Biển Đông dậy sóng & thái độ của người Phật tử
Đã gửi: 26/05/14 22:03
Đúng vào dịp Việt Nam đón chào bạn bè năm châu về dự Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình thì Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và những cam kết giữa lãnh đạo hai nước, kéo giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) cụ thể hóa cho việc xâm phạm trắng trợn lãnh hải nước ta sau khi đã vẽ ra đường lưỡi bò phi lý chiếm gần trọn Biển Đông, gây bất ổn cho an ninh và hòa bình tại khu vực.
Bằng một thái độ chừng mực và các phản ứng phù hợp, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) đã kêu gọi các đại biểu Phật giáo ở các truyền thống khác nhau ủng hộ chính nghĩa và khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam nói chung và người Phật tử Việt Nam nói riêng. Do đó, rất kịp thời, Tuyên bố chung Ninh Bình tại Lễ bế mạc Đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc chiều ngày 10-5-2014 đã đồng thuận nhấn mạnh:
“Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lực pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác trong việc phê chuẩn các công ước của Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình và ổn định thế giới”.
Ngay sau đó, trong Thông điệp về hòa bình tại Biển Đông, Đức Pháp chủ GHPGVN của chúng ta cũng nêu rõ:
“Trên tinh thần từ bi và yêu chuộng hòa bình, chúng tôi kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thông qua các hành động cụ thể, kêu gọi chư vị tôn túc lãnh đạo, Tăng Ni, Phật tử Phật giáo trên thế giới, kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc hãy cùng nhau lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện các cam kết theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia lân bang trong đó có Việt Nam chúng tôi. Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xin gửi lời tri ân đến chư vị tôn túc lãnh đạo, Tăng Ni, Phật tử Phật giáo trên thế giới, tri ân tất cả những tấm lòng nhân hậu, yêu hòa bình và độc lập tự do”.
Việt Nam là một dân tộc từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và tàn bạo đến từ phương Bắc, nhưng người Việt từ bao đời vẫn nuôi dưỡng khát vọng hòa bình, độc lập tự chủ để dân cường nước thịnh. Đạo Phật ngay từ khi du nhập vào Việt Nam đã đồng cam cộng khổ cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên mọi diễn giải cho con đường giác ngộ của các cá nhân đều bắt đầu từ sự an nguy và bình yên của dân tộc. Chỉ có sống yên bình, con người mới có thể tu tập và làm những việc lợi ích cho chúng sinh.
Nhận thức được giá trị đó, người Phật tử Việt Nam trong mọi thời đại đều coi vận mệnh quốc gia dân tộc như vận mệnh của chính Phật giáo. Dân tộc thịnh thì Phật giáo thịnh, dân tộc suy thì Phật giáo suy. Cũng vì lẽ đó mà lòng trắc ẩn về hòa bình luôn hiện diện mỗi khi đất nước nguy biến trước cảnh nội thù, ngoại xâm. Người Phật tử có quyền biểu hiện lòng yêu nước yêu đạo của mình mỗi khi đạo pháp và dân tộc gặp cảnh nguy biến.
Nhưng như chúng ta đã biết qua các phương tiện truyền thông, việc phản ứng trước hành vi xâm lăng của Trung Quốc theo chiều hướng bạo loạn, cướp phá trong những ngày qua ở một số tỉnh thành Việt Nam đã cho ra những hình ảnh phản cảm, đáng lên án, bởi chúng được dẫn dắt bởi những động cơ thiếu trong sáng và những hành động vô trách nhiệm với an nguy của đất nước. Chúng ta không thể xây dựng hòa bình trên những hành vi bạo lực ấy. Vì vậy, bất cứ ai cũng có quyền nghi ngờ và lên án những hành vi bạo lực nhân danh lòng yêu nước kia.
Yêu chuộng hòa bình chính là thực hành lòng từ bi, bất bạo động của Đức Phật, không chỉ với đồng bào mình mà với cả các dân tộc anh em. Chúng ta dù là người Việt hay người Hoa đều vô tội trước những mưu toan cuồng vọng của chủ nghĩa đế quốc bành trướng mà những bộ óc hoang tưởng đưa ra.
Rõ ràng những kẻ theo chủ nghĩa bành trướng bá quyền đang muốn thế giới nhìn thấy đất nước chúng ta bất ổn, không yên bình, như thế người Phật tử chúng ta càng phải cho họ thấy cuộc sống của chúng ta vẫn diễn ra bình thường, người dân vẫn hăng say lao động, học tập, vẫn biểu thị lòng yêu nước chính đáng của mình một cách thiết thực nhất. Ngoài ra, chúng ta cần đọc lại lịch sử chống ngoại xâm của ông cha, làm sao cho người dân Trung Quốc và người dân tiến bộ trên thế giới thấy càng nhiều sự thật lịch sử càng tốt, để họ ủng hộ nền hòa bình độc lập, cũng như chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước chúng ta.
Hệ thống những giá trị và quy tắc ứng xử của đạo Phật là hòa bình và bất bạo động, do đó tất cả những hành vi bạo loạn, bạo động gây bất an cho xã hội, cộng đồng, dù đứng dưới bất cứ danh nghĩa gì cũng đi ra ngoài những giá trị của đạo Phật. Điều quan trọng mà người Phật tử cần làm lúc này, chính là ngoài việc tích cực lao động và học tập, thì dành thời gian thể hiện thật đẹp những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam, để bạn bè trong nước và quốc tế biết Việt Nam xứng đáng nhận được sự ủng hộ của họ. Muốn như vậy chúng ta phải điều chỉnh thái độ ứng xử, biểu hiện lòng yêu nước, yêu đạo một cách ôn hòa, không đi vào vết xe đổ như những hành vi ứng xử bạo loạn mà một bộ phận người dân Trung Quốc đã làm đối với các công ty và công dân Nhật Bản sau khi tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) diễn ra.
Trung Quốc đã ngụy biện, đổi trắng thay đen sự thật, thì Việt Nam càng phải công khai làm sáng tỏ những sự thật đang diễn ra trên đất nước mình, để bạn bè quốc tế và chính nhân dân Trung Quốc thấy rằng Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, đề cao nhân nghĩa, hòa bình.
Tổ tiên nhiều đời của chúng ta, khi đối mặt với các cuộc xâm lược quy mô lớn nhỏ khác nhau đều ý thức rất rõ điều lợi hại đó, để làm sao đất nước được hòa bình, nhân dân được an cư lạc nghiệp. Có thể có những quan điểm Phật giáo xét về tổng thể tỏ ra chưa thích hợp trong tình thế của từng dân tộc, song bằng những nhận thức chung nhất có thể, người Phật tử luôn ý thức rằng cảnh nồi da xáo thịt là cảnh giới của địa ngục, con người có lương tri không bao giờ khuyến khích và cổ võ điều đó. Tuệ Trung Thượng Sĩ, vị thầy của vua Trần Nhân Tông đã nói: “Đa tàm thân trọc phùng thì trọc. Tiểu lại tâm thanh ngộ quốc thanh” (Đã thẹn nhiều cho tấm thân nhơ đục, gặp thời buổi nhơ đục. May thay còn nhờ có chút lòng trong sạch, gặp được nước nhà trong sạch”.
Một dân tộc văn hiến, văn minh là một dân tộc biết tôn trọng sự sống, độc lập chủ quyền và quyền mưu sinh chính đáng của các dân tộc, cộng đồng khác. Trung Quốc đã không thể trỗi dậy bằng hình ảnh đó như họ đã từng miệng lưỡi công bố. Do đó, trong tình thế này, một quốc gia tự cường phải là quốc gia trong sạch, trong mọi hoàn cảnh con người phải biết giữ lòng trong sạch. Đó mới chính là quốc gia mà không có thế lực ngoại bang nào có thể xâm phạm được.
Thích Thanh Thắng
Giác Tâm, ngày 19-5-2014
(Theo Giác Ngộ Online)
Bằng một thái độ chừng mực và các phản ứng phù hợp, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) đã kêu gọi các đại biểu Phật giáo ở các truyền thống khác nhau ủng hộ chính nghĩa và khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam nói chung và người Phật tử Việt Nam nói riêng. Do đó, rất kịp thời, Tuyên bố chung Ninh Bình tại Lễ bế mạc Đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc chiều ngày 10-5-2014 đã đồng thuận nhấn mạnh:
“Đôn đốc các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và quyền lực pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình khác trong việc phê chuẩn các công ước của Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế để duy trì hòa bình và ổn định thế giới”.
Ngay sau đó, trong Thông điệp về hòa bình tại Biển Đông, Đức Pháp chủ GHPGVN của chúng ta cũng nêu rõ:
“Trên tinh thần từ bi và yêu chuộng hòa bình, chúng tôi kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thông qua các hành động cụ thể, kêu gọi chư vị tôn túc lãnh đạo, Tăng Ni, Phật tử Phật giáo trên thế giới, kêu gọi Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc hãy cùng nhau lên tiếng ủng hộ chính nghĩa, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện các cam kết theo đúng các quy định của luật pháp quốc tế. Yêu cầu Chính phủ Trung Quốc thực hiện trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia lân bang trong đó có Việt Nam chúng tôi. Thay mặt Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xin gửi lời tri ân đến chư vị tôn túc lãnh đạo, Tăng Ni, Phật tử Phật giáo trên thế giới, tri ân tất cả những tấm lòng nhân hậu, yêu hòa bình và độc lập tự do”.
Việt Nam là một dân tộc từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và tàn bạo đến từ phương Bắc, nhưng người Việt từ bao đời vẫn nuôi dưỡng khát vọng hòa bình, độc lập tự chủ để dân cường nước thịnh. Đạo Phật ngay từ khi du nhập vào Việt Nam đã đồng cam cộng khổ cùng với những thăng trầm của lịch sử dân tộc, nên mọi diễn giải cho con đường giác ngộ của các cá nhân đều bắt đầu từ sự an nguy và bình yên của dân tộc. Chỉ có sống yên bình, con người mới có thể tu tập và làm những việc lợi ích cho chúng sinh.
Nhận thức được giá trị đó, người Phật tử Việt Nam trong mọi thời đại đều coi vận mệnh quốc gia dân tộc như vận mệnh của chính Phật giáo. Dân tộc thịnh thì Phật giáo thịnh, dân tộc suy thì Phật giáo suy. Cũng vì lẽ đó mà lòng trắc ẩn về hòa bình luôn hiện diện mỗi khi đất nước nguy biến trước cảnh nội thù, ngoại xâm. Người Phật tử có quyền biểu hiện lòng yêu nước yêu đạo của mình mỗi khi đạo pháp và dân tộc gặp cảnh nguy biến.
Nhưng như chúng ta đã biết qua các phương tiện truyền thông, việc phản ứng trước hành vi xâm lăng của Trung Quốc theo chiều hướng bạo loạn, cướp phá trong những ngày qua ở một số tỉnh thành Việt Nam đã cho ra những hình ảnh phản cảm, đáng lên án, bởi chúng được dẫn dắt bởi những động cơ thiếu trong sáng và những hành động vô trách nhiệm với an nguy của đất nước. Chúng ta không thể xây dựng hòa bình trên những hành vi bạo lực ấy. Vì vậy, bất cứ ai cũng có quyền nghi ngờ và lên án những hành vi bạo lực nhân danh lòng yêu nước kia.
Yêu chuộng hòa bình chính là thực hành lòng từ bi, bất bạo động của Đức Phật, không chỉ với đồng bào mình mà với cả các dân tộc anh em. Chúng ta dù là người Việt hay người Hoa đều vô tội trước những mưu toan cuồng vọng của chủ nghĩa đế quốc bành trướng mà những bộ óc hoang tưởng đưa ra.
Rõ ràng những kẻ theo chủ nghĩa bành trướng bá quyền đang muốn thế giới nhìn thấy đất nước chúng ta bất ổn, không yên bình, như thế người Phật tử chúng ta càng phải cho họ thấy cuộc sống của chúng ta vẫn diễn ra bình thường, người dân vẫn hăng say lao động, học tập, vẫn biểu thị lòng yêu nước chính đáng của mình một cách thiết thực nhất. Ngoài ra, chúng ta cần đọc lại lịch sử chống ngoại xâm của ông cha, làm sao cho người dân Trung Quốc và người dân tiến bộ trên thế giới thấy càng nhiều sự thật lịch sử càng tốt, để họ ủng hộ nền hòa bình độc lập, cũng như chủ quyền bất khả xâm phạm của đất nước chúng ta.
Hệ thống những giá trị và quy tắc ứng xử của đạo Phật là hòa bình và bất bạo động, do đó tất cả những hành vi bạo loạn, bạo động gây bất an cho xã hội, cộng đồng, dù đứng dưới bất cứ danh nghĩa gì cũng đi ra ngoài những giá trị của đạo Phật. Điều quan trọng mà người Phật tử cần làm lúc này, chính là ngoài việc tích cực lao động và học tập, thì dành thời gian thể hiện thật đẹp những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam, để bạn bè trong nước và quốc tế biết Việt Nam xứng đáng nhận được sự ủng hộ của họ. Muốn như vậy chúng ta phải điều chỉnh thái độ ứng xử, biểu hiện lòng yêu nước, yêu đạo một cách ôn hòa, không đi vào vết xe đổ như những hành vi ứng xử bạo loạn mà một bộ phận người dân Trung Quốc đã làm đối với các công ty và công dân Nhật Bản sau khi tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) diễn ra.
Trung Quốc đã ngụy biện, đổi trắng thay đen sự thật, thì Việt Nam càng phải công khai làm sáng tỏ những sự thật đang diễn ra trên đất nước mình, để bạn bè quốc tế và chính nhân dân Trung Quốc thấy rằng Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, đề cao nhân nghĩa, hòa bình.
Tổ tiên nhiều đời của chúng ta, khi đối mặt với các cuộc xâm lược quy mô lớn nhỏ khác nhau đều ý thức rất rõ điều lợi hại đó, để làm sao đất nước được hòa bình, nhân dân được an cư lạc nghiệp. Có thể có những quan điểm Phật giáo xét về tổng thể tỏ ra chưa thích hợp trong tình thế của từng dân tộc, song bằng những nhận thức chung nhất có thể, người Phật tử luôn ý thức rằng cảnh nồi da xáo thịt là cảnh giới của địa ngục, con người có lương tri không bao giờ khuyến khích và cổ võ điều đó. Tuệ Trung Thượng Sĩ, vị thầy của vua Trần Nhân Tông đã nói: “Đa tàm thân trọc phùng thì trọc. Tiểu lại tâm thanh ngộ quốc thanh” (Đã thẹn nhiều cho tấm thân nhơ đục, gặp thời buổi nhơ đục. May thay còn nhờ có chút lòng trong sạch, gặp được nước nhà trong sạch”.
Một dân tộc văn hiến, văn minh là một dân tộc biết tôn trọng sự sống, độc lập chủ quyền và quyền mưu sinh chính đáng của các dân tộc, cộng đồng khác. Trung Quốc đã không thể trỗi dậy bằng hình ảnh đó như họ đã từng miệng lưỡi công bố. Do đó, trong tình thế này, một quốc gia tự cường phải là quốc gia trong sạch, trong mọi hoàn cảnh con người phải biết giữ lòng trong sạch. Đó mới chính là quốc gia mà không có thế lực ngoại bang nào có thể xâm phạm được.
Thích Thanh Thắng
Giác Tâm, ngày 19-5-2014
(Theo Giác Ngộ Online)