọi là Bát-nhã Ba-la-mật?

Ðáp: Trong kinh sách thế tục, vì để làm an nước toàn gia, thân mạng thọ vui, cho nên chẳng phải thật. Ngoại đạo xuất gia đọa trong pháp tà kiến, tâm ưa đắm, cho nên cũng chẳng phải thật. Trong pháp Thanh-văn tuy có bốn đế, lấy vô thường, khổ, không, vô ngã quán thật tướng các pháp; vì trí tuệ không đầy đủ, không thông lợi, không thể vì độ hết thảy chúng sanh; không vì cầu được Phật pháp, nên tuy có thật trí tuệ mà không gọi Bát-nhã Ba-la-mật. Như nói: Phật vào và ra các tam muội, Xá-lợi-phất còn không nghe được tên nó huống là có thể biết được, vì cớ sao? Vì các A-la-hán, Bích-chi Phật khi mới phát tâm, không có nguyện lớn, không đại từ đại bi, không cầu hết thảy các công đức, không cúng dường hết thảy ba đời mười phương Phật, không cứu xét cầu biết thật tướng các pháp, mà chỉ cầu thoát khỏi khổ già bệnh chết. Còn các Bồ-tát từ khi mới phát tâm đã có thệ nguyện rộng lớn, có đại từ bi, cầu hết thảy các công đức, cúng dường hết thảy ba đời mười phương Phật, có lợi trí lớn, cầu thật tướng các pháp, trừ các thứ quán là tịnh quán, bất tịnh quán, thường quán, vô thường quán, lạc quán, khổ quán, không quán, thật quán, ngã quán, vô ngã quán. Xả bỏ các quán theo tâm lực vọng kiến như vậy, mà chỉ quán thật tướng của ngoại duyên là phi tịnh, phi bất tịnh, phi thường, phi vô thường, phi lạc, phi khổ, phi không, phi thật, phi ngã, phi vô ngã. Ðối các quán như vậy, không chấp trước, không thủ đắc, vì là pháp thế tục, không phải đệ nhất nghĩa. Thanh tịnh cùng khắp, không phá không hoại là chỗ các Thánh nhân hành, ấy gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.
Và những giải thích sâu rộng khác.

Theo Lu, nhận thấy công việc cô đọng thật tốt, nhưng có thể chỉ ở trong một giai đoạn là phù hợp.

Chỉ đơn giản là thiển ý với vài lời nếu có thể được gọi là bổ sung.

Cám ơn Đạo hữu vì đề tài.

Kính Đạo hữu!


Tánh tất cả pháp không có ngã
Dường như tiếng vang trong hang núi
Đều từ các duyên hoà hiệp sanh
Tất cả chúng sanh bổn vô tánh
Không có tác giả không thọ giả


Kinh Pháp Hội Vô Tận Ý Bồ Tát
Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Văn Tư Tu: 12 Nhân duyên

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

V. Pháp Hoa và Duyên Khởi

Chân lý Pháp Hoa, hay tri kiến Phật, là nội dung được trình bày qua 28 phẩm kinh. Thiên Thai tông phân chia nội dung ấy làm hai phần: Tích môn, phần 14 phẩm đầu, là con đường giáo hóa của đức Thích Tôn biểu hiện trên cuộc đời này; và Bản môn gồm 14 phẩm sau, chỉ cái gốc của sự biểu hiện trên. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy tinh lý của Pháp Hoa ngay từ phẩm Tựa.

Mở đầu, kinh Pháp Hoa trình bày Thế Tôn nhập "Vô lượng nghĩa xứ định" rồi xuất "Vô lượng nghĩa xứ định" mới tuyên thuyết Pháp Hoa. Vô lượng nghĩa thì thoát ly ý nghĩa, thoát ly niệm. Thoát ly niệm là rời tất cả tướng. Nói cách khác, thật tướng của các pháp là vô ngã tướng. Ðây là những gì đã được nói từ Duyên khởi.

Trong ba điều kiện để tuyên thuyết Pháp Hoa ("nhập Như Lai thất, trước Như Lai y, và toạ Như Lai tòa") của một Pháp sư, Pháp Hoa định nghĩa an trú vào chỗ "Nhất thiết pháp không" là "Ngồi tòa Như Lai". Không ấy là Vô tự tính, hay Vô ngã tính; nó chính là Duyên sinh tính của các pháp. Cùng một ý nghĩa này, phẩm Phương tiện chép:

"Chư Phật Lưỡng Túc tôn
Tri Pháp thường Vô tánh
Phật chủng tùng Duyên khởi
Thị cố thuyết nhất thừa...."

Nghĩa là:

Chư vị Phật, chư vị Trí, Hạnh (Bi)
Biết pháp luôn vẫn Vô tánh
Quả Phật do từ duyên mà khởi
Cho nên bảo là Nhất thừa.

Giác ngộ tối thượng của chư Thế Tôn là giác ngộ thực tánh Vô tánh của các pháp, và giác ngộ sự thật rằng "Quả Phật" cũng từ duyên mà phát khởi.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Rơi Từ Cây Xuống

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

103. Rơi Từ Cây Xuống

Nếu dựa vào kinh điển thì ta có thể phân tích thập nhị nhân duyên ra thành: Vô minh sinh ra hành nghiệp, hành nghiệp sinh ra thức, thức sinh ra danh sắc, danh sắc sinh ra lục nhập, lục nhập sinh ra xúc, xúc sinh ra thọ, thọ sinh ra ái, ái sinh ra thủ, thủ sinh ra hữu, hữu sinh ra sinh, sinh sinh ra già, đau, chết và tất cả những khổ đau khác. Nhưng trên thực tế, khi tiếp xúc với vật gì ta không ưa thích thì đau khổ phát sinh ngay tức khắc. Tâm xuyên qua chuỗi thập nhị nhân duyên một cách thật nhanh chóng khiến ta không thể nào theo kịp. Như trường hợp rơi từ trên cây xuống. Trước khi biết được chuyện gì xảy ra thì... "Bụp", ta đã nằm ngay dưới đất. Thật ra, trước khi chạm đất ta đã xuyên qua nhiều cành lá, nhưng vì sự rơi quá nhanh khiến ta không thể nào đếm kịp hay nhớ hết trong lúc đang rơi. Cũng giống trường hợp thập nhị nhân duyên. Nỗi đau khổ tức khắc mà chúng ta kinh nghiệm là kết quả của một chuổi dài xuyên qua thập nhị nhân duyên. Đó là lý do tại sao Đức Phật khuyên nhủ hàng môn đệ phải quán chiếu và hiểu rõ tâm mình để có thể biết mình trước khi đụng mặt đất.

Giữa việc nghiên cứu giáo pháp và thực hành giáo pháp có nhiều sự khác biệt. Chân giáo pháp phải học hỏi là tìm một con đường để thoát khỏi sự bất ưng ý, thoát khỏi sự đau khổ của đời sống và đạt được hạnh phúc bình an cho chính mình cùng tất cả chúng sanh. Khi tâm an tịnh, tức là nó đang ở trong điều kiện bình thường. Khi tâm di động thì tư tưởng hình thành. Hạnh phúc hay đau khổ là một phần của tâm hoạt động này, bất an và tham ái cũng được hình thành như thế. Nếu bạn không hiểu rõ đặc tính luôn luôn di động của tâm thì bạn sẽ săn đuổi theo tư tưởng hình thành mãi và trở thành nạn nhân của nó. Thế nên, Đức Phật dạy chúng ta hãy quán sát hoạt động của tâm, theo dõi tâm di chuyển. Khi theo dõi tâm, ta sẽ thấy được những đặc tính căn bản của tâm. Đó là: vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Bạn nên tỉnh thức và quán sát những hiện tượng tâm lý này. Bằng cách quán sát, theo dõi bạn có thể học được tiến trình của nhân duyên. Đức Phật dạy rằng vô minh là nhân phát sinh ra hành nghiệp và mọi hiện tượng. Hành nghiệp hay sự chủ ý này phát sinh ra thức và thức lại là nhân của thân và tâm. Đó là tiến trình của nhân duyên.

Khi bắt đầu nghiên cứu Phật giáo, ta thấy rằng lối dạy theo truyền thống kinh điển đem lại nhiều lợi ích. Nhưng khi thấy được tiến trình diễn ra bên trong, ta mới thấy rõ tầm quan trọng của sự thực hành. Những kẻ chỉ học pháp học mà không thực hành thì không thể nào theo kịp sự mau lẹ của tiến trình này. Dĩ nhiên tiến trình của tâm được kinh điển hệ thống hóa và mô tả rõ ràng, nhưng kinh nghiệm là kiến thức thực nghiệm vượt ra ngoài sách vở học hỏi. Sách vở không thể mô tả cho chúng ta biết những gì chỉ được biết đến bằng kinh nghiệm. Làm sao sách vở có thể diễn tả cho ta biết: đây là những cảm giác phát sinh, đây là tác ý, đây là một loại tâm đặc biệt, đây là sự khác biệt của thân và tâm v.v... Cũng như khi bạn trèo cây và bị rơi xuống đất, bạn không thể biết được bạn đã rơi bao nhiêu thước, bao nhiêu tấc, đã xuyên qua bao nhiêu cành lá trước khi chạm mặt đất. Bạn chỉ biết bạn rơi xuống đất và thấy đau mà thôi. Không sách vở nào mô tả được cảm giác lúc ta đang rơi và cảm giác đau khi ta chạm đất. Sách vở nghiên cứu giáo pháp được hệ thống hóa và làm cho rõ ràng. Nhưng thực tế không chỉ đi theo một lối đơn giản.

Bởi thế, chúng ta phải dùng trí tuệ sâu xa của mình để nghiệm xem cái gì đã khởi sinh trong tâm người giác ngộ. Người giác ngộ hiểu biết qua kinh nghiệm của họ rằng, tâm không phải là ta, không phải là tự ngã của ta. Khi nói cho chúng ta biết tên của các loại tâm và tâm sở, Đức Phật không muốn cho chúng ta dính mắc vào ngôn từ. Ngài chỉ muốn chúng ta thấy tất cả đều vô thường, khổ và vô ngã. Ngài dạy chúng ta hãy buông bỏ tất cả. Khi các pháp phát sinh hãy chánh niệm, biết chúng. Tâm thực hiện được sự ghi nhận giác tỉnh này mới là tâm được huấn luyện đúng cách. Khi tâm bị khuấy động thì nhiều loại tâm, tâm sở, phản ứng v.v... hình thành và nẩy nở liên tục. Cho dù tâm tốt hay tâm xấu, ta cũng chỉ theo dõi và để chúng như thế. Đức Phật chỉ dạy đơn giản: "Vất bỏ hết". Nhưng ta không thể vất bỏ chúng ngay được đâu! Hãy tinh cần quán sát theo dõi hiểu rõ tâm mình, để biết làm thế nào để vất bỏ chúng.
Bài này, khuyến tấn cho các hành giả học nhiều kinh điển mà không thực hành áp dụng vào đời sống bằng 3 pháp (Vô thường, khổ, vô ngã). Thì dầu có nói ngàn lời cũng không bằng thực hành đúng một câu chánh pháp.

Có kệ về người đa văn:

Đâu phải do tài hùng biện,
Hay vì đẹp đẽ sắc diện.
Mà thành được người hiền thiện.
Nếu tâm còn ít kỷ trong lòng...

Hởi! Các hiền giả nào ý thức việc làm bấy lâu nay, nhân vì tạp khí "ganh tỵ, cao mạn hơn thua vẫn còn, thì hãy tự sám hối cho mình". Như một bực hiền trí.

Theo thứ tự từ chút từ chút, gọt sạch bợn nhơ ra khỏi lòng mình. Như thợ kim hoàn lọc vàng hết cặn.

Đó mới thật sự là một người Phật tử chân chánh. Sống trong ngôi nhà chánh pháp.


Hình đại diện của người dùng
Thien Nhan
Bài viết: 2574
Ngày: 27/03/10 05:07
Giới tính: Nam

Re: Văn Tư Tu: 12 Nhân duyên

Bài viết chưa xem gửi bởi Thien Nhan »

Những cách giải thích khác nhau về mười hai chi phần nhân duyên

Các nhà nghiên cứu Phật học thường có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau qua 12 chi phần nhân duyên. Tại sao?

- Bởi vì Duyên sinh tính là pháp tính của mọi hiện hữu, nên tính Duyên sinh ấy có thể biểu hiện qua ba dòng thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai), qua chỉ một dòng hiện tại, hoặc qua chỉ một sát-na, hay qua bất cứ một hiện hữu nào, chẳng hạn là qua thân ngũ uẩn. Ðây là lý do của các cách cắt nghĩa khác nhau ấy về mười hai chi nhân duyên, tùy theo góc cạnh nhìn của người khảo sát.

- Có nhà nghiên cứu ghép hai chi phần vô minh và hành thuộc về đời sống quá khứ, tám chi phần tiếp theo thuộc đời sống hiện tại, hai chi phần sau cùng thuộc đời sống vị lai. Ðối với hiện tại, vô minh và hành là nhân, tám chi phần hiện tại là quả, đối với vị lai, tám chi phần hiện tại là nhân, hai chi phần vị lai là quả.

Ðấy là nhìn Duyên khởi biểu hiện qua ba đời.

- Có nhà nghiên cứu giải thích rằng: Do vô minh và hành là nghiệp vụ tạo tác trong quá khứ mà tạo ra nghiệp thức đi đầu thai (vào thai mẹ). Tiếp theo, giai đoạn tượng thai là giai đoạn hình thành danh sắc (nếu không có thức thì quyết định danh sắc không thể hình thành. Ngay cả khi hình thành, nếu thức diệt, thì danh sắc cũng diệt). Giai đoạn thai nhi đầy đủ các căn gọi là giai đoạn lục nhập. Giai đoạn trẻ bú nớm là giai đoạn của xúc. Giai đoạn của trẻ từ 3 đến 5 tuổi là giai đoạn của thọ (trẻ biết cảm thọ, đòi hỏi). Năm giai đoạn trên (từ thức đến thọ) là sự biểu hiện của nghiệp quá khứ, trẻ chưa tác ý thiện, ác, để tạo nên nghiệp hiện tại. Từ 6 tuổi trở đi, trẻ cảm nghiệm vui, buồn, khổ, lạc, ưa, ghét, v.v... là giai đoạn hình thành ái, thủ, hữu. Trẻ tạo nghiệp ở giai đoạn ái, hữu này để dẫn đến một đời sống mới ở tương lai (sinh và lão tử).

- Cũng có nhà nghiên cứu nhìn 12 nhân duyên biểu hiện ngay trong hành động và cảm nghiệm hiện tại. Do vô minh, nhận lầm các pháp Vô ngã thành có ngã tướng; từ phân biệt có ngã tướng dẫn đến các hành (hành động của thân, khẩu, ý); do các hành, thức được nuôi dưỡng. Do thức có mặt, danh sắc được hình thành; do danh sắc có mặt, lục nhập có mặt; do có lục nhập mà xúc sinh; do từ xúc, các cảm thọ khổ, lạc.... sinh. Do cảm thọ, ưa, ghét, sinh; do tham ái các đối tượng khả ý, chấp thủ đối tượng sinh; do chấp thủ các đối tượng; có mặt (hữu) sinh. Sự có mặt các đối tượng gọi là sinh; sự thay đổi và biến mất các đối tượng gọi là lão tử. Do lòng tham ái muốn nắm giữ các đối tượng khả ý giữa khi chúng đi đến hoại diệt mà sầu, bi, khổ, ưu, não sinh....

- Cũng có nhà nghiên cứu nhìn 12 nhân duyên cùng có mặt trong từng hiện hữu, trong từng sát-na hiện hữu.

Các pháp dù lớn như pháp giới, hay nhỏ như hạt bụi, có mặt là mười hai chi phần nhân duyên có mặt trong từng sát-na. Không phải mười hai chi phần ấy tuần tự sinh khởi theo thứ tự thời gian hay không gian nào. Lối nhìn này rất sống động và rất là thiện xảo.

Sau các giải thích khác nhau về mười hai chi phần nhân duyên, chúng ta đi vào tìm hiểu các chủ trương khác nhau về Duyên khởi, như là Nghiệp cảm Duyên khởi, Tứ đại Duyên khởi, Lục đại Duyên khởi, Chân như Duyên khởi, A-lại-da (Alaya) Duyên khởi và Pháp giới Duyên khởi.


Trả lời

Đang trực tuyến

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào trực tuyến.17 khách